Đại Tống Phong Lưu Tài Tử

Chương 186: Động phòng.

/540


Vừa dứt lời thì quân Tây Hạ lại kéo tới, quân Tống có phần chùn bước. Kỳ thực quân lính hai bên giao chiến, lúc tiến lên, lúc chùn bước là chuyện thường gặp. Vào thời điểm mấu chốt, tướng Tống là Hoàng Đức Hòa đứng ở phía xa trận chiến trông thấy cảnh tượng trước mắt thì sợ hãi rồi triệu tập bộ hạ tháo chạy. Đám quân Tống vốn còn đang trong tình thế chiến đấu, trông thấy y bỏ chạy thì cũng chạy theo. Lưu Bình trông thấy thế thì lập tức phái con trai là Lưu Nghi Tôn cưỡi ngựa đuổi theo, Lưu Nghi Tôn khuyên Hoàng Đức Hòa:

- Vạn lần mong tướng quân dẫn binh quay lại cùng chống lại kẻ địch, không nên bỏ chạy nữa.

Thế nhưng Hoàng Đức Hòa không nghe, y thúc ngựa bỏ chạy. Lưu Bình đành bất lực, quân Tống thua trận. Khi kiểm tra số binh sĩ còn lại chỉ được có hơn mấy nghìn người. Sau ba ngày chiến đấu, quân Tây Hạ tiến về sang bờ Đông. Lúc này sức chiến đấu của quân Tống vẫn rất ngoan cường, đặc biệt là tướng Quách Tuân, một mình xông pha liều mạng, rồi lại một mình xông vào doanh trại quân địch như xông vào chỗ không người. Quân Tây Hạ biết người này không thể xem thường liền phái một số người dùng dây thừng chặn Quách Tuân ở một nơi hẻm nhưng đều bị vị mãnh tướng này vung đao chặt đứt. Sau cùng, quân Tây Hạ phái một đám quân vừa đánh vừa giả vờ thua rồi dụ vị tướng quân này đuổi theo, sau đó bắn ra hàng vạn mũi tên mới bắn chết được vị mãnh tướng này. Lúc Quách Tuân ra trận mang theo giản (2), lao, giáo tổng cộng nặng khoảng gần năm mươi cân. Sau đó triều đình cảm thấy vô cùng thương tiếc đối với cái chết của vị Quách tướng quân này nên đã gia phong cho cha mẹ ông, Tống Nhân Tông còn đích thân đặt tên cho con thứ tư của ông.

(1) Thuẫn còn được gọi là “cán”, “thuẫn bài”, “bành bài”, “bàng bài” (mộc). Đây là loại vũ khí mang tính chất phòng vệ. Thuẫn hình chữ nhật hoặc tròn, dùng che thân thể, phòng hộ tránh bị sát thương vì mũi nhọn, lưỡi sắc của vũ khí và tên, đá.

http://vothuat.co/binh-khi-xua-thuan...%E7%89%BD.html

(2) Giản (Jiăn) là loại binh khí thời cổ, như roi có bốn cạnh.

http://thlamnamso/Default.as...language=vi-VN

Lưu Bình rút quân về núi phía Tây Nam lập hàng rào phòng thủ. Nửa đêm, quân Tây Hạ kéo đại binh bao vây, quân Tống chiến đấu khổ cực nhiều ngày không được nghỉ ngơi nên không chống đỡ nổi. Cuối cùng đại bộ phận quân Tống bị giết chết, Lưu Bình và Thạch Nguyên Tôn đều bị quân Tây Hạ bắt sống.

Lưu Bình là người ngay thẳng chính trực, giỏi cưỡi ngựa bắn tên lại có trí nhớ tốt. Phụ thân ông là Lưu Hán Nghi — một công thần dưới triều Tống Thái Tông. Tuy xuất thân trong gia đình võ tướng nhưng Lưu Bình đỗ đạt tiến sĩ, văn võ song toàn. Về sau Lưu Bình vào triều nhậm chức giám sát ngự sử, nhiều lần đắc tội với Đinh Vị. Thừa dịp tây bắc gặp chuyện, Đinh Vị tâu với Tống Chân Tông:

- Lưu Bình xuất thân là con cháu nhà võ tướng, có tố chất cầm quân, nếu phái đi tây bắc thì có thể khống chế được quân địch.

Lưu Bình tận tâm tận lực, nhiều lần trấn áp các thế lực nổi loạn lại không ngừng hiến kế cho bề trên nhưng đáng tiếc là chưa một lần được áp dụng. Sau trận bại chiến ở cửa Tam Xuyên, tên Hoàng Đức Hòa bỏ chạy xong lại quay lại vu cáo Lưu Bình đem quân hàng địch khiến triều đình phát lệnh cho Cấm quân bao vây và bắt toàn bộ người nhà ông. Không lâu sau, Hoàng Đức Hòa bị xử chém ngang lưng (hình phạt tàn khốc thời xưa, chém ngang lưng thành hai đoạn). Tống triều cho rằng Lưu Bình đã bỏ mạng trên chiến trường nên truy phong cho ông là Tiết độ sứ Sóc Phương, thụy hiệu là Võ trạng, con cháu đời đời được hưởng hồng phúc. Cho tới khi Thạch Kiên giải thoát cho ông mới biết ông chưa chết. Thực tế thì trong lịch sử là sau khi Thạch Nguyên Tôn được quân Tây Hạ thả ra, triều đình mới biết xác thực Lưu Bình vẫn chưa chết, dự đoán ông già này được Nguyên Hạo cho ăn cho uống để trở thành một cố vấn quân sự cao cấp gì đó. Đối với chuyện này Tống triều cũng không truy xét kỹ càng vì dù sao ông ta cũng đã khổ cực một đời trên chiến trường, không có công lao thì cũng có công khó nhọc.

Trên thực tế thì trận chiến này còn thảm khốc hơn so với trận chiến trong lịch sử. Do Thạch Kiên liên tiếp nhắc nhở nên binh sĩ canh giữ ở tây bắc hiện nay càng nhiều. Trong lịch sử thì hai người Lưu Thạch chỉ mang theo hơn một vạn quân, nhưng lần này mang tới hơn bốn vạn quân. Trong lịch sử Nguyên Hạo cũng chỉ đem theo hơn một vạn quân nhưng lần này vì viết giấy cam đoan với phụ thân y nên đem theo gần mười vạn quân. Tuy sự sắp xếp của Thạch Kiên trong hai trận này khiến cho Nguyên Hạo tổn thất nặng nề nhưng dù sao hơn bốn vạn quân cũng bị tiêu diệt, tin tức này truyền đi làm Tống triều bị một phen khiếp sợ.

Nguyên Hạo lại một lần nữa dẫn quân quay về Duyên Châu, nghe được tin đội quân đóng giữ ở đây đại bại thì mặt đằng đằng sát khí. Sau khi y dẫn đại quân tới Duyên Châu thì lập tức phong tỏa bốn cửa Duyên Châu khiến thành Duyên Châu thật sự trở thành một “Cô thành” giống như những gì Phạm Ung nói. Sau đó hạ trại, nhóm lửa nấu cơm rồi lập tức cử quân công kích thành Duyên Châu.

Lá trúc xanh biếc, gió mát thổi nhè nhẹ.

Mấy chục khóm trúc Thạch Kiên trồng năm đó, giờ đây đã lớn xanh tươi tốt.

Dưới bóng trúc xanh, Thạch Kiên đang chơi cờ cùng một văn sĩ trẻ tuổi.

Văn sĩ trẻ tuổi này tên là Thân Nghĩa Bân, tự là Lưu Trung, là con trai của một nhà thám hiểm trong vùng. Do Thạch Kiên cải tiến máy hơi nước nên đã từng triệu tập một đám người đến thảo luận, trong đó có phụ thân y. Trong buổi họp mặt hôm đó, phụ thân y nói mình có đứa con học hành không ra gì, cả ngày chỉ xem ba thứ sách vớ vẩn, lại còn tự so sánh với Gia, Vương. Thế nhưng ngay cả kỳ thi tú tài y cũng không đỗ đạt khiến cha y vô cùng tức giận. Lúc đó Thạch Kiên nghe xong thì vô cùng kinh ngạc, có lẽ nhà thám hiểm này không biết Gia, Vương là ai nhưng hắn lại biết. Gia, Vương mà tên Thân Nghĩa Bân này nói chính là Gia Cát Lượng và Vương Mãnh. Hắn cũng biết việc thi cử hiện tại có rất nhiều sơ hở, thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả kiếp trước của hắn. Có rất nhiều nhân tài nhưng không đỗ đạt, ngược lại, những kẻ đỗ đạt cũng chưa chắc đã là nhân tài. Thế là hắn cho gọi Thân Nghĩa Bân tới, hai người nói chuyện và Thân Nghĩa Bân chỉ thẳng ra những sai lầm của triều đình, nói rằng triều đình nuôi hàng trăm vạn quân binh, tiêu tốn sức lực của thiên hạ nhưng lại không có lấy một đội quân tinh nhuệ. Để đề phòng những kẻ học võ làm loạn trong triều, tướng không biết quân thế nào nên triều đình không có được tướng tài. Hành động đó có thể ngăn chặn được nội loạn nhưng sớm muộn cũng sẽ gặp giặc ngoại xâm. Như thế thì Giang Hoài (sông Giang và sông Hoài) cũng sẽ nguy kịch.

Thạch Kiên hiểu được ý nghĩa trong lời của y. Nếu binh lính triều đình bại trận, ắt sẽ rút quân về hướng Giang Nam, dùng sông Trường Giang tự bảo vệ mình. Như thế thì giữa Giang Hoài nhất định sẽ tạo ra một khu vực đệm (vùng hòa hoãn xung đột), cũng sẽ tạo ra ngọn lửa chiến tranh lớn nhất. Thế nên y mới nói “Giang Hoài cũng sẽ nguy kịch”. Hiện giờ Thạch Kiên cũng hiểu y đọc loại sách gì, y thích xem những loại sách thao lược nhưng khoa thi chủ yếu thi về kinh văn. Đương nhiên sau khi qua kỳ thi đình thì cũng có thể thi sách lược. Nhưng trước đó vẫn phải thi kinh văn, thơ từ. Những người như Thân Nghĩa Bân, nếu không gặp được Thạch Kiên mà sống trong môi trường tương đối hòa bình như thế thì mãi mãi cũng không có được ngày để mở mày mở mặt.

Thấy Thạch Kiên không chê cách nói chuyện thoải mái và vượt quá giới hạn của mình, y nói thêm:

- Thạch đại nhân, triều đình đối đãi bạc bẽo với người Thổ Phồn nên họ Lý mới thừa cơ lấn tới. Nhưng nay họ Lý dương oai ở mười mấy châu phía tây bắc, theo thảo dân nhận định thì chẳng bao lâu nữa sẽ xảy ra xung đột với triều đình. Tới lúc đó đầu tiên là đối phó với người Liêu, sau đó lại khống chế vùng tây bắc, tình trạng nhũng binh sẽ càng nghiêm trọng hơn. Cho dù Thạch đại nhân có thể biến đá thành vàng thì cũng có thể giúp triều đình kiếm được bao nhiêu tiền để bù vào thua lỗ đó chứ?

Thạch Kiên đứng trên góc độ lịch sử để nhận định, bây giờ lại tới với thời đại này, hơn nữa còn là một đại quan trong triều, hắn hiểu rõ lợi ích chính trị của triều đình hơn thanh niên này rất nhiều. Không chỉ binh sĩ yếu ớt mà quan lại còn vô dụng, chính sự rối ren. Nhưng người thanh niên này xuất thân trong dân gian mà lại có thể nhìn ra điểm này, còn đoán ra được áp lực binh sĩ yếu ớt quá lớn vào cuối thời Nhân Tông vẫn luôn khiến hắn u sầu buồn bã thì quả là một việc không hề đơn giản.

Hắn nói:

- Xin chỉ giáo rõ hơn.

Tên Thân Nghĩa Bân này đáp:

- Kỳ thực không hề khó. Họ Lý thô bạo, ngang ngược nên chỉ cần triều đình rộng lượng với người Thổ Phồn, khiến cho họ tin tưởng vào triều đình thì có thể giải quyết tận gốc sự việc.

Thạch Kiên gật đầu. Sự thật là vì họ Lý đối với người Thổ Phiên rất tàn ác, nhiều người Thổ Phồn bắt đầu nghĩ tới những lợi ích của Tống triều rồi đua nhau nương tựa triều đình. Trong lịch sử, nếu không phải vũ lực của triều đình quá yếu kém thì Nguyên Hạo cơ bản sẽ không thể có được cơ hội quật khởi.

Thân Nghĩa Bân lại nói:

- Triều đình vì thiếu ngựa, không thể không trọng bộ binh, coi nhẹ kỵ binh. Triều đình luôn muốn nắm giữ binh lực nhiều nhất trong thiên hạ, nhưng kỳ thực không nhất thiết phải như thế. Triều đình có thể đầu tư nhiều cho kỵ binh, như thế chi phí cũng không nhiều mà ngược lại còn có thể tiết kiệm được nhiều thanh niên đang trong tuổi sinh sản. Khi đó binh lực còn có thể lớn mạnh hơn nữa.

Thạch Kiên lại một lần nữa gật đầu, đây thật sự là những lời nói sắc bén. Ý y là thà rằng triều đình nuôi ngựa còn hơn có nhiều binh sĩ như thế. Bởi vì triều đình không có nhiều bãi cỏ nên chi phí chăn nuôi chiến mã không nhỏ. Hơn nữa muốn có chiến mã thì nhất định phải nhập khẩu từ Hạ, Liêu, nhưng hai nước này chắc chắn sẽ không dễ dàng xuất khẩu chiến mã. Thế nhưng chuyện đó cũng không khó giải quyết, chỉ cần bỏ ra số tiền lớn thì có thể buôn lậu chiến mã từ hai nước đó. Điểm này cũng giống như chuyện Lý Đức Minh nhập khẩu quặng sắt từ triều đình vậy. Trong lịch sử thì chiêu này của y cũng đã được nghiệm chứng, Nhạc Gia Quân cũng đã từng làm như vậy.

Thân Nghĩa Bân trông thấy Thạch Kiên một lần nữa lại gật đầu thì trong lòng vô cùng vui mừng. Từ nhỏ tới giờ y chỉ thích đọc sách mưu lược, hễ đọc sách kinh văn là y lại đau đầu. Lúc nghe nói Thạch Kiên muốn gặp y, ngay lập tức y nhận ra đây là cơ hội duy nhất trong đời này nên đã chuẩn bị rất kỹ càng. Nhưng cũng chỉ dám nói như thế với Thạch Kiên chứ đối mặt với kẻ khác thì y không dám. Một khi không được tiếp nhận có khi sẽ quy cho y tội nói sằng nói bậy, làm không tốt còn có thể phải vào ngục. Y chẳng hề muốn có kết quả như thế. Tuy bản thân không có hy vọng đỗ đạt nhưng do phụ thân y phát tài nên y còn có thể làm một phú ông giàu có.

Y lại nói:

- Cũng vì họ Lý hung tàn ngang ngược, chẳng những dân tộc khác mà ngay cả dân tộc của bọn chúng cũng không ít kẻ phản kháng. Có thể xâm nhập vào Tây Hạ, dùng kế li gián, giúp đỡ những kẻ hoặc những thế lực phản đối bọn chúng. Nhưng con đường này cần phải đề phòng việc bị đại thần trong triều tố cáo.

Thạch Kiên lại một lần nữa gật đầu. Hơn ai hết hắn biết rõ, sau khi Nguyên Hạo cầm quyền, đối nội thì tiến hành áp bức bóc lột, đối ngoại thì tiến hành xâm lược, thủ đoạn cực kỳ tàn khốc, có vô số người bất mãn với gã này. Kỳ thực thì trong lịch sử cũng có một số người Tây Hạ quy phục Tống triều, nhưng Tống triều vì lo sợ người Hạ tức giận nên đem bọn họ giao lại cho Nguyên Hạo xử lý. Điều đó khiến cho vô số người không còn con đường nào khác, buộc lòng phải nghe theo mệnh lệnh của Nguyên Hạo, cũng khiến cho Tây Hạ nhanh chóng đoàn kết lại như một tấm thép vững chắc. Hơn nữa mỗi lần họ Lý bại chiến lại cầu hòa để có cơ hội nghỉ ngơi, nhưng cũng rất kỳ lạ ở chỗ là mỗi lần như thế triều đình cũng đều đồng ý. Điểm này cũng chẳng khác gì triều đình nhà Minh đối với Lý Tự Thành. Mỗi lần cầu hòa thành công lại nghỉ ngơi rồi lại tiếp tục đánh, đánh xong lại cầu hòa. Dần dần cũng lớn mạnh tới mức triều đình không khống chế được nữa, rồi cuối cùng trở thành đại họa cho triều đình. Tuy nhiên bất kỳ ai tỉnh táo nhắc nhở cũng đều phải đối mặt với một bè phái kháng nghị lớn mạnh trong triều mà ngay cả Lưu Nga cũng là một thành viên trong đó.

Thân Nghĩa Bân lại nói:

- Kỳ thực tình hình lúc này cũng chẳng khác gì thời Tam quốc. Tuy vũ lực Tống triều yếu kém nhưng lại giàu có nhất, dân số cũng đông nhất, lãnh thổ cũng rộng lớn nhất cho nên Hạ Liêu mới bắt tay với nhau. Thế nhưng, theo những gì thảo dân được biết thì hai nước đó không phải không có vấn đề gì. Ở vùng biên giới giữa hai nước cũng có không ít mâu thuẫn. Chi bằng ta phái thêm một số người tới làm những mâu thuẫn này lớn hơn lên, lúc đó chiến tranh giữa hai nước ắt sẽ bùng phát. Như thế sẽ biến thành cục diện chiến tranh ba nước, khi đó ắt sẽ có lợi cho triều đình ta.

Câu nói này càng khiến Thạch Kiên kinh sợ. Kỳ thực, sau khi Nguyên Hạo ba lần giành thắng lợi trong cuộc chiến với triều đình thì dã tâm càng lớn hơn. Gã chủ động gây chuyện ở vùng biên giới nước Liêu và đánh thắng quân đội nước Liêu. Hành động này khiến Tây Hạ của gã chính thức trở thành một quốc gia độc lập. Nhưng nếu lợi dụng tốt, Tống Liêu liên minh đối phó Tây Hạ thì cho dù Nguyên Hạo có ba đầu sáu tay cũng không thoát khỏi kết cục bị tiêu diệt.

Và thế là hắn giữ Thân Nghĩa Bân lại cùng với những học sinh học truy nguyên. Không phải Thạch Kiên muốn y học truy nguyên, mà bởi vì vũ khí mới sắp được ra đời nên muốn y tìm hiểu thêm về loại vũ khí này để có thể mang thứ vũ khí này ra chiến trường sử dụng. Kỳ thực hắn đã chuẩn bị trọng dụng tên Thân Nghĩa Bân này. Từ khi có sự chỉ đạo của hắn, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, xà phòng, nước hoa, nhang diệt muỗi đều nhanh chóng ra đời. Những thứ này đều rất đơn giản, cộng thêm gia tài kếch xù của Vương gia và sự khám phá của mấy trăm nhân tài chủ chốt nên trước khi Thạch Kiên rời khỏi kinh thành thì toàn bộ những thứ này đều được chế tạo ra. Lần này Thạch Kiên tiếp thu được bài học kinh nghiệm từ chuyện lần trước bị Đinh Vị tịch thu gia sản, có ý để Vương gia hoàn toàn thoát ly khỏi triều đình. Hắn nói với Vương gia về hình thức “thương nghiệp” để tiến hành thu hút đầu tư.

Lúc đầu Vương Khôn còn tỏ vẻ hoài nghi, làm gì có chuyện bảo người khác giúp mình bán hàng hóa lại còn bắt người ta bỏ “phí gia nhập” chứ? Thạch Kiên phải tốn rất nhiều lời giải thích, nói rằng “phí gia nhập” đó cũng chính là “tiền bảo đảm”, không phải bắt họ bỏ tiền ra mà là cần tới mức độ trung thành của bọn họ. Và thực tế đã chứng minh cách làm của Thạch Kiên là đúng. Những thương nhân hiện giờ nghe thấy ba thứ đồ kia là do Thạch Kiên phát minh ra thì đều cho rằng lợi nhuận sẽ rất lớn. Đặc biệt là sau khi chuyện về ngọc lưu ly dần dần được công khai ra ngoài khiến cho vô số thương nhân phải há hốc mồm vì lợi nhuận của nó. Mặt khác, lần này chỉ có hai mươi tám đại lý được phân chia theo khu vực, cơ bản không đủ để phân chia. Lúc đó Thạch Kiên lại nói với Vương Khôn về phương thức “bán đấu giá”.

Tóm lại là Vương Khôn trở nên choáng váng. Mấy thứ này còn chưa được bán ra thì đã thấy tiền cuồn cuộn chảy vào tay, khiến ông chẳng hiểu chuyện gì đang diễn ra nữa. Lần bán đấu giá này rất thành công, đặc biệt là ở vùng duyên hải và vùng biên giới. Ví như ở Tuyền Châu, phí ủy quyền lên tới mười vạn quan tiền. Sau khi sự việc đồn ra ngoài, các gián quan lại tố cáo Thạch Kiên tranh lợi với dân chúng.

Nhưng lúc đó anh chàng Tiểu Phạm đã được điều tới kinh thành. Tên cậu là Quật (nghĩa là ngang ngược, bướng bỉnh) nhưng không có nghĩa cậu là người cổ hủ, nếu không cậu cũng không khởi xướng chính sách Khánh Lịch sau này. Ngay lập tức cậu hiểu ra ích lợi của loại hình thương mại này, lúc lên triều cậu đã dùng lý lẽ để bảo vệ quan đểm của mình. Cậu nói không biết số tiền đó Thạch Kiên có bỏ túi không, nhưng ngoài việc hắn dùng số tiền đó để nghiên cứu ra càng nhiều hơn nữa những vật dụng mang lại thu nhập cho triều đình và để nghiên cứu vũ khí thì tiền còn có thể đi đâu được nữa? Hơn nữa lúc này dã tâm của Tây Hạ ngày càng lớn mạnh, đừng tưởng hiện giờ quốc khố có một lượng lớn tiền bạc thì không có gì phải lo lắng. Kỳ thực, một khi chiến tranh thật sự xảy ra thì số tiền này cũng chẳng thấm tháp vào đâu. Rồi cậu lại hỏi, khi Đinh Vị là tể tướng, lão ta mới thực sự tranh lợi với dân, đám thương nhân đều tới quỳ ngoài Hoàng cung, lúc đó đám gián quan các ngài đi đâu? Tại sao không thấy ai ho he gì?

Câu cuối cùng càng vạch trần động cơ của đám gián quan, khiến toàn bộ những người này sợ hãi cúi đầu im lặng. Hơn nữa trong mắt bọn họ thì anh chàng Tiểu Phạm này chẳng khác gì một “con chó điên”, gặp kẻ nào thì cắn kẻ đó nên bọn họ cũng chẳng muốn bị “con chó điên” này để ý tới.

Thạch Kiên có tiền thì nhanh chóng đầu tư vào bước nghiên cứu tiếp theo ở Hòa Châu. Vì có lượng quặng sắt phong phú được mang về từ châu Đại Dương nên phẩm chất của lượng gang lần này có chuyển biến khá tốt đẹp. Thạch Kiên nghiên cứu ra chiếc máy tiện và chiếc máy hơn nước đời thứ ba, loại máy hơi nước này sử dụng chế phẩm từ cao su. Đồng thời cũng nhanh chóng chế tạo ra săm lốp xe và giầy đi mưa bằng cao su. Tuy nhiên lúc này giầy đi mưa bằng cao su vẫn là một vật xa xỉ. Nhưng lúc đó hội liên minh những nhà thám hiểm do Giang Cập thành lập phát động một hoạt động vô cùng ý nghĩa—tất cả những con thuyền đến đại lục Lưỡng Loan đều phải mang về một trăm cây cao su. Đương nhiên cần phải đợi những cây cao su này thành rừng ở phía nam nên muốn cung cấp nguồn cao su đáp ứng cho nhu cầu của triều đình thì còn cần rất nhiều năm nữa. Hiện giờ cao su vẫn còn phải dựa vào nguồn cao su mang về từ đại lục Lưỡng Loan nên chi phí vẫn rất cao.

Có săm lốp cao su nên chiếc xe đạp đầu tiên trên thế giới cũng ra đời. So với những vật khác thì chiếc xe đạp này nhanh chóng thu hút trí tò mò của mọi người và trở thành vật bán chạy nhất. Nói tóm lại, trong vòng nửa năm trở lại đây, doanh thu từ hàng loạt sản phẩm này đã lên tới vài triệu quan tiền.

Khi Vương Khôn giao cuốn sổ kết toán cho Hồng Diên kiểm tra, ngay lập tức Hồng Diên ôm chầm lấy Thạch Kiên nói:

- Thiếu gia, thảo nào người nói nếu người muốn trở thành đại gia giầu có nhất trong thiên hạ thì chỉ cần một thời gian ngắn là được.

Lục Ngạc ở bên cạnh nói:

- Hồng Diên tỷ, đó là đương nhiên rồi. Thiếu gia nhà chúng ta không chỉ muốn kiếm bao nhiêu tiền thì sẽ kiếm được bấy nhiêu, mà còn có thể muốn triều đình ta lớn mạnh thế nào thì cũng sẽ lớn mạnh như thế đó. Chỉ là đám tiểu nhân trong triều đố kỵ thiếu gia nhà chúng ta nên luôn tìm cách hạ bệ thiếu gia chúng ta thôi.

Hồng Diên gật đầu nói:

- Hay là thế này đi, thiếu gia, chúng ta sẽ không về kinh thành nữa, làm một phú ông giàu có cho xong. Tuy Tiên đế đối với người rất tốt, nhưng người cũng đã làm rất nhiều chuyện cho triều đình, như thế cũng coi như không có lỗi với bọn họ rồi.

Bây giờ tuy Thạch Kiên bận đông bận tây, nhưng chuyện đấu đá nhau ít đi nên hắn cũng ít bị áp lực hơn. Một lần nữa hắn lại trở về thời niên thiếu như ngày xưa, sức khỏe cũng trở nên tốt hơn nên Hồng Diên mới có cớ để nói thế.

Thạch Kiên cười lắc đầu. Không cần nói hắn cũng chẳng muốn quay trở lại triều đình nữa, nhưng hắn biết điều đó là không thể.

Chỉ là việc chế tạo vũ khí vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì một trợ thủ đắc lực của hắn là Tằng Công Lượng phải tham gia khoa thi. Khoa thi lần này, Tống Dương và em trai là Tống Kỳ cùng đứng đầu, Tằng Công Lượng cũng đỗ tiến sĩ. Khiến Thạch Kiên thấy vui mừng là lần này Phú Bật cũng không thi rớt như trong lịch sử, mà cũng được liệt vào danh sách tiến sĩ. Điều này khiến Thạch Kiên phấn khởi vô cùng. Đương nhiên người trong thiên hạ cũng nghị luận về chuyện này. Ba người này đều là anh em kết nghĩa với Thạch Kiên, có người nói Thạch Kiên có mắt nhìn, có người lại nói những người Thạch Kiên để ý đến thì có ai kém cỏi chứ? Đáng buồn nhất là phụ thân Tằng Công Lượng nói con trai mình nếu không làm việc giúp Thạch Kiên thì thế nào cũng là một trong ba người đỗ đầu, Thạch Kiên nghe thấy thì im lặng. Tham gia kỳ thi đình vốn là những nhân vật chủ chốt của đất nước, vào hàng tiến sĩ cũng phải một chọi mười, thậm chí là một chọi một trăm, không chỉ cần tài năng mà đôi lúc cũng cần chút vận may. Một trong ba người đứng đầu? Có thể dễ dàng vào được như thế sao?

Thạch Kiên ở đây nghiên cứu vũ khí lâm vào cảnh khó khăn nhưng Lưu Nga cũng không hề quên. Bà đợi Tằng Công Lượng tham gia khoa thi xong, phong cho y một chức vụ Công bộ lang trung rồi lập tức cử đến Hòa Châu. Cùng tới Hòa Châu còn có Thạch Quy Tống nguyên cứu về tên gỗ, Đường Phúc nghiên cứu tên lửa, Lưu Vĩnh Tích nguyên cứu cầu lửa và mấy chục quan quân có chút sở trường trong phương diện chế tạo.

Vì thế nên tốc độ nghiên cứu của Thạch Kiên nhanh hơn rất nhiều. Việc chế tạo súng ống vẫn trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng hỏa dược màu vàng thì sẽ nhanh chóng được chế tạo ra. Khiến Thạch Kiên vui mừng đó là hắn đã chế tạo ra cỗ súng đại bác đầu tiên, uy lực của nó tương đương với “hồng y đại pháo” của triều Minh. Nhưng loại đại bác này vẫn rất cồng kềnh, chỉ có thể dùng để phòng vệ, không dùng tấn công được. Nếu Thạch Kiên muốn dùng nó để công kích Tây Hạ hay Liêu quốc thì còn không thực tế. Ngoài ra còn một chuyện khiến hắn vui sướng đó là hắn đã nghiên cứu ra lựu đạn. Khác với những người coi trọng uy lực của đại bác thì hắn lai jcàng coi trọng loại lựu đạn này hơn, đơn giản là vì nó nhẹ nhàng dễ vận chuyển.

Đồng thời hắn cũng hoàn thành cuốn 《 tư trì thông giám 》đã bị gián đoạn bấy lâu nay. Lưu Nga lập tức cho in cuốn sách đó, ngoài ra còn biến nó thành cuốn sách được đăng nhiều kỳ trên báo. Hàng loạt hành động này khiến những người thông minh nhận ra Thạch Kiên không hề bị thất sủng quá nhiều.

Tuy cuối cùng Thạch Kiên là người thắng trong ván cờ này nhưng thắng lợi hoàn toàn dựa vào việc thay đổi nước cờ.

Thân Nghĩa Bân nói:

- Thạch đại nhân, trong lòng lại không yên rồi!

Thạch Kiên gượng cười, hiện giờ chiến tranh tây bắc đã bùng nổ, hàng vạn người không biết sống chết thế nào thì làm sao hắn có thể yên lòng được?

Thân Nghĩa Bân nói:

- Thạch đại nhân, lúc cần tự trọng thì phải tự trọng. Lúc hô thì tới, đuổi lại đi thì đó không phải là phúc của đại nhân, cũng không phải phúc của triều đình.

Thạch Kiên im lặng. Hắn cũng biết mình đã thể hiện rất trung thành rồi, Lưu Nga nhất định rất vui vẻ. Nhưng đám tiểu nhân kia vẫn luôn nghĩ cách đối phó với hắn, thế nên hắn nói:

- Bây giờ ta đã hết kỳ báo hiếu, triều đình sắp cho gọi ta. Điều này có thể giải thích thế nào?

Thân Nghĩa Bân phủi tay nói:

- Nếu thảo dân là Nguyên Hạo thì chắc chắn sẽ tận dụng lúc Thạch đại nhân chưa trở về kinh thành để gây khó khăn cho tây bắc. Đợi khi Thạch đại nhân về kinh thành thì kết cục đã định. Thế nên thảo dân thấy Thạch đại nhân hôm nay chơi cờ đã không còn vẻ thoát tục như trước đây nữa. Phải chăng là vì chiến sự tây bắc?

Thạch Kiên cười không đáp. Hiện nay triều đình còn không biết Nguyên Hạo sẽ có động tĩnh gì, không đưa chuyện này lên mặt báo, e rằng thiên hạ sẽ rối bời. Nhưng đối với chuyện dụng binh của Nguyên Hạo mà Thân Nghĩa Bân chỉ ra, Thạch Kiên cũng không cảm thấy kỳ lạ. Nếu dựa vào bản lĩnh của y mà không đoán ra được chuyện này thì không đáng để Thạch Kiên trọng dụng.

Thân Nghĩa Bân lại nói:

- Nhưng thảo dân đoán chắc chắn Thạch đại nhân sẽ có sắp đặt. Lần này triều đình khinh địch, chắc chắn sẽ đại bại, nhưng Nguyên Hạo cũng không chiếm được bao nhiêu lợi ích. Trận chiến này sẽ kết thúc nhanh chóng, sao Thạch đại nhân không kéo dài thời gian hai tháng về kinh thành ra hơn hai tháng rồi khởi hành sau?

Thạch Kiên biết ý y nói là cộng thêm hai tháng tới Khai Phong, kéo dài thời gian báo hiếu thêm hai tháng nữa. Hắn nghĩ một lát rồi nói:

- Thế sẽ theo ý huynh vậy.

Lúc này Thân Nghĩa Bân mới cáo từ. Bây giờ y đã nhìn thấu, nếu mình muốn đỗ đạt trong khoa thi thì chỉ có đợi kiếp sau, chi bằng làm một môn khách có tiền đồ của Thạch Kiên còn hơn. Lần này là y thấy Thạch Kiên sắp hết ba năm báo hiếu nên mới đặc biệt tới nhắc nhở Thạch Kiên.

Thạch Kiên về tới phòng thì thấy trong phòng treo một dải lụa màu đỏ, một khung cảnh như có chuyện vui gì đó.

Hắn khó hiểu nên hỏi Hồng Diên:

- Sao các ngươi lại bố trí như thế này?

Hồng Diên nắm góc áo nói:

- Thiếu gia, người quên hôm nay là ngày gì rồi sao?

Thạch Kiên kỳ lạ hỏi:

- Hôm nay là ngày gì? A! Ta nhớ rồi, hôm nay là ngày ta hết kỳ báo hiếu.

- Đúng vậy, thiếu gia đã hết kỳ báo hiếu, cũng tới lúc phải động phòng rồi.

Thạch Kiên ngơ ngác như lạc trong sương mù:

- Động phòng? Ai động phòng?

Hồng Diên có chút ấm ức nói:

- Thiếu gia, không phải tới lúc này người lại quên những gì người đã nói đó chứ?

Thạch Kiên đầu tiên là sửng sốt, sau đó mới hiểu ra, hắn cười lớn:

- Không ngờ mùa xuân đã qua lâu rồi mà nàng vẫn còn ở trong mùa xuân.

Hồng Diên trợn trừng mắt nói:

- Thiếu gia, người nói chuyện huyền bí quá. Nô tì không hiểu.

Lục Ngạc ghé tai Hồng Diên nói:

- Hồng Diên tỷ, thiếu gia nói tỷ đang phát xuân

Hồng Diên thở hổn hển nói:

- Phát xuân thì phát xuân, dù sao cũng còn tốt hơn tới già mà vẫn không có ai thèm.

Thấy lời nói của nàng hùng hồn như thế, lúc đầu Thạch Kiên cũng sững người, sau đó thì cả Thạch Kiên và Lục Ngạc đều bật cười.

Thạch Kiên cũng bất lực với những gì nàng làm, ai bảo lúc còn sống lão thái thái đã xác định rõ quan hệ của bọn họ chứ? Hơn nữa hắn cũng càng lúc càng bất lực với chuyện này. Lần đó bị Lý Nam cưỡng ép khiến hắn câm như hến, ngay cả đề xuất cũng không dám nói. Vẫn may mà bọn Đế hộ vệ cũng cảm thấy có gì đó không ổn nên không đem chuyện này nói ra ngoài. Còn cả chuyện của Lý Tuệ nữa, từ khi Thạch Kiên viết thư cho Lý Tuệ rồi còn cho người tới dò hỏi cha mẹ Lý Tuệ, phụ thân Lý Tuệ là Lý Hoành làm tri châu ở Mai Châu đã nhiều năm mà vẫn chưa được thăng chức. Dưới tình thế điều động quan viên thường xuyên như thế này thì trường hợp của ông cũng là hy hữu. Hơn nữa ông ta lại chỉ là một cử nhân, vốn chức quan bát phẩm ở Hòa Châu cũng là nhờ một nhân vật có tiếng trong vùng giúp đỡ. Hiện giờ chỉ dựa vào một danh hiệu cử nhân để đảm nhiệm chức tri châu ngũ phẩm, những người dưới dù không nói gì nhưng vẫn có vô số người không tâm phục. May là ông ta nỗ lực làm việc nên không phạm phải sai lầm lớn, nhưng dù sao năng lực cũng có hạn, cộng thêm một bộ phận thuộc hạ không hợp tác nên cũng có không ít khó khăn. Chỉ cần cậu thiếu niên này cố ý, chỉ cần cậu ta nói vài câu thì vị trí này của ông ta cũng khó mà giữ được. Hiện giờ ông ta cũng chẳng khác gì con chuột nằm trong ống bễ, phải chịu nguồn khí thổi từ hai đầu.

Sau khí nhận được thư của Thạch Kiên, Lý Tuệ rất vui mừng, bây giờ nàng đã mười sáu tuổi, chuyện gì cũng đã hiểu. Nàng cũng biết địa vị của phụ thân có liên quan tới mình. Hơn nữa thiên hạ vẫn đang đồn đại chuyện giữa Thạch Kiên và Công chúa Triệu Cận, còn cả chuyện với cô Dung quận chúa nữa. Nhưng bây giờ nhìn bộ dạng già nua của phụ thân, hơn nữa lại có hai người chủ như thế, Thạch Kiên làm sao có thểđược như những gì đã viết trong thư ? Thế là trong lúc buồn rầu nàng đã cắt tóc trở thành một ni cô. Sau đó Thạch Kiên gửi thêm mấy phong thư nàng cũng không nhận nữa.

Thạch Kiên nhận được tin này thì cũng đành chịu, hắn cũng không thể không màng tất cả để cưới Lý Tuệ ngay lập tức. Nếu làm như thế, Triệu Trinh và Lưu Nga chắc chắn sẽ tức điên lên mất. Thực tế thì Thạch Kiên coi thường vợ chồng họ Lý. Thế nhưng trong chuyện này hắn cũng cảm thấy Lý Tuệ kỳ thực rất khổ tâm khiến hắn càng lúc càng cảm thấy có lỗi với nàng. Cũng như thế, chuyện của Hồng Diên và Lục Ngạc cũng đã kéo dài khá nhiều năm, cũng đã tới lúc cần phải giải quyết rồi.

Hắn nói:

- Được rồi, đợi hai ngày nữa ta cho người tới nhà nàng cầu hôn.

Sau đó lại trông thấy vẻ mặt thất vọng của Lục Ngạc đành nói tiếp:

- Còn cả nàng nữa.


/540

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status