Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh 1

Chương 7: Chú rể trẻ con

/64


“Không ai muốn gần gũi kẻ xấu, dù hắn thông minh chừng nào đi nữa;

Không ai dám ôm ấp rắn độc, dù bảo bối trên đầu nó quý giá chừng nào đi nữa.”

(Cách ngôn Sakya)

- Tân lang tới!

Người ta dựng rất nhiều lán trại màu trắng trên một bãi cỏ rộng, người qua người lại nô nức, cười nói rộn ràng, tiếng nhạc phát ra từ cây đàn đầu ngựa[1] ngân nga, trầm bổng. Mùa hạ ở Lương Châu thoáng đãng, mát mẻ, trời xanh mây trắng, những bông hoa dại màu vàng, màu đỏ rực rỡ, đua nhau khoe sắc trên đồng cỏ, rung rinh trong gió. Không gian thoang thoảng mùi thơm của thịt bò, thịt dê nướng xen lẫn hương cỏ đồng nội ngai ngái, thanh thanh. Một đoàn người ngựa chầm chậm tiến vào giữa tiếng hoan hô dậy sóng. Những cỗ xe ngựa được chăng kết dây hoa rực rỡ, trong xe chất đầy những thùng đồ cao ngất, đó là sính lễ của nhà trai. Kháp Na cưỡi một con ngựa nhỏ đi ở giữa đoàn đón dâu. Hôm nay, chú nhóc mặc bộ áo dài quý phái của người Mông Cổ, thắt lưng bắt mắt, đội chiếc mũ đính tua rua màu đỏ, chóp tròn, đi ủng cao, sau lưng giắt cung tên cỡ nhỏ. Chỉ mới chín tuổi nên mặc dù là nhân vật chính của buổi lễ, chú nhóc vẫn bị chìm nghỉm giữa đám đông thanh niên trai tráng to khỏe, vạm vỡ. Kháp Na mặt buồn thiu, may có Bát Tư Ba luôn ở bên, nở nụ cười hồn hậu động viên em trai.

Tôi giấu mình trong chiếc áo khoác dài của Kháp Na, quan sát mọi thứ xung quanh bằng sự hiếu kỳ. Đoàn rước dâu đến trước một chiếc lều của người Mông Cổ, Kháp Na cưỡi ngựa đi quanh lều một vòng. Đám hầu cận của ngài Ban Trí Đạt xếp thành hàng, trao cho nhà gái một con dê và những lễ vật khác. Sau khi nhà gái nhận lễ, Kháp Na xuống ngựa, trên tay chú nhóc là chiến khăn Ha đa[2]. Đoàn hầu cận dâng rượu cho người ngồi chính giữa là Vương gia Khoát Đoan, sau đó lần lượt mời rượu các vị khách quý.

Đây là lần đầu tiên tôi gặp ngài Khoát Đoan, tính tò mò đã thôi thúc tôi thò đầu ra ngoài, quan sát người cháu của nhân vật lừng danh thiên hạ: Thành Cát Tư Hãn. Vương gia Khoát Đoan chừng ngoài bốn mươi, cao lớn, bụng phệ, gương mặt vuông vức, kiểu mặt điển hình của người Mông Cổ, để râu quai nón. Con trai cả Khởi Tất Thiếp Mộc Nhi của ngài ngồi phía sau, gương mặt khôi ngô, tuấn tú hơn hẳn người cha.

Một đám phụ nữ tập trung ở phía cuối lán trại, người ngồi ở giữa, khoác áo cô dâu màu đỏ thắm, trên mái tóc lúc lắc những chuỗi ngọc ngà châu báu chính là Công chúa Mukaton. Trông cô rất giống cha mình: mắt nhỏ, mũi tẹt, gương mặt tròn trịa, thân hình đẫy đà. Tập tục cưới xin của người Mông Cổ khác với người Hán, cô dâu không cần trùm khăn che mặt, cũng không cần một mình ngồi trong phòng tân hôn chờ chú rể. Kháp Na vừa bước vào lều, Mukaton đã nhìn chú nhóc chằm chằm, ánh mắt lộ vẻ chán nản, tấm tức. Bà mối vội vã ghé vào tai Công chúa thầm thì đôi câu, chừng như để an ủi.

Sau khi đã kính rượu hết lượt khách quý, Kháp Na quỳ xuống trước mặt Khoát Đoan, dập đầu lạy ba lạy, rụt rè gọi:

- Nhạc phụ đại nhân!

Khoát Đoan bật cười, người rung lên, vừa cất giọng đã áp đảo mọi thanh âm xung quanh:

- Tốt lắm! Con rể, hãy đứng lên!

Kháp Na đã tập đi tập lại rất nhiều lần những nghi lễ của người Mông Cổ nhưng giọng nói như sấm dội bên tai của bố vợ khiến cậu bé khiếp vía, đến nỗi lúc đứng lên giẫm cả vào vạt áo, lảo đảo rồi ngã bổ nhào về phía trước. Sự cố xảy ra quá đột ngột nên không ai kịp đỡ chú nhóc. Thế là Kháp Na tội nghiệp ngã sóng soài ra đất.

Lúc sau mới có người chạy đến đỡ chú bé dậy, hỏi han rối rít xem chú bé có bị đau ở đâu không, nhưng Kháp Na chẳng buồn đáp lại vì còn bận cuống quýt nhấc tôi ra khỏi chiếc áo khoác, kiểm tra tỉ mỉ:

- Tiểu Lam, em có sao không?

Tôi không sao cả, vì trước lúc ngã, chú nhóc đã kịp giữ chặt tôi. Tôi kêu lên vài tiếng, nhắc nhở Kháp Na rằng người bị thương chính là chú nhóc đó.

- Cậu chủ Kháp Na, khuỷu tay cậu bị thương rồi.

Lúc này, chú nhóc mới để ý đến vệt máu sẫm đỏ nơi khuỷu tay, những giọt máu đỏ tươi nhỏ xuống áo khoác, chú bé sợ hãi òa khóc. Người hầu vội vã băng bó vết thương, hết lời an ủi:

- Cậu chủ ơi, hôm nay là ngày vui của cậu, không nên khóc.

Những người có mặt khi đó thấy chú nhóc quá yêu chiều, bao bọc tiểu hồ ly thì tỏ ra khinh thường. Kháp Na mặc kệ, vẫn gào khóc thảm thiết, đưa tay áo lên quệt mũi, lau nước mắt, trang phục của chú rể nhàu nhĩ đến thảm hại, chiếc mũ trên đầu cũng lệch sang bên. Vương gia Khoát Đoan thì khó xử, Công chúa Mukaton thì lửa giận bốc ngùn ngụt, cô muốn bật dậy nhưng các bà mối đã ra sức kìm giữ. Chừng như chẳng thể muối mặt thêm nữa, ngài Ban Trí Đạt lẳng lặng ra hiệu cho Bát Tư Ba. Bát Tư Ba đón tôi từ tay Kháp Na, hết lời động viên em trai, cuối cùng Kháp Na cũng nín.

Kháp Na hoàn tất những nghi lễ tiếp theo với đôi mắt đỏ hoe. Lúc khởi hành, Mukaton được một người đức cao vọng trọng trong gia tộc bế lên xe hoa. Theo tục lệ, chú rể phải cưỡi ngựa đi ba vòng quanh xe hoa của cô dâu, nhưng Kháp Na đã quên sạch, thế là Mukaton lại được dịp ném ánh mắt khinh bỉ về phía chú nhóc.

Thực chất của cuộc hôn nhân này là sau hôn lễ, Kháp Na sẽ phải đi ở rể nên người ta sắp xếp các nghi thức rước dâu theo tập tục của người Mông Cổ trên một bãi cỏ rộng ở ngoại thành, sau đó cô dâu, chú rể sẽ vào sống trong khu nhà nhỏ thuộc phủ đệ của Vương gia Khoát Đoan.

Vừa bước vào Vương phủ đã thấy một đống lửa lớn ở sân. Người ta chuẩn bị sẵn rượu sữa ngựa để cô dâu và chú rể tưới vào đống lửa rồi khấu đầu lễ bái. Người chủ lễ đứng bên cạnh tụng đọc văn tế:

- Thánh chủ Thành Cát Tư Hãn đã phát hiện ra đá lửa, phu nhân Ha Ngạch Luân[3] là người bảo vệ và gìn giữ ngọn lửa thiêng bằng việc cúng dâng khăn lụa Ha đa và rượu sữa ngựa. Xin mời cô dâu, chú rể quỳ lạy và cầu nguyện! Thần lửa sẽ chứng giám cho hai người. Xin mời cô dâu, chú rể quỳ lạy và khấn nguyện! Cúi xin Phật Tổ phù hộ hai vị sớm sinh quý tử!

Nghe tới chuyện “sớm sinh quý tử”, những tràng cười chế giễu lại được dịp rộ lên. Mukaton ném nỗi bực tức về phía đám đông bằng ánh nhìn sắc nhọn, tiếng cười đùa lập tức im bặt.

Tiệc cưới được tổ chức vào buổi tối, Vương phủ trở nên náo nhiệt lạ thường. Những con dê béo ngậy, vàng ruộm trên bếp nướng, mùi thơm ngào ngạt. Người Mông Cổ múa hát say sưa, nam nữ nắm tay nhau nhảy điệu Guozhuang[4] quanh đống lửa. Thanh niên trai tráng để mình trần thi đấu vật, bắn tên, tiếng hoan hô dậy trời. Kháp Na không biết uống rượu, chú nhóc chỉ lẳng lặng quan sát khung cảnh lạ lẫm xung quanh bằng vẻ dè dặt, thận trọng. Hễ có ai đến chúc mừng, chú nhóc sẽ uống trà thay rượu và gật đầu như lật đật.

- Người anh em, đệ không uống được rượu thì uống trà thay vậy. Huynh đệ ta chúc mừng nhau nào! – Khởi Tất cầm bát rượu, hoan hỉ chạm cốc với Bát Tư Ba rồi một hơi uống cạn, kêu người hầu rót tiếp. – Người anh em, thế là chúng ta đã thành người một nhà, chúng ta là anh em thật rồi! Em gái ta được chiều chuộng từ nhỏ, tính tình ngang ngạnh, nếu nó có chỗ nào không phải, gia đình đệ bỏ quá nhé!

Bát Tư Ba khách sáo đáp lễ, Khởi Tất choàng vai Bát Tư Ba, cười ha hả:

- Ông bác của đệ quả là Bồ Tát Văn Thù tái thế, ngài đã chữa khỏi dị tật đeo đẳng trên chân cha ta suốt bao nhiêu năm đó! Các giáo sĩ Kitô, các thầy mo Saman[5] trong cung, không ai có thể sánh với trí tuệ và sự thông thái của ngài. Vậy nên hôm qua, cha ta đã sắc phong đại sư Ban Trí Đạt làm “Tế thiên trưởng lão”. Sau này, mọi hoạt động cầu nguyện trong cung sẽ do đại sư chủ trì, giáo sĩ của các giáo phái khác đều phải nghe theo sự chỉ đạo của đại sư.

Bát Tư Ba chắp tay, cúi đầu tạ ơn:

- Vương gia Khoát Đoan hậu đãi bác cháu bần tăng, lại xây đền và giao cho bác bần tăng coi sóc. Bác cháu bần tăng vô cùng cảm kích.

- Thế có là gì! Kêu gọi Wusi quy thuận Mông Cổ, tránh cho lê dân kiếp nạn binh đao, đầu rơi máu chảy, đại sư Ban Trí Đạt mới là người trí cao đức rộng. Một tháng nữa đền Hoán Hóa sẽ được xây cất xong, đến lúc đó, đại sư và đệ có thể dọn tới đó, Kháp Na thì ở lại phủ của cha ta. Hai vị có thể đến thăm cậu ấy bất cứ lúc nào.

Nghe vậy, Kháp Na lại chực mếu, mắt đỏ hoe. Bát Tư Ba lặng lẽ nắm chặt tay em trai, mỉm cười an ủi chú nhóc.

Màn đêm buông xuống, tiệc tàn người tan. Bát Tư Ba tiễn em trai đến cổng khu nhà tân hôn, chỉnh lại trang phục của Kháp Na.

- Đệ phải ngủ cùng cái chị đó thật sao? Đệ muốn ngủ cùng huynh cơ. – Kháp Na mếu máo nắm chặt tay Bát Tư Ba không chịu buông, vẻ mặt sợ hãi. – Chị ta dữ dằn lắm, đệ sợ…

- Kháp Na, ta không ngủ cùng đệ được. Bát Tư Ba buồn bã nhìn em trai, dịu dàng vuốt ve khuôn mặt bầu bĩnh của Kháp Na. – Công chúa là vợ của đệ, hãy sống hòa thuận với cô ấy. Ta hứa sẽ năng đến thăm đệ.

Kháp Na ngước đôi mắt ngấn nước, nghẹn ngào:

- Vậy… huynh để Tiểu Lam ở lại với đệ, được không?

=================

[1] Đàn đầu ngựa là loại nhạc cụ hai dây của dân tộc Mông Cổ, trên đầu cần đàn có chạm hình đầu ngựa nên gọi là đàn đầu ngựa. (DG)

[2] Khăn dệt bằng tơ lụa của người Tạng và người Mông Cổ, dùng để tặng nhau khi gặp mặt, tỏ ý kính trọng và chúc mừng. (DG)

[3] Mẹ của Thành Cát Tư Hãn. (DG)

[4] Điệu múa dân gian của người Tạng, Trung Quốc. (DG)

[5] Saman giáo là hoạt động tín ngưỡng dân gian được phát triển trên nền tảng tín ngưỡng nguyên thủy, xuất hiện từ rất sớm, rất có thể là tôn giáo đầu tiên trên thế giới.

Bát Tư Ba gật đầu, trao tôi cho Kháp Na:

- Khuya rồi, đệ vào nhà đi.

Kháp Na vuốt ve lưng tôi, gắng gượng nở nụ cười với anh trai. Dưới bầu trời đêm ngàn sao lấp lánh, nụ cười của chú nhóc trong trẻo, tinh khôi thấm vào từng tấc gan tấc ruột của tôi. Những năm tháng sau đó, khi Kháp Na ngày một trưởng thành, tôi không được thấy lại nụ cười vô tư lự thuở ấu thơ ấy nữa.

- Xéo ra ngoài! – Chiếc cốc bay thẳng về phía Kháp Na cùng với tiếng gào thét, quát nạt. – Tên nhãi ranh như ngươi mà đòi ngủ cùng ta ư?

Kháp Na né được chiếc cốc, sợ sệt thu mình sau cánh cửa, cất giọng rụt rè bằng thứ tiếng Mông Cổ lơ lớ:

- Sao chị lại giận dữ như vậy?

Mukaton gầm gừ bật dậy, thẳng tay bứt những chuỗi trân châu gắn trên tóc, vừa giựt vừa ném:

- Sao ta lại giận dữ như vậy? Sao ta lại phải lấy tên nhóc kém cỏi, chỉ biết ôm khư khư con hồ ly đáng ghét? Trong lúc cử hành hôn lễ, ngươi đã gây ra bao trò lố, rồi đây, mỗi lần bước ra khỏi cửa, ta sẽ bị thiên hạ chỉ trỏ, chê cười.

Bà mối muốn giữ Mukaton lại nhưng sức bà không nhằm nhò gì so với Mukaton cao lớn, bà dễ dàng bị gạt sang bên:

- Ta muốn trở thành vợ của một chàng trai dũng mãnh, chứ không phải một thằng nhóc miệng còn hơi sữa

như ngươi!

Kháp Na nước mắt ngắn nước mắt dài, run rẩy, lập bập:

- Nhưng… tôi sẽ lớn kia mà.

- Chờ ngươi thành người lớn thì ta đã già mất rồi, già rồi! Ta có được mấy năm tuổi xuân chứ hả?

Mukaton càng lúc càng nổi trận lôi đình, vung tay giậm chân, vò đầu bứt tóc, ngọc ngà châu báu, đồ trang sức trút xuống theo các động tác cuồng nộ của cô, vung vãi khắp nền nhà.

Kháp Na bật khóc, nước mắt tuôn trào, gào lên nghẹn ngào:

- Tôi có muốn đâu cơ chứ…

- Ngươi còn dám nói à? Ai thèm lấy một tên người Tạng vô danh tiểu tốt như ngươi! Ta đã cầu mong có người đến cướp dâu! Nhưng ai dám cướp cháu gái của Thành Cát Tư Hãn[1]? – Khi nỗi phẫn uất lên đến cực độ, Mukaton bắt đầu chuyển từ gào thét sang gào khóc. – Ôm lấy con hồ ly chết tiệt đó và xéo ra khỏi phòng ta! Sau này, nếu không được ta cho phép, ngươi không được bước chân vào đây nửa bước!

Kháp Na quay lưng chực bước đi nhưng Mukaton đột nhiên chân trần lao ra, lưng tựa vào cửa, nhìn chú nhóc bằng ánh mắt gườm gườm, nghi hoặc:

- Đứng lại! Ngươi định đi đâu?

Kháp Na khựng lại, lấy tay áo quệt nước mắt:

- Tôi đi tìm anh tôi…

- Không được đi! – Mukaton trừng mắt đe nẹt. – Ngươi tưởng ta ngu lắm sao? Ngươi định đi tố tội ta chứ gì?

Kháp Na khóc nấc lên, vẻ mặt khổ sở:

- Nhưng chị bảo tôi ra ngoài kia mà.

Mukaton nghĩ ngợi một lát, lại mở cửa, hung hăng lôi xềnh xệch Kháp Na sang phòng bên cạnh:

- Từ nay ngươi sẽ ngủ ở thư phòng, không được bén mảng đến phòng của ta. Còn nữa, cấm khóc nghe chưa, ngươi mà khóc lóc, ta sẽ đánh đó!

Qua kẽ hở của những ngón tay, Kháp Na trông thấy một bộ mặt dữ tợn, hung hãn, vì quá sợ hãi, chú bé khóc nấc lên. Bỗng bên tai tôi vang lên một tiếng “bốp” chát chúa, Kháp Na sững sờ, gương mặt non nớt của chú bé lập tức in dấu năm ngón tay. Tôi chồm lên, cắn vào cánh tay đang chực giơ lên của Mukaton. Cô ta đau đớn, ra sức vùng vẫy. Tôi không giữ được thăng bằng, bị hất rơi xuống đất, sau khi lăn vài vòng, tôi tiếp tục xông tới, nhưng Kháp Na đã ôm tôi lên, bao bọc tôi trong vòng tay của cậu bé. Mukaton chỉ mặt tôi, nghiến răng chì chiết:

- Ngươi dám trái lời ta, ta sẽ giết chết con hồ ly xấu xa này!

Kháp Na gắng gượng kìm những tiếng nấc nghẹn trong cổ, cúi đầu, thu mình vào một góc, ôm chặt lấy tôi. Mukaton đảo mắt răn đe bà mối và các cô hầu đang run như cầy sấy:

- Còn cả các ngươi nữa, kẻ nào dám tâu với cha và anh trai ta, ta sẽ đánh gãy chân, gãy tay kẻ đó!

Đám người hầu run bắn, cúi đầu không dám ho he.

Nằm trong lòng Kháp Na, tôi ngước nhìn chú nhóc, gương mặt hồng hồng non nớt đã bầm tím bởi cái bạt tai quái ác, lòng quặn thắt. Tôi bực bội với chính mình, thú linh, thú hiếm mà làm gì, trường sinh bất lão, trường sinh bất tử mà làm gì, sống trên đời ngần ấy năm cũng chỉ học được vài thứ tiếng, ba trăm tuổi mà chẳng được cao nhân chỉ đường soi lối nên chẳng học được bất cứ thứ phép thuật gì, chẳng trị nổi đứa con gái nanh ác.

Kháp Na ôm tôi vào lòng và trải qua đêm tân hôn trong thư phòng. Chú nhóc nằm co ro trên giường, nước mắt lưng tròng, khẽ gọi tên những người thân. Tôi nhẹ nhàng liếm gò má sưng đỏ của chú nhóc, nước bọt của tôi có tác dụng chữa sưng tấy rất tốt. Chú nhóc dần hết đau, ôm gọn tôi trong vòng tay, chìm vào giấc ngủ.

Tôi miệt mài liếm khô những vệt nước mắt trên cằm của chú nhóc, khẽ cất tiếng hát bài hát ru đầu tiên mà tôi học được từ con người, bài Nhịp võng đưa.

Năm đó, người cháu nhỏ nhất trong dòng họ của tôi cũng già cả và qua đời, cả gia tộc chỉ còn lại mình tôi. Tôi ngồi cạnh nó, liếm khô giọt nước mắt cuối cùng của nó. Nó chẳng còn đủ sức để cất lên thứ tiếng của loài hồ ly nữa, nhưng tôi có thể đọc thấy trong ánh mắt buồn thảm của nó điều này, rằng giọt nước mắt ấy, nó khóc cho tôi. Hẳn là nó thấy xót cho tôi vì những ngày tháng dằng dặc sau này tôi sẽ phải sống đời cô độc.

Sau khi nó ra đi, tôi cô đơn đến phát điên. Lần đầu tiên tôi xuống núi, vào nhà dân không để trộm gà mà trốn trong một góc khuất, nghe họ trò chuyện. Tuy chưa hiểu tiếng người nhưng với tôi khi ấy, được nghe bất cứ tiếng nói nào cũng là điều tuyệt diệu. Và tôi đã nghe thấy người phụ nữ đu đưa cánh võng, khe khẽ cất lời ru con trẻ, khúc hát ru ấy chính là bài Nhịp võng đưa.

Tôi ghé sát tai Kháp Na, khe khẽ ầu ơ, hệt như người mẹ hiền từ ru con bên cánh võng năm xưa.

“Ầu ơ, ầu ơ, nhịp võng ru

Ngủ ngoan con yêu, tay mẹ đưa

Mai sau khôn lớn con hãy nhớ

Tình mẹ ngày đêm vẫn đợi chờ.”

Chú nhóc khẽ xoay người, chiếc lưỡi hồng hồng liếm láp làn môi đỏ như son, khóe miệng uốn lên thành vành cong đáng yêu.

Hôm sau, lúc tỉnh dậy, việc đầu tiên chú nhóc làm là ôm tôi vào lòng, hoan hỉ kể:

- Tiểu Lam à, đêm qua ta được gặp mẹ trong mơ đấy. Mẹ đã hát cho ta nghe, giọng hát ngọt ngào như cô tiên vậy. Mẹ còn thơm vào má ta nữa…

Tôi liếm chiếc má bầu bĩnh của Kháp Na, khẽ kêu để chia sẻ niềm vui với chú nhóc.

Chàng trai trẻ lắc đầu:

- Hôn lễ này chẳng khác nào một vở bi hài kịch. Kháp Na kết hôn với người con gái ghê gớm đó, sau này chắc rất khốn khổ.

- Khi ấy tôi cũng nghĩ rằng Mukaton là kẻ kiêu căng, ngạo mạn, hung hãn, tàn bạo, nhưng nhiều năm sau, tôi bắt đầu hiểu cô ấy. Thực ra, cô ấy cũng rất đáng thương, giống như Kháp Na, cô ấy chỉ là vật hy sinh trong cuộc hôn nhân vì mục đích chính trị này. – Tôi thở dài, tiếp thêm củi vào lò than. – Nhiều năm sau đó, Kháp Na vẫn tiếp tục ngủ trong thư phòng. Sống trong hoàn cảnh xa lạ, chú nhóc dần trưởng thành, chín chắn hơn, cũng đáng thương hơn. Tuy rất sợ Mukaton nhưng chú nhóc vẫn làm ra vẻ thuận hòa, vui vẻ, không bao giờ than thở với bác và anh trai. Thời gian đầu, chú nhóc không thích mặc chiếc áo dài thùng thình của người Mông Cổ, không quen đồ ăn Mông Cổ, chật vật khi học tiếng Mông Cổ, nhưng dần dà, chú nhóc đã học cách thích nghi.

Chàng trai trẻ quay đầu lại, nhìn tôi:

- Tôi cứ băn khoăn mãi về điều này, vì sao đại sư Ban Trí Đạt quyết tâm đưa anh em Bát Tư Ba đi cùng trên chặng đường dài đầy gian nan ấy? Bát Tư Ba khi đó mới mười tuổi và Kháp Na mới sáu tuổi. Dắt díu theo hai chú nhóc trải nghìn dặm đường, vượt qua cao nguyên Thanh Tạng quanh năm tuyết phủ, dù là ở thời hiện đại cũng cực kỳ gian khổ, chứ đừng nói vào thời đó, điều kiện đường sá và ăn ở vô cùng thiếu thốn.

Tôi thở dài:

- Thực ra, khi đó trong nội bộ phái Sakya, không ít người lên tiếng phản đối việc đại sư Ban Trí Đạt đưa hai chú bé đi cùng, họ lo ngại trên đường gặp bất trắc. Nhưng đại sư Ban Trí Đạt làm vậy là có lý do. Nếu để hai anh em Bát Tư Ba ở lại Sakya, e rằng tính mạng của họ khó được bảo toàn.

Chàng trai trẻ tròn mắt:

- Sao… sao lại như vậy? Lẽ nào…

===================

[1] Trong tiếng Mông Cổ thì Thành Cát Tư Hãn có nghĩa là vua của cả thế giới. (DG)

/64

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status