Cậu Chó

Chương 40

/40


Duyên về quê nhà được mấy ngày, nàng trở lại cuộc sống lúc còn con gái. Ở nhà quê nàng thường trộn ngô với mật để ăn vào buổi trưa hay tối. Nàng đi lên hỏi bà Cai.

- Mạ, mật để mô ? Có phải mạ để mật trong mấy cái hũ sành trong buồng của mạ đó hỉ ?...

- Ừa... mà mần chi ?

- Con trộn mí ngô, ăn cho ngon...

Bà Cai gật đầu vui vẻ đáp :

- Ừ vô mà lấy...

Thấy mạ bỗng bằng lòng cho Duyên lấy mật Mỹ phân bì :

- Rứa đó hỉ ? Chị Duyên xin chi mạ cũng cho, rứa mà con có xin thì mạ lại chửi là chỉ được kén ăn...

Bà Cai cười nói :

- Hắn dâu nhà quan, ăn uống quen miệng, ăn khổ mô hắn ăn được. Chả mấy khi hắn về thăm nhà, chả lẽ không chiều hắn. Còn mi ở nhà suốt năm, lúc mô mi ăn không được...

Mỹ cười nói :

- Mạ mần như ở nhà thì tha hồ ăn đó hỉ ? Mấy hôm ni chị Duyên về rang ngô mạ mí cho mật để trộn ăn, chớ không thì mô có mật.

Bà Cai cười, lặng lẽ quay đi, Mỹ nhìn Duyên nói :

- Rứa đó, lấy con trai Quan Lớn cũng sướng hỉ ! Hôm mô chị Duyên cho em lên Huế coi mặt ông anh rể một hôm hỉ !

Nghe Mỹ hỏi đến chồng, cậu Chó, Duyên thoáng buồn, nhưng rồi nàng cũng trả lời :

- Rồi hôm mô chị về Huế chị cho dì đi về chơi...

Mỹ mừng rỡ :

- Thiệt hả ! Chị Duyên chị cho em về Huế chơi hỉ !

Duyên lấy mật trộn với ngô trong chiếc tô bự đặt trên chiếc chõng tre cho Hải, Duyên và Mỹ cùng ăn.

Trời đã về khuya, ăn ngô ngào mật xong Mỹ biểu Hải :

- Bây chừ anh về nhà đi ngủ, sáng mai còn dậy sớm đi cày nữa. Còn mấy sào ruộng ở đồng ông Tá chưa cày bừa chi hết. Hôm qua mạ vừa dục đó...

Hải đứng dậy ra vại nước vục gáo dừa vừa múc đầy gáo uống ừng ực. Uống nước xong, Hải chào Duyên và Mỹ :

- Tui về chị Duyên, cô Mỹ hỉ !

Duyên gật đầu, còn Mỹ chạy theo ra chỗ Hải đứng khẽ nói :

- Em sang đó hỉ !

Hải có vẻ sợ nói :

- Thôi để mơi, hôm ni, anh phải ngủ để sáng mơi còn đi cày mà...

Mỹ véo tay Hải nói :

- Đi cày thì răng ? Anh mần như anh đã lão rồi không bằng !

Hải buồn đáp :

- Mệt thấy mồ đi hỉ.

Mỹ có vẻ giận dỗi :

- Rứa thì thôi tui không sang nữa !

Thấy Mỹ có vẻ giận Hải vội níu lại nói :

- Thì sang chứ anh nói răng...

- Răng anh biểu mệt ?

- Thì cũng mệt chứ, chuyện nớ mệt bằng đi cày một sào ruộng khô đó hỉ !

- Đồ quỷ ví chuyện trời ơi đó mí chuyện đi cày...

Hải sợ Mỹ giận bèn hỏi :

- Lúc mô em sang ?

- Canh ba !

Hải gật đầu bằng lòng.

- Ừ được...

Hải lặng lẽ đi về phía hàng rào ngăn sân nhà thầy Cai với liếp sau lưng nhà Hải, Hải bước qua hàng dâm bụt rồi đi rẽ về tay trái đẩy cửa sau vô nhà.

Bà Cò, mạ của Hải nghe tiếng động cửa bèn hỏi :

- Hải đó hỉ !

Hải đáp :

- Dợ, mạ chưa đi ngủ hỉ !

Bà Cò buồn bả đáp :

- Chưa, mi vô trong ni coi thằng Cu Vi răng nóng quá thôi. Tao vừa đánh gió cho nớ mà không thấy bớt nóng tý mô hết. Thiệt khổ...

Bà Cò chép miệng thở dài chửi :

- Cha tổ mạ con điếm chó, bỏ con đi theo thằng khốn nạn, thiệt là con đen thì bỏ, con đỏ thì nuôi... Không hiểu mấy con đàn bà thúi thây, giày da nớ có biết nhục không ?

Hải lấy ngọn đèn Hoa Kỳ, vặn cao bấc lên đi ra chỗ bà Cò nằm với lũ cháu. Thằng Cu Vi gầy gò xanh xao vàng vọt, nằm úp xấp thở khò khè bên nội của nó. Hải đưa tay sờ lên trán đứa cháu ruột lắc đầu :

- Thằng Cu nóng quá à mạ ? Răng rứa không biết ? Răng hồi chiều mạ không cho con biết để con xin thuốc bên thầy Cai coi có thuốc chi cho cháu nó uống không ? À thôi để con sang bên thầy Cại hỏi cô Duyên coi cô nớ có mang thuốc chi về không ?

Bà Cò nghe đến tên Duyên cũng có vẻ mừng nói :

- Chiều ni tao nghe tin cô Duyên ở Huế về, tao định sang chơi nhưng vì thằng Cu Vi nóng quá, không răng đi được. Ừ con sang thử coi cô Duyên có thuốc chi không, đem về cho thằng Vi uống coi có đỡ không ? Con cháu nhà quan lúc mô cũng trữ thuốc tốt hết. Được chút thuốc của cô Duyên răng thằng Cu Vi cũng đỡ nóng...

Hải lật đật quay lại phía sau, bước qua bụi dâm bụt sang bên ông bà Cai, thấy Duyên vẫn ngồi nói chuyện với Mỹ.

Nghe tiếng chân đi, Duyên ngẫng lên thấy Hải bèn hỏi :

- Có chuyện chi rứa anh Hải ? Răng chưa đi ngủ à ?

Hải buồn rầu đáp :

- Thằng Cu Vi nhà tui nóng quá không hiểu hắn bị sốt hay ban nóng sữa, chị Duyên có thứ thuốc chi chữa được bệnh nóng sốt của trẻ con, cho cháu xin vài viên uống... Khổ quá thằng Vi nhà tui yếu quá vài ngày lại đau một lần...

Duyên sực nhớ đến gói thuốc bột (Euquinine) mà anh Đốc cho Duyên và dặn hễ thằng Phiên nóng thì cho nó uống. Mấy lần thằng Phiên nóng, Duyên lấy ít thuốc bột nớ hòa với nước cho nó uống khỏi ngay nên nay nghe Hải nói, thằng Vi cháu của Hải bị nóng, nàng lật đật đáp :

- Có, tôi có thứ thuốc ni thần diệu lắm. Anh Đốc, anh ruột nhà tui là Quan Đốc Tơ ngoài Huế cho phòng giữ khi cháu Phiên đau thì cho cháu uống, tôi có mang theo về, để tôi lấy cho anh đưa về cho thằng Vi nhà anh uống là khỏi ngay à. Tháng trước thằng nhỏ nhà tui nóng dữ lắm. Rứa mà tui chỉ cho nó uống một chút thuốc bột đó là khỏi ngay. Ngày mai nó chơi được rồi.

Hải mừng quýnh lên :

- Dợ, rứa cô cho tui một chút đi để cho cháu Vi uống. Thiệt tội nghiệp từ ngày mạ nó đi lấy chồng, thằng nhỏ nớ đau luôn hè !

Duyên vô trong buồng, mở va ly lấy gói thuốc Euquinine ra móc ví lấy đồng tiền Minh Mệnh súc nữa đồng tiền gói lại định trao cho Hải. Nhưng rồi Duyên sực nghĩ ra điều chi bèn nói :

- Anh dẫn tui sang, tui cho thằng Vi uống mới được...

Mỹ cao mặt nói :

- Thì chị biểu cho anh Hải cách cho nó uống cũng được chứ răng chi sang mần chi nữa...

Hải cao mặt nhìn Mỹ nói :

- Ừa, cô Duyên sang hộ chút thì tốt quá. Cô cho trẻ uống thuốc quen rồi cô sang lấy thuốc cho thằng Vi uống một chút không có tui lớ ngớ cho nó uống ít uống nhiều không quen mất hiệu nghiệm đi răng !

Duyên gật đầu :

- Ừ để tui sang cho nó uống thuốc...

Hải đi trước Duyên theo sau, nhưng khi bước qua hàng rào, Duyên bước vội lên sát với Hải, rồi bất ngờ nàng ôm lấy Hải hỏi :

- Anh ngủ chỗ mô, chỉ cho tui coi ?

Hải đẩy cánh cửa sau rồi chỉ vào chiếc giường kê sát vách nói :

- Giường tui ngủ đó...

Duyên hỏi :

- Cửa ni bước vô hỉ !

- Ừa...

- Mạ ngủ ở mô ?

Hải chỉ sang căn nhà bên nói :

- Mạ ngủ mí mấy đứa cháu bên tê...

- Rứa hỉ ! Lát nữa tui qua đó hỉ !

Hải đâm hoang mang định cản nhưng chàng lại sợ Duyên biết có Mỹ sang chàng đành phải nói :

- Tối ni thằng Cu Vi nhà tui đau, răng mạ tui cũng thức cô sang lỡ mạ tui biết thì phiền lắm đó hỉ !

Duyên cao mặt hỏi :

- Răng mạ biết được ? Mạ nằm nhà ngoài anh nằm trong ni mà, tui mở cửa là vô được rồi...

Hải cười đáp :

- Nhưng vì thằng Cu Vi đau, mạ tui thường lục đục suốt đêm có khi mạ tui cầm đèn vô trong ni thì răng ?

Duyên khẻ thở dài không đáp, Hải đâm thương hại Duyên chàng vội nói :

- Bên nhà cô nằm nơi mô ? Hay tui sang bên nhà cũng được !

Duyên lắc đầu buồn bả đáp :

- Tui nằm với thằng Phiên trong buồn, anh vô răng được...

Duyên sực nhớ trước tê, Hải nằm trong căn buồng kín đáo răng bây chừ Hải lại nằm ở ngoài, bèn hỏi :

- Răng trước tê anh nằm trong buồng, bây chừ lại nằm ngoài ni ?

Hải lúng túng không biết trả lời răng nữa. Quả vậy trước tê Hải nằm trong buồng kín đáo nhưng vì Mỹ thường lén qua với Hải. Mỹ buộc Hải phải nằm bên ngoài gần cửa cho khi Mỹ sang khỏi phải lần mò vô tận buồng, sợ bà Cò biết. Lần ni Duyên về, Duyên lại hỏi lý do Hải nằm ở giường ngoài không nằm ở trong buồng như trước tê nữa. Hải đành phải nói dối :

- Từ ngày chị Cò đi lấy chồng, nhà đơn người. Mạ biểu anh nằm ngoài ni vừa trông nhà vừa trông chừng mấy đứa cháu. Thiệt khổ, nhà bây chừ chỉ còn mình anh, đươc đứng mất ngồi, được ngồi mất đứng...

Duyên khẽ thở dài nói :

- Thôi em về hỉ !

- Ừa...

Hải bần thần nhìn Duyên đi khất về bên nhà thầy Cai, vừa thấy Duyên về, Mỹ vội hỏi :

- Răng chị Duyên, thằng Cu Vi nóng ra răng ?

Duyên đáp :

- Con nít trái chứng, trở trời là nóng, có chi mô ! Chị đã cho thằng Vi uống thuốc rồi. Thuốc nớ tốt lắm vì là của anh Đốc cho thằng Phiên nhà chị...

Mỹ không hiểu anh Đốc của Duyên là ai bèn hỏi :

- Anh Đốc là ai chị Duyên ?

Duyên hãnh diện đáp :

- Anh Đốc là anh chồng của chị làm Quan Đốc Tơ, coi cả nhà thương Huế. Ảnh chửa bệnh rất giỏi. Chú thằng Phiên anh Bẩy hay ông nội, bà nội thằng Phiên rồi thằng Phiên đau là có anh Đốc đến chữa rồi. Thuốc men đều do anh Đốc cho hết, thứ thuốc mô cũng hay hết cả à...

Mỹ sung sướng nói :

- Sướng hỉ ! Nhà quan sướng rứa đó hỉ !

Tiếng thằng Phiên từ trong buồng vọng ra. Tiếng khóc tu oa của đứa trẻ còn non tháng làm Duyên giật mình, chạy vội vô bồng con dỗ :

- Mạ đây hỉ ! Thằng chó, chi mô khóc dữ rứa, mạ đây mà...

Bên ngoài Mỹ thu dọn xong xuôi, cài then cỗng cẩn thận mới đi ngủ. Mỹ ngủ trong buồng với Duyên nhưng nàng biểu là nóng, trải chiếu nằm bên ngoài. Mỹ đã có dự định sẳn, nằm ngoài để lén sang mí Hải.

Bên nhà Hải, bà Cò cho thằng Cu Vi nằm yên được người đã bớt nóng, bà mừng rỡ nói với Hải :

- Thuốc của cô Duyên cho hay lắm, thằng Cu Vi đã bớt nóng nhiều rồi. Nó nằm yên ngủ được. Lạy Trời Phật phò hộ cho nó ăn no, chóng lớn, tai qua nạn khỏi. Nhà mình nghèo, đàn cháu mồ côi mà đau ốm luôn thiệt khổ...

Nghe mạ nói thằng Cu Vi đã bớt nóng Hải mừng rỡ :

- Cháu Vi nằm yên rồi chứ mạ ?

- Nó ngủ được rồi... Thuốc của cô Duyên cho hay lắm hỉ ? Lúc mô xin cổ một ít để dành cho bầy trẻ !

Hải nói :

- Sợ cô nớ không có nhiều !

Bà Cò nói :

- Người ta nhà quan, thiếu chi thuốc hay, cổ cho mình rồi về Huế cổ lại lấy. Nhà quan mô như nhà mình cái chi cũng thiếu cả...

Hải gật đầu nói :

- Thôi được bây chừ thằng Vi nằm yên là mừng rồi mạ à, ngày mơi để coi cô Duyên còn thuốc con nài nỉ xin cổ răng cổ cũng cho mà.

Ngọn đèn Hoa Kỳ treo trên cột lập lèo chiếu làn ánh sáng vọt, yếu ớt... bà Cò phành phạch quạt cho các cháu bằng chiếc quạt mo. Bà khẽ thở dài nghĩ đến số phận của đàn cháu mồ côi cha, mạ chúng lại đi lấy chồng. Thiệt tội nghiệp, cả nhà bây chừ chỉ trông vô mình Hải đi mần. Nhà bà Cò có ba sào ruộng tư của ông Cò để lại cho hai anh em, Hải siêng mần lại hiền lành nên được cả làng quý mến. Thầy Cai định gả Mỹ cho Hải nên thầy cũng giúp đỡ Hải cho cầy rẻ gần hai mẫu ruộng. Hải lại biết chút ít chữ nghĩa, nên ngoài việc cày bừa, Hải còn giúp thầy Cai mần sổ sách, thuế khóa, viết công văn đi đốc thuế. Nhờ có thầy Cai giúp đỡ, nhà Hải cũng đỡ túng bấn...

Hải nằm bên chiếc giường tre gần cửa. Vì có Mỹ dặn Hải chỉ khép hờ cửa đằng sau, nằm chờ người yêu sang. Hải trằn trọc nhưng rồi, chàng cũng ngủ tiếp đi lúc mô không biết. Hải đang ngủ ngon giấc, bỗng chàng giật mình vì có người nằm đè lên chàng. Hải hốt hoảng đưa tay ôm lấy kẻ nằm lên mình. Vì quen mùi mồ hôi, Hải biết là Mỹ chàng cười nói khẽ :

- Nặng quá trời, nằm xuống dưới ni em... sang lúc mô ?

Mỹ bẹo vào má người yêu, ghé gần tai nói :

- Ngủ chi như người chết rồi hỉ ! Em sang từ lâu thấy anh ngủ say, em ngồi nhìn anh ngủ phát thương... Răng chị Duyên sang bên ni mần chi đó... anh chị lại hẹn nhau phải không ?

Hải cười vuốt má Mỹ nói :

- Nói bậy ! Cô sang cho thuốc cháu Vi mà...

Mỹ nghi ngờ :

- Không hẹn răng anh không đóng cửa, lại mở như ri ?

Hải ôm ghì lấy Mỹ, bàn tay của chàng làm Mỹ co rúm, Hải nói :

- Miệng nói xoen xoét lạ rứa... chính em hẹn mí anh biểu anh đợi cửa chứ còn ai mô hỉ ! Rứa còn ghẹn bậy...

Mỹ cười rúc rích ôm lấy Hải...

Trong khi ấy, bên nhà thầy Cai, Duyên trằn trọc nàng nhắm mắt được. Duyên nghĩ miên man về cuộc đời nàng. Từ ngày đi lấy chồng đến nay đã được 18 tháng, cuộc đời nàng bên ngoài ai cũng tưởng phẳng lặng nào ngờ từ mối tình trong trắng miền đồng nội với Hải đến việc nàng về nhà chồng hầu hạ người chồng tàn tật, hung hản...

Duyên nghĩ đến Hải, chàng nông dân hiền lành chăm lo gia đình, vợ con. Duyên nghĩ, có lẽ nàng được lấy Hải cuộc đời của nàng đỡ phải lo lắng bận bịu... Duyên khẽ thở dài...

Thằng Phiên cựa mình khóc. Duyên ôm lấy con. Nàng vội vã cầm vạt áo kéo sang bên làm bật những chiếc cúc bấm. Nàng kéo con lại vạch vú cho con bú. Thằng Phiên bú chùn chụt mắt vẫn nhắm...

Sáng hôm sau, Duyên dậy sớm đã thấy Mỹ sửa soạn cào cỏ ra đồng, Mỹ đã nấu xong nồi cám heo, cho heo ăn. Hải cũng lấy bừa, dắt trâu ra đồng. Mỹ nấu xong nồi cháo heo bèn biểu với Duyên :

- Lát nữa, chị cho heo ăn hộ em mí hỉ ! Em đi mần cỏ ruộng.

Duyên gật đầu hỏi :

- Dì đi mần cỏ ruộng, rứa còn Hải đi cày chỗ mô nữa...

Mỹ đáp :

- Ảnh cày mấy sào ruộng khoai bên đồng Cao Sơn...

- Ruộng chi mà ở mãi bên Cao Sơn hỉ ! Chú vừa tậu chỗ ruộng đó hỉ !

- Ruộng làng cấp mà, chú cho anh Hải mần đó...

Hải và Mỹ đi làm ruộng rồi thì thầy Cai cũng vừa vậy. Người tuần phu hầu trà cho thầy Cai xuống nấu nước sôi lên pha trà thấy Duyên bèn chào :

- Dợ, mợ Ấm vừa về thăm thầy Cai đó hỉ !

Duyên cười ngẩng đầu nhìn coi ai ? Nàng gật đầu nói :

- Chú Mần đó hỉ ! Dạo ni răng, bên bà Tám mạnh đó hỉ. Tui vừa về hôm qua.

- Dợ, bẩm mợ Ấm nhờ trời mạ tui vẫn mạnh. Hôm ni đến phiên tui sang hầu thầy Cai...

Mần thấy Duyên đang quấy nồi cháo heo bèn nói :

- Mợ Ấm để tui cho heo ăn cho...

- Ừ chú đổ cháo ra máng cho heo ăn hộ tui mí...

Mần bắt nồi cháo heo ra rồi bưng ra phía chuồng heo mấy con heo bự ngửi thấy mùi cám hùng hục chạy ra, miệng kêu ủn ỉn. Mần lấy que củi bự quấy nồi cháo cho đều mới đổ tất cả ra máng. Những con heo háu ăn nhào đến định ăn nhưng vì cháo còn nóng, chúng lùi lại kêu ầm lên.

Trong bếp, Duyên cơi đống tro rơm ra hai bên bờ bếp rồi tiếp tục cho rạ vô đun...

Mặt trời đã lên cao bà Cai ra vườn hái trầu. Thầy Cai ngồi uống trà tầu, chú Mần đứng hầu bên cạnh. Bỗng bên ngoài có tiếng động cơ xe hơi vọng vô và tiếng trẻ con trong làng đang reo :

- Ô bây ơi, xe ô tô vô nhà thầy Cai đó hỉ ! Xe của mợ Ấm Duyên đó...

Nghe tiếng trẻ con reo, thầy Cai có vẻ ngạc nhiên quay vô gọi Duyên :

- Mợ Ấm ra coi xe ô tô của ai vô nhà mình đó hỉ !

Duyên cũng có vẻ ngạc nhiên khi nghe tiếng động cơ xe hơi, nàng vội ra cổng thấy rõ ràng xe của anh Phủ, người anh chồng của nàng, nàng bèn hỏi chú tài xế :

- Chi đó chú Tài ? Xe của Quan Lớn đi mô đó ? Quan Lớn có về không ?

Gã tài xế thắng xe rồi tắt máy, mở cửa đi vô nói :

- Quan Lớn biểu đánh xe về đón mợ Bẩy đó !

Duyên ngạc nhiên hỏi :

- Chuyện chi đó ?

Gã tài xế đáp :

- Nghe chuyện trên kinh hình như cậu Bẩy bị đau nặng nên Cụ Lớn trên kinh cho người về Huyện biểu Quan Lớn đi đón ngay mợ về Huế...

Nghe tin chồng bị đau nặng, Duyên hốt hoảng hỏi :

- Răng nhà tui đau nặng hỉ ! Mô có, hôm tui mí thằng cháu về nhà thì còn mạnh lắm mà...

- Dợ, thưa mợ Bẩy tui chỉ nghe rứa thôi. Còn đây là lịnh của Quan Lớn nói đánh xe về đây đón mợ và cậu nhỏ về ngay...

Thầy Cai ngồi trong nhà nghe câu chuyện giữa chú Tài và Duyên bèn hỏi :

- Chuyện chi rứa chú Tài ?

Chú Tài đi vô chưa kịp trả lời thì Duyên đã nghẹn ngào nói :

- Dạ, bẩm chú, nhà con đau nặng nên anh Huyện cho chú đánh xe đón con mí cháu Phiên về Huế ngay. Mạ con trên Huế cho người về gọi...

Bà Cai nghe nói con rể bị đau nặng bèn hốt hoảng chạy vô hỏi :

- Răng, cậu Bẩy đau nặng à ? Hôm con về, cậu Bẩy có đau chi không ?

Duyên nghẹn ngào đáp :

- Dợ bẩm không ! Nhà con vẫn khỏe mạnh như thường mà...

Thầy Cai đa nghi chép miệng nói :

- Lạ hỉ, hay có chuyện chi không phải anh Bẩy đau nặng. Bây chừ con phải về Huyện hỉ ! Rứa để chú cùng về mí con coi sự thể mần răng...

Nói rồi thầy Cai biểu vợ :

- Bà vô thu xếp quần áo cho con và cháu coi ra răng, tui cũng sửa soạn lên Huyện với mạ con nớ...

Duyên hốt hoảng quay vô buồng tìm mớ quần áo của nàng và của thằng Phiên gói lại một gói cho vô va ly, bà Cai nói :

- Để mạ ra coi có thứ chi cho con để con đưa lên biếu Cụ Lớn và chồng con trên kinh nữa hỉ !

Bà Cai le te chạy ra chạy vô tíu tít. Bà xúc một thúng đậu xanh, một thúng khoai mì giây rồi sai. Mần khiêng ra xe cho Duyên, bà Cai biểu con gái :

- Mạ gởi lên biếu các cụ trên nớ và anh Bẩy một thúng khoai mì giây đó hỉ ?

Duyên ôm con vào lòng cho bú. Thằng Phiên bú chùn chụt bàn tay nó quơ quơ trong không khí... Bà Cai nhìn đứa cháu ngoại bụ bẩm bèn cúi xuống hôn :

- Thằng chó con ni trông thiệt kháu khỉnh. Để ngoại lấy lọ nồi đánh dấu trán cho cháu hỉ ! Đánh dấu cho nó để nó có đi đường không bị ma mảnh ông bà trêu ghẹo nữa...

Duyên lặng thinh suy nghĩ... thằng Phiên bú no rồi lim dim ngủ. Duyên vẫy gọi chú Mần :

- Chú Mần đưa hộ tui chiếc va ly ra xe... Chú thưa mí chú tui, sửa soạn để lên Huyện...

Duyên bồng con đứng vậy đi ra nhà ngoài, nàng gặp bà Cai nghẹn ngào nói :

- Thưa mạ... con xin phép cho cháu về... Con nóng ruột quá không hiểu nhà con bệnh tình ra răng mà mạ con lại cho gọi như ri nữa...

Bà Cai hỏi :

- Hay là Cụ Lớn trên nớ nhớ thằng chó con ni mới gọi đây về...

Duyên lắc đầu đáp :

- Dợ, không hôm đi mạ con cho phép độ 20 ngày hay một tháng mới về mà... Chính mạ con còn dục con đưa cháu đi...

- Rứa hỉ... Có lẽ anh Bẩy đau thiệt đó hỉ...

- Dợ, sợ chú thằng Phiên đau nặng nên nội thằng Phiên mới cho gọi như rứa...

Bà Cai đưa tay ôm lấy thằng Phiên hôn :

- Thôi con về hỉ ! Con về chóng ngoan rồi ít tháng nữa về thăm ngoại hỉ ! Cha thằng chó con kháu khỉnh quá... Hắn như ri, răng mà nội hắn không nhớ... Hắn ở đây với ngoại có một hôm mà tao cũng nhớ nớ rồi đó hỉ !

Chú Mần đã đưa va ly quần áo của Duyên và hai thúng đậu xanh, khoai mì giây ra xe hơi, thầy Cai cũng đã thay quần áo sửa soạn ra xe, Duyên bèn nói với bà Cai :

- Thôi con cho cháu về mạ hỉ !

Bà Cai dặn :

- Có chi, con giử thơ về cho mạ yên lòng hỉ ! Hay con nhờ Quan Huyện cho tin về cũng được... không mấy ngày là chú con không lên Huyện...

Duyên sực nhớ đến chuyện Quan Huyện sắp được thăng Tri Phủ, rời khỏi Huyện nhà, nàng bèn nói với mạ :

- Anh Huyện con cũng sắp đi rồi, không ngồi ở Huyện ni nữa. Anh được thăng Tri Phủ.

Nghe Quan Huyện sắp đổi, bà Cai đâm sợ rối rít hỏi :

- Quan Huyện đi thì ai về ? Chú con rồi ra răng ?

Duyên an ủi mạ :

- Mạ khỏi lo, con đã thưa với anh Phủ con rồi. Hôm mô anh Phủ con bàn giao công việc cho Quan Huyện mới, ảnh sẽ giới thiệu chú với Quan Huyện mới và yêu cầu Quan Huyện mới coi chú con như người nhà hay ít ra cũng coi chú con như anh Huyện con vẫn trọng nể...

Bà Cai mừng rỡ :

- Rứa hỉ ! Rứa thì được rồi...

Bà Cai đưa con gái ra xe hơi, tay còn ôm thằng Phiên hôn :

- Cháu của ngoại về hỉ ! Khi mô chú cháu khỏi thì lại về chơi mí ngoại.

Duyên chào mạ ra về... Thầy Cai lên xe ngồi bên cạnh chú Tài. Xe phóng ra khỏi làng. Đàn trẻ con chạy theo xe reo hò ầm ỉ.

Xe chạy trên một giờ rưỡi thì về đến Huyện. Quan Huyện ngồi trong công đường trông thấy xe hơi của quan về bèn đứng dậy ra đón mạ con Duyên. Duyên trông thấy Quan Huyện bèn mỉm cười hỏi :

- Chuyện chi đó anh ?

Quan Huyện nghiêm nghị nói :

- Chú Bẩy đau nặng quá không biết có qua được không ? Mạ vừa cho người về biểu phải gọi ngay thím về Huế với chú nớ...

Duyên hốt hoảng hỏi :

- Hôm em mí anh về đây, nhà em còn khỏe mà !

Quan Huyện khẽ thở dài nói :

- Ừ hôm nớ, chú Bẩy khỏe lắm nhưng không hiểu vì răng chú nớ chỉ trở bệnh có một ngày mà thôi. Theo thơ của mạ gởi về thì chú bệnh đau nặng không biết có qua khỏi được không. Chú nớ có vẻ trông thím và cháu Phiên về. Bây chừ tui cho xe đưa thím về ngay Huế hỉ, không mạ trông lắm đó...

Duyên bùi ngùi ứa lệ hỏi :

- Dợ, thưa anh, anh có về không ?

Quan Huyện lắc đầu :

- Tui còn bận nhiều việc lắm, có chi mạ sẽ cho giấy xuống đây, tui sẽ về ngay...

Thầy Cai Tổng, chú của Duyên, nghe nói con rể đau nặng bèn hỏi :

- Bẩm Quan Lớn có biết cậu Bẩy đau ra răng không ?

Quan Huyện lắc đầu :

- Không biết chú nớ đau chuyện chi nữa !

Thằng Phiên ngồi trên xe có vẻ nóng nực, hắn khóc. Duyên vội dỗ con nhưng thằng Phiên vẫn khóc. Nàng đẩy cửa xe bước xuống nói :

- Có lẽ thằng con bị đói, để em vô cho nó ăn bột đã rồi hãy đi về Huế cũng được.

Duyên bồng con đi vô trong công đường rồi đi thẳng vô tư dinh. Quan Huyện theo luôn vô. Gã lính hầu trà thấy Quan Huyện vô bèn chấp tay cúi đầu chào. Quan Huyện gật đầu biểu :

- Chú vô coi mợ Bẩy sai chi không ?

Duyên lấy trong túi đồ đạc, một chai bột gạo trắng tinh rồi quay sang bảo chú lính lệ hầu trà :

- Chú đưa bột ni xuống pha cho tui nửa chén bột để cậu ăn hỉ !

Gã lính lệ hỏi :

- Thưa mợ Bẩy có phải cho thêm muối hay chi không ?

Duyên lắc đầu đáp :

- Không cần, bột ni do nội của thằng Phiên mần ra có pha thêm trứng và muối tinh rồi, khỏi phải pha thêm chi nữa, chú chỉ đổ vừa nước rồi đưa lên bếp đánh cho bột quánh lại là được rồi...

Bồng vô trong nhà gió mát, thằng Phiên đã hiu hiu ngủ, Duyên khẽ ru rồi đặt con xuống giường lúc đó Quan Huyện cũng đã vô, đứng nhìn thằng Phiên ngủ một cách vô tư, hỏi :

- Con ngủ rồi hỉ !

Duyên buồn rầu gật đầu đáp :

- Rồi... à mà anh hỉ, anh Bẩy đau ra răng... anh có biết không ?

Quan Huyện gật đầu đáp :

- Nghe nói chú nớ bị bệnh chi đó, khi chú nớ xỉu đi, thím Lụa hoảng hồn la lên thì may có mụ Tám Canh chạy vô ngay. Mụ Tám Canh có kinh nghiệm chồng con nhiều rồi. Mụ nớ bắt thím Lụa cứ để cho chú Bẩy nằm nguyên rứa rồi mụ chữa cho may ra mới khỏi.

Tiếng mụ Tám Canh nói lớn nên thằng Bát Mành cũng chạy xuống thấy sự thể nguy hiểm như rứa vì chú Bẩy mặt xám đi rồi, thím Lụa đã khóc, mụ Tám lấy kim thêu chích ngay vào đầu xương cụt thì quả có máu chảy ra, chú Bẩy khẽ thở được, mụ Tám Canh mừng rỡ biểu thím Lụa quay người đặt êm chú Bẩy xuống. Lúc đó chú Bát Mành đã chạy lên trên nhà hốt hoảng cho mạ hay rồi. Mạ lật đật chạy xuống chửi thím Lụa. Thiệt tội nghiệp cho thím nớ...

Duyên cười cho rằng Quan Huyện nói đùa, cợt nhả với nàng :

- Bệnh chi lạ kỳ rứa, nhưng em hỏi anh răng mà anh biết rõ rứa ! Nhà em như quỷ rứa, mần chi mà khổ như rứa được.

Quan Huyện nghiêm nghị nói :

- Thì thằng Bát Mành nói chuyện lại tui mới biết đó chứ.

Duyên ngạc nhiên hỏi :

- Chú Bát Mành về đây hỉ !

- Còn ai nữa ! Hắn được mạ bắt phải đi ngay về Huyện đưa thơ cho anh để báo tin cho thím biết là chú nớ bị bệnh nặng lắm ! Lúc đó anh mới hỏi Bát Mành về bệnh tình của chú Bẩy. Bát Mành mới thuật lại đầy đủ...

Duyên không biết bệnh của chồng ra sao lại phải do mụ Tám Canh vô cứu chữa. Thật vậy, Duyên vẫn còn là cô gái vùng quê, ít biết chuyện gió trăng kỳ lạ, nên khi nghe anh chồng kể lại bèn hỏi :

- Rứa là nhà em mắc bệnh chi mà lạ rứa ?

Quan Huyện đáp :

- Đó là bệnh Thượng Mã Phong. Bệnh ni không biết cách chữa hoặc không chữa kịp là chết tươi. Vợ chồng chung chăn chung gối với nhau, mà chẳng may người chồng bị Thượng Mã Phong, vợ không biết hất chồng xuống là chết ngay. Tim ngừng đập mạch máu tắc nghẽn, chết không kịp trối trăn chi hết. May mà khi thím Lụa thấy chú Bẩy thét lên rồi xỉu đi, thím vội la lớn. Và ngay lúc đó may lại có mụ Tám Canh đứng gần đó, đẩy cửa vô ngay. Mụ Tám Canh là người đàn bà có kinh nghiệm. Hồi còn trẻ người chồng mụ là Đội Lệ Phấn cũng đã từng bị chứng ni. May nhờ mụ đã được nghe những người lớn kể lại chuyện bệnh Thượng Mã Phong ni, mụ mới lấy kim đan chích thẳng vào đốt xương cụt Đội Phấn, nên máu chảy được va hắn tỉnh dần lại nhưng rồi cũng phải gần một tháng mới tỉnh lại.

Duyên chép miệng buồn rầu hỏi :

- Răng lại có bệnh kỳ lạ rứa hở anh Huyện ?

Quan Huyện lắc đầu nói :

- Bệnh ni vô phúc thì mắc phải... Chú Bẩy lao lực quá sức lại gặp lúc trời gió máy, hễ có gió lùa mà trời rét lạnh như mấy hôm nị, không đóng cửa cẩn thận khi vợ chồng yêu thương nhau dễ bị chứng đó lắm. Có lẽ chú Bẩy bị bệnh Thượng Mã Phong cũng vì rứa đó...

Duyên ứa lệ hỏi :

- Bây chừ bệnh tình của nhà em ra răng rồi thưa anh ?

Quan Huyện buồn rầu đáp :

- Cứ như chú Bát Mành kể lại cho tui nghe thì chú Bẩy còn mệt lắm. Tuy chú Bẩy không chết ngay lúc đó, nhưng sau đó, chú bị bệnh đờm kéo lên y như bệnh xuyển. Chú Bẩy nằm li bì hôn mê, đờm kéo lên khò khè thở trong thật thương tâm.

Sực nhớ đến chuyện chi bỗng Duyên hỏi :

- Răng anh Đốc không cứu chữa hộ nhà em hỉ ?

Quan Huyện đáp :

- Tui có hỏi chú Bát Mành câu đó thì chú Bát Mành nói, ngay sau khi mụ Tám Canh cứu được chú Bẩy thoát cái chết trong đường tơ, kẻ tóc, mụ Tám Canh vội lên trình với chú và mạ ngay. Mạ sợ quá vừa khóc vừa bắt chú phải lấy xe đi gọi anh Đốc lại ngay.

Ngay lúc ấy anh Đốc lại thích cho chú Bẩy mấy mũi thuốc đặt chú Bẩy nằm yên, nhưng rồi vào khoảng nữa đêm bỗng chú Bẩy trở bệnh cơn xuyển nỗi lên, chú Bẩy thở quá thím Lụa phải ngồi đỡ cho chú Bẩy thở hổn hễn trông thật thương tâm. Người ta cho đó là biến chứng dễ chết lắm.

Mạ lại cho gọi anh Đốc lại chữa cho chú Bẩy, nhưng anh Đốc chích thêm mấy mũi thuốc nữa cũng không thuyên giảm. Chú sực nhớ đến Quan Ngự Y Lê Thanh Bảo mới đích thân đến mời Quan Ngự Y Lê Thanh Bảo đến cứu cho chú Bẩy vì người ta nói bệnh Thượng Mã Phong ni chỉ có thuốc Nam chữa được mà thôi, thuốc Tây không mần răng chữa được...

Quan Ngự Y Lê Thanh Bảo vội đến coi bệnh thì lạ thay chú Bẩy lại biến chứng...

Duyên lo sợ hỏi :

- Biến chứng răng anh ? Anh nói mần em lo quá...

Quan Huyện đáp :

- Cơn xuyển của chú Bẩy nhẹ đi nhưng bỗng nhiên phần hạ bộ của chú nớ xưng lên và hình như nhức nhối, chú Bẩy rú lên rất kinh sợ... Tiếng tru của chú Bẩy y như tiếng chó tru làm mạ xấu hổ...

Quan Ngự Y Lê Thanh Bảo lắc đầu nói :

- Bệnh đã nhập tâm khó chữa lắm !

Chú và mạ nài nỉ mãi cụ Ngự Y Lê Thanh Bảo mới bốc cho chén thuốc, bảo về trộn thêm nữa giá hột quít và vỏ quít sắc lên cho chú Bẩy uống nếu hạ bộ của chú Bẩy bớt xưng lên và bớt nhức thì ngài Ngự Y mới tiếp tục chữa bệnh này cho. Bằng không thì chỉ còn chờ chết mà thôi.

Chú Bẩy có vẻ đau đớn lắm nên mỗi lúc chú Bẩy tru một lớn, chú vội biểu mụ Tám sắc vội chén thuốc đưa đổ cho chú Bẩy, chú Bẩy nằm ngủ yên được nhưng hạ bộ của chú Bẩy vẫn không chịu được phút mô hết....

Thấy chú Bẩy ngủ được, chú mạ đã có ý mừng nhưng vào khoảng bốn giờ sáng chú Bẩy thức dậy lại kêu đau vất vả có phần nặng hơn trước. Hạ bộ của chú Bẩy vẫn cứng lên không làm răng cho mềm được. Chú Bẩy tru rống lên thật thê thảm. Chú lại phải đích thân đi đón Quan Ngự Y Lê Thanh Bảo đến coi bệnh cho chú Bẩy. Quan Ngự Y lắc đầu chê nhưng chú vẫn nài nỉ vì còn nước thì tát, một mặt chú cho đi cắt thuốc cho chú Bẩy, một mặt mạ cho chú Bát Mành về đây báo tin cho tui biết và bảo tui phải gọi thím về ngay cho chú Bẩy gặp mặt.

Như thế ni, có lẽ bệnh chú Bẩy nặng lắm nên mạ mới mần như rứa. Tui vội cho tài xế đánh xe đi gọi thím và cháu Phiên về. Thôi bây chừ thím và cháu ra xe trở về Huế không mạ trông thím lắm đó hỉ !

À mà tui dặn thím điều ni hỉ ! Nếu chú Bẩy thuyên giảm thì thôi không cần báo cho tui biết mần chi bằng bệnh chú Bẩy tăng lên thì thím trình với mạ xin cho thằng Bát Mành về ngay Huyện cho tui biết.

Nhân có tài xế đánh xe cho thím và cháu Phiên về, thím biểu với nhà tui coi bệnh tình của chú Bẩy ra răng viết thư trao tài xế đưa về cho tui...

Duyên sợ mình quên lời dặn của anh chồng, nàng hỏi Quan Huyện :

- Răng anh không viết thơ cho chị nớ rồi em mang về cho, anh dặn em lúc ni em nóng ruột vì bệnh tình của nhà em mần răng em nhớ cho được...

Quan Huyện gật đầu đáp :

- Ừ phải đó... Thím đợi tui viết cho nhà tui cái thơ hỉ.

Duyên buồn rầu gật đầu đáp :

- Dợ, anh đưa cho em đưa lại chị Phủ... Em nóng ruột quá, không biết bệnh tình của chú thằng Phiên ra răng nữa ! Em chỉ lo anh Bẩy có mệnh hệ mô thì phiền lắm đó hỉ !

Quan Huyện ngạc nhiên hỏi :

- Phiền chi ? Chú nớ mất thì cũng rứa chứ răng nữa...

Duyên nguých người anh chồng rồi nói :

- Răng anh chóng quên rứa ! Anh biết răng em rất mắn sanh. Lần trước anh còn nhớ, em có mang thằng Phiên một ngày trước khi về với nhà em. Bây giờ, mạ sợ em ở nhà không cữ được mí anh Bẩy mới cho phép em về quê thăm gia đình. Nào ngờ về nơi ni lại rứa, lỡ có mang thì răng lần ni đổ răng được cho anh Bẩy vì ảnh đã chết rồi. Lo là lo như rứa đó hỉ !

Quan Huyện giật mình gật đầu :

- Ừ hỉ ! Rứa mà anh quên đó ! Nhưng em cứ lắng coi ra răng, nếu có mang thiệt thì anh sẽ lo cho em mà...

Thằng Phiên đang nằm ngủ trên giường bỗng cựa mình, miệng mếu xệch định khóc, thì Duyên đã bồng lấy con vỗ về :

- A ơi, mạ thương thằng chó con của mạ hỉ ! Thằng chó con ngủ ngoan rồi mạ cho con về thăm chú hỉ ! Chú đau đó, thằng chó con có biết không ?

- Thằng Phiên có người vỗ về nên nằm yên, nhắm mắt ngủ lại. Duyên bảo với Quan Huyện :

- Thôi em về đây anh Phủ hỉ ! Từ Huyện về trại của chú và mạ độ một giờ đến nơi phải không anh ?

Quan Huyện gật đầu đáp :

- Ừ độ một giờ về đến Huế rồi...

Duyên bồng con ra xe hơi, Quan Huyện đi theo Duyên ra bảo gã tài xế :

- Chú lái xe cẩn thận cho mợ Bẩy về Huế hỉ ! Lúc về chú nhớ bẩm với Bà Lớn coi Bà Lớn có gởi chi về không hỉ !

- Dợ... bẩm Quan Lớn con đi bây chừ ?

- Ừ... Thôi thím mí cháu về hỉ ! Bệnh tình của cậu nớ ra răng thím biểu nhà tui viết thơ về cho tui biết hỉ !

Xe từ từ chạy ra ngoài cổng Huyện, quẹo tay trái ra lộ cái rồi phóng thẳng về Huế. Duyên bồng con ngồi băng sau, lòng nóng như lửa đốt, nàng chỉ mong sao cho mau về đến trại coi bệnh tình của cậu Bẩy tức cậu Chó chồng nàng ra răng ? Hồi này anh Huyện có cho biết cậu Chó bị bệnh Thượng Mã Phong nhưng Duyên có biết thứ bệnh tật đó có cái tên Tàu dài đó đâu ? Nàng không hiểu bệnh ? là bệnh chi nữa...

Xe về Thành phố Huế qua cầu Tràng Tiền chạy thẳng về phía trại của Cụ Thượng Bộ Lại, từ bên ngoài nhìn vô, Duyên nhận thấy chiếc xe hơi của anh Đốc vẫn đi. Duyên thấy lo sợ...

Xe ngừng trước cửa tư dinh của Cụ Thượng, Duyên lật đật mở cửa, bồng Phiên đi xuống.

Cụ Thượng Bà nghe tiếng xe hơi thắng bèn ngẩng lên nhìn ra ngoài thấy mạ con Duyên, Cụ Thượng Bà có vẻ mừng rỡ hỏi :

- Mạ con thằng Phiên về đó hỉ ! May quá chú thằng Phiên đang mong thằng Phiên đó. Duyên... con bồng ngay thằng Phiên xuống nhà dưới chỗ chú hắn nằm đó cho chú hắn thấy mặt thằng Phiên... Thiệt khổ, chú nớ chỉ còn nắm nuối có thằng nhỏ ni mà thôi, rứa mà hắn không mần răng mà đi nổi. Thiệt là máu chảy đến mô, ruồi bâu đến đó là rứa đó...

Duyên lo sợ hốt hoảng hỏi :

- Dơ, thưa mạ. Anh Bẩy con đau ra răng ?

Cụ Thượng Bà thở dài nước mắt chảy quanh :

- Khổ lắm nếu có con ở nhà chưa chắc thằng Bẩy đã chết, con khốn nạn, con điếm Lụa mần chết thằng Bẩy rồi nó cũng bị voi giày ngựa xéo là rứa đó, con đưa ngay thằng Phiên xuống cho chú nó...

Duyên vội vã bồng con xuống nhà dưới, mụ Tám Canh ngồi dưới nhà ngang đã thấy Duyên ngồi xe hơi trở về nhưng mụ đứng ngoài cửa đón Duyên và thằng Phiên về, mụ Tám Canh mừng rỡ nói :

- Thiệt khổ cậu Bẩy chỉ nắm nuối chờ mợ mí cháu Phiên mà thôi, không thì cậu Bẩy đã đi lâu rồi. Mợ xuống ngay với cậu nớ không cậu nớ mong ! Thiệt tội nghiệp cậu Bẩy ! Cha mô mà chả thương con, con mô mà chả nhớ cha, dù sắp chết cậu Bẩy vẫn còn sống để trông thấy mặt vợ, mặt con đã mới nhắm mắt được...

Nói mụ Tám Canh dắt Duyên vào buồng cậu Bẩy tức cậu Chó nằm. Trong buồng Lụa ngồi bên chồng tay nàng đang quạt và xoa bóp chân tay cho chồng. Cậu Bẩy xanh xao vàng vật, mồ hôi ra rin rịn, mắt cậu nhắm nghiền. Mãi cho đến khi Duyên lên tiếng gọi :

- Cậu Bẩy, em và con về đây hỉ ! Cậu Bẩy ơi dậy mí con nè...

Duyên vừa nói vừa nghẹn ngào khóc. Thằng Phiên cũng oa lên khóc trông thật thảm thương...

Cậu Bẩy hé mắt nhìn. Đôi mắt cậu Bẩy đưa lên, tay quơ quơ như để bồng lấy Phiên nhưng khi Duyên đưa thằng Phiên lạy tay của cậu Chó thì cậu đã hết thở, tay quơ vô vọng, chán nản... Cậu Bẩy khẽ thở dài rồi hai tay buông xuôi...

Duyên đặt con bên chồng rồi gục đầu xuống ôm lấy chồng khóc nức nở :

- Anh Bẩy đừng bỏ em và con, anh Bẩy ơi... Em và con về đây nè, anh tỉnh dậy mà chơi với con thằng Phiên đây hỉ, anh Bẩy ơi.

Tiếng khóc của Duyên thật thê thảm buồn bã, cậu Chó như không còn nghe được nữa, cậu đã đuối sức, đã hấp hối. Cậu không còn khả năng để ôm lấy vợ, bồng lấy con nữa, cậu Bẩy nấc lên mấy tiếng làm cả Lụa lẫn Duyên hốt hoảng la lớn :

- Anh Bẩy ới ! Anh Bẩy ơi ! Đừng bỏ em và con anh Bẩy ơi...

Mụ Tám Canh nghe hai vợ cậu Bẩy khóc thét lên vội chạy vào thấy cậu Chó mắt trợn ngược, tay bắt chuồn chuồn của một kẻ sắp tắt nghỉ, mụ vội vàng la lớn :

- Chú Bát Mành ơi, chú vô trình với Cụ Lớn là cậu Bẩy sắp đi rồi... Trình cả với Quan Đốc để Quan Lớn biết với...

Bát Mành vội chạy vào nhà trên, nơi Cụ Thượng Bà và Quan Đốc anh ruột của cậu Bẩy đang ngồi nói chuyện, thưa rằng :

- Bẩm Cụ Lớn, bẩm Quan Đốc, cậu Bẩy con sắp đi rồi, xin trình để Cụ Lớn và Quan Lớn biết...

Cụ Thượng Bà hốt hoảng hỏi :

- Răng cậu Bẩy sắp đi à... Trời ơi, con ơi, con nỡ mô bỏ mạ như ri, con ơi đợi mạ đi mí con ơi.

Cụ Thượng Bà trụt vội xuống dưới phản, đi vào đôi dép dừa xe te chạy xuống. Quan Đốc vội xách chiếc cặp da đựng ống chích và thuốc hồi dương chạy theo mạ già xuống chỗ cậu Bẩy nằm.

Trong nhà tiếng khóc lóc thảm thương càng vang lên. Cụ Thượng Bà đẩy cửa bước vô... Cậu Bẩy vẫn còn nấc, tay vẫn bắt chuồn chuồn. Cụ Thượng vội ôm lấy cậu Bẩy khóc :

- Bẩy... Bẩy đừng bỏ mạ mà đi con ơi ! Bẩy ơi ! Bẩy không thương mạ sao ? Bẩy ơi, thằng Phiên về đây hỉ !

Cụ Thượng Bà vừa ôm lấy thi hài của cậu Bẩy giật mấy cái rồi tiếng nấc cụt như nghẹn lấy họng cậu Bẩy... Thế là đôi mắt cậu Bẩy trợn ngược lên và tắt nghỉ...

Tiếng khóc vang lên... Thế là xong một đời người...

Saigon, ngày 18-4-1969

/40

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status