Đường Còn Dài, Còn Dài

Chương 1

/7


Buổi chiều hôm đó, mọi thứ vẫn diễn ra bình thường như cuộc đời này vốn thế. Từ những ô cửa của trường Đại học, tiếng giảng bài văng vẳng vọng ra, hòa quyện vào nhau tạo thành một chuỗi âm thanh huyên náo, xa cách làm N chóng mặt. Từ trên tầng bốn nhìn xuống, sân trường giữa giờ trơ vắng như một vùng đất kì dị, thi thoảng có vài đứa sinh viên cúp tiết lơ láo đi qua.

Mớ tập bài vừa photo giờ nằm trên tay N nặng trịch. Hắn vứt nó vào thùng rác ở cuối dãy hành lang. Với hai bàn tay buông thõng, N đi bộ xuống bốn tầng lầu, cẩn thận, bình tĩnh giẫm xuống mỗi bậc thang, cảm giác chẳng bao giờ bàn chân mình có thể gặp lại chúng nữa.

Những chuyến xe bus nối đuôi nhau chạy hết một vòng

Tôi bắt xe buýt S09 lên Hồ Con Rùa, rồi đi bộ ra một con hẻm nhỏ bán cà phê cóc gần đó. Chuyến xe buýt cuối cùng của đời sinh viên không đặc biệt như tôi tưởng tượng. Radio vẫn mở oang oang. Vẫn là chương trình nhạc theo yêu cầu giữa trưa, với lượng thính giả hâm mộ cuồng nhiệt khổng lồ là công nhân.

Tôi đã không còn làm nghề “sinh viên” nữa. Có thể ít nữa tôi cũng sẽ đi làm công nhân, vì ba mẹ tôi sẽ không đời nào gửi tiền nuôi một thằng con bất hiếu bỏ giữa chừng đại học. Dù sao tôi cũng có-trình-độ trung học phổ thông (tức là đã tốt nghiệp), sẽ dễ dàng ứng tuyển vào một chương trình “Cần 200 công nhân ngành may lương một triệu rưỡi một tháng, đào tạo nghề miễn phí, ra có việc làm ngay. Xin liên hệ số 12345678910 ji đầm già xì để biết thêm chi tiết”. Tôi sẽ rụt rè gọi điện thoại cho chương trình đề nghị tặng bài hát Yêu là không hối tiếc do ca sĩ Tân Minh Tinh trình bày cho các bạn Nga, Huyền, Diễm, Nhi làm cùng tổ ba Xí nghiệp may Thạnh Hòa xã X huyện Y tỉnh Z với lời nhắn “Tụi mình là bạn tốt suốt đời nhen!”.

Viễn cảnh xưởng may với người bạn gái hiền lành, vừa cắm cúi làm việc vừa nghe chung chiếc radio rè làm tôi thấy buồn ghê gớm.

Bác tài xế xe bus mắt đỏ ngầu chán nghe nhạc não tình, đổi sang kênh tư vấn tình yêu. Chị ơi, em chỉ lỡ dại có một lần… (sụt sùi khóc lóc)… Ảnh đã hứa với em là hổng có chuyện gì đâu, vậy mà bây giờ em bị trễ mất hai tuần rồi chị ơi… (tiếp tục sụt sùi)… Má em từng nói phá thai là giết người, nhưng bây giờ nó đã có hình hài gì đâu… Xin chị cho em một lời khuyên! Chào em, em hãy bình tĩnh. Rõ ràng cậu bạn trai em đã không muốn… blah blah…Chị khuyên em nên sáng suốt suy nghĩ và có quyết định đúng đắn. Chúc em sớm vượt qua!

Phải rồi, có thể sau giờ làm việc quần quật trong xưởng may, tôi sẽ đi chơi với một người yêu khờ dại. Nàng ở miền Tây lên, học chưa qua cấp 1, kiến thức tình dục an toàn không đủ lận lưng, đến năm mười mấy tuổi vẫn tin em bé được một con cò mang tới.

Vẫn là những chuyện nghĩ tới đã thấy buồn ghê gớm!

Tôi nhắm mắt, tập trung vào chuyển động của dòng máu đang chạy trong não. Hình ảnh những buổi sáng chưa xa hiện ra. Như sáng nay tôi còn là sinh viên, tôi chạy xe từ nhà ra Hồ Con Rùa, gửi xe ở gần đó rồi trèo lên xe buýt S09 chuyến sớm nhất đến trường. Radio của xe buýt điểm tin Sài Gòn buổi sáng, từ chuyện cô giáo trường nọ mất thi đua do bị phụ huynh học sinh kiện tụng đến giá rau cá heo gà, chuyện giải quyết vấn đề toilet công cộng cho các anh xe ôm ở bến xe miền Đông cho đến chuyện giá xăng giảm nhỏ giọt.

Thi thoảng bác tài xế chuyển sang đài nào đó có phát chương trình Những ca khúc bất hủ. Xe lướt qua những con đường Sài Gòn sớm vắng trong tiếng nhạc Tie a yellow ribbon round the old oak tree, Yellow Submarine, Noweigian Wood… Tôi nhắm mắt lẩm bẩm hát theo, thấy đời mình hồn nhiên vui như những giai điệu giản dị xưa cũ.

Vậy mà những buổi sớm như thế sẽ không còn. Chúng thuộc về một cơn mơ mà tôi vừa rời xa.

Xe buýt, đối với tôi là một chiếc lồng chuyển động nhốt đầy những âm thanh, và đôi khi là những câu chuyện chỉ vừa nghĩ đến thôi đã buồn đến ngợp người. Chúng nối đuôi nhau chạy hết một vòng, rồi từ từ dừng lại, như cái bàn cò kêu cót két, cọt kẹt.

Bình thường, tôi không phải là đứa hay xúc động như vậy. Nhưng đời tôi vừa có một bước ngoặt. Trước những thay đổi lớn lao, người ta thường có xu hướng vô độ.

Sói

Trong con hẻm nhỏ tĩnh lặng, tôi thấy Sói đang ngồi uống cà phê một mình, vẻ mặt đủng đỉnh lơ ngơ như vẫn thế. Sói là lão bạn già tôi quen những ngày lê la cà phê một mình ở cái hẻm này. Sau này tôi mới biết thêm tôi và hắn cùng quê Daklak. Đó là một tay rất hay. Tóc hắn để dài rũ xuống mặt, áo quần tuềnh toàng, dép lê mòn gót. Mới nhìn tôi thấy ghét, nghĩ lại một thằng cha nghệ sĩ rởm đời nào đây.

Hóa ra hắn không phải là nghệ sĩ, chỉ là một tay lập trình viên tóc dài, ở dơ làm việc gần đó, ngày lên công ty chưa đến hai tiếng đồng hồ, còn lại ra quán cà phê ngồi “tu”. Giữa nhiều gã tự nghĩ mình là nghệ sĩ ba hoa láo phét ngồi nhan nhản trong hẻm, hắn im như chưa từng được má hắn dạy nói bao giờ, đủng đỉnh, lơ ngơ, lơ ngơ, đủng đỉnh.

Hắn khuấy cà phê, bỏ thìa xuống, uống, nhìn vào khoảng không trước mặt say sưa như thể ở đó có dán ảnh người mẫu khỏa thân, rồi lại uống, rồi lại nhìn trông phát sốt cả ruột. Nhưng cũng cái tâm thái nhàn nhã ung dung đó khiến người ta ghen tị. Vậy là tôi thích hắn, càng thích kinh khủng hơn sau khi bắt chuyện vài lần. Tôi trở thành một thằng “đệ” của hắn. Một thằng “đệ” kiến văn hạn hẹp chỉ đáng để hắn cười khẩy xoa đầu.

‘Lỏi tì, tao tưởng giờ này mày đang làm sinh viên gương mẫu ở trường!’.

‘Tui nghỉ học rồi, nghỉ luôn. Chấm dứt!’.

Lão hấp háy mắt nhìn .

‘Rồi tính làm gì?’.

‘Tui chưa biết’.

‘Đi không?’.

‘Đi đâu?’.

‘Lang thang. Tao mới mua chiếc xe tải nhỏ’.

‘Nghỉ làm hả?’.

‘Ừ, nghỉ luôn. Chấm dứt!’.

‘Ừ, đi!’.

Francessca

Là tên chiếc xe tải lão Sói vừa mua, một chiếc SYM tài 880 mới cáu màu vàng đỏm dáng.Tên nó được đặt theo nhân vật nữ chính trong truyện Những cây ầu ở hạt Madison, cái truyện mà sói bảo “Nếu bây giờ bắt tao đọc, chắc tao không làm nổi. Nhưng đáng tiếc là tao trót đọc và mê nó thời mười sáu mộng mơ”. Fancessca- một cái tên nghiêm, đẹp và buồn, đầy chất văn chương, sang trọng như tên 1 chiếc su thuyền, hay khó lường như tên 1 cơn bão, và sến bằng từng đó thứ cộng lại. Tôi nói thích đặt tên chiếc xe là Tèo hay Bi Bo gì đó, nghe cho nó thuần Việt. Sói bảo tôi nên biết điều, vì xét cho cùng thì đó là xe của lão.

Cabin xe rộng rãi. Giàn CD không tồ

Sói mang theo hai bộ quần áo, mấy tút thuốc con Mèo và vài cuốn sách Triết học. Tôi đã nói thằng cha này bị bịnh mà.

Ba năm đại học vừa rồi, tôi làm thêm như điên. Viết báo, viết kịch bản truyện tranh, viết bài PR. Tất cả số tiền đó để dành cho một dự định: ra trường, tôi sẽ đi Con Đường Tơ Lụa. Hoặc giả như giấc mơ đó chưa thành thì ít ra tôi cũng có một số tiền. Giờ tôi biết số tiền đó phải tiêu vào đâu rồi.

Tôi đi một vòng các toà soạn báo lãnh những khoản nhuận bút còn sót lại, rút thêm ít tiền mặt từ một bốt ATM rồi về nhà trọ soạn đồ đạc. Tôi mang theo kính mát, ít quần áo nhẹ, vài đĩa CD yêu thích cùng một chồng chừng hai chục cuốn sách chưa đọc xong. Tất cả những thứ khác, tôi gọi mấy thằng bạn cùng xóm trọ lại chia đều. Điện thoại di động tôi nhờ gửi lại cho thằng bạn học cùng lớp hay điểm danh dùm, còn chiếc sim thì búng vào trong bể cá. Tôi đã dùng số điện thoại này suốt năm năm, nhưng chỉ vài tháng nữa thôi, sau một thời gian không sử dụng, nó sẽ không còn thuộc về tôi nữa. Sự mất mát, chia biệt nhiều khi đơn giản vậy. Khỉ thật, sao chỉ một động tác đơn giản là búng chiếc sim vào trong bể cá cũng gợi cho tôi nhĩ vòng vèo đến cả một thiên Ly Tao?

Tôi ra điện thoại công cộng gọi về nhà cho mẹ, nói láo là vừa mất điện thoại nên sẽ ngừng dùng trong ít tháng, có gì tôi sẽ chủ động gọi về nhà. Việc thu xếp nghe có vẻ dài dòng nhưng chẳng tốn mấy thời gian.

Nhìn đống sách và CD nghều nghệu, lão Sói doạ sẽ bỏ tôi ở nhà, nhưng tôi thề thốt đọc đến đâu sẽ bán đến đấy.

‘Bằng cách nào?’

‘Tiệm sách cũ’.

‘Vậy thì không được giá’.

‘Hai thằng mình có thể biến thùng xe thành một cửa hàng lưu động, bán sách kèm kính râm, miếng che nắng xe hơi, phim chụp hình, cà phê...’.

‘Ừa, và nế đến vùng quê hoang vắng, có thể bán cả xì dầu mắm muối bột ngọt thuốc lá’ - lão Sói hào hứng đóng góp ý tưởng kinh doanh. Không tồi.

Hai thằng say sưa với viễn cảch bán buôn phát đạt trên đường một hồi, lão Sói đã hút xong điếu con Mèo và uống cạn ly cà phê đen đá ở quán cóc trong hẻm. Trưa ngày X tháng Y năm 2008, chúng tôi lên đường.

Nàng Francessca lướt êm ru. Sài Gòn nắm lại sau lưng.

Giữa yêu và si mê

Lão Sói một tay lái xe, một tay dò sóng Radio. Lại chương trình Cửa sổ tình yêu gợi nhớ không gian xe buýt trường đại học. Tôi với tay tắt phụt, thay bằng một đĩa nhạc. Sói nhếch mép cười rất cha chú rồi huýt sáo theo bài hát đang phát.

“Giờ đi đâu?”

“Lên Buôn Mê uống cà phê”.

Lão đáp tỉnh rụi. Tôi không hề nghĩ sẽ về Buôn Mê trong chuyến đi này, nhưng cũng không phản đối.

Buôn Mê là nơi tôi sống suốt quãng đời đi học. Ba mẹ tôi buôn bán ở một thị trấn nhỏ cách Buôn Mê ba chục cây số, nhưng từ sáu tuổi tôi đã phải trọ học ở nhà bác trên thị xã. Mẹ tôi nói lẽ ra, cũng không gửi tôi đi học xa đâu, nhà có một móng con trai chứ mấy. Vậy rồi một buổi chiều nọ tôi ôm cặp về nhà giữa giờ, mẹ hỏi tại sao tôi được nghỉ. Đáp: cô giáo bận đi đặt vòng. Mẹ tôi hãi hùng chuyển ngay tôi lên học trường trên thị xã. À, nghe nói hồi đó tôi học gần hết lớp Một vẫn viết chữ a ngược.

Buôn Mê là chỗ buồn tẻ, ít ra trong tâm trí của tôi. Tôi bị ám ảnh bởi những buổi chiều cúp học nằm dài trên bãi cỏ trong biệt điện, nghoẹo đầu nhìn ra phố, thấy tuổi mười sáu tẻ ngắt và cô đơn. Những năm đi học đại học ở Sài Gòn, có tôi nhớ nó đến nhói lòng.

Suốt đường đi tôi với Sói trao đổi những câu cụt lủn. Hình như chơi với lão riết tôi cũng quên mất tiếng người. Nhu cầu nói giảm thiểu tối đa, tôi ngồi ngắm cảnh hai bên đường, trôi qua ô cửa xe, thỉnh thoảng cao hứng lắc lư theo nhạc, rồi thì ngủ béng mất. Lão sói vẫn cần mẫn lái xe và hút thuốc như một cái ống khói.

Trước khi vào thành phố, xe chạy ngang qua khu đồi Sao. Hai thằng dừng bên vệ đường, leo lên đồi thông nằm đánh một giấc dài. Gió mát sướng mê tơi. Khi tôi mở mắt ra, trời đã ngả chiều. Lão Sói cũng đã thức nhưng không thằng nào có ý định ngồi dậy.

Đến Buôn Mê cũng vừa tối. Trời lạnh tê tê, lất phất mưa. Tụi tôi thuê nhà trọ ở gần bến xe, bốn chục ngàn một đêm, thêm tiền đậu xe nữa là năm chục. Phòng tồi tàn, dơ dáy xứng đáng với số tiền bỏ ra, vòi nước rỉ chảy lộp độp. Sau hai ngày trời lê lết, tắm xong mặc bộ quần áo sạch vào, tôi thấy mình thơ thới như được nhẹ đi vài kí. Tôi hì hục giặt quần áo mang lên móc cho ráo. Lão Sói ở bẩn chỉ rửa mặt qua loa, tuyệt nhiên không thay đồ hay có ý định tắm rửa gì. Tôi kêu ồ lên thán phục, lão đốt thuốc phán gọn lỏn: “Mày tiểu thư thấy mẹ!”. Tôi thích cách dùng từ của Sói. Thoạt nghe có vẻ thiếu logic, nhưng cay hơn bò đá.

Tôi tròng một cái áo khoác rộng không thấm nước tuyển từ mớ đồ ít ỏi mang theo, còn Sói vẫn phong phanh quần jeans, áo vải xô cổ Tàu. Hai thằng đi bộ dặt dẹo ra phố ăn bát mì, uống cà phê cóc lót dạ. Đường Buôn Mê buổi đêm vắng đến phát buồn. Sói đăm chiêu ngó đồng hồ, đến khoảng chín giờ kém mười thì ra hiệu cho tôi đứng lên, đi bộ theo lão lên một con dốc nhỏ trên đường Đinh Tiên Hoàng.

Có một quán cà phê ở đó.

Quán cũ, sàn lót gỗ thông, thắp nến. Mùi tùng hương ngào ngạt lẫn với mùi người, tiếng rì rầm lẫn tiếng nhạc nỉ non phát từ bộ loa cổ lỗ trong không gian chưa đầy sáu chục mét vuông. Tôi và Sói rúc vào góc kẹt gọi hai ly gì đó quên rồi. Thậm chí tôi không nhấp môi tới.

Tắt nhạc. Đám người trong quán yên lặng như bọn giáo đồ chờ hành lễ. Một phụ nữ trung niên dáng vẻ quý phái, giọng Bắc có pha âm hưởng miền núi đứng lên giới thiệu chương trình nhạc đêm nay. Đó là bà chủ quán. Rồi một cô gái mảnh dẻ mặc váy trắng bước ra, ôm guitar hát một lượt bảy tám bài. Giọng hát lạ, ngón đàn không điêu luyện thần sầu nhưng có sự thuần thục do thời gian. Trong bóng nến, tôi biết cô đẹp.

Tôi trở nên phân vân không biết nên dành thời gian để ngắm ai, người đàn bà quý phái hay cô ca sĩ. Người đàn bà đang ngồi trầm ngâm ở bên cây đàn dương cầm trong gốc đối diện, hút loại thuốc lá the dành cho phụ nữ. Họ đều có một sức hút kì dị.

Còn Sói, tôi cũng không biết lão đang ngắm nhìn ai.

Cô gái kết thúc màn biểu diễn, người đàn bà mở nắp đàn và bắt đầu chơi những khúc impromptu của Chopin. Đó là Sói nói cho tôi biết. Tôi dốt đặc về nhạc cổ điển.

Hai thằng lẳng lặng rời quán khi bà chủ quán chuyển sang một bản nocture, vẫn là Chopin, và vẫn là Sói nói cho tôi biết. Tôi nằm xoài ra thành đá hồ nước giữa công viên, nghe giá lạnh lẫn sự ẩm ướt của sương đêm truyền qua lưng. Sói ngồi bệt xuống cỏ.

“Ai trong hai người đó là người yêu cũ của ông?”

“Mày đoán coi”.

“Cả hai”.

“Sai rồi, không ai hết”.

“Tệ dữ vậy!”

“Hồi còn học đại học ở đây, nàng trẻ học cùng trường với tao, khoa tiếng Pháp. Tao yêu nàng say đắm, yêu đơn phương thôi. Ngày nào tao cũng lết ra quán đó ngồi ngắm nàng đàn hát, tiện thể ngắm luôn nàng già. Ít lâu sau thì tao phát hiện ra mình đã si mê nàng già. Rồi thì sau đó tao tốt nghiệp, rời Buôn Mê. Cả nàng già và nàng trẻ đều đếch biết tao là thằng cha căng chú kiết nào”.

“Kết thúc có hậu ghê”.

hông cảm, hồi đó tao đang tuổi ta mang trong trắng đi tìm thanh cao”.

Hai thằng lăn ra cười. Đột nhiên lão hỏi tôi:

“Ê, khác nhau ra sao, mày biết không, giữa yêu và si mê ấy!?”.

“Như thế nào?”

“Nếu lúc đó nàng già nói ê thằng nhỏ, nhảy xuống hồ coi chơi - lão chỉ tay xuống cái hồ nông choèn minh họa - và a lê hấp, tao sẽ nhảy ùm xuống. Còn nếu nàng trẻ nói như vậy, tao sẽ nhìn nàng cười khoan dung”.

“I once had a girl or should I say she once had me...”

Câu đầu tiên trong bài Rừng Na Uy ám ảnh tôi rất lâu, không phải từ ngày đầu tôi nghe The Beatles, cũng không phải từ khi tôi đọc cuốn sách của cái ông Nhật Bản đó. Bắt đầu từ dạo tôi không còn gặp Chiêu Anh nữa, đột nhiên câu hát đó cứ trở đi trở lại trong đầu tôi như quán tính.

Chúng tôi học cùng trường thời phổ thông. Tôi không rõ giữa tôi và Chiêu Anh lúc đó có phải là tình yêu, nhưng mỗi ý nghĩ về nàng luôn làm trái tim tôi tràn lên một niềm yêu thương bất tận. Tôi muốn làm tất cả những điều ngu ngốc nhất để nàng cười, và che chở nàng mỗi khi nàng cảm thấy thế giới này quá bất trắc. Chiêu Anh đôi khi cũng thú nhận, yêu thì chưa hẳn, nhưng lúc nào nàng cũng cần có tôi bên cạnh. Mười ba tuổi, bố nàng mất vì bị bệnh ung thư. Tôi là người đàn ông thân thiết thứ hai của nàng. Nàng muốn tôi đóng tất cả vai trò những người đàn ông mà một cô gái có thể có trong đời: người cha, người anh, người yêu. Tôi không biết điều đó quá sức mình.

Vào Đại học, nàng thành một con người khác, cởi mở hơn đồng nghĩa với việc nông nổi hơn, bất an nhiều hơn. Tôi mơ hồ cảm thấy cô gái kín đáo, trầm tĩnh của tôi đột nhiên bị một người lạ thế ch

Mùa hè đầu tiên ở Đại học, nàng muốn chia tay với tôi. Ba tuần sau đó chúng tôi làm lành. Đó là mở đầu cho những lần đòi chia tay đều đặn của nàng sau này, dăm bửa nữa tháng một lần vì giận, vì ghen, hay chẳng vì cái gì cả. Sự chia tay ám ảnh nàng, khiến nàng dần mất kiểm soát.

Cuối năm đó, nàng bảo muốn chia tay với tôi một cách dứt khoát. Tôi mặc kệ, không gọi điện lại. Năm ngày sau nàng uống thuốc ngủ tự tử, sau đó gọi cho tôi trong cơn hoảng loạn tột độ. Tôi đưa nàng vào bệnh viện. Chiêu Anh không cần phải súc ruột. Nàng chỉ uống vài viên và tự móc họng nôn ra liền sau đó. Lúc ngồi ở băng ghế chờ đợi, đột nhiên tôi cảm thấy chán nản và bất lực. Riết rồi chuyện quái gì xảy ra trong đầu nàng, làm sao tôi biết được?!

Nàng nói nàng cần tôi. Không có tôi nàng không sống nổi, nhưng mỗi lần ý nghĩ đó đến, nàng sợ hãi đến mức chỉ muốn xua đuổi tôi đi. Tôi nắm tay nàng bảo rồi sẽ ổn thôi mà.

Ngày sinh nhật tuổi hai mươi, Chiêu Anh nói sẽ tặng tôi một món quà đặc biệt. Tối đó nàng bảo tôi rẽ vào nhà nghỉ. Hai đứa ngồi trên giường nhìn nhau hồi lâu, rồi nàng nói rành rọt.

“Đây là lần đầu tiên của em. Đừng dùng condom. Em sẽ uống thuốc”.

Rồi nàng cởi áo.

Tôi nhìn bàn tay nàng tỉ mẩn mở từng nút áo, đột nhiên không có chút ham muốn nào cả, chỉ thấy đau lòng. Khuôn mặt nàng như của một người khác.

“Dừng lại đi”.

“Sao chứ? Em không đủ hấp dẫn?”

Tôi chán nản đến mức không buồn trả lời.

“Anh thiếu kinh nghiệm đến mức đó à? Hay anh chán ngán em đến tận cổ rồi? Hay anh là gay

Có lẽ nàng luôn cho rằng bọn đàn ông như một cỗ máy chỉ tuân theo dục vọng, nên khi nhận ra phút giây đó tôi hoàn toàn vô cảm trước thân thể nàng, nàng bắt đầu khóc và rủa sả tôi thậm tệ. Tôi không ngờ ngày sinh nhật của mình diễn ra kì khôi đến vậy.

“Chúng ta kết thúc đi”. Nàng bước ra khỏi phòng, sập cửa trước mặt tôi. Tôi nằm lại ngủ một giấc. Lúc đó tôi chẳng biết làm gì khác.

Vài ngày sau, Chiêu Anh gọi cho tôi. Nàng đã làm tình với một gã mới quen, vào chính cái đêm sinh nhật tôi, sau khi rời nhà nghỉ.

“Anh ta cực kì thuần thục”. Tiếng nàng đắc thắng.

Ơn trời là Chiêu Anh không đứng trước mặt tôi lúc đó. Tôi không biết khi nói câu ấy, khuôn mặt nàng trông như thế nào. Tôi nghĩ nàng mất trí rồi.

“Em có đau không?” - Tôi hỏi chậm, đau xót.

Tôi nghe đầu dây kia hơi hẫng. Giọng nàng ngập ngừng đi.

“Có, máu ra khá nhiều”. Rồi nàng òa khóc. “Anh có tha thứ cho em không?”.

“Em đang ở đâu, đứng yên, anh sẽ đến!”.

Nhưng nàng không cho tôi biết lúc ấy nàng đang đứng ở đâu, gần hay là đã xa tôi quá rồi. Sau hôm đó nàng kiên quyết tránh mặt tôi, cắt đứt liên lạc.

Tôi đã không tìm thấy nàng đâu nữa.

Ám ảnh

Có thể ngày hôm ấy, đúng là tôi không biết Chiêu Anh đang đứng ở đâu.

Nhưng cũng từ đó trong tôi xuất hiện một nỗi ám ảnh. Và nỗi ám ảnh này theo tôi dài lâu.

Có thể ngày hôm ấy, tôi biết Chiêu Anh đang đứng ở đâu. Tôi đã đến, và đã giết nàng. Trong cơn giận dữ bốc lên choáng đầu. Bằng một cách nào đó tàn bạo. Tôi xiết cổ nàng cho đến khi nàng ngất lịm. Tôi đập đầu nàng vào cạnh bàn. Hoặc tôi đâm vào ngực nàng bằng một con dao rọc giấy. Máu nàng chảy ướt tay tôi. Thân thể nàng dần cóng lạnh. Đôi môi nàng tái nhợt. Và mắt nàng không thể nào khép hẳn.

Mỗi sớm sau đó thức giấc, áo tôi đẫm mồ hôi. Tôi thót sợ mỗi khi nghe tiếng gõ cửa.

Nhưng không có ai đến bắt tôi đi.

Và tôi đã không tìm thấy nàng đâu nữa.

Thị trấn buồn hiu

Tôi không ghé về nhà. Sói nói đúng rồi, đừng ghé về, phụ mẫu thê nhi quyến luyến, rách việc lắm. Hai thằng theo quốc lộ hăm sáu đi thẳng xuống Nha Trang. Xe chạy ngang qua nhà tôi.

Tôi chỉ cho Sói. Ngôi nhà nằm ngay mặt đường quốc lộ, tài sản lớn nhất của ba mẹ tôi sau hơn nửa đời người. Mà chắc cũng chỉ có vậy. Ba tôi tính sau khi tôi ra trường, sẽ bán nhà này mua một miếng đất nhỏ hơn, hai ông bà già xây nhà sống tuổi già. Tiền còn lại chia đều cho hai anh em làm vốn. À quên, tôi có một đứa em gái nhỏ. Năm nay nó học lớp mười một. Chắc số vốn đó sẽ hoàn toàn thuộc về nó.

Đã nói là ba mẹ tôi không đời nào chi một cắc cho thằng con bỏ học giữa chừng mà. Nhàchưa có ai tốt nghiệp đại học. Bước ra khỏi cổng trường ngày hôm đó, tôi đã giết ước mơ của ba mẹ tôi một cách thản nhiên, trắng trợn.

Lúc xe đi ngang nhà, ba tôi đang cởi trần đứng hút thuốc trước thềm, còn mẹ tôi chắc đang lúi húi quét tước trong nhà. Em gái tôi giờ này đã ngồi trong lớp học rồi.


/7

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status