Nguyên tác: Huỳnh Dị
Hoài Nguyệt Chi Hội
Hoài Nguyệt lâu nằm ở bờ Nam sông Tần Hoài, cùng một thanh lâu khác là Tần Hoài lâu tề danh đối nhau hai bờ. Lầu cao năm tầng, vượt hẳn các tòa lâu gần đó. Lầu chủ yếu được xây từ gỗ cây long não, vật liệu đơn giản nhưng tinh tế, góc mái uốn cong, khí thế hùng vĩ. Đỉnh lâu hình như hồ điệp, phối hợp tiếp nhau lên cao, tư thế hiên ngang khoáng đạt như hồ điệp vỗ cánh bên bờ sông. Toàn bộ lâu do cột đá chống đỡ trên không, tựa như ngừng lại trên mặt nước, trong tĩnh có động.
Khắp bên ngoài lâu trồng toàn cây quế hình thành bố cục tường cao viện sâu. Bên trong lâu các vật dụng đều được làm bằng hồng mộc*, khiến người ta khi vừa mới bước vào đại sảnh đón khách dưới lầu lập tức có cảm giác mộc hương nồng nàn trong mũi. Bất luận xà nhà, cột trụ, cửa sổ, cửa chính hay cầu thang đều được chạm khắc để trang trí mỹ thuật, ý tưởng bay bổng, trong cái đơn giản có cái hoa lệ, khiến người ta chỉ biết tấm tắc khen ngợi.
Lưu Dụ hóa trang làm tùy tùng, hòa mình trong đám "gia tướng" của Vương Hoằng. Gã sau khi xuống thuyền thì theo Vương Hoằng tiến vào Hoài Nguyệt lâu. Mọi việc tự có Vương Hoằng vốn rất thông thuộc nơi này ứng phó.
Nói chuyện cùng Vương Hoằng trên đường đi khiến Lưu Dụ càng hiểu rõ sâu sắc tâm thái của cao môn danh sĩ Kiến Khang, mở rộng tầm mắt và càng minh bạch rõ ràng vị trí của bản thân mình.
Bởi sự nghi kị của triều đình, tình huống thiên hạ chia năm xẻ bảy, Hồ nhân uy hiếp, chính cục bất an khiến kẻ sĩ bất mãn với hiện thực, nhưng lại sợ ra mặt thì chuốc họa vào thân. Cho nên họ lấy tháng ngày vui chơi khoái hoạt để thoát khỏi hiện thực phiền não. Họ đối với hiện thực không có dũng khí cải cách, chỉ hy vọng có thể tìm được phút giây giải thoát và khuây khỏa từ những buổi thanh đàm. Họ muốn trốn tránh hiện thực, đi tìm kiếm chốn đào nguyên trong thế giới tinh thần, cuộc sống thần tiên mà họ khao khát. Nam Tấn nếu không phải trước có Vương Đạo, sau có Tạ An, lại có Tạ Huyền vô địch thống soái thế gian hãn hữu, thì thực không biết sẽ biến thành như thế nào. Hiện tại Tạ An và Tạ Huyền trước sau ra đi, lòng người tan tác không chỗ dựa, tình trạng hỗn loạn đã xuất hiện. Cho nên Nam Tấn từ trên xuống dưới đều trông ngóng một vị anh hùng cứu quốc khác xuất hiện. Người anh hùng đó sẽ là Lưu Dụ gã chăng?
Đối với cao môn Kiến Khang mà nói, người bọn họ cần không phải là người cải cách thay thiên lập đia, phản loạn đảo chính, mà là người bảo hộ để bọn họ có thể tiếp tục duy trì phương thức sinh hoạt hiện nay. Đó mới là ý nghĩa bên trong của cuộc gặp tối nay.
Nói đến Tổ Địch, người mà gã sùng bái thật sự là hiện tượng lạ của thời kì đó. Ông biết rõ việc nói suông chỉ làm hại nước, muốn dùng ý chí ngoan cường, tinh thần bền bỉ sớm khuya, để xuất sư Bắc phạt, quy phục Trung thổ. Nhưng cuối cùng vì không thể trên dưới một lòng, đã thất bại khi gần đạt tới thành công.
Cách sống "Bất luận thế sự, duy vịnh huyền hư"*** sẽ có một ngày khiến giang sơn của người Hán huỷ diệt sao? Lưu Dụ gã có thể bằng vào thân phận dân thường áo vải, trong tình huống hễ cao môn đại tộc sẽ đương nhiên thành kẻ thống trị, cứu vãn lại thế cục đã mất hay không?
Vương Hoằng dừng bước, quay đầu ra sau mỉm cười nói với Lưu Dụ: "Tới rồi!"
Thì ra đã đến bên ngoài sương phòng đã đặt trước ở tầng lầu thứ năm. Đám cao thủ tùy tùng người người đều lộ ra thần sắc như trút được gánh nặng, đương nhiên là vì không có thích khách tập kích khi leo lên lầu.
Lưu Dụ trong lòng chợt bừng lên ý niệm cổ quái. Bất luận trên đường đến đây hay li khai, người người đều đề cao giới bị, chỉ có lúc ở trong sương phòng phong hoa tuyết nguyệt, uống rượu vui vẻ mới bớt cảnh giác. Như vậy không phải cơ hội thích hợp nhất để ám sát phải là trong sương phòng chứ không phải bên ngoài hay sao?
Thế nhưng trong vòng bảo vệ của các cao thủ, ai có khả năng tiến hành ám sát lúc bọn họ đang say sưa trong sương phòng? Cái đó căn bản là không thể.
Sự thật là sau khi bữa tiệc tối nay bắt đầu, cả tòa Hoài Nguyệt lâu đều đặt dưới sự giám thị nghiêm mật của phe ta, bất cứ động tĩnh gì cũng không thể qua được tai mắt của bọn họ.
Bản thân Lưu Dụ sau khi được Tạ Huyền nhìn trúng, liên tục vào sinh ra tử, đã nuôi dưỡng được tính cảnh giác cao độ. Tuy gã vẫn chưa đoán ra thủ đoạn của Can Quy, nhưng đã ngầm để ý cẩn thận. Đối với những nơi nhìn có vẻ như an toàn lại càng làm cho gã có cảm giác đặc biệt nguy hiểm.
Cửa mở.
Vương Hoằng dẫn đầu đi vào sương phòng.
Khoái thuyền xuôi dòng chạy nhanh.
Dưới tài điều khiển thuyền của Đồ Phụng Tam, kẻ tinh thông các ngón nghề giang hồ, không đợi Tống Bi Phong phải chỉ thị, đã biết phải nên chọn tuyến đường nào, làm sao để không gây chú ý cho địch nhân.
Tống Bi Phong và Khoái Ân đóng vai tao nhân mặc khách+, giả vờ làm như đang uống rượu du sông. Đây là một cảnh quá quen thuộc trên sông Tần Hoài. Lúc này còn có hơn mười chiếc thuyền cũng đang du sông như bọn họ.
Tối nay đêm thu trăng thanh gió mát, ánh trăng trên không rót ngân quang xuống nước, sông nước từ ngàn xưa vẫn vậy, mênh mang kiên trì chảy về với biển.
Tống Bi Phong như đang tự nói với mình: "Thật không hợp lý!"
Khoái Ân đang đưa mắt dò xét Hoài Nguyệt lâu ở bờ đối diện, nghe vậy liền hỏi: "Sao địch nhân còn chưa triển khai hành động vậy?"
Tống Bi Phong hỏi ngược lại: "Nếu ngươi là Can Quy, ngươi có biết lúc nào thì Lưu gia đi khỏi không?"
Khoái Ân thật thà lắc đầu đáp: "Không biết! Nhưng ta sẽ phỏng đoán là Lưu gia thế nào cũng lưu lại trong lầu đó nửa canh giờ hoặc lâu hơn."
Tống Bi Phong nói: "Đã như vậy, địch nhân nên sau khi Lưu gia đến Hoài Nguyệt lâu, lập tức triển khai hành đông, tiến nhập vị trí công kích theo kế hoạch đã vạch sẵn. Bất luận Lưu gia khi nào rời khỏi đều có thể tiến hành ám sát. Nhưng bây giờ xung quanh sông Tần Hoài hoàn toàn không có bóng dáng địch nhân, điều này bất hợp lí. Giải thích duy nhất là chúng ta đoán sai phương thức ám sát địch nhân."
Khoái Ân suy tư: "Có thể nào địch nhân căn bản không biết ước hội đêm nay?"
Tống Bi Phong nói: "Ngươi tin vào trực giác trong chuyện này sao? Không cần bất cứ đạo lí gì, tóm lại ngươi hiểu được sự tình sẽ theo cảm ứng của người mà phát triển."
Lúc này tiểu thuyền đi qua một chiếc thuyền lớn đậu cách bờ phía nam hơn mười trượng, nơi ánh đèn từ các lâu thuyền thắp sáng như ban ngày. Trên thuyền đèn lửa soi rõ bóng người và vật. Tiếng ca vũ nhạc tràn ngập không gian vọng lại bên tai, so với tâm tình lúc này của bọn họ, cảm giác càng cổ quái đặc dị.
Mục quang sắc bén của Khoái Ân liếc qua lâu thuyền, nói: "Một cách giải thích khác là có thể địch nhân không hề chuẩn bị tiến hành ám sát trên sông."
Tống Bi Phong nói: "Cái này cũng không hợp lý. Địch nhân chắc chắn có phái thám tử giám thị Vương Hoằng. Nhìn thấy hắn theo thủy lộ đến Hoài Nguyệt lâu, Lưu gia lại đóng giả thành người hầu, chúng tự nhiên có thể dự đoán Lưu gia sẽ theo thủy lộ li khai, dù không muốn phát động công kích trên sông cũng không được."
Khoái Ân chấn động nói: "Vậy nhìn theo tình hình hiện giờ, địch nhân nên chọn tiến hành ám sát ở trong lâu."
Tống Bi Phong nhíu mày: "Nhưng cái đó không còn là ám sát nữa mà là liều mạng xông vào. Những người tham dự tụ họp tối này, toàn là danh sĩ có tiếng, cao môn hiển hách, mỗi người đều có cao thủ gia tướng tùy tùng. Cho dù với thực lực của Can Quy, cũng không có cách đắc thủ dưới tình cảnh như vậy. Kẻ khôn ngoan sẽ không làm như thế."
Khoái Ân nghĩ nát óc nói: "Địch nhân nhất định có cách chui vào Đông sương."
Tống Bi Phong than: "Nếu chúng ta nghĩ không thông điểm này, đêm nay sẽ tốn công vô ích."
Khoái Ân lấy làm lạ thắc mắc:" Tống gia tựa hồ như không quan tâm lắm tới an nguy của Lưu gia."
Tống Bi Phong nói như đó là chuyện đương nhiên: "Sự thật là bọn ta chưa bao giờ lo lắng Lưu gia sẽ bị người giết. Đối với Đồ gia mà nói, Lưu gia chính là chân mệnh thiên tử, làm sao có thể vô dụng đến mức tráng chí chưa thành đã chết được? Đối với ta mà nói, nếu trước đây Lưu gia là người kém may mắn, An công sẽ không gật đầu để cho gã làm người kế thừa Huyền soái."
Khoái Ân nghe xong liền ngây người ra.
Tiểu thuyền ly khai khỏi phạm vi ánh sáng của lâu thuyền tráng lệ, tiến vào đêm trăng.
Tống Bi Phong mỉm cười hỏi: "Ngươi không tin gã là chân mệnh thiên tử sao?"
Khoái Ân cúi đầu đáp: "Tiểu Ân làm sao dám?"
Tống Bi Phong nói: "Tin hay không cũng không quan trọng, ít nhất Lưu gia và ngươi cũng có cách nhìn giống nhau. Bản thân gã cũng không tin tưởng rằng mình là cái gì mà chân mệnh thiên tử. Cho nên gã nhất định sẽ đề cao cảnh giác, cũng vì vậy mà đêm nay gã tuyệt không thể chết."
Khoái Ân lại ngẩng đầu nhìn Tống Bi Phong, hai mắt ánh lên tia nhìn chua xót nhưng kiên định, trầm giọng: "Khoái Ân ta tối nay ở đây quyết tâm sẽ giống như Hầu gia trung thành đi theo Lưu gia, vì người sẳn sàng hy sinh tính mạng."
Tống Bi Phong ngước nhìn trăng sáng trên trời, chậm rãi nói: "Tốt! Nam nhân vốn nên có đại chí. Ta có thể khẳng định với ngươi, trong tương lai ngươi sẽ không hối hận."
Khoái Ân ánh mắt hướng về bốn khung cửa sổ đặc biệt lớn bên sông của Đông sương trên tầng thứ năm của Hoài Nguyệt lâu, đột nhiên mắt phát ra ánh sáng kì lạ, kinh hoàng nói: "Ta đã nghĩ ra!"
Tống Bi Phong ngây ngốc hỏi: "Ngươi đã nghĩ ra điều gì?"
Khoái Ân đáp: "Ta đã nghĩ ra thủ đoạn thích sát của địch nhân."
Tầng cao nhất của Hoài Nguyệt lâu chỉ có Đông Tây hai đại sương phòng, cũng là hai sương phòng tôn quí nhất Hoài Nguyệt lâu. Người bình thường đừng nghĩ có thể tiến vào đây nửa bước, chỉ có những bậc quyền quý hiển hách có địa vị tột cùng mới có thể vào đây. Trong đó thì Đông sương phong cảnh đẹp nhất, cho dù quý khách có đủ tư cách, vẫn cần phải đặt trước.
Bọn Lưu Dụ đi vào phạm vi Đông sương, còn phải đi qua một khách sảnh hình chữ nhật. Hơn mười gia tướng theo hầu chủ nhân cũng đến nơi này đợi lệnh, đồng thời có bốn tiểu tỳ xinh đẹp phía trước nghênh tiếp phục vụ khách nhân.
Vương Hoằng sau khi cắt cử chúng gia tướng canh gác các cửa chính và cửa sổ, liền cùng Lưu Dụ tiến vào Đông sương, quý tân phòng trên tầng năm của Hoài Nguyệt lâu nổi danh ở Kiến Khang. Với quang cảnh ở đây, trầm tĩnh lão luyện như Lưu Dụ cũng phải ngẩn người ra mà nhìn. Mọi thứ vượt xa dự liệu của gã, vì gã không hề nghĩ đến sẽ gặp phải tình huống trước mắt.
Đông sương đại khái là một phòng hình vuông rộng mười lăm bộ, rộng rãi thoáng mát, toàn bộ được trải thảm ngồi, hai bên tường tả hữu đều có câu đối. Bức tường bên trái đề "Nhất trì bích thủy, kỉ diệp hà hoa, tam đại tiền hiền tùng bách hàn". Bức tường bên phải viết "Mãn viện xuân quang, doanh đình hạo nguyệt, sổ triêu khiển vận chi lan hinh". Mặt hướng ra sông có bốn khung cửa lớn kéo đến sát đất, đứng ở chỗ cửa ra vào cũng có thể nhìn thấy hết mỹ cảnh tráng lệ, đèn đuốc huy hoàng của Kiến Khang cung. Cái lạnh mùa thu len lỏi lùa vào qua cửa sổ.
Trong phòng không thấy cột trụ, đỉnh phòng theo kiểu vòm cuốn, chắc chắn, mạnh mẽ, đơn giản và thoáng đãng. Trong phòng bày biện đơn giản, ngoại trừ những vật nhu yếu như bàn trà, thu hút sự chú ý nhất là bảy giá hoa, trên đặt các loại cây cảnh, giống như đem thiên nhiên vào trong phòng.
Nhưng nằm ngoài ý liệu của Lưu Dụ không phải vật mà là người.
Năm người ước hội lần này toàn bộ đã đến đủ. Trong đó, làm gã liếc mắt nhìn trước tiên là một người đang nằm ở một góc, trên ngực có thả một bình rượu, không biết là hắn đã say hay là đang ngủ thiếp đi một lúc.
Một người khác quay lưng lại ngồi bên cửa sổ, tay đang vuốt ve một dây đàn trên thất huyền cầm, nhưng không hề phát ra bất cứ nhạc âm nào. Tuy nhiên nhìn tư thế thân mình đung đưa tựa như chuyển động theo điệu nhạc, điệu bộ như đang lạc bước trong một khúc nhạc, có thể biết đây là dạng người đang mê say quên mình.
Một người nữa thì ngồi tựa vào tường phía bắc, cổ áo phanh rộng, để lộ ngực trần, mắt nhắm, miệng lẩm bẩm nói một mình, thần thái mê muội. Nếu không biết hắn là một đương kim danh sĩ, sẽ nghĩ hắn là thằng điên đến đây.
Người duy nhất Lưu Dụ có thể hiểu rõ đang làm cái gì là một người đang dùng lò than nhỏ đun rượu ở một góc. Bất quá người này không những trên mặt thoa phấn, mà còn có chút ái nam ái nữ, khóe miệng ngậm một ống điếu dài. Hắn đối với việc Lưu Dụ đi đến, nhìn mà như không thấy, nghe mà như không thông.
Người bình thường nhất lại đang ngồi chính diện hướng Lưu Dụ và Vương Hoằng đi tới. Bất quá y phục của hắn đích thực chỉ có một không hai, đầu đội khăn trắng, mình mặc áo lông cừu, bên mình để đôi guốc gỗ, tay cầm phất trần. Thấy hai người tiến đến, hắn vẫy phất trần khẽ một tiếng, ra hiệu "im lặng", hạ giọng nói nhỏ: "Chờ ta nghe xong khúc này rồi nói chuyện."
Lưu Dụ chưa bao giờ gặp qua tình cảnh như trước mắt, nhất thời cũng không biết nên tức giận hay buồn cười. Gã càng cảm thấy bản thân không hòa nhập với bọn họ được, không những vô pháp hiểu được bọn họ, mà còn sinh ra ý muốn quay đầu bỏ đi.
Vương Hoằng kéo nhẹ tay áo gã, cùng gã ngồi xuống. Sương môn ở đằng sau đã đóng lại.
Người cầm phất trần nhắm mắt, thân thể nhẹ nhàng đung đưa, toàn bộ tinh thần tập trung nghe cầm tấu vô âm đó.
Vương Hoằng ghé sát tai Lưu Dụ nói nhỏ: "Đây là tiết mục thần giao của danh sĩ ở buổi tụ hội, có nguồn gốc từ "Đại Âm Hi Thanh" của Lão Tử, ý tứ là âm nhạc làm động lòng người nhất là thanh âm không nghe thấy, mà Trang Tử cũng chỉ ra rằng, nhất thiết không dùng tai nghe mà dùng tâm để nghe. Mọi người đều cho rằng chỉ có loại âm vô thanh mới có thể không chịu bất cứ sự ràng buộc nào của nhạc khí và kỹ xảo, vứt bỏ mọi hình thức bên ngoài, chỉ dùng tâm ý, giải thoát khỏi trùng điệp chế ước, đạt được sự tự do lớn nhất."
Nhìn thấy Lưu Dụ lộ ra thần sắc như không cho là vậy, hắn vội nói thêm: "Lưu huynh uống rượu phục dược xong sẽ hiểu phần nào lời ta nói."
Lưu Dụ đương nhiên không thể li khai. Không chỉ bởi vì buổi tụ hội đêm nay tịnh không bình thường, mà có thể là cơ hội duy nhất để giết Can Quy. Lúc này gã ngồi quay mặt về cửa sổ, từ từ cởi Hậu bối đao xuống, đặt bên trái ghế ngồi. Chỉ cần tay trái cầm vỏ đao, tay phải gã có thể cấp tốc bạt đao, ứng phó bất kỳ cuộc tập kích nào.
Trước mặt gã và Vương Hoằng đều có một chiếc bàn vuông, phía trên bày một bộ đồ ăn, mặt bàn bốn thước vuông vức, tương đối rộng.
Gã tự vấn không có bản lĩnh "Tâm trung hữu nhĩ", không nghe được "Đại âm" của "Hi thanh" mà người đó đàn. Bất quá ở trên lầu cao cảnh đẹp mê người, vẫn có thể hưởng thụ nhã thú trăng thanh gió mát mùa thu.
Trăm nghe không bằng một thấy.
Hắn hiện giờ đã hiểu rõ ràng cái gọi là "thanh đàm ngộ quốc"++.
Thanh đàm tịnh không chỉ là một trường thảo luận biện chứng, nói lý cãi lẽ đơn giản như vậy, mà là một loại thái độ xử thế và phương thức sinh hoạt, còn là một loại hình xa hoa lãng phí, thói quen phóng túng làm càn đến cực điểm. Những việc đi ngược lại với sự ràng buộc lễ giáo bị bẻ cong thành việc chính đáng. Cách sống phóng đãng không kiềm chế, hủ bại thấu đỉnh, tiết tháo trụy lạc đã khiến cho chính quyền Đại Tấn rơi vào khốn cảnh bước đường cùng, chỉ còn tạm kéo chút hơi tàn.
Bọn người trước mặt đúng là điển hình của loại phóng đãng trác táng, mải chơi không cầu tiến. Trong lòng bọn họ xét cho cùng là sung sướng hay đau khổ đây?
Lưu Dụ khó có thể tưởng tưởng nổi một trong số bọn họ lại có mối quan hệ với người của Can Quy.
Trước đây không biết họ, gã có thể theo lẽ thường mà phán đoán, nhận định. Nhưng vì đã quá rõ ràng bọn họ là loại người nào, nên gã đối với suy đoán của chính mình cũng mất đi lòng tin. Bởi vì căn bản không thể đối đãi như người thường với năm người trước mắt.
Có một số thứ không thể giả vờ được, thế gia danh sĩ là một trong số đó. Lúc khởi đầu, cái gọi là thanh đàm, có thể chỉ là những buổi tụ tập của danh sĩ để tìm thế giới khác bên ngoài sách vở, giả dại lánh trần. Nhưng khi các loại trào lưu thịnh hành phổ biến liên tục được truyền lại, sẽ xác lập thành một loại hình thức tư tưởng hành vi, được kế thừa tiếp tục, biến thành một loại phong tục và truyền thống không thể phá, mà năm người trước mắt chính là thể hiện của thói quen đó. Bọn họ căn bản thiếu đi cái dũng khí "nhân thế", làm sao có thể vì Hoàn Huyền mà bán mạng, nhúng tay vào việc ngu xuẩn rất dễ rước lấy họa sát thân ấy.
Chẳng lẽ đêm nay chỉ là một sự nhầm lẫn, một trò cười huyên náo thôi sao?
Bỗng nhiên tiếng reo hò tán thưởng ngông cuồng vang lên khắp Đông sương, hóa ra "Cầm tấu" vừa mới chấm dứt.
Người tấu cầm trong tiếng hoan hô, mãn nguyện đứng lên, ngâm nga: "Đắc tượng tại vong ngôn, đắc ý tại vong tượng."+++
Vương Hoằng ho khan một tiếng, lôi kéo sự chú ý của mọi người về phía hắn. Sau khi thấy người nhắm mắt đã mở mắt, người nằm đã ngồi dậy, hắn mới nói: "Nào chúng ta hãy hoan nghênh Lưu Dụ Lưu đại nhân."
Mọi người lại reo hò một trận.
Công tử mặc hoa phục, đầu đội khăn xếp màu trắng ấy, cầm cây phất trần phất nhẹ một tiếng "soạt" rồi mới nói: "Vãn sinh Chư Cát Trường Dân, thỉnh Lưu đại nhân thứ cho tội đến sớm, chỉ vì sương phòng tầng năm phía đông này cũng giống như Vũ Bình đài của Kỷ Thiên Thiên, là thánh địa của Tần Hoài hà, có ngàn vàng cũng khó cầu, cho nên không dám lãng phí, từ giờ Thân đã tụ tập về nơi này để tìm hoan hưởng lạc."
Lưu Dụ nghe thấy trong lòng rung động, đang muốn hỏi vì sao gian sương phòng này khó cầu đến thế, lại chỉ có thể thu xếp trong vài ngày ngắn ngủi. Lúc đó vị công tử khuôn mặt thoa phấn mang lại cho người ta cảm giác đàng điếm ấy cầm bình rượu đứng lên đi đến quỳ trước mặt Lưu Dụ, vừa châm rượu cho Lưu Dụ, vừa cười nói: "Tại hạ là Si Tăng Thi, Lưu đại nhân lần đầu tham gia cuộc gặp gỡ của Kiến Khang lục hữu chúng tôi, có thể là không quen với hình dáng lãng tử phóng túng, hành động cuồng loạn rất thật của chúng tôi. Bất quá khi Lưu đại nhân hiểu rõ được rằng chỉ có vượt qua những ràng buộc câu thúc của lễ giáo và thế tục, mới có thể bộc lộ ra bản chất của mình. Lúc đó Lưu đại nhân sẽ có thể hiểu được chúng tôi."
Đến tận thời khắc này, Lưu Dụ vẫn chưa biết nói chuyện gì cho phải, duy nhất chỉ biết là không thể hòa nhập với bọn họ dù chỉ một điểm, hoàn toàn không một chút tâm đầu ý hợp. Lại có một điểm hồ đồ là bọn họ muốn gặp gã là bởi lý do gì, chả lẽ là muốn biến gã thành người thứ bảy thêm vào "lục hữu" của bọn họ."
Si Tăng Thi sau khi châm tửu xong cho Lưu Dụ, đoạn rót tiếp rượu vào chén của Vương Hoằng. Tuy miệng vẫn ngậm một tẩu thuốc dài nhưng vẫn nghe được hắn nói chuyện một cách rõ ràng, có thể thấy là đã được đào luyện tinh tường.
Người vốn lúc trước nằm ở một góc, sau một hồi ngồi yên lặng chợt đứng lên, bình rượu tiện tay đặt ở một bên. Thì ra người này dáng vẻ to khỏe khôi ngô, thần khí phong thái nhiếp người. Nếu không phải Lưu Dụ vừa tự mắt nhìn thấy tư thái phóng đãng của hắn, e rằng không thể tưởng tượng nổi con người trẻ tuổi triển vọng như thế lại lấy cuộc sống đồi trụy này đầu độc bản thân.
Vương Hoằng giới thiệu: "Vị này trước đệ đã từng đề cập với Lưu huynh. Đó là Chu Linh Thạch Chu huynh, văn võ song toàn, ở Kiến Khang e rằng khó kiếm nổi mấy người có bản sự như huynh ấy." Bạn đang đọc chuyện tại Truyện.YY
Người gảy đàn vô thanh phá lên cười: "Vương huynh nói vậy là không đúng rồi! Nhất bên trọng nhất bên khinh, chỉ đề cao Chu huynh, không lẽ những người khác không đáng nhắc tới chăng?"
Vương Hoằng cười nói: "Lưu huynh không cần trách hắn thẳng tính, Mao Tu Chi vẫn luôn như thế."
Lưu Dụ cuối cùng cũng tìm được cơ hội mở lời. Gã hướng về phía gã thanh niên vẫn ngồi dựa vách tường, ngực áo phanh ra, nói: "Vị này chắc hẳn là Đàn Đạo Tể huynh, thế mới biết Vương huynh tuyệt chẳng phải chỉ đề cao một người."
Chư Cát Trường Dân lại phẩy phất trần một cái, đoạn cười nói: "Lưu Dụ quả nhiên là Lưu Dụ. Một câu là có thể giải thoát Vương huynh khỏi tai ương bị mọi người đồng thời công kích. Tốt lắm! Hội Hoài Nguyệt lâu Đông ngũ tầng có thể bắt đầu được rồi."
Chú thích
* Hồng mộc: gỗ cây dái ngựa.
** Phù điêu, viên điêu, lũ không điêu, âm dương điêu: Điêu khắc nổi, điêu khắc chìm, điêu khắc rỗng, điêu khắc âm dương.
*** Bất luận thế sự, duy vịnh huyền hư: Không màng thế sự, chỉ ngâm thơ gảy đàn.
+ Tao: Nhã nhặn, có tài thi văn. Nhân: người. Mặc: mực. Khách: người.
Tao nhân là người có tài về thơ văn, đó là các thi sĩ. Mặc khách là khách cầm bút, đó là các văn sĩ. "Tao nhân mặc khách" là chỉ chung những thi sĩ và văn sĩ.
++ Thanh đàm ngộ quốc: thanh đàm hại nước.
+++ Ý nói được hình thì mất lời mà được ý thì mất hình.
/586
|