Khu vực nội thành lâu đời là một nơi được biết mấy, tuy ngõ nhỏ quanh co vòng vèo nhưng vừa ra là đến ngay trung tâm thành phố, đi đâu cũng tiện.
Bởi vậy, những kẻ gian giảo đông đảo, các hộ bị cưỡng chế ba hồi xếp thành chữ “người”, ba hồi xếp thành chữ “nhất”, khiến bên giải tỏa muốn trầy da tróc vảy, cuối cùng mới dẹp yên được.
Người dân trong ngõ đều được nhận một khoản bồi thường không nhỏ.
Gia đình Tam Béo và Ngụy Khiêm đều bàn bạc xong xuôi, được sự khuyến khích của Lão Hùng, họ chọn ba căn trên một con đường không tệ, vừa khéo là một tầng ba hộ – căn còn lại để cho mẹ Mặt Rỗ, bà là một người tàn tật, làm gì cũng bất tiện, phải có ai ở gần trông nom mới được.
Bên phía nhà mới được vợ Lão Hùng ôm đồm nhận hết toàn quyền, cha mẹ Tam Béo còn thường xuyên ghé qua chứ Tam Béo với Ngụy Khiêm căn bản chẳng thèm đến xem thử, làm như ông chủ vậy.
Vợ Lão Hùng là một người rất khó hiểu, tính cách cực kỳ nóng nảy, y như một quả pháo kép chuẩn bị bay lên trời bất cứ lúc nào, đặc biệt là đối với Lão Hùng, hở chút là nhéo tai bạo lực gia đình… Đương nhiên, Lão Hùng sợ vợ này cũng rất thích bị đòn – chị vợ hệt như Vương Hy Phượng trong “Hồng lâu mộng”, hễ gặp chút việc có thể chứng tỏ năng lực là đều vội vã chạy đến ôm rơm vào bụng.
Chị ta làm việc cũng dứt khoát chu đáo như chính con người mình vậy.
Bữa nọ Ngụy Khiêm tiện đường ghé qua xem thử, nhìn bán thành phẩm mà giật nảy mình, kẻ khách sạn năm sao hay chuồng heo đều ở được tất như gã không thể không thừa nhận, chị Hùng quả thật rất biết cách hưởng thụ.
Các dấu hiệu đều cho thấy chị Hùng chắc hẳn từng được giáo dục rất tốt, mà một người phụ nữ tính cách lẫn năng lực đều không nên ở nhà như vậy, chẳng biết vì sao lại chịu trông nhà cho Lão Hùng – nói thật, nhà Lão Hùng thực sự chẳng có gì đáng để tập trung vào, cha mẹ hai bên đều không cần họ nhọc lòng, việc nhà thuê người làm, mà đôi vợ chồng này cưới nhau mười năm cũng chưa có con, bà Hùng từ sáng đến tối ở nhà chẳng biết có thể làm gì, nhất định phải rảnh phát mệt.
Tam Béo từng tò mò rằng tại sao chị ta không đi làm cũng chẳng chịu sinh con, bị Ngụy Khiêm nạt cho, Ngụy Khiêm từ nhỏ đã không thích đi nghe ngóng chuyện nhà người ta.
Bên phía chị Hùng tất cả tiến triển thuận lợi, bọn Ngụy Khiêm lại không suôn sẻ cho lắm.
Hôm nay Tam Béo chạy sang nhà Ngụy Khiêm, Ngụy Khiêm hiếm khi về nhà từ sớm, hai người chủ yếu tính toán việc mẹ Mặt Rỗ.
Hai người mấy năm qua sống trong khổ cực, sau này đi theo Lão Hùng, quả thật cũng phải chạy ngược chạy xuôi mới tích góp được chút đỉnh, nhưng từ đầu chí cuối đều làm tròn lời hứa với người đã khuất.
Mẹ Mặt Rỗ chưa từng thiếu thốn ăn mặc, luôn có người trông nom, ngày lễ ngày tết được Tam Béo và Ngụy Khiêm thay phiên đón về nhà mình.
Nhưng con nuôi thân hơn nữa thì cũng chẳng phải là con ruột.
Suốt sáu bảy năm, thằng Mặt Rỗ xấu xí của bà không về thăm nhà một lần, ngoài tiền gửi về thì thỉnh thoảng chỉ thêm được mấy lá thư. Chữ viết vụng về buồn cười, xiêu xiêu vẹo vẹo, cũng chỉ nói dăm ba câu thôi, mỗi lần Ngụy Khiêm đọc cho bà nghe, bà đều chưa kịp cảm nhận thì đã hết rồi.
Nhưng cách ngụy tạo thư từ ngày càng không ổn, vài năm nay do sự thông dụng của di động và sự thuận tiện của việc truyền tin, lắm lúc mẹ Mặt Rỗ phải nghi hoặc, con trai mình đi làm ăn, lần nào cũng gửi cho mình nhiều tiền như vậy, vì sao không sắm lấy một cái điện thoại?
Mỗi lần bà cằn nhằn việc này với bọn Ngụy Khiêm, đều khiến hai cậu trai kia toát mồ hôi.
May mà gần đây bà không nhắc đến nữa.
Trước mắt nhà cũ sắp dỡ, không hề bất ngờ khi mẹ Mặt Rỗ không muốn đi, dẫu hai người đã thay nhau thổi phồng về nhà mới thì bà vẫn không nỡ đi – mẹ Mặt Rỗ nói, bà sợ dọn đi rồi con trai quay về không tìm được nhà.
Ngụy Chi Viễn mở cửa bước vào thấy Tam Béo và Ngụy Khiêm đứng bên cửa sổ, mỗi người cầm một điếu thuốc, dựa vào hai bên cửa, nhìn về hướng gốc hòe già, thi nhau im lặng.
Bất ngờ nhìn thấy Ngụy Khiêm, Ngụy Chi Viễn hơi chần chừ khựng lại đó: “Anh Tam… anh hai, sao hai anh về rồi?”
Cậu cất tiếng phá tan sự im lặng, Tam Béo lúc này mới động đậy, ngoảnh lại ngẩng đầu nhìn cậu bé, đau đớn nói: “Thằng Khiêm nó đã cho nhóc ăn thứ gì mà thành cột nhà luôn rồi?”
Ngụy Khiêm rất phiền lòng, tiện tay dụi điếu thuốc vào cửa sổ: “Cột nhà cũng tốt hơn chán cái loại cánh cửa như ông… Ôi, thôi, để tôi đi nói với dì ấy vậy.”
Nói xong gã rảo bước xuống lầu, mẹ Mặt Rỗ đang ngồi hóng mát dưới gốc hòe, khuôn mặt vẫn lồi lõm, chẳng qua trung niên mà mắt đã hơi lòa, có vẻ già nua của người cao tuổi.
Nhìn thấy gã đến, mẹ Mặt Rỗ ngẩng đầu cười cười: “Khiêm.”
“Dì.” Ngụy Khiêm bước đến, kéo ống quần ngồi xổm ngay bên cạnh, đồng thời cân nhắc chọn từ ngữ, gã thật sự cạn từ rồi, hễ có thể nghĩ đến thì gã đều đã nói cả, còn nói nữa thì sẽ thành cái bánh xe quay tròn lặp đi lặp lại mất thôi.
Ngụy Khiêm thực sự rất mệt, ngày nào gã cũng bận tối mày tối mặt, chỉ bớt được thời gian ngó qua nhà mới một chút, lại còn phải bị đả kích tinh thần, suốt ngày cò cưa với mẹ Mặt Rỗ.
Nếu là người khác thì gã đã nổi nóng từ lâu rồi, nhưng mẹ Mặt Rỗ… Ngụy Khiêm ấm ức ngồi xổm xuống, cười khổ, đành phải nhẫn nhịn.
Gã buồn bực hỏi bà: “Con không hiểu, cái nơi phải gió này thì có gì hay, nhà mới không tốt hơn sao?”
Mẹ Mặt Rỗ cúi xuống dịu dàng nhìn gã.
Ngụy Khiêm nói tiếp: “Con thấy dì nghĩ nhiều quá rồi, Mặt Rỗ lớn già đầu rồi chứ có phải trẻ lên ba đâu, dù lúc về thật sự không tìm được nhà, chẳng lẽ không biết hỏi thăm? Con…”
Mẹ Mặt Rỗ đột nhiên hỏi: “Dì đã làm phiền con và thằng Tam à?”
Đâu chỉ làm phiền, quả thực phiền muốn chết luôn! Ngụy Khiêm than thầm trong bụng, vì việc này mà gã đặc biệt chạy về gấp, trước bữa tối còn phải ăn vận đàng hoàng đi theo làm lâu la cho Lão Hùng, ngay trong đêm ngồi xe lửa đến xem một hạng mục ở nơi khác.
Ngụy Khiêm nghẹn trong họng, mật đắng muốn trào lên, rốt cuộc vẫn gượng cười: “Không đâu… làm sao có thể chứ dì?”
Mẹ Mặt Rỗ nhìn gã một hồi, bỗng nhượng bộ một cách bất ngờ, bà nói: “Thế… thế hay là thôi đi vậy, dì thật sự không cố ý gây phiền phức cho các con, dì già rồi, ở đây hơn nửa đời, đột nhiên bảo chuyển nhà, dì chưa kịp chuẩn bị tâm lý, nên nhất thời không nỡ.”
Ngụy Khiêm nhận ra bà có ý buông lỏng, quả thực mừng rỡ như điên, không ngờ sau năm lần bảy lượt cuối cùng đã làm cho trời đất cảm động, khiến mẹ Mặt Rỗ bớt bảo thủ, vội rèn sắt nhân khi còn nóng: “Dì, thế dì đồng ý dọn đi chứ?”
Mẹ Mặt Rỗ cúi đầu xuống tránh né tầm mắt gã, một lúc lâu mới gật nhẹ: “Vậy thì dọn đi.”
Ngụy Khiêm lập tức như dỡ được gánh nặng, vội đứng dậy: “Được! Vậy là xong hết vấn đề, ngày mai con bảo ông Tam dẫn dì đi ký hợp đồng nhận tiền bồi thường nhé? Ôi dì ơi, rốt cuộc dì cũng gật đầu, nếu không chắc con phải quỳ lạy dì luôn quá.”
Mẹ Mặt Rỗ nói: “Sắp đi rồi, dì muốn xem lại cả khu, con đẩy dì đi một vòng được không?”
Bà chỉ có một cánh tay là còn sức, ngồi xe lăn đẩy mình ra sân còn tạm được, nhưng đường dài thì không thể.
Ngụy Khiêm không ý kiến gì quỳ luôn một gối xuống: “Đẩy cái gì chứ, để con cõng dì!”
Gã cõng mẹ Mặt Rỗ thong thả đi qua mỗi một ngõ hẻm nhớp nháp, vẫn rộn ràng nhốn nháo như xưa, trẻ con vẫn chạy nhảy khắp nơi, chỉ là lũ trẻ thế hệ trước đã lớn và thay bằng một đám khác, vẫn là xe đạp đậu lung tung, chòi hóng mát phi pháp đâu đâu cũng thấy, tiệm tạp hóa người dân sửa từ ban công; vẫn là gốc hòe già “quỷ treo cổ” cứ đến mùa hè là không ngừng mất đi sắc xanh non.
Ngụy Khiêm vừa đi vừa kể chuyện làm mẹ Mặt Rỗ bật cười, ví dụ như năm đó gã và Mặt Rỗ chung tay trị Tam Béo ở giao lộ nào, sau đó cả ba lại xóa hết thù oán như thế nào, ví dụ như quán quẩy cũ của nhà họ vốn ở nơi đâu… Đột nhiên, một giọt nước lạnh ngắt rơi xuống cổ, khiến Ngụy Khiêm phải ngậm miệng.
Rồi một chuỗi nước mắt liên tiếp rơi xuống cổ và mặt Ngụy Khiêm, sau lưng có tiếng nức nở khàn khàn đầy kìm nén.
Ngụy Khiêm dừng bước, khoảnh khắc ấy gã chỉ muốn tát mình một cái.
Lời nói dối trăm ngàn lỗ hổng mà hai người mất sáu bảy năm bịa ra, sau vô số lần nguy ngập rốt cuộc vẫn bị bại lộ.
Gã nên ý thức được ngay từ lần đầu tiên nghe mẹ Mặt Rỗ nói như vậy.
Người sống làm sao mà không tìm được nhà?
Ngụy Chi Viễn vẫn ở bên cửa sổ quan sát.
Cậu nhìn thấy khuôn mặt chằng chịt sẹo của mẹ Mặt Rỗ, vừa khóc là những vết sẹo đỏ bừng lên càng thêm đáng sợ. Lúc anh hai vắng nhà Ngụy Chi Viễn vẫn hay đưa cơm cho bà, mỗi lần sang bà đều rất ân cần dúi một nắm kẹo hoặc quà vặt vào túi cậu – dù cậu không còn nhỏ nữa.
Mỗi lần Ngụy Chi Viễn đều cảm nhận được sự đờ đẫn cam chịu, và sự lấy lòng gần như thấp kém từ bà, giống như dù giữ cậu lại thêm năm phút, nói thêm vài câu cũng được.
Bà luôn cô quạnh và ẩn nhẫn, Ngụy Chi Viễn chưa bao giờ thấy mẹ Mặt Rỗ khóc lóc như thế.
Mà nước mắt của bà rơi lên mặt Ngụy Khiêm, giống như gã cũng khóc vậy.
Nhưng Ngụy Chi Viễn biết anh hai sẽ không khóc. Từ ánh mắt sâu thẳm và hàm răng cắn chặt của anh hai, cậu nhìn thấy sự kiềm chế như dao cứa vào tim.
Không biết vì sao, nhìn thấy khuôn mặt nghiêng ấy, dòng máu nóng trong tim Ngụy Chi Viễn bỗng chảy ngược, sự ấm áp xuôi qua cả lồng ngực, khiến tim cậu trở nên mềm yếu.
Ba năm rồi, mỗi khi tới gần anh hai, Ngụy Chi Viễn đều thấy cảm giác dính dấp khắp người không xua đi được khiến cậu ghê tởm và nôn nóng, trong tình cảnh chỉ giây lát này, cảm giác dính dấp ấy lại tiêu tan như phép lạ. Cậu nhìn Ngụy Khiêm thả mẹ Mặt Rỗ khóc không thành tiếng về lại xe lăn, đẩy vào sân nhà Mặt Rỗ, cho đến khi không trông thấy nữa mới thôi.
Trong chớp mắt, Ngụy Chi Viễn bỗng cảm thấy mất mát – cậu luôn muốn bắt chước, muốn vượt qua anh hai, hòng giảm bớt sự căng thẳng khi lại gần anh, cậu cũng luôn không mong anh hai về nhà, bởi nếu anh cứ ở trước mắt thì sẽ khuấy tung sự bình tĩnh hiếm có – mà lúc này, trong lòng Ngụy Chi Viễn chợt sinh ra cảm xúc gần như “mong nhớ”, dù Ngụy Khiêm mới còn trong tầm mắt, cậu nôn nóng muốn được bình tĩnh nói mấy câu với anh hai, muốn để mình gần anh hai hơn, nghe xem anh nghĩ thế nào.
Nghiệp hỏa(1) vẫn cháy rực trong lồng ngực cậu dường như đột nhiên tách rời, dần yếu bớt, thành một ngọn lửa ấm áp dễ chịu, lan tràn ra một thứ tình cảm tăm tối biến hóa khó lường.
Ngụy Khiêm nhanh chóng quay về, nằm vật xuống giường mà thở dài thườn thượt.
Một lát sau bên cạnh động nhẹ, Ngụy Chi Viễn ngồi xuống cạnh gã.
Ngụy Chi Viễn tiện tay lấy dao và táo trên bàn, gọt vỏ cẩn thận đưa cho Ngụy Khiêm: “Anh, vì sao anh tốt với dì bán quẩy như vậy, dì ấy đâu phải mẹ ruột của anh?”
Ngụy Khiêm nhận lấy, nhếch môi: “Đâu ra lắm cái vì sao như vậy, không vì sao hết.”
Ngụy Chi Viễn: “Sao lại không vì sao?”
Ngụy Khiêm thoáng dừng: “Anh Mặt Rỗ… Mày còn nhớ anh Mặt Rỗ chứ?”
Ngụy Chi Viễn gật đầu.
Quả táo không to, Ngụy Khiêm cắn một miếng hết non nửa quả, má phồng lên, có điều đang mọc răng khôn nên nhai rất khó, một lúc lâu mới nuốt được, sau đó gã nói với Ngụy Chi Viễn: “Nếu lúc đó là tao chết, anh Mặt Rỗ của mày dù phải đập nồi bán sắt vụn cũng sẽ nuôi nấng mày và Tiểu Bảo.”
Ngụy Chi Viễn gác một chân lên giường, im lặng cúi đầu ngắm nhìn khuôn mặt Ngụy Khiêm, cảm nhận được một chút khác thường từ đây, cậu chỉ muốn đưa tay sờ thử.
Cậu thiếu niên thầm nghĩ, vì sao tốt với em như vậy? Em cũng chẳng phải là em ruột của anh.
Nhưng cậu không hỏi, câu này chạy một vòng trong lòng rồi cuối cùng tiêu tan vào xương cốt.
Hình như đột nhiên nhớ đến điều gì, Ngụy Khiêm nghiêng người ngồi dậy, ngậm quả táo đưa tay với cặp, vẫy Ngụy Chi Viễn lại: “Qua đây.”
Nói xong gã lại nhìn quanh nhà một vòng: “Tiểu Bảo không có nhà hả?”
Ngụy Chi Viễn: “Nó đến đội múa tập luyện rồi ạ.”
“Đội múa là cái khỉ gì… Nó không thể tập trung vào việc nghiêm túc à!” Ngụy Khiêm nhíu mày, hiển nhiên rất không hài lòng khi nghe về đội múa này, nhưng lại nhanh chóng ném phăng đi, đưa cặp cho Ngụy Chi Viễn, “Mở ra xem đi.”
Đó là cặp đựng máy tính, Ngụy Chi Viễn đã nhận ra từ sớm, cậu chần chừ nhìn Ngụy Khiêm một cái, cẩn thận mở ra, thấy bên trong là một cái laptop mới toanh.
Ngụy Khiêm bắt chân chữ ngũ ngồi trên ghế mắng: “Không phải mày cần tham gia cuộc thi máy tính kia à? Hôm qua giáo viên của tụi bay gọi cho tao, nói mày cứ chạy đến phòng máy của trường thì bất tiện lắm – sao không nói với tao một tiếng? Về sau thiếu cái gì thì cứ nói thẳng với tao, tao kiếm tiền để làm gì đây?”
Ngụy Chi Viễn cười cười, cậu ngượng ngùng cúi đầu như một đứa trẻ thật sự, trân trọng lướt đầu ngón tay qua chiếc laptop sáng bóng.
Ngụy Khiêm cúi đầu xem đồng hồ: “Ôi thôi chết, tao phải đi rồi, đừng cho Tiểu Bảo chơi, tốt nhất là đừng cho nó thấy luôn, kẻo con nhỏ ham chơi mất cả ý chí, nghe chưa hả?”
Ngụy Chi Viễn: “Cảm ơn anh.”
Hôm ấy Ngụy Chi Viễn nhìn Ngụy Khiêm lấy hành lý, còn không quên tiện tay cầm một quyển sách, sải bước ra giao lộ, vẫy taxi mà đi.
Cậu thiếu niên đứng đó nhớ lại tâm tình của mình ban nãy, dường như muốn làm rõ nguyên do, nhưng rồi nhanh chóng bỏ đi.
Nếu không phải đến một cách lạ lùng thì sao có thể tính là tim đập thình thịch được?
Đến cuối năm dương lịch, Ngụy Khiêm đang bị luận văn tốt nghiệp và một hạng mục chưa quyết chỗ Lão Hùng đồng thời tra tấn thì họ dọn vào nhà mới, Ngụy Chi Viễn rốt cuộc cũng có phòng riêng.
Khi lần đầu tiên đẩy cửa bước vào, quả thật bà Tống y như già Lưu vào Đại Quan viên(2) vậy, cả đời chưa từng được ở trong căn nhà đẹp đến thế, thành ra bà rụt rè không biết để tay chân vào đâu.
Bà Tống y hệt phân liệt, lúc thì hỏi như mộng du: “Đây là nhà chúng ta sao? Chúng ta sau này sẽ ở đây sao?”
Khi thì quắc mắt mắng Ngụy Khiêm: “Tao thấy thằng nhãi đó chỉ giỏi đốt tiền thôi! Mới ăn no được vài ngày mà đã vểnh đuôi lên trời! Xài hết bao nhiêu tiền hả thằng ôn dịch phá của, sao nó không mua hẳn vương phủ mà ở đi? Mới kiếm được vài đồng, chậc chậc, trần thế này không chứa nổi nó nữa rồi!”
Lúc này ba anh em đều ăn ý lờ đi tiếng chửi đổng vui mừng của bà lão.
Một mặt ăn mừng vì chuyển đến nhà đẹp, một mặt để cảm ơn chị Hùng đã giúp sức, hai nhà Tam Béo và Ngụy Khiêm hợp lại mời vợ chồng Lão Hùng một bữa, đến giữa buổi mới biết hôm ấy vừa khéo là sinh nhật chị Hùng.
Vì thế tối đó Tam Béo và Ngụy Khiêm lại cùng chị Hùng đi ăn sinh nhật, chị Hùng gọi thêm một nhóm thanh niên, cả đoàn đến một club gần đó thuê phòng.
Chị Hùng gọi tới phần lớn là các cô gái trẻ, chẳng những trẻ trung bình thường, khí chất còn rất khác biệt, không cần biết là ngũ quan xinh đẹp hay ngoại hình khá tầm thường, đều có khí chất nghệ thuật khó nói thành lời, đặc biệt vui tai vui mắt, cha nội Tam Béo ục ịch này cứ dòm lom lom không biết mất mặt.
Lão Hùng bị vợ quản chặt, cả đoàn người đẹp trước mắt nhưng chẳng dám ngẩng lên, chỉ cúi gằm đầu ngồi thiền trong một góc.
Tam Béo: “Wow, chị dâu từ đâu quen biết lắm người đẹp như vậy?”
Lão Hùng nói nhỏ: “Chị chú trước kia làm ở đoàn văn công, mấy cô bé này chị chú đều từng dẫn dắt đấy.”
“Trước kia”? Lão Hùng không nói vì sao hiện giờ thôi làm, Ngụy Khiêm cũng chẳng thăm dò, gã không cầm được chú ý đến một cô bé trong đó.
Cô gái… cô gái đó xinh đẹp đến chói lóa, mà vẻ đẹp ấy không phải là sự đáng yêu của các cô bé, cũng không phải sự thuần khiết và thông minh của học sinh, mà là vẻ đẹp thuần túy không lẫn tạp chất của nữ giới.
Có cô bé khiến người ta liên tưởng đến cô em hàng xóm, có cô bé khiến người ta liên tưởng đến một loại động vật nhỏ, có cô lại khiến người ta liên tưởng đến phong cách vẽ nào đó, nhưng cô này không gợi liên tưởng đến bất cứ thứ gì, lúc cô đứng ở đó, sẽ chỉ cho người khác cảm nhận được chính xác rằng đó là một người đàn bà.
Chị Hùng rất tinh mắt, nhìn lướt qua là phát hiện ngay, lén dùng khuỷu tay huých Lão Hùng: “Ê, ông nhìn kìa.”
Lão Hùng cho là thử thách của tổ chức đến rồi, vội vàng hoảng sợ tỏ rõ lập trường: “Tôi không nhìn.”
Chị Hùng véo lão: “Tôi bảo ông nhìn Tiểu Ngụy, ông có phát hiện không, từ lúc Đình Đình vào, ánh mắt Tiểu Ngụy thậm chí chưa lướt qua người khác – tôi hỏi này, cậu nhóc chưa có đối tượng chứ?”
Khiến Lão Hùng phải thở ngắn than dài: “Sao bà cô của tôi lại mê làm bà mai rồi?”
“Tích đức, tích đức đó ông hiểu không?” Nói rồi chị Hùng cao giọng gọi cô bé kia, “Đình Đình, qua đây chị giới thiệu cho một người!”
Đình Đình đáp một tiếng, đứng dậy đi khỏi nhóm con gái.
Tam Béo lúc này mới định thần thoát khỏi các người đẹp muốn hoa cả mắt, vừa nhìn thấy Đình Đình, thoạt đầu hắn hơi sửng sốt, sau đó trợn tròn mắt, lập tức cất tiếng ngăn cản: “Chị dâu, đừng…”
Nhưng chị Hùng đã nhanh nhẹn kéo Ngụy Khiêm tới: “Cô bé này ngày trước làm chung với chị, tên Đình Đình, còn đây là Tiểu Ngụy, Ngụy Khiêm, do anh rể em dẫn đến, Đình Đình à chị bảo này, cậu này lợi hại lắm đấy, tuổi trẻ tài cao, còn học đại học nổi tiếng, trông cũng đẹp trai chứ? Mấy đứa thanh niên nên làm quen nhiều hơn…”
Ngụy Khiêm rút phắt tay lại, chị Hùng ngỡ ngàng ngẩng đầu lên, lại thấy mặt mũi gã trắng bệch.
Đình Đình thân thiện chào hỏi: “Chào anh!”
Nét mặt Ngụy Khiêm y như gặp ma, gã định thần lại, miễn cưỡng giữ vững phong độ, mỉm cười với Đình Đình, sau đó mau chóng xin lỗi: “Chị dâu à, hôm nay em uống hơi nhiều, dạ dày hơi khó chịu, phải đi ra ngoài cho tỉnh rượu.”
Nói xong gã lao đi như chạy trốn.
Tam Béo kêu “ôi” một tiếng, lập tức đuổi theo.
Ngụy Khiêm lao thẳng vào toilet, khóa cửa phòng rồi vịn bồn cầu nôn thốc nôn tháo.
Tam Béo ở bên ngoài vội gõ cửa: “Nhóc Khiêm? Nhóc Khiêm không sao chứ?”
Ngụy Khiêm không trả lời, gã đã nôn hết những gì có thể nôn, cuối cùng mệt lử, bấy giờ mới dựa tường từ từ ngồi xuống đất.
Tam Béo nghe thấy giọng nói vừa nhỏ vừa yếu ớt của gã truyền ra: “Không sao đâu ông Tam, ông để tôi nghỉ ngơi một chút.”
Tam Béo bỏ tay xuống, không dám lên tiếng, chỉ lẳng lặng chờ ở bên ngoài.
Ngụy Khiêm chống khuỷu tay trên đầu gối, ngẩng đầu nhìn chằm chằm ngọn đèn màu trắng chói mắt trên nóc nhà, cảm thấy trống rỗng mà khó chịu.
Gã không biết Đình Đình, cũng chưa bao giờ gặp cô gái này ở bất cứ nơi nào, mà trong chớp mắt cô ta vào, Ngụy Khiêm liền có cảm giác như bị đánh trúng.
Gã chưa kịp nhận ra cảm giác như từng quen biết đó đến từ đâu, chỉ bị thu hút theo bản năng – từ thuở lọt lòng, từ sinh lý đến tâm lý, Ngụy Khiêm còn chưa bao giờ có hứng thú như vậy với một người khác giới.
Khoảnh khắc ấy Ngụy Khiêm bỗng phát hiện, thì ra mình chỉ bị một hình mẫu thu hút, gã chưa kịp nghĩ ra cô này thuộc về kiểu người nào thì chị Hùng đã tự ý gọi cô ta đến trước mặt.
Mà khi cô gái đó đến, mùi hoa thoang thoảng xộc tới, cô ta mỉm cười, quả thật Ngụy Khiêm khó lòng hình dung nổi cảm giác của mình.
Gã trực diện hiểu được cảm giác như từng quen biết ấy đến từ đâu.
Khí chất phụ nữ thuần túy, không bị bất cứ hành vi cử chỉ nào thậm chí diện mạo đẹp xấu ảnh hưởng, lại hệt như người mẹ mất từ mười năm trước của gã.
Hoóc-môn sôi trào trong cơ thể trẻ trung còn chưa kịp nguội lại, tim Ngụy Khiêm đã bị kéo vào một vực sâu lạnh buốt, gã hoàn toàn chẳng muốn nhớ lại mình đã ứng đối thiếu hoàn mỹ như thế nào, và nhịn mãi đến nhà vệ sinh mới nôn như thế nào.
Gã đã chạm đến cơn ác mộng không xua đi được trong kiếp phù sinh, chẳng biết phải làm sao đối mặt.
Hôm ấy Ngụy Khiêm không nhớ mình quay về bằng cách nào, gã không say, chỉ mệt mỏi, mệt đến mức vừa mở cửa vào nhà, chưa kịp về phòng đã ngồi phịch xuống sofa, chẳng muốn nghĩ suy gì hết, chỉ muốn nằm vật xuống ngủ luôn.
Giây lát, cửa phòng ngủ đằng sau mở “két” một tiếng, Ngụy Chi Viễn bước ra.
“Anh?” Cậu quỳ bên cạnh sofa, đẩy khẽ Ngụy Khiêm một cái.
—
- Nghiệp hỏa: đại khái là ác nghiệp hại thân được ví như hỏa, ở đây cũng có thể tạm hiểu là lửa giận.
- Già Lưu là nhân vật trong Hồng Lâu mộng, câu này cũng na ná như nhà quê lên tỉnh.
/69
|