Hoạn Lộ

Chương 15: Lão ăn mày

/17


Ngoài trời đã đổ sang đêm và Hoá Nhi hào phóng điểm lên đó những ngôi sao dát bạc. Xa xa vang lên tiếng chó sủa ma hoà cùng tiếng côn trùng rả rích đêm dài. Dưới vòm không, những thân trúc đâm thủng ánh trăng thanh bình khẽ run nhẹ trước bàn tay dịu dàng của làn gió mát độ sắp vào thu, rót xuống mặt đất những vệt sáng tối méo mó. Lập loè ánh đuốc ngon đỏ trải dọc hai bên con đường lát sỏi, vạch dài tới tận bậc cấp của hành lang rồi tách ra, rẽ thành bốn ngả, chiếu sáng vương phủ. Thảng hoặc, tiếng rèn đập từ xưởng chế tạo vũ khí gần đó vang lên rất đanh, không khỏi khiến kẻ đang luồn lách qua những thân trúc đương ngông nghênh dàn trận giật nảy người.



Bảo Lâm toát mồ hôi hột, vừa rảo chân xé rừng trúc mà chạy vừa phải vểnh tai nghe ngóng động tĩnh xung quanh. Kỳ thực, nếu bị ai bắt được vào lúc này thì cho dù nàng có mười cái miệng cũng không giải thích nổi, nhưng nghĩ lại nàng bỗng cảm thấy có gì đó không đúng. Bởi trong khoảng thời gian lâu như vậy, hẳn huyệt đạo trên người Nguyễn Tuấn cũng đã được khai thông, vậy cậu ta chắc chắn sẽ tới tìm Đào Thiên Lang. Khi thủ lĩnh biết được thì sẽ có hai khả năng xảy ra, một là hắn lập tức báo với Bình Nguyên Vương, hai là hắn sẽ phái người đi tìm nàng về. Vậy mà Phạm Anh Vũ lại thuật rằng không có điều gì bất thường diễn ra cả.

Tại sao lại như vậy? - Bảo Lâm nhíu mày, cước bộ chậm dần, cuối cùng nàng dừng lại, tựa lưng vào gốc trúc bên cạnh, dùng tay áo lau mồ hôi đang chảy ròng ròng từ hai bên thái dương xuống cổ. Trầm mặc một lát, cuối cùng nàng mới nhớ ra vị trí quân tốt thí trên bàn cờ.

Nghĩ tới đây, Bảo Lâm nhất thời vui mừng, nàng nghỉ chân một lúc rồi đứng thẳng dậy, thong thả quay về phòng. Quân tốt sinh mệnh mỏng manh, suốt đời chỉ biết bảo vệ chủ nhân, tuy vậy trong nhân gian vô đạo, chí ít làm tốt thí cũng có cái hay của nó. Trước sự vô hồi vô tận của bóng tối, con người dường như trở nên nhỏ bé hơn bao giờ hết, chẳng mấy chốc, thiếu niên kia đã biến mất dưới ánh trăng xanh mờ.

Chỉ là, vừa khi người kia đi khuất thì chợt phía sau gốc trúc xuất hiện một chàng trai mình vận trường bào trắng ngà, tay cầm quạt giấy, khuôn mặt tuấn tú ẩn chứa nét cười. Y hơi nghiêng đầu, cao giọng:

- Anh Vũ, theo huynh tiểu tử kia có thể dùng được chăng?

Lời Lê Tư Thành vừa nói ra, tiếng sáo ngọc đã vang lên nghe day dứt, một trận kình phong đột ngột quét qua cuốn tung xác lá khiến chàng trai áo trắng phải xòe quạt đánh bật những chiếc lá tuy mỏng nhưng rất sắc đang lao về phía mình, cho tới khi chiếc lá cuối cùng tan thành cát bụi thì không biết hai đạo kiếm khí từ đâu quật tới. Lê Tư Thành trừng mắt, vung quạt che chắn, hai luồng kiếm khí đập mạnh vào lớp giấy mỏng nhưng lại không thể xé thủng nó mà còn bị bật ngược trở lại điểm xuất phát. Vừa khi đó luồng hơi lạnh buốt đột ngột lan tỏa, chạy dọc những thân trúc, đánh tan hai luồng kiếm khí, để lại trên mặt đất những vệt trắng kéo thành hình lá trúc khổng lồ.

Lê Tư Thành bật cười sảng khoái, giắt quạt vào thắt lưng, bả vai phải khẽ động, cây côn Bạch Huyết vốn giấu trong tay áo nay đã nằm gọn trong lòng bàn tay. Hô vang một tiếng, Lê Tư Thành múa côn trong tay, Bạch Huyết xoay vòng xuất ra một dải cầu vồng đa sắc rít gió quật mạnh vào bụi trúc phía xa. Chỉ nghe "Ầm" một tiếng, địch thủ sử dụng Phản Chấn quyền, đánh ngược sát chiêu của Lê Tư Thành, y nhếch môi, miết mũi chân, Bạch Huyết côn pháp đi loang loáng trong đêm, khi thì như thương pháp của Triệu Tử Long tả xung hữu đột, lúc lại như Hoành Tảo kiếm chiêu của Thần Vương Lý Thường Kiệt lừng lẫy một thời. Côn pháp chém đứt hai thân trúc, liền đó, Lê Tư Thành đẩy tay, hai thân trúc sắc lạnh xé không gian lao vút vào màn đêm. "Roẹt", chợt vang lên âm thanh kiếm chiêu bén ngọt, đôi thân trúc bị chẻ làm tư, bắn trở về, cắm phập ngay trước mũi chân Lê Tư Thành độ mươi phân.

Áo choàng đen cuồng loạn bay trong gió, trong chớp mắt, Phạm Anh Vũ đã đứng ngay bên cạnh vị Vương gia tôn quý kia. Hắn cười cười, đập mạnh tay vào lưng Lê Tư Thành:

- Mấy ngày không gặp, công phu cũng không hề giảm sút chút nào.

Lê Tư Thành nhướng mày, phẩy đi lớp bụi bám trên áo, thu Bạch Huyết côn lại:

- Nếu không chú ý rèn luyện thì có lẽ ta đã mất mạng dưới tay huynh từ lâu rồi. Mà huynh thấy Phạm Bảo Lâm là người thế nào?

Vuốt chân mày lưỡi mác của mình, Phạm Anh Vũ cười, đáp:

- Người này có thể dùng được. Chỉ là tính khí của hắn hơi kỳ quái và cố chấp, giống như Đào Thiên Lang vậy, cho nên chỉ sợ sẽ rước họa vào thân sau này.

- Đào Thiên Lang... - Lê Tư Thành chau mày, nhàn nhạt nói. - Gần đây quá yên lặng, chẳng bằng hắn cứ giữ nguyên tính khí giang hồ như trước thì may ra ta còn có thể đoán biết được chút ít tâm ý của hắn.

Phạm Anh Vũ nhíu mày, nhớ lại những lời của Bảo Lâm lúc còn ở trong mật thất bèn vỗ vai Lê Tư Thành, cười khổ:

- Phàm làm việc gì cũng đừng tính toán quá nhiều, nên nghĩ thoáng một chút. Đinh đại nhân Đinh Liệt[1] mới gửi cho ta một ít trà Thủy Tiên, hay chúng ta châm một ấm trà nhé?

Lê Tư Thành chau mày:

- "Nghĩ thoáng"?

Phạm Anh Vũ nheo mắt, một mặt nghĩ tới câu giải thích của Bảo Lâm, mặt khác muốn trêu chọc bạn của mình nên quay lưng bỏ đi, để lại gương mặt ngơ ngác của Bình Nguyên Vương. Phạm Anh Vũ thiếu chút nữa thì bật cười thành tiếng, hai vai thoáng rung rung, Lê Tư Thành lập tức xoay mình đuổi theo hắn:

- Anh Vũ, trả lời ta đi mà!

- Có gì thì huynh về hỏi Phạm Bảo Lâm ấy! - Phạm Anh Vũ phá lên cười, vận khinh công chạy mất, quên cả lời mời Bình Nguyên Vương dùng trà khi nãy.

Lê Tư Thành vẫn không buông tha, nhưng Phạm Anh Vũ không những không để ý tới y mà ngược lại còn thong thả ngâm mấy câu thơ do cha mình - Quan hành khiển Nguyễn Trãi để lại:

- "Tơ tóc chưa hề báo thửa sinh,

Già hòa lủ tủi nhiều hành.

Chông gai nhẻ đường danh lợi,

Mặn lạt no mùi thế tình.

Sách một hai phiên làm bậu bạn,

Rượu năm ba chén đổi công danh.

Ngoài chưng phần ấy cầu đâu nữa,

Cầu một ngồi coi đời thái bình."[2]

***

Nhè nhẹ đẩy cửa, Bảo Lâm lách người qua khe hở vừa tầm, rón rén mò vào phòng, bên trong tối om khiến nàng chỉ có thể dựa vào trí nhớ về cách bài trí đồ đạc để dò từng bước. Tiếng ngáy sấm rền đặc trưng của Nguyễn Tuấn vang lên không khỏi làm Bảo Lâm cảm động không thôi vì đã được sắp xếp ở chung với con sâu ngủ này. Vượt qua gian ngoài, vào tới gian trong, nàng mới có thể dựa vào chút ánh sáng rơi rớt bên song cửa sổ để nhanh chân tiến về phía giường ngủ của mình. Nàng vươn người với lấy bộ y phục sạch sẽ ngay cạnh đầu giường, lại đưa ánh mắt lấm lét nhìn Nguyễn Tuấn vẫn đang cuộn tròn trong chăn thành cái kén sâu, rồi trốn ra. Bảo Lâm ôm quần áo, đi xuyên qua biệt viện, dừng lại trước vách tường, nàng điểm mũi chân, phi thân ra ngoài.

Hòa lẫn vào bóng tối, Bảo Lâm thở phào nhẹ nhõm, tảng đá đè nặng trên ngực đã được dời đi. Ngay lập tức, nàng tìm tới con suối nhỏ quen thuộc đương say ngủ trong đêm.

Suối Lê Hoa vắt ngang qua rừng xoan đào phía Bắc kinh thành, bốn mùa trong biêng biếc, tiếng nước an nhiên chảy xuôi nghe như tiếng đàn cầm được tấu nên bởi một bàn tay tài hoa nào đó, ven bờ, cỏ mềm ngậm sương tỏa ra mùi hương thanh mát khiến người ta khoan khoái. Nàng trăng lúc này bỗng dịu dàng hẳn, không còn hằn học lạnh lùng như lúc trước nữa mà chỉ lặng lẽ tuôn xuống nhân gian một màn ánh sáng sóng sánh mờ ảo, gió nhè nhẹ thổi. Phía đằng xa nổi lên vài nóc nhà còn sáng đèn, đâu đây vang lên giọng trẻ con giật mình khóc lúc nửa đêm.

Núp sau phiến đá cuội lớn ngay cạnh bờ suối, dò tay tháo thắt lưng rồi cởi y phục xuống, Bảo Lâm mới biết thế nào là cực hình, sợi vải cùng đất cát bám dính vào vết thương nên khi nhấc quần áo ra khỏi người thì nàng buộc phải cắn răng chịu đau, mồ hôi lạnh túa ra thấm ướt lưng áo. May mắn thay trong người lúc này còn một lọ Cam Tuyền, Bảo Lâm dùng nó đổ từ từ vào vết thương, rửa trôi máu đông và chất bẩn, sau đó xé áo trong ra thành những dải vải cỡ vừa, chầm chậm băng bó các vết thương lại. Xong xuôi, bỏ lại đống vải bùng nhùng trên bờ, nàng trầm mình xuống vùng nước sâu nhất.

Nước mát thấm vào da thịt giúp đầu óc Bảo Lâm tỉnh táo trở lại, nàng bất động, phóng tầm mắt nhìn những mái nhà thấp thoáng, bất giác nhớ tới bốn câu thơ được Phạm Anh Vũ ghi chép rất cẩn thận mà trong lúc vô tình nàng đã đọc được bèn lẩm nhẩm:

- Ngày tháng vút đi không trở lại,

Vừa xuân qua đã lại thu sang.

Ðoái trông cỏ áy cây vàng,

Sợ con người đẹp muộn màng lỡ duyên![3]

Nói rồi, Bảo Lâm bỗng bần thần cả người, những câu thơ với nội dung như trên vốn không phải hiếm. "Thời gian vụt trôi như bóng câu qua cửa", hầu như ai cũng có thể nói được câu này nhưng cho đến cuối cùng lại không có người nào thực sự hiểu được. Lẽ nào Phạm Anh Vũ biết điều đó nên mới cố tình chép ra mấy câu thơ để răn mình?

Những nhân vật lịch sử kia đã sống lại trước mắt nàng, họ cũng biết buồn, vui, hờn, giận; họ cũng có những oán hận cũng có những toan tính riêng. Những con người đó tuy đã bị nén vào những trang giấy - giống như lời của một tác giả từng nói - nhưng vẫn luôn mong muốn nhào khỏi nơi mình bị giam cầm, để tái hiện lại cả một cuộc thăng trầm bị cuốn theo cát bụi. Chỉ là, tuy biết lịch sử thật khắc nghiệt nhưng nàng vẫn không thể thích ứng nổi với sự tàn nhẫn của nó.

Bảo Lâm lắc lắc đầu, hít sâu một hơi sau đó lặn xuống, tuy nhiên khi khuôn mặt vừa ngập trong làn nước trong vắt thì quang cảnh dưới sông Vong Xuyên lại hiện ra. Dường như nàng đã lờ mờ nhìn thấy loài yêu ma hung dữ kia, nó đang tiến đến rất gần và nhe ra hàm răng trắng nhởn, đôi bàn tay với mười móng vuốt nhuốm máu dài ngoằng vươn đến, bên trên, Mạnh Bà đang lạnh lùng nhìn nàng...

Bảo Lâm kinh hoảng, vội trồi lên khỏi mặt nước, nàng cuống quýt trèo lên bờ. Làn cỏ mềm ẩm, đá lạo rạo đâm vào lòng bàn chân, nàng nấp vào phía sau tảng đá, vận y phục vào người, song ngồi thụp xuống mà thở dốc. Mãi một lúc lâu sau, Bảo Lâm mới rời gót về phủ Bình Nguyên Vương. Ánh trăng độ chín trải dài trên con đường đất gập ghềnh, trống vừa thu canh và tiếng côn trùng đã tắt, phố xá vắng tanh, toàn bộ kinh thành chìm vào giấc ngủ. Bảo Lâm thấy sau lưng rờn rợn, hơi thu mình lại, cước bộ ngày một nhanh.

Tuy nhiên khi vừa đi gần tới cửa sau của Vương phủ, thình lình hiện ra trước mắt nàng là một lão ăn mày mặt mũi bẩn thỉu, tóc tai rối bù, quần áo rách bươm xơ mướp. Lão ngồi ngay cạnh bậc cấp, hướng đôi mắt vô thần về phía Bảo Lâm, đôi môi khô nẻ mấp máy nói gì đó, tuy cơ thể lão chỉ còn da bọc xương nhưng dáng ngồi lại vững chãi như bàn thạch, tỏa ra thứ khí thế quỷ dị. Thời gian như xoay thành một vòng tròn rồi cứ kéo dài tới vô tận, không rõ bao lâu đã trôi qua, người kia có vẻ đã "nói" xong bèn đứng dậy, nhìn sâu vào trong mắt Bảo Lâm, khóe môi hơi nhếch lên rồi chống gậy, khập khiễng rời đi. Bảo Lâm chết trân, vô thức lùi về phía sau mấy bước, song vội vàng đuổi theo. Nàng nhanh chân xông lên, chặn đường ông ta. Lão ăn mày dừng lại, nheo mắt nhìn thiếu niên đối diện, mở miệng, chậm rãi hỏi:

- Không rõ vì sao cậu lại chặn đường lão?

Bảo Lâm nhướng mày, cười đáp:

- Đêm đã khuya rồi, sao ông còn lang thang ở nơi vắng vẻ này?

- Cậu nói cũng thật buồn cười, lão vốn chỉ là một người khất thực kiếm ăn qua ngày, lang thang nơi thanh vắng cũng chỉ là chuyện thường tình mà thôi. Hơn nữa, nơi này là phủ của tôn thất, lẽ nào ngay cả cổng sau cũng không cho phép chứa lương dân? - Lão ăn mày nọ nở một nụ cười chế giễu, ngoẹo cổ nhìn Bảo Lâm ra chiều thông cảm vì sự "thiếu hiểu biết" của nàng.

- Chỉ sợ không phải là chuyện thường tình như ông đã nói. - Bảo Lâm cũng cười.

Lão ăn mày gõ cây gậy gỗ xuống đất nghe lộc cộc, ho hai tiếng, không để ý tới nàng nữa mà ung dung đi tiếp:

- Thế sự trên đời vốn dĩ là như thế, ta cho là chuyện bình thường nhưng ngươi lại nói rằng không; ngươi cho là chuyện bình thường nhưng ta lại không nghĩ vậy. Tìm kiếm mãi, chân tướng liệu có được phơi bày? Chuyện ngày hôm nay, ngày mai ai thấu được mấy phần đây? Aizz... Cậu hà tất phải làm khó lão già này?

Bảo Lâm ngơ ngác, đứng sững tại chỗ mà không biết phải làm thế nào. Chỉ thấy ông lão kia phá lên cười rất giòn mà cất giọng hát:

- Trên lầu cao vua ngồi thưởng yến, dưới chân thành bao người lầm than. Chi bằng vượt trăm núi, ngắm vạn sông, lắng nghe muôn chuyện trong thiên hạ, tay cầm cây gậy trúc mà vạch đôi sơn hà!

Bảo Lâm chớp mắt, nàng chấn kinh, những lời này có thể thốt ra từ miệng của một lão ăn mày hay sao? Người này là ai? Nàng bất động nhìn bóng ông lão mất hút trong đêm, sau đó dò từng bước tiến tới, quan sát nơi bậc cấp mà lão vừa ngồi, chỉ thấy ngay dưới nền đá xanh có vạch mấy câu. Bảo Lâm ngạc nhiên liền cúi xuống đọc:

"Hai chục năm chảy vội, ẩn lánh thân mình ngờ đâu nhận được tin con trai. Vì vậy mà trở lại đất cũ, ngẩng đầu ngắm nhìn đình đài, lầu các, chuyện cũ trải ra trước mắt. Hận thay, nơi nơi xưng tụng ta tiết tháo thanh cao nhưng đâu có ngờ kẻ đã chết kia vốn chỉ là người thế mạng. Than ôi! Ta quang minh một đời, nay tuổi đã ngoài bảy mươi, nào dám trở về gặp lại hậu duệ của mình nữa!"

Dưới vệt khắc của kim loại nét chữ kia hiện lên cứng cáp tuy nhiên có chút run rẩy, hồ như khi viết ra nó người kia luôn phân vân rằng: Nên viết hay không nên viết đây? Không viết ra thì chỉ e ta không thể thanh thản mà ra đi nhưng nếu viết ra rồi thì liệu chân tướng sự việc có bị kẻ khác phát hiện hay không?

Bảo Lâm chau mày, xoay mình nhìn khoảng không gian hun hút của con đường nhỏ sau lưng Vương phủ, theo hướng ông lão vừa rời đi. Nàng xoa xoa cổ, rốt cuộc mấy dòng chữ kia có ý nghĩa gì? Hai mươi năm? Con trai? Người đã chết và kẻ thế mạng? Lông mày nhíu chặt, Bảo Lâm đưa tay lên day day đôi huyệt thái dương, lắc đầu thật mạnh rồi nhún mình, phi thân vào trong.

Toàn thân rệu rã, thần trí mỏi mệt nhưng cho tới khi an ổn nằm trên giường rồi mà Bảo Lâm vẫn không sao ngủ được, hình ảnh của ông lão ăn mày rách rưới kia vẫn khảm vào tâm trí nàng, đâu đó hiện lên nụ cười khô xác của ông ta:

"Trên lầu cao vua ngồi thưởng yến, dưới chân thành bao người lầm than"

***

Tuy đã chuẩn bị sẵn tinh thần từ trước nhưng Bảo Lâm thật không ngờ Nguyễn Tuấn lại là một kẻ phiền phức đến vậy. Từ khi rời giường, phát hiện ra bạn mình đã trở về thì cậu ta cứ bám dính lấy nàng không thôi, trước hỏi tình hình vết thương của nàng, sau lại chất vấn xem suốt hai ngày qua đã có chuyện gì xảy ra. Điều này khiến Bảo Lâm đang vùi đầu ăn cơm trong thiện đường mà suýt nghẹn, nàng đập mạnh đôi đũa trên tay xuống, hung hăng nhìn Nguyễn Tuấn làm cậu ta vội ngậm miệng, lủi thủi ôm bát cơm lui ra một góc. Nhìn khuôn mặt kia, Bảo Lâm không khỏi thở dài, nàng an ủi:

- Nếu cậu muốn nghe thì đến tối tôi sẽ kể cho cậu nghe, giờ nhiều người thực không tiện cho lắm.

- Thật chứ? - Nguyễn Tuấn vừa nghe đã ngẩng đầu, tròn mắt nhìn Bảo Lâm, dáng vẻ khác hoàn toàn so với lúc kéo nàng ra khỏi khu vực tiểu đình.

Bảo Lâm khẽ gật đầu rồi cúi xuống, rất chuyên chú dùng bữa, tốc độ gắp thức ăn so với tốc độ chim cắt vồ mồi thực không khác là bao, điều này cũng không thể trách nàng được, ai bảo Phạm Anh Vũ kia tiễn Phật không tiễn tới Tây Thiên cơ chứ[4]! Nguyễn Tuấn trợn mắt nhìn Bảo Lâm, nuốt nuốt nước miếng, run run đẩy phần cơm của mình về phía nàng, thận trọng hỏi:

- Cậu... Còn đói không?

Bảo Lâm ngẩng lên, ngũ quan co giật cuối cùng nàng ghé sát mặt Nguyễn Tuấn, nói:

- Cậu thử chịu cảm giác không ăn không uống trong vòng hai ngày xem.

- Vậy... - Nguyễn Tuấn ngập ngừng - Cậu ăn luôn phần của tôi đi, đến bữa trưa chia lại cho tôi một chút cơm của cậu là được rồi.

Bảo Lâm khua khua cây đũa:

- Vậy tôi không khách sáo đâu.

Nguyễn Tuấn gãi gãi đầu nhìn nàng ôm nốt phần cơm của mình, cười khổ:

- Cậu cứ ăn đi, tôi có việc phải ra ngoài một chút.

- Ừm. - Bảo Lâm đáp một tiếng rồi lại tập trung vào "chuyên môn" của mình, trong lòng thầm tính toán cách đối mặt với Đào Thiên Lang.

Chỉ là, khi Nguyễn Tuấn vừa ra khỏi thiện đường thì Bảo Lâm bỗng thấy sống lưng lạnh toát, lông mao lông tơ nhất loạt dựng đứng. Trong không gian lúc này tràn ngập hương hoa ngọc lan, điều đó khiến nàng bất giác kinh hoảng, vết thương buốt nhói, cánh tay cầm đũa cũng cứng lại. Nàng từ từ ngẩng đầu lên, ngước nhìn vị thủ lĩnh đang đứng chắn trước mặt mình. Đào Thiên Lang nhếch mày, cúi xuống mỉm cười:

- Cuối cùng cũng về rồi sao?

Bảo Lâm hơi lui người về phía sau, vô thức giơ tay làm dấu chữ "V", nhe răng cười xoà:

- Thủ lĩnh, chào buổi sáng!

Nụ cười đông cứng, khuôn mặt tuấn tú sắt lại, Đào Thiên Lang trừng mắt, gằn giọng:

- Mau theo ta tới võ trường!

Bảo Lâm nhăn nhó: Trong Lục đạo, quả nhiên chỉ có Nhân đạo là khổ nhất!

***

Chú thích:

[1] Đinh Liệt (?-1471) là công thần khai quốc nhà Lê Sơ, người Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá. Gia phả họ Đinh Danh ở Thái Bình nói rằng ông là dòng dõi của Nam Việt vương Đinh Liễn con vua Đinh Tiên Hoàng. Đinh Liệt cùng anh ruột là Đinh Lễ là cháu gọi Lê Thái Tổ bằng cậu. Ông khi còn trẻ thường đi theo cận vệ cho Lê Lợi. Cuộc đời ông đầy thăng trầm, khi thăng lúc giáng, sau là đại công thần dưới triều Lê Thánh Tông.

[2] Bài "Tự thán" số X nằm trong "Quốc âm thi tập'' của Nguyễn Trãi.

[3] Đây là bốn câu thơ nằm trong tác phẩm "Ly Tao" của Khuất Nguyên.

[4] Ý nói rằng Phạm Anh Vũ cứu Bảo Lâm mà không cho nàng ăn uống đầy đủ.

/17

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status