Anh Chàng Bé Con

Chương 16: chương 16

/28


Biết tin Linh đã chuyển chỗ ở từ lâu, suốt một tháng sau đó, tôi như kẻ mất hồn. Hẳn bạn đang tưởng tượng ra một thằng ôn không ăn không ngủ, người ngợm hao gầy tiều tụy phỏng? Không, đó chỉ là truyện và tiểu thuyết vẽ ra. Thực tế là tôi vẫn ăn uống đều đặn, đi học đi chơi đầy đủ, đại khái là bề ngoài chẳng đổi khác. Cái “mất hồn” mà tôi nói ở đây là sâu thẳm trong con người tôi, niềm đam mê vẽ vời chẳng còn. Phải, Linh là động lực để tôi vẽ, thậm chí tôi đã tính tặng em một bức tranh vào năm lớp 12 dù bố mẹ cấm tôi vẽ. Giờ em đi mất rồi, tôi vẽ làm chi nữa?

Nhưng lúc ấy, từ một nơi xa xôi nào đấy (ngoài vũ trụ chăng?), một câu hỏi ập xuống đầu tôi: mày vẽ để làm gì? Và tôi bắt đầu biện hộ: tôi vẽ vì thích, nhưng Linh khiến tôi vẽ. Không, không! Linh là nguyên do, song tôi vẽ hoàn toàn vì sở thích. Cũng không hẳn! Tôi vẽ vì muốn giữ lại kỷ niệm, bla bla bla… Đủ mọi lời biện hộ oằn tà là vằn! Nhưng cuối cùng, tôi vẫn không thể trả lời: mình vẽ vì cái gì?

Tôi có đem tâm sự này kể cho thằng Choác. Nó cũng không hiểu lắm, chỉ động viên:

-Thôi, nghĩ nhiều làm gì, cứ vui đi ông ạ, đời mấy tí?

Tôi đã thử làm theo lời nó và chỉ thoải mái được một ngày. Đúng một ngày! Sau một ngày, câu hỏi “mày vẽ để làm gì?” quay lại vặn vẹo tôi. Tôi không phải thằng Choác, không thể cứ bơ đi mà sống được. Khi không thể giải đáp mối khúc mắc đó, tôi… vẫn sống khỏe. Ăn uống đều đặn, học hành chơi bời đủ cả. Nhưng tôi biết rõ bên trong mình đang thối rữa dần.

Điều duy nhất an ủi tôi là Châu. Đôi mắt Châu vẫn còn những ký ức buồn về cú sốc đại học, nhưng em đã rũ bỏ son phấn. Thấy thế, tôi rất vui và chủ động bắt chuyện lại với em. Quan hệ giữa hai đứa nhanh chóng trở về như nó vốn có: tôi là bạn, là “boy-friend” của em. Chúng tôi nói nhiều về học hành cùng những dự định trong tương lai. Cả hai đứa đều không thích ngành học do bố mẹ hướng tới. Nhưng Châu tỏ ra khá ngạc nhiên khi tôi nói rằng không còn ham muốn vẽ nữa. Em nói:

-Không phải Tùng muốn trở thành họa sĩ chuyên nghiệp à? Sao từ bỏ dễ vậy?

Cũng giống những lần trước, vì không muốn đề cập chuyện Hoa Ngọc Linh trước mặt em nên tôi bịa ra lý do:

-Chán thì thôi chứ sao! Tôi nghĩ rồi, vẽ chẳng ra tiền được!

Châu phụng phịu, đôi môi hơi cong lên:

-Chỉ vì tiền thôi sao? Thế từ trước tới nay Tùng vẽ vì tiền à?

-Cũng không phải thế! Nhưng mà… lớn rồi, nghĩ khác rồi!

-Nhưng mà Tùng vẽ nhiều như thế, bỏ đi tiếc lắm!

-Chậc! – Tôi tặc lưỡi – Đành vậy thôi, biết thế nào được? Bà già tôi nói vẽ không kiếm được tiền, sau này khổ sở lắm!

Ai đang theo dõi câu chuyện đều biết tôi đang ra vẻ cứng mồm. Nhưng bạn biết đấy, đứng trước đứa con gái, không thằng nào muốn tỏ ra yếu đuối, lúc nào cũng sắm vẻ trưởng thành và thông minh (kỳ thực là vẫn ngu). Tôi chỉ là một trong vô vàn thằng chọi như thế thôi, he he! Quay lại vấn đề, nghe tôi nói vậy, Châu im lặng hồi lâu, ánh mắt chừng như có nhiều tâm sự. Một lát sau, em nói:

-Thế cho tớ mượn lại mấy bức vẽ cũ có được không?

-Để làm gì?

-Thì để xem ấy mà! Lâu lâu chán, tớ lại đem ra coi lại! Điiiiiiii? Nhá!

Nghe giọng năn nỉ của em, tôi bật cười:

-Rồi, cho luôn! Có cần ký tặng không? Đợi sau này tôi chết, nhớ đem tranh ra bán đấu giá nhé!

Em cấu tím tay tôi vì lỡ miệng nói mấy thứ chết chóc. Sáng hôm sau, tôi mang cho em những bức tranh ưng ý nhất và đẹp nhất trong “sự nghiệp” vẽ vời của mình. Nhưng Châu thấy vẫn chưa đủ, em lại đòi thêm:

-Mang cho tớ mấy bức tranh của năm trước ấy! Mấy bức hồi lớp 11 ấy! Hồi ấy Tùng vẽ mấy con ma mãnh trông kinh dị lắm phải không? Mà tóm lại là đưa hết tranh năm lớp 11 đây! Không, mà năm lớp 11 Tùng hay vẽ mấy con quái vật lắm, ghê chết đi được! Cái gì? Thế không phải quái vật thì là gì? Hả? “Đô ta” là cái gì? Mà thôi, có bao nhiêu tranh, đưa hết đây!

Tôi không hiểu Châu định làm gì với số tranh ấy. Em là một cô gái nhạy bén kinh doanh, phải chăng em đã nhìn ra số tranh của tôi có thể… đem bán cho hàng đồng nát với giá cao? He he, đùa thôi! Tôi biết Châu sẽ không bao giờ làm thế, bởi em cũng vẽ, cũng hiểu nỗi đau khi những tác phẩm biến thành đồ phế phẩm. Tôi rất tò mò và muốn biết cô bé định làm gì với số tranh nọ, song mỗi lần hỏi, em lại nháy mắt “Bí mật! Bí mật!”.

Một điều lạ là thỉnh thoảng, Châu lại gợi ý tôi tiếp tục việc vẽ sau khi thi đại học xong. Mỗi lần như thế, đôi mắt em thấp thoáng nỗi mong chờ mong tôi trả lời rằng “có”. Và cũng từng ấy lần, câu trả lời của tôi chung quy vẫn là “không”. Nhưng Châu chưa bao giờ ngừng khuyên tôi, đúng như tính cách thích lo chuyện bao đồng của em. Lắm bận, tôi hơi bực và bảo em đừng nói về chuyện vẽ nữa, em cười xòa:

-Biết rồi, biết rồi! Lần sau không nói nữa là được chứ gì?

Sau đó vài hôm, em thôi hẳn vấn đề vẽ vời. Dường như em đã nhận ra đâu là ước mơ, đâu là cuộc sống thực tế.

Cuộc sống cứ trôi đi một cách nhàn nhạt như vậy cho tới tháng 12, gia đình tôi nảy sinh lục đục, nguyên do là mẹ vớ được bài kiểm tra hóa điểm con ngỗng của tôi. Cãi nhau vì chuyện học hành của con cái thì nhà nào cũng y như rứa: trước tiên cụ bà trách cụ ông không để ý con cái, rồi cụ ông viện cớ đi làm và trách “con hư tại mẹ”, sau cùng cả hai cụ đều công nhận rằng thằng con mình ngu lâu khó đào tạo. Phụ huynh lo lắng, tôi sốt vó chẳng kém. Thân thi khối A mà tôi học Hóa như hạch, đỗ được khéo trời sập. “Tìm thày dạy Hóa đi, không đời mày bế mạc đó con!” – Mẹ bảo tôi thế.

Khổ nỗi tính tôi ghét môn Hóa, học hành kiểu gì cũng không khá nổi. Khi ấy, tôi đang học ông thầy của thằng Sĩ. Ổng là giảng viên ở một trường đại học danh tiếng, đứa nào đứa nấy khen nức nở ổng dạy hay. Tôi thì không thấy thế. Ổng già khú, khó tính, lại dạy theo kiểu dạy cho những đứa học giỏi sẵn. Tôi nghe ổng giảng như vịt nghe sấm, ổng hỏi gì thì mồm cứ ù ù cạc cạc. Mà ổng cũng chẳng quan tâm tôi học được hay không, chỉ cần tôi đi học đủ và hàng tháng nộp tiển cho ổng. Dạy thêm, học thêm là thế. Có lẽ cuộc đời tôi sẽ bế mạc thật nếu tôi không tâm sự chuyện này với Châu. Em nói liến thoắng:

-Sao không bảo sớm? Tớ đang học Hóa một thầy, thầy dạy tốt lắm!

Tôi ngạc nhiên:

-Ơ… tôi tưởng cô thi khối C, học hóa làm gì?

-Cả khối B nữa! – Châu đáp – Báo chí là theo ngành của bố tớ, nhưng mẹ muốn tớ thi cả sư phạm vì mẹ làm giáo viên. Nếu được sư phạm thì có thể vào làm chỗ mẹ!

-Hồ hồ hồ! – Tôi cười khả ố – Nhà cô cơ cấu tốt nhể? Thôi được, để tôi học thử xem!

Hai hôm sau, tôi đến lớp học thêm của Châu. Mang tiếng “lớp” chứ thực ra là học tại nhà cô bạn của em. Căn nhà khá bé nên cả bọn học ngay tại phòng khách. Lớp có ba đứa gồm Châu, cô bạn em và một thằng con trai, tính thêm cả tôi nữa là bốn. Buổi đầu tiên lạ nước lạ cái, tôi chỉ hỏi hai người bạn mới học trường nào và thi ngành gì, hết. Điều mong đợi của tôi là ông thầy dạy hóa kia. Nghe ba đứa nói ổng khá trẻ và dễ tính, dạy dỗ nhiệt tình nhưng tôi chỉ ậm ừ cho qua. Với thằng học hóa ngu thành bản sắc và thương hiệu như tôi, thầy cô nào cũng thế cả. Giáo dục phổ cập cho toàn dân, nhưng thực tế có những cấp độ ngu thượng thừa mà giáo dục không thể phổ cập, như tôi là ví dụ điển hình.

Tôi ngồi đợi thêm lát nữa cho tới đúng bảy giờ tối, ông thầy xuất hiện trước cửa nhà. Ổng đi con Wave cũ, đầu đội nồi cơm điện to tổ bố (đầu tháng 12 năm ấy nhà nước thực hiện luật đội mũ bảo hiểm), áo khoác dạ to bố tổ cùng cái cặp căng bự sách vở giấy tờ. Nhưng lúc bỏ hết mấy thứ ấy ra, trông ổng bé một mẩu, dáng lại hơi lùn, tôi mang tiếng “teo tóp” mà còn cao hơn ổng tí chút. Cơ mà ông thầy này trẻ măng, trông như sinh viên mới vào đại học. Thấy tôi – thằng học sinh mới – ổng liền bắt tay:

-Chào em! Anh có nghe Châu nói về em rồi! Em tên Tùng, đúng không? Học cùng trường với Châu hả? Ừ được rồi, anh tên Thảo, cứ gọi là anh là “anh” thôi, không cần gọi là thầy. Ở đây mình học theo nhóm nên em cứ thoải mái!

Anh nói năng nhẹ nhàng và ân cần đúng như cái tên đầy nữ tính của mình. Tôi lập tức hơi rợn cái bắt tay nọ, lòng nghĩ thầm “Đ.M, thằng cha này giới tính bình thường đấy chứ?”.

Sau màn chào hỏi nhiệt tình ấy, anh bắt đầu dạy. Anh giảng khá kỹ và trả lời mọi thắc mắc (tôi thì không thắc mắc vì biết con khỉ khô gì đâu!), sau đó cho cả bọn làm bài tập trắc nghiệm. Năm ấy, người ta ra quy chế thi trắc nghiệm cho hai môn Lý, Hóa; một trăm câu trắc nghiệm trong chín mươi phút. Hồi đầu tôi cứ tưởng đây là cơ hội cho thằng ngu Hóa như mình. “Bốn đáp án, chọn bừa thế nào chả trúng!” – Tôi nghĩ vậy. Nhưng hỡi ôi, câu nào cũng chơi xác suất một phần tư, vậy tôi làm đúng bao nhiêu câu chứ? Sau một thời gian, tôi ngộ ra thi trắc nghiệm không dành cho những gã lười trông chờ may mắn. Những thằng tự xưng đỗ đại học do điền bừa trắc nghiệm có hai loại: một là bố láo, hai là nhà nó tám đời tích đức làm việc thiện, mà cái dạng thứ hai là thiểu số trong thiểu số. Ai sắp sửa thi đại học thì đừng đợi chờ may mắn rớt xuống đầu mình nhé!

Trở lại vấn đề, sau khi làm bài xong, bọn tôi đưa bài cho anh Thảo chấm. Ảnh chấm khá nhanh và chừng năm phút sau thì trả bài. Châu điểm 7, hai đứa kia đều điểm 9, còn tôi thì nát: 2 điểm. Tuy nhiên, anh không để chúng tôi thừa thời gian bàn luận điểm số của nhau mà bắt cả bọn học ngay lập tức. Mãi sau này, khi nghĩ lại, tôi mới hiểu anh làm thế để hai đứa kia đỡ xì xầm điểm số của tôi.

Cuối buổi học, anh Thảo gọi tôi ở lại nói chuyện riêng:

-Em mất căn bản nặng lắm! Châu nói em không thích học Hóa, đúng không?

-Dạ vâng. – Tôi cười trừ.

-Không thích học Hóa mà còn thi khối A? Có phải bố mẹ bắt ép, đúng không? Lại phải học mấy ngành kinh tế hả?

Anh Thảo thuộc thế hệ 8x, hơn tôi sáy bảy tuổi, tính ra cũng gọi là có khoảng cách thế hệ. Nhưng anh lại biết rõ tâm tư của tôi, lại đụng chạm đúng nỗi khổ sở mà bấy lâu nay tôi dằn vặt. Thấy anh nói chuyện thẳng thắn, tôi cũng không giấu giếm:

-Dạ vâng. Các cụ cứ bảo em thi kinh tế, em phải nghe thôi…

-Thế em thi khối nào nữa không?

-Dạ không, em thi mỗi khối A thôi. – Tôi cười – Em học Toán, Lý tốt, chỉ dở mỗi Hóa!

-Ờ, khó nhỉ? Anh thấy cái Châu với hai đứa kia đều thi hai khối cả. Thôi được rồi, anh bảo nhé, sau mỗi buổi, em chịu khó ở lại khoảng nửa tiếng, anh sẽ dạy thêm cho! Anh không hứa em sẽ học tốt ngay, nhưng mình cứ học từ từ. Được chứ? Có bận bịu hay phải về sớm không? Không chứ gì, vậy cứ như thế đi!

Ban đầu, tôi không hào hứng lắm với đề nghị của anh Thảo. Bạn biết đấy, một số giáo viên đề nghị dạy thêm giờ để tăng giá tiền, tôi nghĩ anh đang cố cải thiện thu nhập của mình. Đôi lúc, tôi vừa thấy hài vừa thấy sợ khi nghĩ đến ngày kia, trong một buổi tối lãng mạn, anh công khai giới tính thật cho tôi nghe. Khéo chừng ra phiên bản “Thầy giáo Thảo” thì bỏ mẹ! Nghe đã ớn!

Nhưng đó chỉ là những suy nghĩ vớ vẩn của tôi. Thực tế là anh Thảo chẳng bao giờ đòi hỏi thêm tiền công. Anh lấy mỗi đứa một lít tám (180 nghìn) một tháng – một cái giá rẻ, nếu không muốn nói là quá rẻ ở thời điểm đó, khi mà tiền học thêm phổ biến trong khoảng ba lít tới năm lít một tháng. Anh Thảo luôn luôn đến đúng giờ, trừ hôm nào bận công việc thì anh sẽ thông báo trước, nếu nghỉ thì học bù. Đứa nào đến muộn, anh không bao giờ dạy trước mà sẽ đợi đứa đó có mặt. Có hôm mưa rét, tôi sinh lười, định nằm nhà ngủ thì mẹ xạc cho một trận thối đầu, đành lóc cóc đạp xe đi, tới nơi thì trễ nửa tiếng. Nhưng anh Thảo không giận, chỉ cười:

-Sao, rét quá hả em? Ê, vào đây nhanh, anh mua ngô nướng! Ăn cho ấm, ăn xong rồi học!

Anh mua ngô nướng thật. Hôm đó anh không dạy thêm cho tôi vì trời mưa to lại rét buốt, anh sợ tôi về khuya sẽ không tốt cho sức khỏe. Cảm thấy khá có lỗi với anh nên từ những buổi học sau, tôi không dám đi muộn nữa. Cũng từ đó, tôi bỏ lớp của ông thầy thằng Sĩ để chuyển sang học anh Thảo. Tôi vốn không ưa giáo viên, bởi đại đa số họ chỉ quan tâm đến tiền, nhưng anh Thảo là trường hợp ngoại lệ. Dù gọi là “anh”, nhưng thâm tâm tôi coi anh là một người thầy. Anh sống đúng nghĩa chữ “thầy” khi vừa dạy học, vừa dạy chúng tôi những kiến thức về cuộc sống. Anh nói với tôi như vầy:

-Em phải xác định ngành tài chính không dễ đâu. Bây giờ người ta cứ cổ phiếu chứng khoán tràn lan thế này, kiểu gì vài năm nữa cũng sập! Lúc ấy xin việc rất khó đấy!

Sau những buổi học thêm giờ, tôi thường nấn ná lại chút để nói chuyện với anh Thảo. Dần dà, tôi biết thêm về anh hơn. Khi tôi hỏi anh đến từ đâu thì anh trả lời ngay “mình là dân 36”. Thuở ấy, tôi đã nghe người lớn nói chuyện dân vùng này vùng nọ nên cũng hiểu dân 36 là gì. Anh cười:

-Nghe các cụ nói nhiều rồi, đúng không? Ừ, tại chỗ ấy nghèo quá nên cũng sinh lắm chuyện. Nhiều lúc anh cũng ngại lắm, nhưng sống lâu rồi quen thôi!

Anh Thảo sinh ra ở vùng giáp biên giới Việt Lào – một nơi mà anh mô tả là chó ăn đá gà ăn sỏi. Đất không màu mỡ, người cũng khó giàu. Gia đình nghèo nên bố mẹ không đưa anh đi mẫu giáo. Bù lại, bố dạy anh học chữ và học toán do ông cụ từng làm nghề giáo viên. Đến tận lớp ba, anh mới được đi học (bố anh quen người trong trường nên xin cho anh không phải học lớp 1 lớp 2). Nhà nghèo, nhất là nhà nghèo nơi vùng núi xa xôi có lắm cái khổ mà bọn trẻ thành phố chúng tôi không thể tưởng tượng ra. Anh Thảo kể rằng mãi năm thi đại học, anh mới biết thế nào là “phở Hà Nội”. Nhớ lại những ngày đó, anh kể khá hào hứng:

-Ở chỗ của mình không có quà sáng đâu! Nhà trên đồi mà, làm gì có hàng quán? Hề hề! Mỗi sáng, năm giờ bố lại gọi anh em mình dậy (nhà anh có ba anh em) rồi rang cơm ăn. Em có biết “tóp mỡ” là cái gì không? Cái phần thừa mà khi người ta chưng lấy nước mỡ ấy? Ừ, đúng rồi, anh hỏi mấy đứa học sinh cấp hai, chúng nó lắc đầu nguầy nguậy “tóp mỡ là gì hả thầy?”! Rồi cứ thế ăn thôi! Suốt từ bé đến cấp ba, sáng nào cũng ăn cơm rang luôn! Hôm thêm tí tóp mỡ, hôm tí thịt vụn ở đáy nồi thịt kho! Ừ, ăn xong là mình chạy xuống nhà dì lấy cái xe đạp rồi đạp mười cây số tới trường. Tại sao phải để xe nhà dì á? À, nhà mình ở trên đồi, mà từ cái đồi đi xuống toàn sỏi với đá, có đường đâu? Mà có đi xuống xe cũng hỏng hết lốp, may có nhà bà dì dưới chân đồi nên phải để ở đó! Ừ, cứ đi đi về về thế, ăn mãi chẳng béo lên được! Có lên Hà Nội rồi mấy năm nay đi làm, kiếm được tiền, ăn được nhiều nên mới béo ra tí! Hề hề! Mà cái ngày ấy, dậy thì dậy sớm, đạp xe mỏi chân, lên lớp ngáy phò phò luôn! Hôm đi họp phụ huynh, bố biết chuyện, ông cụ vớ cái chổi vụt mình tới tấp luôn! Vụt thế mà vẫn phải chịu chứ, không cãi được. Bố mình nghiêm lắm! Nuôi lợn chăn bò, đi cấy, cái gì cũng bắt mình làm tuốt! Giờ mình lớn rồi mà làm cụ phật ý là cụ chửi luôn đấy!

Và như một định lý, ở những nơi nghèo khó ấy, con người ta luôn có ý chí học hành. Anh Thảo biết rằng chỉ có học hành mới thoát nghèo. Lên cấp ba, anh đỗ trường chuyên nổi tiếng nhất tỉnh đồng thời là một trong những trường chuyên nổi tiếng nhất nước. Sau ba năm gắng sức học hành, anh lên Hà Nội và trúng tuyển vào trường sư phạm. Tin tôi đi, đó thực sự là chuyện cổ tích có thật. Gần mười năm trước, nếu ra đường Láng, bạn sẽ thấy vài quyển sách dày cộp tổng hợp đề thi đại học từ năm 1990 tới 2000, ba môn khối A đều là tự luận và khó kinh hồn. Như đề Toán chỉ có ba câu, nhưng câu nào cũng khoai như sắn. Tôi từng thử làm đề Toán năm anh Thảo thi và… chịu chết, may ra làm được câu đạo hàm đầu tiên. Tôi được ăn, được học, được cung cấp đủ chất dinh dưỡng, được giải trí mà học chẳng nên thân. Thấy anh Thảo như thế, tôi hơi xấu hổ. Nhưng anh cười:

-Mỗi thời mỗi khác chứ em! Bọn anh ngày xưa học để mua xe máy, còn thế hệ bọn em bây giờ học để mua ô tô chứ!

-Vậy là anh muốn theo nghề sư phạm à? – Tôi hỏi.

-Ừ, tại bố mình ngày xưa làm giáo viên nên mình muốn làm sư phạm. Ông cụ không bắt mình theo ngành nào, nhưng thấy mình theo sư phạm nên vui lắm!

Lúc ấy, tôi hỏi ra mới biết là anh đi làm được ba bốn năm rồi. Anh kể cho tôi nghe những ngày tháng thiếu thốn thời sinh viên. Lắm lúc hết tiền, anh phải chạy theo bạn xuống trường Bách Khoa ăn ké vì cơm ở đấy rẻ. Rồi khi ra xin việc, người ta chê anh có lý lịch cá nhân xấu, nói thẳng ra là bởi cái mác “dân 36”, mặc dù anh học rất giỏi. Có lúc, bố mẹ khuyên anh về quê rồi tìm việc nhưng anh không chịu, nhất quyết phải ở lại đất Hà Nội này. Vậy là anh đi dạy thêm suốt hai năm liền, đến năm vừa rồi mới tìm được việc ở một trường cấp hai. Anh nói:

-Lúc mới ra trường thì mình nhìn đời màu hồng lắm! Nhưng mà đi làm rồi lại thấy toàn màu xám! Chẳng có gì áp dụng được hết, cái đồ án của mình dùng xong cũng vứt xó nốt! Hề hề! Nhưng đàn ông phải xông pha chứ? Cũng may là mình tìm được việc, giờ tạm gọi là ổn định! Năm tới, mình tính xin vào trường SS (xin phép không nêu tên).

-Vậy ra là anh muốn dạy ở trường SS! – Tôi nói.

-Ừ, ngày trước có xin nhưng chưa được. Giờ mình mong là được! Thực ra mình muốn làm giảng viên, nhưng phải có thời gian nữa. Giảng viên yêu cầu cả kinh nghiệm làm việc nữa!

Nhìn anh Thảo trẻ vậy chứ anh đã có kế hoạch rõ ràng cho tương lai. Tính ra, anh đi làm đã nhiều năm, cũng nếm trải đủ mùi khổ cực của nghề giáo. Học sinh ngày càng quái chiêu, mà lương giáo viên bao năm vẫn thế, thành ra họ dần chai sạn và luôn vác một bộ mặt vô cảm xúc tới lớp. Nhưng ở anh Thảo, tôi chưa bao giờ thấy anh mất đi nhiệt huyết cả. Có thể do anh còn trẻ, song tôi tin rằng anh yêu nghề lắm.

-Anh thích nghề giáo lắm đúng không? – Tôi hỏi.

Anh Thảo ngẫm nghĩ hồi lâu rồi lắc đầu:

-Nói một cách thực lòng là anh không thích.

-Hả? – Tôi trố mắt – Anh không thích á?

-Ừ. Nói chung hồi xưa chọn ngành, mình cũng chọn theo cảm tính là chủ yếu, phần nữa cũng muốn nối nghiệp bố. Ừ! Đi làm nhiều, anh thấy mình không thật sự thích nghề này, nhiều lúc căng thẳng lắm! Bọn trẻ con giờ quái lắm, nhức đầu với chúng nó lắm! Nhưng mà biết sao được, đây là nghề của mình, là cần câu cơm của mình, sao mà bỏ được?

-Thế thì anh thích cái gì?

Anh cười rồi trả lời khẽ khàng, như thể sợ ai nghe thấy:

-Mình thích chụp ảnh.

Anh nói thật, trong cặp của anh, ngoài giáo án và giấy tờ còn có máy ảnh. Một chiếc Canon chụp phim đời cũ, một loại máy mà nếu bạn gõ chữ Canon trên Google, nó sẽ không bao giờ xuất hiện. Con máy đó thời xưa là của hiếm, nhưng đến thời của tôi, nó là đồ cổ lỗ sĩ so với máy ảnh kỹ thuật số. Anh Thảo nói những hôm chủ nhật, anh thường lang thang đây đó để chụp ảnh, hoặc những khi trường đi tham quan, anh luôn mang máy theo để chụp. Nhiều hôm, giữa giờ giải lao, anh chia sẻ cho chúng tôi những bức ảnh chụp hồ Hoàn Kiếm buổi sáng sớm. Những bức ảnh của anh rất đẹp, như thể ảnh của dân chụp chuyên nghiệp. Tôi nói:

-Anh chụp đẹp thế? Anh được học chụp ảnh à?

-Không, chẳng ai dạy cả! – Anh cười – Ngày trước, chú mình làm thợ chụp ảnh ở bãi biển, mình thích rồi mê luôn!

-Anh đi làm thế mà vẫn thích chụp ảnh sao?

-Ừ, sở thích mà! Có cái sở thích cũng hay, làm mình không thấy cuộc sống buồn chán.

-Vậy sao anh không theo nghề chụp ảnh luôn? – Tôi hỏi.

Anh không nói gì, chỉ cười. Châu nghe thế bèn lanh chanh:

-Ở đây có người biết vẽ mà không theo nghề vẽ anh ạ!

Tôi vội thúc vào chân cô bé. Em quay lại vặc tôi sao thúc vào chân em rồi hai đứa cãi nhau chí chóe. Thấy vậy, anh Thảo chỉ cười chứ không hỏi gì thêm. Sáng hôm sau, tôi phàn nàn với Châu:

-Tôi đã bảo là không nói chuyện vẽ vời rồi cơ mà? Sao cô lại kể cho anh Thảo?

-Thì tớ đã nói gì đâu? Mà thôi, ăn kẹo không?

Em chìa ra đống kẹo mút nhằm lấp liếm “tội lỗi” của mình. Tôi chỉ biết cười và bỏ qua cho em. Nếu một ngày kia, Châu làm đại sứ hòa bình hòa giải chiến tranh giữa các nước bằng kẹo mút, tôi cũng không lấy làm lạ.

Nói về chuyện học hành, Châu học nặng hơn tôi nhiều vì em thi hai khối hoàn toàn khác nhau.

Người ta thường thi khối A và B hoặc A và D chứ hiếm trường hợp thi B và C. Châu là kiểu đặc biệt như thế. Ngày nào em cũng học thêm, kể cả thứ bảy lẫn chủ nhật. Thi thoảng tôi lại nghe em kêu ca buồn ngủ hoặc mệt mỏi, nhưng chưa bao giờ em chán ghét hay từ bỏ việc học. Chẳng hề giống cách đây mấy tháng, em còn khóc và phản kháng quyết định hướng nghiệp của bố mẹ. Và đến lượt tôi tự hỏi rằng liệu ước mơ vẽ của em còn không? Khi tôi hỏi câu này, em bĩu môi cùng cái lườm rách mắt:

-Sao bảo không nói chuyện vẽ vời nữa? Ứ trả lời đấy!

Tôi tỏ ra hối lỗi, đồng thời năn nỉ gãy lưỡi, em mới tươi cười trả lời:

-Tớ vẫn muốn vẽ, nhưng giờ lỡ cỡ vậy rồi thì đành cố gắng chứ biết làm sao? Chẳng lẽ buông xuôi à?

-Nhưng cô đâu thích sư phạm với báo chí, đúng không? Thằng Choác không thích ngành tài chính nên tính bỏ thi đấy!

-Tớ không giống Choác được! – Em lắc đầu – Con gái không có nhiều lựa chọn. Bố mẹ đã thế rồi thì tớ phải cố gắng hơn nữa thôi.

-Vậy là cô chịu thua ông bà già?

-Không hẳn thế! Tớ nghĩ có thể tìm được niềm vui trong điều mình không thích thì sao?

-Làm gì có chuyện đó!

Châu cười:

-Chắc chắn là có! Thế Tùng thì sao? Định bỏ học để vẽ à?

Tôi chối bay chối biến:

-Khồng, khồng, tôi không điên!

Hôm ấy, tôi nghĩ khá nhiều về câu nói của Châu. Cái gì mà thấy niềm vui trong những điều mình không thích? Tôi không tin. Tôi nghĩ đó chỉ là cách mà Châu che đi nỗi đau không được vẽ. Điều mình không thích là điều khiến mình buồn, mà trong chuyện buồn đào đâu ra niềm vui? Có khác chăng là con gái biết thỏa thuận cuộc sống nhanh hơn con trai thôi. Có lẽ Châu đã gạt bỏ những ước mơ và tiếp tục sống như một con người bình thường.

Một ngày nọ, dịp gần Tết, sau buổi học thêm Hóa, tôi chào anh Thảo rồi ra về. Nhưng tôi thấy anh loay hoay mãi, một lúc sau mới phát hiện ra chìa khóa của anh đã gãy, phần gãy nằm trong ổ khóa. Anh cười mếu với tôi:

-Sắp Tết mà đen đủi quá! Em biết ở đây có hàng sửa xe nào không?

Và thế là hai anh em lóc cóc dắt xe đi gần một cây số mới có hàng sửa xe máy. Trong lúc đợi người ta sửa, anh lôi máy ảnh ra và cẩn thận lau chùi nó bằng miếng vải sạch. Trông anh tỉ mẩn lau chùi và nâng niu chiếc máy như thể nó là vật báu, cũng như cái cách mà tôi ngắm nghía bức tranh của mình sau khi vẽ xong. Cảm thấy kỳ lạ, tôi bèn hỏi anh:

-Sao anh đi làm rồi mà vẫn thích chụp ảnh?

-Nó là sở thích đó em! – Anh cười – Mình cần có niềm vui sau ngày làm việc chứ? Không có cái gì để làm, em sẽ chán đời ngay!

-Thế ngày trước anh làm nghề chụp ảnh có phải hơn không?

Anh Thảo ngước mắt ngẫm lại chuyện ngày xưa. Rồi anh nói:

-Ngày xưa mình không có điều kiện giống các cậu bây giờ. Từ cấp một tới cấp ba biết cái máy ảnh mô tê thế nào đâu? Nhưng nếu mình tiếp xúc với máy ảnh sớm, chưa chắc mình đã theo nó mà vẫn chọn nghề giáo viên. Mình vẫn cần nghề để kiếm sống chứ! Nếu có thể biến sở thích hoặc đam mê thành nghề thì tốt, nhưng trong trường hợp của anh, anh cần nghề nghiệp trước đã. Với cả các cụ nhà mình cũng chẳng cho mình theo nghề nhiếp ảnh đâu! Hề hề!

Tôi lắc đầu chán nản. Vậy là anh Thảo giống Châu, nếu cho anh lựa chọn lại, anh cũng không dám trái ý bố mẹ. Tôi cảm thấy cuộc sống đang bị bóp nghẹt trước những luân lý và định kiến truyền thống. Thấy tôi dài mặt như cái bơm, anh Thảo cười:

-Cuộc sống có nhiều điều không vừa ý mình mà em, chẳng có gì theo ý mình đâu! Đôi lúc mình phải chấp nhận thôi.

-Thế gọi là cam chịu hả anh?

-Là “cam chịu” nếu em muốn ra sao thì ra, còn nếu em đối mặt với nó thì gọi là “dũng cảm”. Em không thể lẩn tránh mãi những điều chẳng vừa ý mình được. Thử đối mặt với nó xem, biết đâu em lại tìm thấy cái gì hay ho? Anh cũng không thích nghề giáo viên, nhưng lên lớp thấy bọn trẻ con giống mình ngày xưa, anh lại cố dạy. Chúng nó căn bản không lười, mà tại giáo viên dạy chưa đúng cách. Một tháng chưa được, anh cố gắng tháng thứ hai thì chúng nó bắt đầu hỏi mình nhiều hơn. Cứ thế thôi! Hề hề!

Nghe anh nói, tôi dần hiểu tại sao Châu lại gắng sức học hành đến vậy. Thay vì lẩn tránh số phận, em lại đương đầu với nó. Em muốn đỗ đại học, muốn khám phá xem những ngành học mới có gì hay ho hơn vẽ. Đó là một trải nghiệm sống mà Châu đang tự mình tìm hiểu. Còn tôi? Tôi chỉ đang than thân trách phận. Tuổi mười tám, tôi nghĩ tôi hiểu tất cả, tôi nghĩ tôi dũng cảm. Không, tôi đơn thuần chỉ là anh chàng ngốc nghếch mà thôi. Châu đã trưởng thành hơn tôi nhiều lắm!

Ra Tết, tôi tập trung học hơn nhiều. Tất nhiên thời gian đi chơi điện tử vẫn có nhưng tôi nghỉ hẳn game online, chỉ chơi mấy game bù khú cùng bạn bè. Viễn cảnh rớt đại học và không công ăn việc làm khiến tôi lo sợ, thậm chí mất ngủ vài ngày. Nhưng bên cạnh lý do đó, tôi cũng rất muốn đỗ đại học. Tôi muốn xem ngành tài chính thực chất là cái gì và tại sao người ta lại đâm đầu vào đó? Dù vậy, bài học ngày một khó hơn và tôi không dám chắc mình sẽ vượt qua môn Hóa. Anh Thảo đã làm hết sức, từ việc dàn bảng công thức bắt tôi học thuộc rồi liên tục cho luyện đề trắc nghiệm. Tôi cố gắng lắm chỉ đạt điểm 6, điểm 6 này đi thi đại học trừ đầu trừ đuôi chỉ còn 4, cơ may đỗ rất thấp. Đợt ấy, anh Thảo vừa tìm được việc ở trường SS, lương rất khá, tính ra không cần dạy thêm, nhưng anh không bỏ quên tôi, vẫn tận tình chỉ dạy từng ly từng tí. Thấy anh nhiệt tình quá, tôi cũng đặt ra quyết tâm thi đỗ để khỏi phụ lòng anh.

Tầm cuối tháng 2, gần như mọi học sinh đều học xong chương trình. Đi học thêm cốt là để chạy trước bài vở trên lớp, những tháng còn lại là luyện, luyện và luyện. Có được đề thi ở đâu, tôi mang đi photo ngay rồi mang về làm. Luyện nhiều, tôi dần phát hiện ra có những mánh để không cần trình bày bài giải mà vẫn biết ngay kết quả. Trò này bây giờ không mới, nhưng ở thời ấy, nó là một phát hiện thú vị. Biết tôi kém Hóa nên Châu thường chia sẻ những mánh lới này cho tôi, nhất là những bài cân bằng phương trình phản ứng.

-Chỗ này là phải điền số trước nè! Sau đó làm phương trình, dùng máy là ra! Cái này thì phải lập phương trình bậc ba nè, làm thế không được đâu! Giời ạ, học Toán tốt thế mà sao học Hóa dốt thế? Cái gì? Bảo ai là “Trâu điên” đấy? Tùng thích ăn đòn hả?

Mỗi lần làm bài tập chung, tôi và Châu lại cãi nhau như thế. Tôi giải bài sai, em chê tôi dốt, tôi kêu em là Trâu điên, cãi nhau. Tôi giải bài đúng, em bảo tôi ăn may, tôi kêu em là Trâu khùng, cãi nhau tiếp. Lắm lúc cãi nhau quá, em giận, mặt đỏ bừng bừng, tôi phải đấu dịu xin lỗi. Chúng tôi cứ cãi nhau riết mà chẳng để ý mùa hè đã tới từ lâu, chẳng để ý lũ học sinh đang gấp bài kiểm tra thành máy bay giấy phi trắng sân trường. Khi ôn thi đại học, bạn luôn mong một ngày có 48 tiếng, bạn luôn sợ tháng 7 tới, nhưng những khi ta sợ thời gian, nó lại chạy nhanh hơn bao giờ hết.

Và khi mồ hôi chảy nhễ nhại trên lưng áo, tôi mới giật mình nhận ra lúc đó đã sang tháng 5. Thời cấp ba của tôi sắp hết, những ngày tháng bên cạnh Châu sắp hết.

Hết thật sao? – Tôi lo lắng.

Càng gần ngày bế giảng, nỗi lo sợ ấy càng lớn, đến nỗi cái tên Hoa Ngọc Linh cũng không thể kìm hãm nó. Tại sao vậy? – Tôi tự hỏi. Rồi một ngày nọ, tôi hỏi anh Thảo:

-Hồi đi học, anh có thích ai không?

-Ờ, có! – Anh cười toe – Hồi mình học cấp ba, mình thích cô bé lớp trưởng. Ừ, cô bé ấy học giỏi lắm! Giờ đang sống trên Hà Nội rồi, công việc ổn định lắm! Thi thoảng mình cũng gặp lại và nói chuyện, vui lắm!

-Thế… anh tỏ tình chưa?

-Có chớ! – Anh cười ngất – Hồi ấy mình khá quậy, cái gì cũng quậy hết thì tỏ tình là chuyện nhỏ! Một hôm mình mang quả xoài xanh rồi chìa ra trước mặt con bé lớp trưởng, bảo “Tao yêu mày, tao cho mày quả xoài, mày yêu tao không?”!

Tôi cười như điên trước màn tỏ tình của anh, sau hỏi tiếp:

-Thế rồi sao ạ?

-Thế rồi con bé nó cầm quả xoài ném bốp vào mặt mình bảo “Đồ điên!”. Nó chạy đi méc cô giáo, thế là cô gửi giấy mời họp phụ huynh, bố đánh mình tí chết luôn! – Anh cười.

Anh nói rằng nếu thời gian quay trở lại lần nữa, anh sẽ lại tỏ tình với cô bé lớp trưởng nọ, bởi anh không muốn phải nhìn lại tuổi trẻ của mình trong hối hận. Tuy nhiên, đó là trường hợp của riêng anh, còn tôi thì khác. Thế hệ của tôi khác xa anh nhiều quá, nói mấy câu sến súa trước mặt con gái khó vô cùng. Tôi nói với Châu như thế, khéo em thù tôi cả đời mất! Mà với Châu, có thật tôi chỉ đơn thuần là thích em? Mắt thằng con trai lăng nhăng lắm, cứ đụng phải đứa con gái xinh xắn là thích, là khoái hết!

Nhưng việc ôn thi đại học, thi học kỳ và kỳ thi tốt nghiệp cấp ba khiến tôi nhanh chóng quên chuyện ấy. Cho tới một hôm sau ngày tổng kết học kỳ II, Châu bỗng gọi tôi ra một chỗ rồi hỏi:

-Hôm nay có đi chơi điện tử không?

Tôi trố mắt:

-Hả? Sao tự nhiên hỏi thế?

Châu nhét vào tay một mảnh giấy nhỏ rồi bắn như súng liên thanh:

-Nếu ra thì lên mạng rồi vào địa chỉ này nhé! Mình đã ghi cả tên tài khoản lẫn mật khẩu rồi, cứ đăng nhập vào đó! Nếu thích, Tùng có thể thay đổi mật khẩu, thế nhé!

Tôi gặng hỏi nó là cái gì thì Châu nhất quyết không nói. Con gái đã giữ bí mật cái gì thì đố ai cạy ra được. Sau buổi học, tôi với ba thằng bạn ra hàng điện tử. Thay vì chơi game, tôi mở mảnh giấy và đăng nhập địa chỉ trên Internet Explorer (ngày ấy cáo lửa với cờ rôm chưa phổ biến). Đó là một diễn đàn dành cho dân vẽ, ở đây, họ có thể thoải mái chia sẻ các tác phẩm của mình. Có người là nghiệp dư, có người là dân mỹ thuật chuyên nghiệp. Rất nhiều bức tranh khiến tôi phải lặng thinh ngắm nghía hồi lâu, họ vẽ đẹp hơn tôi nhiều! Trước nay tôi nghĩ mình giỏi, nhưng so với những con người ở đây, tôi chỉ là tôm tép.

Do chưa tham gia diễn đàn mạng bao giờ nên mất một lúc tôi mới tìm ra ô đăng nhập nickname và mật khẩu. Tôi lại làm theo lời chỉ dẫn trên giấy và vào trang cá nhân. Tại đây, tôi tìm thấy một chủ đề (thread) do nickname này tạo ra từ năm tháng trước. Mở bài đó ra, tôi thấy dòng đầu tiên ghi thế này:

“Mình học vẽ chưa lâu, có vài tác phẩm muốn chia sẻ, mong các bạn ủng hộ nhé! ^^”.

Tôi kéo con lăn chuột xem tiếp bài viết. Lạ thay, phía dưới câu mở đầu đó là những bức tranh của tôi. Chúng được scan, tải lên máy tính theo định dạng file IMG và được post vài lần trong tuần. Một tháng đầu, chẳng có ai để lại ý kiến phản hồi (comment), nhưng người post không nản mà vẫn đều đặn upload ảnh. Và bốn tháng sau, chủ đề toàn ảnh này đã có vài người trả lời:

“Bạn vẽ đẹp đấy chứ? Mình không tin bạn là dân nghiệp dư đâu!”.

“Úi, là Nevermore của Dota này! Bạn vẽ đẹp ác!”.

Lượng phản hồi ngày một nhiều lên. Một số ý kiến khuyên tôi nên chỉnh lại màu sắc hoặc chỉnh lại nét vẽ do sai tỉ lệ. Một số khuyên tôi nên học thêm kiến thức vẽ để tạo ra tác phẩm đẹp hơn. Nhưng hầu hết họ đều thích thú với những bức tranh fantasy của tôi – cái chủ đề mà tôi nghĩ chỉ riêng tôi biết. Tôi càng vui hơn nữa khi họ đều là những con người xa lạ không hề quen biết mình, vậy nên lời đánh giá của họ khá công tâm. Nhìn những dòng góp ý, những lời khuyên cùng lời khen, tôi vui sướng khôn tả. Giấc mơ vẽ của tôi không hề vớ vẩn, không vớ vẩn một chút nào! Niềm đam mê vẽ vời trong tôi ngỡ tưởng nguội lạnh giờ lại cháy bỏng hơn bao giờ hết.

Nhưng vui chưa hết, lòng tôi lại chùng xuống. Người tạo ra nickname này, lập chủ đề này, mất công scan và upload ảnh đều là Châu. Tới giờ tôi mới hiểu lý do em đòi tranh. Bốn tháng không có phản hồi, không có góp ý, em vẫn miệt mài scan, miệt mài đưa những tác phẩm của tôi tới mọi người.

Tại sao em phải làm thế? Tôi không thể hiểu.

Hai ngày sau đó là lễ bế giảng. Trong ngày lễ, đám con gái khối 12 đều mặc áo dài, Châu cũng thế. Hôm ấy, em đi giày cao gót nên bỗng dưng lớn hẳn lên, gương mặt trang điểm rất khéo như muốn hút toàn bộ ánh nhìn. Tôi (và rất nhiều thằng khác) nhìn Châu, trong lòng không khỏi than ngắn than dài. Cái áo dài là thứ mỏng manh, nhưng đủ sức lôi những thằng đàn ông xuống vũng bùn của ngu si và khở dại. Nhờ thứ trang phục đó, bao nhiêu cái đẹp của con gái tuổi mười tám phát tiết ra hết. Trẻ con lớp 6? Trâu điên? Không, những từ ngữ nọ chẳng hợp với Châu nữa. Em đã là con gái, là thiếu nữ. Còn các ông con trai vẫn chẳng bao giờ lớn, chúng nó vẫn đóng bộ đồng phục thường ngày, vẫn áo bỏ ra ngoài quần không chịu đóng thùng. Lễ bế giảng thành ra là một nơi tập hợp thiếu nữ và những thằng trẻ con vậy.

Sau lễ bế giảng chỉ còn học sinh khối 12 ở lại í ới gọi nhau đi chơi hoặc đi ăn. Lớp chúng tôi tuy không thân thiết lắm, nhưng chúng nó cũng chụp ảnh chung và ghi cho nhau những dòng lưu bút. Tôi ngồi ghế đá, xem thằng Cuốc và thằng Sĩ cầm chổi đánh nhau, thi thoảng ngoác mồm cười khi thấy đằng xa, ông thần Choác bị lũ con gái đuổi theo cào cấu cắn xé (thằng này lên cấp ba vẫn không từ bỏ sở thích trêu điên lũ sư tử cái). Rồi tôi im lặng dần khi thấy Châu tiến đến. Em đi chân đất, tay xách đôi giày cao gót, gò má vương mồ hôi do đùa nghịch với lũ bạn. Em ngồi cạnh tôi, chợt hỏi:

-Trông tớ thế nào? Có được không?

Tôi nhìn em rồi gật gật đầu. Tôi không đủ sức nói rằng hôm ấy, em rực rỡ nhất sân trường. Châu bóp chân, miệng than khổ:

-Đi cái này đau chân chết đi được! Mà cả áo dài nữa, nóng quá!

-Nóng thì cởi! – Tôi nhe răng cười.

-Này thì cởi!

Em đấm thùm thụp vào tay tôi. Hai đứa cùng cười, rồi cùng yên lặng dưới cơn gió đang rải hoa phượng rơi khắp sân trường. Chúng tôi sẽ còn gặp nhau hôm thi tốt nghiệp, nhưng tôi cảm giác đây sẽ là lần cuối cùng tôi ở bên em.

-Tớ mượn MP3! – Châu nói.

Tôi đưa cho em cái máy. Máy toàn nhạc rock và metal, chẳng có thứ nhạc em thích. Nhưng giờ đây, em lại chăm chú nhìn từng bài hát rồi nghe thử. Nghe một lúc, em bỗng nở nụ cười:

-Sau này Tùng còn nghe rock nữa không?

-Có.

-Tại sao?

-Vì tôi thích, thế thôi.

Em nhét chiếc phone lên tai tôi, tôi nhận ra chiếc MP3 đang chạy bài Pieces của ban nhạc Red – một bài hát rất đỗi nhẹ nhàng. Châu hỏi bâng quơ:

-Bài hát về tình yêu à?

-Không. Họ hát về Chúa. “You” trong bài này không phải cô gái, mà là Chúa.

-Nhưng tiếng Anh đa nghĩa, mình hiểu kiểu nào cũng được, đúng không? – Em cười.

Tôi gật gù thay vì trả lời. Tôi không muốn trả lời bởi tôi muốn níu kéo em bên mình lâu hơn. Nhưng chẳng người đàn ông mạnh mẽ nào có thể chống lại thời gian. Đồng hồ cứ chạy, thời gian cứ trôi, sân trường vãn dần. Cuối cùng, tôi hỏi:

-Sao cô lại post tranh của tôi lên diễn đàn đó?

-Tranh của Tùng đẹp mà! – Em đáp – Để mọi người biết càng hay chứ sao?

-Nhưng tôi sẽ không vẽ nữa, cô làm thế để làm gì chứ?

-Có thật là Tùng nghỉ vẽ?

Tôi câm như hến trước câu hỏi của Châu. Thực sự, tôi đã có ý nghỉ, nhưng thấy em bỏ công sức giới thiệu những tác phẩm của mình, tôi lại quyết chí vẽ hơn. Nói cách khác, em đã làm sống lại niềm đam mê vốn đã chết trong tôi. Dù vậy, với bản chất cứng đầu, tôi vẫn chống chế:

-Tôi chưa biết được!

Châu mỉm cười:

-Đừng nghỉ nhé! Tùng bảo rằng đấy là niềm đam mê lớn nhất đời, nhớ không? Đừng nghỉ, sống mà phải bỏ dở đam mê, sống thế buồn lắm!

-Vậy tại sao cô không post tranh của cô mà lại post tranh của tôi?

-Con gái không có nhiều lựa chọn! – Em nói – Nhưng Tùng là con trai, con trai có thể làm được nhiều hơn, đi được xa hơn. Con gái không đi xa được ngần đấy, Tùng hiểu ý tớ chứ? Này, tớ rất mong sau này, Tùng sẽ tạo ra nhân vật game nổi tiếng đấy!

Tôi lặng thinh nghe em nói. Ở một nghĩa nào đó, em đã gửi gắm niềm tin vào tôi và không hề để ý giấc mơ của chính em. Có cần thiết phải như thế không, Châu ơi? – Tôi tự nhủ.

Hoa phượng vẫn rơi, sân trường lúc này vắng ngắt, chỉ còn dăm chục đứa ở lại. Ngày tháng cấp ba của tôi đã tới hồi kết, nhưng cái điều cần nói với Châu, tôi vẫn chưa nói. Em bỏ tai nghe, đoạn nhìn thẳng tôi và hỏi:

-Còn muốn nói gì nữa không?

Gương mặt em lúc đấy đỏ hơn bao giờ hết. Tôi chỉ lặng thinh ngắm nhìn, em lại tiếp lời:

-Đứa nào không nói là đứa ấy ngu nhé!

Tôi mở miệng, song răng lưỡi líu ríu vào nhau không nên lời, cuối cùng thốt ra thế này:

-Thi tốt nhé!

Đôi mắt em thoáng một tia thất vọng, nhưng nó biến mất rất nhanh và được thay thế bằng sự vui vẻ:

-Tớ cảm ơn! Tùng cũng thi tốt nhé!

Dứt lời, em đặt hai ngón tay lên miệng, hôn “chụt” một tiếng rồi đặt lên má tôi, giống hệt như hồi tôi chở em đi ăn kem. Rồi Châu xỏ giày, sau lững thững đi bộ. Em không nhờ ai đèo mà tự mình ra bến xe, bước chân em chậm lắm, như thể đang chờ đợi một điều gì đó. Tôi cứ ngồi nguyên đó và nhìn theo, cho tới khi bóng em khuất sau cổng trường, tôi lại thu mình trên ghế đá. Thời cấp ba của tôi đã chấm hết. Từ nay tôi và em, mỗi người đi một con đường khát vọng của riêng mình. Song chẳng hiểu sao, cảm giác tiếc nuối cứ xâm lấn trái tim tôi, dường như tôi đã bỏ quên một điều gì đấy rất quan trọng. Mỗi lúc, tay chân tôi như phát cuồng theo bài hát Pieces của ban nhạc Red. Đó là một bài hát về Chúa, nhưng với tôi, chẳng hề có vị thánh thần nào hết.

I tried so hard, thought I could do this my own

I’ve lost so much along the way

(Tôi đã cố gắng rất nhiều, nghĩ rằng mình có thể làm được tất cả

Nhưng tôi đã gục ngã, đã lạc lối)

Phải, tôi đã lạc lối, đã không biết mình là ai suốt thời gian dài. Nhưng Châu đã cho tôi thấy lại mình. Tôi nhớ ngày khai giảng năm lớp 10, tôi đã thấy em ngồi ở hàng cuối, mái tóc đen dài cùng gò má luôn ửng đỏ. Tôi nhớ dáng vẻ tay xách nách mang một đống quà cáp của em, nhớ cả thái độ “tự nhiên như ruồi” của em lúc nhờ tôi đèo ra bến xe buýt. Tôi nhớ em thích nhất ăn kẹo mút dâu, trong cặp có thể thiếu sách vở chứ không bao giờ thiếu kẹo. Tôi nhớ không khí ồn ào trên chiếc xe buýt năm lớp 11, nhớ vị kem Tràng Tiền dưới cơn mưa tháng 11, nhớ hơi ẩm buốt của cơn mưa lây rây rắc xuống chợ đêm. Ngay cả thời gian không nói chuyện với Châu, tôi vẫn nhớ em đã thay đổi thế nào, đã khóc ra sao…

Và cuối cùng tôi đã gục ngã trước sự thật rằng tôi đã yêu Châu mất rồi.

Tôi chạy ra bãi, vớ lấy chiếc xe đạp rồi đạp như điên ra bến xe. Nhưng vừa tới nơi, xe buýt đã chuyển bánh. Tôi đạp cỡ nào cũng không thể đuổi kịp xe buýt. Rồi chiếc xe ấy lẫn vào dòng xe cộ đông đúc, để mặc tôi lạc lối trong sự nuối tiếc. Cô gái tuyệt vời của tôi, nàng Tallulah của tôi, người cứu rỗi ước mơ của tôi, đã đi thật rồi. Em chen ngang cuộc đời tôi một cách ngọt ngào và ra đi một cách chóng vánh như thế. Tôi thở dài giá như…

Giá như…

Nhưng dù ngập chìm trong nuối tiếc, tôi lại không buồn. Người con gái ấy không bao giờ khiến tôi buồn. Em đã cho tôi thứ tuyệt vời nhất của tuổi trẻ: khát vọng. Tôi không biết mình sau này sẽ ra sao, sẽ là người thành công hay kẻ thất bại, nhưng tôi biết mình vẫn sống vì mình còn khát vọng, còn ước mơ.

Tạm biệt em! Cô gái tuyệt vời của tôi. Tạm biệt em! Tallulah của tôi! Tôi quay xe ra về, trong lòng cầu mong những điều tốt đẹp nhất đến với Châu, miệng lẩm nhẩm những lời cuối cùng của bài hát Pieces:

Then I see your face

I know I’m finally yours

I find everything I thought I lost before

You call my name

I come to you in pieces

So you can make me whole

(Rồi tôi đã thấy gương mặt của em

Tôi biết tôi đã tìm thấy người con gái tuyệt vời nhất

Tôi tìm được những điều mà mình đã đánh mất

Và khi em gọi tên tôi

Tôi bước tới bên em với tâm hồn tan vỡ

Em cứu rỗi tôi, cho tôi được thanh thản).

/28

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status