Hậu Anh Hùng Xạ Điêu

Chương 21: Nhất Đăng đại sư đầu cầu điểm Tây Độc

/55


Lúc này Thiệu, Khê hai người lập tức bước mau tới, gác chéo hai tay thành hình chữ “X”, rồi cung kính rằng :

- Bẩm kính Bang chủ! Đệ tử xin tham kiến người!

Âu Dương Phong trợn ngược mắt quát :

- Ai là Bang chủ của ngươi? Hỗn láo! Cút đi ngay!

Thiệu Bình lễ phép cúi mình rằng :

- Phàm những người tay cầm Lục Trúc trượng, là coi như Bang chủ của Cái bang, đây là luật lệ mấy trăm năm của Cái bang, nếu Bang chủ cần gì, xin cứ việc sai bảo.

Âu Dương Phong tuy là người khôn, nhưng lại mắc phải chứng tự cao tự đại quen rồi, lại nữa đầu óc điên tỉnh bất thường, nghe xong ngỡ đâu là thật, hỏi rằng :

- Thật vậy sao? Nay ta cầm cây gậy “Đả Cẩu bổng”, đã nghiễm nhiên trở thành Bang chủ của Cái bang ư? Nếu vậy, tất cả các tay ăn mày trong thiên hạ đều phải phục tùy ta sao?

Thiệu, Khê hai người cùng đáp :

- Đúng vậy!

Âu Dương Phong đắc ý, múa tít cây Lục Trúc trượng cười như điên nói :

- Vậy từ hôm nay trở đi, ta đã là Bang chủ của Cái bang! Hồng lão ăn mày, danh hiệu “Bắc Cái” của ngươi cũng phải nhường luôn cho ta! Nhưng còn ta...

Nói tới đây Âu Dương Phong lại trở lại căn bệnh điên khùng của mình, đầu óc lão lại mơ hồ hỗn loạn, nhìn Thiệu Bình ngớ ngẩn hỏi :

- Vậy, còn ta là ai đây?

Thiệu Bình biết tinh thần lão lại khởi sự thác loạn, trông mặt ngơ ngác của lão đến tức cười, nhưng Thiệu Bình nói :

- Dạ, ngài là Bang chủ chứ còn ai nữa!

Âu Dương Phong cả mừng :

- Vậy thì hay lắm! Để mừng chức “vua” ăn mày của ta, ta lập tức phong ngay cho chúng bay lên hàng trưởng lão trong Cái bang, vậy hãy lo đi tập hợp các anh em Cái bang tới đây, càng đông càng hay!

Thực ra kế hoạch của Thiệu, Khê là để Âu Dương Phong ở yên một chỗ, lừa sao cho lão ở lại Nghi Hưng trong mươi ngày, để cho Tôn Tam, Khương Tứ người Trường Giang về Bắc, dùng phương pháp cấp tốc nhất để truyền tin về Sơn Đông, để cho Hồng Thất Công và Hoàng Dung hay tin, và cả hai tân cựu Bang chủ thi hành xuất mã đến tìm Âu Dương Phong để tính nợ, nào hay Lão Độc Vật lại đòi triệu tập anh em Cái bang bất ngờ như vậy, Thiệu Khê đưa mắt khó xử nhìn nhau, Âu Dương Phong thấy vậy nổi giận quát gắt :

- Ta là Bang chủ, sao hai đứa mày không chịu tuân lệnh? Bộ không ngán “Đả Cẩu bổng” ta quất cho toi ngay sao? Mau đi!

Thiệu Bình thấy sự thể xảy ra nông nỗi này, nếu mình đi triệu tập anh em Cái bang cũng được, nhưng Âu Dương Phong đi mất, chẳng hóa ra toi công hỏng việc hay sao? Khê Võ bỗng nghĩ ra được một kế, nói ngay :

- Thưa Bang chủ, thế này vậy, chúng tôi đây có hai đứa để lại một đứa hầu cận ngài, còn một đứa lo đi triệu tập anh em Cái bang lại đây tham kiến ngài!

Âu Dương Phong lạnh lùng cười nhạt :

- Ta là Bang chủ mà phải cần lũ bay ra kế bày vẽ sao? Chớ có giở thối ra nữa, cả hai đứa theo ta, ta tới đâu, chúng bay theo tới đó, thấy đứa nào, bảo chúng lại tham kiến ngay ta, nghe rõ chưa?

Thiệu Bình, Khê Võ nghe xong than khổ trong lòng.

Âu Dương Phong lập tức hối thúc hai người khởi trình, suốt dọc đường, lão giở hết tác phong của một Bang chủ Cái bang, hách xì xằng dữ. Hay thì chửi, không hay thì đánh, Thiệu, Khê than khổ thấu trời, chuyến này tự rước họa vào thân với tên ma đầu khét tiếng ấy, nào đâu dám nửa lời phản kháng, đành cúi đầu lẽo đẽo theo Âu Dương Phong. Cuộc hành trình từ Nghi Hưng tới Gia Hưng, một hôm, Âu Dương Phong đến một con sông nhỏ, bỗng nghe phía trước kèn trống thổi đánh inh ỏi, Âu Dương Phong quay hỏi nhị khất Thiệu, Khê :

- Này, tiếng kèn trống phía trước kia có phải chăng là đám cưới rước dâu không?

Thiệu Bình nhìn kỹ, nói ngay :

- Thưa Bang chủ đúng ạ! Phía bên kia cầu sông đang có kiệu hoa đi tới, cờ xí kèn trống đi trước, đúng là đám rước dâu!

Âu Dương Phong định thần nhìn kỹ, một kiệu hoa đỏ choét đang được khiêng gập ghềnh qua cầu gỗ, ngoài những người thổi kèn đánh trống cầm cờ ra, có cả một chú rể thắt hoa nhiễu đỏ ngay xéo vai, cưỡi trên lưng lừa. Thấy cảnh trạng này chợt nhớ tới người Âu Dương công tử, lão nghĩ nếu cháu mình không thiệt mạng tại Ngưu Gia trang, bây giờ cũng có vợ con như ai, và mình cũng làm lão thái gia (ông nội), đâu đến nỗi sống cảnh phiêu bạt giang hồ như vậy. Tây Độc càng nghĩ càng ức, càng ức đầu óc càng trở nên rối loạn, bỗng lão trợn ngược mắt, quát ngay :

- Hai đứa bay mau qua lôi cổ chú rể xuống, đánh ngay một trận nên thân cho ta! Mau!

Thiệu, Khê hai người cả kinh nói :

- Thưa Bang chủ, ngài điên rồi sao? Hồng bang chủ...

Chưa kịp nói hết lời, Âu Dương Phong đã giơ hai cánh tay ra như diều hâu quắp gà non, túm mạnh ngay vào lưng hai người quát :

- Khốn kiếp! Chính chúng bay gọi ta là Bang chủ, thế mà dám há miệng cãi lệnh ta, dùng chúng bay làm chó gì? Hừ...

Nói đến đây lão vận ngay “Cáp Ma công” đánh gãy nát xương sống của nhị khất, tội nghiệp cho Thiệu Bình và Khê Vũ, diệu kế chưa thành đã mất mạng về tay Tây Độc.

Âu Dương Phong giết xong nhị khất đầu óc càng thác loạn, lão hét lên một tiếng quái gở, tay giơ nghiêng trúc trượng, hướng về phía cầu ván xông thẳng sang. Đám rước dâu đang vui nhộn tưng bừng, bỗng thấy một người tóc tai rối tung, mắt đỏ ngầu, râu tua tủa, khua tay múa chân, nhắm ngay đám rước dâu chạy phăng phăng tới, ai nấy hoảng hồn kinh người, nhao nhao tính bỏ chạy. Nhưng ngay trong cơn tóe lửa ấy, Âu Dương Phong đã quát lên một tiếng dữ dằn, lướt ngay vào đám rước như một ngọn “cuồng phong cuốn lá rụng”. Các tay bát âm (thổi kèn đánh trống) và cờ xí, tráp quả thi nhay té lăn chiêng đổ đèn, loạn như bầy ong bị phá tổ.

Chú rể trên lưng lừa thấy một lão điên thình lình nhảy vào phá đám như vậy, cuống quít la hoảng :

- Ối ối ối! Loạn rồi, phản rồi, hãy bắt ngay lão điên lên quan phủ!

Chưa dứt tiếng, Tây Độc đã nhoáng mình vèo ngay đến trước mặt chú rể, giơ tay chụp ngực lôi ngay xuống quát rằng :

- Nhãi con như mày mà cũng đòi cưới vợ sao? Chịu khó xuống Thủy tinh cung làm đám hỏi trước đã!

Dứt lời lão nắm đầu chú rể quăng ngay xuống sông, may nhờ sông cũng không sâu, chú rể cũng biết bơi, nên không đến nỗi bị chết đuối, nhưng tình cảnh đám rước lúc này tan hoang thất bất.

Cơn điên của Tây Độc lúc này đã lên đến cực độ, lão vung chưởng đánh thốc vào lưng lừa, lão dùng ngay “Cáp Ma thần công”, con vật khốn nạn kêu lên một tiếng kinh người, xương sống gãy nát, bốn chân soải dài nằm bẹp xuống, miệng hộc máu chết tươi ngay trên cầu. Cảnh chết rùng rợn của con súc vật đã gây nên một sự kinh sợ tột đỉnh cho tám tên phu khiêng kiệu hoa, tên nào cũng vãi nước ướt đũng quần, hò hét la hoảng, quăng ngay kiệu hoa nơi cầu ván chạy vắt giò lên cổ. Âu Dương Phong thấy vậy ôm bụng cười ngất, chợt lão lại vung chưởng đánh tạt bay cửa kiệu hoa, cô dâu trong kiệu tái mét mặt, sợ đến nỗi không kêu được nửa tiếng nào. Thấy bộ mặt sợ hãi của cô dâu, Tây Độc càng đắc ý cười ngất, lão thò ngay bàn tay hộ pháp, lôi ngay cô dâu từ trong kiệu ra, nhưng cô dâu đã xỉu ngất bất tỉnh nhân sự luôn.

Tây Độc vác ngay cô dâu lên vai, miệng lẩm bẩm rằng :

- Con bé này vô dụng quá, mới vậy mà đã chết ngất đi. Thôi, mình cứ vác về cho cháu mình thành hôn.

Dứt lời, lão bước thẳng ngay xuống cầu ván, lúc này đám rước dâu đã chạy biến dạng hết, nào có ai dám ở lại ngăn cản. Tây Độc vừa bước xuống khỏi cầu, bỗng một tiếng nói rền như chuông đồng rằng :

- A di đà Phật! Bạch Đà sơn chủ bấy lâu vẫn mạnh giỏi chứ?

Bốn chữ “Bạch Đà sơn chủ” lọt vào tai Âu Dương Phong, lão bất giác kinh người giật mình, bộ óc đang thác loạn chợt trở nên thanh tĩnh. Bởi đã khá lâu, không ai dùng đến danh hiệu này để gọi lão, ngờ đâu hôm nay lại được nghe thanh âm xa xưa này. Tây Độc như hiểu được ít nhiều sự việc gì, lão buông ngay cô dâu ngất xỉu xuống đất, nhìn ngay lại phía cầu ván, chỉ thấy trên bờ cầu lúc này đứng một loạt thành hàng ngang năm người, phía trước là một lão hòa thượng râu mày trắng phau, bốn người đứng sau khí phách hiên ngang, lối ăn mặc khác nhau, một theo lối độc thư sĩ tử, một theo lối nông dân, một theo lối tiều phu, và một theo lối ngư phủ, năm người ngày không ai xa lạ hơn là Nhất Đăng đại sư và bốn đại đệ tử: Ngư, Tiều, Canh, Độc.

Từ hồi luận kiếm lần thứ nhất tại Hoa Sơn, Tây Độc và Nam Đế đã xa nhau trên ba mươi năm trời, trong kỳ luận kiếm thứ nhất tại Hoa Sơn ấy, Nhất Đăng đại sư còn là Nam Đế Đoàn Hoàng Gia, nhưng đến kỳ luận kiếm thứ hai tại Hoa Sơn, Đoàn Hoàng Gia đã thí phát thành tăng, ông ta cũng bỏ cuộc tranh đoạt “Đệ nhất võ công trong thiên hạ” với Bắc Cái, Đông Tà, Tây Độc, mà chỉ điểm hóa cho Bang chủ nhóm Thiết Chưởng bang là Cừu Thiên Nhẫn rồi bỏ đi, nên họ không hề gặp nhau tại đại hội Hoa Sơn lần thứ hai. Âu Dương Phong nào đâu có thể ngờ được lão Hòa thượng từ bi thiện mục này đây lại là người oai trấn khắp thiên hạ - Thiên Nam nhất đế.

Tây Độc trợn mắt quát hỏi :

- Lão Hòa thượng, ngươi là ai vậy?

Nhất Đăng đại sư chắp tay đáp :

- A di đà Phật, lão nạp vẫn là lão nạp, đời người chẳng da thối bọc thây, thế giới mông mênh vạn biến, chẳng ai là ai cả, vậy đâu có gì để mà chia ranh giới giữa “ta” và “ngươi”. Bạch Đà sơn chủ, khổ ai vô biên, hãy mau quay đầu theo lão nạp cho yên phận.

Âu Dương Phong cả giận quát :

- Khéo giở thối! Ngươi là sư hổ mang ở đâu tới đây? Ta nào có quen biết gì ngươi, ngươi mà cũng xứng khuyên nhủ ta sao!

Nhất Đăng đại sư không hề nổi giận, nhưng Canh, Tiều, Ngư, Độc bốn đại đệ tử đã nổi giận đùng đùng, nhất là nông phu Võ Tam Thông xưa kia từng bị Tây Độc cố dùng “Cáp Ma công” đả thương tại chân núi Cổ La sơn ở Niệm Thanh đường, nay kẻ thù gặp nhau cơn giận dằn sao cho nổi, hét lên một tiếng, phi thân nhảy qua, vung ngay cuốc trên tay, nhắm ngay não môn Tây Độc bửa mạnh xuống.

Âu Dương Phong thấy nông phu ra tay, lạnh lùng rằng :

- Muốn động võ với lão gia hả? Hay lắm!

Miệng nói, tay động, vụt nhanh cây Lục Trúc trượng sang, dùng ngay lối xà trượng pháp của Bạch Đà sơn, khiến cho nông phu Võ Tam Thông đau nhức hổ khẩu nơi tay, cây cuốc suýt bị văng luôn.

Thấy Võ Tam Thông suýt bị “lỗ vốn”, Ngư, Tiều hai người đâu nhịn nổi, cả hai vội nhảy tới tấp sang. Ngư phủ vung luôn mái chèo sắt quất ngang gáy Tây Độc, binh đao của Tiều tử là cây đòn gánh sắt, đánh vung theo mặt đất với ngọn “Thu Phong Tảo Diệp” (gió thu quét lá) sang cẳng Tây Độc.

Trong lúc đó Âu Dương Phong đang bận đưa trúc trượng chống đỡ hai thứ binh đao của Ngư phủ và Nông phu, đương nhiên đâu còn rảnh tay để tiếp ngọn đánh của Tiều tử. Nhưng Tây Độc quả là cao thủ có khác, lão cũng chẳng vội vã gì, thượng bán thân uy nghi bất động, hạ bán thân chờ đợi, cây đòn gánh đã trúng cẳng Tây Độc, nhưng lúc này như đánh vào một đống bông gòn mềm mại, nghĩa là không chịu sức đánh. Tiều tử kinh hãi vừa tính rút nhanh cây đòn gánh về, nào hay Âu Dương Phong đã giơ hai chân quặp ngay chiếc đòn gánh sắt của Tiều tử, dồn hết trọng lực của mình lên chiềc đòn gánh. Tiều tử cố sức cắn răng để kéo bật binh khí về, nào hay cây đòn gánh như mọc rễ bám chặt vào chân Tây Độc, không làm sao rút ra được, ngoài ra binh khí của Ngư phủ và Nông phu cũng bị Tây Độc ép đã không sao hoạt động được. Âu Dương Phong một mình áp đảo ba cao thủ, có thể nói là một lối đánh vừa kỳ vừa lạ, trên đời hiếm thấy. Những người đứng dưới cầu thấy vậy cả kinh.

Độc sách thư sinh thấy cả ba sư đệ đều bị khốn đốn về tay Tây Độc, bất giác cả giận, “soạt” một tiếng rút ngay trường kiếm ra, tính xỉa ngay tới sau lưng Âu Dương Phong. Nhất Đăng đại sư bỗng gọi giật ngay lại :

- Khoan! Con có lên cũng vô ích.

Dứt lời, vung ngay tay áo, dùng ngay ngọn “Nhất Dương chỉ” vốn là khắc tinh của “Cáp Ma công”. Xưa kia kỳ thứ nhất luận kiếm tại Hoa Sơn, Toàn Chân giáo chủ Vương Trùng Dương đều nhờ ngọn “Nhất Dương chỉ” áp đảo quần hùng, nhưng về sau Tây Độc luyện được “Cáp Ma công” lại có thể nghịch chuyển kinh mạch toàn thân, nên chẳng ngán gì “Nhất Dương chỉ”. Nay Nhất Đăng đại sư bung chỉ, Âu Dương Phong đã đề phòng trước, lập tức buông ngay hai chân phía dưới lên trên hất ngay Lục Trúc trượng, cùng một lúc đánh bật binh khí của ba người, gót chân hất bật ngay cây đòn gánh sắt dưới chân, lộn chổng ngược người lên, đầu dưới đất, chân trên trời, bởi vậy ngọn điểm “Thiên thương huyệt” của Nhất Đăng đại sư lúc này trở thành điểm “Bạch hải huyệt” nơi cẳng bên mặt của Âu Dương Phong, nói ra cũng lạ, rõ ràng Nhất Đăng đại sư đã điểm trúng đích, thế mà Âu Dương Phong chẳng hề hấn gì, trái lại còn đá bay ra một ngọn về phía ngực Nhất Đăng đại sư.

Ngọn đá của Tây Độc tuy thình lình, nhưng Nhất Đăng đại sư nào phải tay xoàng, ông ta vung ngược chưởng đánh ngay vào đầu gối của Âu Dương Phong, nơi đây được mệnh danh là “Hoàn Khiêu huyệt”, chính là một trong mười hai huyệt tê buốt của con người, nếu người thường bị điểm trúng, toàn thân sẽ mềm như bún ngay, nhưng đối với Âu Dương Phong lại trơ như đá gỗ. Lão chẳng cảm thấy gì, “ào”, “ào” đá liên tiếp hai ngọn nữa, cây trúc trượng trên tay nhoáng lên với thế “Kinh Xà Nhập Thảo” (rắn hoảng chui vào cỏ) quét mạnh ngay về phía chân của Nhất Đăng đại sư.

Nhất Đăng đại sư không ngờ ngọn “Nhất Dương chỉ” của mình lại không thu được lợi gì, làm như toàn thân Âu Dương Phong không hề có huyệt đạo gì vậy. Nhất Đăng đại sư cả kinh. Ông ta vội nhảy lùi ra sau. Ngay lúc đó thư sinh nhảy nhanh tới, cây trường kiếm chỉa thẳng vào hông Âu Dương Phong, Tây Độc không thèm để ý đến lối đánh này, nhưng khi mũi kiếm sắp đâm vào mình, lão thình lình bửa ngang một chưởng vỗ ngay vào gáy thanh kiếm. Lối đánh của Âu Dương Phong quả là quái dị hết sức, chỉ thấy lão co ngay khuỷu tay, chưởng gõ ngay vào thanh kiếm như rắn mổ, ra là dùng lối đánh “Kim Xà quyền pháp”. Xưa kia cháu Tây Độc, Âu dương công tử khi giao tranh với Quách Tỉnh tại Ngưu gia thôn ở Bảo Ứng huyện cũng từng dùng lối “Kim Xà quyền” phá hẳn thế “Hàng Long thập bát chưởng” mà Quách Tỉnh chưa học thạo, chính Âu Dương Phong là người sáng tạo ra lối quyền pháp này, khỏi cần nói cũng biết lão đã tinh thuần đến mực tuyệt diệu của nó. Chỉ nghe “Kim Xà quyền” vang lên một tiếng “bịch”, đánh trúng ngay tay nắm kiếm của thư sinh, cây kiếm bay văng khỏi tay. Âu Dương Phong lại khua ngay “Kim Xà quyền” nhắm ngay mắt Nhất Đăng đại sư thụi tới, cây Lục Trúc trượng “vù” lên một tiếng, quét nhanh dưới chân đại sư, lúc này chẳng khác nào lối đánh “Song Thủ Hỗ Bác” của Quách Tỉnh thường dùng vậy. Bản lĩnh Nhất Đăng đại sư tuy cao cường, nhưng gặp đối đánh đột ngột quái dị này, cũng đành né tránh sang một bên. Âu Dương Phong chợt hét lên một tiếng dữ dội, hai tay chống mạnh ngay xuống đất, một trận cuồng phong lướt mạnh ngang mặt năm thầy trò, Nhất Đăng đại sư tung mình phi ra ngoài mười trượng, chớp nháy Âu Dương Phong đã biến dạng luôn.

Bốn đại đệ tử Ngư, Tiều, Canh, Độc không ngờ được võ công của Âu Dương Phong lại cao cường đến như vậy, cả bốn người bị ngã lăn ra mặt đất, vừa thẹo vừa giận. Nông phu hậm hực hơn ai hết, hét lên một tiếng vác ngay cuốc lên tính đuổi theo, Nhất Đăng đại sư ngăn ngay lại nói rằng :

- Thôi Tam Thông! Loại người không chịu quay về con đường thiện, có đuổi được lão cũng uổng công, mặc cho hắn tự do vậy.

Ngư phu, Tiều phu nói :

- Thưa thầy, thầy buông tha lão như vậy, không ngại lão tiếp tục tác ác hay sao?

Nhất Đăng đại sư thở dài nói :

- Các người theo ta lâu năm thế, sao chẳng hiểu chút thiện lý gì cả, Phật gia thường nói: “Ta không vào Địa ngục, hỏi ai vào Địa ngục?”. Nay xem tình trạng điên khùng của Lão Độc Vật như vậy, cũng chẳng sống được bao lâu nữa, vậy chúng ta cần gì phải nhổ cỏ trừ tận gốc như vậy, để lão đi cho rồi.

Lúc này đám người rước dâu biết lão điên đã đi, ai nấy lóp ngóp xúm xít lên cầu lo cứu tỉnh cô dâu, còn chú rể ngất ngư uống khá nhiều nước, nằm phờ ra bãi sông tự oán trách lựa phải ngày xấu nên mới ra nông nỗi này.

Thầy trò Nhất Đăng đại sư ai cũng chẳng muốn gây hoang mang với dân địa phương, bèn rời ngay Nghi Hưng huyện, thẳng đường tiến lên hướng Bắc. Một người xưa kia từng xưng hùng Thiên Nam nhất đế như Đoàn hoàng gia đây, lúc này lòng buồn rầu. Ngư, Tiều, Canh không hề phát giác, chỉ riêng có thư sinh nhận ra sắc thái của thầy. Thư sinh tên gọi Chu Tử Liễu, vốn là Trạng Nguyên tướng công của Đại Lý Quốc, tính tình nhanh nhẹn. Chu Tử Liễu hỏi ngay Nhất Đăng đại sư :

- Thưa thầy, có chuyện gì mà thầy có vẻ buồn rầu vậy, hay tại thua Tây Độc, trong lòng không an tâm?

Nhất Đăng đại sư lắc đầu rằng :

- Tử Liễu, bộ ngươi còn tưởng ta là Đoàn Hoàng Gia bốn chục năm về trước sao? Đối với việc tranh hùng háo thắng, nào ta đâu còn quan tâm gì đến? Chẳng qua trong lòng ta hiện nay có nghi vấn, ngọn “Nhất Dương chỉ” của Vương chân nhân truyền cho ta xưa nay vẫn linh nghiệm, nhưng nay gặp Lão Độc Vật tự nhiên mất linh ngay, ta đã điểm cả thảy hai lần huyệt, thế mà đối phương vẫn chẳng hề hấn gì, thật quả ta cũng lo ngại nghi ngờ quá.

Chu Tử Liễu liền tiếp lời rằng :

- Lão Độc Vật quỷ kế đa đoan, xưa nay lại là bậc kỳ tài trong bàng môn tà đạo, hay là trong mấy năm nay, lão ta đã luyện được ra một lối võ công độc đáo gì có thể phong tỏa các huyệt đạo trong toàn thân cũng nên.

Nhất Đăng đại sư lắc đầu tỏ ý không tin, vì ông ta biết trong võ công của phái Tây Tạng ấy, có loại khí công được gọi là “Mật tông” có thể phong tỏa các huyệt đạo, nhưng không thể nào ngăn chặn được lối nội gia chân lực của “Nhất Dương chỉ”, thế mà Âu Dương Phong ngang nhiên không coi “Nhất Dương chỉ” vào đâu, như vậy đủ hiểu võ công của lão xuất thần nhập hóa đến độ nào.

Đang lúc thầy trò mải chuyện vãn, phía trước bỗng hiện ra một đám người, quần áo người nào cũng rách, hình dáng trông như nhóm hành khất. Chu Tử Liễu nhìn ngay về phía trước, rồi lên tiếng :

- Anh em Cái bang đã đến!

Nhất Đăng đại sư ngẩng đầu nhìn, bỗng nghe một giọng quen cười nói :

- Hà! Hà! Hà!... Lão hòa thượng, lâu quá không gặp nhau, không ngờ nay Hòa thượng bước vào hồng trần như thế sao?

Giọng nói vô cùng quen tai, hóa ra là cựu Bang chủ Cái bang, Cửu Chỉ Thần Khất Hồng Thất Công. Ngư, Tiều, Canh, Độc bước lại thi lễ, ai nấy đều nói :

- Thưa Bang chủ, hôm nay gió gì đưa ngài tới đây vậy?

Hồng Thất Công thản nhiên cười ha hả rằng :

- Chẳng có gió Bắc gió Nam gì ráo. Lão ăn mày ta chỉ biết độc có gió rượu mà thôi, à... từ nay cấm hết mọi người không được kêu ta là Hồng bang chủ nữa. Chức vị Bang chủ của ta đã nhường lại cho người khác rồi, cứ kêu ta là lão ăn mày đủ rồi. Kìa lão Hòa thượng, thế còn người nối nghiệp của ngươi đâu? Ai thế?

Nhất Đăng đại sư vẫn cười rằng :

- Không ngờ xa cách Thất huynh bấy lâu, mà phong độ xưa kia vẫn y nguyên.

Thì ra Hồng Thất Công đang ở Sơn Đông bỗng được Khương, Tôn nhị khất dùng lối truyền tin nhanh cho cựu Bang chủ về tung tích của Tây Độc. Không đầy ba hôm tin tức đã truyền đến Sơn Đông, Hồng Thất Công được tin về Lục Trúc trượng, lập tức khởi trình xuống miền Giang Nam.

Sau khi hàn huyên một hồi, Hồng Thất Công hỏi ngay Nhất Đăng đại sư :

- Này lão hòa thượng, ông có thấy Lão Độc Vật đâu không?

Ngư, Tiều, Canh, Độc bốn đại đệ tử của Nhất Đăng đều kinh ngạc. Nông phu Võ Tam Thông nhanh miệng :

- Dạ chính hôm qua đây, chúng tôi còn giao tranh lớn với Lão Độc Vật.

Nhóm Cái bang xôn xao, Hồng Thất Công hấp tấp hỏi :

- À, ra lão Hòa thượng đã chạm trán với Lão Độc Vật rồi hả? Vậy ta hỏi, thế có thấy trên tay Lão Độc Vật có cầm Lục Trúc trượng không?

Ngư phủ, Tiều phu đều đáp :

- Có có! Binh đao của lão chính là cây gậy trúc ngắn.

Hồng Thất Công nhảy bung lên la hét :

- Tức chết lão ăn mày ta thật, Lão Độc Vật ngang nhiên dùng gậy quý của ta để đánh nhau với người ta. Trời ời...

Nhất Đăng đại sư thấy Hồng Thất Công cuống lên như vậy, nói :

- Trời! Kẻ tung hoành ngang dọc bấy lâu như “Cửu Chỉ Thần Cái” không ngờ hôm nay đến chiếc gậy xin cơm cũng bị người ta cướp mất như thế.

Hồng Thất Công mếu cười dở dang về câu nói của lão thiền sư, nhất là trước mặt anh em Cái bang đông như thế, Hồng bang chủ bực mình rằng :

- Thôi lão Hòa thượng chớ có đùa cợt nữa! Thế nay Lão Độc Vật chết toi ấy đã chạy ngã nào rồi?

Ngư, Tiều, Canh, Độc bèn thuật lại một lượt cho mọi người nghe, sau cùng nhấn mạnh thêm: không biết Lão Độc Vật ấy ở đâu học luyện được lối bản lãnh quái đản, ngang nhiên không sợ ngọn “Nhất Dương chỉ” của Nhất Đăng đại sư, họ tưởng đâu Hồng Thất Công nghe xong chuyện ấy thế nào cũng kinh ngạc, nào hay Hồng Thất Công nghe xong, ôm bụng cười ngất.

Thầy trò Nhất Đăng đại sư ngẩn người ngạc nhiên chẳng hiểu Hồng Thất Công cười gì mà rũ người ra vậy, nhưng cựu Bang chủ của Cái bang cười một hồi xong nói :

- Trò nghịch đùa của con bé Hoàng Dung không ngờ gây nên cảnh tai hại như thế, nó đã dùng “Cửu Âm giả kinh” lừa Lão Độc Vật, ai ngờ đâu trò lừa ấy tạo nên họa thật ngày nay khiến Lão Độc Vật hết sợ luôn ngọn “Nhất Dương chỉ”.

Thầy trò Nhất Đăng đại sư nghe tới đây càng khó hiểu, lúc này Hồng Thất Công mới kể hết đầu đuôi Âu Dương Phong bị Hoàng Dung lừa vào lối “nghịch chuyển chân kinh”. Nhất Đăng đại sư gật gù :

- Thì ra huyệt đạo của Lão Độc Vật đã biến đổi vị trí, thảo nào “Nhất Dương chỉ” của mình không làm gì được hắn. Thôi, chúng ta đi vậy.

Ngư, Tiều, Canh, Độc vội lên tiếng hỏi :

- Thưa thầy chúng mình về đâu đây?

Nhất Đăng đại sư nghiêm nghị rằng :

- Hồi còn sinh tiền, Vương chân nhân đã ủy thác cho thầy về nhiệm vụ dùng “Nhất Dương chỉ” khắc chế Lão Độc Vật, nào hay giờ đây đã sinh biến, “Nhất Dương chỉ” bây giờ không làm gì nổi Âu Dương Phong được nữa, bởi vậy thầy phải về lại Đào Nguyên sơn cốc, cố thêm mấy năm nữa để luyện lại ngón “Nhất Dương chỉ” rồi tìm cách phá lối “nghịch chuyển kinh mạch” của Tây Độc, vậy hãy mau mau về cho rồi.

Bốn đệ tử bây giờ mới hiểu ra ý thầy, cùng nhau cáo biệt nhóm Hồng Thất Công ra về luôn.

Hồng Thất Công thấy thầy trò Nhất Đăng vừa đi, cuống quít lên gọi lại :

- Kìa, lão hòa thượng, thế còn thằng độc vật nó đi về hướng nào?

Nhất Đăng đại sư quay đầu lại :

- A di đà Phật! “Lãng diệp vô căn, phù bình vô định” (lá rụng không còn gốc, bèo nổi vô định hướng), cuộc chạm trán giữa bần tăng vơi Âu Dương Phong đã cách hơn một ngày, bần tăng làm sao biết rõ hắn ở đâu? Thất huynh, xin huynh hãy tự đi tìm vậy.

Sau mấy câu nói này, thầy trò Nhất Đăng đại sư bỏ tuốt đi luôn.

Hồng Thất Công đưa mắt nhìn với một vẻ buồn lâng lâng.

/55

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status