Danh Môn

Chương 23: Gặp Vị Hà

/495


Quyển 2: Kinh thành phong vân

Chương 23: Gặp Vị Hà

Dịch : Tử Lăng

Nguồn: Tàng Thư Viện

Năm Thiên Bảo (1) thứ mười bốn, loạn An Sử nổ ra. Năm sau, An Lộc Sơn công chiếm Trường An. Thiên tử Lý Long Cơ hoảng hốt trốn chạy về phía tây. Tình thế Đại Đường vô cùng nguy ngập. Lập tức lại phát sinh biến cố gò Mã Ngôi (2). Thái tử Lý Hanh lên ngôi ở Linh Võ, trọng dụng Lý Quang Bật, Quách Tử Nghi. Nhưng khổ nỗi binh lực mỏng yếu, vì thế cầu cứu Hồi Hột. Trải qua bảy năm chiến đấu gian khổ, loạn An Sử rốt cuộc đã bị dẹp yên. Lúc này, Lý Hanh mắc bệnh từ trần. Nội bộ nhà Đường xảy ra chính biến cung đình. Việt Vương Lý Hệ được Trương hoàng hậu ủng hộ, giết chết thái tử Lý Dự, đăng ngôi hoàng đế bằng vũ lực, đổi niên hiệu là Khánh Trị.

Khả hãn Đăng Lợi của Hồi Hột lại dòm ngó Đại Đường đang rối loạn bên trong, suy yếu bên ngoài. Y cấu kết với tướng nhà Đường là Bộc Cố Hoài Ân, điều ra mười vạn kỵ binh tinh nhuệ đánh vào Trung Nguyên từ Hà Bắc, đại phá liên quân ba trấn ở Hà Bắc của Điền Thừa Tự, Lý Hoài Tiên và Lý Bảo Thần. Sau đó đại quân lập tức đi Hà Đông đánh chiếm Thái Nguyên, ở Thiểm Quận đánh tan tác hai mươi vạn quân Đường do Ngư Triều Ân thống lĩnh, lại lần nữa tấn công vào Quan Trung. Hoàng đế mới Lý Hệ hoảng sợ chạy vào Hán Trung. Trung Nguyên chấn động. Khi xã tắc Đại Đường sắp bị tiêu diệt, các đại thế gia khắp nơi rầm rộ chiêu mộ nghĩa quân vào kinh cần vương. Người hưởng ứng đông đến trăm vạn. Lúc này, nội bộ Hồi Hột xuất hiện tranh chấp. Khả hãn Đăng Lợi thấy lòng dân Đại Đường đang dần đoàn kết, bèn hạ lệnh cướp bóc vơ vét Trường An xong thì lui theo hướng bắc trở về Mạc Bắc (3). Cục thế nguy hiểm của Đại Đường cuối cùng đã lắng lại. Nhưng bảy đại thế gia nhờ vậy mà nắm binh, nâng cao uy quyền địa vị, và lũng đoạn triều chính.

Trong mười mấy năm sau, người Hồi Hột thủy chung vẫn thèm thuồng rình mò từ Mạc Bắc, thỉnh thoảng xâm lược biên giới cướp bóc dân lành, chờ đợi cơ hội thứ hai xâm lăng Trung Nguyên.

Mùa đông năm Khánh Trị thứ mười lăm ấm áp khác thường. Hoàng Hà không đóng băng, tuyết chưa rơi, khí hậu hết sức lạ lùng. Cũng bắt đầu từ mùa hè, Mạc Bắc chưa hề có một giọt mưa, nhiều con sông khô cạn, cỏ nuôi súc vật tàn héo, cừu bò chết hàng loạt. Tháng mười, ở vùng lân cận cách hành cung của đô thành Hồi Hột tám dặm bùng phát nạn châu chấu. Châu chấu tràn ngập trời đất phá hủy tất cả mọi thứ. Hạn hán và nạn sâu bọ cùng xảy ra, khiến Hồi Hột gặp hết khổ này đến khổ khác.

Cuối tháng mười một, Khả hãn Đăng Lợi của Hồi Hột quyết định kiếm thức ăn ở Đại Đường, hạ lệnh cho mỗi bộ lạc Bộc Cố, Hồn, Bạt Duệ Cố, Đồng La, Tư Kết, Tiết Bật, A Bố Tư điều ra một vạn binh. Bộ lạc Hồi Hột điều động ba vạn binh. Tổng cộng mười vạn kỵ binh tinh nhuệ vượt qua Âm Sơn, xuôi xuống Nam Sơn mà nam hạ, tập kết ở phụ cận quận Linh Võ, mưu đồ vượt sông từ nơi này, đánh thông con đường vào vùng trung bộ của Đại Đường.

Quận Linh Võ báo nguy. Tiết độ sứ Vi Ngạc của Sóc Phương và Lũng Hữu (4) khẩn cấp điều sáu vạn binh lực của Lũng Hữu lên phía bắc tăng viện cho quân Sóc Phương, còn lệnh cho Tiết độ sứ của Hà Tây là Tân Vân Kinh dắt quân tới giúp.

Vi Ngạc đích thân tới quận Linh Võ chỉ huy chiến dịch. Mười lăm vạn đối đầu với mười vạn, quân Đường và quân Hồi Hột hình thành nên thế đối địch ở hai bờ Hoàng Hà. Do Hoàng Hà không hề bị đóng băng, quân Hồi Hột không thể ồ ạt qua sông, triều đình cũng dần lấy lại bình tĩnh, và tuyên bố, khoa thi vào tháng một năm Khánh Trị thứ mười sáu vẫn cử hành như thường. Tin tức truyền ra, sỹ tử khắp nơi nô nức đi tới Trường An.

...

Hôm nay, trên quan đạo phía nam quận Kim Thành (*) có mấy con ngựa nối đuôi nhau chạy chậm rãi, phía sau còn có một cỗ xe ngựa. Người cưỡi ngựa đều mặc áo choàng của sỹ tử, hông đeo đao kiếm, chính là nhóm Trương Hoán vào kinh thi cử. Nhóm sáu người Trương Hoán, Trịnh Thanh Minh, Tống Liêm Ngọc, Lâm Tri Ngu, Triệu Nghiêm cùng Lâm Xảo Xảo, vợ của Triệu Nghiêm, xuất phát từ Thái Nguyên vào đầu tháng mười hai. Trương Hoán không muốn đi cùng mấy người bọn Trương Huyên. Mọi người nhất trí quyết định vòng sang Lũng Hữu theo con đường phía tây qua Phượng Tường vào kinh, thuận tiện dạo chơi ngắm nhìn phong cảnh của Lũng Hữu. Sau khi du ngoạn quận Kim Thành, đoàn người liền tiến về quận Khai Dương.

Quận Khai Dương cũng là nơi nguồn cội của gia tộc họ Vi ở Quan Lũng. Gia chủ Vi Ngạc là con của tướng quốc đời trước Vi Kiến Tố. Ngoài nhậm chức Tiết độ sứ của Sóc Phương và Lũng Hữu ra, y còn kiêm nhiệm Binh Bộ thượng thư, Đồng Trung thư Môn hạ bình chương sự (5). Trong loạn lạc Hồi Hột xâm lấn Trung Hoa mười lăm năm trước, Vi gia đã chiêu mộ sáu vạn quân Lũng Hữu. Sau khi Hồi Hột lui binh, Vi gia bước lên vị trí thứ tư trong bảy đại thế gia. Nhưng mười năm trước, họ Trương ở Hà Đông chia rẽ, họ Vi ở Quan Lũng liền nhảy lên vị trí thứ ba. Thế lực chính phân bố ở một dải Lũng Hữu, Sóc Phương. Hiện giờ trong mười hai vạn đại quân của Tiết độ sứ trấn giữ Lũng Hữu và Sóc Phương, hơn nửa là được Vi gia tự chiêu mộ.

Người đi trên quan đạo khá đông. Ngoài những thương nhân vãng lai, cũng có không ít sỹ tử của Lũng Hữu vào kinh thi cử. Thỉnh thoảng có từng nhóm người cưỡi ngựa phóng vùn vụt qua bên cạnh bọn Trương Hoán, cuốn lên bụi vàng mịt mù. Bụi bay ở không trung làm mắt mũi mọi người ngứa ngáy. Trên người và đầu của mọi người đều bị dính bẩn thành màu vàng.

Trịnh Thanh Minh bị bụi bẩn làm ho sặc sụa. Y gắng sức phủi bụi bặm trên người, giục ngựa tới bên cạnh Trương Hoán phàn nàn:"Lão Trương, chúng ta có thể đổi đường khác không. Từ đây tới Phượng Tường còn hơn bốn trăm dặm, cho dù vào Quan Trung rồi cũng vẫn phải đi mấy ngày nữa, ta sợ tới được Trường An, chúng ta đều sẽ bị sặc đến sinh bệnh mất."

Lúc này, Triệu Nghiêm cũng giục ngựa tiến lên. Y lo lắng liếc nhìn cỗ xe ngựa, đoạn nói tế nhị:"Khu Bệnh, ta thấy mùa đông lạnh hơn một chút vẫn tốt hơn. Rơi thêm chút tuyết, bớt chút bụi bẩn. Xảo Xảo cũng không đến nỗi khó chịu như vậy!"

Trương Hoán hiểu ý của y, bèn dừng ngựa xem xét xung quanh. Nơi này là một con đèo, hai bên là đồi núi thấp thoải. Trên đồi trơ trụi, lộ ra một vùng đất vàng lớn, trải thẳng về phương xa. Lúc này, phu xe bên cạnh cười nói:"Trương công tử, từ đây đi tiếp về phía nam hai mươi dặm là tới Vị Hà (6). Thời tiết năm nay khác thường, nhiều con sông lớn không đóng băng, có lẽ ở Vị Hà vẫn có thuyền khách. Tôi thấy các vị cũng mệt mỏi, không bằng tới Vị Hà đón thuyền vào kinh."

"Cũng được! Mặt nước sạch sẽ, vừa khéo không có bụi bặm."

Trương Hoán lập tức quyết định. Y ngoảnh đầu hô với mọi người:"Mọi người hãy tăng tốc. Ra khỏi con đèo này, chúng ta tới Vị Hà đi đường thủy."

Nghe nói sắp đổi là ngồi thuyền, tinh thần mọi người tăng lên gấp bội. Dọc đường họ vung roi phi nhanh, sau một canh giờ thì đã tới bờ bắc của Vị Hà.

Nơi này là thượng du của Vị Hà, nước chảy xiết. Hai bên bờ, rừng cây rậm rạp, trải bày ra một vùng màu vàng óng ánh. Vị Hà không đóng băng, nước sông chảy xiết, thuyền qua thuyền lại, hết sức tấp nập.

Nhóm Trương Hoán đi men theo con sông ba dặm đường, cũng không nhìn thấy bến đò nào. Tống Liêm Ngọc giục ngựa tiến lên một sườn đất nhỏ, đưa tay lên trán nhìn về hai bên bờ. Đột nhiên, y trỏ về phía trước kêu lớn:"Khu Bệnh, phía trước hình như có một bến đò, ở đó có không ít thuyền!"

Mọi người hết sức mừng rỡ. Trịnh Thanh Minh và Triệu Nghiêm càng nôn nóng không thể nhẫn nại, hai người liền kẹp bụng ngựa, lao đi trước tiên. Bọn Trương Hoán tiến tới gần, quả nhiên có vài con thuyền khách lớn đang đỗ. Những thuyền này đều có thể chứa hai, ba trăm người. Trên bến, lái buôn, người đi đường chen lấn, hàng loạt chiếc xe ba bánh chở đầy hàng hóa đang nhọc nhằn tiến lên thuyền. Khắp nơi trên bến đều có la, ngựa cùng chất thải của chúng, mùi hôi thối nồng nặc.

"Khu Bệnh! Chúng ta đi con thuyền kia nhé!"

Triệu Nghiêm tiến thẳng lên, tay trỏ một con thuyền ở đầu bến gần nhất, hô. Trương Hoán nhìn theo ngón tay của Triệu Nghiêm. Nơi đó không có hàng hóa, hai bên tấm ván lên thuyền cũng không có lái buôn, người đi đường, vô cùng yên tĩnh. Chỉ thấy người lái thuyền đang dặn dò một đám sỹ tử trước khi lên thuyền.

Từ xa xa, chỉ nghe người lái thuyền nói hết sức nghiêm túc:"Bởi các vị có công danh trên người, nên mới để các vị lên thuyền. Nhưng các vị chỉ có thể dùng hai khoang thuyền, sau khi lên thuyền phải giữ yên tĩnh, nhất là không được tiểu tiện bậy bạ xuống sông. Nếu không, tôi sẽ đuổi các vị xuống thuyền, các vị hiểu chứ?"

Triệu Nghiêm khẽ nói bên tai Trương Hoán:"Vừa rồi ta nghe nói con thuyền này đi đón tiểu thư của một gia đình lớn ở kinh thành. Người lái thuyền muốn chở khách riêng mới để những sỹ tử ấy lên thuyền. Ta thấy con thuyền này rất sạch, không bằng chúng ta cũng ngồi nó."

Trương Hoán gật đầu, "ta cũng đang có ý này. Để ta đi hỏi thử."

Y trở người xuống ngựa, đi chậm rãi tới phía trước, chắp tay hành lễ với người lái thuyền, đoạn trỏ những người bạn đằng xa nói:"Ông lái, chúng tôi cũng muốn đi thuyền thuận gió, có thể tạo thuận lợi không?"

Y vừa dứt lời, những sỹ tử đang chuyển hành lý bên cạnh lập tức la lên, "chỉ có tổng cộng hai khoang thuyền, chúng tôi đều bao rồi. Không còn chỗ thừa nữa."

Không đợi Trương Hoán tiến lên thương lượng, một sỹ tử mặt đỏ tía có dáng người cao lớn trong bọn họ đứng lên lạnh lùng quát mọi người:"Rời nhà đi xa, ai chẳng có khó khăn. Người ta cũng là sỹ tử, các người hẹp hòi như vậy, không sợ người khác cười nhạo ư?"

Rõ ràng mọi người rất sợ y, bị y quát, đều ngậm miệng nín thinh. Y lập tức chắp tay cười nói với Trương Hoán:"Chúng ta đều là người vào kinh thi cử, gặp gỡ tức là duyên số, không cần nói lời khách khí."

Trương Hoán đáp lễ với y, đoạn cười nói:"Vậy xin đa tạ!"

Mọi người thanh toán tiền xe ngựa, tháo hành lý xuống, vác bọc lớn bọc nhỏ lên thuyền. Ngựa thì do thuyền viên dắt đến khoang đáy gửi nuôi. Mọi người lên thuyền rồi, lập tức gặp phải một phiền phức chưa lường tới. Bọn họ chỉ có một khoang thuyền, vậy Lâm Xảo Xảo làm sao đây? Không thể cứ chen chúc cùng bọn họ được!

Trương Hoán ngẫm nghĩ giây lát, rồi đi tìm người lái thuyền thương lượng. Y bằng lòng trả giá gấp đôi thuê thêm một khoang thuyền. Ai dè người lái thuyền một mực từ chối. Những khoang thuyền khác đều đã được đặt, chỉ còn hai khoang thuyền đó, hoặc là kéo một tấm rèm ngăn, hoặc là mời lên thuyền khác, không gì có thể thương lượng. Trương Hoán hết cách, đành phải lại đi tìm sỹ tử mặt đỏ tía nọ.

"Vị huynh đài này, bên chúng tôi có một nữ quyến, không tiện ở chung khoang. Không biết chỗ các huynh có thể tiếp nhận thêm mấy người không?"

Sỹ tử mặt đỏ tía nọ không lên tiếng. Chốc lát sau, y đột nhiên hỏi:"Nghe giọng huynh đài hình như là người Thái Nguyên. Không lẽ các huynh là học trò của thư viện Tấn Dương?"

Trương Hoán gật đầu, "đúng vậy! Xin hỏi quý tính của huynh đài là gì? Đã từng qua Thái Nguyên khi nào?"

Sỹ tử nọ mỉm cười nói:"Tại hạ Tân Lãng người quận Kim Thành, trước mười tuổi có theo gia phụ sống ở Thái Nguyên suốt. Nếu huynh đài không chê bọn tôi ồn ào, thì cứ dọn sang!"

Trương Hoán vô cùng mừng rỡ, vội xúc động hành lễ với y, đoạn cảm ơn:"Tại hạ Trương Khu Bệnh người Thái Nguyên, hôm nay có thể quen biết Tân huynh, quả thực là duyên phận."

Chú thích:

(*): Tác giả chú: giờ là Lan Châu.

(1): Thiên Bảo là niên hiệu của Đường Huyền Tông, Lý Long Cơ (742-756)

(2): Gò Mã Ngôi hiện giờ nằm ở phía tây thị trấn Hưng Bình, tỉnh Thiểm Tây, là nơi Dương Quý Phi bị buộc treo cổ chết. Tháng sáu năm Thiên Bảo thứ mười lăm, An Lộc Sơn công phá Đồng Quan, đe dọa Trường An, Huyền Tông hoảng hốt trốn chạy. Khi qua gò Mã Ngôi, quân đội hộ tống oán hận mà nổi loạn, tự xử tử gian tướng Dương Quốc Trung, và yêu cầu Huyền Tông giết chết Dương Quý Phi.

(3): Mạc Bắc là khu vực sa mạc miền bắc.

(4): Lũng Hữu là khu vực phía tây của Lũng Sơn. Thời xưa coi phía tây là hữu (bên phải).

(5): Danh hiệu Tể tướng đời Đường. Thuở đầu, nhà Đường có ba sảnh: Thượng thư, Trung thư, Môn hạ cùng quản lý chính vụ. Hai sảnh Trung thư và Môn hạ nằm ở trong cung, đặc biệt cơ yếu, nên thường gọi liền nhau. Trưởng quan của ba sảnh là Tể tướng. Trừ trưởng quan này ra, hoàng đế lại ra lệnh cho các viên quan khác tham dự việc cơ mật của triều chính. Những viên quan này có cấp bậc khá thấp, nên cần hàm cấp “Đồng Trung thư Môn hạ bình chương sự”, cũng là Tể tướng. Sau dùng hàm này làm tiêu chí cho quyền tham chính. “Bình chương” ý là xem xét phân biệt, suy rộng là quyết định xử lý. Người nhận hàm này thì có chức trách giải quyết chính sự ở Trung thư Môn hạ. Đồng bình chương sự có tính chất là bị phái đi, không phải là cấp bậc quan, người nhậm chức này phải kiêm thêm chức khác. Đến thời Đường Huyền Tông, sau loạn An Sử, hàm này thường được dùng để tặng người có công, là hư hàm. Cuối đời Đường và thời Ngũ Đại, Đồng Trung thư Môn hạ bình chương sự mới là Tể tướng thực.

(6): Vị Hà là dòng lớn nhất của Hoàng Hà, phạm vi lưu vực chủ yếu ở trung bộ tỉnh Thiểm Tây, bắt nguồn từ tỉnh Cam Túc, chảy qua tỉnh Thiểm Tây đổ vào sông Hoàng Hà.

Danh Môn

Tác giả: Cao Nguyệt


/495

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status