Hãy Chăm Sóc Mẹ

Chương 15: Và người phụ nữ khác 3

/18


Vị bác sĩ lại hỏi tiếp. “Ông bao nhiêu tuổi?”

“Một trăm!”

“Đừng nói như vậy, ông hãy nói tuổi của mình đi!”

“Hai trăm!”

Ông thực là cục cằn. Sao ông lại nói mình hai trăm tuổi chứ? Ông còn trẻ hơn tôi năm tuổi, thế là ông khoảng... Vị bác sĩ lại hỏi tên ông.

“Shin Gu!”

“Ông hãy nghĩ thật kỹ vào.”

“Paek Il Seop!”

Diễn viên Shin Gu? Hay diễn viên phim truyền hình Paek Il Seop? Ông đang nói về Shin Kyu và Paek Il Seop mà tôi ngưỡng mộ sao?

“Ông đừng như vậy nữa, hãy nghĩ cho kỹ rồi trả lời chúng tôi.”

Ông uống một ngụm nước. Chuyện gì xảy ra vậy? Tại sao ông lại ở đây và tại sao lại bị hỏi những câu ngớ ngẩn như thế này? Sao ông không trả lời được những câu hỏi đơn giản đó mà lại khóc như vậy? Trước đây tôi chưa bao giờ thấy ông khóc cả. Tôi thì khóc nhiều rồi. Ông đã bao nhiêu lần thấy tôi khóc nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy ông khóc.

“Nào, ông hãy nói lại tên mình đi!”

Ông không nói gì cả.

“Thêm một lần nữa thôi!”

“Park So-nyo!”

Đó đâu phải tên ông, tên của tôi đấy chứ. Tôi vẫn nhớ cái ngày ông hỏi tên tôi. Ông đã trải đường vào lòng tôi giống như một con đường cũ. Giống như viên sỏi trong bãi sỏi, cục đất trong đống đất, hạt bụi trong đám bụi, tơ nhện trong mạng nhện. Hồi đó tôi còn trẻ lắm. Khi sống trong những năm tháng trẻ trung ấy tôi chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện mình đang rất trẻ, nhưng giờ đây khi nghĩ về lần đầu gặp ông, tôi vẫn có thể nhớ được gương mặt thanh xuân của mình. Hôm đó, cô gái trẻ là tôi khi ấy đang đi từ chỗ máy xát về nhà trên con đường mới, đầu đội cái chậu inox đựng đầy bột mì. Đó là cái chậu inox chú Kyun mua cho tôi. Bước chân trẻ trung của tôi đang vội vã đi nhanh về nhà để nhào bột trong cái chậu này nấu thành canh bánh bột mì cho lũ trẻ. Máy xát cách nhà tôi mấy dặm, ở bên kia cây cầu. Trán tôi lấm tấm mồ hôi vì phải đội cái chậu đầy bột trên đầu. Ông đang đạp xe qua tôi thì chợt dừng lại gọi, “Cô ơi!”

Tôi vẫn bước đi, mắt nhìn thẳng. Ngực tôi như muốn đâm ra khỏi cái áo cánh cũ. Tôi đang mặc cái quần sờn rách.

“Cô đưa cái chậu đây cho tôi. Để lên xe tôi chở giúp cho.”

“Làm sao tôi có thể tin được lời của người qua đường mà đưa cái chậu cho anh chứ?” Tuy nói vậy nhưng bước chân của tôi cũng chậm lại. Quả thực cái chậu bột mì nặng tới nỗi tôi tưởng như đầu mình sắp vỡ tung. Dù tôi đã dùng khăn quấn thành miếng đệm đặt dưới đáy chậu nhưng dường như cả cái trán lẫn cái mũi của tôi đều sắp bẹp gí đến nơi.

“Dù sao thì tôi cũng đi xe không. Cô sống ở đâu?”

“Tôi ở ngôi làng bên kia cầu...”

“Có một cửa hàng tạp hóa ở gần cổng vào làng phải không? Tôi sẽ chở cái chậu đến đặt ở chỗ cửa hàng đó, đưa cái chậu cho tôi mà đi cho nhẹ. Đằng nào tôi cũng đi xe không, trông nặng thế kia cơ mà. Chỉ cần bỏ cái chậu đó xuống là cô sẽ đi nhanh hơn và cũng về nhà nhanh hơn.”

Tôi cứ ngây ra nhìn ông bước xuống xe, trong lúc đó tôi nhay nhay vạt khăn rủ xuống mặt của chiếc khăn đặt lót dưới cái chậu trên đầu. Nếu so với bố của Hyong-chol thì ông trông chất phác hơn, cả hồi ấy lẫn bây giờ. Ông trắng xanh nhợt nhạt như thể người chưa bao giờ lao động, khuôn mặt dài như cái bơm và đôi mắt ủ rũ của ông không đẹp cho lắm. Cặp lông mày rậm dài tạo cho ông nét thật thà, thẳng thắn. Cái miệng cho thấy ông là con người đáng tin, đáng trọng. Cặp mắt ông đang lặng lẽ nhìn tôi trông thật thân thuộc, cứ như tôi đã gặp ở đâu đó rồi. Khi thấy tôi cứ chăm chăm nhìn mặt ông mà không sẵn lòng hạ cái chậu bột mì trên đầu xuống, ông lại leo lên xe đạp. “Tôi không có động cơ lạ gì đâu. Tôi chỉ muốn giúp cô thôi vì thấy cái chậu có vẻ nặng quá. Tôi không thể ép cô cho tôi giúp nếu cô không muốn.” Ông đặt chân lên cái pê đan chắc chắn. Ấy là khi tôi vội vã cất tiếng cảm ơn ông. Tôi đưa cái chậu đang đội trên đầu cho ông. Tôi lặng lẽ đứng nhìn ông tháo mấy sợi dây chun dày buộc ở sau xe ra, đặt cái chậu lên và dùng dây chun buộc lại thật chặt.

“Vậy tôi sẽ chở nó đến chỗ cửa hàng đó!

Ông phóng xe đi, ông, một người đàn ông tôi gặp lần đầu, đang chở lương thực của các con tôi. Vừa tháo cái khăn đang đội trên đầu ra phủi bụi bám trên quần áo, tôi vừa nhìn ông cùng chiếc xe đạp đang dần mất hút. Bụi bốc lên mù mịt quanh xe ông, tôi đưa tay dụi mắt để nhìn ông dần mất hút trong đám bụi. Gánh nặng trên đầu đã biến mất, tôi cảm thấy nhẹ nhõm lạ thường. Tôi bước đi trên con đường mới, nhẹ nhàng vung vẩy đôi tay. Một làn gió trong lành lùa vào trong áo tôi. Lần cuối cùng tôi được đi người không, chẳng có gì trên tay, trên đầu hay trên lưng mình là bao giờ nhỉ? Tôi ngước nhìn những chú chim bay lượn trên không trung giữa buổi chiều tà, ngâm nga một bài hát mà hồi còn nhỏ tôi thường hát cùng mẹ, và rảo chân đi về phía cửa hàng tạp hóa đó. Từ rất xa, tôi đã dõi tìm cái chậu bột mì. Vừa tiến lại gần, tôi vừa nhìn về phía lối vào cửa hàng nhưng không thấy cái chậu mà lẽ ra phải được đặt ở đó đâu cả. Đột nhiên tim tôi loạn nhịp. Bước chân tôi trở nên gấp gáp hơn. Tôi hoảng sợ hỏi người phụ nữ trong cửa hàng, “Không có ai gửi chậu bột mì ở đây cho tôi sao?” Nếu ông đã chở cái chậu đến đây thì tôi phải nhìn thấy rồi chứ, đằng này có thấy gì đâu. Cầm cái khăn trong tay, tôi vội vàng chạy tới chỗ người chủ cửa hàng, bà ấy đang nhìn tôi chằm chằm như muốn hỏi, “Có việc gì thế?” Phải đến lúc đó tôi mới hiểu ra tất cả. Rằng ông đã cướp đi bữa ăn tối của những đứa con tôi. Nước mắt tôi rơi lã chã. Tại sao tôi lại đi tin tưởng mà đưa cho ông, một người tôi chưa bao giờ gặp, cái chậu đựng thức ăn của gia đình mình? Tôi đã nghĩ gì thế? Tại sao tôi lại làm như vậy? Đến tận bây giờ tôi vẫn còn cảm thấy nỗi sợ điếng người ấy, khi mối lo thoáng qua khi dõi theo chiếc xe đạp của ông biến mất đã trở thành sự thực. Tôi không thể quay về nhà với hai bàn tay trắng như vậy được. Tôi phải tìm lại cái chậu bột mì bằng mọi giá. Tôi như nghe thấy trong tai mình âm thanh khô khốc của cái ống bơ va vào thành chum buổi sáng hôm đó, khi tôi vào kho đong bột để làm bữa sáng. Tôi không thể từ bỏ được khi biết rõ rằng chỗ bột mì trong cái chậu đó cung cấp đủ lương thực cho mười ngày. Rời khỏi cửa hàng, tôi cắm đầu cắm cổ đi tìm ông và chiếc xe đạp của ông. Tôi cứ đi mãi đi mãi, gặp ai cũng hỏi xem họ có nhìn thấy người nào trông giống ông không. Chẳng mấy chốc đã có người nhận ra ông qua miêu tả của tôi. Điều đó cho thấy ông thật là bất cẩn. Ông sống cách đấy đâu có bao xa. Ngay khi biết ông sống trong một ngôi nhà ở ngôi làng cách làng tôi năm dặm về phía thị trấn, tôi lao như tên bắn đến đó. Bởi vì phải tới chỗ ông trước khi ông dùng bột mì trong chậu thì may ra tôi mới có thể mang về nguyên vẹn.

Khi phát hiện ra chiếc xe đạp của ông đang dựng trước cửa một ngôi nhà tồi tàn nằm giữa cánh đồng, dưới chân đồi phía cuối con đường chạy thẳng vào trong từ lôi vào làng ông, tôi chạy ào vào nhà ông và hét lên, Aaaaa! Rồi tôi thấy tất cả. Người mẹ già của ông đang ngồi trên thềm nhà cũ nát, đôi mắt bà cụp xuống, đứa con trai chừng ba tuổi đang ngồi mút ngón tay, còn vợ ông đang trong tình trạng sinh nở khó khăn. Dù đến để thu hồi cái chậu bột mì bị ông đánh cắp, nhưng thay vì thế tôi lại lấy cái nồi treo trên tường trong gian bếp tối tăm chật chội xuống rồi đổ nước vào đun. Tôi đẩy ông ra một bên, vì ông loắn xoắn bên cạnh vợ mà chẳng biết làm gì, rồi tôi nắm lấy bàn tay vợ ông, người đàn bà mà tôi mới gặp lần đầu, và hét to, “Rặn đi! Rặn mạnh lên!” Tôi không biết phải mất bao nhiêu thời gian mới nghe thấy tiếng khóc của đứa bé mới sinh vang lên. Nhà ông không có lấy một cọng rong biển để nấu canh rong biển cho vợ ông. Bà mẹ già của ông bị mù. Trông bà cứ như đang trên đường sang thế giới khác rồi. Đỡ đứa trẻ xong, tôi đi múc bột mì trong chậu ra để nhào bột rồi nấu canh bánh bột mì, khi canh chín tôi múc ra mấy bát rồi mang một bát vào trong phòng của người mẹ vừa mới sinh. Đã bao nhiêu thập kỷ trôi qua rồi nhỉ, kể từ khi tôi đội lại cái chậu bột mì lên đầu và đi về nhà? Người đàn ông kia có phải là đứa trẻ sinh ra hôm ấy không? Cậu ấy đang lau tay cho ông. Rồi cậu ấy lại đặt ông nằm sấp xuống và lau lưng cho ông. Đã lâu quá rồi. Gáy ông giờ đã nhăn nheo. Cặp lông mày rậm rạp ngày nào nay đã thưa thớt và tôi không còn nhận ra khuôn miệng của ông nữa. Lúc này, cậu con trai của ông đang hỏi thay vị bác sĩ, “Bố ơi! Bố hãy nói tên của mình đi! Bố có biết tên của bố là gì không?”

“Park So-nyo.”

Không phải, đấy là tên tôi chứ.

“Park So Nyo là ai? Là ai hả bố?”

Tôi cũng đang băn khoăn về chuyện đó đây. Tôi là gì với ông? Là người như thế nào với ông?

Bảy tám ngày sau, cứ nghĩ mãi về tình cảnh của ông, tôi bèn mang theo một ít rong biển đến nhà ông, nhưng chỉ có đứa trẻ sơ sinh nằm đó, không thấy vợ ông. Ông kể rằng vợ ông sốt cao trong ba ngày liền sau khi sinh đứa bé và cuối cùng đã rời bỏ thế giới này. Chính cơn đói đã khiến bà ấy không vượt qua được kỳ sinh nở. Người mẹ mù lòa của ông vẫn ngồi trên thềm nhà cũ nát, chẳng rõ bà cụ có biết chuyện gì đang xảy ra hay không. Cả đứa trẻ lên ba ốm yếu kia cũng thế. Có lẽ cậu con trai bên cạnh giường bệnh của ông là đứa bé lên ba đó chứ không phải là đứa trẻ sơ sinh.

Không biết tôi là người như thế nào với ông nhưng ông đã là người bạn suốt cuộc đời tôi. Ai mà ngờ được chúng ta sẽ làm bạn ngần ấy năm khi ngay trong lần đầu gặp nhau ông đã khiến tôi rất thất vọng khi lấy cắp cái chậu đựng chỗ bột mì tôi cần để nuôi con tôi? Con cái chúng ta sẽ chẳng hiểu được đâu. Dường như chúng có thể dễ dàng lý giải chuyện có hàng trăm nghìn người chết trong chiến tranh hơn là hiểu được mối quan hệ giữa ông và tôi. Dù biết vợ ông đã mất, tôi không thể cứ thế rời khỏi nhà ông được, thế nên tôi đành mang chỗ rong biển đi rửa. Tôi nhào chỗ bột mì còn lại mà hôm trước tôi đã múc từ trong cái chậu của mình ra cho ông rồi nấu canh bánh bột mì với rong biển. Xong xuôi, tôi cho đứa trẻ mới sinh bú. Hồi đó tôi thậm chí không đủ sữa cho đứa con gái lớn của mình. Ông đã phải ôm con đi khắp làng để xin sữa. Cuộc sống đôi khi thật mong manh, nhưng có những cuộc đời bền bỉ đến đáng sợ. Đứa con gái lớn của tôi nói rằng khi ta cắt cỏ bằng máy, đám cỏ dại cứ bám chặt lấy bánh răng máy cắt, và ngay khi đang bị cắt thì chúng vẫn phát tán đi bao hạt giống để duy trì sự sống. Đứa con mới sinh của ông bú thật đáng sợ. Nó bú mạnh tới nỗi tôi tưởng như mình sắp bị nuốt chửng, thế nên tôi phải phát một cái vào cái mông vẫn còn đỏ hỏn của nó. Nhưng chẳng ích gì, vậy là tôi lôi thằng bé ra. Đứa bé mất mẹ ngay khi mới chào đời nên theo bản năng nó biết rõ có bầu sữa ở gần, thành thử cứ o e không chịu rời. Thế nên tôi đặt đứa trẻ xuống và định đi ra ngoài, đúng lúc đó ông lên tiếng hỏi tên tôi. Từ lúc tôi lập gia đình đến khi ấy, ông là người đầu tiên hỏi tên tôi. Tự nhiên cảm thấy thật e thẹn, tôi cúi gằm mặt xuống.

“Park So-nyo.”

Lúc đó ông đã bật cười. Tôi không biết tại sao tôi lại làm việc tiếp theo đó. Tôi rất muốn làm ông cười thêm một lần nữa. Thế là mặc dù ông không hỏi, tôi đã nói với ông rằng chị gái tôi là Tae-nyo, nghĩa là chị gái. Tên chị em tôi là thế: em gái - chị gái. Ông lại bật cười lần nữa. Rồi ông bảo với tôi tên ông là Eun-gyu, còn anh trai ông tên là Kum-gyu. Bố ông đã cho thêm chữ vàng và chữ bạc vào tên của hai anh em với hy vọng những người con của mình sẽ kiếm được thật nhiều tiền và sống một cuộc sống giàu có. Thế là mọi người gọi ông là két bạc còn anh trai ông là két vàng. Có lẽ vì thế mà anh trai ông sống sung túc hơn ông một chút xíu. Lần này thì đến lượt tôi cười. Thấy tôi cười ông cũng cười theo. Hồi đó hay bây giờ cũng thế, ông trông bảnh nhất mỗi khi cười đấy. Vì thế cho dù có ở trước mặt bác sĩ thì cũng đừng nhăn nhó, hãy cười lên. Nụ cười có phải trả tiền đâu.

Từ hôm đó cho đến khi đứa bé được ba tuần, ngày nào tôi cũng đến nhà ông một lần để cho đứa trẻ sơ sinh bú. Có hôm tôi đến vào buổi sáng sớm, có hôm lại đến lúc nửa đêm. Việc đó có trở thành gánh nặng đối với ông không? Tất cả những gì tôi làm được cho ông chỉ có thế, vậy mà trong suốt ba mươi năm trời sau đó, mỗi khi có việc gì khó khăn tôi lại tìm đến ông. Tôi nghĩ tôi bắt đầu đến với ông sau chuyện xảy ra với chú bọn trẻ. Vì lúc đó tôi chỉ muốn chết mà thôi. Tôi cứ nghĩ chết đi có khi lại tốt hơn. Mọi người đều gây khó dễ cho tôi, nhưng chỉ có ông không bao giờ chất vấn tôi điều gì. Ông đã bảo tôi hãy tiếp tục sống. Thời gian trôi đi thì vết thương nào cũng lành cả. Đừng suy nghĩ gì mà hãy bình tĩnh thực hiện những việc phải làm. Nếu không có ông thì không biết khi đó cuộc đời tôi sẽ ra sao nữa. Bởi vì lúc ấy tôi đau khổ đến quẫn cả trí. Chính ông là người đã chôn cất đứa con thứ tư chết từ trong bụng mẹ của tôi trên ngọn đồi. Giờ đây khi nghĩ về chuyện đó, tôi tự hỏi không biết có phải ông chuyển nhà tới Komso vì tôi đã trở thành gánh nặng quá thể với ông không? Ông không phải là người sinh ra để sống gần biển hay làm dân chài. Ông chỉ phù hợp với việc làm đất để gieo trồng hạt giống. Ông không có đất nên đi vỡ đất cho người khác. Đáng lẽ tôi đã phải nhận ra điều đó khi một người như ông mà lại chuyển đến Komso. Bây giờ tôi tự hỏi phải chăng ông chuyển đến Komso vì ông không đủ sức chịu đựng tôi nữa. Tôi nhận ra rằng mình thật tệ với ông.

Chắc hẳn lần gặp gỡ đầu tiên là vô cùng quan trọng. Tôi tin chắc rằng từ trong sâu thẳm tôi luôn nghĩ ông nợ tôi, và tôi thể hiện điều đó bằng cách làm bất cứ việc gì mình muốn. Như cái cách tôi tìm bằng được ông khi ông chở chậu bột mì của tôi đi, cách tôi tìm bằng được ông khi ông chuyển đến Komso mà không nói với tôi một tiếng. Ông không phù hợp với cuộc sống ở Komso. Đứng trước bờ biển, trông ông thực sự lúng túng và lạ lẫm. Tôi vẫn nhớ như in vẻ mặt của ông khi ông đứng trên cánh đồng muối bên bờ biển. Tôi không bao giờ quên được vẻ mặt ấy, nhưng giờ đây khi nghĩ đến điều đó tôi lại cho rằng có lẽ vẻ mặt đó ngụ ý, “Đến tận đây mà cô ta vẫn tìm được mình sao?”

Vì ông mà Komso đã trở thành nơi không thể nào quên đối với tôi. Tôi chỉ luôn tìm ông mỗi khi có chuyện gì đó bản thân không xoay xở nổi. Còn khi mọi chuyện êm ấm thì tôi lại quên mất ông. Tôi cứ nghĩ mình đã quên ông. Khi ông nhìn thấy tôi đến, câu đầu tiên ông hỏi tôi là, “Có việc gì vậy?” Đến giờ tôi mới thổ lộ điều này, hôm ấy tôi đến gặp ông, đó lần đầu tiên tôi đến để xem ông ra sao, chứ không phải vì có chuyện xảy ra với mình.

Trừ lần bỏ trốn tới Komso ấy ra, ông lúc nào cũng ở nguyên một chỗ, cho đến khi tôi không tới tìm ông nữa. Cảm ơn ông vì đã luôn ở nguyên một chỗ. Có lẽ tôi sống tiếp được là nhờ điều đó đấy. Tôi xin lỗi vì hết lần này tới lần khác cứ hễ thấy bất an là lại tới tìm ông, thế mà thậm chí tôi chẳng cho ông nắm tay mình. Mặc dù vẫn tìm ông nhưng chỉ cần thấy ông có ý tới tìm tôi là tôi lại cư xử thật tàn nhẫn. Tôi thật chẳng ra gì. Tôi xin lỗi ông, vô cùng xin lỗi. Ban đầu là vì tôi thấy bối rối, về sau là vì tôi cảm thấy chúng ta không nên, và sau đó nữa là vì tôi đã già. Ông là tội lỗi của tôi và cũng là niềm hạnh phúc của tôi. Tôi muốn mình tỏ ra có phẩm cách trước mặt ông.

Đôi khi tôi kể cho ông nghe những câu chuyện mà tôi bảo mình đọc được từ trong sách, nhưng thực ra tôi đâu có đọc. Thực ra tôi đã hỏi con gái mình rồi mới kể cho ông nghe. Một lần tôi kể với ông rằng ở đất nước Tây Ban Nha có một nơi gọi là Santiago. Ông vất vả lắm mới học thuộc được cái địa danh đó và cứ liên tục hỏi tôi, “Nơi đó ở đâu?” Tôi bảo ông rằng ở đó có một con đường hành hương, phải đi bộ ba mươi ba ngày mới hết. Con gái tôi rất muốn đến đó. Vì thế thỉnh thoảng con gái tôi lại kể với tôi về nơi đó, thế nhưng tôi lại kể cho ông nghe cứ như thể chính tôi muốn đi đến đấy. Khi ấy ông đã bảo rằng nếu tôi muốn đi tới đó đến vậy thì hôm nào chúng ta sẽ cùng đi. Lòng tôi se lại khi nghe ông nói rằng chúng ta nên cùng nhau đi tới đó. Kể từ sau ngày hôm ấy, tôi không đến tìm ông nữa. Sự thực là tôi không biết nơi ấy ở đâu mà cũng không hề muốn đi đến đó.

Chuyện gì xảy ra với tất cả những điều chúng ta đã làm cùng nhau trong quá khứ ông nhỉ? Khi tôi hỏi con gái tôi câu này, mặc dù thật ra ông mới là người tôi muốn hỏi, con gái tôi bảo, “Thật lạ khi nghe mẹ nói những chuyện như thế, mẹ ạ,” rồi nói, “Chẳng phải những điều đó sẽ hòa mình vào trong hiện tại chứ không biến mất hay sao?” Những lời đó sao mà khó hiểu thế! Ông có hiểu câu đó nghĩa là gì không? Con gái tôi nói rằng tất cả những việc đã xảy ra thực chất đều hòa mình vào trong hiện tại, những việc ngày xưa đều trộn lẫn vào những việc hôm nay và những việc hôm nay lại trộn lẫn vào những việc trong tương lai và những việc trong tương lai lại trộn lẫn với những việc ngày xưa, chỉ là chúng ta không thể cảm nhận được mà thôi, nhưng giờ đây tôi không thể tiếp tục được nữa.

Không biết ông có nghĩ rằng những việc đang xảy ra hiện nay đều có liên hệ với những việc trong quá khứ và trong tương lai, chỉ có điều chúng ta không thể cảm nhận được thôi? Tôi cũng không biết nữa, đó có phải là sự thực không? Đôi khi nhìn các cháu của mình tôi lại nghĩ chúng giống như những đứa trẻ đột nhiên từ đâu đó rơi xuống chứ chẳng có mối liên hệ nào với tôi cả. Chẳng hề có bất cứ mối liên hệ nào với tôi.

Chuyện chiếc xe đạp tôi nhìn thấy ông đi trong ngày đầu gặp ông là thứ đồ ông đi ăn trộm, rồi chuyện trước khi gặp tôi đang đi trên con đường mới với cái chậu đựng bột mì trên đầu thì ông đã lập kế hoạch bán chiếc xe đạp ăn trộm ấy đi để mua một bó rong biển, những chuyện như thế có hòa trộn vào đâu không? Rồi cả chuyện cuối cùng ông không bán được chiếc xe đạp ấy nên bèn đưa đến dựng ở nơi đã lấy trộm nhưng chẳng may lại bị chủ nhân của nó phát hiện ra và được một phen hú vía nữa chứ? Có phải những việc như thế đã ngưng đọng lại ở khoảng nào đó của quá khứ và mang chúng ta đến tận đây chăng?

Tôi biết sau khi tôi mất tích ông đã lang thang khắp nơi để tìm tôi. Tôi biết rằng ông, một người trước đây chưa từng lên Seoul, đã lên ga Seoul rồi đi quanh tàu điện ngầm, hễ gặp ai hao hao giống tôi là ông chặn lại hỏi han. Ông đã đi qua đi lại nhà tôi nhiều lần, hy vọng nghe ngóng được tin tức về tôi. Ông đã rất muốn gặp và nói chuyện với các con tôi. Có phải chính điều đó đã khiến ông đổ bệnh thế này?

Tên của ông là Lee Eun-gyu. Thế nên nếu bác sĩ có hỏi nữa thì đừng nói tên ông là Park So-nyo mà hãy bảo tên ông là Lee Eun-gyu nhé. Giờ đây tôi sẽ để ông được hoàn toàn tự do. Ông là bí mật của cuộc đời tôi. Ông đã tồn tại trong cuộc đời tôi, một sự hiện diện mà bất kỳ ai quen biết tôi cũng chẳng tài nào đoán ra. Mặc dù không ai biết ông đã tồn tại trong cuộc đời tôi, nhưng ông chính là người mang bè đến mọi con nước lớn để giúp tôi vượt qua thác lũ an toàn. Tôi đã rất vui vì có ông. Tôi đến để nói với ông rằng tôi đi qua được cuộc đời mình là bởi tôi có thể tìm đến với ông những lúc lo âu chứ không phải những khi hạnh phúc.

Bây giờ tôi phải đi đây.

Ngôi nhà như đông cứng lại.

Sao ông lại cửa đóng then cài thế này? Đáng lẽ ông nên mở cửa để bọn trẻ hàng xóm có thể vào chơi chứ. Trong nhà không có chút hơi ấm nào. Cả ngôi nhà lạnh lẽo như một tảng băng. Tuyết đã rơi đầy xung quanh mà không ai quét dọn cả. Sân trước ngập tràn tuyết trắng. Băng bám ở khắp mọi nơi có thể bám được. Dạo bọn trẻ đang lớn, chúng hay bẻ cột băng làm kiếm để chơi trò trận giả. Hình như vì tôi không có nhà nên chẳng còn ai để mắt đến ngôi nhà này. Lần cuối có người ghé qua ngôi nhà này chắc cũng đã lâu lắm rồi. Chiếc xe máy của ông dựng trong nhà kho. Trời ạ, nó cũng đã đóng thành băng. Tôi mong ông không đi cái xe máy đó nữa. Có ai đi xe máy ở cái tuổi này không? Ông tưởng mình vẫn còn trẻ sao? Tôi lại đay nghiến theo thói quen rồi. Ấy thế nhưng, những lúc đi xe máy trông ông thật là bảnh, chẳng giống người nhà quê chút nào. Thời còn trẻ, những lúc ông vuốt keo, mặc áo da và cưỡi xe máy vào làng thì ai nấy đều phải trầm trồ nhìn theo. Tôi nghĩ có một bức ảnh từ thời đó ở đâu đấy... Trong cái khung ảnh treo trên cánh cửa phòng ngủ chính... A, kia rồi. Đó là hình ảnh của ông khi còn chưa đến ba mươi tuổi. Khuôn mặt ông tràn đầy đam mê chứ không phải như bây giờ.


/18

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status