Edit: Earl Panda
*****
Sau khi tôi rời đi, A Quý cũng quay lại một chuyến, tìm vài người giúp vận chuyển lương thực và đồ đạc đến bên hồ. Thấy không có vấn đề gì, Vân Thải bèn theo họ về nhà làm việc khác, chỉ còn mình A Quý ở đây trông.
Lúc đó, Muộn Du Bình và Bàn Tử đã vớt lên được rất nhiều thứ, đồng thời phát hiện nơi có khả năng giấu kín những cái xác kia. Nhưng trời bắt đầu mưa liên miên không dứt, mực nước dần lên cao, khiến công việc trục vớt lâm vào cảnh bế tắc.
Tuy nhiên, đúng lúc này, trong quá trình sắp xếp những đồ đạc vớt được, họ tìm thấy cả một bộ trang bị bao gồm đồ lặn, dây thừng đầy đủ. Hồi xưa người ta dùng loại trang bị lặn rất nặng, để trục vớt những khối sắt dưới đáy hồ.
Bộ trang bị lặn tuy đầy đủ nhưng do ngâm nước trong thời gian dài, phần lớn là không dùng được nữa, nhưng mũ lặn được làm bằng chất liệu chống rỉ, lại được đóng gói khá kỹ trong ba lô, cho nên không bị ngấm nước, bên trong mũ vẫn còn khô ráo, chỉ có mặt ngoài là một lớp gì đó như cao su, bong tróc loang lổ.
Bàn Tử bèn nảy ra một ý, dùng cái mũ lặn này và một phần thứ giống cao su đó, làm thành một dụng cụ lặn đơn giản, không khí bên trong mũ lặn đủ để thở khoảng bảy, tám lần. Trong không khí mà con người thở ra cũng chứa một lượng lớn dưỡng khí, chút tí tẹo không khí ấy vẫn còn khá khả quan, nếu sử dụng khéo léo thì có thể tăng số thời gian lặn dưới nước lên đến năm phút đồng hồ. Trong việc lặn, dôi dư ra năm phút so với một phút đã là cách biệt một trời một vực rồi.
Thế là họ sử dụng bộ trang bị này, tìm được những hài cốt dưới nước kia.
Bọn họ sử dụng hai sợi thừng, một sợi buộc bên hông Bàn Tử. Vì mũ lặn rất nặng, cho nên chỉ đành dựa vào sức của anh ta thôi. Có thể trong quá trình nổi lên sẽ phát sinh nguy hiểm gì đó, cho nên đến lúc đấy cần có người kéo anh ta lên. Sợi thừng còn lại thì móc đầy những chiếc móc câu bằng dây sắt uốn lại, số dây sắt này dỡ ra từ khung sắt của chiếc vali da. Bàn Tử lặn xuống nước, vớt được đồ nào thì cứ móc vào đống móc sắt ấy, thế là một chuyến lặn xuống đã vớt lên được bao nhiêu là thứ.
Toàn bộ số hài cốt rải rác ở khắp nơi, sau khi vớt lên, họ dùng cành cây ghép lại để xác định số lượng người chết, nói chung quá trình rất suôn sẻ.
Sau khi vớt hết xương cốt dưới nước lên, đến khi ghép lại, bọn họ liền phát hiện ra một vấn đề – tất cả số hài cốt này đều thiếu mất bàn tay phải.
Theo phương pháp thống kê thì hộp sọ và xương chậu là căn cứ quan trọng nhất để phán đoán số lượng các bộ hài cốt, vì các loại xương khác quá lẻ tẻ, thiếu sót cái này cái kia cũng không đáng ngạc nhiên, nhưng ngay đến một bàn tay phải cũng không có thì lại quá kỳ lạ, không thể là ngẫu nhiên được.
Bàn Tử và Muộn Du Bình bắt đầu suy xét vấn đề, nguyên nhân gì đã dẫn đến tình trạng này? Trong lúc những cái xác bị ném đi, có tình huống gì đặc biệt đã xảy ra, khiến tất cả các bàn tay phải đều đứt mất, hay là bị người ta chém đứt?
Theo những gì Bàn Mã đã kể với tôi, hoàn toàn không nhắc đến chuyện chém đứt bàn tay phải của những thi thể này, mà bọn họ cũng không có lý do gì để làm vậy. Nghĩ mãi mà vẫn không có lời giải, Bàn Tử còn nghi ngờ đám người này rặt một lũ gấu chó, bị người ta chặt mất tay gấu đem làm nem công chả phượng rồi?
Cuối cùng, A Quý kết luận: Có thể những người này vốn đã không có tay phải? Tay phải của bọn họ đều giả, làm bằng gỗ, cho nên đã rữa nát hết rồi?
Nghe đến đó, tôi lại không cho là vậy. Trái lại, tôi cứ có cảm giác, trên tay phải những người này có điểm đặc biệt nào đó, thế là người ta chặt tay họ để che giấu thân phận, hoặc là đem làm chiến lợi phẩm gì đó. Nhưng Bàn Mã lại không nhắc đến việc này, lẽ nào năm đó sau khi đám người lão ta vứt xác xong, lại có người khác đến xử lý những cái xác này một lần nữa?
Nhưng phỏng đoán này của tôi ngay sau đó bị chứng minh là sai, bởi vì A Quý sau đó nói, Bàn Tử cũng nghĩ đến việc này, bèn kiểm tra xương cổ tay của các bộ hài cốt, lại không thấy vết chém, bàn tay phải cứ như thể bị bong ra một cách tự nhiên, các khớp xương cổ tay vẫn còn nguyên vẹn.
Theo lời kể của lão Bàn Mã, đội khảo cổ nọ vẫn có tay phải đầy đủ, chứng tỏ bàn tay phải chỉ bị mất sau khi chết. Bọn họ nghĩ mãi không giải thích được chuyện này, thế là lại lặn xuống nước lần nữa để tìm đầu mối.
Lặn xuống đến gần hàng rào, vẫn không tìm thấy gì nữa, Bàn Tử bắt đầu nghi ngờ các phần xương cốt còn bị cuốn vào trong phạm vi làng cổ đằng sau hàng rào nữa.
Trước khi bắt đầu lặn, bọn họ đã có ngầm thống nhất với nhau, đó là tuyệt đối không tiến vào trong làng cổ dưới đáy hồ, chỉ hoạt động trong phạm vi khá đơn giản quanh đấy. Khu vực đằng sau hàng rào sâu hơn bên ngoài đến mấy mét, hơn nữa, thám hiểm đáy hồ có mức độ nguy hiểm rất cao, chưa ai từng khảo sát qua khu vực này, nói không chừng cấu trúc ngôi làng đã quá yếu ớt, động vào phát là sụp liền, thế thì lại càng cần thêm trang thiết bị đầy đủ hơn mới được.
Nhưng mà Bàn Tử đã không đợi được nữa, anh ta nghĩ cứ qua xem một tí cũng chẳng sao đâu. Lúc này mới xảy ra một chút mâu thuẫn. Nhưng tại tôi không ở đấy, Muộn Du Bình thì chẳng bao giờ nhiều lời gì, còn A Quý thì không thể phản bác ông chủ lớn được, thế là anh ta bèn lặn xuống đó.
Đúng lúc này, lại xảy ra một biến cố không tưởng nổi.
Sợi thừng mà họ dùng lúc đó là loại thừng nilon mà A Quý mua trên huyện, bền chắc cực kỳ, lại dài hơn 300 mét, cho nên Bàn Tử không lo lắng tí gì, lặn xuống sâu hơn nữa.
Nhìn sợi dây từ từ bị kéo xuống nước, giống như lúc trước, A Quý cũng không quá lo lắng, chỉ để ý thời gian, chuẩn bị sẵn sàng đến đúng giờ thì dùng sức kéo Bàn Tử lên.
Bọn họ hẹn thời gian là bốn phút rưỡi, bốn phút rưỡi nghe thì có cảm giác lâu, nhưng ở trên bờ thì chỉ một tí là trôi qua, không lâu sau, A Quý bắt đầu kéo dây thừng, kéo được mấy cái, đột nhiên sợi thừng căng lên, kéo thế nào cũng không nhúc nhích, như là bị cái gì ở dưới đó cắn giữ lại vậy.
Suy nghĩ đầu tiên của anh ta là có lẽ bị kẹt ở chỗ hàng rào rồi, lúc trước tình huống này cũng từng xảy ra, có điều, hàng rào bị ngâm nước không biết bao nhiêu năm, xốp mềm cứ như bánh bao Vượng Tử ấy, chỉ cần kéo mạnh chút là được.
Lại dùng sức giựt mạnh vài cái, quả nhiên sợi dây lại kéo được nữa, A Quý bắt đầu thuận lợi kéo dây, nhưng lần này lại cảm thấy có gì không ổn, kéo dây lên mất ít sức hơn trước rất nhiều, cực kỳ nhẹ tay.
Cảm giác này có hơi kinh khủng, giống như khi ta câu cá, cá cắn câu, sau đó giằng co mấy giây, dây câu lại trùng, chứng tỏ mồi đã bị cắn rơi, cá thoát khỏi câu.
Hiện tại, mồi chính là Bàn Tử.
A Quý mồ hôi lạnh chảy ròng ròng, càng ngày càng thấy không ổn, sợi dây cũng càng ngày càng nhẹ, dần dần có thể nhìn thấy bóng đen dưới nước, anh ta gần như ngạt thở, đợi đến khi anh ta lôi được bóng đen lên khỏi mặt nước, thì chẳng thấy Bàn Tử đâu, thứ bị kéo lên là cái mũ lặn.
Anh ta bình tĩnh lại để suy đoán, rất có thể sợi thừng bị mắc kẹt chỗ nào đó, Bàn Tử thấy tình hình không ổn, bèn cởi bỏ mũ lặn rồi tự nổi lên. Cởi xong rồi thì thì thứ gì đó mắc sợi thừng lại cũng liền lỏng ra, như thế, Bàn Tử chả mấy chốc nữa sẽ nổi lên ngay thôi.
Lúc đó, Muộn Du Bình ở trên bờ. A Quý dần dần phát hoảng, vốn là một vụ làm ăn cực tốt, bây giờ loáng cái đã xảy ra chuyện, là phải chịu trách nhiệm rồi. Tệ hơn nữa là ở những vùng rừng núi hẻo lánh, xảy ra chuyện kiểu này, có thể sẽ bị người ta đồn đại cả đời luôn.
Anh ta vừa cởi quần áo vừa quay ra phía bờ gọi to, thấy Muộn Du Bình lập tức chạy qua, anh ta bèn nhảy xuống hồ, ôm tảng đá mà lặn xuống nước. Đáng tiếc anh ta thực sự chẳng có kinh nghiệm, chìm được mấy mét tảng đá lại tuột khỏi tay, rồi lại giãy giụa nổi lên.
Đến khi Muộn Du Bình chạy tới, A Quý kể lại tình hình vừa rồi, hắn bèn đội mũ lặn lên, nhảy xuống nước.
A Quý vừa kéo thừng vừa cầu trời phù hộ, nhưng không ngờ, đợi đến năm phút sau, không chỉ chẳng thấy Bàn Tử nổi lên, ngay cả Muộn Du Bình vừa xuống cũng không có bất cứ động tĩnh gì, sợi dây cứ thế rủ xuống nước.
Anh ta bèn kéo dây, cảm giác quen thuộc lại tới từ bên kia đầu dây. Kéo được dây ra hỏi nước, tình huống vẫn như trước: chẳng thấy Muộn Du Bình đâu nữa rồi! Ở đầu bên kia của sợi thừng vẫn chỉ còn lại chiếc mũ lặn.
Tôi nghe xong mà hoang mang, trong đầu rối như tơ vò, cảm giác không thể tiếp nhận nổi, thật là phét lác, chuyện thế này làm sao mà xảy ra được? Nhưng tôi cũng biết rõ, A Quý không thể nào nói dối, vậy chuyện này đối với tôi quả thực là quá đáng sợ!
Tôi hỏi A Quý chuyện này xảy ra khi nào? Anh ta đáp, cho đến giờ là sắp hai tuần rồi. Sau lúc đó, anh ta ở trên mặt hồ đợi nguyên một ngày một đêm, nhưng không có cái gì nổi lên nữa.
Hai tuần rồi? Cho dù có là kình ngư giỏi đến đâu đi nữa mà ngâm nước suốt hai tuần thì cũng chết chắc. Thảo nào A Quý nói bọn họ đã chết, bất kể là nguyên nhân gì khiến bọn họ cởi mũ lặn ở dưới nữa kia, thì cái chết cũng là chắc chắn.
Sau ngày hôm đó, ngày nào A Quý cũng kiểm tra mặt hồ một vòng, xem có cái xác nào nổi lên không, nhưng vẫn chẳng thấy gì. Anh ta nghĩ dưới đáy hồ có quái ngư nào đó đã ăn thịt bọn họ rồi, nhưng cũng không thấy bất kỳ vết máu hay dấu vết tấn công nào trên mũ lặn.
Tôi nhìn cái mũ lặn, thấy Bàn Tử đã chỉnh sửa nó khá là thú vị, khiến nó trở nên rất khó cởi khi ở dưới nước, chuyện này đã biến thành “vấn đề sống còn” rồi.
Tôi từng lặn xuống đáy nước rồi, biết tình hình dưới đó như thế nào, mặc dù tiến vào làng cổ có những mối nguy tiềm tàng, nhưng cũng không thể khiến bọn họ tiêu tốn nhiều sức lực vào việc cởi mũ lặn.
Có phải là bệnh DCS? Lặn xuống càng sâu, tỉ lệ oxy hít vào cần phải được điều chỉnh, nếu không sẽ xảy ra tình trạng say ngứa(*). Nhưng đó cũng không phải say rượu, không thể say đến mức thoát y luôn được.
(*) DCS (decompression sickness) là căn bệnh có thể xảy ra khi lặn sâu và có khả năng gây chết người. Không khí chúng ta thở là hỗn hợp của nhiều chất khí trong đó đa phần là nito và oxy. Cả hai đều hòa tan trong máu, nhưng nito là khí trơ và bị loại bỏ khi chúng ta thở ra. Càng lặn sâu áp lực nước càng tăng, số lượng nito hấp thụ cũng tăng. Khí này vẫn hòa tan trong máu và cơ cho đến khi người lặn trở lại vùng áp suất bề mặt. Khi nổi lên, nito sẽ khuếch tán ra khỏi cơ và bị loại bỏ khi thở ra, nhưng nếu nổi lên quá nhanh, khí nito có thể bị tạo thành những bọt khí trong máu và cơ, dẫn đến các triệu chứng như: đau mỏi ở khớp và cơ, ngứa ngáy khó chịu, da phát ban do những bong bóng hơi bên trong và dưới da, nhức đầu, nôn mửa. Thậm chí có thể rách mạch máu. Hậu quả có thể nghiêm trọng hơn nếu các bong bóng khí đi vào não và tủy sống. Từ tiếng Trung gọi chung chung các triệu chứng này dưới cái tên “say ngứa” (醉痒), tui dịch gượng như vậy để khớp với vế câu còn lại.
Chắc chắn đã có chuyện gì đó xảy ra dưới nước, khiến bọn họ không thể không cởi mũ lặn. Hơn nữa, Muộn Du Bình cũng phải cởi mũ lặn, chứng tỏ điều đó không có sự lựa chọn khác. Hắn ta không hay nảy ra mấy ý tưởng linh tinh giống Bàn Tử.
Như vậy, sau khi cởi mũ lặn, vì sao bọn họ không nổi lên nữa? Lẽ nào, khi gặp phải chuyện này, cuối cùng đã dẫn đến sự cố nào đó?
Tôi lặn lội đường xa, cả thể xác lẫn tinh thần đều mệt mỏi, lại gặp phải tình huống khó giải quyết như vậy, quả thực có chút luống cuống, nhưng tôi tuyệt đối không thừa nhận là bọn họ đã chết. Bọn tôi đã trải qua nhiều chuyện đến thế, nhiều lần có thể chết luôn ở bất kỳ đâu rồi, nhưng đều tìm được đường sống trong chỗ chết, bọn họ làm sao có thể chết trong một hành trình nửa du lịch nửa điều tra này được?
Nói thì nói vậy, tôi suy xét thật kỹ vấn đề, tim gan vẫn còn nhức nhối, lập tức không trông mong vào số đỏ nữa. Sự cố sẽ không nói lý với anh đâu, cho dù trước đây anh có gặp nguy hiểm lớn hơn nữa, thì đến lúc anh phải chết, làm sao cũng không tránh được. Trong lịch sử có vô vàn đại anh hùng cả đời gió mưa bão táp, cuối cùng lại chết trong tay một nhân vật nhỏ bé bình thường. Lẽ nào ông Trời lại trêu ngươi tôi, hai người họ cứ như vậy liền mất?
Suy nghĩ một lúc, tôi vẫn không tài nào tiếp thu được việc này, thật là phiền não. Nghĩ thầm, lúc đó trời đang mưa, tầm nhìn trên mặt hồ chắc chắn là không rõ ràng, có lẽ bọn họ đã nổi lên rồi, nhưng cách A Quý khá xa, cho nên anh ta không nhìn thấy, sau đó vì nguyên nhân nào đó mà một mình lên bờ.
Bất kể thế nào, có chuyện thì vẫn phải làm. Bất kể bọn họ có phải là gặp sự cố gì hay không, tôi vẫn phải lặn xuống dưới xem đến cùng xem sao. Sống phải thấy người, chết phải thấy xác.
/502
|