Nhớ Ai Đó Đến Kiệt Quệ

Chương 96 - Ngoại Truyện

/96


Dưới đây là tổng hợp một số ngoại truyện nhím đã đăng. Truyện đã được phát hành sách giấy vào tháng 03 năm 2018, với tên mới là Nhớ Ai Đó Đến Kiệt Quệ !

...Đỡ nóng chưa?...

Bảy tháng hai mươi mốt ngày mà mợ tưởng như mười bảy tháng không bằng. Cơ mà đâu có ai chửa lâu như thế đâu nhỉ? Chửa thế có mà chết! Mợ đang mệt lắm đây này, càng về đêm càng đau nhức nóng nực, ngủ chả nổi kêu ca suốt.

- Nhỡ may đẻ xong mà chưa giảm được cân mà nó béo phệ ra ý, cậu hai còn thèm nhìn tôi nữa không?

- Thế bây giờ mợ không béo hả?

- Vậy chắc cậu bỏ tôi chứ gì?

- Sao tôi phải bỏ?

- Ừ ha, cậu chỉ việc rước bà mới về thôi chứ việc gì phải bỏ, mấy chục người làm cậu còn nuôi được nữa là tôi.

Mợ dạo này nói năng tầm bậy tầm bạ lắm, cậu thì chả buồn tranh luận nên tay vẫn đưa chiếc quạt nan đều đều giúp mợ hạ hoả, chậm rãi trình bày.

- Tôi không rước, tôi không muốn kháng chỉ.

- Cơ mà nếu cậu thèm hơi gái cậu có thể tới lầu xanh chơi bời được mà, gớm thấy Trấn thủ má mì chả đón nhiệt tình ra ý. Cậu nhiều tiền như vậy thì xây thêm gia trang bên ngoài trấn dễ như không, đón chục bà về cũng được.

- Sổ sách mợ quản hết rồi còn gì?

- Ôi chao, tôi bụng mang dạ chửa thế này có xem được hết đâu, cậu lén lấy lúc nào tôi biết sao được?

- Cảm ơn mợ đã mách nước!

- Khỏi khách khí...ơ...ơ...cậu đi đâu đấy?

- Tôi xuống kho lấy bạc ra lầu xanh chơi!

- Cậu không ở nhà quạt cho tôi nữa à?

- Không.

- Nhưng tôi nóng lắm!

- Kêu con Quế lên.

- Nhưng nó quạt không sướng.

- Kệ mợ.

Giọng cậu lạnh lùng quá chừng, mợ hối hận khủng khiếp, năn nỉ ỉ ôi mãi mà không xong. Cậu đi nhanh quá, mợ đuổi chả kịp, đuối sức ngồi tựa cái cột nhà thở hồng hộc. Mợ tính nghỉ tạm một lát, ai dè chưa kịp đứng dậy đã thấy cậu hai xuất hiện, mắt lườm mợ nhưng tay vẫn quạt đều đều, hoá ra cậu đi tìm cái quạt mới, cậu còn cầm theo cả cái chiếu cói trải ngoài hiên, rủ mợ nằm bên ngoài một lúc cho thoáng.

- Đỡ nóng chưa?

Cậu hỏi. Mợ gật đầu lia lịa. Mát hết cả người đi ý, mát da mát dẻ một phần, mát ruột mát gan mười phần.

********************

...Ai đó nhớ con đến kiệt quệ...

Trong ba mợ nhà Trấn thủ con thương mợ Trâm nhất, không phải vì con là con ở của mợ, mà là vì mợ dễ cưng, cảm giác dễ gần kiểu như con có thêm chị gái đó. Mợ là mợ lớn nhưng mợ xuề xoà dễ tính ý, buồn cười cái hôm ngồi ăn cơm mợ cứ húp canh sùm sụp chứ, con ngại quá định chạy qua nhắc nhỏ mợ, nhưng hình như mợ cũng tự nhận ra rồi.

Má mợ đỏ ửng nhòm trái ngó phải, sau khi quan sát mợ Thuỳ mợ Quyên kỹ càng mới từ tốn đặt bát xuống bàn, dùng chiếc muôi nhỏ múc từng thìa canh thưởng thức, uống xong lại từ tốn dùng khăn tay chấm chấm khoé môi. Cậu hai nom thấy ho sặc sụa, miệng còn cong cong, nom dễ thương gì đâu.

Cậu hay thích trêu mợ lắm, rất hay bẹo eo mợ. Nhiều lúc mợ ngồi thao thao bất tuyệt với con, cậu tới từ khi nào rồi nhưng vẫn nháy mắt ý không cho con lên tiếng, cậu lặng lẽ đứng sau nghe mợ phàn nàn, thi thoảng lại cười cười, ánh mắt cậu trìu mến ghê đó. Nhà đầy người làm ra nhưng cậu có sở thích mua quà vặt cho mợ, thỉnh thoảng cậu hay đem về vài ba cân dưa lê, khi thì cái khoanh giò, lúc lại xâu bánh tẻ.

Còn mợ thì tính độc chiếm cậu nên hay ghen ghê lắm. Hôm bữa có đoàn chèo từ kinh thành về biểu diễn, con thấy cậu cũng xem như bao người thôi, ấy vậy mà mợ nằng nặc khẳng định cậu bị con hát chèo nó hút hồn rồi. Xong mợ sai con đi mua phấn, mợ dậm cả tảng lên má, nom loè loẹt xấu hoắc à. Chẳng phải mình con chê, thằng Húng con Phượng đều lắc đầu kêu không ngửi nổi. Lúc cậu qua, rõ ràng con thấy cậu nén nhịn cười, nhưng mợ chớp chớp mắt hỏi han nom mợ có đẹp không thì cậu lại hắng giọng đáp.

- Đẹp lắm.

Tụi con há hốc ý, mợ sướng sướng hỏi.

- Cả cái đoàn chèo hôm nay chả con nào đẹp như tôi cậu nhờ?

- Ừ!

Cậu đáp, cậu hai ngoài trấn đường mặt lừ lừ nghiêm nghiêm vậy thôi chớ với mợ cậu dễ không à. Con chả dám mơ số con phúc lớn như số mợ, chả dám mong được chồng kiệu đi khắp nơi như mợ, nhưng vẫn mong mỏi sau này được gả cho...

Ai đó thương con chút chút.

Ai đó bên con những lúc gian khó.

Và, ai đó xa con là nhớ con đến kiệt quệ!

********************

...Có đứa tính hun nhà dì...

Tôi nhớ có bận phú ông vét ao thu hoạch cá, bắt hết cả to thì thả cho dân tới mót cá nhỏ. Lúc tôi đi chăn bò về thì bắt gặp cậu hai cầm xâu ba con cá mè nhỏ nhỏ cứ đứng lưỡng lự ở cổng nhà chị Trinh mãi chả chịu vào. Lát sau cậu cả đi ra cầm theo cái thau trống trơn, hí hửng khoe khoang.

- Ối cậu vừa cho bu Trinh cả thau cá đầy, bu có vẻ ưng cậu làm rể lắm rồi!

Gương mặt cậu cả sáng bừng, huýt sáo líu lo chạy đi đánh khăng. Còn cậu hai không nói gì nhưng nom cái dáng cậu quay lưng lủi thủi đi về buồn lắm. Cậu đi được một đoạn thì Trâm cầm cái rổ tre chạy theo í ới gọi.

- Cậu hai...ớ cậu hai...đợi tôi với, may quá tôi đang định sang nhà cậu. Tôi cho cậu nè, cá rô phi, cá quả, cá lăng với cả ít tép đồng đem về rang lá chanh nhé.

- Không cần!

Cậu quát to lắm, Trâm giật thót người nhưng vẫn cố đưa cho cậu. Cậu giận phừng phừng đẩy ra làm rổ cá rơi tung toé, hình như cậu thấy có lỗi nên nhẹ lời bảo người ta cho Trâm thì chị giữ lấy mà dùng, có mấy con cá đem cho qua cho lại chả ra sao. Trâm ấm ức khóc toáng lên.

- Ai cho đâu? Chỗ này là tôi đi mót cả chiều mới được mà.

Có vẻ nó nói thật, bởi rổ toàn mấy con cá lít nhít, quần xắn ống thấp ống cao, chân thì toàn bùn. Cậu thở dài vơ cá vào rổ cho nó, chả biết thì thà thì thụt ai rủ ai mà thấy hai đứa cùng nhau chui qua bụi rậm lẻn vào vườn chuối nhà tôi, lén nhổ giềng sả, lén vặt ớt, hái thì là, lén rút rơm nướng cá. Bọn này láo nháo thật, tôi cố nhịn làm ngơ, đợi tụi nó nướng thơm phức lên rồi mới cầm cán chổi lao ra chửi.

- Á à, bắt quả tang có đứa tính hun nhà dì nhá! Bữa nay dì đánh cho tuốt xác.

Doạ Trâm nhưng cậu hai lại hoảng hốt xông ra chắn hại tôi cười sặc, đành xuống bếp pha nước mắm chanh tỏi ớt đem lên chấm cùng. Cậu hai gỡ cá cho Trâm rồi để vào tàu lá chuối sạch ở giữa, Trâm gỡ cá cho cậu hai xong cũng để vào đó. Còn tôi thì chả ai gỡ cho, cơ mà cũng chả phải gỡ, cá đầy ra đấy cứ thế mà chén, ngon đáo để! Căn bản bọn nó mải liếc mắt nhòm nhau, có ăn mấy đâu mà.

Sau này thi thoảng tụi nhóc nhà Trâm về quê tôi cũng hay nướng cá, cơ mà cái lũ quỷ nhỏ, ăn xong toàn trét đen sì cả bộ áo lụa. Bu tụi nó điên ghê lắm, nhưng chỉ cần tôi hắng giọng hỏi, năm xưa nghèo khó dì thương chẳng đánh, nay làm mợ lớn lại định đánh lại dì hử là con bé im bặt!

********************

...Mua cả cuộc đời mợ...

Cậu cả đổ điêu hại tôi bị phạt, mợ ức, mợ dụ cậu cả để cậu lọt xuống hố phân. Tôi sợ mợ bị bà cả trị tội, vội vàng đi tìm mợ.

Uổng công tôi lo, mợ đâu có sao, mợ cười rất tươi, mợ còn đang lau tóc cho người ta. Tôi chưa kịp ghét mợ thì mợ đã lại giở thói nịnh nọt lấy lòng.

- Những gì cậu thấy nó không phải là như thế đâu...tui...tui không thương cậu cả đâu...không có một chút cảm tình nào luôn ý...

Ừ, tôi đâu có hỏi, mợ giải thích chi mất công?

Mợ thương ai, chả liên quan gì tới tôi cả.

Nhưng từ đã...sao tôi lại đi theo mợ về nhỉ?

Ừ thì đêm hôm con gái chả nhẽ để mợ đi một mình?

Thế còn hôm sau, hôm sau cậu cả loan tin bu Trinh nhận tiền của cậu, mợ chạy lên núi khóc. Vì đâu tôi lại bỏ bán hàng chạy theo mợ? Ừ thì không lẽ để mợ lên đó, núi cao chênh vênh quá, nhỡ xảy chân ngã xuống thì tội nghiệp.

Trời nắng, tôi che nón cho mợ, mợ còn bực bội vứt xuống, mợ bực vì tôi không bồng mợ. Mợ thật trẻ con. Trời mưa, tôi kéo mợ chạy vào bụi chuối trú tạm, mợ lại len lén ôm tôi. Tôi định đẩy mợ ra thì mợ kêu lạnh toáng cả lên, không lẽ giờ tôi để cho mợ chết rét? Mà lỡ để mợ ôm rồi, không rước mợ sao được nữa?

Biết rõ là thế mà mợ còn hơn thua với cả bé Dung, có mỗi chuyện tôi mua cho nó hai cái bánh đa cũng khiến mắt mợ rơm rớm. Thật ngốc! Tôi mua cả xâu bánh tẻ cho mợ mà.

Thực ra nếu có thể, tôi còn muốn mua cả cuộc đời mợ, cho tôi!

********************

...Mợ nhà cậu...

Kỳ thi Hội năm đó trường thầy tôi rất nhiều người đỗ cao, cậu hai xuất sắc nhất, đậu Phó bảng bên võ. Theo lệ mọi năm cứ tới dịp này thầy hay cho học trò xả hơi một tháng nên mọi người đều háo hức thu dọn đồ đạc chuẩn bị về quê.

Cậu hai chẳng ngoại lệ, cái người bình thường lúc nào cũng lạnh tanh không cảm xúc như cậu bữa đó nét mặt chợt rạng rỡ hẳn. Đó là một trong những lần hiếm hoi cậu bắt chuyện trước với tôi. Cậu hỏi, ở quanh đây có chỗ nào bán đồ nền bà con gái đẹp?

- Cậu mua gì gửi tôi mua cho.

Tôi nhiệt thành đề nghị giúp đỡ nhưng cậu một mực từ chối. Cậu kêu tôi chỉ chỗ cho cậu là được rồi, để cậu tự đi. Tôi chịu thua dẫn cậu xuống chợ lớn. Cậu hay lắm, cứ có cái gì màu đỏ tươi lấp lánh là cậu chọn liền, son đỏ, trâm đỏ, ngay cả yếm cũng đỏ.

- Hay cậu đổi cái màu khác đi, đỏ quá nom chói lắm.

Tôi mở lời gợi ý rồi lựa chiếc yếm xanh lá mạ cho cậu coi, mấy thím bán hàng cũng khuyên y hệt. Tiếc rằng tay cậu vẫn giữ khư khư chiếc yếm đỏ, giọng nói đầy kiên định.

- Không đổi, mợ nhà tôi thích.

Phải, mợ nhà cậu! Mợ nhà cậu ở mãi dưới quê nhưng cậu mua cho mợ những món đồ đắt nhất, cả đống tiền thưởng cũng giữ về cho mợ, còn cậu vẫn cứ dùng thứ vải lanh thô cứng. Cổ họng tôi nghèn nghẹn, bữa đó cậu vui bao nhiêu thì tâm trạng tôi nặng nề bấy nhiêu.

Có thể thầy biết, tôi không rõ thầy ép cậu phải ở lại trường là do thầy thương tôi, muốn tác thành cho tôi và cậu hay do thầy thực sự thất vọng về kết quả thi vừa rồi, muốn cậu dồn sức luyện tập cho kì thi tới nữa? Thầy lệnh nếu cậu dám trốn về thầy sẽ từ mặt, cậu không còn cách nào khác đành phải viết vội lá thư rồi gói ghém các thứ gửi về quê.

Buổi trưa hôm ấy, người gửi đồ đã rời khỏi lâu rồi nhưng cậu hai cứ đứng thẫn thờ trông theo cái bóng khuất dần dưới chân núi. Từ lúc nắng trưa gay gắt tới khi ánh hoàng hôn dịu nhẹ vỗ về bên vai, cậu vẫn chỉ đứng trầm mặc một chỗ. Cậu đau đáu nhìn về một phương trời nào đó, còn tôi đau đáu nhìn theo bóng lưng cậu, cho tới cuối cùng, ánh mắt tôi cũng chẳng thể chạm ánh mắt cậu.

********************

...Vinh hoa phú quý có hơn một tấm chân tình?...

Năm mười ba tuổi, tôi bị bán vào phủ Thái phó làm vú nuôi. Khi xưa gia đình tôi rất nghèo, bữa nào khấm khá thì có cơm độn sắn, còn quanh năm suốt tháng đều phải đào củ dong ăn trừ bữa. Bởi vậy cho nên hay tin tiểu thư được gả cho Trấn thủ xứ Đoài, một trong tứ trấn sầm uất giàu có bậc nhất tôi hãnh diện ghê lắm.

Tôi chăm mợ từ thủa lọt lòng, coi mợ như khúc ruột nên trước đêm nhà trai tới cũng mừng, cũng vui, cũng hồi hộp chả kém. Nghe đâu cậu đã có vợ rồi, cưới hồi ở quê, nhưng đàn ông dăm thê bảy thiếp là chuyện thường tình, đêm nay gian này đêm mai gian khác đâu có lạ? Huống chi mợ cả lại còn đẹp như tiên nữ giáng trần?

Chỉ tội mợ hơi hiền nên cứ bị mợ hai chèn ép hoài. Mợ hai đanh đá ghê lắm, hở ra là gây nhau với mợ ba. Được cái cậu hai không thiên vị ai cả, mợ nào sai cậu cũng phạt tới nơi tới chốn. Mợ ba nhiều khi còn ngoan ngoãn chịu quỳ chứ mợ hai thì nom thấy bóng cậu đã gào ầm lên rồi.

- Mợ ba đẩy tôi trước ý.

- Thế mợ có giật tóc mợ ấy không?

Cậu nghiêm nghị hỏi, mợ ấm ức lủng bủng.

- Giật có mấy sợi tóc chứ mấy!

Mấy sợi là mấy sợi thế nào? Hai mợ choảng nhau long trời lở đất giờ lại xoen xoét kêu có mấy sợi. Nói điêu không qua được mắt cậu, mợ ấy bắt đầu mè nheo.

- Tôi cũng bị giật chứ bộ? Đau buốt hết cả mảng đầu rồi đây này, chả ai thương cả tủi thân chết đi được ý.

Gớm nước mắt ở đâu mà lắm? Cậu tuy miệng doạ mợ lần sau còn đành hanh cậu ném xuống ao cho cả rỉa thịt, làm bộ rất nghiêm khắc nhưng tay lại không kiềm được đặt lên chỗ da đầu mợ kêu đau.

- Nếu đổi lại là tôi phạm lỗi, cho dù cậu có phạt cũng không qua thăm.

Giọng mợ Thuỳ đầy chua xót, tôi thương mợ nên an ủi.

- Mợ chấp làm gì, mợ là mợ cả thân phận cao quý, sau này mợ đẻ con trai nối dõi vinh hoa phú quý của mợ tất, đâu đến lượt nó.

- Vinh hoa phú quý có hơn một tấm chân tình?

Mợ thở dài hỏi bâng quơ rồi bỏ về phòng. Tôi tất tả chạy theo mợ, đôi lúc thấy tò mò lại ngoái cổ nhìn về phía gian nhà đó. Hơn hay không tôi không biết, chỉ biết nếu bị phạt quỳ như kiểu của mợ hai, e rằng đàn bà con gái chả ai sợ quỳ. Quỳ gì mà có hẳn một người để tựa vào, phụng phịu cụng trán vào đầu gối ai kia, hai tay ôm chặt lấy chân người ta sụt sịt ăn vạ. Cậu thi thoảng cùng lắm là bẹo má mợ hỏi lần sau có hỗn nữa không chứ cũng chẳng đẩy ra.

Nghe đâu hôm ấy cậu đứng ngoài hiên với mợ hai mãi tới lúc mặt trời xuống chân núi. Nghe đâu cậu bảo mợ cả cậu sợ đồ ngọt nhưng đêm ấy mợ hai nấu chè hoa cau cậu vẫn ăn mấy bát đầy. Thì ra không phải là cậu không thiên vị, cậu chỉ là, làm ra vẻ mình không thiên vị, thế thôi.

********************

...Nuôi thêm mấy miệng ăn...

- Tôi nói cậu nghe canh ba cậu mà không qua phòng tôi, tôi đập đầu vào gối tôi nín thở xong tôi chết cho cậu coi!

Có mỗi cái bài doạ quan lớn, xưa nay đều xài được, chả hiểu sao lần này lại trật lất luôn à. Mặc tôi tuyên bố cậu mà không thương tôi là tôi chả thèm sống luôn, cậu vẫn lừ lừ không thèm nhìn tôi, đợi tới canh tư cũng chả thấy tăm hơi đâu.

Khổ thật đấy!

Mà chuyện cũng đâu có gì cơ chứ? Ban chiều tôi chỉ giúp thằng Húng bắt chấy thôi mà, thề là bắt đúng một con thôi ý. Một con to bự, hiên ngang bò xuống giữa trán nó, tôi phải chộp vội rồi đuổi nó sang gian khác ngay, tại các cu tí nhà tôi còn nhỏ, lây thì chết toi.

Đó, sự tình nó chỉ có thế! Ấy vậy mà suốt bữa cơm chiều quan lớn không nói với tôi lời nào, đêm đến thì để đàn bà con gái như tôi phải đích thân mò sang phòng quan.

Tôi càng hỏi han quan tâm, thì mặt người ta càng lạnh như khúc gỗ.

Tôi hỏi cậu hai giận à? Phải non nửa nén nhang sau cậu mới thèm bố thí cho tôi một cái lắc đầu.

- Không giận sao mặt cau mày có?

- Tôi bận công chuyện.

Cậu lạnh nhạt đáp. Tôi ngồi phòng cậu thêm một canh giờ, cậu mải xem sổ sách nên chả có thời gian tiếp chuyện tôi. Không lẽ do tôi lo xa quá? Nghe chừng cậu bận thật chứ đâu có dỗi hờn gì, với mắt tôi cũng díp rồi nên khom người chào cậu.

- Vậy tôi không ở đây phiền cậu nữa, tôi về phòng trước đây!

Tôi phải đợi cậu ừ thì mới dám quay người. Nhưng cậu hai nay tính khí thất thường sao ấy, tự dưng lại nói đâu đâu.

- Cũng phải, phòng này đâu có chấy, mợ ở lại ích gì?

Thì chả thế, ban chiều tôi tống cổ thằng Húng ngay rồi mà, lấy đâu ra chấy? Ơ từ đã nha, nghe mùi là lạ nghen quan nghen! Quan làm tôi tỉnh ngủ luôn ấy, biết thân biết phận chạy ngay ra phía sau ghế quan ngồi, vừa bóp vai hầu quan vừa thỏ thẻ nịnh nọt.

- Ơ không có chấy nhưng có chồng ý!

- Mợ về đi!

- Ôi chao ôi đuổi lẫy, tôi biết thừa cậu đang ghen nhá.

- Không rảnh.

- Còn chối? Vậy mai tôi sẽ xuống bắt chấy cho nó, cậu đừng có mà tức nghẹn họng nha!

Eo lẽ ra tôi không nên chọc cậu ý, nhiều lúc cứ đùa quá trớn xong khổ dễ sợ. Cậu thực tình cũng không tức lắm đâu, chỉ thản nhiên quẳng cho tôi hai ngàn quan làm của hồi môn thôi, cậu tuyên bố gả tôi cho thằng Húng, kêu tôi gả cho nó rồi thì khỏi cần về thăm cu tí chứ.

Ôi chao rốt tôi tức lồng lộn luôn à, tôi không gả đâu. Tôi điên à mà gả cho nó? Thôi tôi sai rồi! Cả đời tôi sẽ không bao giờ bắt chấy cho thằng người ở nào cả. Tôi khóc toáng hết cả lên, cậu hai lúc bấy giờ mới nguôi nguôi, cậu chọt eo tôi đau điếng, xong cậu phạt tôi nặng dễ sợ, nhưng cái loại phạt này, tôi lại thấy nó chẳng đáng sợ chút nào. Chỉ là, cứ phạt đi phạt lại kiểu này, không khéo năm sau phủ lại phải nuôi thêm mấy cái miệng ăn cũng nên!

********************

...Không nhớ sao mà thương?...

Ngày tôi xa quê, chỉ có mình mợ đi tiễn tôi.

Ngày tôi trở về, cũng chỉ có mình mợ không ra đón tôi.

Tôi không quan trọng đến thế sao?

Hoặc mợ chẳng thèm nhớ tôi như mợ từng tuyên bố.

Cũng có thể mợ đã có người mới, đã được trai huyện về rước đi.

Đâu phải chuyện lạ lùng gì? Mợ đẹp đến thế cơ mà! Tôi lại xa nhà lâu như vậy, mợ cô đơn một mình đâu dễ dàng.

Liệu tôi có chuộc được mợ về không?

Phải tốn bao nhiêu tiền người ta mới cho chuộc?

Nhưng liệu người ta chịu, mợ có chịu không?

Những âu lo toan tính cứ bủa vây trong tôi, cho tới khi chợt nhìn thấy mợ ngồi vắt vẻo trên cành sấu với mợ Chi, chả rõ mợ Chi nói gì với mợ mà hai má mợ đỏ phừng phừng, ánh mắt mợ trìu mến ghê lắm, có lẽ, ánh mắt đó là dành cho tôi.

Lòng tôi, còn rộn ràng hơn trống đình mỗi dịp xuân sang.

Mãi lâu sau cổng đình mới mở, đoàn người ùa đi khai tiệc mỗi lúc một đông, nô nức nháo nhào, chen chúc đến nghẹt thở. May mà mợ nhà tôi nhanh trí, mợ chạy thật nhanh lên chỗ ngã ba đón tôi.

Cái điệu bộ thẫn thờ tiu ngỉu, cúi gằm mặt đá đá mấy viên sỏi ven đường nom sao thân thương quá đỗi? Tôi không kiềm được đưa tay chọt eo mợ một cái, chọt thực sự luôn chứ không đùa, chắc mợ đau lắm, cáu kỉnh định chửi đổng cơ mà.

Lúc bị kéo vào đám đông, có lẽ mợ đã phát hiện ra là tôi nên im bặt. Xung quanh đông như nào, đằng trước đằng sau xô đẩy khốc liệt ra sao, tôi cũng không mấy bận tâm nữa.

Bởi mợ nhà tôi đã ở đây rồi.

Ngay lúc này, ngay cạnh tôi.

Mặt mợ áp vào lưng tôi, tôi nắm cả hai tay mợ vòng qua đằng trước. Những ngón tay của mợ ram ráp, là những ngón tay của người con gái bao nhiêu năm tần tảo sớm hôm nhưng vẫn đau đáu đợi chồng. Sống mũi tôi cay xè, tôi siết tay mợ chặt hơn, áo tôi chợt ươn ướt, có người cứ không ngừng dụi dụi mặt vào lưng tôi.

- Tui nói chẳng thèm nhớ cậu là tui nói dối đó, chớ đêm nào tui cũng nhớ, tui khóc sưng hết cả mắt luôn ý, cậu hai thương tui không?

Giọng nói đó, rấm rứt nghẹn ngào xiết bao. Tim tôi, chẳng biết mềm tới cỡ nào? Tôi nói tôi không thương mợ, cũng là nói dối đó thôi.

Thương chứ!

...Không thương sao mà mong?

...Không mong sao mà nhớ?

...Không nhớ sao mà thương?

********************

...Để ai lo?...

Ngày đầu tiên về làm vợ cậu, tui bị đánh tả tơi.

Đêm đầu tiên ở với cậu, nghĩ tới cái hình xăm trên bả vai mình, lòng tui não nề, buồn buồn nằm gọn vào góc tường, chẳng dám nhờ cậu thoa thuốc hộ, cũng chẳng dám nhì nhèo gì cả, chỉ nằm ỉu xìu một góc nhìn nhành lan hồ điệp treo lủng lẳng trêu bậu cửa sổ. Những đoá hoa màu tím trắng rực rỡ thật, chả bù cho tui giờ đây chỉ là một cánh hoa tả tơi héo úa.

Thế rồi bất chợt cậu hỏi tui có muốn ăn gì không? Giọng cậu trầm ấm quá, cơ mà tui tự ti, tui nhỏ nhẹ từ chối. Cậu không đáp, nhưng một lát sau lại với lọ lá thuốc tán nhuyễn cẩn thận rắc lên lưng tui, nó xót, nó rát đến run người. Tui khẽ rùng mình, bất chợt tui thấy bàn tay của cậu áp chặt lên chỗ bị đau, tim tui mềm nhũn, lòng cũng ấm áp đi nhiều.

Tui lấy hết can đảm quay người ra, mạnh dạn ghé đầu tựa lên đùi cậu, vòng tay qua ôm cậu oà khóc nức nở. Tui nói nhăng nói quậy bao nhiêu chuyện lâu rồi tui chả nhớ nữa, chỉ nhớ mang máng cậu xoa lưng tui, quạt cho tui. Tui hỏi cậu thương tui rồi à thì cậu chối, nhưng có hôm tui tình cờ nghe lỏm vú Năm hỏi chuyện cậu ngoài giếng.

- Cậu vừa đi núi về mệt sao không kêu mợ Trâm qua phụ cậu rửa nốt chỗ lá dong?

Cậu không nói gì mà chỉ hì hụi múc nước, vú lại tiếp tục trêu.

- Cậu hai sợ mợ hai mệt phải không? Cậu hai thương mợ hai ghê ta.

- Không có.

- Không thương sao cưng mợ ghê vậy? Này nhé, vú biết thừa mấy hôm mợ đi buổi đêm toàn cậu đi theo canh chừng, cậu còn giấu bu Phúc mua đồ ăn vặt cho mợ, buổi sáng mợ ngủ dậy muộn cũng không mắng, trèo lên núi cao chót vót kiếm phong lan về bày phòng đón mợ, tay cậu đóng giường mới bị dăm gỗ đâm vào vẫn còn sưng tấy kia kìa, cậu lo cho mợ quá trời luôn, cậu còn chối được à?

Vú ép cậu phải khai bằng thôi, cậu bị dồn vào thế bí, cậu gắt.

- Vợ tui tui không lo để ai lo?

Eo tai cậu đỏ bừng luôn đó, vú thì cứ liếc tui tủm tỉm cười. Tui cũng cười, tui ngượng gần chết, hai má nóng ran ran. Cậu đi qua lườm tui nhưng thấy trời trưa nắng gay gắt lại với cái nón lá đội lên cho tui. Chồng tui đó, chồng tui lo cho tui đó, chồng tui không lo cho tui thì để ai lo? Tui sướng ngây ngất luôn à, nó ngọt gì đâu mà ngọt dễ sợ!

********************

...Vì một người, tôi nguyện một đời...

Mãi sau này tôi mới biết...

...những bức thư năm ấy, không phải tâm tư tình cảm của phú ông.

...cậu Hưng, chẳng phải do tôi sinh ra.

...con tôi, đứa con gái bé bỏng đáng thương bao năm nằm lạnh lẽo trên núi, đêm nào tôi cũng mơ thấy nó.

Ban ngày, trong những khắc tỉnh táo hiếm hoi, tôi thường nhớ tới một người, người duy nhất tốt với tôi, trên cuộc đời này.

Tôi không rõ cậu cai sữa từ tháng thứ bao nhiêu, biết đi, biết bò khi nào?

Chỉ nhớ mang máng, khi trẻ con trong xóm vẫn mải mê chơi tập tầm vông ngoài sân đình, cậu đã theo trai tráng trong làng lên núi kiếm đồ. Rồi cậu cũng bắt chước người ta đem ra chợ đổi chác.

Cùng là củ dong ấy, cùng cái giá nửa cân dong đổi được mười đồng hoặc một phần tư đấu gạo, nhưng cậu luôn là người hết hàng nhanh nhất. Bởi cậu chịu khó hơn những đứa kia, tỉ mẩn rửa từng củ sạch sẽ, và cũng bởi cậu không tính tham như người khác, cố ý để bùn đất cho được nặng cân hơn.

Kiếm được gạo, cậu đem đổ lu.

Kiếm được tiền, cậu mua bún riêu cho tôi ăn.

Bún ngon lắm, khi đó tôi cứ cắm đầu cắm cổ húp sùm sụp, loáng cái đã đánh bay hết sạch cả âu. Có lúc sực nhớ ra cậu đang ngồi gặm khoai sống dưới đất, thấy áy náy nên tôi mời.

- Cậu hai húp nốt chỗ nước thừa không?

Cậu lắc đầu.

Tôi lâu dần thành quen.

Cậu luôn ngoan như vậy, cho tới một ngày cậu rước vợ về.

Cũng chẳng phải là cậu không còn ngoan nữa, chỉ là, có cái gì ngon ngon, cậu không dành riêng cho tôi nữa mà thường lén giấu đi để giấm giúi cho con vợ cậu. Vợ cậu, con Trâm cũng mắc cái tật y như thế.

Có chút măng rừng xào tóp mỡ thôi mà chúng nó cứ làm như chả phượng không bằng, đùn đẩy nhau mắc mệt. Chả nhẽ tôi lại xông vào kêu tụi bay tránh ra, để bu chén luôn cho nó gọn.

Nhưng mà không, làm người ai lại làm thế?

Váy áo xinh đẹp sắp đi ăn cỗ rồi, giờ ham hố nhỡ no mất, lát lấy bụng đâu mà ăn. Ai dại gì, nhể?

Đời người, ăn được ngủ được là tiên, rõ ràng khi xưa các cụ dạy đấy thôi! Ấy vậy mà con mụ Đinh Phi Yến, mụ ngứa mồm mụ chõ sang mân tôi, bôi bác tôi không khác gì một con lợn, hại tôi ăn xong đĩa xôi xéo thứ năm mà ức nghẹn không thể nào mà nuốt nổi đĩa xôi thứ sáu.

Điên cả ruột, về tới ngõ gặp con Trâm, tôi với cán chổi trút giận lên nó. Cơ mà chổi cũ, bị gẫy nên chỉ vụt được có cái, chân sưng có tý nên tối về cũng chả thấy cậu hai nói gì.

Tôi tưởng cậu không để ý, ai ngờ ban đêm đầy bụng đi dạo mới nghe cậu nghiêm giọng chất vấn. Con Trâm phụng phịu kêu bị ngã, đèn dầu le lắt trong phòng hắt ra ngoài hiên ánh sáng nhàn nhạt, nó nằm õng ẹo trong lòng cậu, gục đầu lên vai cậu, chân thì mặc kệ cậu thoa thuốc. Thi thoảng lại suýt xoa như kiểu đau ghê lắm ấy, ép cậu phải vỗ về hoài.

Cái con này, giá như tôi có thể làm màu giỏi như nó.

À không, giá như trong những đêm mưa dông gió bão, có một người đến bên tôi, tâm sự chuyện trò cùng tôi, thì tốt biết bao.

Giá như có một người như vậy, tôi nguyện một đời không ăn xôi xéo!!!

********************

...Một đời phù du...

Ôi chao không biết bao nhiêu thằng cu tí, bao nhiêu con hĩm mà mợ nhọc phát điên lên thế này! Nó đau đầu, đau lưng, nhức người, mỏi mệt. Từ sáng tới chiều, từ chiều tới tối, không lúc nào là được dễ chịu cả.

Nó hành mợ, mợ hành con Quế, hành thằng Húng, quát tháo ầm ĩ hết đứa này tới đứa kia, cơ mà vẫn không đã. Lúc nào mợ cũng chỉ mong cậu hai mau mau về thôi, chớ ở nhà mợ nhọc mợ khó chịu chết đi à.

Cậu về một cái, mợ vác bụng ra ăn vạ liền.

- Cái đợt cậu hai bị ngã xuống hang núi ý, tôi lo lắng đến tìm cậu, ấy vậy mà lúc tôi bảo cậu tìm người tới cõng tôi lên, cậu lại không đồng ý, xong cậu còn kêu tôi nặng lắm, chẳng ai cõng nổi đâu. Con gái ai mà thích bị chê nặng chứ? Hết chê tôi nặng xong rồi lại còn định bỏ mặc tôi chết trong hang đá nữa. Cậu ác ghê lắm!

Cậu sai thằng Húng dắt ngựa vào chuồng, quay sang chậm rãi hỏi lại.

- Thế rốt cuộc tôi có bỏ mặc mợ không?

- Thì...thì...không có.

- Lúc tôi cõng mợ lên cớ gì tự dưng mợ chạm môi lên gáy tôi, hại suýt chút nữa cả hai lao xuống dưới. Thử hỏi ai mới là người ác?

Ơ, sao lại nghe thành mợ có lỗi thế?

Mợ phụng phịu đổi chuyện khác.

- Eo hồi đó cô Hoàng Anh mua lá thuốc xong cứ mồi chài cậu về nhà, gạ cậu bôi thuốc cho cô ấy, cua cậu lộ liễu đến thế mà cậu chả chịu đuổi người ta đi, chả biết nam nữ với nhau phải giữ ý gì cả, cậu khờ ghê!

- Ừ, vậy mợ chưa chồng nhưng đứng giữa chợ tuyên bố tôi và mợ đã qua đêm với nhau, như vậy mới là biết giữ ý sao?

Mợ không trả lời được, gào lên trách móc.

- Người ta đang chửa nóng nực mệt mỏi, nhì nhèo tý mà cậu chả nhường lấy một xíu.

Bọn người làm nghe thấy hoang mang dễ sợ, mợ cả nhà mình hay ghê, chả có gì cũng tự dưng lăn ra khóc. Mi mắt mợ long lanh một bọng nước, giọng khản đặc nói lẫy.

- Nhiều lúc tôi cảm thấy tình cảm cậu dành cho tôi chỉ là phù du thôi ý!

Cậu thở dài kéo mợ ra vườn mận chơi. Mận nở hoa trắng muốt, cậu ôm mợ vào lòng, âu yếm thơm lên trán mợ, má mợ, cánh môi còn áp lên môi mợ nữa, ngọt ngào ghê lắm. Mợ ngúng nguẩy đập lưng cậu bùm bụp, kêu cậu xấu tính ghê á, cậu cười cười trêu.

- Mợ mắng tôi làm gì? Dẫu sao cũng chỉ là phù du thôi mà!

Mợ ngượng, hai má ửng hồng. Nếu như những cánh hoa kia là phù du, nếu như vòng tay cậu, vỗ về nơi cậu là phù du, thì cả đời này, cứ phù du như vậy, là đủ.

********************

...Nhành lan rừng năm ấy...

Năm ấy, tôi để lại nhành lan hồ điệp ở quán bún riêu nhà bu Trinh.

Không phải tôi quên,

Mà là cố ý!

Mợ đoán do tôi muốn trả công mợ cho tôi nhiều bún nhiều riêu.

Thực tình, cũng không phải như thế, không phải sòng phẳng gì cả.

Chỉ là, cảm thấy sợ, sợ mợ bị dao động bởi một trăm quan của cậu cả, sợ mợ gật đầu đồng ý gả đi mất!

********************

...Anh cu tí con nhà thầy Lâm bu Trâm...

Tui là anh cu tí con nhà thầy Lâm bu Trâm. Bữa nay tụi tui lại được về quê chơi, túm tụm bên nhau nướng khoai cùng các em hĩm, tui ngồi gần em hĩm nhà cô Hoàng Anh. Em hĩm hỏi tui, lâu ngày không về quê anh Tũn có nhớ em hĩm không? Tui gật đầu. Em hĩm hỏi nhớ nhiều lắm hông? Tui bắt chước thầy tui, kêu.

- Nhớ đến kiệt quệ!

Em hĩm cười khúc khích, khen tui khéo ăn khéo nói. Chuyện, tui là con của thầy tui mà! Lòng tui sướng rơn!!!

********************

...Anh cu tí mê gái...

Nhớ hai ba tháng chạp năm nào cậu xa nhà, mợ dậy sớm đồ ít xôi, quay miếng thịt ba chỉ bu Trinh cho rồi xào ít mề gà còn thừa trên nhà phú ông là thành mâm cơm thịnh soạn cho bu Phúc. Còn mợ thì tất tưởi chạy theo người ta bắt cá chép đem ra chợ bán.

Thấm thoát thời gian trôi qua, hai ba tháng chạp năm nay mợ không vất vả như trước nữa nhưng quán xuyến cỗ bàn của cả phủ lẫn lo luôn cỗ ngoài trấn đường cũng khiến mợ bận bịu túi bụi. Đứa thứ hai và đứa thứ tư mải ngủ khì khì, chỉ có thằng cả và thằng ba theo mợ ra chợ mua cá về thả.

- Bu ơi cá này ở đâu ra đó bu?

- Người ta bắt đó con.

- Ơ lạ chửa? Người ta bắt xong mình lại thả, thả làm gì hở bu?

Hai thằng thắc mắc, bất chợt ở đâu có giọng nói ngọng ngịu vang lên.

- Thả cá để đưa ông Táo về trời hai anh cu tí ạ.

Ối! Em hĩm ở đâu mà dễ thương quá trời quá đất, cái môi chúm chím xinh xinh, cái má hồng hồng phúng phính, hai anh cu tí tít mắt chạy theo em hĩm bắt chuyện. Bu Trâm mải chọn cá, ngẩng đầu lên các anh đã mất tích. Tìm tới tìm lui không thấy hai thằng đâu, bu khóc rưng rức quay về trấn đường kêu thầy.

- Cậu hai ơi bọn côn đồ nó bắt cóc thằng cả thằng ba rồi cậu ơi!

- Ôi hai cái cục thịt của bu, tụi con mà làm sao bu sống thế nào được đây?

- Tại chúng biết con nhà quan nên chúng mới bắt đi đấy, bắt đi để đòi tiền chuộc. Tại cậu mà, ai khiến cậu làm Trấn thủ làm gì để giờ con gặp cảnh khốn cùng.

Mợ lớn là vậy, mỗi lần điên lên thì chồng chỉ là con muỗi. Âu cũng tại cậu nhịn mợ nhiều nên mợ được đằng chân lân đằng đầu. Mợ tức mợ cứ bới cậu sa sả, cậu thì chỉ lặng lẽ ngồi nghe, lặng lẽ xoa lưng mợ. Lính nghe lệnh chia nhau đi lùng soát, cậu ngồi trong xe ngựa cùng mợ, ánh mắt cũng không ngừng quan sát tình hình bên ngoài. Một lát nghe cậu bảo tụi nhỏ kia rồi, mợ hầm hổ lao xuống xe quát tháo.

- Cái quân khốn nạn nào bắt cóc con bà nhé, bữa nay bà dần cho nhừ tử!

Mợ vừa dứt lời thì có đôi mắt long lanh ngước lên nhìn mợ, hai thằng cu tí ngồi hai bên mỗi thằng cầm một chiếc bánh rán đưa tới trước mặt mời em hĩm. Em hĩm cắn một miếng nhỏ ở cái bánh của anh cả, cắn thêm miếng nữa ở cái bánh của anh ba rồi mới chóp chép nhai. Hai anh xoa đầu em hĩm cười tít, chẳng thèm để ý bu các anh đang muối mặt quay lại phân trần với thầy.

- Thì cũng là bắt cóc, nhưng không đòi tiền chuộc mà đòi bánh rán cậu ạ. Thế mà tụi nó cũng chịu.

Cậu tủm tỉm sai lính canh chừng con, đoạn kéo mợ lên xe chọc ghẹo.

- Đây cũng bắt cóc không đòi tiền chuộc, chỉ đòi ra bụi chuối, bu tụi nó chịu không?

********************

...Mong được tái ngộ một người...

Đợt đó, vì vụ hình xăm trên bả vai, mợ nhà tôi hiền ghê lắm.

Có bữa lẽo đẽo theo tôi còn lí nhí tâm sự, tuy giờ không phải băng thanh ngọc khiết nhưng không phải là của cậu cả, chưa phải, không bao giờ phải.

Tôi biết.

Tất nhiên tôi biết. Vì mợ là của tôi.

Mợ chắc vẫn sợ tôi nên không dám nói gì tiếp theo.

Cũng không dám tiến lên trước đi ngang hàng với tôi, một mình lẩn tha lẩn thẩn, không nhìn tôi, không nhìn đường, không thèm nhìn cả ngọn tre chắn trước mặt.

Nhưng lúc nhìn thấy tôi đứng lại nâng ngọn tre đó lên cao hơn thì lại tủm tỉm cười, hai má hây hây đỏ bám tôi sát hơn.

Cứ hay đi theo tôi như thế, cho đến một hôm vừa tan chợ thì tụi tôi gặp cô con gái nhà trưởng thôn. Cô Hoàng Anh mua hai cân măng khô, còn cả thảy hai cân với non nửa lạng, cô ấy lại là khách quen nên tôi đưa hết luôn cả túi.

Xong xuôi ngoảnh lại chả thấy mợ đâu.

Tôi vội lao đi tìm, may thay trên đường về phát hiện ra có người trốn sau bụi tre sụt sịt. Tôi hỏi thì chống chế.

- Cậu về trước đi, tôi còn bận chặt măng đó, ai kêu cậu cho người ta hết cả túi măng rồi còn gì.

Có non nửa lạng mà cái giọng mợ ngân dài như kiểu tôi đem hết vàng bạc châu báu đi cho vậy. Cũng không hiểu mợ chặt măng kiểu gì trong khi dao tôi đang cầm.

Tôi cặm cụi kiếm đền mợ cả thúng đầy măng non mà mợ vẫn buồn, tôi tưởng mợ thích ăn măng khô nên lại sang nhà thím Vân hỏi. Nhà thím còn có ít măng ngâm nước mềm sẵn rồi, thím nấu không hết nên cho luôn chứ chẳng bán. Tôi mừng đem vội về nhà, về tới cửa bếp nghe tiếng tóp mỡ rán xì xèo đan xen tiếng mợ lẩm bẩm một mình.

- Lần sau mà còn dám cậy mua hàng liếc mắt đưa tình với chồng bà, bà hành cho ra tóp nghe chửa?

Nghe rồi.

Cũng hiểu luôn rồi.

Hoá ra giận không phải do măng, mà do giấm .

Tôi chợt phì cười, mợ nghe thấy giật mình ngoái cổ lại, rụt rè kêu mợ chỉ nói cho vui miệng thôi chớ mợ hiền lành nhân hậu lắm, nào có hại ai bao giờ.

- Mợ nói gì mà vui miệng?

- Ban nãy...ban nãy cậu không nghe thấy gì hả?

Tôi lắc đầu, mợ thở phào nhẹ nhõm, nhận bát măng từ tay tôi đem xào. Còn tôi, thi thoảng cứ phải quay đầu đi, tại sợ mợ thấy tôi cười, mợ lại xấu hổ. Xào xong mợ còn đứng dậy thấp thỏm ngó bu, thấy bu sửa soạn váy áo chuẩn bị đi ăn cỗ thì phấn khởi ra mặt, dọn cơm mà cứ luôn miệng kêu tôi ăn nhiều nhiều chút.

Đĩa măng mợ xào khi ấy, mùi hành phi thơm ngào ngạt, thớ măng giòn sừn sựt quyện với vị béo ngậy của tóp mỡ kèm ít cơm cháy vét nồi, đơn giản nhưng ngon ghê lắm.

Nhiều năm sau này, thi thoảng ở dưới trường cũng xào măng, còn xào hẳn với thịt bò, cơ mà mỗi lần như thế, tôi lại ăn không vào.

Mỗi lần như thế, lòng tôi, lại bất giác trùng xuống!

...Có những ngày...tôi đã mong được tái ngộ một người...nhiều đến thế...

********************

Nhớ ai đó đến kiệt quệ! Sách phát hành tháng 03 năm 2018.

/96

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status