“Một bầy rắn có tập tính xã hội.”
Ngay tức khắc, trong đầu tôi lóe lên một câu như vậy, đồng thời cũng nhớ đến một câu ngày hôm qua Bàn Tử thuận miệng nói. Anh ta nói, hành động của lũ rắn này rất giống một đàn kiến, ở đây rất có thể có một con rắn chúa.
Tôi lúc đó còn cho rằng giả thuyết này là không thể, hành vi hợp tác của lũ rắn này cùng lắm cũng chỉ là một biểu hiện của bản năng quần thể giống như bầy kền kền tranh ăn vậy, thật không ngờ, ra đến đây lại gặp bức phù điêu như vậy, đây quả thực là một mô hình động vật mang tập tính xã hội.
Lũ rắn mào gà nhỏ màu đỏ này, chính là “rắn thợ” trong mô hình xã hội của loài côn trùng có tập tính xã hội, số lượng đông đảo, còn con rắn hoa, chính là “rắn đực”, kích thước lớn, số lượng ít, còn con rắn to tướng như con rồng này, chính là con “rắn chúa” mà Bàn Tử nói, một con rắn chúa duy nhất. Từ bức phù điêu này có thể thấy, con rắn chúa thực sự quá khổng lồ, rắn đực không thể nào giao phối với nó một cách suôn sẻ được, cho nên mới cần rất nhiều rắn mào gà đến giúp đỡ. Hơn nữa, theo quy luật tự nhiên, con rắn chúa to đến vậy, chỉ e cũng không thể chuyển động gì được, quả thực cần người khác đến giúp giao phối, giống như một con lợn cái được nuôi đến to tướng.
Lẽ nào, ở sâu trong biển cây cối rậm rạp này, quả thực có một con rắn to đến vậy ư?
Tôi có chút am hiểu về lịch sử loài rắn, trong trí nhớ của tôi, trong những câu chuyện về rắn khổng lồ, con to nhất là ở trong rừng rậm nhiệt đới Brazil, có người tuyên bố rằng mình đã từng nhìn thấy một con trăn anaconda xanh dài đến 50 mét. Loài rắn không giống loài người, nó không có tuổi thọ cố định, thông thường rắn sẽ phát triển dài ra đến mức nó không thể săn mồi được nữa thì khi ấy tự nhiên sẽ chết đi, nhưng trong trường hợp nguồn thức ăn dồi dào phong phú, rắn vẫn có thể tiếp tục dài ra nữa, những con rắn khổng lồ đó quả thực chính là thần của khu rừng. Có điều, cho dù là vậy, những con rắn đó lúc chết đi cùng lắm cũng chỉ khoảng 100 tuổi, mà bức phù điêu này thì có từ rất lâu rồi, ít nhất cũng phải ba, bốn nghìn năm, nếu ở đây quả thực có rắn chúa như thế thì chắc cũng đã chết lâu rồi.
Hơn nữa, kích thước to lớn đến vậy, nếu như nó thực sự tồn tại thì cũng phải sinh sống trong nước, ao đầm nơi này hiển nhiên không đủ sức chứa nó.
Tôi nhìn mà có hơi ngẩn ra. Nếu như nhìn thấy mấy phù điêu này trong bảo tàng, chúng tôi còn có thể cho rằng đây là thần thoại do cổ nhân phóng đại mà nên. Nhưng chúng tôi đang ở đây, từng gặp phải lũ rắn độc, hơn nữa, lại còn tận mắt chứng kiến hành động kỳ quái của chúng, như vậy, rất có khả năng nội dung bức phù điêu này là thực. Có lẽ đây là một phát hiện lớn về mặt sinh vật học, lịch sử học, khảo cổ học, thậm chí là cả xã hội học.
Nội dung bức phù điêu này quả thực khiến chúng tôi không thể quên được, hành động quỷ dị của loài rắn này rốt cuộc là làm sao mà tiến hóa ra được? Tại sao lại hoàn toàn khác biệt với các loài rắn khác vậy? Tôi có cảm giác, đằng sau đó nhất định phải có nguyên nhân sâu xa hơn nữa. Những nguyên nhân này chắc chắn có liên quan đến lịch sử nước Tây Vương Mẫu.
Các phù điêu phía sau là liên tiếp những cảnh cúng bái, trong một ngôi đền thần, có rất nhiều người đang quỳ lạy trước một con rắn độc. Xem hình dáng đền thần thì rõ ràng chính là nơi chúng tôi đang đứng, đếm từ trên xuống dưới thì thấy, trước khi ngôi đền bị đầm lầy nhấn chìm, ngôi đền này có những năm tầng liền, hiện giờ nước bùn đã chôn vùi cả ba tầng phía dưới. Trên thần đài của ngôi đền, con rắn kia vươn thẳng thân mình, đứng sừng sững trước mặt mọi người. Đây có lẽ cũng là một trong những cảnh cúng tế, ngoại trừ động tác kỳ quặc của con rắn kia thì những thứ khác không quỷ dị cho lắm, thần đài đối diện ngay trước cổng chính của ngôi đền, khi chúng tôi đến chỗ đó chỉ có đá vụn đá tảng, hiển nhiên là đã bị sập hoàn toàn.
Chúng tôi xem chỉnh thể bức phù điêu, liền nhận ra được thủ pháp thể hiện nội dung trên vách đá. Ở trung tâm là cảnh tượng rắn sinh sôi nảy nở, ở bốn phía xung quanh là các cảnh cúng tế rắn, nuôi dưỡng rắn và cuộc chiến rắn – người, cùng với đó là rất nhiều tranh vẽ cảnh có liên quan đến rắn khác nữa. Đúng như Muộn Du Bình nói, đây là một vách đá ghi chép lại các thông tin về rắn.
Tôi còn muốn tìm kiếm thêm chút tin tức từ trong đó, nhưng nhìn xem mấy lần liền, nhưng nhận thấy các chi tiết nhỏ có thể phân biệt tỉ mỉ quả thực quá ít, nhìn mãi cũng không có thu hoạch gì. Vách đá bên trên nữa lại không có phù điêu gì.
Bấy giờ chúng tôi mới dần hồi thần lại, lúc này mới nghe thấy tiếng Bàn Tử từ phía xa vang lên, mắng: “Hai đứa thủ thỉ chàng chàng thiếp thiếp cái gì đấy? Nói gì thì nói xong chưa, ông đây gọi mấy lần rồi, rốt cuộc các cậu có muốn ăn cơm không hả?”
Chúng tôi vẫn chưa thỏa mãn, nhưng nhìn một lúc thì cũng tạm thời chưa có đầu mối gì, mà bao tử cũng réo lên rồi, cơn thèm ăn lập tức chiến thắng sự tò mò, đành phải tạm dừng.
Tôi dìu hắn trèo xuống, đi đến bên bếp lửa, chỗ ấy đã bốc lên mùi thịt đã lâu quá không ngửi. Bàn Tử dùng một cái thau rửa mặt làm nồi, treo trên đống lửa mà đun.
Bàn Tử hỏi bọn tôi đang làm gì ở đó thế, đến mức anh ta đang làm đầu bếp đây mà chả đứa nào ra giúp một tay.
Tôi kể cho anh ta nghe phát hiện vừa rồi. Anh ta cũng có chút giật mình, có điều cũng dương dương đắc ý mà nói: “Bộ óc vĩ đại mới có thể đưa ra những quyết định đúng đắn, mấy cậu phải tiếp thu dạy bảo nghe không, về sau nhất định phải nghe lời tôi dạy đó, như vậy mới không bất giác mà… À này, nếu con rắn chúa kia thực đã chết rồi, thế sao lũ rắn kia vẫn còn nhặt nhạnh xác chết làm gì? Chúng nó thu gom xác chết để cho con gì ăn?”
“Có thể là cho rắn đực như lũ rắn hoa kia ăn, anh có nhớ hay không, đêm qua khi tụi mình tìm được thi thể A Ninh ấy, xung quanh con rắn hoa kia có vô số ‘cổ gà rừng’, rõ ràng là đang bảo vệ con rắn hoa đấy. Loại rắn đực này cũng là giai cấp quý tộc, được bầy rắn nuôi dưỡng, lũ rắn đấy vẫn còn có thể tiếp tục tồn tại, nhưng rắn chúa thì chắc chắn không thể nào còn sống, thức ăn ở đây quá ít, nếu quả thực có con rắn to bự đến thế sinh sống ở gần đây thì chúng ta đã có thể nhìn thấy dấu vết rồi. Cho nên, tôi thấy, con rắn khổng lồ này đã chết từ ngàn năm rồi.” Tôi nói.
Nghe vậy, Bàn Tử mới gật đầu. Tôi nói, hiện giờ anh có thể tưởng tượng, lũ rắn này không phải rắn thành tinh mưu mô khó lường gì đâu, hành động của chúng đều là theo bản năng, ít nhiều cũng có yên tâm hơn một chút.
Anh ta thở dài bảo: “Cũng chỉ có thể yên tâm hơn một chút thôi, trong chuyện này vẫn còn nhiều điểm đáng ngờ, đêm nay không biết làm sao mà sống qua được, mau ăn đi, ăn no còn đánh một trận.”
Tôi đã đói ngấu, không muốn tiếp tục thảo luận vấn đề này nữa, bèn hỏi anh ta nấu cái gì thế?
“Tôi nấu hết đống đồ hộp đấy, chỉ còn thừa lại một tí thôi. Cơm trưa nay có thịt hầm bánh bao với cá mòi, tả pí lù, có điều, vị miễn chê luôn.” Bàn Tử nói: “Thôi, không nói lũ rắn nữa, nghe mà phát ngán, đến nếm thử tay nghề của ông Béo ta nào, miếng thứ nhất không tính tiền, miếng thứ hai mới tính, mỗi miếng bằng một món minh khí.”
“Đun cái thứ này lên thì cần gì tay nghề chứ, chẳng phải cứ cho nước vào rồi đun sao?” Tôi nói.
“Chậc chậc, cho nên mới nói, chú em còn kém chú Ba nhà mình đến mấy bậc liền, cả đời chỉ làm tiểu thương mà thôi.” Bàn Tử xem thường nói. Bụng tôi réo ùng ục rồi, lập tức dùng một lon đồ hộp rỗng múc một chén thức ăn, há mồm ăn một miếng thật lớn, bỏng đến chảy cả nước mắt, có điều đúng là ngon thật, vị có hơi giống bánh Niên cao, chí ít cũng coi là có bữa cơm.
Tôi quấy lên cho bốc mùi thơm, Bàn Tử cũng không sĩ diện nổi nữa, không phí lời nào với tôi, cả ba người cùng nhồm nhoàm húp lấy húp để, ăn một mạch cho đường huyết tăng vọt lên.
Ăn xong cả người toát mồ hôi, tức thì có sức lực hẳn lên, đầu gối không đau nhức nữa.
“Sao? Ngon chứ? Các chú phải học tập chút, con người ta sống thất thập cổ lai hy, ăn uống gái gú bài bạc, chỉ có ăn là hưởng thụ cả đời người, ông Béo đây trải qua những ngày sống ngay trên lưỡi đao, loại người như chúng ta, lúc nào hưởng thụ được thì cứ hưởng thụ, có khi đây lại là bữa ăn cuối cùng của mình ấy chứ.”
“Tôi khinh!” Tôi nổi giận: “Cái gì mà ăn uống gái gú cờ bạc chứ, có mà ông mới là bữa cuối ấy, đừng có kéo tụi này vào.”
Lúc này nói những lời này thực là quá gở mồm, bởi vì đây quả thực có thể là bữa ăn cuối cùng của chúng tôi.
“Xem đi xem đi, đây chính là nọc độc còn sót lại của giai cấp phong kiến đấy mà.” Vẻ mặt của Bàn Tử lúc này rất thiếu đánh. Có điều, sau đó anh ta liền nói: “Mấy thức này cũng bổ, hôm qua chúng mình bị sương độc làm mù mắt, ăn ít thức bổ vào, không kẻo để lại mầm bệnh thì chết.”
Tôi lại nhớ đến màn sương đêm qua, liền lấy làm lạ, nói: “Đúng rồi, vì sao khi ta ở trong rừng thì không làm sao, mà vào đến đây thì lại mù?”
Bàn Tử nói: “Tôi nghĩ vấn đề có thể là do nguồn nước nơi này, sương mù là hơi nước ngưng tụ lại, nước trong rừng là nước chảy, nhưng nước tích trữ ở đây có thể là nước tù, cụ thể là thế nào, mình cũng chẳng biết được.”
Tôi gật đầu, lại nghĩ tới cái bóng mình nhìn thấy lúc thị lực vừa hồi phục, bèn hỏi bọn họ có gặp phải hiện tượng này hay không. Vừa nói xong, Bàn Tử liền lắc đầu: “Tình huống tụi này gặp phải phức tạp hơn nhiều, nào có tâm tư để ý đến ba cái thứ này, cậu nghe ai nói thế?”
“Trong phim truyền hình đó.”
“Cái của nợ đó mà cũng tin.” Anh ta lắc đầu, bỗng thấy Muộn Du Bình ngẩng đầu lên, mày nhăn tít, nhìn về phía tôi.
Từ nãy Muộn Du Bình đã không để ý đến lời nói chuyện của chúng tôi, tôi tưởng là hắn vẫn đang suy nghĩ chuyện mấy bức phù điêu, bèn nói: “Đừng nghĩ nữa, binh tới tướng đỡ, nước tới đất ngăn, để lại nữa cả lũ cùng ra xem kỹ lại phù điêu, tìm xem có đầu mối nào khác không, giờ anh cứ an tâm mà nghỉ ngơi đi đã.”
Tôi còn chưa nói xong, hắn đột nhiên bảo: “Cậu thấy một bóng đen đang lục lọi ba lô?”
Tôi bị hắn làm cho giật mình, gật đầu nói: “Rất mờ, không thấy rõ, cũng không biết có phải ảo giác hay không, nhưng chắc chắn không phải hai người các anh.”
Muộn Du Bình bỗng đứng phắt dậy, nói với tôi: “Đó là Văn Cẩm.”
/502
|