Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 45: ĐIỀU LO NGHĨ CỦA GIANG PHONG

/130


Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.514 (Nhâm Thìn, 1412), mùa đông tháng 11.

Gia Định Thành.

Bọn Đinh An Bình về đến Gia Định Thành, mang theo vô số cống vật : vàng, ngà voi, ngọc trai, và rất nhiều bảo vật khác. Cả những pho tượng đá, những biểu tượng đặc trưng văn hóa thu được từ Raigama và Raffna cũng được chở về. Những thứ này, trong mắt bọn Quảng Tế Pháp sư chỉ là những vật kỳ lạ, nhưng đối với Giang Phong nó có giá trị hơn nhiều.

Thành Đức Điện. Tiểu triều.

Sau khi nghe chúng thủ hạ hồi báo công việc như thường lệ, Giang Phong bỗng khẽ than :

- Đến giờ mới thấy Trường Thanh Cung quá nhỏ. Phải chi khi trước trẫm cho xây dựng lớn hơn.

Trường Thanh Cung thật ra rộng đến 4 kilômét vuông, nếu chỉ là một cung điện bình thường thì không hề nhỏ. Ngay cả Tử Cấm Thành mà Vĩnh Lạc đế đang dốc toàn quốc lực xây dựng, huy động hơn 100 vạn dân phu, phải mười mấy năm nữa mới xong, cũng chỉ rộng có 0,72 kilômét vuông. Thế nhưng, Trường Thanh Cung lại không phải là một cung điện bình thường, mà còn là nơi ở của Giang Phong, đồng thời cũng là nơi Giang Phong cất giữ tài sản của mình. Giang Phong bảo nhỏ, bởi vì lúc này các tài sản đó đã chiếm đến gần một nửa cung điện. Đương nhiên nếu chỉ châu ngọc vàng bạc thì không đến nỗi chiếm nhiều chỗ như thế. Giang Phong cho thu thập cả những tượng đá, hoa văn, điêu khắc, … tóm lại là đủ mọi thứ mà người hiện đại gọi là cổ vật văn hóa. Thậm chí, mấy tòa tháp đá nếu tháo ra vận chuyển được thì Giang Phong cũng đã cho mang luôn về đây, cuối cùng chất đầy trong cung. Số lượng các tiểu quốc mà Đế quốc đã chinh phục có đến hàng nghìn (Chiêm Thành và Vạn Tượng hơn trăm, Khmer và Thái hàng trăm, Majapahit nhiều hơn nữa, …), trải qua hàng trăm năm tích lũy, kho tàng cũng rất đáng kể. Đó là chưa kể đến mỗi tiểu quốc ít ra đều có cung điện và đền thờ. Sau này các nhà khảo cổ khi khai quật một di tích, thường thu được rất nhiều cổ vật. Đằng này Giang Phong không thu từ di tích mà là nguyên trạng. Thành ra tài bảo và cổ vật văn hóa nhiều vô kể, đến nỗi phải lo không có chỗ cất giữ. Trừ những tượng đá ra, các bảo bối khác đương nhiên không thể tùy tiện để chất đống ngoài sân vườn chịu mưa nắng, sương gió được.

Quảng Tế Pháp sư nói :

- Thánh hoàng. Hay là chúng ta mở rộng cung điện.

Giang Phong nói :

- Trẫm cũng có ý đó. Chư khanh có phương án nào không ?

Quảng Tế Pháp sư nói :

- Hiện tại phía nam và phía đông Trường Thanh Cung là sông rạch. Phía tây có một ít dân cư, phía bắc còn trống. Chúng ta có thể mở rộng ra phía tây và phía bắc.

Đào Anh nói :

- Khải tấu Thánh hoàng. Bên kia sông Gia Định còn rất rộng rãi, chúng ta có thể xây thêm cung điện bên đó, rồi xây cầu nối cả hai cung điện với nhau.

Triệu Phong nói :

- Không ổn. Ta nhớ trước đây Tần Thủy Hoàng xây cung điện ở hai bên sông Vị, rồi xây cầu nối lại với nhau. Làm như thế hóa ra chúng ta học theo Tần Thủy Hoàng sao ? Không tốt. Mà dường như cung điện của Tần Thủy Hoàng đó sau này bị thiêu rụi thì phải.

Quảng Tế Pháp sư gật đầu nói :

- Đúng thế. Sau này cung điện bị Hạng Vũ thiêu rụi.

Đào Anh vội biện bác :

- Ta không có ý đó.

Giang Phong khẽ cười, an ủi Đào Anh. Đinh An Bình xuất thân Cấm vệ trưởng, chỉ huy lực lượng bảo vệ Giang Phong trước đây, do đó quan tâm nhiều hơn đến vấn đề an ninh, nên nói :

- Nếu xây dựng hai cung điện, việc bảo vệ sẽ khó khăn hơn.

Giang Phong gật đầu. Ngoài vấn đề an ninh, Giang Phong còn có một lý do khác nữa. Giang Phong không muốn xây dựng hai cung điện, bởi muốn biến Trường Thanh Cung trở thành tòa cung điện lớn nhất thế giới. Có thể trước đây chỉ lớn nhất về quy mô, nhưng nhờ số lượng tài bảo và cổ vật văn hóa kia, chắc chắn sau này sẽ còn lớn nhất về giá trị, về nét đặc sắc, và về sự tráng lệ nguy nga. Do vậy, Giang Phong phán :

- Đồng thời mở rộng sang phía tây và phía bắc 5 dặm. Chính bắc và tây bắc tạm thời làm viên lâm, dự phòng cho sau này. Chính tây chia thành nhiều khu, mỗi khu vuông vức 2,5 dặm, dành cho một chủ đề riêng như Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, …

Giang Phong chỉ đề ra ý tưởng, còn thiết kế, thực hiện là việc của bọn Quảng Tế Pháp sư. Sự việc như thế là đã được quyết định. Giang Phong hy vọng rằng các khu trưng bày đó, do tập trung rất nhiều bảo vật của các tôn giáo, sau này có thể trở thành thánh địa để các tín đồ đến viếng, chiêm ngưỡng. Trường Thanh Cung sau khi mở rộng sẽ có diện tích 100 dặm vuông (10x10 dặm), tức 16 kilômét vuông (4x4 kilômét). Chủ yếu công trình tập trung ở khu vực chính tây và bức tường thành bao quanh cung điện. Còn khu vực chính bắc và tây bắc chỉ phải trồng thêm cây xanh, tạo giả sơn và đào hồ, suối để tạo thành viên lâm, khối lượng công việc tuy không ít, nhưng đơn giản.

Tiếp đó, Giang Phong lại bảo :

- Triệu Phong và An Bình tiếp tục luyện quân, chuẩn bị cho kế hoạch sắp tới. Tuyên triệu Lý Ngân hồi triều. Truyền Thế Căng khẩn trương luyện quân, chuẩn bị bắc tiến.

Kế hoạch sắp tới đương nhiên là đối phó quân Minh, giành lại Đại Việt. Giang Phong không can thiệp lúc này vì ngại Giản Định Đế và Trùng Quang Đế nghi kỵ. Hai người đó nổi danh đa nghi, không khéo chưa đánh được quân Minh đã biến thành nội chiến, khiến quân Minh hưởng lợi. Thà rằng Giang Phong tự đánh quân Minh. Và Giang Phong đã quyết định khi quân Trần bị tiêu diệt thì sẽ xuất quân bắc tiến. Đương nhiên bắc tiến theo kiểu của Giang Phong.

Sau khi mọi người lĩnh chỉ, Giang Phong lại hỏi :

- Tình hình Đài Loan thế nào ?

Đinh An Bình tâu :

- Khải tấu Thánh hoàng. Đài Loan hiện đã ổn định. Dân di cư và dân bản địa đã chịu sống hòa hợp với nhau. Trước đây có một số kẻ chống đối đều đã bị phán là nghịch dân, đưa đến Sumatra hết rồi.

Giang Phong hài lòng bảo :

- Điều 8 quân Thần Vũ, Thần Uy, Thần Long, Uy Tiệp, Long Tiệp, Trấn Ninh, Trấn Phong, Định Hải đến đảo Đài Loan luyện quân để thích nghi với khí hậu phương bắc. Triệu Phong quản việc này.

Triệu Phong cả mừng vâng dạ lĩnh chỉ. Giang Phong lại bảo Quảng Tế Pháp sư :

- Nghe nói người Mông Cổ đã khôi phục phần nào thực lực, đang quấy nhiễu biên giới Minh triều. Khanh hãy cho người liên hệ với các bộ tộc Mông Cổ, viện trợ lương thực khí giới cho bọn họ. Đương nhiên chúng ta cũng không thể chịu thiệt, hãy đổi lấy chiến mã về. Trẫm định sẽ thành lập kỵ binh.

Quảng Tế Pháp sư vâng dạ lĩnh chỉ. Việc này cũng bình thường, kẻ địch của kẻ địch chính là bạn. Viện trợ cho Mông Cổ để bọn họ quấy nhiễu Minh triều, đối với Đế quốc rất có lợi. Hơn nữa, Mông Cổ thiếu vũ khí nhưng thừa chiến mã, đổi chiến mã về để thành lập kỵ binh càng có lợi hơn. Kỵ binh Mông Cổ danh vang thiên hạ kia mà. Chiến mã Mông Cổ thấp bé, tốc độ không nhanh bằng chiến mã Đại Uyển, A Lạp Bá; nhưng có sức bền rất tốt, có thể tác chiến xa, lâu dài, thích hợp quân đội viễn chinh.

Đinh An Bình chợt hỏi :

- Khải tấu Thánh hoàng. Còn xứ Lưu Cầu giải quyết thế nào ạ ? Bọn họ hiện vẫn triều cống cho Minh triều.

Giang Phong ngẫm nghĩ giây lát, rồi nói :

- Vậy hãy thành lập quận Lưu Cầu thuộc tỉnh Đài Loan.

Đinh An Bình vâng dạ, lĩnh chỉ. Triệu Phong chợt nói :

- Thánh hoàng. Nghe nói Khai hoa đạn hiệu quả rất tốt. Xin hãy trang bị cho các đạo lục quân để thần có thể huấn luyện những chiến thuật tác chiến mới.

Giang Phong mỉm cười nói :

- Trẫm đã truyền lệnh mở rộng Xưởng quân khí, toàn lực sản xuất đạn dược để trang bị cho toàn quân.

Sau đó bãi triều. Mọi người ai lo việc nấy. Triệu Phong lập tức điều động 8 đạo quân chuẩn bị, rồi liên hệ với Hải quân vận chuyển bọn họ đến Đài Loan huấn luyện. Quảng Tế Pháp sư một mặt chuẩn bị khởi công mở rộng cung điện, một mặt tổ chức sứ đoàn đi Mông Cổ. Còn Soái hạm của Đinh An Bình thì di chuyển đến Lưu Cầu. Chỉ cần vài chục chiến hạm dàn hàng ngoài khơi cũng đủ khiến quân dân Lưu Cầu kinh hoàng thất sắc. Quốc vương Lưu Cầu dâng biểu cầu hòa, nhưng bị từ chối. Sau mấy trận oanh kích, quân Lưu Cầu trói quốc vương lại, mở cửa thành bảo đầu hàng. Lưu Cầu chịu ảnh hưởng của Nhật Bản nhiều hơn Trung Hoa, nên họ xây dựng thành bảo chứ không phải phương thành theo kiểu Trung Hoa.

Chiếm lĩnh kinh đô của Lưu Cầu, Đinh An Bình hiểu dụ quân dân các xứ thuộc Lưu Cầu đầu hàng, sau đó thiết lập hệ thống quan lại, sử dụng hàng binh Lưu Cầu đảm nhiệm các chức trách ở các huyện. Xong đâu đấy, các chiến hạm lại nhổ neo, đi bình định các đảo trong vùng vốn không thuộc Lưu Cầu. Theo quan điểm của Đinh An Bình, những hòn đảo ngoài biển mà không thuộc về quốc gia nào thì đều thuộc về Đế quốc; Hải quân của Đế quốc có thể hoạt động đến đâu thì nơi đó thuộc về lãnh hải của Đế quốc. Thời này các quốc gia còn chưa có khái niệm lãnh hải (mới có khái niệm lãnh thổ), thậm chí nhiều quốc gia còn có “Cấm hải lệnh” cấm đóng thuyền lớn đi biển, hay như Minh triều cấm cả ngư dân đi biển. Do vậy mà không có ai tranh giành quyền lãnh hải với bọn Đinh An Bình.


/130

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status