Bích Huyết Kiếm

Chương 8: LÒNG NHU MÌ DẸP TAN CHÍ TÀN SÁT

/24


Ôn Nghi tiếp tục kể: “Có lẽ vì sợ tôi tự tử nữa, nên hai ngày đầu, y cứ lẩn quẩn ở trong hang canh gác tôi, và thổi nấu cho tôi ăn uống. Nhưng tôi cứ khóc lóc, không ăn uống và cũng không nói năng với y nửa lời. Đến ngày thứ tư, có lẽ thấy tôi gầy còm ốm yếu quá nên y nấu một bát canh thịt rồi nhẹ nhàng khuyên tôi uống. Tôi vẫn cứ mặc kệ chẳng nói chẳng rằng. Y bỗng ôm chặt lấy tôi, bóp mũi đổ nước thịt cho tôi uống. Như vậy, y đã cưỡng bách tôi uống được nửa bát. Khi y vừa buông tôi ra, tôi cố ý phun nước thịt vào mặt y để chọc cho y tức giận mà chém tôi một nhát chết đi cho rảnh, khỏi bị y hãm hiếp rồi bị bán làm ************** điếm như hai chị dâu hồi nào.

Ngờ đâu y không tức giận, chỉ tươi cười lấy tay áo lau mặt và ngẩn người nhìn tôi miệng cứ thở dài. Đêm hôm đó, y nằm ngủ ngoài cửa hàng và nói với tôi rằng: “Tôi ca một bài để cô nghe nhé?”

- “Tôi không nghe!”

Thấy tôi trả lời, y sung sướng nhảy nhót và nói: “Tôi cứ tưởng cô câm, nay thấy cô nói, tôi mới yên tâm.”

Tôi bật cười, rồi lại nghiêm nét mặt mắng y ngay: “Ai làm người câm nào? Thấy ngươi bất lương nên tôi không thèm nói đấy chớ!”

Không nói gì nữa, y cất tiếng hát, cho tới nửa đêm, y vẫn còn ca. Từ bé đến giờ, tôi chỉ sống trong đại gia đình, nào có bao giờ được nghe những bài ca tình tứ như thế đâu?”

Nam Dương bỗng quát lớn:

- Cô sợ nghe nhưng lại thích nghe nó hát, phải thế không? Ai mà thèm nghe kể lại những chuyện xấu xa ấy cơ chớ!

Nói xong, Nam Dương rảo bước đi thẳng. Thanh Thanh nói:

- Thế nào bác ấy cũng đi ton hót cho các ông biết đấy!

Ôn Nghi nói:

- Các ông biết sao? Má không sợ!

- Má kể nốt cho con nghe đi!

- “Sau đó, tôi ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, tôi không thấy y nữa. Tôi định bỏ trốn về nhà. Ngờ đâu, hang đó ở trên đỉnh núi cao chót vót, bốn bề không có đường lối nào đi xuống cả, phải có khinh công giỏi như y mới có thể lên xuống được.

Đến giữa trưa, y lại trở về, đem rất nhiều đồ trang sức và phấn sáp cho tôi. Tôi vứt cả xuống thung lũng. Y vẫn không tức giận, vẫn tươi cười như thường. Tối đến, y lại hát cho tôi nghe. Một hôm, y đêm rất nhiều đồi chơi về, nào là gà con, mèo con, rùa con v… vv. Y biết tôi không dám nhẫn tâm vứt những con vật sống ấy đi. Thế là suốt ngày, y rủ tôi đùa giỡn với mèo con, gà con để giải buồn, tối đến lại ca cho tôi nghe. Thấy không xâm phạm đến người tôi, tôi mới yên trí và chịu ăn uống. Tuy vậy, hơn một tháng trời, tôi không nói chuyện với y nửa lời. Đối với tôi, lúc nào y cũng hòa nhã. Y thương và quý tôi còn hơn cả người nhà. Có một hôm y bỗng vênh váo, giận dữ nhìn thẳng vào mặt tôi. Tôi sợ quá, khóa òa lên. Y thở dài một tiếng, rồi lại vỗ về tôi, bảo tôi đừng khóc nữa. Đêm hôm ấy, y vẫn núp ngoài cửa hang, khóc lóc thảm thương vô cùng. Lát lâu trời mưa to, thấy y vẫn đứng nguyên chỗ cũ, tôi không đành tâm, liền ra gọi y vào tránh cho khỏi ướt nhưng y không chịu vào. Tôi hỏi tại sao? Y trả lời: “Ngày mai là ngày kỵ của cha mẹ, anh chị tôi đã bị người nhà cô hạ sát. Vậy ngày mai, ít nhứt tôi phải giết chết một người trong gia đình cô. Hiện giờ nhà cô phòng vệ nghiêm cẩn lắm. Ngoài ra lại còn mời Lý Triết đạo nhân phái Nga Mi và Thanh Minh thiền sư phái Thiếu Lam đến bảo vệ. Nói thật, tôi không sợ hai người đó…”

Nói tới đây, y bỏ đi liền. Chiều ngày hôm sau, vẫn chưa thấy y về. Tôi có vẻ nhớ nhung, ngấm ngầm cầu khẩn cho y được bình yên vô sự.”

Ôn Nghi nói tới đây, Thanh Thanh đưa mắt nhìn trộm Thừa Chí, xem chàng có tỏ vẻ gì khinh khi không? Thấy y vẫn cung kính ngồi yên lặng lắng tai nghe, nàng mừng thầm.

Ôn Nghi lại kể tiếp: “Trời sắp tối hẳn, tôi ra cửa hang ngóng trông mấy lần. Đến lần thứ tư, thấy trên đỉnh ngọn núi trước mặt có bốn cái bóng người đuổi nhau, thân pháp nhanh nhẹn vô cùng, tôi nhìn kỹ mới nhận ra người đi đầu chính là y. Theo sau y một đạo sĩ, một hòa thượng, và người đuổi sau cùng là cha tôi. Y cầm Kim Xà kiếm, một mình địch ba người, tình thế có vẻ nguy cấp lắm. Một lát sau, thấy vị hòa thượng quật ngang cây thiền trượng, tưởng y không sao thắng nổi chiếc đòn đó, tôi sợ quá la lên một tiếng.

Ngờ đâu, y dùng Kim Xà kiếm gạt mạnh, thế là cây thiền trượng bị chặt đứt ngay một khúc. Nghe thấy tiếng kêu la, cha tôi quay lại, trông thấy tôi, liền chạy sang bên đỉnh núi chỗ tôi ở. Thấy thế, y nóng lòng. Chỉ hai miếng kiếm, y đã đẩy lui hòa thượng và đạo nhân, rồi đuổi theo cha tôi. Không bao lâu, cha tôi chạy trước, y theo sau, sau nữa là đạo nhân và hòa thượng, cả bốn người đã sang tới thung lũng phía núi bên này, y phóng lên trước, quay lại cản cha tôi. Đấu được vài hiệp, đạo nhân và hòa thượng chạy tới, nhảy vào vây đánh. Nhờ vậy, cha tôi liền phóng thẳng lên núi. Y lại bỏ hai người kia, đuổi theo để ngăn cản cha tôi. Vừa đánh, vừa chạy, vừa đuổi như thế, không bao lâu, cả bốn người đã lên tới đỉnh núi. Tôi mừng quá, gọi ầm lên: “Cha ơi! Mau tới đây!”

Nghe thấy tôi kêu gọi cha tôi, y nhảy xổ lại như điên như cuồng “soạt, soạt, soạt” đâm liền ba kiếm, đẩy lùi cha tôi về phía sau. Trong lúc nguy cấp, thấy cha tôi địch không nổi y, tôi định chạy ra cứu. Nhưng đạo sĩ và hòa thượng đã đuổi tới nơi rồi. Cha tôi lên tiếng gọi: “Nghi! Con có sao không?”

Tôi trả lời: “Cha cứ yên tâm, con vẫn được mạnh như thường.”

- “Hay lắm, để chúng ta giải quyết xong tên gian tặc này rồi sẽ cứu con sau.”

Thế là ba người lại vây đánh y. Đạo nhân nọ nói: “Kim Xà Lang Quân! Phái Nga Mi chúng ta không có thù oán gì với ngươi cả, nhưng thấy ngươi làm nhiều điều quá đáng, nên ta mới tới đây. Ta không giúp bên nào hết. Nếu ngươi bằng lòng từ nay không đến nhà họ Ôn quấy nhiễu nữa thì câu chuyện ngày hôm nay coi như được giải quyết một cách hòa bình.”

Y nghiến răng trả lời: “Cấm ta không đến nhà họ Ôn nữa? Vậy cha, mẹ, anh, chị ta bị chúng giết thì ai sẽ trả thù thay ta?”

Vị hòa thượng nói: “Ngươi đã giết chết bấy nhiêu người cũng đủ rồi chứ? Khuyên ngươi nên nể mặt đạo trưởng và sãi gia đây, từ nay hãy ngừng tay đừng nên giết chóc nữa!”

Y bỗng nổi đóa, đâm luôn hòa thượng một kiếm. Thế là bốn người lại bắt đầu ác chiến. Khí giới của đạo nhân rất lạ lùng, và võ nghệ cũng rất cao cường. Hòa thượng múa thiền trượng kín đáo vô cùng, chỉ nghe thấy tiếng gió vù vù bên tai. Càng đánh, tôi thấy trán y vã mồ hôi. Bỗng loạn choạng một cái, y suýt bị ngã. Cây trượng của hòa thượng đánh xuống, y né mình tránh được. Nhờ cái né mình đó, y trông thấy mặt tôi. Y liền bảo cho tôi biết rằng y đã mỏi mệt nhừ cả xương cốt. Nhưng từ lúc trông thấy vẻ mặt lo lắng của tôi, sức khỏe y bỗng dồi dào hẳn lên, kiếm pháp của y càng lợi hại hơn trước nhiều. Sau khi thấy tôi tỏ vẻ lo sợ cho y, y liền nói: “Ôn cô nương đừng sợ, coi đây này!”

Tôi không trông thấy tay y động đậy gì cả mà hòa thượng nọ bỗng hét lên một tiếng ngã lăn xuống núi.

Trước khi lăn xuống sườn núi, tôi trông thấy giữa đỉnh đầu trọc lông lốc của hòa thượng có một mũi Kim Xà chủy chắm ngập cán. Cha tôi và đạo nhân đều giựt mình sợ hãi. Trong lúc y đâm cha tôi, đạo nhân liền thừa cơ tấn công phía sau lưng y. Ngờ đâu, y quát lớn một tiếng dùng hai ngón tay trái nhanh như điện chớp đâm vào mắt đạo nhân. Vì cúi đầu tránh miếng móc mắt của y, nên đạo nhân đã để hở cả nửa mình. Nhanh như cắt, y quay kiếm lại phạt ngang lưng thế là đạo nhân bị chém đứt làm hai khúc, té xuống mặt đất.”

Nghe tới đây, Thanh Thanh bỗng kêu lên: “Ối chà!”

Ôn Nghi lại nói tiếp: “Rồi y lại quay kiếm trở lại đâm cha tôi một nhát. Thấy hai tay giúp mình, võ nghệ cao cường đến thế mà còn bị y hạ sát cả, cha tôi sợ đến nổi mặt tái mét, chiếc gậy bằng gang đã múa loạn xạ, không thành thế võ gì nữa. Tôi vội chạy ra ngoài cửa hang, lớn tiếng gọi: “Hãy khoan tay! Hãy khoan tay!”

Nghe thấy tiếng gọi của tôi, y liền ngừng tay lại. Tôi nói luôn: “Cha tôi đấy!”

Y hậm hực lườm cha tôi rồi nói: “Ông đi ngay đi! Tha cho ông khỏi chết!”

Ngạc nhiên vô cùng, cha tôi quay mình định đi. Vì suốt ngày chưa được ăn tí gì nên tôi đói quá, sợ hãi vì những trận đánh kinh người, may thấy y tha chết cho cha tôi, tôi mừng quá, bỗng ngã lăn ra đất. Lúc nào, y cũng chú ý đến tôi, nên vừa thấy tôi ngã,y vội vàng chạy lại đỡ tôi dậy. Đầu tựa trên vai y, tôi trông thấy mắt cha tôi chứa đầy vẻ căm hờn, hung ác.

Cha tôi bỗng giơ cao gậy gang đập mạnh xuống lưng y. Vì chỉ nhứt tâm lo sợ tôi có bị thương hay không, y không ngờ cha tôi lại đánh trộm như vậy. Không thể chịu được nữa, tôi vội kêu lên: “Cẩn thận!”

Giựt mình, y muốn tránh nhưng không kịp, y đàng phải né đầu sang một bên, lấy vai chịu đựng chiếc gậy gang của cha tôi. Và thuận tay, y cướp luôn chiếc gậy, quăng xuống thung lũng. Rồi y dùng song chưởng đánh cha tôi. Biết không thể địch nổi, cha tôi đành nhắm mắt chờ chết. Nhưng y quay đầu lại, trông thấy vẻ mặt lo lắng của tôi liền thở dài một tiếng rồi bảo cha tôi rằng: “Ông nên đi ngay đi! Bằng không tôi tức tối hồi tâm chuyển ý sẽ không tha thứ cho ông nữa đâu!”

Không dám nói nửa lời, cha tôi chạy thẳng xuống chân núi. Vai y chịu một đòn của cha tôi, vết thương đó khá nặng, nên khi cha tôi vừa đi khỏi, y phun ngay ra một đống máu tươi bắn cả vào ngực tôi.”

Thanh Thanh “hừ” một tiếng rồi nói:

- Thật ông Ba không biết xấu hổ là gì! Trước mặt không đủ tài đánh người ta, lại giở cái trò hèn đánh trộm như thế!

Ôn Nghi thở dài nói: “Theo đúng lý mà nói, thì y là kẻ thù lớn của nhà ta, liên tiếp giết chết người nhà ta, già trẻ lớn bé, tất cả mấy chục người. Nhưng thấy y bị người vây đánh, và còn bị đánh lén đánh trộm, lòng tôi mới đổi ra binh vực y. Đó cũng là oan nghiệp từ kiếp trước cũng nên. Y đi loạng choạng vào trong hang, móc túi lấy thuốc đả thương ra nuốt, rồi lại loạng choạng phun máu rơi cả thuốc ra ngoài, tôi sợ quá òa khóc. Tuy bị thương nhưng vẻ mặt vẫn hớn hở, y hỏi tôi: “Tại sao em lại khóc?”

Tôi vừa mếu máo vừa trả lời: “Thấy anh bị thương nặng quá.”

Y cười, hỏi: “Thế ra vì anh mà em khóc đấy?”

Chỉ cảm thấy lòng đau vô cùng, chớ tôi không làm sao trả lời được. Lát lâu sau y lại nói: “Từ khi cả nhà tôi bị chú Sáu em hạ sát đến giờ, chưa có người nào quan tâm đến tôi. Ngày hôm nay, tôi giết chết một người anh họ của em. Như vậy, trước sau, anh đã giết tất cả 40 người rồi. Chính ra, tôi còn định giết thêm mười người nữa. Nhưng vì nể những giọt nước mắt chảy trên mặt em, tôi quyết ngừng tay, không giết thêm nữa.”

Tôi vẫn cứ khóc, không nói nửa lời. Y lại nói: “Tôi cũng không hãm hại những người đàn bà trong gia đình của em nữa. Chờ khi nào vết thương này được lành mạnh rồi, anh sẽ đưa em về nhà.”

Trong lòng tôi lúc bấy giờ, không phân biệt vui mừng hay đau khổ, chỉ thấy y nhận lời không giết người nữa là tôi khoan khoái lắm rồi.

Từ đó, mấy ngày liền, tôi nấu nước thổi cơm, tận tâm hầu hạ y. Có một hôm, y năm mê man suốt cả ngày. Tới chiều tối, bịnh y trở nên trầm trọng quá, sắp chết đến nơi. Tôi khóc sưng húp cả hai mắt. Bỗng mở mắt ra nhìn tôi, y cười gượng, rồi bảo: “Không sao, ta không chết đâu mà em sợ!”

Qua hai ngày sau, quả nhiên bịnh y đã có phần giảm bớt. Một đêm nọ, y nói với tôi rằng, y bị trúng đòn của cha ta lẽ ra không thể nào sống được. Nhưng nghĩ đến sau khi y chết đi, tôi ở trên đỉnh núi này một mình lên xuống không được còn người nhà tôi thì sợ y, không dám tới kiếm, như vậy thế nào tôi cũng bị chết đói mất. Bởi lẽ ấy, y phải cố gắng tranh đấu với tử thần để được sống bên cạnh tôi.”

Thanh Thanh nói xen vào:

- Má! Ông ta tử tế với má quá! Kể ra ông ta cũng là người có lương tâm lắm đấy chớ?

Nói xong, nàng đưa mắt nhìn Thừa Chí với một vẻ mặt giận dữ. Thừa Chí mặt đỏ bừng, quay đầu nhìn sang phía khác.

Ôn Nghi lại kể tiếp: “Bịnh y thuyên giảm dần. Một hôm, y kể cho tôi nghe hồi y còn nhỏ được cha mẹ nuông chiều lắm, cả anh chị cũng thương yêu y vô cùng. Có một lần, y bị bịnh, mẹ y trông nom săn sóc liền ba ngày đêm không ngủ. Ngờ đâu, đến hôm thứ ba, chú Sáu tới giết chết cả nhà y. Lúc bấy giờ, tôi nhận thấy bề ngoài thì y có vẻ rất ác độc, nhưng mỗi khi nhắc tới chuyện người nhà thì y lại nhu mì hiền lành lắm. Y lấy ra cái yếm vải che ngực màu đỏ có thêu hoa, đưa cho tôi xem. Y bảo cái yếm đó tự tay mẹ y thêu và tặng cho y ngày ăn mừng đầy năm.”

Nói tới đây, Ôn Nghi móc túi lấy cái yếm đỏ ra, để lên trên bàn. Thừa Chí trông thấy cái yếm đó bằng đoan màu đỏ, trên có thêu một đứa bé trần truồng năm trên tầu lá chuối. Nét thêu rất khéo, rất đẹp, đủ biết lúc thêu yếm này, người mẹ thương yêu con xiết bao. Mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, nay trông thấy cái yếm vải nọ, Thừa Chí chợt nghĩ tới thân thế của mình, chàng không sao cầm được giọt lệ. Ôn Nghi tiếp tục nói: “Y vẫn ca hát những bài dân ca cho tôi nghe, và còn lấy gỗ chuốt rất nhiều đồ chơi cho tôi giải buồn. Y bảo tôi là một cô gái ngây thơ. Sau đó ít ngày, vết thương của y đã lành mạnh hẳn, nhưng càng ngày tôi thấy y càng thêm rầu rĩ. Tôi hỏi tại sao? Y trả lời là không nỡ rời khỏi tôi. Tôi nói: “Nếu vậy, em cứ ở đây với anh nhé?”

Thấy tôi nói thế, y mừng quá leo lên trên đỉnh núi, trèo lên hai cây cao rồi lại nhảy xuống, không khác gì một con vượn vậy. Y nói với tôi rằng: Y tình cờ nhặt được một bản đồ kho tàng, trong đó có rất nhiều vàng bạc châu báu. Nghe nói số vàng bạc châu báu ấy là vua Kiến Văn, khi bị chú là Yến Vương cưới ngôi, liền bỏ chạy, rồi đem của cải chôn giấu ở nơi đó.

Đến lúc Yến Vương vào chiếm đóng thành Nam Kinh, vội cho người đi tìm kiếm số của cải đó, nhưng lục soát cả thành phố mà vẫn không sao tìm thấy. Yến Vương đã mấy lần sai Thái giám Tam bảo xuống các tiêu quốc ở Nam Vương cho người đi tìm kiếm Kiến Văn để làm gì mà gấp thế? Đề nghị trả lại ngai vàng cho cháu chăng?

Không phải, mục đích là bắt Kiến Văn phải chỉ tra nơi đã chôn giấu kho tàng mà thôi.”

Thừa Chí ngấm ngầm gật đầu, trong lòng nghĩ thầm: “Thì ra tờ bản đồ đó ta tìm thấy trong Kim Xà bí kíp lại là bản đồ ghi rõ nơi chôn cất những của cải kếch sù đó.”

Ôn Nghi lại nói:

- Y nói, suốt đời Vua Thành Tổ tức Yến Vương, không sao kiếm cho ra tờ bản đồ đó. Không ngờ, mấy trăm năm sau, vô tình y lại lượm được. Bây giờ, thù lớn đã báo được rồi, y sắp sửa đi tìm kiếm số của cải đó. Chờ khi nào y tìm thấy kho châu báu ấy rồi, sẽ về đây đón tôi. Bây giờ y hãy đưa tôi về nhà trước.

Nói tới đây, Ôn Nghi đổi sang giọng hậm hực:

- Sau khi trở về nhà, ai nấy đều khi thị tôi làm tôi tức giận vô cùng. Họ đã bất tài không sao bảo vệ nổi con cháu đáng lẽ phải an ủi tôi khi trở về còn giữ được tấm thân trinh bạch. Trái lại mọi người còn bêu xấu bêu hổ tôi. Mặc kệ họ nói gì thì nói, tôi cứ lẳng lặng làm thinh.

Thanh Thanh vội đỡ lời:

- Má xử sự như thế rất phải.

Ôn Nghi nói:

- Tôi ở nhà chờ đợi được ba tháng. Một đêm, bỗng có tiếng ca nổi lên ở phía ngoài cửa sổ. Nghe tiếng ca, tôi biết y đã tới liền ra mở cửa sổ cho y vào. Chúng tôi gặp nhau đều vui mừng quá. Ngay hôm đó, tôi giao hợp với y, vì thế mới sanh ra con bé này (vừa nói, vừa chỉ vào Thanh Thanh). Đó là tự ý tôi muốn vì tôi đã yêu hắn thật lòng. Và đến tận bây giờ, tôi cũng không thấy ân hận chút nào cả. Người ta đồn bậy là y cưỡng hiếp tôi, có phải thế đâu? Thanh Thanh, cha con thương má lắm, và má cũng yêu cha con. Lúc nào cha con cũng tôn trọng má, chớ không bao giờ cưỡng bách má cả.

Thừa Chí phục thầm lòng dũng cảm của Ôn Nghi. Nghe thấy nàng nói tới mối tình một cách tha thiết, Thừa Chí phải động lòng thương cảm.

Thanh Thanh, bỗng cúi đầu khẽ hát câu: “Đàn Nhạn từ phía Nam bay tới. Có những con bay cặp đôi, cũng có con bay lẻ loi một mình. Đôi Nhạn bay trước vui vẻ kêu hót, con sau lẻ loi cúi đầu, bay không nổi. Mặc những con cặp đôi, ta chỉ để ý con lẻ loi kia thôi! Vì tấm lòng đau thương của mi, cũng y như ta đang cô đơn rầu rĩ vậy”

Ôn Nghi với giọng nghẹn ngào nói:

- Con nhỏ này mồ côi cha từ thuở còn thơ. Bài ca vừa rồi tôi vẫn thường hát để ru nó ngủ. Bởi nghe quen tai nên nó thuộc lòng!

Thừa Chí nói:

- Chắc lần sau, Hạ lão tiền bối đến thăm bà, ông ta đã tìm thấy kho tàng của báu rồi?

Ôn Nghi gật đầu: “Anh ta nói, tuy chưa tìm thấy, nhưng đã có chút manh mối có thể kiếm ra được. Chúng tôi bàn định, sáng sớm ngày hôm sau sẽ cùng nhau lén trốn ra đi. Ngờ đâu, lời nói của chúng tôi đã có người nghe trộm được. Sáng sớm hôm sau, tôi thu xếp quần áo xong, viết một lá thơ để lại cho cha tôi, đang định lên đường thì bỗng có người gõ cửa.

Tôi sợ hãi quá, nhưng anh ta khuyên tôi nên bình tĩnh, dù có thiên quân vạn mã đến vây bắt, anh ta cũng có thể đánh thoát ra khỏi vòng vây được. Anh ta mở cửa, thấy cha tôi, bác Cả và bác Hai, ba người. Cả ba cùng mặc lễ phục và không mang khí giới.

Chúng tôi ngạc nhiên quá! Cha tôi nói: “Việc của hai người, chúng ta biết hết cả rồi. Điều đó cũng là do oan trái từ kiếp trước đã định. Từ nay, chúng ta đã trở nên thân gia, không ai còn được giở đao thương ra đối xử với nhau nữa.”

Anh ta tưởng cha tôi sợ anh ta lại đến để giết người liền vội vã phân trần: “Cụ cứ yên trí, tôi đã nhận lời với em Nghi là không giết người nhà các cụ nữa!”

Cha tôi lại nói: “Hai người lén lút với nhau như thế này không được. Thế nào cũng phải có cưới xin hẳn hòi.”

Nghe thấy cha tôi nói thế anh ta mừng quá. Nhưng có biết đâu vì thế mà anh ta bị mắc lừa cha.”

Thừa Chí nói:

- Chắc cụ ông đánh lừa ông ta, chớ không thật tâm bằng lòng gả bà cho ông ta phải không?

Ôn Nghi gật đầu, rồi nói: “Rồi cha tôi để cho anh ta ở căn phòng bên và cho sửa soạn lễ cưới. Anh ta cũng khôn lắm, những thức ăn uống rượu chè mà người nhà bưng lên, anh ta đều cho chó thử trước. Tuy vậy, anh ta vẫn không dám ăn uống một tí gì. Đêm đến anh ta đem những thức mua ăn riêng. Có một đêm, mẹ tôi bưng một bát chè hạt sen vào và nói với tôi rằng: “Con đưa cho nhà con ăn đi!”

Tôi chả biết một tí gì, tưởng mẹ tôi thương anh ta thật. Tôi hớn hở bưng bát chè vào trong phòng. Thấy tự tay tôi đem vào, anh ta không ngờ vực gì cả, cầm lấy ăn luôn mấy thìa. Đang vừa ăn vừa trò chuyện với tôi, bỗng thấy sắc mặt anh ta thay đổi hẳn rồi anh ta đứng dậy kêu lên: “Em Nghi, sao lòng em độc địa như thế?”

Tôi sợ hãi quá vội hỏi: “Sao thế anh?”

- “Sao em lại đầu độc anh?”

Nghe tới đây, cả Thừa Chí lẫn Thanh Thanh đều giựt mình kinh hãi. Trong bóng tối bốn bề đều yên lặng như tờ chỉ thỉnh thoảng nghe thấy gần ngôi đình có tiếng cú kêu tựa như tiếng cười làm sờn lòng những kẻ nhát gan. Quay đầu lại, Thừa Chí trông thấy năm anh em họ Ôn đã đứng vây quanh bên ngoài ngôi đình.

Ôn Minh Sơn quát mắng:

- Nghi! Sao con lại kể hết chuyện xấu xa của nhà mình cho người ngoài nghe thế? Con có biết xấu hổ không?

Mặt đỏ bừng, Ôn Nghi muốn cãi nhưng lại cố nhịn, rồi quay đầu nói với Thừa Chí:

- Mười chín năm nay, tôi không nói chuyện với cha tôi một câu nào, và từ giờ cho tới ngày chết cũng thế. Tôi không sợ ai cả. Cậu có sợ không?

Thanh Thanh vội đỡ lời:

- Thưa má, Thừa Chí đại ca không bao giờ biết sợ đâu!

Ôn Nghi nói:

- Hay lắm! Vậy tôi xin tiếp tục nói nốt cho cậu nghe.

Cất cao giọng, Ôn Nghi nói tiếp:

- Lo quá, tôi khóc òa lên, không biết nói thế nào và làm thế nào cho phải. Bỗng cửa phòng bị người đạp phanh ra. Rất nhiều người tay cầm khí giới xông vào.

Nói tới đây, Ôn Nghi chỉ ra bên ngoài, rồi nói tiếp: “Lúc này ngoài cửa phòng đã đứng đầy những người này đây, nhưng tay họ đều có ám khí. Tạm gọi là còn có chút lương tâm, cha tôi gọi tôi ra ngoài phòng. Tôi biết khi tôi ra khỏi là bọn họ bắn và ném ám khí ngay. Căn phòng nhỏ tí, anh ta hết chỗ trốn tránh. Thấy vậy, tôi trả lời ngay: “Con không ra. Cứ giết cả chúng con đi!”

Trước tưởng tôi thông đồng với người nhà để hãm hại anh ta, nghe thấy tôi cãi lại cha tôi, anh ta bỗng nhảy phắt lên, hớn hở hỏi: “Em có biết bát chè sen này có độc dược không?”

Tôi cầm bát chè lên xem, thấy còn một chút nước, liền uống luôn và nói rằng: “Nếu có độc, em xin chết theo anh!”

Anh ta vội hắt bát chè đi, nhưng tôi đã uống mất một hụm rồi. Anh ta cười nói: “Hay lắm, chết thì cùng chết một thể!”

Rồi anh ta quay mặt ra ngoài chửi rủa: “Các người dùng thủ đoạn ty tiện đê hèn thế này, không sợ xấu hổ ư?”

Bác Cả liền nổi giận: “Ai thèm dùng thuốc độc hãm hại nào? Mi tự phụ có bản lãnh vậy hãy ra ngay ngoài này đấu với chúng ta!”

Anh ta trả lời: “Được lắm!”

Nói xong anh ta dắt tay tôi ra ngoài. Không ngờ bên ngoài đã bày sẵn trận Mai Hoa Trang rồi. Một mình anh ta chống với năm anh em, cha tôi và các chú bác. Trong bát chè sen tuy không có thuốc độc nhưng có cho “Túy Tiên Mật” vào. Thứ mật này là bí chế của nhà họ Ôn. Hễ uống phải sẽ mất sức dần, rồi ngủ thiếp đi như chết vậy, phải qua một ngày một đêm mới tỉnh. Sở dĩ các người không muốn đầu độc anh ta chết là muốn anh ta say mềm, rồi từ từ hành hạ.”

Nói tới đây giọng nói của Ôn Nghi chứa đầy nỗi căm hờn.

Lúc ấy Ôn Minh Đạt lại quát tháo:

- Này họ Viên kia, mi có dám đấu với năm anh em ta cùng một lúc không?

Hai hôm trước, vì thấy anh em họ Ôn là bề trên của Thanh Thanh, Thừa Chí mới đối xử một cách lễ phép như vậy.

Bây giờ, nghe thấy Ôn Nghi moi hết thủ đoạn thâm độc của họ ra, Thừa Chí không còn nể nang như trước nữa. Chàng giận dữ trả lời:

- Hừ, dù các ngươi có mười anh em, ta cũng bất chấp!

Chàng vừa nói xong, có một bóng người nhảy xổ vào trong đình, thét lớn:

- Nhãi con, chớ có vô lễ, có giỏi bước ngay ra đây xem nào!

Thấy người nọ thân hình vạm vỡ, búi tóc cột bằng một cái vòng đồng bóng nhoáng, mình mặc áo cà sa màu đỏ. Thừa Chí mới hay y là một tên đầu đà chưa cạo tóc, và hai đêm trước từng thấy ở nhà ôn thanh.

Hôm đó y đến thăm mấy anh em họ Ôn muốn hợp tác với phái Thạch Lương để đánh cướp một vụ lớn. Nay thấy anh em họ Ôn danh lừng suốt dọc hai bờ sông Dương Tử, mà có vẻ nể sợ một tên hậu sanh trẻ tuổi nọ, Đặng Thắng nhịn không được liền nhảy xổ vào trong đình, định lôi Thừa Chí ra đánh cho một trận mê tơi.

Thấy thân pháp của Đặng Thắng khá lợi hại, Thừa Chí né mình tránh và thuận tay túm lấy tóc y, mượn sức quăng luôn ra ngoài. Cả một thân hình béo như con bê, Đặng Thắng bị Thừa Chí ném ngã lăn ra ngoài bụi cây Mai Quế. Những gai mọc đầy cành Mai Quế móc toạt mặt mũi, da thịt tên tướng giặc, máu chảy lênh láng.

Ôn Nghi cười nhạt một tiếng, rồi nói:

- Đêm hôm đó năm anh em đi đánh một mình anh ta. Đáng lẽ anh ta địch nổi, nhưng vì “Túy Tiên Mật” làm cho tay chân bủn rủn. Và anh em họ Ôn lại mới luyện thành “Ôn thị Ngũ Hành trận” liên hoàn vây đánh, khiến anh ta không lúc nào ngừng được chân tay…

Ôn Minh Sơn giận dữ quát mắng:

- Nghi, mấy muốn tiết lộ cho người ngoài biết rõ những sự bí mật của nhà ta ư?

Ôn Nghi mặc cha quát mắng, vẫn tiếp tục nói với Thừa Chí:

- Anh ta nghĩ nếu đánh ngã được một trong năm anh em thì có thể phá được trận Ngũ Hành đó. Nhưng sức lực yếu ớt dần, anh ta loạng choạng sắp ngã. Tôi liền gọi: “Anh chạy ngay đi! Không bao giờ em phụ anh đâu!”

Giọng nói thê thảm và cảm động, hình như nàng đang sống trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Thanh Thanh sợ quá vội gọi:

- Má ơi!

Thấy mắt Ôn Nghi ngơ ngác, hơi thở dồn dập, Thừa Chí biết nàng bị kích thích quá, không thể nói tiếp được nữa, Thừa Chí liền nói:

- Mời bác hãy về phòng nghỉ ngơi đã. Cháu sẽ nói chuyện với các cụ. Ngày mai cháu đến thăm bác.

Ôn Nghi nắm lấy tay áo Thừa Chí:

- Không, không. Tôi vẫn giữ trong lòng mười chín năm nay rồi! Hôm nay tôi phải thốt hết ra mới được! Viên tướng công này nói nốt đã!

Thấy giọng nói của nàng xen lẫn tiếng khóc, Thừa Chí liền gật đầu:

- Vâng, cháu xin nghe!

Ôn Nghi vẫn nắm chặt tay áo Thừa Chí, và nói:

- Họ muốn lấy tánh mạng của anh ta, nhưng họ cũng muốn có cả kho tàng kia nữa. Đánh thêm một trận nữa, người anh ta bị thương, chịu đựng không nổi, anh ta ngã xuống dưới Trang. Biết rõ anh ta có tờ bản đồ kho tàng, họ bắt anh ta phải nộp ra. Anh ta nói: “Bản đồ không giấu ở trong người ta. Ai có can đảm thì theo ta đi mà lấy! Hà! Hà!” Thế là bọn họ khó xử quá. Tha anh ta, khi thuốc mê tan rồi, ai là người đủ tài kềm chế nổi? Giết anh ta, không bao giờ họ lấy được bản đồ kho tàng đó. Sau cùng, ý kiến của cha tôi tài lắm! Hà! Hà! Thông minh lắm! Có phải thế không? Lúc ấy, anh ta mê man bất tỉnh, và tôi cũng chết ngất không hay biết gì cả. Tới khi tôi tỉnh lại họ đã khám xét kỹ lưỡng người anh ta rồi, quả nhiên không có tờ bản đồ trong đó thật. Họ liền cắt đứt gân chân và gân tay của anh ta, khiến sau nay anh ta không còn dùng được sức khỏe nữa, rồi họ mới tha anh ta đi, và bắt ép phải đưa nộp tờ bản đồ. Thông minh thật! Có phải không? Hà! Hà! Hà!

Thấy tâm trí của Ôn Nghi thất thường, Thừa Chí liền khuyên giải:

- Mời bác hãy về phòng nghỉ ngơi đi!

- Tôi không đi! Nếu cậu đi rồi thì các người sẽ giết tôi ngay, nên tôi phải nói hết cả ra mới được hả dạ mát lòng… Rồi họ áp giải anh ta đi. Trong năm anh em không ai tin cậy ai cả, lại có thêm hai tay hảo thủ phái Nga Mi cùng đi nữa. Ai ai cũng muốn được hưởng món hoạnh tài đó. Không hiểu tại sao, bọn họ lại để cho anh ta tẩu thoát. Có lẽ khi anh ta nộp bản đồ kho tàng cho họ, vì sung sướng quá họ không đề phòng gì cả, nên anh ta mới chạy thoát được. Bọn họ thông minh lắm, nhưng chàng Kim Xà Lang Quân của tôi cũng không dại dột gì. Bọn họ bảy người cướp được bản đồ đó, tranh giành lẫn nhau. Năm anh em liền mưu mô diệt trừ hai hảo thủ phái Nga Mi trước nhứt.

Ôn Minh Nghĩa đứng bên ngoài quát tháo:

- Ôn Nghi, mầy còn nói lếu nói láo thì liệu hồn mầy đấy!

Ôn Nghi cười:

- Tôi đã không sợ chết thì ai muốn làm gì thì làm!

Nàng quay đầu lại nói với Thừa Chí:

- Ngờ đâu bản đồ đó lại là bản đồ giả. Năm anh em ở Nam Kinh loay hoay nửa năm trời, tiền tiêu tốn trên vạn lạng mà chả kiếm ra xu nhỏ nào cả. Hà! Hà! Tôi khoái trí quá! Thật là không còn gì sung sướng bằng.

Năm anh em họ Ôn ở bên ngoài cứ nghiến răng. Vì nể sợ Thừa Chí, nên không ai dám xông vào trong đình nghỉ mát đó. Nói tới đây, Ôn Nghi ngẩn người giây lát rồi tiếp tục nói khẽ và chậm chạp:

- Từ đó không được tin tức gì về anh ta. Gân tay và chân đã bị họ cắt đứt cả, nên anh ta tựa như một phế nhân vậy. Vốn xưa nay vẫn có tánh kiêu ngạo và tự cao, anh ta không chết vì đau khổ thì cũng sẽ uất ức mà chết…

Ôn Minh Đạt lên tiếng gọi:

- Họ Viên kia, mi đã nghe thấy nó nói về Ngũ Hành trận của chúng ta rồi. Vậy mi có dám ra đấu thử với chúng ta không?

Ôn Nghi khẽ nói:

- Cậu đi đi thôi! Đừng đấu với họ làm gì.

Thừa Chí đã thử tài với năm anh em họ Ôn rồi, một chọi một chưa có người nào địch nổi chàng. Nhưng nay phải đấu với cả năm anh em cùng một lúc, lại thêm Ngũ Hành trận họ thao luyện đã thuần thục lắm, Thừa Chí chưa dám quả quyết có thể thắng nổi hay không. Xét theo lời Ôn Nghi thì trận đó căn cứ vào Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Ngũ Hành tương sinh tương khắc, khó lòng mà phá nổi. Hơn nữa, buổi đầu giao đấu, cả hai bên đối với nhau đều không có thù oán gì cả nên ai nấy ra tay đều có chừng mức thôi. Bây giờ, hai bên đã trở nên thù địch, và bên anh em họ Ôn hiểm độc lắm, vì vậy Thừa Chí còn trù trừ chưa quyết định hẳn nên đánh hay không?

Ôn Minh Nghĩa liền khiêu khích:

- Nếu không dám đánh thì cứ quỳ lạy chúng ông ba lạy, chúng ông sẽ tha cho mi đi!

Ôn Minh Thi với giọng nham hiểm:

- Bây giờ có chịu van lạy cũng muộn mất rồi!

Thừa Chí dõng dạc trả lời:

- Nghe nói Ngũ Hành trận của họ Ôn lợi hại vô cùng vậy tiểu bối cũng muốn được kiến thức đôi chút. Nhưng hiện giờ tiểu bối đang mệt mỏi, vậy cho phép tiểu bối được nghỉ ngơi độ một giờ có được không?

Ôn Minh Nghĩa trả lời:

- Mi muốn nghỉ một giờ cũng được. Mà dù mi nghỉ thêm năm, mười ngày cũng không chạy thoát được đâu!

Ôn Minh Sơn nói khẽ với các anh em:

- Chưa biết thằng nhãi con này định giở trò quỷ kế gì đây? Chúng ta phải đánh ngay nó đi!

Ôn Minh Đạt cản lại:

- Chú Hai đã nhận lời rồi, thì cho nó sống sót thêm một giờ nữa, để nó chết khỏi oán hận. Quý hồ chúng ta canh gác cẩn thận đừng để cho nó tẩu thoát.

Ôn Minh Ngô nói:

- Nếu vậy bảo nó vô trong Luyện Võ sảnh nghỉ ngơi, rồi chúng ta vây xung quanh nó.

Ôn Minh Đạt gật đầu, cất cao giọng nói:

- Họ Viên kia, mi vào trong Luyện Võ sảnh nghỉ ngơi đi. Chớ ở đây, nhỡ mi đào tẩu thì sao?

Thừa Chí trả lời:

- Cũng được!

Nói xong, chàng đứng dậy đi. Mẹ con Ôn Nghi lo ngại hộ chàng, muốn ngăn cản nhưng vô kế khả thi đành phải đi theo chàng vào trong nhà.

Tới Luyện Võ sảnh, Ôn Minh Đạt sai người thắp mấy chục cây nến lớn rồi.

- Khi cháy hết những cây nến này, đã đủ thì giờ cho mi nghỉ ngơi chưa?

Thừa Chí gật đầu, rồi ngồi xuống chiếc ghế bày giữa sảnh. Năm anh em họ Ôn bày ghế ngồi xung quanh, vây thành vòng tròn vây Thừa Chí ở giữa. Năm người đều nhắm mắt lại tĩnh dưỡng. Ngoài ra còn Ôn Nam Dương, Ôn Chính và các hảo thủ của phái Thạch Lương, tổng cộng mười sáu người ngồi trên mười sáu chiếc ghế nhỏ vây vòng ngoài. Thừa Chí thấy bọn đó ngồi theo phương vị Bát Quái, để phù trờ phù trợ cho trận Ngũ Hành liền nghĩ thầm rằng: “Nếu ta muốn xông ra khỏi thế trận ngoài, chắc sự khó khăn không kém gì thế trận trong.”

Nghĩ đoạn, chàng ngồi xếp bằng tròn trên ghế, hai tay buông xuôi xuống, nhắm mắt để hồi nhớ lại những võ công mà sư phụ đã dạy bảo chàng. “Suy đi tính lại bị hai mươi mốt tay hảo thủ vây đánh như thế này, mình chỉ có thể giữ thế thủ mà thôi, còn muốn xông ra khỏi thế trận để thoát thân thì khó lắm! Nhưng nếu bảo thủ quá lâu, hơi sức sẽ kém sút dần, rốt cuột mình vẫn bị thất bại. Võ nghệ cao cường như Kim Xà Lang Quân mà còn không phá nổi Ngũ Hành trận, đủ thấy trận thế này lợi hại như thế nào?”

Đang lo nghĩ, chàng bỗng “linh cơ nhứt động”, nghĩ tới mấy trang sau cùng trong cuốn Kim Xà bí kíp. Lần đầu tiên, khi đọc tới mấy trang đó, chàng không hiểu tí gì. Đến lần thứ hai xuống hang động trông thấy những bức hình vẽ trên vách đá và tham chiếu với các lời chú thích trong Bí kíp, chàng mới lãnh hội được những thế võ đó. Tuy vậy, lúc bấy giờ chàng vẫn không hiểu tại sao Kim Xà Lang Quân lại sáng tạo ra những miếng võ phức tạp như thế để làm gì.

- “Trong lúc đối chiếu, dù kẻ địch võ nghệ cao cường đến mức nào cũng không thể một lúc tấn công cả bốn bề tám phương. Như vậy, những thế võ này rõ ràng để đối phó các mặt đồng thời tấn công.”

Nghĩ tới đây, Thừa Chí liền tỉnh ngộ và bảo thầm: “Có lẽ sau khi thất bại và tẩu thoát, Kim Xà Lang Quân mới cố công nghĩ ra những thế võ này, mục đích để đối phó với Ngũ Hành trận. Ông ta sáng chế ra những thế võ này tất nhiên là muốn tới Thạch Lương để báo thù. Nhưng tiếc thay, gân tay gân chân của ông đã đều bị cắt đứt rồi, không thể nào dùng sức được nữa. Ông ta ghi chép kỹ lưỡng như thế, nhưng lại làm thêm Bí kíp giả, và hộp sắt giả, và còn đặt thêm cơ quan cùng tên độc nữa. Sở dĩ ông ta làm như thế để đề phòng trường hợp phái Thạch Lương trộm cắp được cuốn Bí kíp này cũng nên. Do sự tình cờ mà ta học được những thế võ đó ngày nay mới có thể thoát nạn, và đồng thời cũng báo thù giải oán cho vị ân sư mà ta chưa hề gặp mặt bao giờ. Chắc ông ta ở dưới chín suối cũng được vui lòng hả dạ lắm. Như vậy, thật không uổng công ông ta đã tạo hết tâm trí trước khi lìa khỏi cõi trần.”

Càng nghĩ, Thừa Chí càng hớn hở mừng thầm, mở mắt nhìn xung quanh, thấy các cây nến đang cháy chỉ còn độ một tấc nữa là hết. Năm anh em họ Ôn nhìn nét mặt chàng, thấy lúc lo sợ, lúc vui mừng, chẳng hiểu chàng định giở trò gì? Nhưng họ ỷ có Ngũ Hành, Bát Quái trận thần diệu vô cùng nên rất khinh thường, không coi Thừa Chí vào đâu cả. Họ chỉ trợn tròn mười con mắt, cẩn mật đề phòng sợ chàng thừa cơ tẩu thoát thôi.

Thừa Chí nhắm mắt định thần ôn lại các thế võ ghi trong “Kim Xà bí kíp” một lần nữa. Khi nghĩ tới thế “Khoái đao trảm loạn nia” (dao sắc chém gạt rồi). Chàng giựt mình toát mồ hôi lạnh miệng kêu thầm “Nguy to rồi!”

Chàng lại thầm nghĩ: “Mấy chục miếng võ sau đều nhờ vào bảo đao bảo kiếm khiến kẻ địch không dám đến gần, rồi thừa cơ loạn đả trận thể của họ. Nhưng hiện giờ Kim Xà kiếm không mang theo bên mình, vậy biết làm sao bây giờ?”

Thanh Thanh đứng một bên cứ chăm chú nhìn chàng. Lúc ấy, thấy chàng bỗng tỏ vẻ lo sợ, trên trán toát mồ hôi lạnh, nàng nghĩ thầm: “Chưa giao chiến mà chàng đã uể oải thế kia, thì làm sao hạ nổi cường địch cơ chớ”

Trông thấy các ngọn nến sắp tàn cả rồi, mà cách phá trận vẫn chưa nghĩ ra, chàng càng lo ngại. Lúc ấy một con A Hoàn bưng bát nước trà đến trước mặt chàng:

- Mời Viên tướng công dùng trà!

Đang ngẩn người và trong lúc xuất thần, Thừa Chí không nghĩ ngợi gì cả, thuận tay cầm bát nước trà đưa lên miệng định uống. Bát đã dính môi rồi chỉ nghe thấy “keng” một tiếng, tay chàng hơi run động và bát trà đó đã bị ám khí đánh rơi, vỡ làm muôn mảnh. Thừa Chí đưa mắt nhìn thấy Thanh Thanh vừa rút tay lại, biết ngay nàng vừa lao mũi tên đó, liền giựt mình nghĩ thầm: “Nguy hiểm thật! Sao ta lại hồ đồ đến thế? Không nghĩ tới bọn họ cho ta uống cái thứ thuốc mê gì gọi là Túy Tiên Mật ấy!”

Thấy mưu kế không thành, Ôn Minh Ngô tức quá, quát tháo mắng chửi liền:

- Thật là nòi nào giống nấy có khác! Tổ tiên nhà họ Ôn ta không tích đức nên mới sanh ra những đứa khốn nạn phản thần như thế?

Thanh Thanh không chịu lép vế, trả đũa ngay:

- Chỉ vì tổ tiên nhà họ Ôn tích đức nhiều quá, nào là tu kiều chỉnh lộ, nào là cứu giúp người nghèo, bất cứ việc thiện gì cũng làm cả!

Mấy câu đó châm biếm anh em họ Ôn chỉ chuyên môn làm những điều bạc ác bất nhân. Ôn Minh Ngô giận quá, nhảy lên định đánh, Minh Đạt vội cản lại:

- Chú Năm nên bình tĩnh một chút và cẩn thận trông coi thằng nhỏ.

Lúc này, vẻ mặt Thừa Chí bỗng tươi tỉnh vui vẻ hẳn, thì ra hành động của Thanh Thanh vừa rồi khiến chàng sực nghĩ tới việc sử dụng ám khí. Chàng nghĩ thầm: “Sao ta không dùng ám khí? Tài ném ám khí của ta còn giỏi hơn Kim Xà Lang Quân. Hơn nữa trong người ta còn có chiếc áo cánh của Mộc Tang đạo trưởng tặng. Đến lúc khẩn yếu, ta cứ việc giơ lưng ra chịu và đòn rồi thừa cơ đánh phá địch trận.”

Không chờ tới lúc các ngọn nến cháy hết, chàng đã đứng dậy nói:

- Xong rồi! Xin quý vị chỉ giáo cho!

Minh Đạt sai người đốt lên những cây nến mới.

Thừa Chí lại nói:

- Lần này, sau khi đã phân thắng bại rồi thì sao?

Minh Đạt nói:

- Mi thắng cứ việc đem số vàng đó đi. Nếu mi thua, khỏi phải nói chuyện nữa!

Chàng biết nếu bại trận sẽ mất toi mạng, nhưng nếu thắng, chàng lại sợ họ tráo trở không chịu thú nhận là bại liền nói:

- Nếu vậy, quý vị hãy đem cả số vàng ra đây, nếu thắng, tôi xin phép đem đi liền.

Thấy sắp chết đến nơi mà chàng còn làm cứng, năm anh em họ Ôn đều nghĩ thầm: “Tài như Kim Xà Lang Quân mà còn bị toi mạng trong trận Ngũ Hành của chúng ta. Hơn nữa, chúng ta đã trải qua mười mấy năm nghiên cứu kỹ lưỡng và còn sáng tạo thêm Bát Quái trận bao vây bên ngoài thì mi tẩu thoát làm sao nổi?

Thế trận này dù có đối phó với ba bốn chục hảo thủ hãy còn dư sức. Có thể nói đó là ‘Trấn Sơn chi bảo’ của phái Thạch Lương, nhưng ít khi họ đem ra sử dụng vì sợ người ta đồ thám trộm được sự thực hư của nó. Lần này, vì võ nghệ của Thừa Chí quá mạnh, những nhân vật từng nổi tiếng khắp giang hồ như năm anh em họ Ôn mà chỉ đấu được vài hiệp là người nào người nấy đều bị chàng đánh bại cả nên năm anh em bàn tán mãi đành phải đem thế trận riêng biệt của họ Ôn ra, dù sau này giới giang hồ có chê họ ‘Cậy nhiều thắng ít, thị lớn bắt nạt bé,’ họ cũng bất chấp. Ôn Minh Đạt liền bảo Thanh Thanh đem số vàng đó cho chàng trước đó phải là hơn không?”

Nghĩ đoạn, nàng vào nhà trong bưng gói vàng ra, để trên mặt bàn. Minh Sơn nói:

- Không cần phải đóng cọc làm trang nữa. Chính! Con lấy những thoi vàng ra dựng ngược lên bày theo trận đồ đi!

Ôn Chính vâng lời, lấy vàng thoi dựng ngược lên trên mặt đất, ở giữa quây thành Thái Cực đồ, bên ngoài bày thành hình Bát Quái. Năm anh em họ Ôn đồng thanh nói:

- Lên đi!

Cả năm người đều cầm khí giới trong tay. Mỗi người nhảy lên đứng trên một thoi vàng.

Thừa Chí đang định nhảy vào ứng chiến bỗng trên nóc nhà có tiếng người cười ha hả và nói:

- Các ông già họ Ôn kia! Ta Vinh Thái đến tận cửa xin chịu lỗi đây!

Năm anh em họ Ôn đều sợ hãi, rồi lên tiếng gọi:

- Xin mời xuống đây!

Lúc ấy trên nóc nhà thấy lố nhố độ mười mấy người, cao có lùn có. Họ bảo nhau nhảy cả xuống. Người dẫn đầu là Vinh Thái, Bang chủ bang Long Du. Thừa Chí đưa mắt nhìn Thanh Thanh thấy nàng tuy muốn giữ vẻ điềm tĩnh nhưng thần sắc của nàng chứng tỏ sự băn khoăn lo ngại.

Minh Đạt nói:

- Lão Vinh! Nửa đêm canh ba bạn giáng lâm nơi tệ xá chẳng hay có việc gì muốn chỉ giáo thế? Ô kìa! Cả Lã Nhị tiên sinh phái Phương Nam cũng tới nữa!

Vừa nói y vừa chắp tay vái chào người nho sĩ đứng đàng sau Vinh Thái. Vinh Thái nói:

- Ông già họ Ôn tốt phước quá! Có cô cháu võ nghệ cao cường mưu kế lại giỏi dang, không những đã giết chết Sa lão đại lại còn đánh bại mười mấy đứa đàn em.

Ngay như lão đây cũng phải chịu kém cô ta nốt.

Anh em họ Ôn không hay biết gì về chuyện xích mích đã xảy ra giữa Thanh Thanh với bang Long Du. Từ trước tới giờ, hai phái vẫn giao hảo thân thiện với nhau.

Nay đứng trước mặt cường địch, anh em họ Ôn không muốn sanh sự lôi thôi thêm.

Minh Đạt liền nói:

- Lão Vinh! Nếu cháu gái tôi làm điều gì không nên không phải, chúng tôi quyết không bênh vực. Cháu nó giết người thì phải thường mạng, còn nợ nần thì trả tiền, như thế lão đã bằng lòng chưa?

Vinh Thái ngạc nhiên, nghĩ thầm: “Lão già này vốn tánh xưa nay rất kiêu ngạo, sao hôm nay lại ăn nói dịu dàng đến thế? Hay là y sợ Lã Nhị Tiên sinh quá mà nên chăng?”

Y đưa mắt nhìn khắp nơi trong Võ Sảnh bỗng trông thấy đứng ở đó, y ngạc nhiên, nghĩ thầm: “Không ngờ, họ đã có một tay sừng sỏ tới đây giúp đỡ, vậy chưa chắc Lã Nhị Tiên sinh đã thắng nổi. Chi bằng, nhân lúc họ nể sợ, ta hãy tạm ngừng tay xem sao đã!”

Nghĩ xong, y nói:

- Bang Long Du chúng tôi cùng với quý phái xưa nay đôi bên vẫn giao hảo với nhau. Nay chúng tôi nể mặt các quý vị lão gia, nên không nói tới cái chết của Sa lão đại nữa. Chúng tôi chả dám oán trách bởi tài nghệ của y kém cỏi nên mới bị thiệt thòi đến thân thôi! Nhưng còn số vàng này…

Nói tới đây, y đưa mắt nhìn các thoi vàng bày la liệt dưới đất, rồi nói tiếp:

- Chúng tôi theo dõi số vàng này từ lâu rồi đã đi theo mấy trăm dặm đường, tốn rất nhiều tâm huyết, và còn có người mất mạng vì nó nữa. Chúng ta cùng ở trên giang hồ kiếm ăn…

Thấy Vinh Thái nói tới đây không nói tiếp nữa, Minh Đạt biết ngay họ tới đây vì tiền tài chớ không phải vù thù hằn chi nên nói:

- Đó, số vàng còn cả đây! Vinh lão huynh muốn lấy thì cứ việc đem cả đi!

Bỗng thấy Nhứt Tổ nói một cách khí khái như vậy, Vinh Thái lại tưởng lầm rằng Minh Đạt muốn nói bông đùa để diễu cợt cho nhưng xem kỹ sắc mặt thì Minh Đạt không có một ác ý gì cả. Vinh Thái liền hỏi:

- Nếu Ôn đại gia vui lòng ban cho đệ phân nửa số vàng để chữa chạy cho mấy anh em bị thương và làm tiền tử tuất cho mấy chú em bị thiệt mạng thì anh em chúng cũng cảm ơn vô cùng rồi…

Ôn Minh Sơn nói:

- Mời lão huynh cứ tự tiện lấy đem đi!

Vinh Thái chắp tay vái lạy rồi nói:

- Như vậy chúng tôi xin cảm ơn vô cùng.

Nói xong, y ra hiệu cho hai tên đại hán đứng sau cúi xuống nhặt những thoi vàng.

Hai tên đó tay vừa mó tới thoi vàng, bỗng có người khẽ đẩy vai một cái, cảm thấy một sức mạnh đẩy lùi lại. Rồi cả hai cùng bị bắn ra phía sau mấy bước. Chúng ngẩng đầu lên đã thấy Thừa Chí đứng sững trước mặt.

Thừa Chí nói:

- Vinh lão gia! Số vàng này là lương bổng của quân đội Sấm Vương. Lão gia lấy đi không được đâu

Danh tiếng của Sấm Vương chỉ trấn át nổi Võ lâm miền Bắc thôi chớ anh em giang hồ ở vùng Giang Nam chưa từng biết tiếng mấy. Vinh Thái quay lại vừa cười vừa nói với Lã Nhị:

- Y đem tiếng tăm của Sấm Vương ra dọa nạt chúng ta đấy!

Lã Nhị tiên sinh tay cầm ống điếu đồng, hít mạnh một hơi thuốc, ung dung thở khói ra, rồi thong thả đưa mắt lên ngắm nhìn Thừa Chí. Thấy vẻ kiêu ngạo và ra cái điều đây người già cả của Lã Nhị, Thừa Chí đã nổi giận rồi. Nhưng thấy Lã Nhị đôi mắt có thần và sắc mặt hồng hào, Thừa Chí đoán y cũng là một hảo thủ tên tuổi ở Võ lâm nên chàng không dám khinh thường, liền cúi chào và nói:

- Tiền bối có phải họ Lã không? Hãy tha thứ cho tiểu bối, vì mới tới Giang Nam nên chưa được biết quý đại danh!

Lã Nhị không thèm trả lời, phun hơi khói vào mặt chàng. Y lại hút thêm một hơi thuốc, nhưng lần này y dùng mũi phun khói vào mặt chàng phen nữa. Thấy Thừa Chí chưa tỏ vẻ gì, Thanh Thanh không nhịn được định lên tiếng nhưng Ôn Nghi đã nắm cánh tay nàng bóp khẽ một cái. Quay đầu lại, thấy mẹ lắc đầu ra hiệu, Thanh Thanh đành chịu làm thinh. Lã Nhị gõ đầu ống điếu xuống mặt gạch để đổ tàn thuốc ra. Tiếng kêu “tốc tốc” một hồi. Đổ hết tàn ra, y lại nhồi thuốc vào điếu. Lúc ấy, chính anh em họ Ôn cũng không thể nhịn được, nhưng họ nể Lã Nhị đã lừng danh khắp chốn giang hồ mấy chục năm trời nay. Nghe nói năm xưa, y chỉ cậy có thế võ “Hạc Hình quyền” mà khắp Giang Nam và Giang Bắc không ai địch nổi. Vả lại ống điếu đồng của y là món khí giới lạ, có thể điểm huyệt, hoặc đoạt được võ khí của địch. Nhưng sự thật, tài nghệ của y giỏi tới mức nào, chưa ai được trông thấy.

Bởi thế, anh em họ Ôn chỉ mong y giao chiến với Thừa Chí. Nếu y chiến thắng thì càng hay, bằng không, ít ra cũng có thể làm giảm mất phần nào hơi sức của Thừa Chí.

Trong khi Lã Nhị lấy đá lửa và bật ra đánh lửa để châm thuốc hút, thì bỗng trên đỉnh nóc nhà có tiếng người thét lên rằng:

- Mau trả lại số vàng cho chúng ta!

Rồi một thiếu nữ và một thiếu niên tráng kiện nhảy xuống, theo sau hai người ấy còn có một người trạc độ năm mươi tuổi, ăn mặc như một nhà buôn, tay trái cầm bàn toán, tay phải cầm cây bút, trông rất ngộ nghĩnh.

Thấy thiếu nữ đó là Tiểu Tuệ, Thừa Chí vừa mừng vừa lo. Chàng mừng vì có người tới giúp đỡ. Nhưng còn hai người kia võ nghệ ra sao, chàng không rõ? Bây giờ, kẻ địch ngoài phái Thạch Lương lại còn thêm bọn Long Du và Lã Nhị tiên sinh. Hơn nữa, mẹ con Thanh Thanh đang ở trong hoàn cảnh rất nguy hiểm, thế nào cũng phải cứu họ tẩu thoát khỏi nơi này mới được. Nếu hai người mới tới kia võ nghệ chỉ ngang với Tiểu Tuệ thôi thì mình còn phải mất công bảo vệ họ, như vậy có phải nguy tai không? Lúc bấy giờ, trong đệ tử của anh em họ Ôn đã có người chạy ra ngăn cản và quát hỏi mấy người kia. Người thiếu niên nọ lớn tiếng nói:

- Mau trả lại số vàng kia cho chúng ta!

Thấy vàng để lăn lóc dưới đất, y nói xong cúi xuống nhặt liền. Thừa Chí cau mày nghĩ thầm: “Người này lỗ mãng như thế, không thể nào làm nổi việc lớn.”

Ôn Nam Dương thấy thiếu niên nọ đang cắm cúi nhặt vàng, liền phi chân nhắm cánh tay hắn mà đá. Tiểu Tuệ vội gọi:

- Thôi sư huynh hãy đề phòng!

Tuy tánh nết thô lỗ nhưng võ nghệ của y cũng khá. Nghe thấy Tiểu Tuệ gọi, y né mình tránh cái đá ấy rồi thuận chân sấn lại gần Nam Dương, dùng song chưởng bổ xuống luôn. Không kịp lùi để tránh, Nam Dương phải giơ song chưởng đỡ. Tứ chưởngvừa va chạm, cả hai đều lùi lại vài bước. Thiếu niên nọ định tiến lên nhưng người ăn mặc lối nhà buôn vội gọi ngay:

- Hãy khoan Hy Mẫn!

Thừa Chí sực nhớ đến bữa nọ Tiểu Tuệ có nói rằng: “Nàng cùng một người họ Thôi đi hộ tống số vàng. Vì có sự xích mích, nên hai người cãi lộn, rồi giữa đường chia tay. Bởi vậy số vàng mới bị Thanh Thanh xuất kỳ bất ý cướp mất. Như vậy, người thiếu niên này tất là cháu của Thôi Thu Sơn tức là Ngọc Diện Kim Cương Thôi Hy Mẫn không sai rồi. Còn người thương gia này có lẽ là Đại sư huynh của mình tên là Đồng Bút Thiết Toán Bàn Hoàng Chân chắc?”

Chàng nhìn kỹ lại, thấy tay phải người thương gia ấy cầm cái bút lập lòe chói lọi, quả nhiên lúc đó bằng đồng rồi. Mừng quá, chàng nhảy tới trước mặt người nọ, quỳ xuống lạy và nói:

- Tiểu đệ Viên Thừa Chí xin kính chào đại sư huynh.

Hoàng Chân vội đỡ chàng dậy, ngắm nhìn giây phút, rồi hớn hở nói:

- sư đệ, không ngờ chú còn trẻ tuổi thế này! May mắn làm sao anh em mình lại gặp gỡ nhau ở nơi đây!

Tiểu Tuệ tới gần nói:

- Thừa Chí đại ca! Em xin giới thiệu Thôi sư huynh của em.

Thừa Chí gật đầu chào Thôi Hy Mẫn. Thấy trên lưng Thừa Chí có ít cỏ khô, Tiểu Tuệ khẽ phủi đi cho chàng. Thừa Chí mỉm cười tỏ vẻ cám ơn. Thấy vậy, Hy Mẫn cau mày ngụ ý không bằng lòng. Hoàng Chân trông thấy mắng liền:

- Hy Mẫn, sao con vô lễ đến thế? Có mau mau quỳ xuống lạy sư thúc đi không?

Nhận thấy Thừa Chí còn kém mình mấy tuổi, Hy Mẫn trong lòng không phục, liền từ từ đi tới, làm điệu sắp quỳ. Thừa Chí vội cản lại:

- Tôi không dám!

Chàng giơ hai tay ra đỡ, Hy Mẫn liền đứng dậy ngay. Y chỉ gật đầu chào một cái rồi nói:

- Tiểu sư thúc!

Hoàng Chân mắng ngay:

- Cái gì là tiểu sư thúc, đại sư thúc? Dù tuổi mày lớn hơn chú ấy thật, nhưng chú ấy vẫn là bề trên của mầy!

Thừa Chí vừa cười vừa hỏi Hy Mẫn:

- Chú anh có mạnh không? Đã lâu tôi không nhận được tin của ông ấy, tôi nhớ lắm.

- Cám ơn sư thúc. Chú tôi nhờ trời vẫn được mạnh khỏe.

Lã Nhị tiên sinh thấy họ chào hỏi nhau sư huynh, sư đệ, sư thúc, sư điệt tíu tít cả lên, chẳng coi ai ra gì, nên không nén nổi tức giận, liền xách ngược, ngẩng đầu nhìn lên trên trần nhà, rồi hỏi:

- Hai người mới tới là những tên nào?

Y vừa lên tiếng, ai nấy đều giựt mình thất kinh. Vì tiếng nói của y giống hệt tiếng chim cú kêu nghe rất ghê tai, và còn pha thêm giọng khàn khàn như thanh la bể, nên không ai nghe thấy y nói gì cả. Bước lên một bước, Hy Mẫn nói:

- Số vàng này của chúng ta đã bị các người lấy trộm mà. Hiện giờ thầy trò tay đến đây lấy lại số vàng này!

Lã Nhị tiên sinh vẫn nhìn ngược lên trần nhà, miệng phun khói thuốc, đột nhiên “khà, khà” cười nhạt hai tiếng.

Thấy y cứ giở mãi cái điệu già cả, tỏ vẻ khinh thường hết thảy mọi người, Hy Mẫn nổi xung, hất hàm hỏi:

- Chẳng hay đây người có chịu trả lại số vàng này không? Ông cứ việc nói thẳng ra đi! Nếu ông không có quyền giải quyết vấn đề này thì mời người nào có thể chủ chốt hãy ra đây nói chuyện.

Lã Nhị tiên sinh lại cười gằn hai tiếng, rồi quay lại nói với Vinh Thái:

- Anh nói lại cho tụi nhãi con này biết, tôi là hạng người thế nào!

Vinh Thái quát lớn:

- Vị này là Lã Nhị tiên sinh tiếng tăm lừng lẫy xưa nay. Các ngươi chớ có run sợ thất kính vội, hãy cho ta biết: Tại sao tuổi trẻ như thế lại dám vô lễ với bực tiền bối như vậy?

Thật tình Hy Mẫn không biết Lã Nhị tiên sinh là ai, chàng cũng lớn tiếng trả lời:

- Mặc các ngươi là cái gì tiên sinh, ta không cần biết! Ta chỉ biết đến đây lấy lại số vàng thôi!

Ôn Nam Dương vừa giao chiến với chàng chưa phân thắng bại, đang nóng lòng sốt ruột, liền nhảy ra trả lời:

- Lấy lại số vàng, có phải là chuyện dễ đâu? Ngươi có tài, hãy thắng nổi ta đã rồi mới được nói tới chuyện những thoi vàng này!

Vừa nói xong, y không chờ đối phương trả lời, đã nhảy xổ lại đấm luôn một quyền. Không kịp đề phòng, bị một đấm vào vai, Hy Mẫn nổi giận, múa ta trái nhanh như gió, trả đũa luôn một quyền vào bụng Ôn Nam Dương nghe đánh “bục” một tiếng.

Hai người cùng bị đau đều nhảy lùi lại, trợn mắt nhìn nhau.

Rồi lại cùng xông vào đánh luôn. Cả hai đều tấn công rất mạnh và phòng hờ lại rất sơ hở nên chưa đầy một hiệp, đánh đấm “bình bình, bộp bộp” làm điếc tai mọi người. Cả hai cùng bị đánh trúng đầu, vai ngực bụng đến mấy chục lần.

Thừa Chí thở dài và nghĩ thầm: “Tại sao sư huynh ta lại dạy thứ đồ đệ bất tài thế kia? Nếu gặp phải một hảo thủ, y chịu sao nổi một hai quyền của người ta? Tại sao Thôi thúc thúc không chỉ dẫn cho y một vài miếng?”

Thì ra Hy Mẫn tuy rất chính trực nhưng tánh lại nóng nảy. Lúc học võ, y rất lười biếng. Đã gia nhập môn trong bao lâu y vẫn chưa học được nổi một phần tài nghệ của Hoàng Chân. Nhờ được thân hình vạm vỡ và có đôi chút sức khỏe, y có thể chịu đựng nổi một vài đòn.

Trong lúc hỗn chiến, y dùng tay phải đấm hở một cái, Ôn Nam Dương tránh sang bên phải, y giơ tay trái đón sẵn, đấm luôn một quyền cước, trúng ngay cằm của NamDương nghe đánh “bộp” một cái. Cả một thân hình to lớn như trái núi nhỏ của Nam Dương ngã lăn xuống đất rồi chết giấc liền. Tỏ vẻ khoái trí, Hy Mẫn đưa mắt nhìn sư phụ, tin tưởng thế nào cũng được ban khen. Ngờ đâu, thấy sư phụ có vẻ giận dữ, chàng không hiểu tại sao? Chàng nghĩ thầm: “Ta đã đánh thắng, sư phục không khen thì chớ, trái lại còn tỏ vẻ trách mắng ta như vậy?”

Thấy môi và mồm chàng bị đánh sưng lên, tai bên phải máu tươi nhỏ giọt xuống. Tiểu Tuệ lấy khăn tay khẽ lau chùi cho chàng và nói nhỏ:

- Tại sao anh không tránh những miếng đấm của y mà cứ đánh loạn xạ như thế làm gì?

- Tránh cái gì? Nếu tránh, tôi đánh trúng y sao được?

Lã Nhị tiên sinh lại lên tiếng quái dị nói:

- Ngươi tưởng đánh ngã một người như thế đã tự cho là đắc chí lắm sao? Ngươi có muốn lấy lại số vàng không?

Vừa nói dứt lời, y nhảy lên đứng trên hai thoi vàng. Tay phải giơ cái điếu cày điểm một thoi vàng khác nói:

- Tha hồ ngươi dùng đấm hay đá, quý hồ lấy được ba thoi vàng này ra, ta sẽ trả tất cả số vàng ở đây cho ngươi.

Ai nấy nghe thấy Lã Nhị tiên sinh nói vậy đều cho y tự phụ và ngông cuồng quá.

Dù võ ngh

/24

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status