Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh

Chương 2 - Chương 93

/96


Nhưng tôi chẳng để tâm đến những màn biểu diễn đó, chỉ biết len lỏi giữa đám đông hỗn loạn, bám theo đội nghi thức, đến chùa Khánh Thọ ở cổng thành phía tây vào buổi trưa.

Hôm nay tất cả văn võ bá quan trong triều đều mang trên mình trách nhiệm nặng nề. Lễ bộ phụ trách đội tạp kỹ và ca vũ. Hình bộ phụ trách đội tuần tra, đảm bảo an ninh cho lễ hội. Trung khu tỉnh được phân công đóng chốt ở các khu vực cổng thành hướng ra các phố lớn. Khu Mật viện phụ trách công tác tiếp đón khi đoàn rước đến chùa Khánh Thọ.

Viên quan đứng đầu Khu mật viện – Hoàng tử Chân Kim – đích thân đứng chờ ngoài cổng chùa để đón đoàn. Cậu ấy vận bộ triều phục quý phái, sang trọng, gương mặt cương nghị, thân hình cao lớn, vạm vỡ, từ con người đó toát ra khí phái của bậc anh hào. Năm ngoái mới lên chức cha, năm nay Chân Kim sẽ có thêm một nhóc tì nữa vì cô vợ Khoát Khoát Chân của cậu ta lại sắp sinh.

Người ta cung kính rước kiệu vào chùa. Đội nghi thức cùng các nhà sư dùng cơm chay trong chùa. Sau bữa trưa, chiếc kiệu sẽ được rước từ bờ phía nam hồ nước bên ngoài cổng thành phía tây qua cửa Hậu Tải, rồi từ cửa Đông Hoa qua cửa Diên Môn, tiến về phía tây. Sau đó, đoàn rước sẽ kết thúc tại điện Đại Minh trong cung, tại đây, Bát Tư Ba sẽ cung kính đặt lọng trắng về vị trí cũ trên ngai vàng.

Sau khi Bát Tư Ba dùng bữa xong, Chân Kim hộ tống chàng rời khỏi chùa Khánh Thọ. Đám đông chen chúc ngoài cổng chùa bỗng trở nên náo động khi Bát Tư Ba xuất hiện. Ai nấy đều nghễn cổ chiêm ngưỡng dung mạo của quốc sư rồi hò reo inh ỏi:

- Quốc sư của chúng ta kìa. Thật vinh hạnh khi được thấy ngài!

Đội nghi thức muốn tiến lên dẹp đám đông sang bên để dọn đường cho đoàn rước nhưng Bát Tư Ba đã ngăn họ lại. Chàng đứng trên đài cao ngoài cổng chùa, mỉm cười trang trọng, thân thiện vẫy tay chào.

Lâu nay, chàng vẫn là nhà sư được Hốt Tất Liệt trọng dụng, công việc thường ngày của chàng là truyền giảng pháp chỉ cho hoàng thân quốc thích của nhà vua ở trong cung nên thường dân Yên Kinh rất khó có cơ hội tiếp xúc với chàng. Nhưng tôi hiểu, chàng không hề muốn như vậy. Tâm nguyện của chàng là được truyền giải đạo Phật cho mọi chúng sinh. Có điều, đã là người của cung đình thì khó lòng được tự do tự tại.

Vì vậy, hôm nay là một cơ hội hiếm hoi, tôi phải giúp chàng tạo ấn tượng tốt trong lòng dân chúng mới được!

Thế là, khi đám đông đang chen vai chen chân ngước nhìn thì trên trời đột ngột xuất hiện một đám mây ngũ sắc tuyệt đẹp, đám mây bay đến, đậu lại trên đỉnh đầu Bát Tư Ba. Tiếp đó, một cơn mưa nhỏ tí tách trút xuống, tầng mây dày đặc che khuất vầng thái dương, bầu trời âm u. Đám mây ngũ sắc chiếu sáng không gian xung quanh, lập tức thu hút sự chú ý của tất cả mọi người, ai nấy đều tròn mắt, há miệng, ngơ ngác ngắm nhìn.

Bát Tư Ba sững sờ, ánh mắt chàng lập tức kiếm tìm trong đám đông. Tôi không thể cởi mũ nên nảy ra một cách khác, tôi cởi sợi dây buộc tóc, giơ cao lên. Chàng nhận ra, nụ cười ấm áp tỏa rạng trên môi.

Đám mây ngũ sắc tạo nên vầng hào quang rực rỡ bao bọc lấy thân hình mảnh khảnh của Bát Tư Ba, hệt như vầng hào quang tỏa rạng sau lưng các vị Bồ Tát. Gương mặt an nhiên, thanh tịnh như một vị thánh của chàng, ánh sáng thánh khiết tỏa ra từ con người chàng dường như tạo ra một lực hướng tâm vô cùng mạnh mẽ khiến cho đám đông muôn phần xúc động, cuống quýt hành lễ, vái lạy, thậm chí có người bật khóc. Quầng sáng dần tan biến, bầu trời trở lại vẻ ảm đạm như trước. Bà con dường như vẫn còn bội phần xúc động, họ reo lên:

- Phật sống hiển linh bà con ơi!

Bát Tư Ba gật đầu ra hiệu cho đoàn rước tiếp tục lên đường. Kèn trống tiếp tục vang lên, đội nghi thức dàn hàng thẳng tiến, cỗ xe từ từ rời khỏi cổng chính chùa Khánh Thọ, tiếp tục hướng về phía tây. Bát Tư Ba dõi mắt về phía tôi, tôi biết chàng lo lắng cho mình nên lắc đầu, mỉm cười để chàng yên lòng.

Đoàn người nối đuôi nhau theo sau đoàn rước cùng Bát Tư Ba, chỉ một lát sau, cổng chính của chùa Khánh Thọ đã không còn một bóng người. Đột nhiên tôi cảm thấy hoa mắt chóng mặt, bèn dựa vào một gốc cây. Tuy những năm qua, phép thuật của tôi đã tiến bộ rất nhiều, nhưng khi nãy, phép biến hóa trước ngần ấy con người đã khiến tôi tiêu hao rất nhiều linh khí. Mong là nghỉ ngơi một lúc, tôi sẽ về được đến phủ Quốc sư rồi mới xỉu đi.

Đúng lúc con buồn ngủ ập đến mãnh liệt, tôi bỗng nghe thấy giọng nói quen thuộc của ai đó sau lưng mình:

- Cô nương ơi, cô sao vậy?

Tôi đã xuống sức nghiêm trọng nên có người lại gần mà không hề hay biết. Không được, không thể để cậu ta nhận ra mình. Tôi gắng gượng đứng lên, nhưng chân tay cứ bủn rủn, cơ thể lảo đảo, chực đổ nhào về phía trước, chưa kịp chạm đất thì cánh tay rắn chắc của ai đó đã kéo tôi. Người đó xoay người tôi lại, chiếc mũ rơi xuống, để lộ suối tóc màu lam kỳ ảo.

- Là nàng ư? – Cậu ta thốt lên kinh ngạc, niềm vui cực độ xen lẫn sự hoài nghi. – Cuối cùng ta cũng gặp lại nàng!

Tôi gượng mở mắt, bắt gặp gương mặt tràn ngập niềm vui của cậu ta, cất giọng yếu ớt:

- Chân Kim...

Và rồi tôi thiếp đi. Trước lúc đó, tôi còn đủ tỉnh táo để niệm thần chú giữ nguyên hình dạng con người của mình sau khi rơi vào trạng thái hôn mê.

~.~.~.~.~.~

- Lúc trước cậu nói rằng, cậu cảm thấy Bát Tư Ba rất giống một chính khách, đúng không? – Tôi xuống giường, lại gần giá sách, vừa đi vừa nói. – Điều đó chính xác. Bát Tư Ba dốc toàn bộ tâm trí vào vấn đề chính trị của Tây Tạng. Tuy nhiên, với vai trò của một lãnh tụ tôn giáo, chàng cũng tổ chức rất nhiều hoạt động nhằm hoằng dương Phật pháp. Ngoài các hoạt động trong cung đình của Hốt Tất Liệt, chàng còn tổ chức lễ hội Phật giáo rất lớn à ai cũng có thể tham dự: Lễ hội Sitatapatra.

Tôi rút cuốn Lịch sử triều Nguyên, lật đến chương 77, chỉ cho chàng trai trẻ những ghi chép về lễ hội diễn ra vào triều Nguyên:

- Lễ hội Sitatapatra được khởi xướng bởi Bát Tư Ba, từ đó về sau, năm nào lễ hội này cũng được tổ chức long trọng tại kinh thành triều Nguyên, khi ấy, người ta thường gọi lễ hội này bằng cái tên “Lễ diễu hành hoàng thành”. Quy mô của lễ hội này không hề thua kém lễ hội hoa đăng trong dịp Tết Nguyên tiêu của người Hán. Nếu vì có việc gì đó trọng đại mà năm nào đó không thể tổ chức thì lễ hội chắc chắn sẽ được tổ chức bù vào năm tiếp theo, tục lệ đó được duy trì mãi cho đến khi triều Nguyên bị diệt vong.

Chàng trai trẻ lật mở cuốn Lịch sử triều Nguyên, những dòng cổ văn ngắn gọn, súc tích khiến cậu ta khá vất vả để có thể đọc hiểu trọn vẹn. Chàng trai trẻ tán thưởng:

- Ghi chép về lễ hội này rất đầy đủ, chi tiết, với quy mô thế này, lễ hội Sitatapatra quả là có một không hai.

Tôi gật đầu:

- Hốt Tất Liệt rất coi trọng những ngày lễ tôn giáo trọng đại thế này, vì cả giới tăng ni Phật tử, dân thường và quân đội đều có thể cùng nhau tham dự. Về sau, ông đã hạ lệnh, cứ đến trung tuần tháng Sáu [1] hằng năm, lễ hội sẽ được tổ chức tại Trung Đô.

=== ====== ====== ====== ====== ====== ===

[1] Theo ghi chép của cuốn Lịch sử triều Nguyên thì lễ hội Sitatapatra được tổ chức lần đầu tiên vào niên hiệu Chí Nguyên thứ bảy, tức năm 1270, sau đó được duy trì thường niên vào ngày Mười lăm tháng Hai hằng năm. Nhưng do yêu cầu của nội dung câu chuyện, chúng tôi xin phép mạo muội đẩy thời gian lên trước bảy năm và đổi thành ngày Mười lăm tháng Tư hằng năm.

/96

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status