Kiếm Khách Liệt Truyện

Chương 16: HITOKIRI IZOU

/22


Nước Nhật vào cuối thời Edo bỗng xuất hiện từ “Hitokiri”, chỉ hạng võ sĩ làm thích khách cho các phong trào chính trị đương thời, tập trung ở các phiên phía nam như Tosa, Satsuma, Choushu. Đương thời, chỉ có bốn nhân vật được gán cho danh hiệu này là Kawagami Gensai người thành Kumamoto phiên Higo, Tanaka Shinbei và Nakajima Hanjirou, võ sĩ phiên Satsuma và Okada Izou thuộc phiên Tosa.

Bối cảnh câu chuyện này là vào lúc quyền lực của Mạc phủ đã suy yếu, người Tây phương gây áp lực buộc Nhật Bản phải mở cửa thông thương. Tình hình trong nước hỗn loạn, có nhiều đảng phái chính trị được khai sinh như Đảng Cần Vương với chủ trương khôi phục quyền lực của Triều đình, phong trào Đảo Mạc, đánh đuổi người Tây phương.

Chương 1

Trời đã sinh ra một kẻ bất hạnh.

Hắn đứng cách cánh cửa lùa Shouji[1] năm chiếu, thóp bụng, phồng ngực bắn một hơi mạnh. Đờm từ cổ họng hắn bắn ra như viên đạn xuyên thủng cánh cửa giấy. Cơ lực thật dễ sợ.

[1] Một loại cửa đặc trưng trong lối kiến trúc Nhật Bản, khung gỗ nhẹ dán giấy để ánh sáng chiếu qua.

- Thế mà mãi chỉ là một thằng lính trơn.

Năm mười lăm tuổi Izou thường tự cười nhạo mình. Nếu sinh ra trong thời Chiến Quốc loạn lạc, thì hẳn tài năng dị thường của hắn đã chẳng phải chôn vùi uổng phí như thế này.

Nhưng nói gì thì nói, lính trơn cũng là một hạng “sĩ” trong phiên, cũng vẫn là thân phận được mang tên họ mang đao kiếm[2]. Về hình thức thì cũng là võ sĩ Samurai. Nhưng ở phiên Tosa này, về mặt pháp lý thì lính trơn không được quyền mang họ.

[2] Thời phong kiến ở Nhật, tầng lớp bình dân không được quyền mang họ

Ở đất Tosa này tồn tại ba cấp bậc giữa các hạng “sĩ” trong phiên, đó là Thượng sĩ, Hào sĩ và lính trơn. Lính trơn thì cho dù trời mưa to cũng không được đi guốc mà chạy chân trần, bọn Hào sĩ thì trời nắng như đổ lửa cũng không được mang dù. Nhưng hạng Thượng sĩ thì lại có được đặc quyền đặc lợi đối với hai hạng Hào sĩ và lính trơn, là chém chết nếu vô lễ với mình mà không bị bắt tội, một điều chỉ có ở Tosa mà không thấy ở đâu khác.

Vì tầng lớp Thượng sĩ và khai tổ của phiên là Yamauchi Kazutoyo, là người vùng khác di trú đến Tosa sau trận chiến phân tranh thiên hạ Sekiga Hara, nếu không có những đặc quyền đặc lợi đối với bọn Hào sĩ, vốn là dân bản địa và những cấp thấp hơn thì khó lòng cai trị nổi chúng.

Và cũng vì vậy mà trong phiên xuất hiện một dạng đấu tranh giai cấp không thấy ở bất cứ phiên nào khác. Đó là việc bọn Hào sĩ và lính trơn kết thành “Đảng Cần Vương” chống lại phiên và Mạc Phủ.

Hắn chỉ là một thằng lính trơn Izou, vốn chẳng phải là thân phận có thể học kiếm thuật được. Nếu học kiếm thì hạng Thượng sĩ thường lui tới võ đường Ishiyama Magoroku và Asada Kanshichi, bọn Hào sĩ thì có võ đường Hineno Benji, nhưng hạng lính trơn thì chẳng biết học ở đâu. Chẳng võ đường nào chịu nhận.

“Là lính trơn thì học kiếm thuật làm gì”. Đó là lối suy nghĩ tồn tại ba trăm năm trong phiên Tosa này. Trên chiến trường thì chúng chỉ là hạng bộ tốt, thuộc các nhóm vác giáo, bắn cung hay hỏa mai. Còn việc ngồi ngựa một chọi một với đại tướng, chỉ dành cho Thượng sĩ và Hào sĩ cao cấp mà thôi. Izou sinh ra với thể chất và khí lực hơn người, cũng lấy làm lạ cho cuộc đời của mình.

- Nghe đâu ngài Niten cũng tự học mà hội đắc kiếm pháp.

Năm mười lăm tuổi hắn nghe được chuyện này. Niten là hiệu của kiếm thánh vô song Miyamoto Musashi sống đầu thời Edo. Năm trước có kiếm khách Oishi Susumu người vùng Yanagi Kawa xứ Chikugo, được tham chánh trong phiên là Yoshida Touyou mời đến đàm đạo, Izou tình cờ nghe trộm được chuyện về ngài Niten. Hắn biết đến cổ nhân là như vậy.

Rồi hắn gọt một thanh mộc kiếm từ gỗ sồi, cứ hai ngày một lần, khi không có phiên trực thì vác mộc kiếm mà tập, vụt từ sáng đến tối cho đến khi gân cốt rã rời mới thôi. Đòn vụt là đòn đánh bổ từ trên xuống, là cơ bản trong mọi cơ bản của kiếm thuật.

Người học kiếm vẫn bảo nhau rằng tập vụt ba năm chỉ mới là sơ khởi của kiếm đạo. Dĩ nhiên nó là một kĩ thuật cơ bản, nhưng đương thời ở các võ đường, thì người ta không cho môn sinh tập trung vào kĩ thuật vụt không. Vì kĩ thuật đơn điệu, lặp đi lặp lại sẽ khiến người tập nhàm chán mà không tìm đến võ đường nữa thì hỏng, cho nên các vị sư phụ thường cho môn sinh tập các đòn đánh khác nhau, ở mặt và tay để gây hứng thú cho họ. Nhưng chẳng qua cũng chỉ là múa gậy trúc mà thôi, chứ đừng nói là hội đắc được cực ý của kiếm đạo.

Izou cũng không sử dụng kiếm tre như bao người học kiếm khác mà dùng mộc kiếm, cho nên lực tay và tốc độ cũng có nhiều sai biệt. Từ thời xa xưa đến nay, mỗi khi đấu tập người ta vẫn hay dùng mộc kiếm. Nhưng nó khá nặng và nguy hiểm, nên Kamiizumi Isenokami Nobutsuna thời Chiến Quốc nghĩ ra kiếm tre, sau được Ono Tadaaki công phu thêm thành ra nhẹ nhàng và ít nguy hiểm hơn.

Izou cũng không lơ là việc luyện tập hạ bàn. Hắn bay, hắn nhảy, hắn chạy ngang dọc khắp nơi, gân cốt chân cẳng hắn đã lên đến cực độ.

- Kiếm thuật cũng không phải chỉ là thứ dùng nơi rộng rãi.

Vì thế mà hắn bắt đầu nghĩ tới những thế kiếm thực chiến trong nhà chật hẹp. Rồi hắn gọt một thanh mộc kiếm nhỏ. Khi chiến đấu trong nhà, nếu sử dụng trường kiếm như ngoài chiến trường thì khi vung lên, thế thượng đoạn sẽ vướng trần nhà, khi chém ngang sẽ đụng tường, rồi còn nếu đánh nhau trong phòng tắm, nhà xí, trong hành lang chật hẹp thì sẽ như thế nào? Trong những trường hợp này, thì ngay cả những tay cự phách cũng chỉ dùng được một số kĩ thuật lặt vặt như chém hạ đoạn, nhấp chân bước nhỏ mà thôi.

Thế rồi Izou tự công phu ra lối đánh trong nhà với thanh đoản mộc kiếm của mình. Hắn bay nhảy đâm gãy cột cửa, chém đổ cửa nhà xí, có khi rơi vào thùng rồi lồm ngồm bò dậy, có khi lùi lũi tiến lại múa kiếm chém kẻ địch tưởng tượng bên kia rầm cửa, rồi ngã xuống chiếu gạt đỡ một kiếm của đối phương. Thật là điên cuồng dị dạng không sao kể xiết.

Nhưng cũng thật không ngờ là lối đánh đoản kiếm Izou công phu được, lại tình cờ trùng khớp với lối đánh bí truyền sử dụng ở nơi chật hẹp của phái kiếm Ittou Ryu. Hắn biết được điều này là vào năm sau.

- Mày là con của lính trơn thì học đòi kiếm thuật làm gì.

Phụ thân hắn là Gihei vẫn thường bất bình. Chẳng bao lâu thì ông Gihei mất, Izou lên thế vị trí cha. Hắn thuộc nhóm lính trơn của Tổng quản Kirima Shougen, trưởng nhóm lính là Morita Jiemon. Bổng lộc của hắn một năm chỉ đủ nuôi bốn người.

Izou thường phải ăn hạt kê, ăn lúa mạch, ăn gạo đen, trong một năm chẳng có dịp nào được ăn gạo trắng. So với bọn bách tính có ruộng đất trong phiên thì hắn còn khổ sở hơn cả thân trâu ngựa. Đối với con em kẻ sĩ nghèo hèn, thì cách duy nhất để thoát khỏi cảnh bần hàn, chỉ là dựa vào con đường học vấn xuất chúng hay dựa vào kiếm pháp tuyệt luân mà mở võ đường mà thôi.

Nhưng Izou không có học vấn.

Tuy phụ thân hắn có dạy viết chữ nhưng Izou chẳng đọc nổi một quyển sách chữ Hán. Nhà nghèo nên cũng không thể đến trường, mà hắn cũng chẳng có đầu óc tương xứng để đến trường.

- Chà, nếu ta được sinh cùng thời với ngài Niten thì sẽ ra sao nhỉ?

Hắn vẫn thường mơ tưởng đến cảnh một mình một kiếm làm mưa làm gió trong làng kiếm. “Phải chém vật sống xem sao”. Nghĩ rồi Izou bắt đầu chém mèo. Con mèo hoảng hốt nhảy lên, Izou rút kiếm đánh xoẹt chém đứt đôi trên không. Đến chuột cũng không tha. Kẻ xấu số vừa thò đầu ra khỏi cái lỗ nơi góc tường, đã bị hắn huơ mộc kiếm như luồng điện giáng xuống vỡ đầu. Trong nhà Izou luôn lấm bẩn vì máu của những loại súc sinh này.

Nguyên lai, kiếm chỉ là công cụ giết người, nhưng vào thời Tokugawa thì nó đã trở thành một thứ triết học. Izou cũng tự học được thứ kiếm pháp giết người như giới kiếm khách đầu thời Chiến Quốc. Đâu là chánh đạo, đâu là tà đạo, hẳn chẳng hay biết.

Rồi hắn cũng chém được mấy trăm con mèo, là lúc hắn nghĩ đến chuyện lập phái riêng.

Lúc đó, một tin sáng sủa bất ngờ lọt vào tai Izou. Khu phố Tabuchi dưới thành là nơi tập trung nhiều dinh thự của bọn Hào sĩ, có Takechi Hanpeita mở võ đường. Takechi vốn là một Hào sĩ cấp cao nên không màng đến thân phận của bọn môn sinh, thiên hạ đồn rằng là lính trơn cũng có thể đến học được.

- Như vậy cũng không phải là hoàn toàn vô duyên với nhà Takechi.

Nghĩ rồi Izou quyết định tìm đến Takechi cầu học.

Chương 2

Dòng họ Okada vốn có gốc gác Hào sĩ ở làng Jintsu phiên Tosa, đến đời phụ thân của Izou là Gihei, là con thứ xuống dưới thành làm lính trơn. Tổ tiên xa xưa của dòng họ này phát tích từ làng Okada xứ Iyo láng giềng. Nhà Takechi cũng vậy, tổ tiên xa xưa là Takechi Musha Tokoro vốn là hào tộc ở xứ Iyo. Thật lạ lùng là năm xưa tổ tiên của Izou lại là gia thần của họ Takechi. Rồi Takechi đem phần lớn bề tôi lưu lạc sang xứ Tosa thờ họ Chousokabe.

Trong trận chiến phân tranh thiên hạ Sekiga Hara, họ Chousokabe diệt vong, họ Yamauchi từ Kakegawa xứ Enshu đến tiếp quản vùng đất này, lúc đó cả họ Takechi lẫn Okada vốn là cựu thần của Chousokabe đã trở thành dân thổ địa của phiên Tosa này.

- Tức là nếu xét duyên ngày xưa thì cũng là quan hệ chủ tớ. Nay thuận theo nhân duyên này kính xin cho tiểu nhân được nhập môn.

Izou đến nhờ vả phu nhân của Takechi là Tomiko. Phu nhân lấy làm thương hại nên ra sức giúp đỡ cho đến khi hắn được diện kiến Takechi.

Takechi Hanpeita ban đầu theo học phái kiếm Ittou Ryu, sau thường lui tới luyện tập ở võ đường Asada Kanshichi dành cho hạng Thượng sĩ. Lúc bấy giờ, Takechi chỉ là thân phận Hào sĩ nên thường bị bọn môn sinh dòng Thượng sĩ khinh miệt, sau lãnh hội hết cực ý kiếm pháp nên được quyền mở võ đường nhận môn sinh.

Nhà Takechi nằm ở làng Fuke ngoài thành, là nơi giàu có lắm ruộng nhiều rừng. Nhà Takechi nhờ vào tài lực này mở một võ đường bên cạnh nhà vợ Shimamura. Võ đường bề ngang rộng bốn gian[1], bề dài sáu gian, tuy không phải là lớn lắm nhưng chỉ trong chốc lát mà đã có đến sáu, bảy chục con em Hào sĩ kéo đến nhập môn, một thời phồn thịnh.

[1] Một gian gần bằng hai mét.

Takechi Hanpeita dáng người cao lớn, mặt sáng sủa, lông mày thanh tú, da dẻ trắng trẻo, mắt mũi đều xứng với từ “uy phong lẫm liệt”. Tính người trầm tĩnh ít nói, lại chẳng bao giờ biết đùa giỡn, suốt đời chẳng gần người đàn bà nào ngoài phu nhân của mình, cũng là một kiểu người hiếm có so với tính cách đàn ông phương Nam như Tosa. Chính vì tính tình nghiêm cẩn đàng hoàng, nên thường bị người bằng hữu là Sakamoto Ryouma trêu chọc.

Nhân vật Sakamoto này thì lại trái ngược hẳn với tính cách nghiêm chỉnh của Takechi. Mỗi khi đến chơi nhà Takechi đều không dùng nhà xí, mà khi ra về luôn phóng tiện trước cổng. Vì vậy mà chung quanh tường luôn thoảng xú khí, phu nhân Tomiko lấy làm phiền não, đem chuyện trần tình thì Takechi chỉ cười xòa: “Xem ra Sakamoto cũng là người sau này làm nên chuyện lớn. Cứ bỏ qua cho hắn vậy”.

Tuy là người nghiêm khắc kỉ luật, nhưng lại có chỗ dễ dàng tha thứ cho kẻ khác nên bọn con em Hào sĩ vùng Chugoku lấy làm mến mộ Takechi, tranh nhau mà đến nhập môn. Đây chính là nền tảng đầu tiên của “Đảng Cần Vương Tosa”, gây náo loạn vào cuối thời Mạc phủ.

Nhưng lần đầu đối diện, Takechi đã tỏ ra nghiêm khắc với Izou. Bản thân Takechi cũng là một Hào sĩ bị bọn Thượng sĩ phân biệt, nên không khỏi thất vọng khi thấy một tên lính trơn. Chính vì tính tình nghiêm khắc ưa kỉ luật nên ý thức giai cấp cũng rất mạnh. Hơn nữa Takechi lại là người ghét cái dốt nát thô lậu. Mà ngay giữa trán Izou lại có một vầng đen cố hữu, chính vì thế mà ấn tượng đầu tiên của Takechi về hắn vô cùng xấu. Lại nghe chuyện tổ tiên xa xưa là gia lại của nhà Takechi nên không tránh khỏi cái nhìn khinh miệt.

Takechi vừa vào đến nơi liền gọi:

- Ngươi là Izou?

- Thưa, tiểu nhân là Izou.

Izou phủ phục bên cửa.

- Từ trước đến nay đã theo học ai?

- Tiểu nhân thân phận lính trơn thì còn biết theo học ai. Chẳng là vì tôn sùng ngài Niten, ngày ngày mang mộc kiếm luyện tập mà tự hội đắc ạ.

- Tự hội đắc?

Takechi nhíu mày. Hội đắc, chẳng phải là ý hắn đã đến chỗ cùng cực của kiếm đạo rồi sao. Chính vì không có giáo dưỡng học hành gì, nên Izou chẳng hiểu rõ cách dùng từ cho hợp phép.

- Ồ, tự hội đắc sao? Thế thì hãy vào võ đường đấu với bọn môn sinh xem sao. - Takechi nói.

Chương 3

Izou tiến ra một góc võ đường, đội mũ trụ, mặc giáp phòng hộ, tay với lấy thanh kiếm tre. Tất cả những thứ này là lần đầu tiên hắn dụng đến. Takechi ngồi trên ghế cao quan sát mọi cử động của Izou. Thật là khó coi. Một kẻ chẳng khác nào dã thú. Cặp mắt hắn sưng húp, đỏ ngầu, lõm sâu vào hốc, đầu tóc thì rối bời như tổ quạ, lông trên người hắn rậm rạp xoắn tít như đám cỏ rối.

Izou mang mộc kiếm tiến ra giữa võ đường thi lễ rồi vào thế thủ. Tuy là vị trí trung đoạn nhưng hắn thủ thanh kiếm tre ngang người, vị trí cổ tay đầy sơ hở. Thế đứng của hắn cũng thật kỳ lạ, dạng chân, lưng khom, đầu đưa về trước như chuẩn bị lao vào một trận đấu vật.

Người đầu tiên đấu với Izou là một hào sĩ xứ Aki, thuộc hạng trung bình trong số các môn đệ. Vì thuộc tầng lớp trên nên trong lòng đã thấy khinh nhờn, giơ cao kiếm tre vào thế thủ thượng đoạn, cố tình để lộ sơ hở phần trung đoạn.

Gã xông vào toan chém cổ tay Izou, nhưng chỉ thấy Izou quét kiếm lên đỡ rồi trong sát na sấn tới đạp mạnh vào hạ bộ hắn. Hào sĩ nọ la thất thanh rồi bất tỉnh tại chỗ. "Ngươi đã thấy chưa", Izou như muốn thét lên sung sướng. Chiêu thức hắn dùng để hạ đối phương chẳng phải là một chiêu kiếm hay võ nghệ chính thống nào. Còn gì thống khoái bằng, hắn đã hiểu ra rằng trên võ đường thì không có sự phân biệt giai cấp, chẳng còn Thượng sĩ, Hào sĩ hay lính trơn nữa.

Takechi ngồi quan sát trận đấu không nháy mắt, rồi ra lệnh cho người tiếp theo ra đấu với Izou. Đấu được hai ba hiệp, thì Izou nhảy bật lên giáng một đòn thật mạnh vào đầu đối phương, chỗ không có lưới sắt trên mũ trụ bảo hộ. Đối phương đầu óc choáng váng, loạng choạng trở về chỗ ngồi rồi đổ vật ra sàn. Cả bọn nhốn nháo.

Thứ kiếm thuật mà Izou sử dụng chẳng có quy tắc hay luật lệ gì, mà chỉ là một thứ kĩ thuật ẩu đả nơi đầu đường xó chợ. Đối với những kẻ theo học kiếm phái chính thống, ở giai đoạn đầu thì thường thất bại thảm hại khi đối đầu với những loại kĩ thuật ẩu đả hạ cấp này.

Người tiếp theo ra đấu với Izou là quyền sư phụ Higaki Kiyoharu, một Hào sĩ dưới thành. Nhưng kết quả cũng không khác trước, bọn môn nhân ngạc nhiên xao động.

- Khốn kiếp, chỉ là một thằng lính trơn.

Takechi dường như muốn thốt lên. Từ thế thủ cho đến đòn đánh thẳng tay của Izou, đều không phải là thứ thường thấy của một danh môn chính phái. Dường như hắn chỉ là một con thú hoang dã không hề biết trật tự lý luận gì. Nếu như hắn được dạy dỗ nguyên tắc luận lý thì không biết sẽ còn mạnh đến đâu, Takechi thầm nghĩ. Nhưng liệu có thắng nổi hắn không?

Đối với đường chủ Takechi Hanpeita mà nói, thì đây là một dịp hay để dạy cho Izou một bài học, làm cho hắn chừa đi cái kĩ thuật hạ cấp kia đã ăn sâu vào người hắn, và không những dạy cho mình hắn, mà còn là để biểu thị cho đám môn nhân biết, sức mạnh khủng khiếp của kiếm thuật chính thống và có phẩm cách là như thế nào. Nhưng nếu chẳng may đại bại dưới tay hắn thì sao? Như vậy thì còn gì tồi tệ bằng, thanh danh của võ đường chẳng biết còn cách nào để lấy lại nữa.

Nhưng Takechi cũng không phải là kẻ tầm thường. Takechi người cao gần sáu thước[1], xét về thể lực khí lực thì không thể thua Izou được. Năm mười bốn tuổi theo người thầy đầu tiên là Chigami Shichirou học kiếm pháp phái Ittou Ryu, cả sư phụ Chigami cũng phải ngạc nhiên vì tố chất vạn người có một của mình. Sau này vào nhập môn võ đường Asada Kanshichi, Takechi đánh bại hết các bậc tiền bối, nhận chứng chỉ trung truyền.

[1] Thước: đơn vị đo chiều dài ngày xưa, 1 thước = 0.303m

Đến năm Ansei thứ nhất[2] thì hội đắc hết những chiêu thức cực ý của môn phái. Ngay cả Asada cũng thừa nhận rằng trong cuộc đời mình, chắc chắn không có được người đệ tử thứ hai như Takechi. Nhưng dù gì thì đối phương cũng là kẻ thân phận thấp hèn, lại không sử dụng kiếm pháp chính thống, nên sẽ không biết được hắn sẽ tấn công vào những chỗ nào và chẳng có quy tắc luật lệ gì.

[2] Niên hiệu Ansei kéo dài từ năm 1854-1859

Như trước đây có một dạo tin đồn rằng, có kiếm khách Okada Souemon vốn xuất thân là một bách tính xứ Bushu lập ra phái kiếm Ryugou Ryu, phái này chuyên thủ thế thượng đoạn rồi xuất kỳ bất ý tấn công tới tấp vào ống chân của đối phương.

Nguyên lai, trong kiếm thuật không có đòn đánh vào hạ bàn, nên dĩ nhiên là các phái kiếm bấy giờ cũng không có kĩ thuật phòng ngự vùng này. Vì thế mà vào những năm Ansei, đã có không biết bao nhiêu võ đường ở Edo bị tan hoang dưới tay của phái Ryugou Ryu này.

Nhưng chẳng bao lâu sau thì các võ đường danh tiếng ở Edo như Momoi và Chiba đều khảo án ra cách khắc chế loại kĩ thuật này, nên phái Ryugou Ryu sau một thời gian lan truyền như bệnh dịch bỗng dừng hẳn. Cổ nhân có dạy rằng, người quân tử không nên đối đầu với phường tà đạo, nhưng Takechi không biết rằng liệu có nên dạy cho Izou một bài học hay không?

Nhưng Takechi vốn là người quyết đoán nhanh chóng, nên trong đầu vừa xuất hiện ý nghĩ này là đã khẽ gật ngay. Quyền sư phụ Higaku đã bại dưới tay Izou, đường chủ Takechi lặng lẽ nhảy xuống sàn, với lấy thanh kiếm tre rồi tiến về phía đối thủ.

Izou lúc này phủ phục dưới sàn. Hắn không hề nghĩ rằng Takechi sẽ đích thân ra tiếp mình, nên lấy làm cảm kích mà toàn thân run rẩy.

- Hãy chuẩn bị đi.

Takechi nói. Tuy thế, bản thân mình cũng chỉ mặc độc một bộ võ phục bằng vải thô mà không hề mang giáp phòng ngự. “Như vậy ta không thể tấn công được”. Izou đứng dậy, bần thần.

- Ngươi cứ đánh hết sức.

Takechi nói rồi vào thế thủ Seigan đưa mũi kiếm ngang mặt. Izou lại vào thế thủ trung đoạn mình tự công phu được như lúc nãy.

Takechi tiến lên một bước, Izou lùi xuống một bước, rồi lại lùi xuống nữa.

Takechi càng tiến tới, Izou càng lùi lại, mà càng lùi xuống thì lưng hắn càng cong như lưng mèo, thanh kiếm tre đưa về sau như cái đuôi con vật.

Takechi vừa huơ mũi kiếm lên thượng đoạn, trong nháy mắt thân thể Izou co rúm lại rồi bật tới như một hòn đạn, đâm thẳng vào đối phương. Takechi loạng choạng, nhưng chỉ trong tích tắc, kiếm pháp chính thống đã phát huy tác dụng, biến ảo khôn lường. Từ thế kiếm phòng thủ cuộn lên đánh thẳng vào đầu Izou, một đòn nhẹ, chỉ nghĩ được như thế thì đã thấy Takechi xấn tới, đâm một đòn chí mạng vào đối thủ.

Thân thể Izou bị hất văng đi năm sáu gian. Hắn lồm cồm bò dậy rồi chạy vòng quanh bốn góc võ đường tránh đòn của Takechi.

- Izou, khó coi lắm!

Takechi vừa thét vừa trút đòn như cuồng phong nộ vũ vào các vị trí tay, mặt, thân của đối phương. Đây chính là ba vị trí tấn công cơ bản trong kiếm thuật. Izou co rúm người lại chịu đòn mà không hề có ý thức phản kháng. Toàn bộ ý chí chiến đấu của hắn đã bị dồn nén đến tận cùng.

Có những lúc cơ hội phản kích đến, trong sát na đã có thể đánh trả lại nhưng hắn không hề huơ thanh kiếm. Izou chỉ hứng cơn mưa đòn của Takechi một cách thụ động rồi bỏ chạy. Trong vô thức, hắn đã bị sự kính phục đối với Takechi chi phối. Đối với hắn, Takechi dường như là một vị thần của thế giới khác. Nếu diễn giải bằng lời thì trong lòng hắn chỉ có thể nói rằng “Vì ngài mà tôi có thể trở thành thằng hề cho thiên hạ”.

Hắn cam lòng với điều đó. Cam lòng một cách toại nguyện, hắn thấy sung sướng, không, sung sướng đến điên cuồng khi được hạ mình như thế. Phải chăng chính thân phận lính trơn thấp hèn của hai đời dòng họ hắn đã biến hắn thành ra thế này? Phải chăng đây chính là bản chất của hắn? Nhưng dù gì đi nữa, thì đây là lúc quyết định hình ảnh của hắn trong con mắt Takechi.

- Tiểu nhân thua rồi.

Izou vứt kiếm tre, quỳ xuống sàn rồi thụp lạy. Trong khoảnh khắc này, cái chất lính trơn thấp hèn một cách đáng thương đã bộc lộ. Takechi thở phào rồi thu kiếm. Thật là một kẻ đáng sợ. Một cảm giác khiến Takechi phải rùng mình.

Từ thuở theo Chigami học kiếm, hội đắc cực ý của Asada cho đến bây giờ, thì Takechi chưa từng hứng phải một đòn đâm nào khủng khiếp như vậy. Thiên hạ vẫn truyền rằng Takechi là người quân tử chững chạc thận trọng, đối với những kẻ mới đến xin học kiếm thì chưa bao giờ ra những đòn như vũ bão lúc này. Ấy vậy mà chỉ một đòn đâm của Izou, đã khiến Takechi lộn ruột gan mà để lộ con quỷ Tu La trong người ra một cách vô ý.

- Izou, hãy tức khắc nhập môn.

Takechi nhanh chóng trở lại con người điềm tĩnh như trước kia.

- Izou, vì kiếm pháp của nhà ngươi là thứ tự học mà không có cơ bản, nên rất nhiều tật xấu đã ngấm sâu vào người. Đầu tiên ngươi phải bỏ chúng đi. Đối với kẻ mới nhập môn thì phải tu luyện hai năm, nhưng nhà ngươi phải tu luyện ba năm để từ bỏ thói tật của mình. Trong ba năm này nhà ngươi sẽ yếu đi, ba năm tu luyện chánh pháp. Nếu chịu đựng được đến năm thứ tư, thì hẳn sẽ đạt đến trình độ kiếm thuật chánh tông cao thâm.

- Tiểu nhân xin đa tạ.

Izou vốn là kẻ dễ mủi lòng, nước mắt ròng ròng mấy phen dập đầu lễ tạ.

Rồi ấn thư thệ nguyện được mang ra, Izou viết tên ấn dấu kết giao sư đồ. Họ tên là Okada Izou Yoshifuru. Chữ viết vô cùng nghệch ngoạc.

Đêm đó Takechi rút vào trong nhà kho, chăm chú nhìn quyển sách Joururi đặt trên bàn (Joururi: một loại kịch múa rối truyền thống). Vốn là người đa tài đa nghệ nên ngoài Joururi ra, Takechi còn theo học các nghành hội họa nghệ thuật khác, với các danh sư dưới thành như Tokuhiro Tousai và Hirose Tomotake. Mà trong bất cứ ngành nào cũng đều đạt đến mức thượng thừa.

Cũng vốn là người thận trọng đàng hoàng, sợ làm phiền đến hàng xóm chung quanh nên mới vào nhà kho diễn Joururi. Cánh cửa phòng đột ngột mở ra, phu nhân Tomiko mang trà vào.

- Chàng đang làm gì vậy?

Đêm nay thật lạ lùng, vì Takechi không hề thốt lên một lời nào, không giống mọi lần diễn kịch khác.

- Ta đang nghĩ đến chuyện của Izou.

- Gã lính trơn đó đã làm sao ạ?

- Không, chỉ là ta biết rằng trên đời này vẫn còn nhiều kẻ đáng sợ. Ta vốn vẫn tự phụ rằng mình có chút thiên bẩm về kiếm thuật, nhưng xét về tố chất thì thật không bằng hắn vậy.

Tomiko nghe rồi lặng thinh. Đây chẳng phải là chuyện mà nàng có thể nói được gì. Tomiko dáng người nhỏ nhắn, vốn được tôn xưng là một mỹ nữ dưới thành. Người chú của Tomiko là Shimamura Junosuke cũng là một Hào sĩ nổi tiếng với thương thuật một vùng.

- Tomiko, ta sẽ đi vắng trong ba năm. Nàng sẽ chăm sóc mọi thứ thay ta chứ. Ta nghe nói Edo chính là linh địa của kiếm thuật, nên cũng muốn đến đó tu luyện lại võ nghệ của mình.

Hôm đó, Takechi cho bọn môn đệ trở về nhà rồi trằn trọc suy đi nghĩ lại, hình ảnh Okada Izou trong tâm trí càng lúc càng lớn dần. Trận đấu ở võ đường lúc nãy, chẳng phải là hắn thấy mình không mặc giáp phòng ngự mà e ngại không ra đòn tấn công hay sao. Nếu lúc ấy mà mặc giáp phòng ngự thì không biết kết quả trận đấu sẽ ra thế nào.

Tomiko gật đầu. Nhưng muốn ra khỏi phiên du học võ nghệ thì cần phải được phiên cho phép. Mà cho đến khi giấy phép từ trên truyền xuống cũng phải mất nửa năm.

- Ta trông cậy cả vào nàng.

Nói rồi Takechi ôm Tomiko vào lòng. Giữa hai người không có đứa con nào. Chính vì sợ rằng nếu không có con thì họ Takechi sẽ tuyệt tự, nên phía gia đình Tomiko ở làng Shimamura cũng mấy lần khuyên nhủ Takechi lấy vợ bé để có đứa con nối dõi, nhưng mấy lần Hanpeita đều bỏ ngoài tai.

Một hôm nọ, có người bạn của Hanpeita lấy lời khuyên nhủ Tomiko, cho trở về nhà bố mẹ Takechi ở làng Fuke rồi gửi một con hầu đến chỗ Hanpeita. Con hầu biết chuyện nên ra sức chiều chuộng, nhưng Takechi chẳng hề động đến một sợi tóc. Sau này, khi Tomiko tiết lộ rằng đó là do âm mưu của người bằng hữu thì Takechi chỉ cười “Ta biết rồi”, rồi hỏi:

- Thế lúc đó tâm trạng nàng như thế nào?

- Thiếp hoàn toàn tin tưởng ở chàng nên không hề nghĩ gì.

Tomiko đáp. Giữa phu phụ Takechi đã có sự tin tưởng lẫn nhau và thân thiết đến như vậy. Thành ra Takechi quyết ý để thê tử ở lại Tosa còn mình thì thân đến Edo tu luyện kiếm pháp. Nguyên nhân tất cả cũng là vì Izou.


/22

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status