Bí Thư Tỉnh Ủy

Chương 121 - Chương 121

/149


Đình và Minh ra khỏi phòng họp trước. Minh định lấy xe đạp để ra về, Đình bảo:

- Ông có rỗi không, vào phòng tôi uống nước nói chuyện cho vui. Tôi có chè Tân Cương ngon lắm.

Minh không nói gì, dắt xe đi theo Đình. Đình lấy ấm đi đổ bã rồi pha ấm chè mới.

- Nói thật với ông, đến giờ này tôi vẫn không hiểu ông nghĩ gì mà đưa tay tán thành một Nghị quyết về nông nghiệp sai trái như vậy – Vừa rót nước vào chén cho Minh, Đình vừa nói.

Minh hơi khó chịu:

- Tôi biết ông không vừa ý với việc tôi tán thành việc ra Nghị quyết về quản lí lao động nông nghiệp. Nhưng qua báo cáo của những người vừa đi xuống một số Hợp tác xã trong tỉnh về, tôi thấy mình chẳng có bất kỳ lí do gì để phản đối một Nghị quyết nhằm đưa lại cuộc sống ấm no cho người nông dân.

Đình hỏi một cách trịch thượng:

- Tôi hỏi ông giữa ấm no tạm thời và việc xây dựng một xã hội Xã hội chủ nghĩa để có một cuộc sống tốt đẹp vĩnh cửu, ông chọn cái nào? No ấm tạm thời hay phồn vinh vĩnh viễn?

Minh cười khẩy:

- Các cụ đã nói rồi. Có thực mới vực được đạo. Người ta không thể ôm cái bụng đói để xây dựng một xã hội Xã hội chủ nghĩa tốt đẹp vĩnh cửu như ông nói đâu ông ạ.

Đình không chịu thua:

- Tôi hỏi ông năm Ất Dậu 1945 riêng các tỉnh miền Bắc và miền Trung chết đói gần hai triệu người. Nếu ai cũng nghĩ tới việc kiếm ăn mà không tham gia khởi nghĩa đứng lên giành chính quyền thì làm gì có một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Độc lập Tự do Hạnh phúc như hôm nay.

- Ông là nhà chính trị nên ông nghĩ sâu xa, ngóc ngách chứ tớ làm quân sự tớ lại nghĩ nhanh chóng. Làm ăn kiểu nào đưa lại no cái bụng, ấm cái thân là tớ ủng hộ.

Đình cười ngạo mạn:

- Ông lại rơi vào một quan điểm lập trường hết sức phản động. Đó là quan điểm làm ăn kiểu gì cũng được, miễn sao được giàu có.

- Ông sợ người ta giàu có à?

- Chẳng ai sợ giàu có cả. Nhưng giàu có phải do sức lao động chính đáng chứ không phải đạp lên đầu nhau để làm giàu.

Minh hỏi móc máy:

- Vậy theo ông cái Hợp tác xã gì đó ở Tam Bình mà anh Kim vừa nói khi nãy, trước đây năm nào Hợp tác cũng không cân đủ chỉ tiêu lợn cho Nhà nước. Nhưng từ khi giải tán trại lợn của Hợp tác giao về cho đội sản xuất nuôi và khoán thêm cho hộ xã viên nuôi thì mỗi năm cân cho Nhà nước vượt chỉ tiêu gần 150% thì ông nghĩ sao. Lại còn lúa vụ này dự kiến sẽ có năng suất trên ba tấn một héc-ta, một điều chưa từng xảy ra. Làm vượt chỉ tiêu như vậy chính đáng hay không chính đáng?

Đình lúng túng bào chữa:

- Giải thích trường hợp này hơi dài dòng mà chắc gì ông đã nghe ra.

Minh cười, nâng chén lên nhấp một ngụm chè rồi khen:

- Chè của ông ngon thật.

- Ban tôi có một cậu quê ở Tân Cương. Thỉnh thoảng cậu ta về thăm nhà, gửi nhờ cậu ta mua chui cho mấy lạng về uống.

Minh cười chế diễu:

- Ông nhờ người mua chui chè như vậy không sợ khuyến khích tư tưởng tư hữu phát triển khiến xã viên lấy trộm chè của Hợp tác bán ra ngoài à? Vì tôi nghe nói chè Tân Cương được coi như một thứ hàng quốc cấm.

- Ông lại nói xỏ tôi rồi.

- Tôi nói thật đấy chứ chẳng phải xỏ đâu. Trường hợp này cũng khó giải thích giống như làm sai đường lối nhưng lại bán lợn vượt chỉ tiêu và năng suất lúa đạt trên ba tấn một héc-ta. Trong khi đó trước đây làm rất đúng đường lối thì không năm nào đạt chỉ tiêu.

- Nói chuyện với ông mệt đầu quá. Uống chè đi rồi về.

Minh cầm chén chè lên nhấp từng ngụm nhỏ rồi nheo mắt nhìn Đình. Minh biết Đình đang thất vọng khi mình không còn ủng hộ Đình như trước đây. Thực tình khi nghe sự phân tích của Đình, Minh có đôi chút phân vân về Nghị quyết. Nhưng đến khi nghe ông Kim báo cáo kết quả của một số Hợp tác xã trong tỉnh thực hiện thí điểm khoán như hướng dẫn của bản dự thảo đưa lại kết quả bằng những con số đầy sức thuyết phục thì Minh thấy chẳng có lí do gì để phản đối. Trước khi dắt xe ra về, Minh nói với Đình:

- Thường vụ chỉ có bảy người, sáu người đồng ý với nội dung của Nghị quyết đưa ra thảo luận và thông qua ở hội nghị tỉnh ủy, theo mình ông không nên phản đối làm gì. Mà có phản đối cũng chả được vì đa số đã tán thành rồi.

- Tớ sẽ phản đối đến cùng – Đình nói giọng bướng bỉnh – Đa số hay thiểu số không có gì quan trọng đối với tớ. Vấn đề là tớ bảo vệ lập trường quan điểm của Đảng đến cùng. Nếu cần tớ lấy danh nghĩa của một đảng viên báo cáo với Trung ương về những việc làm sai trái của ông Kim. Tớ tin chân lí sẽ thuộc về tớ.

- Tớ chờ xem ông có làm gì nổi ông Kim hay không.

Nói xong Minh nhảy lên xe đạp đi.

Ở phòng họp, sau khi Đình và Minh ra về, những người còn lại trong Ban thường vụ ngồi chuyện vãn với nhau. Riêng ông Kim xách điếu cày ra ngồi một mình ở trước hiên. Việc ông tranh luận gay gắt với Đình về Nghị quyết đã để lại trong lòng ông những suy tư nặng trĩu. Đến bây giờ ông cũng không hiểu vì sao Đình lại chống đối ông quyết liệt. Nghị quyết về quản lí lao động trong các Hợp tác xã không có bất kỳ một yếu tố nào làm cho Hợp tác xã tan rã mà chỉ có thể làm cho nó vững mạnh thêm lên mà thôi. Vậy thì việc gì Đình lại chống đối đến điên cuồng như vậy?

Bà Thường ngồi trong phòng ló đầu qua cửa sổ bảo ông Kim:

- Đưa điếu vào đây cho người ta hút với chứ định ôm lấy cái điếu mãi hay sao.

Ông Kim bước vào phòng đưa điếu cho bà Thường. Bà Thường cầm lấy điếu hỏi:

- Chú định khi nào thì triệu tập họp tỉnh ủy để thảo luận Nghị quyết?

Ông Kim đáp:

- Triệu tập họp càng sớm các tốt chị ạ. Trước mắt là gửi Nghị quyết cho các tỉnh ủy viên nghiên cứu khoảng một tuần. Sau đó ta triệu tập họp luôn. Hiện nay có hai bí thư huyện ủy không phải là tỉnh ủy viên. Đó là cậu Hạp, bí thư huyện ủy Linh Sơn và cậu Mân, bí thư huyện ủy Văn Lâm. Họp tỉnh ủy vẫn mời hai tay này dự và có quyền phát biểu ý kiến, chỉ không được biểu quyết thôi. Chị và mấy ông thấy thế nào?

Ông Quốc nói:

- Tôi thấy thế cũng được. Đường nào thì các bí thư huyện ủy cũng phải quán triệt Nghị quyết nên cho họ dự để nắm được tinh thần của Nghị quyết mà lãnh đạo thực hiện.

Ông Kim ngồi lại vào ghế:

- Có việc này tôi vừa thông báo đồng thời cũng hỏi ý kiến luôn. Anh Ẩn thôi làm tổ trưởng tổ phái viên để về Hà Nội nhận công tác khác. Người lên thay là ông Đỗ, cũng ủy viên dự khuyết Trung ương, phó Ban Nông nghiệp. Ông này một thời là cấp phó của tôi ở Cục Công binh. Một con người hám danh và hãnh tiến. Ông ta lên đây sẽ kết thành một bộ ba gồm ông ta, ông Bao và tay Đình, thế nào cũng gây cho ta nhiều khó khăn. Điều này cũng có thể giải thích vì sao tay Đình lại kiên quyết giữ vững lập trường của mình. Tôi muốn hỏi các vị có nên mời tổ phái viên dự hội nghị thảo luận Nghị quyết của tỉnh ủy không?

Có lẽ câu hỏi bất ngờ quá không ai kịp suy nghĩ nên mãi sau bà Thường mới nói:

- Hội nghị thuộc phạm vi nội bộ của tỉnh, việc gì phải mời.

Ông Côn tỏ ra chín chắn hơn:

- Việc này đúng là khó xử. Thà họ ở xa thì không nói làm gì. Đằng này họ ở chung trong khu vực cơ quan tỉnh ủy, lại là phái viên của Ban bí thư được cử làm nhiệm vụ theo dõi phong trào Hợp tác xã để giúp Ban bí thư chỉ đạo, ta lại tổ chức hội nghị thảo luận Nghị quyết về Hợp tác xã nông nghiệp mà không mời dự chắc không ổn.

- Anh Côn nói đúng đấy - Ông Quốc nói - Tuy ta họp nội bộ của đảng bộ tỉnh nhưng nội dung lại liên quan đến nhiệm vụ của phái viên do Ban bí thư giao. Nếu ta không mời, tôi sợ họ sẽ nghĩ ta muốn làm vụng trộm việc ra Nghị quyết. Chi bằng ta cứ mời để chứng tỏ việc làm của ta là đường đường chính chính.

Ông Kim:

- Tôi tán thành ý kiến của ông Quốc. Ta cứ cho mời dự. Chỉ không mời họ lên phát biểu thôi. Ông Côn giúp tớ rà soát lại văn bản một lần nữa rồi đưa cho văn thư đánh máy và in rô-nê-ô thành nhiều bản để gửi cho các tỉnh ủy viên nghiên cứu trước khi tổ chức hội nghị nhé. Làm sao trong vòng sớm tối ngày kia văn bản Nghị quyết phải đến tay các tỉnh ủy viên. Không có chuyện gì thì giải tán đi để tôi còn đi dạo một tí chứ đầu óc tôi mệt lắm rồi.

Nói xong ông Kim đứng lên cầm lấy gói thuốc lào, bật lửa rồi xách theo điếu cày đi ra ngồi vào chiếc ghế đá quen thuộc đặt dưới gốc cây xà cừ cổ thụ. Chiếc ghế đã trở thành người bạn thân thiết của ông. Mỗi lần ngồi vào đây đầu óc ông trở nên thư thái một cách lạ thường. Chính trên chiếc ghế này ông nghĩ ra không biết bao nhiêu chuyện. Cũng chính trên chiếc ghế này ông đã nảy ra ý tưởng cho thử một số hình thức khoán hợp lí hơn để thay cho lối khoán gò bó, cứng nhắc được áp dụng từ khi đưa Hợp tác xã lên quy mô. Rồi từ ý tưởng này bản dự thảo đã ra đời và đang đưa lại những kết quả ông không ngờ ở một số Hợp tác xã. Mai đây, khi Nghị quyết về quản lí lao động trong các Hợp tác xã được thông qua…

Ông Kim mới nghĩ đến đó thì ông Sắc đi tới. Nhận thấy ông Kim ngồi trầm tư, ông Sắc hỏi:

- Tôi có làm mất dòng suy nghĩ của anh không đấy?

Ông Kim ngồi dịch ra một bên có ý dành chỗ cho ông Sắc ngồi:

- Suy nghĩ gì đâu, vừa họp thường vụ xong ra đây ngồi một lát cho thoáng đầu óc.

Ông Sắc ngồi xuống cạnh ông Kim:

- Họp thường vụ bàn về việc gì thế?

- Chúng tôi thảo luận và góp ý cho bản Nghị quyết về quản lí lao động nông nghiệp trong các Hợp tác xã để đưa ra cho hội nghị tỉnh ủy sắp tới đây thảo luận và thông qua.

- Khi nào thì các anh tổ chức hội nghị?

- Trong khoảng vài tuần nữa.

Ông Sắc đắn đo giây lát rồi hỏi:

- Các anh đã tính toán xem tình hình đã chín muồi chưa mà ra Nghị quyết?

Ông Kim đáp:

- Chúng tôi thấy đã đến lúc cần ra Nghị quyết rồi anh ạ. Vừa rồi chúng tôi tổ chức cho đi kiểm tra lại tất cả các Hợp tác xã đã thực hiện thay đổi phương thức sản xuất theo tinh thần của bản dự thảo trước đây ở tất cả sáu huyện trong tỉnh. Những Hợp tác xã có cán bộ lãnh đạo vững vàng, tổ chức sản xuất sáng tạo đã đưa lại những kết quả hết sức bất ngờ. Ở Gia Đạo, chủ nhiệm Hợp tác, bà con xã viên và cả bí thư huyện ủy đều khẳng định với tôi vụ chiêm tới nếu không gặp thiên tai đột xuất sẽ thu hoạch trên dưới ba tấn một héc-ta. Chỉ có nằm mơ mới nghĩ đến chuyện ấy thôi. Chúng tôi nghĩ ra Nghị quyết bây giờ là chậm. Đáng ra chúng tôi không cần thăm dò bằng bản dự thảo mà ra Nghị quyết ngay thì tình hình còn khả quan hơn nhiều.

- Các anh có lường được khó khăn mà mình vấp phải không?

- Anh muốn nói đến các vật cản mà chúng tôi phải đương đầu có phải không? Chúng tôi đã lường trước hết rồi.

Ông Sắc đột ngột hỏi sang chuyện khác:

- Nghe anh Ẩn nói anh có biết anh Đỗ phải không?

Ông Kim biết ông Sắc đang quan tâm đến chuyện ông Đỗ lên thay ông Ẩn nên trả lời:

- Khi tôi làm chính ủy Cục công binh thì anh ấy là Cục phó phụ trách hậu cần. Đầu năm 1959 tôi được Trung ương điều về làm bí thư tỉnh ủy Phước Vĩnh được ít lâu thì nghe tin anh ấy chuyển ngành về công tác tại Bộ Ngoại giao. Vì không thân nhau lắm nên tôi cũng không quan tâm anh ấy chuyển đi đâu, làm gì.

Ông Sắc cười tế nhị:

- Tám năm trước anh Đỗ là cấp phó của anh, anh Đỗ bây giờ là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, phó ban Nông nghiệp Trung ương, lại thành cấp trên của anh. Sáng mai anh Đỗ sẽ lên đây.

Nghĩ ông Sắc đang lo lắng cho mình nên ông Kim nói để ông Sắc yên lòng:

- Tôi chẳng hề lo lắng khi biết ông Đỗ lên thay anh Ẩn nhưng rất buồn vì phải xa anh Ẩn. Cũng may mà anh còn ở lại. Nếu anh cũng về Hà Nội như anh Ẩn thì chúng tôi mất đi hai người bạn đồng thời cũng là hai cán bộ cấp trên mà tôi rất quý trọng.

Ông Sắc nói cho ông Kim biết:

- Anh Đỗ là người lúc nào cũng giữ tính nguyên tắc rất cao nên được anh Trung Chính hết sức tin cậy. Vừa rồi tôi hỏi anh có lường trước những khó khăn vấp phải không chính là muốn nói đến thế nào các anh cũng sẽ vấp phải con người rất nguyên tắc ấy.

Ông Kim cười diễu cợt:

- Vậy là chúng tôi phải cõng trên lưng mình một người rất nguyên tắc là ông Đỗ và một người bảo thủ, giáo điều là ông Bao. Đúng là hai tảng đá khổng lồ - Ông Kim dừng lại rồi chuyển sang giọng nghiêm túc - Nhưng anh đừng có lo cho tôi. Tôi có gần hai mươi ngàn đảng viên và gần chín mươi vạn quần chúng, họ sẽ san sẻ bớt gánh nặng cho chúng tôi. Bên cạnh chúng tôi còn có anh nữa kia mà.

- Chắc gì tôi được ở mãi cạnh các anh.

Ông Kim đắn đo:

- Vì là chỗ thân tình nên tôi muốn hỏi anh việc này.

- Có việc gì anh cứ nói đừng ngại. Việc gì giúp được các anh, tôi sẵn sàng giúp.

- Cũng chưa phải lúc nhờ đến anh. Vừa rồi chúng tôi còn phân vân không biết có nên mời các anh dự cuộc họp thảo luận Nghị quyết của tỉnh ủy hay không?

Ông Sắc ngồi suy nghĩ một lát rồi bảo:

- Có lẽ nên mời. Tôi thì đã hiểu những việc của các anh đang làm. Nhưng đối với anh Đỗ, cũng cần để cho anh ấy nghe hết ý kiến của các tỉnh ủy viên, đại diện cho nguyện vọng của hàng chục vạn nông dân của tỉnh Phước Vĩnh.

- Tôi cũng nghĩ thế. Nhưng chúng tôi chỉ mời các anh dự chứ không mời phát biểu trước hội nghị. Nếu để cho ông Đỗ hay ông Bao phát biểu, thế nào cũng nổ ra tranh luận gay gắt giữa chúng tôi và hai ông ấy khiến hội nghị căng thẳng không cần thiết.

- Việc đó do các anh quyết định, tôi chẳng có ý kiến gì.

- Sáng mai bàn giao xong, anh Ẩn về Hà Nội luôn à?

- Có lẽ thế.

Ông Kim thở dài rồi nói giọng buồn buồn:

- Tôi hứa sẽ đi bắn chim chiêu đãi hai anh một bữa nhưng không thực hiện được rồi. Buồn quá.

Nói xong ông Kim đưa tay cầm lấy cái điếu cày nhưng không hút, chỉ đưa mắt nhìn vào khoảng không sâu thẳm đang hiện ra từng mảng sau những tầng lá.

/149

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status