Yến Phi men theo nhánh sông Tùy Thủy chảy về đông đề khí chạy nhanh, chợt dừng bước, ngay bên chân chàng, trong bụi cây ven đường, một đoạn kiếm gãy lóe lên phản chiếu ánh sáng từ vừng dương sắp lặn xuống non đoài. Trường kiếm gãy ở đoạn giữa, trong đám cỏ dại còn thấy đoạn chuôi kiếm gãy, chỗ tay cầm có vết máu đã khô.
Yến Phi tuy còn trẻ, nhưng lại là lão giang hồ, suy đoán đoạn kiếm này rất nhiều khả năng thuộc về Vinh Trí, đêm trước lúc giao thủ cùng Nhậm Dao, kiếm này bị cường lực chấn gãy, còn làm cho hổ khẩu rách nát, khiến chuôi kiếm dính máu. Nếu như là chuyện này xảy ra với Lư Tuần, máu tươi thấm trên chuôi kiếm tất còn chưa kịp khô đi như thế.
Xung quanh không có dấu vết của cuộc đấu, điều này cho thấy Vinh Trí để tránh Lư Tuần, liền nhân lúc thủ hạ đang kịch chiến với Lư Tuần, chạy đến nơi này. Như vậy thì Vinh Trí phải ở đâu đó cách đây không xa.
Yến Phi quét mắt quan sát xa gần, nhất thiết không bỏ sót điều gì. Vết chân Vinh Trí trên bờ cỏ ven sông lập tức lộ ra, men theo bờ sông tới một khoảnh rừng rậm rạp không xa, có nhiều cây cối lúp xúp cành lá um tùm chìa ra tận mặt sông. Từ bên trong bụi cây này ẩn ước truyền lại âm hưởng gỗ đá va chạm tùy theo dòng nước nhẹ nhàng chảy qua.
Yến Phi cất bước đi xuống bờ cỏ, thẳng tới mép sông, vạch cành lá nhìn vào, thấy một chiếc thuyền cá dài chừng ba trượng, được buộc chặt bằng dây thừng vào một gốc cây trên bờ, hết sức kín đáo, nếu men theo bờ sông đi thẳng không đặc biệt lưu ý, chắc hẳn sẽ bỏ qua. Theo sóng nước dập dềnh trên sông, thân thuyền không ngừng va vào một khối đá lớn nằm ở bờ nước, phát ra những thanh âm chàng vừa nghe thấy.
Yến Phi tung người nhảy xuống đuôi thuyền, qua khoang thuyền mở rộng nhìn vào, bỗng nhìn thấy Vinh Trí trong một góc khoang thuyền, nửa nằm nửa ngồi tựa vào vách, sắc mặt tái nhợt như người chết, hai mắt nhắm nghiền, tay trái chống xuống sàn đỡ lấy thân thể, tay kia giữ chặt một vật gì đó đặt trên đùi, như muốn cầm tay giơ lên, tiếc là không thể, lồng ngực nhô lên thụt xuống rất nhanh, hô hấp khó khăn, rõ ràng sắp chết đến nơi.
Yến Phi tuy không có chút hảo cảm nào với hạng yêu nhân này, nhưng thấy y tính mệnh nguy cấp, liền sinh lòng trắc ẩn, đi vào khoang thuyền.
Vinh Trí chung quy vẫn là cao thủ, vẫn có thể duy trì cảm giác, cặp mắt gắng gượng mở ra, hiện lên thần sắc cảnh giác, sau khi thấy không phải Lư Tuần hay Nhậm Dao, liền nhẹ nhõm đi đôi chút, đau đớn hỏi: "Ngươi là ai?".
Yến Phi ngồi xuống trước mặt y, nhìn kỹ sắc mặt, biết y sinh cơ đã tuyệt, dù Đại La Kim Tiên cũng không thể cứu được. Nếu không suy nghĩ mà truyền chân khí vào, chỉ làm y chóng chết hơn. Hít một hơi thở nói: "Ta chỉ là người qua đường, đạo trưởng có di ngôn gì không?".
Vinh Trí xòe bàn tay phải. Một tiếng "đinh" vang lên, một chiếc bình nhỏ bằng đồng từ lòng bàn tay rơi xuống sàn thuyền, lăn tới bên chân Yến Phi.
Yến Phi đưa mắt nhìn, thấy miệng bình có nút bằng đồng dùng lửa hàn kín mít, xem màu sắc chất liệu, bình này ít nhất cũng bị hàn kín từ nhiều năm. Bụng nghĩ bên trong bình nhiều khả năng là một loại thánh dược trị thương gì đấy, kỳ lạ là sao Vinh Trí đến trước lúc chết mới đem ra phục dụng, mà không dùng vào lúc trốn khỏi.
Yến Phi ngạc nhiên nhìn về phía Vinh Trí nói: "Đạo trưởng phải chăng muốn phục dụng dược vật trong bình đồng này?".
Vinh Trí bất lực ngã đầu tựa vào vách thuyền, khổ sở hít thở luồng chân khí cuối cùng.
Yến Phi biết y hơi thở đứt đoạn, không chút do dự, hữu thủ chụm lại điểm vào mỗi đại yếu huyệt trên lồng ngực, tống xuất chân khí, đúng lúc chân khí tiêu tán, tính mệnh sắp sửa kết liễu, lập tức sắc mặt Vinh Trí trở lại hồng nhuận, có thể miễn cưỡng ngồi vững hơn một chút, mục quang kinh dị dò xét Yến Phi, giọng run rẩy nói: "Ngươi là một người tốt, ài!".
Yến Phi thầm nghĩ đây hoặc giả con người sắp chết thường nói điều tốt, nói: "Đạo trưởng có di ngôn gì, xin lập tức nói ra".
Vinh Trí run giọng nói: "Ngàn vạn lần xin chớ mở nút cái bình này, lập tức đem nó ném xuống sông".
Yến Phi ngạc nhiên, nhưng sau đó nghĩ Vinh Trí chắc là sợ Lư Tuần quay trở lại cướp được vật trong bình, làm như thế yên tâm hơn. Gật đầu: "Được!" Rồi thò tay nắm lấy đồng bình trên sàn, nghiêng nghiêng thân bình, nghe bên trong có vật gì đó tựa như đồ kim thuộc lăn qua lăn lại, trên tay có cảm giác lạ lạ.
Yến Phi chẳng buồn nhìn, giơ tay định ném ra ngoài song cửa, để nó vĩnh viễn chìm dưới đáy sông.
Vinh Trí chợt đúng lúc kêu ngừng, nói: "Đừng!".
Yến Phi quay lai nhìn y, người này tuy hít thở đã khó khăn lắm rồi, vậy mà song mục vẫn chiếu ra tia vui mừng khó giấu.
Yến Phi tài trí hơn người, lòng chấn động, hiểu ngay vì sao y hoan hỉ, bất giác sinh lòng khinh bỉ, yêu nhân vẫn là yêu nhân, Vinh Trí vốn không thực lòng muốn mình mang đồng bình quăng xuống sông, mà là mượn chuyện đó để coi thử mình có phải hạng người thấy của báu mà tối mắt hay không, hiện giờ đã hiểu mình là loại người gì rồi, đương nhiên sẽ lợi dụng mình để giúp y hoàn thành một chuyện gì đó.
Bất quá nếu y muốn mình mang vật nọ đi giao cho giáo chủ Giang Lăng Hư, Yến Phi sẽ tuyệt không ưng chịu, chỉ việc mang nó quẳng xuống sông là xong chuyện. Đối với đồ vật của yêu nhân, chàng vốn không có chút hứng thú.
Quả nhiên Vinh Trí liệu mình cũng không còn được mấy sức lực, tiếp tục nói: "Kiến Khang thành, Bình An lý, Dương Xuân hạng có một người kêu là Độc Tẩu, nhà lão phía nam trông ra sông Tần Hoài, ngươi mang cái bình đó cho lão, tất nhiên lão sẽ hậu tạ ngươi cực kỳ hậu hĩnh, nhớ không được mở nút ra, ta...". Đầu ngoẹo sang bên, cố hít một hơi cuối cùng, song mục vẫn mở trừng trừng.
Yến Phi vuốt mắt cho y, mệt mỏi ngồi xuống.
Chẳng biết vì sao, chàng bỗng cảm thấy tâm tình nguội lạnh, sinh mệnh con người mới mỏng manh làm sao, đêm qua Vinh Trí cản đường chặn xe uy phong bát diện là thế, hiện tại đã biến thành một thi thể không còn sinh mệnh. Cái chết thực không thể nghịch chuyển cũng như tránh né, giống như mẫu thân, đã mất đi không còn chút vết tích.
Chầm chậm giơ tay, xòe bàn tay.
Tiểu đồng hồ hiện ra trước mắt, dưới ánh tịch dương còn sót lại, lấp lánh chiếu sáng, chẳng biết có phải vì đó là đồ vật của Vinh Trí hay không mà như có chút cảm giác yêu tà, Yến Phi xoay thân hồ sang một bên, hai hàng chữ nhỏ như đầu ruồi bỗng nhiên đập vào mắt: "Đan kiếp. Cát Hồng khấp chế2".
Sáu chữ này được người dùng một thứ công cụ như mũi dùi chạm vào thân bình thành chữ, nếu không nhìn tận mắt thật kỹ, sẽ vì thân hồ phản quang mà lướt qua mất.
Yến Phi giật mình, suýt nữa tuột tay đánh rơi tiểu hồ, Cát Hồng hoàn toàn không phải là nhân vật tầm thường, mà là vị Đan đạo đại tông sư ngang dọc lưỡng Tấn, là người trước tác tác phẩm danh trấn thiên hạ "Bão phác tử" được coi là Đan học kinh điển. Nội thiên gồm hai mươi quyển, luận bàn đủ thần tiên phương dược, quỷ quái biến dị, kim đan huỳnh bạch, thuật dưỡng sinh kéo dài tuổi thọ, thuật cầu tà tránh họa, ngoại thiên năm mươi quyển, bàn luận kỹ càng về nhân gian đắc thất, thế sự khen chê, kết hợp cả Nho, Đạo nhị giáo.
Nếu cái bình này có quan hệ với ông ta, vậy thì vật bên trong hẳn là thứ có thể khiến đất trời khủng khiếp, quỷ thần than van. Có lẽ vì Đan kiếp quá ư đáng sợ nên cái con người bí ẩn khiến người khác không rét mà run cũng phải nói "khấp chế"! Còn quá nhiều chuyện nghĩ không thông, bình này vì sao lại rơi vào tay Vinh Trí? Y thụ thương vì sao không lập tức phục dụng? Đến lúc sống không nổi nữa mới lại nghĩ đến việc sử dụng, tuy nhiên cũng có thể không phải muốn phục dụng mà là muốn mang ném xuống sông hay có dụng ý khác.
Mình có nên bật nắp ra coi xem thực ra là cái gì không?
Mục quang chuyển qua khuôn mặt Vinh Trí chết nằm đó, ngấm ngầm thở dài. Yến Phi tuy rất hiếu kỳ, nhưng tóm lại vẫn không thể nhân khi đối phương thi thể chưa nguội mà làm chuyện đó, thêm vào đấy hai chữ 'Đan kiếp' quả là khiến người ta kinh hãi. Nếu đúng là chân bửu bối, người chế ra nó đã sớm nuốt gọn, việc gì phải mang giấu kín trong bình.
Cẩn thận đem tiểu hồ cất kỹ vào người, đang muốn an táng tử tế cho Vinh Trí, bên bờ có tiếng xé gió truyền lại.
Yến Phi lúc này không có ý tranh thắng, bản thân e rằng dù chưa thụ thương, vẫn không phải là đối thủ của Lư Tuần, huống chi hiện giờ đã bị nội thương? Lại còn sợ nếu để tiểu đồng hồ lọt vào tay Lư Tuần, không biết sẽ có hậu quả đáng sợ gì đây? Nghĩ đến đó liền lặng lẽ rời khỏi khoang thuyền, chuồn xuống dòng sông lạnh lẽo.
Do chính Tạ Thạch khởi xướng, chúng nhân gồm cả Lưu Dụ mặc quân phục giáp trụ, Tạ Huyền thì bạch y nho cân, khí độ tiêu sái bất quần, người người nói nói cười cười bàn luận, trào dâng khí thế mong mỏi đến giờ phút được mang quân thắng địch. Lưu Dụ so với bất kỳ ai có mặt lại càng được thụ hưởng nhiều hơn từ Tạ Huyền, người khác chỉ hy vọng vào tài lãnh đạo của ông, vào kỳ mưu diệu kế để giành thắng lợi trong trận đại chiến quyết định sự tồn vong của Nam Tấn, nhưng gã Lưu Dụ thì lại từ bản thân ông học được bí quyết trở nên một vị thống soái. Tạ Huyền ra mặt thuyết giáo, Lưu Dụ hưởng lợi vô cùng. Tạ Huyền để gã tham gia trường thịnh hội này, chính là muốn gã tận mắt chứng kiến cái cách làm sao khiến người người tâm phục khẩu phục, hành sự đúng theo kế hoạch đã định của mình.
Tạ Huyền không một câu nói thừa, lời lời hàm ý sâu sắc, dẫn dụ mọi người, phối hợp với hình tướng phong độ xuất sắc của ông, có ai không vui lòng tuân phục?
Tạ Huyền khẽ mỉm cười, ung dung nói: "Trận này điều kiện quan trọng để chúng ta giành được thắng lợi là có thể tốc chiến tốc thắng hay không. Nếu như Phù Kiên lưu lại giữ hậu phương, chúng ta tuy có ý tốc chiến, cũng đành bất lực. Do vậy ta đã trao mật thư cho Chu Tự, nhờ ông ta xúi giục Phù Kiên nam lai chủ trì trận chiến này, nếu có thể một trận đánh bại Phù Kiên, lập tức phân định được thắng bại".
Ngoài Lưu Dụ ra, chúng nhân đến tận lúc này mới hiểu rõ vì sao Tạ Huyền đối với việc Phù Kiên thân chinh tới chiến trường lần này không lo mà ngược lại còn mừng, còn Tạ Thạch đến bây giờ cũng mới minh bạch nguyên nhân khiến Tạ Huyền nhất quyết dụ dỗ Chu Tự phản lại Phù Kiên.
Phải biết Phù Kiên sau khi thống nhất phương bắc, uy vọng đã cao, chính sách "hỗn nhất tứ hải" còn khiến không ít Hồ nhân trong lòng cảm kích và quy phục, ngày nào y còn chưa nếm mùi thất bại, vẫn có thể uy trấn các tộc Hồ ở phương bắc, đại quân nam chinh của y tuyệt sẽ không vì một hai trận chiến bại mà tan vỡ, tối đa là song phương sẽ rơi vào cục diện khổ chiến giằng co, trong tình huống này, vì binh lực nam bắc hai bên mạnh yếu khác nhau nhiều lần, cuối cùng bên bại trận hẳn là Nam Tấn chứ không phải Đê Tần.
Nhưng nếu có thể một lần đánh bại đại quân do đích thân Phù Kiên chỉ huy, uy danh của Phù Kiên sẽ sụp đổ, các tộc tất nhiên sẽ tứ phân ngũ liệt, Đê Tần đế quốc cũng đi đời. Do vậy mà nói, thủ đoạn này của Tạ Huyền quả thực lợi hại phi thường. Mọi người nhao nhao khen hay, nhờ mưu kế kỳ diệu của Tạ Huyền, khiến sĩ khí rung động, lại càng hiểu rõ hơn tính chất quyết định của thắng lợi đánh tan quân Lương Thành.
Tạ Thạch vuốt râu cười nói: "Nghe nói Phù Kiên chưa khi nào thân ra tiền tuyến chỉ huy một trận quyết chiến đại quy mô, lần này là lần đầu dấn thân vào nơi nguy hiểm, đại khái cũng là lần cuối cùng y dấn thân hiểm địa".
Chúng nhân cười hét vang rền, không khí gò ép trước đó hoàn toàn được gỡ bỏ.
Lưu Dụ thầm nghĩ mưu chước này của Tạ Huyền có thể kêu là một mũi tên trúng hai con chim, nhân vì Phù Kiên tính cách chủ quan, mọi sự cứ ý mình mình làm, ngược lại đệ đệ y Phù Dung lại rất tinh minh lợi hại, lại còn từng trải chiến trận đã nhiều. Hiện tại quyền chỉ huy của Phù Dung đã rơi vào tay Phù Kiên, đối với bên mình thật là trăm lợi không một hại.
Tạ Diễm từ đầu đến giờ mới phát biểu: "Quân tiên phong của địch vượt sông Hoài ước chừng ba mươi vạn người, hiện năm vạn quân Lương Thành thương vong quá nửa, toàn quân
tan rã, không cần nói đến. Ba vạn kỵ binh Tiên Ti của Mộ Dung Thùy đã tiến vào trú quân ở Vân Thành, vì vậy địch quân ở Thọ Dương có chừng hai mươi vạn, thêm vào thân binh của Phù Kiên, nhân số không quá hai mươi lăm vạn, tuy nhiên so với Bắc Phủ binh tám vạn người của ta nhân số cũng gấp ba lần. Phía công thành phải có quân số gấp hai lần bên giữ thành trở lên, cho nên nếu chúng ta giữ chắc Hạp Thạch, dựa vào hình thế hiểm trở của Bát Công Sơn tiêu hao binh lực địch nhân, lấy sức bền mà thắng lực mỏi, có thể một trận thắng địch, đấy mới là kế vạn toàn".
Có tới nửa số người gật đầu đồng ý, trong đó có cả Tạ Thạch, chỉ có Lưu Lao Chi, Hà Khiêm mấy người biết tâm ý Tạ Huyền, không biểu hiện gì.
Kẻ luôn chủ trương cố thủ là Hồ Bân cũng không biểu thị đồng ý, không phải hắn không đồng ý chiến lược của Tạ Diễm, mà là giống như mấy người Lưu Lao Chi hiểu rõ sách lược của Tạ Huyền hoàn toàn bất đồng. Hắn lần này thật khôn ngoan!
Lưu Dụ thầm cười lạnh, gã rất không thuận mắt với những kẻ tự cho là cao nhân nhất đẳng có nguồn gốc cao môn đại tộc, mà Tạ Diễm chính là loại người này. Lời này của y chính là biểu thị y chỉ là hạng mọt sách chỉ biết gặm nhấm binh thư mà không hiểu cái đạo lý trên chiến trường phải theo việc mà tính, tùy cơ ứng biến. Tuy nhiên chưa đến lượt gã nói xen vào, chắc chắn Tạ Huyền sẽ thẳng tay bác bỏ lời y.
Trong khi ánh mắt mọi người đang tập trung cả vào mình, người được kêu là nhân vật siêu trác đệ nhất kiếm thuật và binh pháp đại gia phương nam Tạ Huyền lại im lặng lắc đầu rồi chợt cười nói: "Thế thì Mộ Dung Thùy sẽ hết sức thất vọng mất thôi!".
Chúng nhân nghe vậy lại ngạc nhiên lần nữa, chỉ có Lưu Lao Chi và Hồ Bân gật đầu ra ý minh bạch.
Lưu Dụ lại không dám có biểu hiện gì, đồng thời hơi xấu hổ. Trong lòng gã đã hy vọng Tạ Huyền sẽ cho người em họ một bài học, cũng chỉ vì mong một chút khoái ý, nhưng như thế chỉ khiến cho đoàn kết nội bộ tổn hại vô ích.
Tạ Huyền đột nhiên nói ra câu đó, lập tức lái suy nghĩ của tất thảy mọi người qua một hướng khác, dù đề nghị của Tạ Diễm bị từ chối, Tạ Diễm cũng sẽ không cảm thấy khó chịu.
Đổi lại nếu Lưu Dụ là Tạ Huyền, sẽ nói thẳng là suy nghĩ của Tạ Diễm quá ngây thơ, chỉ nghĩ đến ưu thế bên mình, mà bỏ qua sách lược ứng đối của địch nhân. Đã muốn tốc chiến tốc quyết trận này, đương nhiên không được để đối phương có cơ hội hồi sức, ví dụ như binh lực tập kết mạnh hơn, hay là phái một đội quân khác xuống hạ du vượt sông Hoài hoặc tiến hành những động tác gì đó đại loại như thế.
Tạ Huyền giải thích tóm tắt xong quan hệ vi diệu với Mộ Dung Thùy, điềm đạm nói: "Nếu quân ta án binh bất động, coi như bỏ đi trận chiến này, Mộ Dung Thùy và Diêu Trành là hai đại tướng người ngoại tộc quan trọng nhất dưới tay Phù Kiên, trong tình thế ấy đâu dám công nhiên phản bội Phù Kiên, cũng không thể duy trì sách lược chần chừ án binh bất động, đến khi bọn họ đem quân trợ chiến, chúng ta sẽ mất đi lương cơ, bỏ lỡ mất cơ hội duy nhất để thắng trận này".
Tạ Thạch thay đổi một hơi chân khí, nói: "Binh lực địch nhân gấp ba chúng ta, nếu chính diện đối địch, lại có thể nói may mắn là sao?".
Tạ Huyền mỉm cười nói: "Tam thúc xin đừng quên Lương Thành trận đó làm sao thất bại, thành bại trong chiến tranh là do vận dụng chiến lược, mưu kế, sĩ khí quyết định". Tiếp đó hướng về phía Hồ Bân nói: "Giả binh bố trí hoàn tất chưa?".
Hồ Bân cung kính đáp: "Tất cả như Huyền soái phân phó, đã tiến hành ổn thỏa".
Tạ Huyền song mục như lóe sáng rồi vụt tắt nói: "Ta muốn khiến Phù Kiên phải sinh lòng khiếp sợ thảo mộc giai binh, đêm nay mọi người nghỉ ngơi cho tốt. Ngày mai! Là ngày mai! Ta muốn Phù Kiên nếm thử thất bại đau đớn nhất của y, một trường chiến bại khiến cho y vĩnh viễn không thể ngóc đầu dậy. Đêm nay ta còn phải tiếp đãi một vị quý khách từ Thọ Dương tới".
Chúng nhân lại ngơ ngác một lúc, kể cả Lưu Dụ, người nào người nấy đều không hiểu gì.
Tạ Thạch ngạc nhiên nhìn điệt nhi.
Tạ Huyền chợt đứng phắt dậy, cứ như lẽ đương nhiên nói: "Nếu không phải là Chu Tự thì còn là ai?".
Lưu Dụ vỗ bàn kêu tuyệt, thời gian từ khi bắt đầu đến lúc kết thúc, Tạ Huyền hoàn toàn khống chế hội nghị, gã cảm giác đến hồi kết thúc hội nghị này, gã giống như được Tạ Huyền trao cho bí quyết thành công, chưa có khi nào gã nắm chắc bí quyết trở thành thống soái như thời khắc này.
Vầng thái dương chìm xuống Bát Công Sơn, trời dần dần tối, thay vào đó là ánh đèn lửa mờ mờ của Hạp Thạch thành, đối nghịch với ánh lửa đèn sáng rực từ phía bên thành Thọ Dương có các doanh trại, bờ sông đối diện Phì Thủy giống như ở một thế giới khác.
Phù Kiên sắc mặt âm trầm đứng trên đầu thành Thọ Dương, từ xa quan sát tình thế bờ bên kia sông. Bồi tiếp y là thân đệ Phù Dung, Khất Phục Quốc Nhân, Mộ Dung Vĩnh, Lữ Quang, Thư Cừ Mông Tốn, Ngốc Phát Ô Cô, Chu Tự cùng một đám tướng lĩnh.
Bát Công Sơn khắp nơi khắp chốn nhân ảnh trùng trùng, hình thế cực thịnh, khí thế nghiêm trang sẵn sàng.
Phù Kiên trầm giọng nói: "Phải chăng chúng ta đã đánh giá sai binh lực địch nhân?".
Phù Dung đáp: "Như vậy chỉ biểu thị Tạ Huyền trong lòng hoảng hốt, sợ chúng ta vượt sông tập kích ban đêm. Theo tình báo của ta, Bắc Phủ binh có thể huy động binh lực tới đây chỉ có tám vạn, mà lấy bộ binh làm chủ, kỵ binh chắc chắn không quá một vạn, nếu tác chiến đồng bằng, vài lần đụng độ chúng ta khẳng định có thể đánh tan bọn chúng".
Phù Kiên nét mặt bớt trầm trọng, mục quang hướng về dòng Phì Thủy bên dưới từ phía bắc chảy về uốn lượn quanh co phía trước mặt.
Lữ Quang thừa cơ nói: "Vi thần mới thám sát đáy sông, nơi sâu nhất đến bụng ngựa, không thuận lợi để vượt sông, nên phải đợi thiết lập cầu phao xong mới có thể đại cử tiến công". Text được lấy tại truyenyy[.c]om
Khất Phục Quốc Nhân gật đầu đồng ý: "Dòng sông này phân chia đông tây, đối với địch nhân cũng bất lợi như thế, chúng ta chỉ nên cách sông cố thủ, chờ đại quân tập kết mới lại phân nhiều đường tiến công, tất có thể lấy được Hạp Thạch thành".
Thư Cừ Mông Tốn cười gằn: "Coi ra Tạ Huyền tiểu tử không dám chủ động khiêu khích đâu".
Phù Dung nói: "Bên ta tuy mất quân của Lương Thành, nhưng với chúng ta tổn thất thực lực không lớn, hiện tại đại quân của địch bị chúng ta lôi kéo về đây, tình thế ngược lại thành ra có lợi cho ta. Giả thiết chúng ta lấy ba vạn tinh kỵ của Mộ Dung thượng tướng thay thế Lương Thành, lại theo hạ du vượt sông, Vân Thành thì giao cho Diêu thượng tướng giữ, ngày nào hoàn thành việc điều động thì cũng là lúc Tạ Huyền táng mạng".
Phù Kiên gật đầu: "Nhất thiết cứ như thế mà làm".
Chu Tự nói: "Chúng ta có thể ngay trong đêm bố trí chướng ngại bằng gỗ ngăn sông ở đoạn Dĩnh Khẩu hạ du Hoài Thủy, ngăn không cho thủy quân Nam Tấn phong tỏa đường sông hay tập kích lương thuyền để bảo đảm vận chuyển lương thực đồ dùng từ Biên Hoang Tập đến Thọ Dương không bị gián đoạn. Đồng thời tu bổ Thọ Dương thành, khơi sâu mương nước hộ thành, như thế chúng ta càng có khả năng đứng vững tại căn cứ an toàn".
Mọi người kể cả Phù Kiên ai cũng gật đầu khen hay.
Chu Tự cười thầm, đó chính là Tạ Huyền mật thư cho hắn dùng kế làm hao sức địch, nói ra lại khiến Phù Kiên càng thêm tin tưởng mình vì y mà ra sức. Hắn lại nói: "Hạ thần còn có một đề nghị, nếu chúa thượng ưng chuẩn, hạ thần có thể qua sông du thuyết Tạ Huyền, như vậy hoặc giả không phí một binh một tốt chiếm được Hạp Thạch thành, Tư Mã Diệu cũng lập tức tiêu đời".
Phù Kiên ngạc nhiên: "Chu khanh tin là có thể thuyết phục Tạ Huyền sao?".
Chu Tự nói: "Vi thần rất minh bạch tâm ý các đại tộc vùng Giang Tả, đối tượng tận trung của họ là gia tộc chứ không phải Tư Mã hoàng thất. Tạ An và Tạ Huyền càng hiểu rõ xu thế điểu tận cung tàng, chỉ cần chúa thượng hứa cho bọn họ quan cao tước hậu, gia tộc vẫn phong quang như xưa, lại biết rõ lấy mấy vạn Bắc Phủ binh bé nhỏ chống lại đại quân ta, không khác chi trứng chọi đá, vi thần không chừng có thể tranh thủ được hắn, dù hắn cự tuyệt, cũng chẳng ngại ngần gì mà không thử một phen".
Phù Dung nhíu mày: "Nếu hắn chẳng những cự tuyệt, mà còn bắt giữ ngươi, chúng ta chẳng phải là được chẳng bằng mất sao?".
Do bộ binh chủ yếu là Hán nhân, đều do Chu Tự chỉ huy, mà hắn cũng là viên tướng bộ chiến giỏi nhất của Phù Kiên, tướng sĩ bộ binh lại không thiếu thủ hạ khi trước của Chu Tự, theo hắn cùng quy hàng. Do vậy nếu mất đi Chu Tự, đối với Phù Kiên là một tổn thất nặng nề trên phương diện này.
Chu Tự đáp: "Về mặt này có thể yên tâm, nếu Tạ Huyền dám làm như thế, danh dự cao môn danh sĩ của hắn sẽ bị đả kích nghiêm trọng. Chiến tranh có quy củ của chiến tranh, chúng ta tiên lễ hậu binh, Tạ Huyền sẽ không thể không nhận tình này".
Phù Kiên hạ quyết định: "Vậy cứ thế mà làm đi! Tạ Huyền phải biết trẫm luôn luôn coi trọng danh dự của hàng tướng".
Chu Tự trong lòng hết sức phấn chấn, vâng dạ liên hồi.
---------
1.Bình nhỏ bằng đồng, không phải để xem giờ.
2.Khóc mà chế thành.
/586
|