Em Là Tình Yêu

Chương 14

/17


Nhu Phong trở về nhà, lúc cha mẹ cô không ngờ đến vì chị Hương không hề hé môi gì với ông bà Công Đạt chuyện chị đến gặp Nhu Phong. Chị không dám nói cho ông bà chủ biết, chẳng qua chị sợ Nhu Phong nổi tính ngang bướng không chịu quay về, lúc đó ông bà chủ sẽ thất vọng hơn nữa.

Ông bà Công Đạt sững sờ khi thấy Nhu Phong bước vào, ông Công Đạt nhìn trân trân vào Nhu Phong còn bà Công Đạt sau phút bất ngờ đã oà lên khóc. Nhu Phong cũng chảy nước mắt, cô bước như chạy đến ôm chầm lấy mẹ.

- Mẹ!

Một tay ôm mẹ, một tay Nhu Phong với sang nắm lấy tay cha.

- Thưa cha.

Ông Công Đạt nghe lại được giọng nói con gái yêu thỏ thẻ bên tai, ông cảm thấy cả cõi lòng mình như đang thăng hoa. Hạnh phúc! Cuối cùng rồi hạnh phúc cũng đã mỉm cười với gia đình ông. Và lần đầu tiên ông thấu hiểu được nàng. "Hạnh phúc tuy đơn sơ bình dị nhưng đồng tiên chưa chắc mua được nó".

Nhu Phong nghẹn ngào.

- Thưa ba mẹ, xin ba mẹ hãy tha lỗi cho đứa con nông nổi dại khờ này.

Bà Công Đạt bùi ngùi:

- Ti Ti ơi. Từ lâu nay con đã ở đâu, có biết là ở nhà mẹ chớ con lắm không?

Con thật dại dột khi mà dám một thân một mình đương đầu với cuộc sống.

Nhu Phong cảm thấy thật hạnh phúc, khi nghe mẹ gọi lại cái tên "cúng cơm" quen thuộc của mình ngày nào bằng giọng thật dịu dàng, trìu mến. Có đi xa rồi, Nhu Phong mới cảm nhận được rằng không có đâu bằng tổ ấm của nhà mình. Một tổ ấm có đầy đủ cả cha lẫn mẹ cùng những người giúp việc lâu năm hết lòng thương yêu quý mến cô.

- Mẹ ơi! Có đi xa rồi con mới biết: Mẹ là chỗ tựa nương an toàn cho con sau những giông tố cuộc đời. Cha là mặt biển rộng mênh mông chứa bao tri thức uyên thâm mà con học hoài không hết. Mẹ là tình thương, cha là lý trí, để giúp con lèo lái con thuyền đi đến bến bờ hạnh phúc.

Nghe Nhu Phong nói mà bà Công Đạt ứa nước mắt, bà hiểu con mình thực sự đã trưởng thành, đã thấu hiểu được tình thương của cha mẹ. Đưa tay vuốt ve con mà bà không ngăn được nước mắt khi thấy con tiều tuỵ, phong trần.

- Con ốm quá Ti Ti. Từ bao lâu nay cuộc sống của con khổ sở lắm phải không?

Nhu Phong nhìn mẹ cười hãnh diện:

- Cực thì có cực, nhưng con đã biết tạo ra được đồng tiền bằng sức lao động của mình và biết xoay sở khi gặp khó khăn, chứ không buông xuôi chấp nhận đầu hàng như trước đây nữa.

Nãy giờ ngồi yên chứng kiến cảnh trùng phùng của mẹ con Nhu Phong, bây giờ ông Công Đạt mới từ tốn lên tiếng:

- Thế bao lâu nay con đã làm việc ở đâu hở, Ti Ti?

Xoay qua nắm tay cha, Nhu Phong tíu tít nói như khoe:

- Công ty Phương Nam, một công ty mỹ nghệ có tầm cỡ lớn nhất ở Việt Nam đó ba.

Ông Công Đạt giật mình:

- Hả? Con có biết công ty đó là...

Thấy ông Công Đạt giật mình khi nghe cô nhắc đến công ty Phương Nam, lo lắng Nhu Phong hỏi:

- Có chuyện gì không cha?

Ông Công Đạt xua tay:

- Không có chuyện gì đâu con. Thế con có biết Phương Nam là của dòng họ chồng cô Thuỳ con gây dựng ra không? Và người hiện nay đang cai quản công ty chính là con trai duy nhất của Mộng Thuỳ, cũng là người chồng hứa hôn của con không, Nhu Phong?

Nhu Phong há hốc miệng:

- Cha nói sao? Anh Trần chính là gã đàn ông mà con ghét cay ghét đắng đó sao?

Ông Công Đạt bật lên tràng cười sảng khoái:

- Làm việc hàng ngày, con nhận thấy thằng Trần ra sao? Có đáng để con trao thân gởi phận cả đời không? Và có giống gã đàn ông đáng ghét mà con thường tả oán với cha.

Nhu Phong bẽn lẽn thốt:

- ảnh tốt lắm cha. Rất khoan dung độ lượng đối với những người cấp dưới. Và nhất là nghiêm trang, chững chạc, chừng mực trong giao tế. Tài giỏi không kiêu căng, giàu sang không phách lối. Nói chung ảnh là người hội đủ hai điều kiện là có cả tài lẫn đức. Người nào có phước lắm mới được sống đời cùng ảnh.

Ông Công Đạt gật đầu hài lòng khi nghe Nhu Phong nhận xét về Trần. Đứa con gái yêu của ông thực sự trưởng thành rồi, không còn dại khờ, nông nổi như trước kia nữa.

- Giờ con mới nhận biết được hả? Cha nhớ trước kia con chê Trần thậm tệ nào là: "Sắp bước vào thế kỷ hai mươi mốt rồi mà còn nhờ cha mẹ đi hỏi vợ. Những người đàn ông thích đi trên đường bằng phẳng do người lớn vạch sẵn thường thì họ chẳng làm nên tích sự gì cả".

Nghe ông Công Đạt nhắc lại những câu nói của cô ngày nào, Nhu Phong ngượng cứng cả người.

- Tại lúc đó con chưa biết Trần chứ bộ.

Ông Công Đạt đốt cho mình điếu thuốc, rít một hơi rồi ông cười nói.

- Đó là bài học vỡ lòng cho con, là chớ đánh giá nhân cách con người một cách phiến diện chủ quan như vậy. Tuy thằng Trần có những năm du học nước ngoài cha không tiếp xúc được, nhưng cha của thằng Trần là người khí khái, tài giỏi hơn người, con nhà tông không giống lông thì cũng giống cánh.

Nhu Phong cười bẽn lẽn:

- Thì... cha là người từng trải, kinh nghiệm mới nhìn rõ bản tính của Trần chỉ qua người thân. Còn con có tiếp xúc gần mới biết được chứ. Khi không con chưa biết mặt mũi Trần méo tròn ra sao mà cha đã cơ ngợi, tâng bốc hết lời bảo sao con không ghét.

Ông Công Đạt trêu con gái:

- Thế giờ con còn ghét nữa hay không?

Nhu Phong phụng phịu:

- Con "ghét" còn nhiều hơn trước nữa đó á.

- Thể cha qua nói chuyện với bác Chấn Nam là huỷ bỏ hôn ước giữa con với thằng Trần nhé.

Nhu Phong đỏ ửng cả hai gò má, cô kêu lên nho nhỏ đầy nũng nịu lẫn dỗi hờn.

- Cha...! Con ghét cha quá, cha cứ trêu chọc con hoài hà. Coi chừng con nghỉ chơi cha ra luôn đó.

Thấy đôi mắt con gái rưng rưng, ông Công Đạt hoảng hồn không dám trêu chọc tiếp và ông lảng sang vấn đề khác.

- Con về rồi sao không mang hành lý gì theo hết vậy, Ti Ti?

- Ngày mai con về thu xếp, cũng chẳng có gì nhiều lắm đâu cha.

Ông Công Đạt quan tâm:

- Cha gọi thằng Nam qua phụ con một tay nghe Ti Ti.

Nhu Phong lắc đầu:

- Mình con làm được rồi. ủa? Mà chị Hương đâu nãy giờ con không thấy.

Bà Công Đạt cười:

- Hương nó đi chợ rồi.

Nhu Phong chớp mắt, nói bằng giọng nhẹ nhàng:

- Cũng may nhờ chị Hương đến tìm con khuyên nhủ đôi lời nên con mới thông suốt quay về tạ tội cùng cha mẹ. Nếu không...

Ông Công Đạt nghe Nhu Phong nói thế, ông có vẻ giận:

- Nói thế nhờ có con Hương, con mới chịu quay về. Không thôi con bỏ cha mẹ luôn chứ gì?

Nhu Phong rơm rớm nước mắt:

- Không phải thế đâu cha. Con rất nhớ cha mẹ, nhưng con không dám quay về vì sợ cha còn giận con.

Bà Công Đạt không yên lòng khi thấy ông chồng mình giận dỗi với con gái. Bà sợ Nhu Phong nổi chứng tự ái lên rồi một lần nữa cô rời khỏi vòng tay bà. Nếu điều đó xảy ra một lần nữa... chắc bà chết chứ không sống nổi khi thấy cảnh hai cha con cứ bất đồng quan điểm luôn.

- Chuyện đã qua rồi. Ông đừng oán trách con nữa mà tội nghiệp, dù sao Ti Ti cũng đã thông hiểu lý lẽ mà quay về tạ tội cùng ông rồi. - Quay sang nhìn Nhu Phong bằng đôi mắt ánh lên tia nhìn trìu mến, bà giúp cô xoa dịu cơn bực tức còn sót lại của ông Công Đạt - Ti Ti con ra nhà sau pha một tách trà sen cho cha con đi. Vắng con bao lâu nay, không có ngày nào cha con uống được tách trà ngon đúng nghĩa cả.

Nhu Phong nhanh nhẹn đứng dậy và trước khi quay vào nhà sau cô nhìn bà Công Đạt như thầm gởi gấm cả niềm cảm ơn sâu sắc khi thấy mẹ giải vây hộ cô.

- Dạ. Con sẽ đi pha ngay. Bảo đảm cha sẽ vừa miệng khi con pha trà cho cha uống.

Đợi con gái đi khuất sau cánh cửa, bà Công Đạt nhỏ nhẹ nói cùng chồng:

- Ông đừng buồn, đừng giận con nữa tội nghiệp. Điều đó làm Ti Ti và tôi buồn mà ông cũng chẳng vui vẻ gì. Hãy quên cảnh trước kia đi ông. Nhìn Ti Ti quay về chững chạc, trưởng thành trong cách nghĩ suy tôi thật vui lòng.

Ông Công Đạt chép miệng nói:

- Bà tưởng tôi không hạnh phúc, vui sướng khi thấy con nó quay về sao. Nhưng có điều tôi tức, tôi giận là thấy con nó còn bướng bỉnh, ngang ngạnh và cố chấp quá. Chả hiểu tí gì về nỗi lòng của tôi cả.

Bà Công Đạt vuốt ve chồng:

- Tôi hiểu nỗi lòng của ông mà. Có phải ông rất yêu quý Ti Ti và cố làm sao để con nó hạnh phúc, vui vẻ trọn vẹn, sống cả đời trong sự chở che của ông mà phải không?

Ông Công Đạt gật đầu:

- Bà thật hiểu ý tôi.

- Nhưng ông hãy nhìn xem, Ti Ti đã trưởng thành và có những suy nghĩ riêng của nó. Ông đừng bắt ép con nó đi thoe hướng của ông. Hãy để nó tự quyết định cho bản thân. Hạnh phúc hay bất hạnh gì nó cũng không oán trách chúng ta. Chúng ta là cha mẹ thì chỉ có bổn phận thương yêu con, tìm hiểu con và giúp con đi đúng hướng tương lai là được rồi. Ông có hiểu những điều tôi nói không?

Ông Công Đạt trầm ngâm suy nghĩ, nghiền ngẫm những lời nói của bà vợ. Và ông cảm thấy những điều bà nói là hoàn toàn đúng. Và ông chợt phát hiện ra ông là người đàn ông rất vị kỷ trong tình thương chứ không như vợ ông là một người có tình thương đầy bao dung rộng lượng. Ông thật hạnh phúc khi có bà trong cuộc đời bao lâu nay thế mà ông không biết nâng niu quý trọng. Để bà sống trong lớp vỏ giàu sang nhưng lại nghèo nàn, thiếu thốn tình cảm vốn có của người chồng dành cho vợ. Ông tự hứa với lòng cả đời còn lại ông nhất định dành cho bà để chuộc lại mọi lỗi lầm trong quá khứ mà vô tình ông đã gây khổ cho người vợ hiền. Đưa tay nắm lấy đôi tay mềm mại, dịu dàng của bà đầy âu yếm, ông nói:

- Ngọc Lệ, em hãy tha lỗi cho tôi, khi bấy lâu nay tôi đối xử không tốt với em. Chắc bao lâu nay em oán trách tôi nhiều lắm phải không?

Bà Công Đạt nghe hạnh phúc dâng tràn khi thấy cuối cùng rồi hạnh phúc cũng mỉm cười với bà.

- Không bao giờ tôi mang trong ý nghĩ mình là oán trách ông cả. Bao giờ trong tôi, ông là hình ảnh người chồng, người cha rất mực chu toàn với vợ con. Tuy đôi lúc ông bận trăm công nghìn việc trong công ty mà có lơ là với công việc gia đình, nhưng tôi là vợ thì phải giúp chồng trong việc quán xuyến gia đình và chăm sóc chồng con mới đúng thiên chức làm vợ, làm mẹ phải không ông?

Ông Công Đạt nghe lời nói khéo léo, tế nhị của người vợ hiền lành, suốt đời chỉ biết sống vì chồng con mà lòng dạ ông cứ ray rứt, phải chi bà trách phiền ông thì ông cảm thấy nhẹ lòng. Đằng này bà lại nói với ông bằng vẻ trân trọng, yêu thương thì thử hỏi trên đời này có người vợ nào thương chồng hơn bà không? Càng nghĩ ông Công Đạt càng cảm thấy thương người vợ dịu dàng yếu đuối của mình hơn bao giờ hết.

- Ngọc Lệ, cảm ơn em. Anh cảm ơn cái tình cái nghĩa mà em dành cho anh bấy lâu nay.

Bà Ngọc Lệ cười rạng rỡ, khoé mắt long lanh.

Nhu Phong bưng ấm trà nhỏ lên phòng khách thì nhìn thấy cảnh hạnh phúc ấm êm của cha mẹ. Cô tự hỏi mình lúc này có nên xuất hiện trước mặt cha mẹ không? Sau một lúc suy nghĩ, Nhu Phong rón rén rút lui khỏi phòng khách nhường cho cha mẹ phút giây hạnh phúc thông cảm cho nhau. Đó là điều bấy lâu cô hằng mong ước mà.

* **

Trần mở choàng mắt khi thấy ánh nắng ban mai tràn ngập đầy phòng. Nhìn ra hướng cửa sổ anh thấy Lữ Đông đứng xoay người về phía anh miệng cười toe:

Sao, dậy rồi hả ông con. Mày làm gì say đến nỗi quên cả trời trăng, cũng may còn nhớ đường về nhà, không thôi đêm qua mày là kẻ "bước lang thang trên từng vỉa hè, biết đêm nay nhà ở nơi đâu" đấy mày ạ.

Trần đưa tay vỗ trán, rồi anh lắc mạnh đầu nhằm ngăn chận cơn đau đầu ập đến.

- Tao về đây lúc nào sao tao không nhớ gì hết vậy cà?

Lữ Đông bước lại gần Trần, anh cười khì nói:

- Đau đầu lắm phải không? Cho đáng đời mày đi. Say gì đến nỗi nằm gục luôn trước cổng nhà. Cũng may tao về sau mày nên mới gặp cảnh bê tha của mày và rinh mày về phòng. Nếu tao về trước bảo đảm hôm nay ngoài nghĩa trang đã dành một chỗ cho mày rồi đó, thằng khỉ gió.

Không màng những lời nói ngang phè của Lữ Đông, Trần dựa mình vào tường, khép hờ mặt lại như đang nghĩ một điều gì.

Ngỡ Trần còn đau đầu, Lữ Đông lững thững bước ra phòng, anh bước xuống phòng khác, tiến về tủ thuốc gia đình anh lấy viên thuốc rồi rót đầy ly nước lọc.

- Này thằng khỉ, uống viên thuốc này đi cho đỡ. Cả đêm qua mày quậy ba mẹ đến nỗi ba mẹ phải thức sáng đêm vì mày, giờ mới chợp mắt. Có gì gút mắc nói với tao nhưng phải lên sân thượng rồi mới nói. ở đây nếu lỡ nóng nảy tranh luận lớn tiếng ba mẹ sẽ thức dậy đó.

Trần gật đầu:

- Mày lên sân thượng trước đi. Tao đi làm vệ sinh rồi kiếm gì lót dạ dày. Bao tử tao trống rỗng đến nỗi nó sôi ùng ục cả lên.

- Được rồi.

Sân thượng nhà Trần là một khoảng sân rộng mênh mông, ngoại trừ bộ bàn ghế bằng đá và những châu kiểng ra không còn gì nữa. Lữ Đông đứng dựa lan can lầu nhìn ngắm mông lung. Xung quanh anh nhà cửa san sát, chen chúc nhau từng thước đất. Nó như hiện thân cảnh ồn ào chen chúc của dòng người ngoài cuộc đời. Không biết có phút giây nào họ cảm thấy mệt mỏi khi mãi bon chen không? Lữ Đông khoanh tay đưa mắt nhìn lên bầu trời cao lồng lộng. Từng đám mây nhởn nhơ nhàn nhạ trôi, mặc dù chẳng biết mình trôi về đâu. Một mình đứng giữa khoảng không gian rộng lớn như thế này, Lữ Đông cảm thấy mình nhỏ bé, lạc loài so với khoảng không gian vô tận kia. Có một chiếc máy bay trên không trung bay qua, làm Lữ Đông tưởng nhớ đến người con gái có dáng dấp dịu dàng, ngây thơ, thánh thiện đang làm nghề lướt gió tung mây và anh thầm nghĩ không biết có giây phút nào cô cảm thấy mệt mỏi với những chuyến bay xa nhà cả hàng tháng trời, và cô ao ước có một mái ấm, một gia đình riêng do chính mình làm chủ như mọi phụ nữ Việt Nam bình dị gắn bó với chính thiên chức của tạo hoá ưu ái trao tặng. Nếu có, cô có chấp nhận cùng anh xây dựng khoảng trời riêng bên nhau không nhỉ? Lữ Đông đứng đó với những suy nghĩ mông lung, có tiếng bước chân ở phía sau và tiếng nói cũng vang lên.

- Lữ Đông, trông cậu có vẻ thẫn thờ quá.

Giờ Lữ Đông mới chịu quay mặt nhìn lại và anh nói thật những suy nghĩ diễn ra trong anh tự nãy giờ.

- Chưa bao giờ như lúc này, tao thèm khát có một mái ấm gia đình thật sự. Để chiều chiều đi làm về tao biết có người mong ngóng trông đợi tao, và tặng cho tao ánh mắt yêu thương nồng ấm sau một ngày tao bon chen vất vả.

- Chân dung người con gái trong mộng mày đã xuất hiện chưa? Mày thích mẫu người xinh đẹp dịu dàng hay là người con gái sắc sảo thông minh?

Lữ Đông buông gọn:

- Người con gái đó có nét đẹp dịu dàng, hiền thục thơ ngây và có một đầu óc sắc sảo, để chia sẻ cùng tao những suy nghĩ trong cuộc sống.

- Mày nói cứ y như là đã gặp người con gái đó rồi vậy.

Lữ Đông gật đầu xác nhận lời Trần nói là đúng.

- Vâng, tao đã gặp người con gái đó.

Trần ngạc nhiên:

- Bao giờ, sao tao không biết?

- Thì chỉ mới đây thôi.

Trần nhăn nhó:

- Mày nói rõ hơn một chút.

- Thì hôm qua về nước gặp nàng trên chuyến bay và một lần nàng đến tìm gặp tao sau khi mày vọt xe ra khỏi nhà.

- Trời. Chỉ mới gặp thế mà mày đã xảy mộng ước. Có vội vàng quá không Lữ Đông?

- Không có gì là vội vàng khi tao đã đợi nàng từ lúc trưởng thành cho đến nay, qua từng cơn mộng. Nàng xinh đẹp yêu kiều, thông minh sắc sảo, là hạnh phúc mà tao đã chờ đợi bao lâu nay.

Rồi Lữ Đông đem chuyện gặp gỡ quen biết Mộng Trúc ra sao và chuyện cùng Mộng Trúc đến gặp cô bạn thân là Nhu Phong kể cho Trần nghe.

Trần như đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác:

- Nói thế Nhu Phong là cô em kết nghĩa của mày hả Đông?

Lữ Đông điềm nhiên gật đầu.

- Và nàng đã hết giận tao khi nghe mày trình bày lý lẽ phải không?

- ừ!

- Ôi! Tao cảm ơn mày nhiều lắm. Mày đúng là thằng bạn thiết của tao. Rồi đây tao sẽ trả ơn cho mày xứng đáng.

Lữ Đông cười rạng rỡ khi anh hiểu ẩn ý câu Trần nói cùng anh.

- Mày cũng biết điều đó chứ. Này, mày cho tao biết nguyên nhân tại sao mày say mèm dữ thế?

Trần vò đầu:

- Thì tao đến tìm gặp Nhu Phong định giãi bày cho cô bé hiểu. Nào ngờ nhỏ chẳng để cho tao có lời nói, cứ một hai bắt ép tao nhận lỗi mình là gã sở khanh chuyên bắt cả hai tay vì cho rằng tao là kẻ đùa giỡn với tình yêu, nên giận dỗi tống tao ra khỏi nhà. Trên đường về, tao ghé vào một nhà hàng nhỏ dự định uống chút rượu cho thấm giọng, nào ngờ mới uống có ba ly là nằm ngay đơ. Nhưng tao còn nhớ là mình nằm gục ở quầy rượu chứ đâu có phải trước cổng nhà như mày đã nói đâu.

- Chuyện kể cũng lạ. Mày nhất quyết cho mày gục ở quầy rượu, còn tao thì bắt gặp mày nằm ở trước cổng nhà cùng chiếc môtô. Và càng lạ lùng hơn là một tay chuyên uống rượu mạnh như mày chỉ mới có ba ly có thể quên trời quên đất. Nhớ hồi mày và Mẫn Nhi quen nhau, có tay sinh viên người Mỹ ghen vì thấy nàng hoa khôi lọt vào tay mày nên hắn đã thách đố mày cùng hắn tranh tài cao thấp trong bữa tiệc. Mục đích là muốn hạ gục mày trước Mẫn Nhi. Lúc đó, mày uống cả chai mà mày chỉ ngà ngà say còn gã sinh viên người Mỹ ngã gục, ngủ đúng một ngày một đêm mà không tỉnh lại để cả khu tập thể nhốn nháo đưa hắn vào bệnh viện. Mà gã đó đâu phải là tay uống rượu xoàng đâu, từng khét tiếng trong các bar lớn, là tay sừng sỏ chuyên săn lùng tìm uống rượu mạnh. Thế mà hôm nay chỉ mới dùng có ba ly Sie Car đã đánh gục được mày, chuyện thật khó tin. Tao dám chắc tay Bartender đó cố tình pha cho mày uống nồng độ mạnh nhất đó Trần.

Trần nghe những lời phân tích của Lữ Đông, anh cảm thấy rất hợp lý. Thế nhưng tại sao tay Bartender này cố tình pha rượu mạnh cho anh uống. Nếu cố tình thì phải có mục đích. Mà mục đích của hắn là gì? Trần nhớ, hôm qua trong bóp anh có hai tờ chi phiếu trị giá một trăm triệu đồng, tiền mặt trong bóp cũng khá nhiều đừng nói chi giấy tờ xe và thẻ tín dụng. Nhưng quan trọng nhất phải nói là sợi dây chuyền gia bảo của dòng họ anh để lại trị giá gần ba bốn cây vàng chứ có ít ỏi gì đâu. Năm Trần lên mười tuổi cứ bệnh hoạn, èo uột khó nuôi, mẹ anh đích thân đeo cho anh sợi dây chuyền gia bảo có tượng Phật Bà Quan Âm. Từ đó anh lớn mạnh bình thường như mọi trẻ con khác. Có lần vì sợ Trần đeo sợ dây chuyền đó đi học sẽ là món mồi ngon cho bọn bất lương *** hại Trần, bà Chấn Nam cởi cất sợi dây chuyền, đến chiều Trần bỗng nhiên trở bệnh nặng khiến bà Chấn Nam hoảng hồn đeo lại cho anh và cũng kể từ đó, sợi dây chuyền gắn liền trên cổ anh cho tới tận bây giờ. Bà Chấn Nam coi đó như bùa hộ mạng giữ gìn sức khoẻ cho anh. Thế mà lần say mèm này anh cứ ngỡ mất nó rồi, vậy mà nó vẫn nằm nguyên vẹn trên cổ anh. Không biết nguyên nhân nào khiến tay Bartender cố tình pha rượu mạnh để anh uống gục luôn tại chỗ nhỉ? Trần nghĩ hoài nghĩ mãi mà cũng không tìm ra được nguyên nhân vì sao. Anh đành chép miệng nói cùng Lữ Đông:

- Tao không biết sao nữa. Nhưng tao vẫn bình yên an toàn, không mất mát gì trở về nhà thì thôi bỏ qua đi. Nếu có dịp tao đến nhà hàng đó tìm tay Bartender hỏi thì xong chuyện chứ gì.

Nghe Trần nói cũng có lý nhưng Lữ Đông vẫn không an tâm. Trực giác như báo cho anh biết trong chuyện này có việc gì mờ ám đây. Hay tại những năm sống bên đất Mỹ, từng đối diện nhiều vụ án ly kỳ nên cho anh trực giác nhìn đâu cũng ra chuyện làm mờ ám hết cả vậy. Thật đúng khi người ta nói: "Bác sĩ nhìn đâu cũng ra vi trùng". Còn anh là Luật sư nên nhìn đâu cũng cho là mờ ám, là làm việc phạm pháp hết cả. Thật khổ cho đầu óc đa nghi như Tào Tháo của anh. Tự răn đe mình xong, Lữ Đông thanh thản cặp kè Trần bước xuống sân thượng.


/17

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status