Hoàn Châu Cách Cách

Chương 28

/67


- Các ngươi hãy tự suy nghĩ. Mang tiếng là huynh trưởng mà làm việc sai nguyên tắc như vậy thì phải chịu phạt thế nào đây?

Vĩnh Kỳ, Nhĩ Thái, Nhĩ Khang còn chưa kịp trả lời, thì Tiểu Yến Tử đã lên tiếng.

- Tất cả tội lỗi đều do một mình con gây ra. Chuyện đêm qua tự ý đi ra khỏi hoàng cung cũng vậy, con muốn quá nên Ngũ A Ca với Nhĩ Thái mới nể nang mà làm, chớ không phải do ý họ. Còn đám nô tài trong Thấu Phương Trai cũng thế, họ đâu dám cãi lại lệnh con? Bây giời thì con mới biết, cái hành vi ngang ngạnh, muốn làm gì là làm bằng được của mình, đã làm phiền mọi người, chứ không phải chỉ một mình mình. Con thấy vô cùng hối hận, con đã biết lỗi, con cũng biết Hoàng A Ma rất thương con, mỗi lần con làm sai, Hoàng A Ma đều tha thứ cho con. Vậy thì lần này, xin người hãy tha cho con một lần cuối. Từ đây vê sau, con đã quyết tâm chăm học, để đền đáp lại tình yêu đó. Để trở thành một cách cách tốt để Hoàng A Ma hãnh diện. Thế nào? Được chứ?

Lời của Tiểu Yến Tử phát xuất từ sự hối hận thật sự, nên vua Càn Long vô cùng cảm động, người thở dài nói.

- Những hành động vừa qua của con làm ta nhức đầu. Chuyện quốc gia đại sự đã làm ta bận rộn, cộng thêm chuyện lo lắng đủ thứ. Thật là phiền phức.

Nhĩ Khang vội bước tới hỏi.

- Có phải chuyện đánh nhau ở biên cương khiến hoàng thượng bực mình chăng?

- Đúng, ban nãy khi lâm triều, ta được các quan đại thần báo cáo là bọn thổ dân ở Tây Tạng nổi loạn, rồi cuộc chiến ở biên cương phía Tây Nam. Mặt trận phía bắc cũng không yên tĩnh… Trẫm nghĩ đến hàng triệu dân lành ở các vùng biên giới đó, cứ gặp chiến tranh liên miên, không an cư lạc nghiệp mà đau lòng.

Vĩnh Kỳ nghe vua cha nói, chợt cảm thấy có lỗi, nói.

- Hoàng A Ma suốt ngày bận rộn việc nước, thức khuya dậy sớm, bọn nhi thần chẳng giúp ích được gì cho cha, lại còn gây bao nhiêu chuyện phiền phức làm vua cha bực dọc, thật là bất hiếu… Hay là thế này, hiện nay con cũng đã trưởng thành, xin Hoàng A Ma hãy để con nhập ngũ tùng chinh, cùng với Phó Lục Thúc đánh giặc?

Vua Càn Long bước tới, ngắm kỹ Vĩnh Kỳ.

- Trị nước không nhất thiết phải cầm binh. Hiện tuổi con còn nhỏ, cái quan trọng là cần phải học. Học trước đi, còn chuyện nước từ từ lo… Ta biết con là đứa đã ham học từ nhỏ, vì vậy ta muốn con học cao hiểu rộng, đỗ đạt. Như vậy cũng là đã trả hiếu cho ta rồi.

Mấy lời tâm huyết của vua Càn Long làm cho Vĩnh Kỳ cảm động, nên hứa.

- Nhi thần quyết làm theo lời dạy của Hoàng A Ma.

Hoàng hậu ngồi đấy yên lặng, chứ không nói vô được gì cả nhưng vô cùng bực dọc.

Vua Càn Long lại quay qua Tiểu Yến Tử, cười nói.

- Tiểu Yến Tử, coi như con gặp may. Ta bỏ hết những việc làm cũ của con, để con yên tâm ngoan ngoãn làm lại từ đầu. Nhưng con phải thực hiện những gì mình đã hứa. Còn việc con muốn ra khỏi hoàng cung. Từ đây về sau, khỏi cần cải trang thành tiểu thái giám nữa, mà chỉ cần nói cho Lệnh Phi nương nương biết, để Lệnh Phi nương nương cắt cử người theo hầu ngươi rồi đi. Còn chuyện muốn đến nhà của Phước Luân, thì cũng cứ đến tự nhiên, đó là nhà của người trong hoàng tộc qua lại nhiều càng tốt chứ đâu có sao?

Tiểu Yến Tử hoàn toàn bất ngờ, không dám tin những gì mình vừa nghe. Nên hỏi lại.

- Hoàng A Ma! Hoàng A Ma không phạt con nữa ư?

- Trẫm tha rồi!

Tiểu Yến Tử lại đòi hỏi.

- Kể cả Ngũ A Ca cũng được tha chứ?

- Phải.

- Còn những người khác liên lụy đến con?

Vua Càn Long thở ra.

- Tha hết! Tha hết!

Bấy giờ Hoàng hậu không dằn được nữa, nên nói:

- Hoàng thượng! Hoàng thượng làm như vậy, hậu cung từ đây về sau e là không còn kỷ luật gì cả.

Vua Càn Long có vẻ không vui.

- Hoàng hậu! Tiểu Yến Tử chẳng qua được trẫm đặc ân một lần. Sao hậu không nể trẫm, cứ giả vờ điếc có phải là mọi thứ sẽ tốt đẹp cả không?

Lời của vua làm hoàng hậu tịt ngòi. Trong khi Tiểu Yến Tử giống như trẻ con, reo lên, quay người một vòng rồi nói to.

- Hoàng A Ma ơi! Rõ ràng là người có một trái tim hết sức quảng đại từ bi. Thế này thì Hoàng A Ma không cần buồn phiền gì về chuyện nước nữa. Ông trời thế nào cũng giúp bệ hạ mà… Hèn gì lúc còn sống trong dân gian, con nghe người ta truyền tụng câu: "Nước có Càn Long, lúa không sâu rầy" mà. Hoàng A Ma là một vị vua tốt, nước nhà là chắc chắn sẽ phú cường mãi mãi.

Vua Càn Long ngạc nhiên nhìn Tiểu Yến Tử. Vĩnh Kỳ, Nhĩ Khang và Nhĩ Thái thảy đều bất ngờ.

- Nói cái gì mà "Nước có Càn Long, lúa không sâu rầy" là sao? Ta chẳng hiểu gì cả?

Thật ra thì không phải chỉ có vua mà cả bọn Vĩnh Kỳ cũng không biết. Tiểu Yến Tử giải thích.

- Câu đó có nghĩa là "Nước nhà mà có vua Càn Long thì lúa thóc trồng ở trong ruộng sẽ không bị sâu rầy". Dân ở nông thôn họ đã ví Hoàng A Ma như ông trời vậy đó. Hoàng A Ma người là thần thánh, chứ không phải người phàm đâu.

Vua Càn Long tròn mắt. Nhưng thấy thật vui.

- Vậy ư? Có thật là trong dân, họ loan truyền như vậy không?

Tiểu Yến Tử gật đầu lia lịa. Truyện được copy tại TruyệnYY.com

- Có chứ, có chứ! Hoàng A Ma thử bảo con đặt thơ xem, con có đặt được không?

Vua Càn Long nghĩ ngợi, rồi cười hả hê.

- Đúng! Đúng! Con làm vè còn không xong, nói chi là làm thơ!

Vua nói, rồi ngẫm nghĩ hai câu thơ mà Tiểu Yến Tử đọc một cách thấm thía. Mà càng thấm càng thích chí.

- Ha ha! Cái con Tiểu Yến Tử này thú vị lắm chứ?

Rồi quay sang hoàng hậu, vua nói:

- Đấy, Ái khanh thấy không, cái con nhỏ Tiểu Yến Tử này là của trời ban cho trẫm mà. Nó giống như một món ăn khai vị. Có nó bao nhiêu ưu phiền đều tan biến. Ha ha! Trẫm thấy rất thích cái món khai vị này! Hoàng hậu hãy bắt chước trẫm đi!

Hoàng hậu còn chưa nguôi cơn giận. Nhưng vua lại rất tự nhiên, vỗ lên vai hoàng hậu tiếp.

- Tay của Tiểu Yến Tử bị Ái khanh giẫm phải, còn chân của nó lại đụng vào long sàng bị đau. Vậy thì cứ coi như nó đã bị phạt rồi vậy, đừng thắc mắc nữa nhé.

Rồi quay sang đám Vĩnh Kỳ, vua nói:

- Riêng về các ngươi, mỗi người phải về thảo một tấu chương, bàn cách ứng phó loạn ở biên cương cho trẫm.

Cả ba nghe vua phán vậy, mừng ra mặt, đồng tấu.

- Dạ xin tuân mệnh!

Thế là chuyện lớn trốn ra khỏi cung đã được hóa giải. Bốn người rời khỏi thư phòng của mà hí hửng vô cùng. Họ không ngờ chuyện lại được giải quyết một cách êm đẹp như vậy. Nhĩ Thái tươi cười.

- Làm tôi muốn đứng tim, tưởng chết đến nơi rồi chứ!

Vĩnh Kỳ thấy chẳng có ai đi theo, hỏi Tiểu Yến Tử.

- Này cho hỏi, cái câu "Nước có Càn Long, lúa thóc chẳng sâu rầy" là có thật hay cô bịa ra?

Tiểu Yến Tử tròn xoe đôi mắt.

- Câu đầu thì có thật, nhưng câu sau không phải như vậy, tôi không nhớ rõ, hình như không tốt lắm.

Nhĩ Khang kinh ngạc.

- Hèn gì tôi nghe thấy nó làm sao đó, nhớ lại xem thế nào?

- Tôi thật tình không nhớ mà, nhưng tôi biết Tử Vy biết, muốn rõ thì đi hỏi Tử Vy vậy.

Ba gã con trai nhìn nhau. Một lúc Nhĩ Khang thở ra, nói:

- Tôi thật khâm phục cô. Cái gì cô cũng nói được. Nhưng cô đã khiến cho hoàng thượng hài lòng. Vậy là tốt.

Tiểu Yến Tử phất cao tay áo, nói một cách thích chí:

- Ha ha! Nhờ vậy mới qua ải một cách dễ dàng chứ. Chỉ có mấy người học cho nhiều, có cả pho chữ trong đầu, mà chẳng vận dụng được gì cả. Xem đây! Từ đây về sau ta sẽ đàng hoàng mà ra khỏi cung thôi. Ha ha!

Và không dằn được thích thú. Tiểu Yến Tử lại khoa tay múa chân tiếp.

- Khoái quá! Khoái quá! Tiếc là chẳng có xe ngay để ta đến kể cho Tử Vy biết chuyện này ngay!

Vĩnh Kỳ nghĩ đến tình hình căng thẳng ở biên cương, thở dài, rồi nói.

- Cô đừng có quá đắc ý, rồi làm những chuyện quá lố không hay. Mấy ngày nay tình hình ở biên cương rắc rối lắm, hoàng thượng vì chuyện nước nên không vui, chẳng còn tâm trí gì nên mới tha cho cô đấy.

Lời của Vĩnh Kỳ làm không khí nặng nề trở lại. Tiểu Yến Tử tuy không rành, nhưng cũng tỏ ra quan tâm.

- Bọn loạn loạn gì ở biên cương đó, sao không chịu ở yên làm ăn mà bày chuyện rắc rối chi vậy? Để cho Hoàng A Ma và các người phải buồn bực?

Ba người nghe Tiểu Yến Tử nói phải cười xòa. Nhĩ Thái giải thích:

- Đó là những sắc tộc nhỏ, những bộ lạc họ không muốn thuần phục chúng ta nên nổi loạn. Chuyện này rất phức tạp, khó nói lắm.

Và để chuyển hướng đề tài. Vĩnh Kỳ hỏi:

- Tiểu Yến Tử, mấy ngón tay của cô thế nào rồi?

Nhĩ Thái cũng chen vào:

- Còn chân cô còn đau nhức không?

Tiểu Yến Tử nhìn hai người. Chợt ré lên cười.

- Đương nhiên là đau, nhưng cũng có mức độ chứ? Ban nãy trước mặt Hoàng A Ma mình phải phóng đại một chút mới vượt ải được, rõ chưa?

Ba gã trai trẻ lại nhìn Tiểu Yến Tử với ánh mắt khâm phục. Trong khi Tiểu Yến Tử làm như không biết, ngước lên nhìn trời nói.

- Nếu có Tử Vy vào cung sống chung với tôi thì hay biết mấy. Vì cô ấy cái gì cũng biết cả sẽ giúp rất nhiều cho tôi.

Nhĩ Khang nghe giật mình. Nhưng rồi một ý niệm chợt lóe ra trong đầu. Sao lại không thể thực hiện được chứ?

Tối hôm ấy, ở Phước Phủ, Tử Vy cũng được thông báo đầy đủ diễn biến của sự việc, Tử Vy mừng vì Tiểu Yến Tử lại vượt qua được một ải khó. Đối với các pha mạo hiểm của Tiểu Yến Tử, Nhĩ Khang có vẻ khâm phục, không ngớt khen ngợi.

- Cô ấy là một người khả năng đặc biệt, ai đến gần dễ bị lôi cuốn theo, lại có tài hóa giải. Vì vậy mọi việc như chẳng có gì là khó với cô ta. Chúng tôi lo lắng mà cô ta lại tỉnh bơ ngay cả những lời dặn dò, cô ta cũng chẳng nhớ. Nhưng rồi lại ứng phó rất tài. Chẳng cần chuẩn bị gì mà đâu lại vào đấy. Ngay cả hoàng thượng đang bực cũng phải cười. Quả là một người kỳ tài, tôi còn phải khâm phục, rất khâm phục!

Tử Vy tròn mắt ra nghe, thấy Tử Vy mở to mắt nhìn, Nhĩ Khang mới nhớ ra, hỏi.

- À còn nữa, thế "Nước có Càn Long, lúa thóc chẳng sâu rầy" là gì vậy?

Tử Vy cười nói:

- À… đúng ra đó là "Nước có Càn Long, vận nước hưng long" đấy mà.

- Thì ra là vậy!

Đến đấy Nhĩ Khang mới hiểu, và càng thấy khâm phục Tiểu Yến Tử nhiều hơn.


/67

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status