Trúc Phượng đã đi sớm hơn dự định. Hai giờ mười lăm phút Phượng đã có mặt ở trạm xe buýt. Mà Bội Quân thì hẹn là ba giờ mới ra đón, nên đương nhiên là họ không gặp nhau. Từ con đường cái muốn đi vào Vườn Lê phải men theo một con đường trải đá nhỏ hơn. Đây là con đường độc đạo đưa vào nhà họ Lê nên đương nhiên chỉ có người của Vườn Lê là đi vào, ngoài ra chẳng ai khác. Bấy giờ là cuối thu. Bầu trời bàng bạc mây trắng. Thời tiết lành lạnh. Trúc Phượng khá rộng rãi thời gian nên chậm rãi bước, nhiều người không ưa mùa thu, họ sợ cái thê lương có lá rụng. Còn Phượng thì không có cảm giác đó. Hai bên đường, cỏ vẫn xanh non. Hoa dại đua nở... Mọi thứ giống Phượng, không có cái lặng lẽ sầu đời của thu. Gió không biết từ đâu thổi đến, tốc nhẹ mép váy, Phượng tuy không có lắm áo quần, nhưng chiếc áo nào cũng khá thích hợp với dáng người, làm toát ra cái vẻ thanh xuân đầy sức sống. Hôm nay Phượng mặc chiếc váy màu tro, áo pull trắng, giày đen, trông thật khỏe mạnh. Còn sớm chán, Phượng nghĩ... Vả lại Phượng chỉ nhận lời với Quân là chỉ đến để chiêm ngưỡng cảnh quýt chín rộn phía sau nhà thôi mà. Có gì phải hấp tấp chứ? Đã tới trước cửa "Vườn Lê". Phượng dừng lại, lần đầu tiên Phượng có cơ hội ngắm cảnh. Dưới trời thu bàng bạc, Vườn Lê có cái bề ngoài của một người già đã qua mấy độ phong sương. Phượng lắc đầu. Mặc dù biết là... bên trong kia, mọi thứ đều tốt lành, tiện nghi nhưng Phượng vẫn không thích ở một nơi như vậy. Khung cảnh có vẻ thê lương quá. Phượng không vào nhà... cũng không dừng lại ở đấy, mà tiếp tục bước về phía trước với bao ý nghĩ bâng quơ... và chợt nhiên... Phượng suýt va phải một người. Phượng giật mình nhìn lên. Một khuôn mặt lạ nhưng lại quen quen. Ai vậy? Hình như Phượng đã gặp ở đâu. Đó là một người đàn ông đứng tuổi, đẹp trai, chững chạc. Phượng đoán ít ra ông ta phải trên ba mươi lăm tuổi. Ông ta đang nhìn Phượng, cái ánh mắt như biết cười. Trong lúc Phượng còn lúng túng, thì đã nghe ông ta nói: - Tôi đã làm cô sợ phải không? Giọng nói trầm và ấm như một ly trà đặc. - Dạ không, tại tôi sơ ý suýt đâm vào người ông. Người đàn ông chợt hỏi: - Cô đến Vườn Lê à? - Vâng. - Phượng lúng túng đáp – Con trai ông chủ vườn mời tôi đến xem hái quýt ở vườn sau. Người đàn ông cười: - Cô là gì của Bội Quân? Nụ cười của ông ta làm Phượng lúng túng hơn. - Dạ... Tôi là bạn học của anh Bội Quân... A mà không phải, bạn học cùng lớp với Bội Hoàng. Người đàn ông lại cười, nụ cười như ẩn dụ một đìều gì. Trúc Phượng chợt nhớ ra hỏi: - Mà ông là ai? Tại sao ông lại ở đây? ông là người trong Vườn Lê hay cũng đến chơi như tôi vậy? Người đàn ông gật gù: - Tôi là Lê Chí Huấn, cha của Bội Quân và cả Bội Hoàng đấy. - Ồ! Phượng tròn môi, nàng không tin người đàn ông trước mặt vừa trẻ vừa đẹp trai như vậy lại là cha ruột của Bội Quân và Bội Hoàng. - Sao? Cô không tin à? - Ông... Bác... trẻ quá... Mới nhìn tôi chỉ tưởng là... anh của những người đó thôi. Năm nay bác bao nhiêu rồi? - Cô thử đoán xem? - Ba mươi bốn hay ba mươi lăm? - Lầm rồi! – Ông Huấn cười nói - Phải đảo ngược con số lại, chẳng hạn bốn mươi ba... Bây giờ cô đã biết tôi là ai, thế còn cô? - Tôi là Trúc Phượng, học cùng lớp với Bội Hoàng. Rồi Phượng lắc đầu: - Gọi bác là bác mà tôi thấy áy náy làm sao. Cha tôi chỉ mới bốn mươi lăm mà tóc đã bạc, già hơn bác nhiều, phải chi được như bác. - Ồ, sao nói vậy? Được như tôi sướng lắm à? - Không phải nói sướng mà... thật tình tôi cũng không biết phải nói sao nữa? Ông Huấn cười nhìn Phượng. Ban nãy từ xa ông đã trông thấy cô gái. Cô gái có vẻ thật hồn nhiên. Đứng trước nhà ông một lúc rồi đi lại... Vừa đi vừa cúi đầu như nhẩm tính từng bước chân, để rồi suýt va vào người ông. Chuyện đó tạo cho ông một cảm giác thú vị. Lâu lắm rồi, hình như hai mươi hay ba mươi năm gì đó. Lúc đó ông còn trẻ. Ông mới có cái cảm giác đó. Bây giờ đã bốn mươi lăm và khi ông nhìn thấy cái cô gái có tên Trúc Phượng này chớp chớp đôi mắt đen nhìn mình, thì ông lại xúc động. Ông cảm thấy như mình trẻ lại... trở lại cái thời hai mươi. - Tại sao bác không nói gì cả? Bác ra đây dạo mát rồi bị tôi quấy rầy phải không? Phượng hỏi. Ông Huấn lắc đầu. - Cái không khí trong Vườn Lê quen thuộc quá, nên tôi thích ra đây dạo hơn. À, cô cùng đi dạo với tôi chứ? - Tôi à? - Phượng chợt thấy vui - Được chứ? Và Phượng bước tới đi cạnh ông Huấn. Bây giờ Phượng mới thấy là ông Huấn rất cao... cao cỡ Lê Văn. Hai người có nét rất tương hợp. Phượng bắt chuyện: - Vườn Lê vừa rộng, vừa đẹp, như vậy sao bác không ở? - Đồng ý là đẹp nhưng mà ở đấy... tôi có quá nhiều kỷ niệm, nên dễ cảm thấy cô đơn. - Vậy à? - Phượng hỏi và tỏ ra như người biết nhiều – Chính vì vậy mà bác ở miết trong thành phố với bạn bè? Ông Huấn quay lại nhìn Phượng với nụ cười thú vị: - Sao cô biết nhiều thứ về tôi thế? Trúc Phượng đỏ mặt: - Bội Hoàng nói cho tôi nghe nhiều chuyện có liên hệ đến bác, tôi nghĩ là... nhưng tôi cũng không tin là bác hoàn toàn như vậy. Ông Huấn lắc đầu. - Bội Hoàng nhiều lúc hình dung tôi hơi quá lố. Nhưng cũng có phần sự thật, vì cô biết đấy. Khi con người cảm thấy cô đơn, trống vắng thì họ thường hay quơ quào, lăn xả, tìm kiếm bất cứ một cái gì để lấp đầy cái nỗi cô đơn đó. - Tôi không tin như vậy là đúng. – Trúc Phượng phản kháng - Những việc làm vô nghĩa không bao giờ lấp đầy được khoảng trống cô đơn mà trái lại nó chỉ làm cho con người trụy lạc, sa sút tình cảm hơn... Vì vậy cách tốt nhất là phải đi tìm niềm tin. - Tìm niềm tin bằng cách nào? - Chẳng hạn như đến giáo đường chẳng hạn. - Đến giáo đường à? – Ông Huấn chợt cười lớn - Nếu tôi còn ở tuổi đôi mươi, tôi sẽ làm theo lời cô, đằng này tôi đã bốn mươi lăm tuổi rồi. Có nhiều thứ tôi biết còn hơn cả mấy ông linh mục. - Không, ông lầm rồi. – Trúc Phượng nghiêm chỉnh nói - Vấn đề ở đây khôang phải là tuổi tác, mà là làm thế nào để chúng ta lấp đầy được cái khoảng trống cô đơn kia. Ông Huấn không cười nữa, ông nhìn Phượng một cách tò mò, và Phượng thấy Quân giống ông Huấn nhất là đôi mắt. Cái ánh mắt sâu thẳm như đáy giếng. - Trúc Phượng, cô làm tôi hơi rối rắm. Tôi không hiểu cô định nói gì, nhưng điều cô nói cũng có lý. Trúc Phượng lắc đầu: - Tôi biết là ông hiểu, nhưng ông không muốn thừa nhận thôi, đúng không? - Cô có vẻ khá thông minh. – Ông Huấn cười nói – Tôi đã đánh giá cô hơi thấp. - Không phải là ông đánh giá thấp tôi, mà là ông xem thường bọn tuổi trẻ chúng tôi. Phượng nói. Và họ đã đi xa khỏi "Vườn Lê" lúc nào không hay. Bây giờ thì không còn đường lộ nữa mà đã đến bờ ruộng. Con đường rất hẹp, ông Huấn đi trước và Trúc Phượng phía sau. Có nhiều khoảng khá lầy lội ông Huấn phải phụ nắm tay Phượng nhảy qua. Và câu chuyện giữa hai người như không có khoảng cách. - Tình cảm giữa Lê Văn và Bội Hoàng tốt chứ? Ông Huấn đột ngột hỏi làm Phượng lúng túng. - Dạ... tôi cũng không rõ. - Tại sao lại không, khi mọi người lại học chung một lớp? Phượng vội nói: - Dạ... vì họ không thừa nhận. Với lại bạn bè cũng không có quyền khẳng định cái gì mình chưa biết đích xác. Ông Huấn thăm dò: - Cậu Lê Văn có cái dáng dấp khá hấp dẫn đấy chứ? - Phải nói là tùy. - Phượng đáp – Đâu phải là với tất cả con gái đâu? Ông Huấn gật đầu, nói chuyện với Phượng khá thú vị. Cô gái có vẻ trưởng thành hơn cái tuổi cô ta đang có... Đấy lại là một cô gái nhạy bén mặc dù hơi bảo thủ. Trong xã hội, với cái môi trường giao tế hiện nay, phần lớn phụ nữ mà ông tiếp xúc đều là những con người già dặn sỏi đời. Trúc Phượng là một cô gái đặc biệt giống như một cánh hoa trên đồng cỏ nội tinh khiết trong lành, như cái không khí hiện nay giữa hai người. - Cô nói tùy là sao? Chẳng hạn như Lê Văn chỉ có thể thu hút được Bội Hoàng thôi, phải không? - Tôi không thể khẳng định điều đó, nhưng ít ra Lê Văn không phải là đối tượng của tôi. Vì người đàn ông mà tôi ưa thích phải là người trưởng thành một chút, biết nhiều sự đời... Nói khác đi phải có tính cách đàn ông. - Vậy à? không biết là cô nói chơi cho vui hay cô định đùa với lửa thật. - Tôi không đùa. Ông cũng biết đấy. Mỗi người con gái lớn lên đều có ước mơ, có một mộng tưởng. Và cái ước mơ đó có thể đẹp xấu, tốt đẹp hay đau khổ. Tùy theo từng ý niệm của họ. - Vậy à? - Ông cho là tôi không đúng ư? - Đúng, đúng chứ? – Ông Huấn vội gật đầu nói – Nhưng ước mơ thường có những hậu quả khác nhau. Sự lệch lạc có thể đưa đến đau khổ. - Ông đã từng vỡ mộng chưa? Phượng thăm dò, ông Huấn cười: - Có thể là có mà cũng có thể là không, tôi cũng không nhớ. - Tôi biết. Vỡ mộng là chuyện cực kỳ đau khổ, và ông đã giấu tôi. Ông né tránh cả chính mình. Ông Huấn thở ra: - Cô Phượng, cô có vẻ nhìn đời lý tưởng quá... Rồi ông lẳng lặng bỏ đi, ông bước nhanh đến độ Phượng không theo kịp. Qua khỏi bờ ruộng là đến sân phơi thóc của nông dân, Phượng đuổi theo. - Ban nãy tôi làm ông buồn phải không? - Không, cô nói đúng, có lúc tôi trốn lánh cả chính mình. Bởi vì thú thật tôi đã có một ước mơ nhưng nó đã đến thật nhanh và cũng tàn đi thật sớm. Phượng khoát tay. - Thôi ông đừng nói gì cả, tôi hứa với ông là sẽ không tò mò thêm, tôi biết ông rất khó chịu, đúng không? Vậy thì cho xin lỗi nhé? Ông Huấn cảm động, vòng tay qua vai Phượng, ông nói: - Ồ, Trúc Phượng, cô rõ là cô gái dễ thương, không ai giận cô được. Cái hành động của ông Huấn làm Phượng thấy choáng. Cái hơi thở đàn ông có mùi thuốc lá, mùi rượu và cả mùi nước hoa. Đây là người đàn ông thuộc típ ăn chơi. Phượng biết vậy mà vẫn thấy như chao đảo. Một luồng gió mát thổi qua làm Phượng tỉnh táo, nàng đỏ mặt gỡ tay ông Huấn ra nói: - Thôi để quay về Vườn Lê. - Đúng đấy về là vừa – Ông Huấn nói – Đã gần bốn giờ rồi. Chúng ta đã đi khá xa. - Bốn giờ rồi à? - Phượng kêu lên - Chết chửa, anh Bội Quân đợi tôi ở trạm xe buýt từ ba giờ. Ông Huấn giục: - Vậy thì phải nhanh chóng ra trạm xe. Bội Quân nó giữ lời lắm, chờ không có, nó sẽ mãi đứng chờ thôi. - Vậy à? Lời của ông Huấn càng làm cho Phượng bất an. Và khi cả hai ra đến trạm xe, rõ là Bội Quân đang đứng tựa một bên cột chờ. Anh chàng có vẻ bình thản, chỉ thay đổi sắc mặt khi thấy Phượng và ông Huấn xuất hiện cùng lúc. - Ồ cha! Quân chỉ kêu lên rồi ngưng lại, ông Huấn phải giải thích: - Cha đi dạo trên đường mòn thì gặp Phượng, Phượng nói là con chờ cô ấy ở trạm xe nên cha vội đưa cô ta ra đây. Thôi hai người nói chuyện nhé. Cha còn đi một chút nữa mới về. Rồi ông Huấn nhìn Phượng với nụ cười, sau đấy mới bỏ đi về phía lộ. Quân nhìn theo rồi quay qua Phượng. - Phượng cũng quen biết cha tôi à? Trúc Phượng không nhìn Quân, nói: - Tôi lầm lũi bước, suýt chạm vào người ông ấy, lúc đầu tưởng chỉ là người nhà của anh, sau đó mới biết là cha anh. Tôi đã đến trễ để anh chờ, thật có lỗi. Phượng nói và không đá động gì đến chuyện mình đã đi dạo với ông Huấn. Quân đáp: - Chỉ cần Phượng đến đây, còn cái chuyện sớm muộn không thành vấn đề. Cả hai đi về Vườn Lê, Quân chợt nói: - Ban nãy Lê Văn cũng có đến. - Vậy à? Phượng thờ ơ. Cái thái độ của Phượng làm Quân ngạc nhiên, lúc trước mỗi lần nói đến Lê Văn, Phượng có vẻ căng thẳng làm sao đấy. Vậy mà bây giờ... thái độ lại đổi khác. Quân nói thêm: - Lúc gần đây Lê Văn thường ghé qua lắm. Hôm nay nghe Bội Hoàng nói là sẽ đi xem phim với Lê Văn, tôi tưởng là cậu ấy sẽ không đến, không ngờ... Phượng cắt ngang: - Đến đông thì càng vui chớ sao anh lại không mừng? Hình như cha anh ít về đây lắm? Quân nói: - Có nhiều lúc càng đông người ta lại càng thấy cô đơn. Phượng có cái cảm giác đó bao giờ chưa? - Chưa. Cửa Vườn Lê mở rộng, Phượng và Quân bước vào. Không hiểu sao hôm nay Phượng lại rất vui. - Tối nay có lẽ cha anh sẽ ở lại nhà? Quân lắc đầu. - Không, cha tôi nói là ở nhà buồn quá, nên lúc nào cũng đi. Phượng cười: - Ông ấy khác hẳn anh. Mới nhìn không tin là ông ta đã trên bốn mươi tuổi. - Vì vậy nhiều cô bạn của ông ấy trông già hơn cả ổng. Quân nói. Phượng yên lặng. Cả hai bước vào cửa đã nghe tiếng cười của Lê Văn vọng ra. Trông thấy Trúc Phượng, Lê Văn vội đứng bật dậy. - Ồ! Trúc Phượng cũng đến nữa à? Bội Hoàng lại có vẻ không vui. - Anh Quân rủ Phượng đến đấy ư? Trúc Phượng cười, cảm thấy thái độ của Hoàng trẻ con thế nào đấy. - Đâu phải, đến xem hai người đến đâu rồi. Lê Văn cười: - Vậy là Phượng cũng biết tôi đến đây? - Vâng, mà biết anh đến rất thường xuyên nữa. Trúc Phượng nói làm Bội Hoàng đỏ mặt. Bội Quân vội chen vào: - Tôi mời Phượng đến xem cảnh quýt chín ở vườn sau đấy. Mọi người yên lặng. Phượng kéo ghế ngồi xuống. Bước vào nhà, không hiểu sao Phượng thấy thất vọng. Phải chăng vì sự thiếu vắng của ông Huấn? Để phá tan cái không khí ngỡ ngàng, Quân đề nghị: - Bây giờ mình ra sau vườn xem quýt nhé? Nhưng Phượng nói: - Còn mệt quá, nghỉ một chút đi. Quân ngồi xuống cạnh. - Nếu mệt thì khỏi đi cũng được. Phượng liếc nhanh về phía Quân, chợt thấy hối hận, nhưng Phượng cũng chỉ ngồi yên. Lê Văn thấy Phượng ngồi khá xa, nói: - Sao Phượng không lại đây nói chuyện chơi? Phượng cười: - Sợ quấy rầy hai người. - Sao có chuyện đó - Bội Hoàng đỏ mặt nói – Lúc này Phượng có vẻ nói nhiều quá. Đừng quên chúng ta là bạn bè nhé. Trúc Phượng cười: - Biết nói cũng không nói lại đâu. Các người tới hai người lận mà. Lê Văn chỉ Quân: - Thế bên Phượng thì sao? Bội Quân có vẻ khó chịu: - Nói chơi cũng có mức độ thôi nhé! Bội Hoàng vội can thiệp: - Anh Quân! Lê Văn lắc đầu nói: - Nói chơi cũng không biết, vậy thì làm sao có bạn gái được? Bội Quân tái mặt: - Đó là chuyện riêng của tôi, đâu cần cậu. - Đương nhiên là không cần tôi, nhưng mà... Ngay lúc đó cửa mở, Phượng nói: - Cha anh về rồi kìa. Và quả thật ông Huấn đang bước vào, cái không khí căng thẳng biến mất ngay, nhưng không ai nói với ai tiếng nào. - Ồ. Sao tất cả lại yên lặng như vậy? Sự hiện diện của tôi đã quấy rầy quý vị à? Bội Hoàng, Bội Quân và Lê Văn vẫn ngồi yên, chỉ có Trúc Phượng lên tiếng: - Chúng tôi đang đợi bác về đây. - Vậy à? – Ông Huấn nhìn Phượng rồi quay qua Quân - Bội Quân, con mở nhạc đi, cha sẽ lấy rượu. Chỉ có thế này không khí mới sôi động được thôi. Bội Quân đứng dậy mở máy hát, ông Huấn đi về phía quầy rượu. Trúc Phượng do dự một chút, rồi đứng dậy đến bên ông Huấn. - Để tôi phụ bác nhé? Lê Văn thấy vậy cũng bước tới. - Tôi cũng phụ một tay. Nhưng ông Huấn đã khoát tay: - Thôi một người đủ rồi, cậu hãy sang nói chuyện với Bội Hoàng đi. Bây giờ chỉ còn Phượng bên ông Huấn, Phượng chợt thấy nóng ran cả người. Ông Huấn là tay pha rượu điệu nghệ, đâu cần đến sự phụ giúp. Phượng hỏi: - Thế này thì tôi phụ ở chỗ nào? - Thì đứng cạnh thôi. – Ông Huấn nói với nụ cười – Cô cũng biết là tôi rất sợ cô đơn. Trúc Phượng đứng yên, chăm chú theo dõi ông Huấn pha rượu, chợt nghe ông ta hỏi: - Thế nào? Bao giờ cô về nhà? Chúng ta sẽ cùng đi nhé? Trúc Phượng giật mình, nửa mừng nửa sợ. Chuyện rồi phát triển đến đâu? Ông Huấn dù gì cũng là cha của Bội Quân, chứ nào phải là bạn? Phượng nhìn xuống: - Tôi cũng không biết, có lẽ dùng cơm tối xong mới về. - Nhớ về sớm một chút. Hôm nay tôi bận việc. Ông Huấn nói như Phượng đã chấp nhận chuyện đó. Tiếng nhạc vang lên, rượu đã pha xong. Phượng mang từng cốc rượu đến cho mỗi người. Khi mang rượu đến cho Bội Hoàng, Phượng đã nhìn thấy trong ánh mắt của Hoàng có cái gì kỳ quặc làm Phượng lúng túng. Hoàng đã nhận ra sự khác thường ư? Ông Huấn đứng giữa đám đông như một ông anh cả: - Có nhạc, có rượu rồi, bây giờ mình làm gì? Khiêu vũ nhé? - Vâng, khiêu vũ. Lê Văn là người hưởng ứng đầu tiên. Trúc Phượng thì lắc đầu: - Không, tôi không biết khiêu vũ. Bởi vì Phượng biết, trong tình huống này mà khiêu vũ, thì thật là khó xử, nhưng Lê Văn lại nói: - Không biết thì học? Lần trước Phượng không phải đã biết nhảy Rumba rồi ư? Bội Hoàng chen vào: - Tôi cũng không biết nhảy. Ông Chí Huấn nói: - Vậy thì mọi người ngồi nghe nhạc cũng được rồi. Và cái không khí như vậy rõ là chẳng thích với cả mọi người. Bội Quân thất vọng nhất, lúc đầu nghĩ là mình sẽ có dịp riêng rẽ với Phượng. Không ngờ cha lại về rồi Lê Văn đến. Tất cả thật là phiền nhiễu. Dĩa hát khá hay. Đấy là tấu khúc "Bản giao hưởng đồng quê" của Beethoven, nhưng cả năm người ngồi trong phòng khách, mỗi người lại có một tâm tư riêng nên chẳng ai thấy được cái hay của nó. Lúc dĩa hát kết thúc, Quân đứng dậy định thay một chiếc dĩa khác, thì Lê Văn chợt nói với Hoàng: - Tối nay có chút việc bận, tôi phải về trước, mai gặp lại nhé. Bội Hoàng đứng dậy theo. Sự hiện diện của ông Huấn trong nhà làm Hoàng cũng không vui. Quân thì như trút được gánh nặng, chàng lẳng lặng đến bên máy hát, thay chiếc dĩa hát khác. Ông Huấn nói với Lê Văn: - Sao không ngồi lại thêm một chút. Mình dùng cơm tối xong hãy về? Nhưng Lê Văn lắc đầu: - Thôi, mai còn đến mà. Và quay sang Trúc Phượng, Văn hỏi: - Phượng có cùng về không? Phượng nghe hỏi giật mình, lúng túng nói: - Thôi, để tôi ngồi thêm một chút, về sau. Và Bội Hoàng đưa Lê Văn ra ngoài. Còn lại trong phòng, ông Huấn nhận xét: - Tính của Bội Hoàng hẹp hòi, sẽ khó mà có được hạnh phúc. Con người mà dễ ganh tị quá, chỉ tự làm khổ mình. Trúc Phượng chỉ ngồi yên, ông Huấn lại quay qua Quân nói: - Còn con nữa, con cũng phải thay đổi. Lê Văn vừa là khách vừa là bạn của Bội Hoàng, con không nên khắt khe quá mà làm em gái con khó chịu. Bội Quân định nói gì đó nhưng rồi lại thôi, chỉ gật đầu. Ngay lúc đó Trúc Phượng chợt nói: - À, bây giờ chúng ta ra sau vườn xem quýt đi? Nhưng ông Huấn nói: - Thôi hôm nay tôi mệt quá. Phượng đi với Quân đi nhé. Lời của ông Huấn làm Trúc Phượng thất vọng, Bội Quân hồ hởi hẳn: - Bây giờ đi nhé. Quân nói và Trúc Phượng không thể không đi. Chính nàng đưa đề nghị đó ra cơ mà. Ra khỏi phòng khách, Phượng chợt hối hận, nhưng Phượng lại nghe Quân nói: - Vậy mà tôi tưởng là hôm nay Phượng không đi xem quýt chín rồi chứ. Phượng quay qua: - Sao lúc nào tôi cũng thấy trong giọng nói của anh có cái gì không vui vậy? - Không biết, có lẽ tự tiềm thức. – Quân nhún vai nói – Mỗi lần gặp Lê Văn là tôi cảm thấy khó chịu thế nào đấy. Phượng cười: - Đừng có khó chịu, hãy nghe lời dạy của cha anh. Bội Quân chợt nói: - Cha tôi có vẻ thích Phượng đấy. Phượng nghe nói giật mình: - Sao anh nói kỳ vậy? - Ý tôi muốn nói là cha tôi có cảm tình với Phượng. Bởi vì Phượng biết không, những người bạn khác đến đây chơi, cha tôi không hề để ý. - Vậy à. Phượng nói mà nóng cả mặt, Quân nhìn qua. - Thật đấy, nhưng mà điều đó cũng không có gì lạ, bởi vì Phượng không giống những cô gái khác... Phượng vượt trội hơn họ. - Anh đừng tâng tôi lên cao quá, làm tôi chóng mặt. - Tôi không đề cao đâu. - Vậy thì đừng nhắc lại chuyện đó nữa nhé. Ra tới vườn sau. Bây giờ Phượng mới nhìn thấy. Những trái quýt, xanh có màu cam có, treo đầy trên cành. Cảnh đẹp như cây Noel. Phượng thích thú kêu lên: - Ồ đẹp quá, nhiều quá! Thật không ngờ. Lời khen của Phượng làm Quân kiêu hãnh, chàng xoa xoa hai bàn tay vào nhau, chỉ nhìn Phượng và không nói gì cả. - Bây giờ tôi mới biết được điều mà nhà nông họ vui thích khi đến mùa thu hoạch. Đây mặc dù không phải là vườn nhà của tôi nhưng tôi cũng chia sẻ niềm vui với anh. Quân bây giờ mới nói: - Nếu Phượng trông thấy cảnh đám trẻ con ở cô nhi viện đến đây hái trái, Phượng sẽ càng thích thú hơn. Những đứa trẻ đáng thương đó có nụ cười rạng rỡ đến độ thấy là phải cảm động. - Vậy à? Phượng nói, cảm thấy Bội Quân đáng mến hơn. - Phượng biết không, cả Bội Hoàng nó cũng nói là tôi bày vẽ lắm chuyện. Nó nói cần gì phải làm thế. Mỗi năm quyên cho cô nhi viện một ít tiền là xong. Nhưng tôi nghĩ, đồng tiền cũng không phải là tất cả. Vì có nhiều thứ mà đồng tiền nào có mua được đâu... Thí dụ như nụ cười của trẻ thơ. Phượng nghĩ có đúng không? Quân chậm rãi nói. Phượng vội vã gật đầu: - Đúng! Đúng! Đó là sự thật. Bởi vì có nhiều người nhà giàu. Nhìn mặt họ Phượng không tìm thấy một cảm xúc. - Tôi thì ngay từ nhỏ đã mất mẹ, cha lúc nào cũng bận rộn với công việc... nên tôi ý thức thế nào là nỗi bơ vơ của mấy đứa trẻ... Tình thương quan trọng hơn tiền bạc. Phượng thấy đúng chứ? Phượng hỏi: - Thế mẹ anh qua đời sớm lắm à? - Vâng. Quân chỉ đáp một cách ngắn gọn. - Sao vậy? Bệnh à? Phượng tò mò, không phải vì Quân mà muốn bíêt cái điều ông Huấn đã nói về ước mơ đến nhanh nhưng đã tàn sớm của mình. - Vâng, có lẽ vì bệnh – Quân đáp – Lúc đó tôi còn nhỏ quá nên cũng không rõ. Phượng lắc đầu. Sao có chuyện lạ như vậy? Chuyện mẹ ruột mình mà mình lại không biết. Có lẽ Quân muốn che đậy hoặc không muốn nói nhiều đến chuyện nhà. Nhưng Phượng không buông tha. - Thế mẹ anh đã qua đời tại Vườn Lê này? - Vâng, qua đời tại đây, mai táng luôn tại đây – Quân nói - Phần mộ hiện nằm ở phía sau Vườn Lê này. - Vậy à? - Phượng chớp chớp mắt – Anh có thể đưa tôi ra đấy xem không? Quân nghĩ ngợi rồi lắc đầu: - Thôi xa lắm, để lần sau đi. Bây giờ trời cũng tối rồi, dễ lạnh đấy. Cha tôi chắc cũng đang chờ mình vào dùng cơm. - Cũng được. Phượng nghe nhắc đến ông Huấn, đồng ý ngay. Thế là hai người quay vào nhà. Trên đường cả hai yên lặng, mãi đến lúc sắp vào nhà Quân mới nói: - Cái chết của mẹ tôi quá đường đột, nên mười mấy năm qua cha tôi không hề nhắc đến. Tôi biết người không muốn nhắc, vì người cũng rất đau khổ. Trúc Phượng giật mình. Phượng biết là Bội Quân hiểu phần nào câu chuyện nhưng không muốn nói ra. Phượng vội nói: - Thôi đừng nói chuyện đó nữa. Ban nãy chẳng qua chỉ vì tôi hơi tò mò thôi. Quân lắc đầu: - Đâu phải tại Phượng, mà tự ý tôi kể đấy chứ? Trong nhà phải nói là tôi tương đối hiểu cha hơn, tôi biết chuyện người lăng nhăng hết người đàn bà này đến người đàn bà khác là cũng vì... mẹ. Trúc Phượng chợt tiếp lời: - Có lẽ vì ông ấy cảm thấy cô đơn, trống trải quá! - Cũng có thể. Bội Quân nói, đôi mắt bén chợt liếc nhanh về phía Phượng. Đèn trong phòng khách vẫn sáng choang, nhưng không khí khá yên tĩnh, gần như là lạnh. Ông Huấn nói đúng. Vườn Lê có đầy đủ tiện nghi thật, nhưng lại thiếu sức sống, chỉ như một khối vô tri. Bội Hoàng ngồi một mình ở góc salon. Cô ta trở lại với cái đẹp lạnh lùng cố hữu. Bội Quân hỏi: - Cha đâu rồi mà chỉ có một mình em ở đây vậy? - Ai biết – Hoàng đáp - Chắc có lẽ ra vườn hoa rồi đấy. Quân lại hỏi: - Thế bà Đan đã chuẩn bị cơm tối chưa? - Để tôi đi xem. Bội Hoàng uể oải đứng dậy. Sự bỏ về của Lê Văn đã mang đi cả niềm vui của Hoàng. Từ lúc Phượng và Quân bước vào phòng khách đến giờ, Hoàng không thèm nói đến Phượng một tiếng. Một lúc sau bà Đan bước ra thông báo là cơm đã dọn xong, Phượng và Quân đi vào phòng ăn. Đã thấy ông Huấn hiện diện ở đấy. Còn Hoàng thì không. Trúc Phượng ngồi xuống ghế, hỏi: - Còn Bội Hoàng đâu rồi. Sao không gọi cô ấy ra ăn một thể. Bà Đan nói: - Cô Hoàng nói mệt, nằm nghỉ một chút, dậy ăn sau. Phượng nhìn Bội Quân rồi nhìn ông Huấn, hai cha con họ có vẻ rất tự nhiên về sự vắng mặt của Hoàng. Phượng không nói thêm điều gì, cũng cúi xuống cắm cúi ăn. Bữa cơm thịnh soạn, thức ăn rất nhiều, nhưng không khí khá buồn tẻ, làm cho Phượng hơi ngượng, nhất là lại dùng chung bàn với hai người đàn ông chưa được thân cho lắm. Sau bữa cơm, Phượng đứng lên cáo từ để về ngay. Vì Phượng nhớ đến lời của ông Huấn... Ông ấy cũng bận việc cần về thành phố sớm. Quân không giữ lại. Quân biết ở đây khá xa thành phố, để Phượng là gái về một mình trong đêm khuya cũng bất tiện, nên đứng dậy định tiễn Phượng. Nhưng ông Huấn đã nói: - Thế này vậy, sẵn tôi cũng về thành phố, tôi sẽ đưa cô một đoạn đường. Trúc Phượng gật đầu. Còn Bội Quân thì yên lặng. Quân không được vui, nhưng để Phượng đi với cha dù gì cũng yên tâm hơn. Ông Huấn khoác thêm chiếc áo veste vào rồi nói: - Thôi mình đi ngay. Tôi cũng có việc đây. Rồi cả hai đi ra ngoài, nhưng vừa ra đến cửa, Phượng nghe có tiếng động ở sau lưng. Phượng quay lại một cách vô thức, bắt gặp ngay Bội Hoàng với ánh mắt lạnh lẽo đang nhìn mình. Phượng vẫy tay. - Tôi về nhé! Mai gặp lại! - Mai gặp! Hoàng nói. Giọng nói nghe châm biếm thế nào đấy! Phượng lúng túng leo vội lên chiếc xe du lịch sang trọng của ông Huấn. Nàng vẫy tay chào Quân đang đứng ngoài cửa. - Mong là bao giờ có dịp sẽ đến xem mấy cậu bé bên viện mồ côi qua thu hoạch quýt. Bội Quân gật đầu. Chiếc xe đã nổ máy và tiến ra cổng. Phượng quay đầu nhìn lại, Bội Quân khoát khoát tay nói cái gì đó mà Phượng lại nghe không rõ. Ông Huấn vui vẻ: - Mấy người nói cái gì má có bọn trẻ mồ côi vậy? Hai người có vẻ vui thế? Phượng giải thích: - Thì cái vườn quýt phía sau nhà đấy. Anh Quân nhờ bọn trẻ mồ côi hái trái rồi cho chúng tiền. Chuyện đó không lẽ ông không biết à? - À, những chuyện đó Quân nó muốn làm gì thì làm, tôi không có thì giờ quan tâm đến. Phượng chợt nhiên nói: - Tôi không tin là mấy cô ở thành phố hoàn toàn thu hút hết sự chú ý của ông. - Vậy ư? – Ông Huấn liếc nhanh về phía Phượng – Tôi đã nói với cô rồi. Tôi sợ cuộc sống cô đơn. Tôi muốn mọi thứ phải ồn ào, tất bật, không có thì giờ để nghĩ ngợi. Xong đâu đó về nhà ngủ một giấc là xong. - À thì ra chính vì vậy... mà ông mới ở lại thành phố một mình để các con ông tránh phải nhìn thấy cuộc sống sa đọa của ông chứ gì? - Chưa hẳn. – Ông Huấn nói – chung quanh tôi mặc dù lúc nào cũng có đàn bà, nhưng không hẳn là có chuyện sa đọa. - Có nghĩa... ông là người đàn ông đàng hoàng tử tế? Ông Huấn đưa một tay ra kéo Phượng lại gần - Tôi cũng không nói tôi là người đàng hoàng, tử tế. Tôi không hoàn toàn là một play boy, tôi cũng không đến đỗi tồi như cô tưởng đâu. Bàn tay của ông Huấn đầy sức mạnh quyến rũ, Phượng định phản kháng, nhưng lại không cưỡng được. Hàng trăm thứ tình cảm mâu thuẫn giằng co. - Cô đang sợ hãi, đúng không? – Ông Huấn nói – Cô là một đứa con nít mới lớn. Rồi ông buông Phượng ra. Phượng ngồi ngay lại với với một chút thất vọng. - Tại sao tôi phải sợ. - Phượng ưỡn ngực ra nói – Ông tưởng tôi là con nít à? Ông Huấn liếc nhanh qua cô gái ngồi cạnh. Đôi gò má đỏ hồng, đôi mắt long lanh và mái tóc ngắn bướng bỉnh đầy sức sống thật quyến rũ, ông nói: - Nếu không chịu là con nít, thì coi như mới tập tành làm người lớn vậy. Nhưng không hiểu sao Phượng lại trở nên thật bạo dạn, nói như khiêu khích: - Nếu ông cho là tôi mới lớn... thì ông cao lắm chỉ đáng làm ông anh của tôi thôi. - Vậy à? Ông Huấn thích thú như vừa được vuốt ve. Bốn mươi lăm tuổi mà lại chỉ là ông anh của cô gái hai mươi tuổi. Nhưng Phượng không dừng lại ở đấy mà nói thêm: - Hình như ông hơi sợ tôi? Ông như muốn né tránh? - Trúc Phượng – Ông Huấn thở dài rồi thắng hẳn xe lại - Vậy thì bây giờ ông anh đây mời Phượng đến vũ trường, Phượng có đi không hay là từ chối? Phượng ngẩn ra. Trong vô thức, vừa gặp ông Huấn, Phượng đã mong muốn được gần gũi thân mật hơn, nhưng rồi Phượng lại lo lắng. Lo lắng điều gì? Hình như giữa họ còn có khá nhiều trở ngại, phức tạp. Bóng dáng của Bội Hoàng, Bội Quân và cả Lê Văn hiện ra. Nhưng rồi Phượng cố xua đuổi. Không được, trên phương diện tình cảm, đôi lúc cần tung hô tất cả. Cần phải táo bạo hơn. Thế là Phượng nói: - Sao phải từ chối? Nhưng mà ban nãy hình như tôi nghe ông nói là ông cũng bận việc cơ mà? - Chuyện bận đó à? – Ông Huấn cười - Để mai tính cũng được. Và rồi ông lại đạp ga. Chiếc xe lướt đi trong màn đêm. Phượng không hiểu sao lại thấy cả người như nóng ran, nàng nhắm mắt lại. - Nghĩ ngợi gì nữa đấy cô gái? Ông Huấn hỏi. Phượng vẫn không mở mắt. - Tôi đang nghĩ xem, ông sẽ đưa tôi đi về đâu. - Một nơi thích hợp, thoải mái. – Ông Huấn cười nói – Và bao giờ Phượng thấy hối hận, muốn xét lại thì cho biết, tôi sẽ lập tức đưa Phượng về. - Ông nghĩ là tôi sẽ hối hận về việc làm của mình ư? Phượng hỏi. Ông Huấn không đáp, ông chỉ vỗ vỗ tay lên vai Phượng, và chiếc xe êm ái lướt nhanh. Khi đôi mắt Phượng vừa ríu lại thì nghe ông Huấn nói: - Đến rồi đấy, cô gái. Trúc Phượng vụt ngồi dậy, mở cửa xe bước ra, Phượng giật mình khi thấy mình đứng trước một biệt thự đẹp mắt, có vườn hoa chung quanh. Phần lớn hoa trồng ở đây là hoa cúc. Bây giờ là cuối thu, cúc đang nở dày đặc những đóa hoa vàng và tỏa hương thơm ngát. - Ở đây là... Phượng hỏi, ông Huấn đã bước xuống đứng cạnh Phượng. - Đây là nhà tôi. – Ông Huấn nói – Cái không khí vũ trường không thích hợp với Phượng nên tôi đưa Phượng về nhà, thôi ta vào chứ? Phượng do dự pha lẫn chút lo lắng. Tại sao ông Huấn lại đưa nàng về nhà riêng. - Đừng sợ, vào nhà ngồi chơi cho biết. Ông Huấn giục. Và Phượng biết bây giờ có hối hận cũng đã muộn. Những người làm trong nhà này... họ sẽ đánh giá nàng như bao nhiêu người đàn bà khác đã đến đây. Thôi thì chấp nhận vậy. Phượng đi vào nhà. Phòng khách khá rộng, bày trí kiểu tây phương. Mọi thứ gần như đều màu xanh. - Cô ngồi đây nhé, tôi vào trong một chút ra ngay. Rồi ông Huấn bỏ đi vào trong. Phượng ngồi đấy lòng đầy hồi hộp. Tại sao ông Huấn lại trang bị cho cả căn phòng màu xanh thế này? Với bản chất của ông ta, đúng ra phải chọn những màu sáng như vàng, sữa hoặc cà phê mới phải chứ? - Cô lại nghĩ ngợi gì nữa đấy? Ông Huấn trở ra lúc nào Phượng không hay. Ông đã thay bộ thường phục ở nhà màu cà phê sữa. Phượng thắc mắc. - Sao ông lại trang trí căn phòng một màu xanh thế này? Ông Huấn đáp một cách tự nhiên: - Đa số các cô thích màu xanh, đúng không? - Đám bạn của ông đấy à? - Phượng hỏi – Còn tôi thì không, từ nào tới giờ tôi không ưa cái màu này. - Vậy cô thích màu gì? - Những màu sáng hơn. - Vậy à? Biết vậy nên tôi mới mặc áo cà phê sữa này. Phượng lắc đầu: - Ông có vẻ nhanh nhẩu như Lê Văn. - Cô phải nói ngược lại là Lê Văn giống tôi mới phải chứ? Rồi ông Huấn bước tới quầy rượu rót ra hai cốc rượu. - Cái này cái gì? Tôi không biết uống rượu mạnh. - Đừng lo nhẹ lắm. Pink lady đó mà, uống đi không bị say đâu. Phượng hớp thử một hớp, gật gù: - Hèn gì ông thích ở đây một mình. Đẹp lại tiện nghi. - Vậy à? Nếu Phượng thích, cứ tự nhiên ghé qua. - Nhắm có tiện không? Có quấy rầy không? Phượng hỏi với ánh mắt tinh nghịch. - Cô có vẻ thông minh và nguy hiểm. – Ông Huấn lắc đầu nói – Hèn gì con Bội Hoàng chẳng ganh tị với cô. - Làm gì có chuyện đó. Phượng kêu lên, ông Huấn cười: - Tôi không tin là Phượng không thấy điều đó. Không lẽ Phượng không biết Phượng là cô gái khá hấp dẫn phái nam? Cả Bội Quân lẫn Lê Văn đều... - Thôi đừng nói, đừng nói gì cả. Phượng đỏ mặt cắt ngang. - Được rồi, không nói. Và ông Huấn kéo Phượng đến sát bên mình. - Hãy cho tôi biết, cô có tất cả bao nhiêu ông bạn trai lận? Phượng đưa một ngón tay lên mũi: - Chỉ có một thôi. - Thế cô đến đây không sợ hắn ghen à? Ông Huấn nói và vòng tay qua vai Phượng. Phượng cố làm ra vẻ như thật tự nhiên, nhưng cả người nàng lại nóng ran lên, Phượng không dám nhìn lên. - Anh ấy hơi lớn tuổi hơn tôi một chút. Cao lớn, đẹp trai lại đa tình, con người lãng mạn một cách đáng sợ, thích sưu tập gái... Nên ngoài tôi ra anh ta còn những năm sáu người đàn bà khác. Ông Huấn cười thích thú. - Trên đời này có người đàn ông như vậy sao? Thế mà sao tôi không biết? Cậu ta tên là gì, tôi có thể làm quen được không? - Đương nhiên là được. - Phượng lớn tiếng nói – Anh ấy tên là Lê Chí Huấn. Nói xong Phượng đứng dậy, bỏ chạy thật xa. Ông Huấn nhìn theo cười lớn. - Ồ! Cô dám quậy phá cả tôi nhé? Tôi phải bắt cô lại mới được. Và ông ta đuổi theo. Hai người chạy vòng vòng quanh ghế salon, vừa chạy vừa cười như trẻ con. Cuối cùng rồi Phượng cũng bị dồn vào góc nhà. Hai tay ông Huấn đã chận cả hai bên. Không còn lối thoát. Không khí bỗng chốc trở nên yên lặng. Chỉ có tiếng thở... Họ nhìn nhau... Khoảng cách khá ngắn và chuyện không dừng được đã đến. Môi ông Huấn đặt lên môi Phượng làm Phượng giống như con tàu đang chao đảo. Phượng mất cả phương hướng, và Phượng phiêu diêu quên hết gia đình, cha mẹ, em trai, quên luôn Lê Văn, Bội Quân, Bội Hoàng. Phượng chỉ có cái cảm giác chơi vơi trên mây. Thật lâu khi ông Huấn buông Phượng ra, Phượng mới như tỉnh lại. Một khuôn mặt đàn ông đa tình, với ánh mắt như biết cười đang hiện ra trước mắt Phượng. Mọi thứ đến một cách quá bất ngờ, tự nhiên... Tuy Phượng không hối hận nhưng cũng thấy lúng túng. - Sao? Phượng giận tôi đấy phải không? Tiếng ông Huấn hỏi. Giọng thật ấm. Phượng lắc đầu. - Tôi... phải giận à? Ông Huấn kéo Phượng quay lại ghế. - Tôi chẳng hề có ý xúc phạm Phượng, nhưng mà có nhiều thứ không giải thích được... Chuyện thật lạ lùng. - Vâng, có nhiều thứ đến bất chợt quá. - Phượng nói - Chẳng hạn như tình yêu, nó đến và ta không làm sao cản ngăn được. Lời của Phượng hình như làm ông Huấn hơi giật mình, ông chỉ gọi: - Trúc Phượng! - Nghĩ cũng lạ, nhiều người cho là tôi có trái tim bằng đá, tôi cũng từng cảnh giác chính mình không được kết bạn trai sớm... Tôi đã đánh giá tình yêu quá thấp. Bất chợt gặp anh... chuyện gì phải xảy ra đã xảy ra. Tôi cũng không ngờ... đó lại là tình yêu. Ông Huấn cảm động: - Ồ, Trúc Phượng, em đừng lo, những gì em đã cho, tôi sẽ cố gắng trân trọng. Đồng ý tôi không phải là con người toàn hảo, tôi đa tình không trung kiên, nhưng tôi cũng là con người có nhân cách. - Thôi đủ rồi! – Trúc Phượng có vẻ thỏa mãn – Tôi đã làm và chấp nhận. Anh cũng không cần vì tôi mà thay đổi nếp sống. Tôi thích con người thế này của anh hơn... Và Phượng ngước lên nhìn ông Huấn: - Anh có biết là bây giờ tôi cảm thấy hạnh phúc dường nào không? Ông Huấn cầm ly rượu lên: - Vậy thì uống mừng nào. - Phải nói là chúc mừng tình yêu của ta chứ? Phượng táo bạo nói... mặc dù Phượng biết tương lai... họ sẽ còn biết bao trở ngại. Không phải chỉ có Phượng mà cả ông Huấn cũng thấy điều đó, nhưng họ cố tình không nhắc đến. Đặt ly rượu xuống, ông Huấn lại ôm lấy Phượng. Hai người cứ thế ngồi không ai nói với ai lời nào. Ông Huấn là con người từng trải. Với ông cuộc tình đột ngột này... ông như kẻ bị động... Ở cái tuổi của ông... tình yêu không đơn thuần lý tưởng, nó cũng không phải là trên hết... Ông đã từng có đủ thứ tình yêu cơ mà... Mối tình đầu thi vị, rồi những cuộc tình rẻ tiền đơn thuần đổi chắc, những cách giải quyết sinh lý bằng tiền... Bây giờ với Phượng, thú thật ông cũng chưa thể xác định được nó thuộc loại gì. Trúc Phượng cho đó là tình yêu. Còn ông? Ông như mơ hồ... Phượng đầy quyến rũ... Chưa bao giờ ông Huấn lại gặp một đứa con gái như vậy... Ông thấy thích cái ấu trĩ, trẻ trung. Đấy có phải là tình yêu không? Mong là phải, vì ông không muốn làm cho Phượng đau khổ. Phượng thấy ông Huấn suy nghĩ, hỏi: - Anh nghĩ ngợi gì đấy? Ông Huấn ngập ngừng: - Tôi đang nghĩ đến... ngày mai. - Ngày mai à? - Phượng ngồi ngay lại – Có sớm quá không? Chúng ta chỉ mới bắt đầu cơ mà. - Tôi không biết... chỉ tại thích nghĩ. Phượng nhìn ông Huấn dò xét. - Hình như anh không được vui? - Làm gì có chuyện đó! – Ông Huấn cười – Tôi chỉ thấy hơi mệt mỏi. - Vậy à? - Phượng nói – Bây giờ tôi phải về đây. - Sao vậy? Phượng nhìn vào đồng hồ. - Bây giờ đã mười một giờ. Chưa bao giờ tôi về nhà trễ thế này. Ông Huấn đứng dậy. - Vậy thì để tôi đưa Phượng về nhé. Ra tới cửa, ông Huấn đi lấy xe. Lão gác dan họ Trần mở cổng cho hai người. Chiếc xe trườn ra ngoài. - Nhà ở đường nào vậy? - Đường Hòa Bình. Ông Huấn hướng xe về phía đường nhà Phượng. Trên đường chẳng ai nói với ai lời gì. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Xe đã dừng lại trước ngõ nhà Phượng. - Đến rồi, tôi xuống nhé. Phượng lưu luyến nói. Ông Huấn hỏi: - Đây là khu cư xá công chức. Vậy cha Phượng là nhân viên nhà nước à. - Vâng. - Thế bao giờ thì chúng mình có thể gặp lại nhau. Ông Huấn hỏi. Phượng không đáp. Đứng trước nhà, lý trí lại quay về. Phượng thấy lo. Rủi mà mẹ hay Xuân Kỳ ra bất ngờ bắt gặp thì sao. Phượng nói: - Tôi... tôi cũng không biết. Ông Huấn chợt kéo Phượng đến sát người, hôn lên má nàng, rồi cười nói: - Thôi chào cô gái bé bỏng. Về nhà tôi sẽ nhớ cô nhiều đấy. Phượng hớt hải xuống xe và đi thẳng vào nhà. Phượng nghe tiếng mẹ từ trong nhà hỏi vọng ra. - Trúc Phượng đấy ư? Sao không vào đi, đứng ngoài ấy làm gì? - Dạ. Phượng lúng túng đi vào. - Sao về trễ thế? Khiêu vũ à? Bà Thục Trinh nhìn con dò hỏi. Với bà, chuyện con gái lớn có bạn trai là điều vui. - Làm gì có chuyện đó. - Phượng nói – Con cũng nào có quần áo đẹp mặc đâu mà đến nơi đó. Chẳng qua chúng con đến Vườn Lê chơi thôi. - Mà chúng con là ai chứ? Phượng phải nói dối: - Dạ. Bội Hoàng, Lê Văn và anh Bội Quân của Hoàng. Bà Thục Trinh thấy con ngập ngừng, tưởng là con mắc cỡ nên chỉ nói: - Ban nãy mẹ nghe có tiếng máy xe nổ ngoài trước. Phải Lê Văn đưa con về không? - Dạ... không. - Vậy à... Đừng có giấu mẹ nhé... Mẹ thấy thì Lê Văn nó cũng không đến đỗi nào đấy. Trúc Phượng đỏ mặt: - Mẹ lầm rồi, Lê Văn là bạn trai của Bội Hoàng đấy. - Vậy ư? – Bà Thục Trinh chau mày - Vậy thì ban nãy ai đã đưa con về? Trúc Phượng ấp úng: - Dạ... anh của Bội Hoàng. - Thế à. – Bà Thục Trinh vui vẻ trở lại - Mẹ thật tình không rõ sự qua lại của bọn trẻ các con. Thế sao nó không vào nhà. Trúc Phượng bối rối. - Ồ! Sao mẹ lạ vậy. Anh của Bội Hoàng rảnh nên đưa con về thôi. Chứ nào có phải là bạn trai đâu. - Không phải là mẹ đoán mò. Nhưng mà con gái mẹ lớn rồi, nếu có bạn trai, cũng phải mang về nhà cho cha mẹ biết chứ. - Dĩ nhiên rồi! Phượng đáp. Nhưng làm sao Phượng dám làm chuyện đó khi ông Huấn lớn tuổi hơn cả mẹ nàng. Bà Thục Trinh đứng dậy. - Bây giờ mẹ đi ngủ đây. Còn con, con cũng nên ngủ sớm, mai còn phải đi lễ đấy. - Vâng, con biết. Phượng nói và cài cửa lại. Như thường lệ Phượng đi một vòng kiểm tra cửa nẻo rồi mới trở về phòng mình. Xuân kỳ giờ này đã ngủ say. Khuôn mặt ngây thơ trong sáng của nó làm Phượng thấy bứt rứt. Phượng ngồi xuống mép giường, cởi giày. Và bây giờ, trong cái không khí gia đình, Phượng chợt nhớ lại mọi thứ... Những lời tự hứa với chính mình, không kết bạn trai sớm, cố gắng lo cho em ăn học, chuyện phụ giúp gia đình... thế mà bây giờ... Phượng chợt thấy người lạnh hẳn. Những mật ngọt tình yêu như mây khói... Nhưng mà... ông Huấn hấp dẫn như vậy... liệu Phượng có bứt ra được không. Phượng nằm xuống giường với trăm nỗi phân vân. Phượng thương em, thương cha mẹ. Nhưng lại yêu ông Huấn. Hai cái tình cảm đó khác nhau... không va chạm nhau. Nhưng mà trong cái hoàn cảnh này... liệu có mâu thuẫn chăng? Liệu rồi Phượng thực hiện được ước muốn chăng? Phượng trằn trọc thật lâu, nhưng rồi giấc ngủ cũng đến mặc dù giấc ngủ chẳng an lành.
/12
|