Trạm đầu tiên dừng chân của Do Nhân Kiệt chính là Phân đàn Gia Ngư.
Phân đàn này là một trong số bốn cửa ngõ lớn của Thiên Ma giáo, bình thường ngoài việc phụ trách chuyển báo tin tức các nơi và truyền ban mệnh lệnh, còn một nhiệm vụ chủ yếu khác là lo việc tiếp đãi các cấp giáo đồ vào Tổng đàn.
Nay Do Nhân Kiệt với thân phận Huỳnh kỳ hộ giáo đến nơi, dĩ nhiên là một thượng khách mà Phân đàn này rất mong được hầu tiếp.
Thế nhưng, điều khiến Phân đàn này không ngờ đến là Do Nhân Kiệt đã ở lại suốt ba hôm liền, hằng ngày chỉ có ba việc cần làm là ăn, uống và ngủ, chàng đã không cho Phân đàn chủ biết về nhiệm vụ chuyến đi này của mình, mà cũng chẳng nói bao giờ mới rời đi. Bọn giáo đồ trong Phân đàn tuy ngoài mặt vẫn tỏ ra rất kính trọng chàng, nhưng trong lòng đều hết sức thắc mắc.
Sáng hôm thứ tư, ngoài cửa Phân đàn bỗng xuất hiện một hán tử trung niên áo xanh rất thần bí.
Bởi hán tử áo xanh này rất xa lạ, gã giáo đồ canh gác không khỏi sinh lòng hoài nghi, bèn cản lại lạnh lùng hỏi :
- Bằng hữu có việc gì?
Hán tử áo xanh đảo mắt nhìn quanh, đoạn khẽ nói :
- Mau mời Công Tôn hộ giáo ra đây, ta là người do Tam giáo chủ phái đến, có mang theo mệnh lệnh khẩn cấp của Tam giáo chủ, tốt hơn hết không nên kinh động đến một ai khác!
Gã giáo đồ gác cửa lộ vẻ do dự :
- Bằng hữu có tín phù của Tam giáo chủ không?
Hán tử áo xanh gật đầu, lại quét mắt nhìn hai bên, đoạn mới xòa tay ra, hối hả nói :
- Nhanh lên! Ta vào trong khu rừng kia đợi, chỉ được nói với một mình Công Tôn hộ giáo thôi. Khi vào thông báo nhớ là phải thật ung dung, dù là Phân đàn chủ cũng không để cho nhận ra.
Gã giáo đồ trông thấy trong lòng bàn tay đối phương đúng là chiếc Kim Hồ lệnh của Tam giáo chủ, vội buông thõng hai tay, cung kính nói :
- Vâng! Tiểu nhân vào thông báo ngay!
Hán tử áo xanh trông theo gã giáo đồ vội vã đi vào Phân đàn, đoạn tung mình phóng đi về phía khu rừng bên phải.
Lát sau, gã giáo đồ gác cửa lại từ trong vội vã đi ra. Hán tử áo xanh nấp trong rừng thấy chỉ có một mình gã giáo đồ, bất giác thoáng chau mày, không chờ gã giáo đồ đến gần đã nôn nóng tiến ra hỏi :
- Công Tôn hộ giáo nói sao?
Gã giáo đồ lắc đầu cười méo xệch :
- Công Tôn hộ giáo thật là một đại quái nhân!
Hán tử áo xanh ngớ người :
- Vậy là sao?
Gã giáo đồ thở dài :
- Tối qua uống đến khuya lắc khuya lơ mới lên giường, vậy mà bây giờ lại chẳng thấy bóng dáng đâu cả, ra đi mà cũng chẳng thèm báo lại một tiếng...
- Sao biết đã ra đi rồi?
- Những vật tùy thân không còn để lại, không ra đi rồi thì còn là gì?
- Ngươi có hỏi người khác không?
Gã giáo đồ ngơ ngẩn :
- Tôn giá chẳng đã dặn là không được cho bất kỳ ai biết hay sao?
Hán tử áo xanh gật đầu :
- À, phải rồi, ta có nói như vậy...
Đoạn bất thần vung tay bổ tới, gã giáo đồ hự lên một tiếng, liền lập tức ngã lăn ra đất.
Hán tử áo xanh giải quyết xong gã giáo đồ, lại ném ánh mắt ngập đầy thù hận vào trong Phân đàn, xong hậm hực tung mình bỏ đi.
Cùng trong lúc ấy, trên một chiếc thuyền vừa khởi hành ở cửa thành tây, Do Nhân Kiệt đang trà trộn trong đám thương nhân buôn tơ lụa, nhàn nhã lắng nghe một gã hán tử mặt đỏ huyên thuyên kể một chuyện cười mà chẳng đáng cười chút nào cả.
Bởi hán tử ấy kể quá tẻ nhạt, Do Nhân Kiệt nghe một hồi đã nằm xuống chiếu ngủ thiếp đi.
Nửa tháng sau, thuyền đến Ba Đông, Do Nhân Kiệt lên bờ, tìm một khách điếm nhỏ tắm rửa thay quần áo, khôi phục lại mặt thật, với tâm trạng hưng phấn ra khỏi thành, đi về phía một thôn nhỏ có tên là Mai Gia trang ở hướng đông.
Lúc này vào giữa tháng tư thời tiết khá tốt, trước một ngôi nhà lá có hàng tre vây quanh, một thiếu nữ áo quần vải thô đang cắm cúi rủ sạch một bó cỏ gai, miệng hát khe khẽ.
Do Nhân Kiệt dừng bước, thờ thẫn đứng tại chỗ. Thiếu nữ trước ngôi nhà lá như đột nhiên biến thành một lão bà đầu tóc bạc phơ.
Dưới hai cây tùng cao to ở một góc sân vườn, một lão nhân râu trắng phủ ngực đang ngồi bên một chiếc bàn gỗ, trên bàn là một ấm rượu, một túi thuốc lá, một quyễn Xuân Thu mở ra, bảy tám đứa bé mình mẩy đầy bùn đất đang rượt đuổi nhau vui đùa quanh lão nhân.
Thiếu nữ trước ngôi nhà lá tình cờ ngẩng lên, trước tiên thoáng ngẩn người, rồi lập tức nhảy cẫng lên, thất thanh lớn tiếng nói :
- Ồ, Kiệt ca... Kiệt ca đó phải không?
Chưa nói hết câu, người đã như cánh én mùa xuân lao tới.
Do Nhân Kiệt như chợt tỉnh cơn mơ, vội bước nhanh tới, vui mừng cười nói :
- Liên muội lại cao hơn nữa rồi, những ngày qua có nhớ đến ngu ca không?
Hai người bốn tay nắm chặt nhau hồi lâu. Kim Tố Liên bỗng hai mắt đỏ hoe, ngoảnh đi cúi đầu xuống.
Do Nhân Kiệt lay nhẹ nàng, thấp giọng hỏi :
- Trương đại ma đâu?
Kim Tố Liên không ngẩng lên, cũng chẳng trả lời.
Do Nhân Kiệt vẻ biết lỗi, thấp giọng nói tiếp :
- Liên muội nên hiểu cho, ngu ca đâu phải là không muốn đến thăm muội, thật tình là vì không thể phân thân được, ngay cả lần này...
Kim Tố Liên không nhịn được nữa, ngẩng lên hỏi :
- Lần này thì sao?
Do Nhân Kiệt cười ái ngại :
- Chúng ta hãy vào thăm Trương đại ma trước, vào nhà rồi hãy thư thả nói nhé?
- Không, phải nói tại đây mới được! Lần này Kiệt ca đến đây là vì cái gì? Nếu Kiệt ca không phải thăm tiểu muội thì cũng chẳng phải thăm Trương đại ma. Nếu Kiệt ca không chịu nói rõ, tiểu muội không cho vào nhà!
Do Nhân Kiệt thở dài :
- Thôi được, ngu ca nói đây, nhưng mà Liên muội không được giận đấy! Ngu ca phen này đến đây thật sự là để hỏi thăm hành tung của ân sư lão nhân gia!
- Để làm gì?
- Có hai phần văn kiện cần trao cho lão nhân gia!
- Văn kiện gì?
- Ghi chép về bí mật nội bộ Thiên Ma giáo, khi lão nhân gia nhận được sẽ có thể hợp cùng Thiên Sơn tam nghĩa dựa theo đó mà hành động...
- Sao Kiệt ca biết đến đây là có thể tìm gặp lão nhân gia?
- Ngu ca đã nói là Liên muội không được giận kia mà! Xem đó, Liên muội lại giận nữa rồi!
- Ai bảo tiểu muội giận?
- Thôi được, ngu ca nghĩ là lão nhân gia dù bận đến mấy thì cũng phải thỉnh thoảng đến đây!
- Hắc kỳ đại hộ giáo này quả đáng khâm phục, đúng là liệu sự như thần!
Do Nhân Kiệt kinh ngạc :
- Liên muội...
- Tiểu muội thế nào? Sao không nói tiếp đi?
Do Nhân Kiệt cười giả lả :
- Thôi cho xin đi, Liên muội đừng quanh co nữa, việc này hết sức quan trọng, lão nhân gia ấy hiện đang ở đâu, xin Liên muội hãy mau nói ra đi!
Kim Tố Liên nguýt mắt :
- Nói ra rồi Kiệt ca bỏ đi ngay phải không :
Do Nhân Kiệt vội nói :
- Đương nhiên là không!
Kim Tố Liên lại lườm mắt :
- Vậy thì sao gấp gáp thế này?
Do Nhân Kiệt đành cười cười :
- Được, được, không gấp, không gấp. Vậy bây giờ chúng ta vào thăm Trương đại ma nhé?
Kim Tố Liên lắc đầu :
- Thôi đi!
- Sao vậy?
- Trương đại ma bị cảm lạnh, vừa mới uống thuốc xong đi ngủ rồi! Hơn nữa, Kiệt ca lại không rành về ra dấu tay, không khéo lại báo hại tiểu muội bấn lên cả buổi nữa.
- Vào nhà ngồi chơi chắc là được chứ?
- Chỉ được vào nhà ngang thôi!
Do Nhân Kiệt cười :
- Cũng được, miễn là khỏi phải đứng đây như ăn mày, vào nhà nào cũng được!
Thế là hai người tay nắm tay nhau đi vào ngôi nhà ngang phía tây rất sạch sẽ tươm tất.
Kim Tố Liên vừa rót trà vừa cười hỏi :
- Gia gia bảo hiện nay Kiệt ca đã là hắc kỳ đại hộ giáo trong Thiên Ma giáo, địa vị khá cao phải không?
Do Nhân Kiệt cười :
- Đó là việc hồi hơn một tháng trước rồi!
Kim Tố Liên ngớ người :
- Hiện giờ thì sao?
- Hiện giờ đã là Huỳnh kỳ hộ giáo, cao hơn Hắc kỳ hộ giáo hai cấp!
- Cao hơn Huỳnh kỳ hộ giáo nữa là gì?
- Giáo chủ!
- Kiệt ca... Kiệt ca làm như vậy có nguy hiểm lắm không?
- Ngược lại địa vị rất là chắc chắn, không sợ nguy hiểm hay nghi ngờ gì cả. Nếu hôm nay không phải là Huỳnh kỳ hộ giáo thì đâu có đến đây một cách tự do như thế này được!
Kim Tố Liên gật gù, ngẫm nghĩ một lát lại hỏi :
- Nghe đâu trong giáo toàn là những ma đầu giết người không gớm tay. Kiệt ca ở trong ấy không sợ chút nào thật ư?
Do Nhân Kiệt thầm nghĩ, nếu ta mà nói thật ra, e nàng sẽ sợ đến chết khiếp mất!
Bèn nhếch môi cười nói :
- Lần lần rồi cũng quen thôi!
- Vậy Kiệt ca định khi nào mới thoát ly nơi ấy?
- Cái đó thì phải do ân sư quyết định mới được! À, bây giờ hiền muội có thể cho biết lão nhân gia hiện ở đâu rồi chứ?
Kim Tố Liên khẽ thở dài nói :
- Vì tiểu muội không biết nên chẳng biết nói gì với đại ca đây.
Do Nhân Kiệt ngạc nhiên :
- Hiền muội nói vậy nghĩa là sao?
Kim Tố Liên lại thở dài :
- Chẳng giấu gì Kiệt ca, chuyến đi này của Kiệt ca kể như đã hoài công, lão nhân gia mới vừa ra đi hôm qua rồi!
- Ồ, lại xui rủi đến vậy ư?
- Còn gì nữa? Gia gia đã ở đây đúng ba hôm, bảo nhất định Kiệt ca sẽ đến, rốt cuộc lão nhân gia đã đoán không lầm, Kiệt ca quả đã đến, nhưng lại là sau khi lão nhân gia đã ra đi. Tiểu muội thật không hiểu nổi, tại sao Kiệt ca không chịu đến sớm hơn một ngày?
Do Nhân Kiệt vội tiếp lời :
- Ân sư đã đoán trước là ngu ca sẽ đến, chắc là có việc cần dặn bảo, vậy lão nhân gia có cho biết là đã đi đâu không?
- Gia gia có bảo là định đến hai nơi Võ Đang và Thiếu Lâm, đòi những hòa thượng vào đạo sĩ cũng phải đưa ra một phần lực lượng, một ngày Thiên Ma giáo chưa bị tiêu diệt, thì họ đừng mong được yên ổn...
- Vậy là được rồi, từ đây đến Võ Đang bất quá chỉ năm sáu hôm. Ân sư đến Võ Đang, chưa chắc đã bỏ đi ngay, ngu ca chỉ cần không ngưng nghỉ, không chừng còn có thể đuổi kịp.
Kim Tố Liên lắc đầu :
- Dù Kiệt ca đến Võ Đang, nhưng cơ hội gặp được lão nhân gia cũng mong manh lắm!
- Tại sao vậy?
- Gia gia tuy nói vậy, nhưng không có ý nhất quyết, bởi lão nhân gia còn nói, bọn hòa thượng và đạo sĩ ấy kể từ khi Tân Duyên đại sư và Nhất Trần đạo trưởng tạ thế, nộ khí mỗi lúc càng thêm sâu đậm, ông là sư thúc của Lệnh Hồ Huyền, sau tai biến ở Thiên Long phủ mà đến đề cập việc ấy, rất có thể họ sẽ tưởng lầm ông ta định lợi dụng lực lượng của hai phái để báo phục tư thù cho Thiên Long Môn, do đó lão nhân gia sau cùng lại lắc đầu thở dài và lẩm bẩm lặp đi lặp lại câu “Chỉ hoài công thôi”...
Do Nhân Kiệt chau chặt mày, không nói gì nữa. Bởi chàng rất rõ tính nết của ân sư, lão nhân gia đã biểu lộ như vậy thì không bao giờ đặt chân đến Võ Đang hoặc Thiếu Lâm nữa.
Kim Tố Liên bỗng hỏi :
- Kiệt ca đói rồi chứ? Để tiểu muội đi cắt ít hẹ, chiên hai quả trứng, nấu cơm nóng cho Kiệt ca ăn nhé?
Do Nhân Kiệt lắc đầu :
- Ngu ca chưa đói, lát nữa cùng ăn cũng được!
Chợt nhớ ra, chàng bỗng hỏi :
- Lão nhân gia có từng đề cập đến Thiên Sơn tam nghĩa hay không?
Kim Tố Liên ngẫm nghĩ chốc lát, đoạn gật đầu nói :
- Có!
- Lão nhân gia đã nói sao?
- Gia gia bảo hôm trước tại sơn trang gì... à, Đại Thiên sơn trang! Tam nghĩa bởi quá nóng nảy, kết quả tuy đã san bằng sơn trang ấy, nhưng lão đại cũng bị trọng thương, vị lão đại ấy họ tên là gì, tiểu muội không còn nhớ nữa!
- Kim La Hán Triệu Phú!
- À, đúng rồi, Kim La Hán Triệu Phú!
Do Nhân Kiệt thầm nhủ: Kim La Hán đã bị trọng thương thì nhất định phải có chỗ điều dưỡng, vậy thì chỗ điều dưỡng ấy ở đâu?
Kim Tố Liên bỗng buông tiếng hừ tức tối, nói :
- Sư đồ hai người thật là...
Chưa dứt lời hai mắt lại đỏ hoe như muốn khóc.
Do Nhân Kiệt hoảng kinh, vội hỏi :
- Liên muội nói vậy là sao?
Kim Tố Liên tức tưởi :
- Đại ca tưởng lão nhân gia đến đây thăm tiểu muội thật sao?
Do Nhân Kiệt ngớ người :
- Vậy chứ sao nào?
Kim Tố Liên hậm hực :
- Hai người cũng như nhau, chỉ là có việc đi ngang qua thôi!
Do Nhân Kiệt cố nén tò mò an ủi :
- Liên muội rõ là trẻ con, vậy chẳng giống như nhau hay sao? Nếu không vì có hiền muội ở đây, ân sư với ngu ca dù đi ngang qua cũng đâu có đến đây! Mỗi ngày có đến hàng trăm hàng ngàn người đi ngang qua đây, nhưng kẻ khác có ghé thăm hiền muội hay không? Nếu không vì hiền muội, ân sư có ở lại đây ba hôm trong khi đang bận trăm công ngàn việc hay không?
Kim Tố Liên nhớ lại cảnh tượng vui vầy giữa hai ông cháu trong ba ngày qua, nỗi buồn phiền trong lòng lập tức tiêu tan.
Do Nhân Kiệt thấy nàng đã nguôi ngoai, mới nói tiếp :
- Lão nhân gia có nói phen này đã từ đâu đến và định đi đâu không?
- Gia gia bảo đã từ Vu Sơn Thần Nữ Phong đến!
- Vu Sơn thần nữ phong ư?
- Vâng, gia gia bảo là đi tìm một loại dược thảo hiếm có gì đó cho vị... à Kim La Hán!
- Có tìm được không?
- Tìm được nhưng chưa đủ!
- Dược thảo ấy tên là gì?
- Tiểu muội không có hỏi!
- Vậy lão nhân gia ấy có đề cập đến ngoài Vu Sơn Thần Nữ Phong còn nơi nào khác có loại dược thảo ấy nữa không?
- Không nghe nói đến!
Do Nhân Kiệt thở dài, ngẫm nghĩ chốc lát, lại hỏi :
- Lão nhân gia cũng không nói đến thương thế của vị Kim La Hán kia trầm trọng đến mức nào và hiện điều dưỡng tại đâu ư?
- Không!
- Thôi, Liên muội hãy đi lo cơm nước đi!
Kim Tố Liên đi được mấy bước, bỗng quay lại hỏi :
- Kiệt ca ăn xong là đi ngay phải không?
Do Nhân Kiệt cười cười :
- Liên muội bằng lòng chăng?
Kim Tố Liên trừng mắt :
- Kiệt ca nghĩ tiểu muội bằng lòng chăng?
Do Nhân Kiệt cười :
- Đi hay ở đã không phải quyền ở ngu cả thì còn hỏi làm gì?
* * * * *
Ba hôm sau, Do Nhân Kiệt để lại hai phần văn kiện bí mật, bịn rịn rời khỏi Mai Gia trang.
Nằm ngang trước mặt chàng vẫn là con đường cũ kia, chàng có cần quay trở về Tổng đàn Thiên Ma giáo nữa chăng?
Chàng khẽ buông tiếng thở dài, đặt chân lên đường cái quan, bắt đầu đi dọc theo bờ sông.
Trưa hôm ấy, chàng đến trấn Sa Khê. Tiểu trấn này tuy chỉ có hơn trăm hộ dân cư, song vì nằm ngay cửa khẩu từ Hoàng Ngưu Hạp vào Tứ Xuyên nên thuyền bè qua lại hầu hết đều đỗ lại nghỉ qua đêm, phố chợ cũng khá sầm uất.
Do Nhân Kiệt vào đến đầu trấn, chàng thả chậm bước đảo mắt nhìn, định tìm chỗ nghỉ trước để suy nghĩ xem có nên trở về Tổng đàn Thiên Ma giáo ngay, hay là tiếp tục dò la tông tích của ân sư và Tam nghĩa?
Chàng thoáng thấy phía trước không xa có một quán rượu, bèn bước nhanh đến.
Quán rượu này rất chật hẹp, tất cả chỉ có ba chiếc bàn, lúc này đã có hai vị tửu khách.
Chiếc bàn bên cạnh là một lão nhân áo lam vóc người nhỏ thó, chiếc áo trên mình rất cũ và bẩn, vá chằng vá đụp, như là một thầy đồ dạy học tư trong thôn.
Bên chiếc bàn kế tiếp là một đại hán mặt vuông vóc người vạm vỡ, khó nhận ra được hành nghề gì, nhưng có một điều có thể khẳng định, đại hán này cho dù không phải là người trong giới võ lâm thì sức mạnh cũng rất đáng kể.
Do Nhân Kiệt không còn sự lựa chọn nào khác, đành đi vào ngồi xuống bên chiếc bàn sau cùng.
Gã tửu bảo vội đi đến cạnh bàn, khom lưng cúi đầu hỏi :
- Tướng công cần rượu và thức ăn gì?
Do Nhân Kiệt quét mắt, thấy trên bàn đại hán mặt vuông là một dĩa ngư hương lỗ tai heo, một dĩa đậu hủ chiên và một dĩa đậu phộng rang mặn, bèn đưa tay chỉ nói :
- Giống như thế kia!
- Vâng, còn rượu?
Do Nhân Kiệt không dám uống nhiều, bèn nói :
- Cho bốn lạng thôi!
Rượu và thức ăn đều có, lát sau gã tửu bảo đã mang đến ba dĩa thức ăn nhỏ và một vò rượu.
Do Nhân Kiệt cầm vò lên nếm thử một hớp, mới biết trong vò không phải là rượu, liền ngẩng lên lớn tiếng gọi :
- Này, phổ ky, có trà không? Nếu không có trà thì mang rượu đến đây!
Gã tửu bảo ngớ người :
- Tướng công bảo là...
Do Nhân Kiệt quơ quơ vò rượu trong tay :
- Không cần thứ này đâu, nước lã pha với chút rượu, uống vào khó chịu quá!
Gã tửu bảo không ngừng quệt tay vào yếm, ấp úng nói :
- Vậy... vậy...
Đại hán mặt vuông bỗng cười phá lên. Do Nhân Kiệt ngoảnh sang hỏi :
- Vị đại ca này cười gì vậy?
Đại hán mặt vuông đưa tay chỉ, cười ngặt nghẽo nói :
- Lão đệ tưởng mình đang uống gì nào? Nước lã ư? Ha ha! Tuyệt lắm, một sự so sánh rất đúng, nước lã pha với chút rượu...
Do Nhân Kiệt thắc mắt hỏi :
- Vậy chứ đó là gì?
- Đó là rượu Ngũ Phân để tiếp đãi khách tha hương nổi tiếng nhất vùng này.
- Rượu Ngũ Phân ư?
Gã tửu bảo cười giả lả xen lời :
- Vâng! Có một số khách tửu lượng kém, khạc khạc, nếu tướng công... thấy không đã thèm, uống xong bốn lạng này thêm bốn lạng đậm đà hơn vậy!
Do Nhân Kiệt tức giận, phải uống hết mới được đổi ư? Thật là khốn kiếp, đúng là người có mắt không tròng.
Chàng vừa định nổi đóa, chẳng ngờ đại hán mặt vuông đã giận dữ trầm giọng quát :
- Mẹ kiếp, ngươi rõ là mặt dày, lại dám bảo người ta uống hết mới đổi, lão tử thật tức không chịu nổi. Cho ngươi biết, lão tử cũng là người ngoại thương, mẹ kiếp, ngươi mà không ngoan ngoãn đổi mau, lão tử sẽ đập cho một trận ngay.
Gã tửu bảo kinh hãi, vội cười giả lả nói :
- Vâng, vâng! Xin đại gia nguôi giận, tiểu nhân đổi ngay đây!
Do Nhân Kiệt thấy đại hán mặt vuông này thật hào phóng dễ mến, bèn vòng tay vui vẻ hỏi :
- Đại ca phủ thượng ở đâu?
- Khai Phong! Còn lão đệ?
- À, thảo nào khẩu âm quen thế này, thì ra cũng là Khai Phong, đồng hương với tại hạ!
Đại hán mặt vuông ngạc nhiên :
- Lão đệ cũng là người Khai Phong sao khẩu âm Trung Xuyên nặng vậy?
Do Nhân Kiệt đương nhiên đâu thể cho biết vì mình phải đóng vai Ác Quân Bình nên lâu ngày thành quen, bèn cười nói :
- Tại hạ có người thân thích ở Xuyên Đông, tuy sinh tại Khai Phong, nhưng lại trưởng thành ở Xuyên Đông.
- À, ra vậy! Lão đệ hiện định đi đâu?
Do Nhân Kiệt buột miệng đáp :
- Không một nơi đến nhất định, lâu nay rất ngưỡng một thắng cảnh Tam Tương, định đến Động Đình trước để du ngoạn, còn đại ca?
- Chúng ta có thể đi cùng một quãng đường, mỗ đến Huê Dung!
Hai người càng chuyện trò càng tâm đầu ý hợp, sau cùng đã ngồi chung bàn với nhau. Đại hán mặt vuông có lẽ thấy Do Nhân Kiệt áo quần không được mới mẻ, nên y đã giành thanh toán tiền ăn uống.
Ra khỏi quán rượu, đại hán mặt vuông đề nghị :
- Chúng ta đi thuyền nhé?
Do Nhân Kiệt gật đầu cười :
- Tiểu đệ cũng có ý ấy, nhưng lần này thì đại ca đừng giành trả tiền nữa đấy!
Đại hán mặt vuông vội tiếp lời :
- Cái đó thì lão đệ yên tâm, mỗ đâu dám chịu đấm ăn xôi, mấy mươi đồng tiền rượu thì không đáng kể, chứ tiền thuyền thì đến hàng xâu, mỗ gánh không nổi đâu.
Do Nhân Kiệt càng thấy đối phương đáng kết giao hơn, bèn vừa đi vừa hỏi :
- Tiểu đệ đã quên thỉnh giáo, đại ca quý tánh đại danh?
Đại hán mặt vuông đáp :
- Mỗ là Hà Đại Bảo, mọi người đều gọi mỗ là Hà đại nhân, lão đệ cứ gọi vậy được rồi!
Do Nhân Kiệt cười :
- Hà đại nhân với Hà đại ca cũng vậy thôi, gọi là Hà đại ca không hay hơn sao?
Còn tiểu đệ là Do Nhân Kiệt!
Hà Đại Bảo bỗng hỏi :
- Do huynh đệ tuổi còn trẻ thế này sao không chịu khó học hành?
Do Nhân Kiệt không ngờ đối phương bỗng dưng lại hỏi như vậy, nhất thời không biết trả lời sao cho phải.
Hà Đại Bảo thấy chàng ngậm thinh, buông tiếng thở dài nói :
- Nỗi khó khăn của Do lão đệ, không nói ra mỗ cũng biết, rất tiếc là chuyện đi đến Huê Dung, công việc của mỗ chẳng rõ thành hay bại, bằng không mỗ cũng có thể giúp cho lão đệ một tay.
Do Nhân Kiệt biết đối phương đã hiểu lầm mình, song dẫu sao đó cũng là hảo ý, nên chàng cũng chẳng muốn giải thích, bèn buột miệng hỏi :
- Hà đại ca cần đến Huê Dung lo công việc, cớ sao lại từ Xuyên Trung đến?
Hà Đại Bảo lại buông tiếng thở dài :
- Chuyện dông dài lắm! Do lão đệ cũng là người Khai Phong, vậy có nghe nói đến Thiên Long phủ trước kia ở thành bắc đó không?
Do Nhân Kiệt gật đầu :
- Có nghe nói đến...
Trong lòng Do Nhân Kiệt hết sức lấy làm lạ, chẳng hiểu sao Hà Đại Bảo bỗng dưng lại nhắc đến Thiên Long phủ và y có mối quan hệ gì với Thiên Long phủ?
Hà Đại Bảo chậm rãi nói tiếp :
- Khi xưa mỗ đã từng làm việc trong Thiên Long phủ, vì bất mãn thái độ kiêu căng hống hách của vị Lệnh Hồ đại gia, mỗ đã xin nghỉ việc ra ngoài buôn bán. Mỗ vào phủ lúc mười bốn tuổi, khi ra đã ba mươi, làm được đúng mười sáu năm. Trong thời gian ấy, mỗ chỉ có được một thành quả duy nhất là theo mấy vị tổng quản học được mấy pho quyền cước. Chẳng phải huênh hoang với lão đệ, lão đệ đừng thấy mỗ tướng mạo ngờ nghệch là vậy, nhưng bảy tám người bình thường, mỗ cũng không ngán đâu!
Do Nhân Kiệt gật đầu :
- Cái đó thì tiểu đệ đã nhận thấy!
Hà Đại Bảo lại buông tiếng thở dài :
- Nhưng cũng chính vì vậy mà đã báo hại mỗ, mỗ vốn không phải là một loại người làm ăn buôn bán, có một lần say rượu đã đả thương một người khách. Tại đó không dung thân được nữa, đành đến Xuyên Trung tìm bè bạn. Trong mấy năm qua ngoài no bụng ra, chẳng có chút tích sự gì cả. Mãi đến hồi cuối tháng trước mới nghe được một tin lành, bảo là ở Huê Dung có một tiêu cục...
Do Nhân Kiệt kinh ngạc, tiêu cục ư? Từ khi Thiên Ma giáo hoàng hành giang hồ đến nay, chẳng ai còn dám hành nghề ấy nữa, ngay cả mười mấy tiêu cục ở Quang Lạc đều đã lần lượt đóng cửa hồi hai năm trước. Huê Dung ở gần Thiên Ma giáo thế này, làm sao có thể còn một tiêu cục? Đây nhất định là có vấn đề!
Chàng buột miệng hỏi :
- Tiêu cục ấy tên là gì vậy?
Hà Đại Bảo lắc đầu :
- Chưa biết!
- Vậy thì...
- Việc là thế này, nghe đâu chủ nhân tiêu cục ấy rất có hùng tâm, nếu không làm thì thôi, còn như đã làm thì phải làm cho to tát.
- Ý đại ca muốn nói là tiêu cục ấy còn đang tổ chức phải không?
- Phải! Tiêu cục ấy sau khi thành lập, nghe đâu ngoài tổng cục ở Huê Dung, lại còn đặt phân cục ở các nơi Quang Lạc, Hoài Dương, Sơn Đông và Hà Nam, nên phải còn rất nhiều nhân thủ, lương hướng cũng khá hậu hĩ, chỉ cần được thu nhận, chẳng những không lo việc ăn mặc...
Do Nhân Kiệt vẫn nhận thấy không thể có vậy được, nếu đúng như Hà Đại Bảo đã nói, vị tiêu cục chủ tương lai ấy nhất định là một nhân vật lừng danh trong giới võ lâm. Mà đã là một nhân vật như thế lẽ nào lại làm ngơ trước đại thế của võ lâm hiện nay? Đồng thời, Thiên Ma giáo đang khi hưng thịnh thế này, lẽ nào lại để cho kẻ khác thành lập một tiêu cục?
Nếu quả thật muốn mở tiêu cục thì cũng được, nhưng chủ nhân phải là Thiên Ma giáo chủ! Đây có thể nào chính là một vụ lừa bịp hầu khuếch trương thế lực của Thiên Ma giáo chăng? Theo như sự hiểu biết của chàng thì không thể có vậy được! Bởi một đại sự như vậy theo quy định của Thiên Ma giáo là phải được hội nghị hộ giáo thông qua. Chàng từ Tổng đàn ra đi chưa đầy hai mươi ngày, đâu hề nghe nói đến có một kế hoạch như vậy.
Do Nhân Kiệt nhất thời cũng chưa dám khẳng định là Hà Đại Bảo phải chăng đã nghe lầm lời đồn đại. Tuy nhiên, có một điều là chàng đã quyết định, bất luận sự việc này thật hay giả, chàng cũng phải đến Huê Dung điều tra cho minh bạch, không thể trơ mắt nhìn Hà Đại Bảo vì cuộc sống mà sa vào con đường lầm lạc.
Trước khi rõ sự thật, chàng cũng chẳng nghĩ ra được gì để nói, đành xuôi theo câu chuyện của đối phương hỏi :
- Lương hậu đến mức nào vậy?
Hà Đại Bảo liền phấn khởi đáp :
- Nói ra có lẽ lão đệ cũng chẳng tin...
Do Nhân Kiệt thầm nhủ, sao ta lại không tin chứ? Kẻ này thật muốn cho đại ca biết là thù lao càng cao thì vấn đề càng lớn. Trên cõi đời này không một người buôn bán nào chưa biết lợi nhuận bao nhiêu mà lại dám bỏ một số tiền to tát trước cả.
Hà Đại Bảo nói tiếp :
- Nghe đâu những tiêu đầu được tiêu cục ấy thu nhận thảy đều gọi là võ sư, và võ sư lại được chia làm ba cấp, cấp thứ nhất là huỳnh y võ sư, thứ nhì là bạch y võ sư và thứ ba là hắc y võ sư. Huỳnh y võ sư lương tháng ba trăm lạng, bạch y võ sư năm mươi lạng và hắc y võ sư hai mươi lạng. Lão đệ thử nghĩ xem, sự hậu hĩ như vậy ở đâu mà có được? Mỗ cũng chẳng có chí lớn gì, chỉ cần được một chức vụ hắc y võ sư là đủ mãn nguyện lắm rồi!
Bây giờ thì Do Nhân Kiệt đã tin hoàn toàn đó là sự thật. Không gọi “tiêu đầu” mà gọi là “võ sư”, võ sư lại chia làm ba cấp trùng hợp với ba màu vàng, trắng đen, nếu bảo đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên thì ai tin được?
Phải, việc này không liên quan đến Thiên Ma giáo, nhưng qua việc võ sư được chia làm ba màu sắc vàng trắng đen, thì đủ biết vị tiêu cục chủ này là ai rồi!
Lúc này hai người đã đi đến bờ sông, vừa lúc đó có chiếc thuyền đi đến Nhạc Dương, hai người hỏi giá xong liền lên thuyền ngay.
Hôm sau, Do Nhân Kiệt gọi Hà Đại Bảo ra sau đuôi thuyền, xem rõ chỉ có một người chèo lái, chàng thấp giọng hỏi :
- Hà đại ca, việc đã nói hôm qua, đại ca đã nghe được ở đâu vậy?
- Từ một người bạn của người bạn!
- Hà đại ca sao biết được là việc ấy đáng tin cậy?
- Người bạn ấy không bao giờ nói dối với mỗ, và bạn của y hẳn cũng không lừa dối y, nên mỗ hết sức tin tưởng.
Do Nhân Kiệt gật đầu thầm nghĩ, đạo lý ấy nghe thì đơn giản, nhưng thật ra rất là thâm thúy, ta thành thật với người, người ắt thành thật với ta.
Chàng lại hỏi :
- Tiểu đệ cũng từ Xuyên Trung đến, nhưng chưa hề nghe nói đến việc này, đủ thấy đây hãy còn là một đại bí mật đối với bên ngoài. Hà đại ca khi đến Huê Dung sẽ bắt đầu từ đâu?
- Đến Hoa Gia lầu ở ngoại ô phía sau, tìm một vị Hoa đại quan nhân!
- Chỉ với hai tay không thế này ư?
- Không, khi gặp nhau có một câu ám hiệu, đáp đúng rồi mới được vào cửa.
- Câu ám hiệu đó là gì?
- Một câu đối nghịch! Chẳng hạn như người tiếp lão đệ hỏi “Vừa mới đến ư”?
Lão đệ đáp là “Đã đến lâu lắm rồi”. Nói tóm lại, bất luân đối phương nói gì, câu trả lời của lão đệ phải có nghĩa tương phản.
- Cũng khá thú vị đấy! Vậy là cả tiểu đệ cũng có thể đến đó phải không?
Hà Đại Bảo ngạc nhiên :
- Lão đệ đến đó làm gì?
Do Nhân Kiệt mỉm cười :
- Chả lẽ Hà đại ca tưởng tiểu đệ là một thư sinh vô dụng thật ư?
Hà Đại Bảo trố to mắt :
- Lão đệ...
Đoạn lắc đầu nói tiếp :
- Mỗ không tin, dù thế nào cũng không tin!
Do Nhân Kiệt cười :
- Làm sao mới khiến cho Hà đại ca tin nào?
Hà Đại Bảo đáp :
- Nếu như lão đệ không nói đùa thì phải thi thố vài chiêu cho mỗ xem trước, lúc ấy mỗ mới tin!
- Tiểu đệ nói thật đấy!
- Mỗ vẫn không tin!
Do Nhân Kiệt cười bông đùa :
- Đại ca chịu tin lời bạn của đại ca mà lại không chịu tin lời tiểu đệ, phải chăng cho là tiểu đệ không đủ tư cách làm bạn của đại ca?
Hà Đại Bảo lắc đầu :
- Lão đệ đừng nói khích, lão đệ càng nói vậy, mỗ càng không tin. Giữa bạn bè với nhau miễn là không quá đáng, nói đùa cho vui đâu phải là không được.
Do Nhân Kiệt ngẫm nghĩ chốc lát, cười nói :
- Thế này vậy, tiểu đệ luyện tập binh khí nên chẳng tiện thi thố, bây giờ tiểu đệ xin bêu xấu, biểu diễn khí công được chăng?
Hà Đại Bảo bán tín bán nghi móc ra một đồng tiền xanh nói :
- Cũng được, lão đệ chỉ cần ấn được đồng tiền vào trong mạn thuyền là mỗ tin ngay!
Do Nhân Kiệt đón lấy đồng tiền, cười nói :
- Hà đại ca có làm được như vậy không?
Hà Đại Bảo xem xét chất gỗ của mạn thuyền, đoạn nói :
- Gỗ của chiếc thuyền này rất rắn chắc, tuy không thể ấn vào hết được, nhưng chừng bảy phần thì có thể.
Do Nhân Kiệt cười cười, không nói gì nữa, năm ngón tay chầm chậm nắm lại nhẹ vung tay vỗ vào mạn thuyền, đoạn quay lại cười nói :
- Thế nào?
Hà Đại Bảo thấy chỗ mạn thuyền vẫn bằng phẳng như trước, bật cười ha hả nói :
- Lão đệ khéo đùa thật!
Do Nhân Kiệt mỉm cười :
- Hà đại ca nhìn rõ chưa?
Hà Đại Bảo đưa tay chỉ, cười to :
- Rất rõ, đồng tiền hãy còn trong kẻ tay lão đệ!
Do Nhân Kiệt xòe tay ra :
- Ở đâu?
- Vậy là đã ném xuống sông rồi!
- Hà đại ca đã nhìn thấy tiểu đệ ném xuống sông ư?
- Không, nhưng thủ pháp ấy chẳng có gì lạ, những trò xảo thuật ở thành đô cao minh hơn nhiều.
Do Nhân Kiệt tắt nụ cười, cúi đầu ngẫm nghĩ, lát sau ngẩng lên nghiêm chỉnh nói :
- Tiểu đệ có câu này, nói ra xin Hà đại ca chớ trách!
Hà Đại Bảo ngẩn người :
- Lão đệ giận ư?
Do Nhân Kiệt thành khẩn nói :
- Tiểu đệ tuy chưa từng lĩnh giáo thân thủ của Hà đại ca, nhưng qua mục lực của Hà đại ca, tiểu đệ thấy chuyến đi Huê Dung của đại ca có lẽ sẽ hoài công thôi!
Hà Đại Bảo trố mắt :
- Lão đệ muốn nói là...
- Cho dù Hà đại ca chỉ ước được một chức hắc y võ sư, e rằng cũng khó thể toại nguyện!
Hà Đại Bảo không cho đó là đường đột, chỉ chớp mắt thắc mắc hỏi :
- Mục lực của mỗ kém cỏi như thế nào?
Do Nhân Kiệt cúi xuống, dùng ngón tay quạt một cái lên mạn thuyền, đoạn đứng thẳng lên, đưa ngón tay ra trước mặt Hà Đại Bảo nói :
- Hà đại ca hãy xem đây là gì?
Hà Đại Bảo sửng sốt :
- Lão đệ... đã bóp nát đồng tiền ư?
Do Nhân Kiệt biết trong tiếng sóng ầm ì, gã chèo láo không thể nghe được tiếng nói của hai người, bèn nghiêm chỉnh nói :
- Hà đại ca là người bộc trực, tiểu đệ không thể mà cũng không dám nói dối với đại ca. Theo sự suy luận của tiểu đệ, tiêu cục ở Huê Dung hiển nhiên không phải là một nơi tốt lành. Tuy nhiên, chính vì vậy mà tiểu đệ thấy cần phải đến đó một phen.
Hà Đại Bảo chẳng vì Do Nhân Kiệt võ công cao thâm mà thay đổi thái độ, chơm chớp mắt nói :
- Mỗ đã hiểu ý lão đệ rồi, nhưng...
Do Nhân Kiệt mỉm cười :
- Nhưng lo tiểu đệ không chắc được thu nhập chứ gì?
- Phải!
- Hà đại ca biết từ đây đến Huê Dung phải cần mấy ngày không?
Hà Đại Bảo thoáng nghĩ rồi đáp :
- Nhanh lắm cũng phải mười một, mười hai ngày!
- Khi đến Huê Dung, nếu bốn năm hôm sau chúng ta mới đến ứng tuyển thì có sao không?
- Đương nhiên là không!
- Vậy thì trong thời gian trên thuyền, Hà đại ca hãy nói ra chiêu thức quyền cước mà đại ca đã học được, để tiểu đệ nghiên cứu, sau đó đến Huê Dung tìm một nơi nào đó luyện tập bốn năm hôm, như vậy Hà đại ca thấy có hữu ích không?
* * * * *
Nửa tháng sau, trước Hoa Gia lầu ở Huê Dung bỗng xuất hiện một đại hán mặt vuông thân hình vạm vỡ và một thanh niên áo lam anh tuấn nho nhã.
Ra mở cửa là một lão bộc lưng gù, sau khi đưa mắt nhìn hai người, lão bộc lưng gù ngẩng lên hỏi :
- Hai vị chưa từng đến đây bao giờ phải không?
Đại hán mặt vuông cười nói :
- Lão quản gia thật chóng quên, chúng tôi đã đến đây nhiều lần lắm rồi!
Lão bộc quay sanh thanh niên áo lam nói :
- Công tử thấy vị này nói thật buồn cười, lão hán chỉ mới lần đầu gặp y, vậy mà y lại bảo đã đến đây nhiều lần rồi!
Thanh niên áo lam mỉm cười :
- Không lâu đâu, chính là nơi đây!
Lão bộc lại đưa mắt nhìn hai người từ đầu đến chân, sau cùng nhún nhún vai, thở dài nói :
- Thôi được, thôi được, vào đi!
Đoạn nghiêng người nhường cho đối phương đi vào rồi cài then cửa lại. Bên trong là một vườn cây được chăm sóc rất ngay ngắn, đi qua một con đường nhỏ lát đá, trước mặt là một đại sảnh tráng lệ.
Lão bộc đưa hai người vào trong đại sảnh, đoạn nói :
- Xin hai vị hãy chờ chốc lát!
Dứt lời liền đi ra sau đại sảnh. Lát sau, trên hành lang sau đại sảnh vọng đến vài tiếng ho, rồi từ sau bình phong chậm rãi bước ra một lão nhân áo xám tay nâng ống điếu.
Lão bộc lưng gù theo sau lão nhân áo xám vội bước nhanh tới giới thiệu :
- Đây là Hầu sư gia!
Lão nhân áo xám xuất hiện, đại hán mặt vuông và thanh niên áo lam đều thoáng ngẩn người. Sau khi nhìn rõ mặt hai người, lão nhân áo xám dường như cũng rất ngạc nhiên, thì ra vị Hầu sư gia này chẳng phải ai xa lạ, chính là lão nhân áo lam rách rưới mà hai người đã gặp trong quán rượu nghèo tại trấn Sa Khê hồi nửa tháng trước.
Lão bộc ngơ ngẩn nói :
- Thì ra mọi người...
Hầu sư gia khoát tay ngắt lời :
- Đây không còn việc của lão nữa, hãy lui ra đi!
Chờ cho lão bộc lưng gù đi khỏi, Hầu sư gia quay sang hai người chìa tay ôn tồn nói :
- Xin mời ngồi!
Hai người ngồi xuống xong, Hầu sư gia mỉm cười hỏi :
- Hai vị đi thuyền đến phải không?
Do Nhân Kiệt khom mình đáp :
- Vâng!
- Trong hai vị, ai là người nghe tin bổn trạch chiêu thỉnh võ sư trước.
Hà Đại Bảo đáp :
- Hà mỗ đây!
- Hà huynh đài tên và ngoại hiệu xưng hô thế nào?
- Hà Đại Bảo, ngoại hiệu là Hà đại nhân!
Hầu sư gia mỉm cười, quay sang Do Nhân Kiệt hỏi :
- Còn vị lão đệ đây?
- Vãn sinh Do Nhân Kiệt, cùng là người Khai Phong với Hồ huynh đây, hôm trước trong quán rượu ở Sa Khê, sư gia đã biết rồi, sau đó hai người bởi tâm đầu ý hợp nên đã rủ nhau đi cùng thuyền. Ở trên thuyền được Hà huynh cho biết là vị đại quan nhân ở đây có ý định thành lập một tiêu cục, đang chiêu mộ võ sư. Vãn sinh cũng có học được chút quyền côn, nên chẳng quản mạo muội đến đây ứng tuyển, những mong sư gia nâng đỡ nhiều cho!
- Sư thừa của lão đệ là ai?
- Gia sư là Từ Thích Chi, ngoại hiệu Tửu Tẩu!
- À, thì ra là Tửu Tẩu Từ Thích Chi trong Thiên Long Lục Tào ư?
- Vâng!
Hầu sư gia bỗng buông tiếng thở dài :
- Một tòa Thiên Long phủ đường hoàng khí phái, và Trung Nghĩa nhị trang... Ôi!
Nhắc đến việc ấy thật không khỏi xót xa... Hôm lệnh sư ngộ nạn, lão đệ không có mặt trong trang ư?
Do Nhân Kiệt cúi đầu :
- Không!
- Lão đệ có biết Thiên Long phủ và Trung Nghĩa nhị trang đã bị hủy bởi tay ai không?
- Vãn sinh có nghe nói đại khái, song thân cô thế yếu, lòng có thừa mà sức chẳng đủ, thật hổ thẹn với vong linh của ân sư.
- Lão đệ cũng đừng nên tự trách như vậy, chỉ cần lão đệ có lòng, cố gắng cầu tiến, trong tương lai lẽ nào lại chẳng có cơ hội!
- Đa tạ sư gia đã chỉ dạy cho! Đại quan nhân ở đây trong lúc này lại có đủ nghị lực tổ chức tiêu cục, đó chính là nguyên nhân đã khiến vãn sinh kiên quyết đến đây.
Hầu sư gia trầm ngâm gật đầu :
- Tốt lắm! Vậy hai vị hãy theo lão vào trong gặp hai vị võ sư phụ trách chủ thí tại đây!
Đoạn đứng lên, dẫn ra khỏi đại sảnh, đi qua một khoảng sân vườn, lại gặp một đại sảnh, cứ thế hết khu này đến khu khác, qua khỏi năm sáu khu mới đến một con đường tăm tối, rồi đến một khoảng sân phủ cát, trên có mái che và bốn bề tường cao vây bọc.
Vào đến trong sân liền nghe có tiếng ồn ào, những tráng hán rải rác đứng khắp nơi, không dưới bốn mươi người, kẻ luyện binh khí, người đấu quyền chưởng, cũng có một số đang tán gẫu.
Hầu sư gia dẫn hai người đến một góc, đưa tay chỉ hai người đàn ông trung niên mặc áo dài nói :
- Hai vị kia chính là Mạc võ sư và Đơn võ sư!
Do Nhân Kiệt ngẩng lên nhìn, bất giác ngớ người.
Thì ra hai võ sư ấy chẳng phải ai khác, chính là Nhất Kiếm Phong Quan và Lưu Tinh Song Quyền trong số Đại Thiên Tứ Khách.
Nhất Kiếm Phong Quan mỉm cười nói :
- Vị lão đệ này đã từng gặp Mạc mỗ rồi phải không?
Do Nhân Kiệt không ngờ đối phương ánh mắt lại sắc bén đến vậy, không khỏi giật mình kinh hãi. Bởi chàng tuy đã cất giấu đôi Tam Lăng thích ở nơi khác, song ngọn lệnh kỳ hộ giáo hết sức quan trọng vẫn còn mang theo trên mình, nay nếu lời nói ấp úng, khiến đối phương sinh lòng ngờ vực, soát ra lệnh kỳ thì hậu quả sẽ khó lường.
Vì vậy, chàng chẳng còn cách nào hơn, đành cắn răng gật đầu nói :
- Vâng!
- À, ở đâu vậy?
Do Nhân Kiệt chẳng chút đắn đo, đáp ngay :
- Thiên Long phủ!
Nhất Kiếm Phong Quan sửng sốt :
- Lão đệ nói ở đâu? Thiên... Long phủ ư?
Do Nhân Kiệt vốn chỉ là nói bừa, lúc này chợt nảy ý, bèn vờ chớp mắt nói :
- Có một lần tại hạ theo gia sư đến Thiên Long phủ, từng gặp một hiệp sĩ bạch y tại đó, tôn giá chẳng phải vị hiệp sĩ ấy thì còn là ai nữa?
Thì ra chàng sực nhớ đến Hoa Sơn Bạch Y Hiệp trong Kim Bút Tứ Hữu có phần giống Nhất Kiếm Phong Quan này, nên bèn nói quàng như vậy, nhận lầm người hẳn đâu có tội tình gì?
Nhất Kiếm Phong Quan thắc mắc hỏi :
- Đó là lúc nào?
Do Nhân Kiệt ngẫm nghĩ chốc lát, đoạn nói :
- Cũng khoảng bốn năm năm rồi!
- Bốn... năm... năm ư?
Thế là Do Nhân Kiệt yên tâm, qua thái độ của đối phương, nhất định Nhất Kiếm Phong Quan này đã từng đến Thiên Long phủ, chỉ có điều là không phải hồi bốn năm năm trước mà thôi.
Chàng đưa tay chỉ thanh trường kiếm bên lưng đối phương nói :
- Vâng! Tại hạ còn nhớ, hôm ấy tôn giá cũng đã đeo thanh trường kiếm này đây!
Nhất Kiếm Phong Quan chau mày :
- Lão đệ không nhìn lầm người chứ?
Do Nhân Kiệt chưa kịp đáp thì Lưu Tinh Song Quyền đứng cạnh bỗng cười ha hả nói :
- Lão Mạc rõ thật lẩn thẩn, chả lẽ còn chưa hiểu ra đó là Hoa Sơn Bạch Y Hiệp Nhiếp Văn Vệ hay sao?
Nhất Kiếm Phong Quan bật cười :
- À, mọi người đều bảo Mạc mỗ rất giống Bạch Y Hiệp Nhiếp Văn Vệ, lâu nay Mạc mỗ vẫn không tin, bây giờ xem ra không tin cũng chẳng thể được.
Hầu sư gia nhân cơ hội này giới thiệu :
- Vị này là Hà Đại Bảo, lão đệ này là Do Nhân Kiệt, cao túc của Tửu Tẩu Từ Thích Chi tiền bối, một trong Thiên Long Lục Tào!
Nhất Kiếm Phong Quan và Lưu Tinh Song Quyền nghe nói Do Nhân Kiệt là truyền nhân của Thiên Long Lục Tào, đều khẽ à lên một tiếng, như hết sức ngạc nhiên.
Hầu sư gia giới thiệu xong, lần lượt vòng tay thi lễ với bốn người, đoạn quay người bỏ đi.
Lưu Tinh Song Quyền quay sang Hà Đại Bảo hỏi :
- Hà bằng hữu sư thừa là ai vậy?
Hà Đại Bảo thẳng thắn đáp :
- Mỗ chẳng có sư thừa nào cả!
- Hà bằng hữu ý nói là...
Hà Đại Bảo ưỡn ngực :
- Thú thật mỗ chính là xuất thân từ một kẻ làm công trong Thiên Long phủ, hôm nay mấy pho quyền cước đều do học trộm, ngay cả bản thân mỗ cũng không rõ mình có tài cán là bao, các người cứ chỉ định một hắc y võ sư cùng mỗ tỉ thí vài chiêu, nếu thắng hãy nói đến việc khác, còn như mỗ thua thì chẳng có gì để nói, lập tức vỗ đít bỏ đi ngay.
Lưu Tinh Song Quyền biết y là một kẻ khờ khạo, gật đầu cười nói :
- Được thôi!
Đoạn quét mắt nhìn quanh, sau đó ngoắc tay vời một hán tử đang đứng trước giá để binh khí tán gẫu với người khác, lớn tiếng nói :
- Lương sư phụ, hãy đến đây!
Hán tử họ Lương liền chạy đến, y là một hắc y võ sư tuổi ngoài ba mươi, mình trần trùng trục, hai bắp tay nhô cao rắn chắc, thoáng nhìn cũng biết là một cao thủ quyền cước.
Hắc y võ sư họ Lương đến gần, cung kính nói :
- Đơn sư phụ có điều chi chỉ dạy?
Lưu Tinh Song Quyền đưa tay chỉ Hà Đại Bảo nói :
- Vị Hà bằng hữu này mới đến, Lương sư phụ hãy hầu tiếp vị ấy vài chiêu!
- Vâng!
Lương võ sư quay nhìn Hà Đại Bảo từ đầu đến chân, đoạn sải bước ra sân, ôm quyền cao giọng nói :
- Xin Hà bằng hữu thí giáo!
Đoạn tay phải co vào, tay trái chỉ ra trước, với thế “Phong Vũ Dục Lai” rất thường thấy trong công phu quyền chưởng đón chờ.
Hà Đại Bảo bước ra sân đứng lại, hai mắt chằm chặp nhìn vào Lương võ sư.
Lương võ sư nói :
- Hà bằng hữu xin mời!
Hà Đại Bảo chỉ tay :
- Đó là chiêu thức gì vậy?
Lương võ sư ngớ người, y thật không dám tin một người luyện quyền chưởng mà lại không biết thế khởi thủ này, nhất thời chẳng biết trả lời sao cho phải.
Lưu Tinh Song Quyền đứng cạnh khẽ hắng giọng nói :
- Đó là chiêu “Phong Vũ Dục Lai”, một thế khởi thủ thông thường khi giao đấu!
Hà Đại Bảo ngoảnh sang hỏi :
- Tại sao lại phải làm như vậy?
Các võ sư gần đó nghe nói vậy đều chưng hửng đưa mắt nhìn nhau, những võ sư khác thấy vậy cũng liền tạm ngưng thao diễn, đổ xô đến xúm quanh xem.
Nhất Kiếm Phong Quan quay sang Do Nhân Kiệt thấp giọng hỏi :
- Lão đệ quen với vị Hà bằng hữu ấy bao lâu rồi?
Do Nhân Kiệt mỉm cười :
- Điều ấy thì Hầu sư gia biết rất rõ, chỉ mới vài tháng thôi! Vị Hà huynh ấy tuy trông có vẻ lờ khờ, nhưng lòng dạ rất là chính trực, có điều chưa biết thân thủ ra sao.
Nhất Kiếm Phong Quan gật đầu, không nói gì nữa.
Thật ra Hà Đại Bảo sở dĩ như vậy chính là do Do Nhân Kiệt đã chỉ điểm, cố ý làm ra. Hai người sau khi bàn bạc, quyết định ngay lúc đầu là nên để lại ấn tượng sâu sắc cho đối phương như vậy sau này mới có khả năng được trọng dụng, bằng không nếu tiến thoái theo mọi người thì sẽ mất đi ý nghĩa trà trộn vào đây.
Lúc này, ngay cả Lưu Tinh Song Quyền cũng không biết trả lời sao cho phải.
Sau cùng Nhất Kiếm Phong Quan đến gần giải thích :
- Ấn chứng có tính hữu nghị khác với đối địch giao chiến, sử dụng thế khởi thủ ấy là có dụng ý để cho đối thủ có thời gian chuẩn bị, đồng thời cũng có thể qua đó cùng nhau hiểu được quyền lộ và hỏa hầu của đối phương, do đó rất nhiều cao thủ võ lâm chỉ cần nhìn tư thế khởi thủ của đối phương, không cần thật sự giao đấu đã chịu thua bại, chính là đại lý ấy.
Hà Đại Bảo sầm mặt :
- Rõ là vớ vẩn!
Nhất Kiếm Phong Quan vội nói :
- Mạc mỗ chẳng qua chỉ ví dụ thôi.
Hà Đại Bảo vênh mặt :
- Mỗ chưa từng chính thức bái sư, chẳng biết gì về những trò ấy. Mỗ chỉ biết một câu “Thắng làm vua, thua làm giặc”, nắm tay người nào cứng thì người ấy là lão đại!
Đoạn quay sang Lương võ sư lớn tiếng nói :
- Lương bằng hữu hãy cẩn thận, hai nắm tay của Hà Đại Bảo này đã từng đánh gục rất nhiều người giống như bằng hữu rồi đấy!
Lương võ sư mỉm cười gật đầu :
- Không sao, bằng hữu cứ việc phóng tay thi thố!
Hà Đại Bảo hữu quyền vung lên, bỗng quát to :
- Chiêu thứ nhất “Hắc Hổ Thâu Tâm”!
Quả nhiên sấn thẳng tới, với chiêu “Hắc Hổ Thâu Tâm” tống thẳng vào ngực Lương võ sư.
Lương võ sư thầm nực cười, chưa xuất chiêu đã nói ra trước, thật chẳng rõ vị sư phụ nào đã dạy cho!
Bèn ung dung lùi sau nửa bước, thoáng thụp người cho vững chân tấn, sau đó tay phải vung lên, với thế “Hoành Giá Kim Lương” đón tiếp.
Hà Đại Bảo không chững người, hữu quyền quơ nhẹ và quát to :
- Chiêu thứ nhì... vẫn là “Hắc Hổ Thâu Tâm”!
“Vù” một tiếng, quyền lộ trở về nguyên trạng, vẫn với tư thế trước đâm thẳng tới.
Lương võ sư cứ tưởng đối phương đổi chiêu thức mới, tay phải vừa rụt về thì quyền phong đã đến gần, rồi thì mắt hoa lên, trước ngực đã bị trúng một quyền.
Những võ sư đứng quanh xem liền cười ồ lên!
Hà Đại Bảo vội đến đỡ Lương võ sư dậy, rốt rít nói :
- Xin lỗi! Xin lỗi! Mỗ vốn định đổi một chiêu khác, nhưng nhất thời không nghĩ ra được chiêu nào có thể sử dụng. Lần này không kể! Lần này không kể, chúng ta hãy làm lại từ đầu.
Lương võ sư lắc đầu :
- Thôi, thua là thua rồi!
Hà Đại Bảo quay người hỏi :
- Vậy có được kể là thắng không?
Nhất Kiếm Phong Quan mỉm cười gật đầu :
- Đương nhiên là được! Sách có câu “Binh bất yếm trá”, cho dù là Hà huynh vô ý, nhưng Hà huynh đã thắng trận này, đó là sự thật!
Hà Đại Bảo quay sang Do Nhân Kiệt cười ngạo nghễ nói :
- Hà Đại Bảo này đã có được một chức hắc y võ sư, bây giờ đến lượt lão đệ!
Do Nhân Kiệt mỉm cười :
- Tiểu đệ e là không được may phước như Hà huynh đâu!
Phen này ngay cả Lương võ sư cũng phải phì cười, lúc này hầu hết võ sư hiện diện kể cả Lương võ sư đều cho là Hà Đại Bảo thắng được trận vừa qua là do may mắn, nhờ té ngã mà nhặt được vàng, chứ không cho là Lương võ sư tài nghệ kém người.
Chờ cho các võ sư dứt cười, Nhất Kiếm Phong Quan quay sang Do Nhân Kiệt hỏi :
- Do lão đệ có muốn thử vài chiêu không?
Do Nhân Kiệt thoáng ngẫm nghĩ, đoạn ngẩng lên nói :
- Tại hạ luyện là binh khí, một khi xuất thủ e khó lưỡng toàn, nên tại hạ tự một mình bêu xấu thôi, nhờ nhị vị giáo đàn chỉ giáo thêm cho, chẳng hay có được chăng?
Lưu Tinh Song Quyền gật đầu :
- Cũng như nhau thôi!
Do Nhân Kiệt bèn đi đến giá binh khí lấy ra một ngọn phán quan bút, chậm bước đi vào giữa sân.
Trước tiên chàng hướng về Nhất Kiếm Phong Quan và Lưu Tinh Song Quyền ôm bút thi lễ, sau đó xá một vòng với những võ sư vây quanh, đoạn ung dung thi triển pho Thần Tiên Thập Bát Tản Thủ là chính, phối hợp với một phần Kim Bút chiêu pháp.
Một pho bút pháp thi triển xong, toàn thân không dính chút bụi, khí định thần nhàn như trước.
Chúng võ sư thấy chàng thần thái lẩm liệt, khiêm tốn ung dung, vốn đã có sẵn thiện cảm, giờ đây lại thấy bút pháp của chàng hỏa hầu cao thâm, chiêu thức tân kỳ, càng thêm khâm phục vô cùng.
Do đó, bút chiêu của chàng vừa tắt, xung quanh liền vang lên tiếng hoan hô như sấm động.
Nhất Kiếm Phong Quan cùng Lưu Tinh Song Quyền cũng chạy vào trong sân, một nắm tay và một vỗ vai, đều lộ vẻ hết sức vui mừng nói :
- Lão đệ khá lắm! Khá lắm!
Do Nhân Kiệt vòng tay cảm tạ.
Nhất Kiếm Phong Quan mỉm cười hỏi :
- Lão đệ mới vừa thi triển phải chăng là Kim Bút bút pháp của Lệnh Hồ đại hiệp?
Do Nhân Kiệt thoáng ngẫm nghĩ :
- Tại hạ cũng không rõ lắm, vì tại hạ chưa từng thấy qua bút pháp của Lệnh Hồ đại hiệp bao giờ. Chỉ theo tiên sư cho biết, võ công của Lục Tào đều từng được Thiên Long lão nhân chỉ điểm, có thể trong đó có thêm vô phần nào nào chiêu thức Kim Bút cũng chưa biết chừng.
Nhất Kiếm Phong Quan ra chiều hài lòng gật đầu nói :
- Mạc mỗ cũng nhận xét như vậy...
Đêm hôm ấy, trong một thư phòng nhỏ ở hậu viện, Nhất Kiếm Phong Quan và Lưu Tinh Song Quyền hỏi Hầu sư gia :
- Theo sư gia thì hai tên tiểu tử họ Hà và họ Do có tin cậy được chăng?
Hầu sư gia him híp đôi mắt chuột, cười nham hiểm nói :
- Đằng nào cũng là thứ tiên phong đi đầu, tin cậy được hay không thì có gì khác nhau?
Lưu Tinh Song Quyền hỏi :
- Vậy theo sư gia thì nên cho tên Do tiểu tử ấy danh nghĩa là gì?
Hầu sư gia đưa tay nhẹ vuốt bộ râu dê lún phún vàng và cứng, ngẫm nghĩ một hồi mới nói :
- Tuổi trẻ hiếu danh hơn hiếu lợi, chỉ cần nâng lên một chút là chắc chắn sẽ càng ra sức nhiều hơn, cứ cho hắn danh nghĩa huỳnh y võ sư cũng được.
Nhất Kiếm Phong Quan gật đầu :
- Pho bút pháp của tiểu tử ấy khá cao cường, thật ra cũng rất xứng đáng là một huỳnh y võ sư!
Hầu sư gia như sực nhớ ra, ngẩng lên trố mắt hỏi :
- Mạc sư phụ đã trông rõ pho bút pháp của tiểu tử ấy không hoàn toàn giống bút pháp của Lệnh Hồ Huyền chứ?
Nhất Kiếm Phong Quan gật đầu :
- Vâng, Mạc mỗ đã chú ý quan sát, chỉ có bốn năm phần là giống nhau thôi!
Hầu sư gia chầm chậm nói :
- Chỉ cần không phải truyền nhân chính tông của võ học Thiên Long, thu nhận cũng chẳng hề gì. Bằng không, chúng ta chẳng thể không đề phòng lão Tiêu Dao phái người tiềm phục, vậy thì khó mà trả lời được với Thái Phó giáo chủ.
Lưu Tinh Song Quyền tiếp lời :
- Xin hỏi Hầu sư gia, Tổng đàn có cho biết bao giờ mới thành lập tiêu cục này chưa?
Hầu sư gia lắc đầu :
- Chưa! Nhưng có lẽ cũng sắp rồi!
Ba hôm sau, lại có một nhân vật giang hồ đến, người ấy tự xưng là môn hạ Thiên Tài, tên là Bùi Gia Tinh, chuyên sử dụng một pho Xuyên Vân chưởng pháp, công lực khá cao thâm, kết quả được thu nhận là bạch y võ sư.
Do Nhân Kiệt thấy vị Bùi Gia Tinh ấy càng nhìn càng thấy quen, nhưng nhất thời không nhớ ra được đã gặp tại đâu. Cuối cùng, sau khi trải qua một phen lục tìm trí nhớ, chàng đã biết Bùi Gia Tinh ấy chính là Tam Mục Thần Ưng Hạ Thủ Đạo, Bạch kỳ hộ pháp thuộc Huyết Chưởng đường trong Thiên Ma giáo.
Tam Mục Thần Ưng lúc này ngoại mạo có điểm khác, nhất là nốt ruồi to ở giữa chân mày, chẳng rõ đã được khử bỏ bằng cách nào, lại thêm vào một bộ râu rậm, thoáng nhìn cơ hồ hoàn toàn biến thành một người khác.
Do Nhân Kiệt sau khi khám phá ra thân phận của tên hộ pháp Thiên Ma này, nhất thời hết sức phân vân khó xử.
Chàng hết sức căm ghét Tam Mục Thần Ưng, nhớ hồi ở Phân đàn Tương Dương, lúc Vu Khê lão quái đến vấn tội, y chẳng những không viện thủ mà còn nháy mắt ngăn cản Hoa Hoa công tử can thiệp, đủ rõ y là một kẻ tiểu nhân thâm hiểm.
Thế nhưng, hiện giờ nếu chàng vạch mặt y ra thì giải thích thế nào về việc chàng phát hiện ra được?
Do đó chàng đã tạm thời dằn nén, chàng không khỏi kinh hãi lẫn khâm phục Thiên Ma giáo tin tức linh thông đã cho người trà trộn đúng lúc đến vậy.
Đồng thời, đó cũng khiến chàng liên tưởng đến bản thân. Chàng rời Tổng đàn Thiên Ma giáo đã hơn một tháng, tối đa chỉ còn kéo dài được chừng một tháng nữa thôi, qua khỏi hạn kỳ ấy thì chàng biết tính sao?
Lúc ấy nếu cắt đứt quan hệ với Thiên Ma giáo, phải chăng quả là đáng tiếc?
Còn như một người đóng hai vai, tiếp tục giữ gìn địa vị khó khăn lắm mới có được trong Thiên Ma giáo, đến lúc ấy sẽ dựa vào lý do gì để thoát thân khỏi đây?
Thấm thoát lại năm ngày nữa trôi qua, hôm ấy Nhất Kiếm Phong Quan và Lưu Tinh Song Quyền bỗng cho triệu tập bốn mươi sáu vị võ sư lại.
Nhất Kiếm Phong Quan với giọng nghiêm nghị và phấn khởi tuyên bố :
- Báo cho chư vị sư phụ, tiêu cục của chúng ta ngày mai là khai trương rồi! Hẳn mọi người đều hiểu rất rõ, sau khi tiêu cục của chúng ta khai trương, Thiên Ma giáo nhất định sẽ ra sức quấy nhiễu. Về vấn đề ấy, xin chư vị hãy yên tâm! Mạc mỗ dám cam đoan với chư vị, mỗi người hưởng một phần lương là làm một phần việc, tuyệt đối không để cho chư vị chỉ vì mấy mươi lạng bạc lương tháng mà liều mạng tắm máu với kẻ địch. Tục ngữ có câu “binh đến tướng cản, nước đến đất chắn”. Hoa đại quan nhân của chúng ta sự nghiệp không chỉ ở một nơi, vô luận đối phương phái đến cao thủ thế nào, phía chúng ta cũng có người tương đương ứng phó. Điều này trong tương lai mọi người sẽ được chính mắt chứng kiến, không cần Mạc mỗ phải nói nhiều. Nay Mạc mỗ chỉ yêu cầu chư vị cần phải bình tĩnh và đoàn kết, mỗi người giữ lấy vị trí của mình, phục tùng sự điều động, không khuất phục trước uy thế, không bị mê hoặc trước lợi lộc, cùng phấn đấu vì phát triển sự nghiệp của bổn cục, cùng phấn đấu vì chính nghĩa võ lâm! Sau cùng, Mạc mỗ xin nói thêm câu nữa. Hoa đại quan nhân quyết không bao giờ ngược đãi chư vị!
Quả là một trang diễn thuyết hùng hồn đanh thép.
Nhất Kiếm Phong Quan vừa dứt lời, tiếng hoan hô vang lên cùng khắp.
Do Nhân Kiệt thầm bội phục, nếu luận về việc khích động sĩ khí, tên này kể như là đã thành công, thật không ngờ y lại còn có tài ăn nói đến vậy.
Tiếp theo, Lưu Tinh Song Quyền theo danh sách điểm danh, phát trước tiền lương tháng sau, ngoài ra không phân biệt đẳng cấp, mỗi người đều được thưởng thêm trăm lạng.
Sự việc ấy lại giành được một hồi tiếng hoan hô như sấm động.
Do Nhân Kiệt liếc nhìn Tam Mục Thần Ưng, chỉ thấy y tuy không có cử chỉ gì, song ánh mắt ngập đầy vẻ lo lắng và hoang mang. Thiên Đạo giáo dưới sự hành đạo của Đỗ Môn tú sĩ lại có nhân lực và tài lực hùng hậu đến vậy, hiển nhiên vị hộ pháp Thiên Ma giáo này không bao giờ ngờ đến.
Hôm sau, Nhất Kiếm Phong Quan chia bốn mươi sáu võ sư làm hai nhóm, một phái làm tiêu đầu, một giả làm khách mừng, chia thành nhiều nhóm nhỏ dẫn vào trong thành.
Tại một đường phố lớn đông đúc nhất, tòa tiêu cục đã được trang hoàng tươm tất, chỉ còn chờ đốt pháo lên bảng hiệu nữa thôi.
Mãi đến khi vào đến trong tiêu cục, Nhất Kiếm Phong Quan mới tuyên bố :
- Tiêu cục này sẽ do huỳnh y võ sư Do Nhân Kiệt chủ trì! Còn về danh nghĩa đối ngoại thì là Kim Bút Thần Hiệp Do tổng tiêu đầu!
Do Nhân Kiệt tuy rất bất ngờ nhưng không từ chối, chàng biết Đỗ Môn tú sĩ chẳng phải người tốt lành gì, lại thêm Thái Công Minh nay đã là Phó giáo chủ, hãy còn nỗi ân oán sinh tử với Thiên Sơn tam nghĩa, nhưng chàng cho rằng đó đều không thành vấn đề, chỉ cần Thiên Đạo giáo này thật sự với tôn chỉ tiêu diệt Thiên Ma giáo, mà bản thân Thiên Đạo giáo không có hành vi tàn ác, chàng cũng chẳng tiếc công mà ra sức.
Tiêu cục được đặt tên là Tứ Hải tiêu cục!
Hôm đầu tiên khai trương bình an vô sự, hiển nhiên Phân đàn Thiên Ma giáo trong thành trước đó chưa được tin, và Tam Mục Thần Ưng cũng chưa có cơ hội tung tin ra được.
Tuy nhiên, thời gian bình yên chẳng được bao lâu. Ngay trong đêm thứ ba sau ngày khai trương, trên đại môn tiêu cục bỗng xuất hiện một hàng chữ mầu máu to lớn :
“Hạn định nội trong ba hôm phải tháo bỏ bảng hiệu đóng cửa!”
Do Nhân Kiệt phát hiện chỉ mỉm cười, không hề bận tâm đến. Chàng biết đó nhất định là kiệt tác của Phân đàn Thiên Ma giáo tại đây, đối phó với một Phân đàn, chàng hãy còn thừa sức nhiều. Do đó, chàng một mặt phái người rửa sạch giòng chữ mầu máu đỏ ấy, đồng thời báo tin đến Hoa trạch, chờ đợi hành động tiếp theo của đối phương.
Song kể cũng lạ, ba ngày sau vẫn chưa thấy Phân đàn Thiên Ma giáo trong thành có động tĩnh gì cả.
Thoạt tiên Do Nhân Kiệt hết sức thắc mắc, nhưng ngay sau đó liền hiểu ra lý do.
Sở dĩ Phân đàn Thiên Ma giáo trong thành tạm thời án binh bất động, nhất định là đã được Tam Mục Thần Ưng thông tri, cho biết thực lực hiện nay của Tứ Hải tiêu cục, Phân đàn quyết không đủ khả năng đối phó, nên nhẫn nhịn và cấp báo với Tổng đàn xin xử lý.
Nếu chàng đoán không lầm thì một khi Tổng đàn nhận được báo cáo, nhất định sẽ có nhiều hộ pháp kéo đến, và không chừng còn có cả hộ giáo nữa.
Bên này tuy chẳng phải yếu kém, nhưng liệu có điều động kịp chăng? Chàng vốn định tìm cơ hội bày tỏ sự lo nghĩ của mình với Nhất Kiếm Phong Quan và Lưu Tinh Song Quyền, nhưng sau cùng nghĩ lại, chàng lại lặng thinh không đề cập đến.
Đó là bởi hai nguyên nhân, một là chàng không muốn tỏ ra mình nhu nhược, hai là nhân dịp này khảo nghiệm năng lực ứng biến của Thiên Đạo giáo, xem giáo phái này có thật sự đối kháng nổi với Thiên Ma giáo hay không?
Năm hôm nữa lại qua đi nhanh chóng, theo Do Nhân Kiệt ước tính, có lẽ chừng bốn năm hôm nữa là người của Tổng đàn Thiên Ma giáo sẽ đến nơi.
Thế nhưng, ngay chiều hôm ấy lại có khách hàng tìm đến, đó là một người buôn muối họ Từ, muốn đến Xuyên Trung mua hàng, vì sợ đường đi không yên ổn nên đến hỏi thủ tục bảo tiêu.
Bởi Do Nhân Kiệt không ngờ tiêu cục này lại thật sự có khách hàng, nên khi đối phương cho biết ý định, chàng bàng hoàng chới với còn hơn là Thiên Ma giáo kéo đến tấn công. Song chiêu bài đã treo trước cửa, không tiếp đối phương sao được?
Thế là, chàng đành bảo Hà Đại Bảo rót trà mời khách, một mặt phái một võ sư họ Khổng ra ngoài thành xin ý kiến Nhất Kiếm Phong Quan và Lưu Tinh Song Quyền, vụ làm ăn này nhận hay không? Giá cả thế nào và phái bao nhiêu người?
Ở đây, chàng mời người buôn muối họ Từ vào trong khách sảnh, vờ ra vẻ rất thận trọng hỏi rõ từng chi tiết hầu kéo dài thời gian.
Theo người buôn muối họ Từ cho biết, đối phương cần bảo vệ song trình chứ không phải đơn trình, vào Xuyên Trung gồm có ba chiếc thuyền, chuyến đi chở tám ngàn cân đồng, sau đó với số tiền bán đồng mua muối quay về. Giá tám ngàn cân đồng ước chừng ngàn lạng bạc, nếu đổi là ba thuyền muối ăn quay về thì sẽ trị giá trên một vạn lạng.
Nói quanh nói co một hồi, nửa giờ trôi qua, Hà Đại Bảo từ trong đi ra, khẽ hắng giọng rồi nói :
- Khổng sư phụ có việc cần mời Tổng tiêu đầu vào trong một lát.
Do Nhân Kiệt liền vội đứng lên đi ra hậu viện. Thấy Khổng võ sư đang lau mồ hôi và khẽ chuyện trò với mấy võ sư khác, chàng liền bước nhanh đến hỏi :
- Mạc sư phụ và Đơn sư phụ nói sao?
Khổng võ sư ngẩng lên đáp :
- Mạc sư phụ và Đơn sư phụ đã đi Nhạc Dương chưa về đến.
- Vậy thì...
- Tại hạ có xin ý kiến của Hầu sư gia. Hầu sư gia bảo là việc làm ăn đâu thể không nhận, nhưng bởi đây là vụ giao dịch đầu tiên của bổn cục. Theo ý lão nhân gia ấy, vì thận trọng xin Tổng tiêu đầu đích thân vất vả một chuyến. Giá cả là một phân rưỡi trị giá hàng áp tải, đó là thông lệ, không nhượng bộ được. Còn về mặt nhân thủ, Hầu sư gia bảo đó là tùy Tổng tiêu đầu điều động, lão nhân gia ấy không có ý kiến.
Do Nhân Kiệt trầm ngâm gật đầu nói :
- Được rồi!
Thế là vụ giao dịch này đã được nhận với tiêu ngân là một ngàn sáu trăm năm mươi lạng bạc. Trước khi lên đường thu trước một phần ba. Nếu giữa đường gặp bất trắc, tiêu cục sẽ phải bồi thường bảy phần theo trị giá hàng áp tải.
Vụ giao dịch thỏa thuận xong, tất cả võ sư trong tiêu cục đều hết sức phấn khởi.
Riêng Do Nhân Kiệt tuy bề ngoài cũng tỏ vẻ vui mừng, nhưng trong lòng thì lại có cảm giác nặng nề khó tả.
Có hai điều chàng không sao hiểu nổi, một là chàng hết sức hoài nghi về vị thương buôn họ Từ, y là một phú gia nổi tiếng trong thành Huê Dung, nhất định cũng là đối tượng béo bở của Phân đàn Thiên Ma giáo tại đây. Khi Thiên Ma giáo tiến hành việc tống tiền, đầu tiên là đe dọa đối tượng không được xin bảo hộ của quan chức và các bang phái khác. Trong tình huống như vậy, họ Tư nếu muốn đến Xuyên Trung buôn bán, sao không nhờ Thiên Ma giáo giúp đỡ mà lại đi giao dịch với một tiêu cục mới thành lập?
Hai là hiện nay chàng là một Tổng tiêu đầu, trong lúc dông bão sắp ập đến thế này, một Tổng tiêu đầu quan trọng đến thế nào, tại sao Hầu sư gia lại vì một vụ giao dịch không đáng kể mà phái chàng đi khỏi tiêu cục? Đó là Hầu sư gia nhất thời hồ đồ hay sao?
Nếu là Nhất Kiếm Phong Quan hoặc Lưu Tinh Song Quyền thì có thể, còn như ai đó cho rằng Hầu sư gia hồ đồ thì người ấy mới thật sự là một kẻ hồ đồ. Theo nhận xét của chàng, Hầu sư gia nếu không phải Đỗ Môn tú sĩ thì cũng là một người thân tín của Đỗ Môn tú sĩ, lẽ nào lại không phân biệt được sự khinh trọng lợi hại? Do đó, chàng sau cùng đã khẳng định, việc nhận vụ giao dịch này và chàng bị phái xuất, bên trong ắt phải có vấn đề.
Tuy nhiên, chàng không muốn mệt óc nhiều vì những nghi vấn ấy, bất kể sẽ xảy ra việc gì, đến thì cứ đến, đằng nào hai bên cũng tương đương nhau, nắm lấy cơ hội tha hồ chém giết một phen cũng tốt.
Tối hôm ấy, thương buôn họ Từ mang đến năm trăm năm mươi lạng bạc và căn dặn :
- Sáng sớm ngày mốt lên đường!
Thế là Do Nhân Kiệt bắt tay vào việc chọn lựa tiêu sư, bởi đây không phải một vụ làm ăn lớn và lại đi đường thủy, nên chàng quyết định chỉ cần ba võ sư không mang theo một phổ ky hay thủ hạ nào.
Ba võ sư thì chàng định trong ba cấp, mỗi cấp chọn lấy một người, hắc y võ sư dĩ nhiên là Hà Đại Bảo, bởi rất có thể sau khi họ rời khỏi, người của Thiên Ma giáo sẽ kéo đến ngay, chàng đâu thể để cho Hà Đại Bảo ở lại chịu chết, đành rằng đi áp tải cũng có nguy hiểm, nhưng có chàng trông nom thì vẫn tốt hơn.
Bạch y võ sư được chọn là Khổng võ sư, người này tên Khổng Nghĩa Dương, ngoại hiệu Bát Thủ Nhân Viên, tuy võ công không đáng kể nhưng rất cơ trí và lão luyện.
Huỳnh y võ sư được chọn là một đệ tử phái Hoa Sơn, tên là Chu Tử Minh ngoại hiệu là Tả Thủ Thần Kiếm. Người này tuy tuổi đã ngoài bốn mươi, nhưng tính ra cũng còn là sư điệt của Bạch Y Hiệp. Sở dĩ y phen này đến đây làm một tiêu sư chính là định nhân cơ hội báo thù cho sư thúc Bạch Y Hiệp. Trong huỳnh y võ sư đa số võ công cao cường, song chàng dĩ nhiên phải chọn một người đáng tin cậy hơn hết.
Đến ngày lên thuyền, Do Nhân Kiệt sau khi dặn dò một số việc với phó Tổng tiêu đầu họ Duẫn, cũng là một huỳnh y võ sư, chàng liền cùng Tả Thủ Thần Kiếm Chu Tử Minh, Bát Thủ Nhân Viên Khổng Nghĩa Dương và Hà Đại Bảo đi ra bến sông.
Hành lý chàng mang theo ngoài một ngọn phán quan bút, chỉ có một rương quần áo gọn nhẹ nữa thôi. Trong rương ngoài áo quần và ít bạc vụn, chàng còn mang theo đôi Tam Lăng thích để khi cần thiết sẽ với diện mạo Ác Quân Bình xuất hiện.
Lát sau, vị chủ hàng họ Từ cũng đã đến nơi. Đôi bên sau chốc lát thương lượng đã quyết định xong một số chi tiết nhỏ sau khi lên đường. Qua lần trao đổi sau cùng ấy, Do Nhân Kiệt càng thấy có nhiều chỗ khả nghi hơn trong chuyến đi này.
Thuê tiêu sư áp tải hàng hóa thường thì có hai khả năng. Một là chủ hàng đích thân đi theo, hai là chủ hàng phái người đắc lực thay mặt. Song vị thương buôn họ Từ thì cả hai đều không, y bảo là khi đến Xuyên Trung, y phải đứng ra giao thiệp giải quyết vấn đề tiêu thụ số đồng và mua vào muối ăn, bằng không giá cả sẽ rất thiệt thòi.
Nhưng sau cùng y lại cho biết là không thể đi theo thuyền hàng với lý do là có chứng say sóng. Vậy có lạ không chứ? Bao nhiêu năm sống nhờ trên mặt nước mà lại có chứng say sóng ư?
Do Nhân Kiệt đã có sự chuẩn bị từ trước nên cũng chẳng bận tâm nhiều. Sau khi họ Từ đi khỏi, chàng bắt đầu sắp xếp nhân lực.
Dưới bến sông là ba chiếc thuyền hai khoang rất to và hình dạng giống như nhau, thân thuyền dài hơn ba trượng, qua việc thuyền khẳm khá sâu mà vẫn rất quân bình, đủ thấy chủ nhân của ba chiếc thuyền này ắt là một người lão luyện trong nghề.
Do Nhân Kiệt đi xuống lần lượt xem xét ba chiếc thuyền, sau đó quyết định bốn người chia ra ba thuyền. Tả Thủ Thần Kiếm Chu Tử Minh theo chiếc thứ nhất, Bát Thủ Nhân Viên Khổng Nghĩa Dương theo chiếc thứ nhì, chàng với Hà Đại Bảo theo chiếc thứ ba.
Chàng còn dặn là mỗi thuyền phải tự nấu ăn lấy, và khi đỗ cũng như lúc đi, giữa thuyền này với thuyền kia không được cách nhau quá ba trượng. Bình thường vô sự không được tụ tập cờ bạc hoặc tán gẫu, và cũng không được tùy tiện đi lại. Khi nào đỗ thuyền ở bến lớn thì mới được uống rượu, nhưng không được uống say.
Ngoài ra chàng còn đặc biệt dặn dò Tả Thủ Thần Kiếm và Bát Thủ Nhân Viên nếu như giữa đường gặp biến cố, bất kể kẻ địch bao nhiêu người thì cũng phải cố gắng tránh ra tay trước, mọi sự đều phải nghe theo hiệu lệnh của chàng.
Sắp xếp xong, thuyền nhổ neo khởi hành.
Sau khi thuyền rời bến, Hà Đại Bảo nói :
- Lão đệ dặn này dặn nọ với mọi người, duy đối với Hà Đại Bảo này lại chẳng nói một lời, đó là lý do gì? Chả lẽ lão đệ đã quên mất Hà Đại Bảo này cũng là một hắc y võ sư hay sao?
Do Nhân Kiệt mỉm cười :
- Là tiêu đầu chứ chẳng phải hắc y võ sư gì cả!
Hà Đại Bảo gật đầu :
- Cũng được! Tiêu đầu thì tiêu đầu, cũng như nhau thôi. Hãy nói mau, Hà Đại Bảo này phải chăng cũng có thể làm được chút việc gì đó chứ?
- Chỉ sợ Hà đại ca không chịu nghe đấy thôi!
- Bậy nào! Kẻ khác nói mỗ có thể không nghe, lời nói của lão đệ mỗ không nghe sao được? Nói mau đi, ngoại trừ bảo mỗ nhảy xuống sông tự tận, lời gì mỗ cũng nghe hết, không nghe thì là cháu chắt của lão đệ!
- Thật chăng?
- Thật!
- Tốt lắm! Vậy thì hãy nằm xuống ngủ đi!
Hà Đại Bảo cơ hồ nhảy dựng lên :
- Sao? Lão đệ... bảo mỗ ngủ ư? Lão đệ... tưởng Hà Đại Bảo này ngoài việc ăn và ngủ, chẳng làm được trò trống gì thật ư?
Do Nhân Kiệt nghiêng mắt mỉm cười :
- Vừa rồi chúng ta đã giao hẹn thế nào nhĩ?
Hà Đại Bảo đành nằm xuống, làu bàu :
- Ban ngày ban mặt thế này mà bảo người ta ngủ, thật phi lý hết sức!
- Hà đại ca tưởng ngủ là xấu ư? Đại ca có biết là bao nhiêu mạng người trên ba chiếc thuyền đều nhờ vào giấc ngủ này của đại ca không?
Hà Đại Bảo ngồi bật dậy, trố mắt ngạc nhiên hỏi :
- Lão đệ nói sao? Hãy lặp lại nghe xem!
- Trên ba chiếc thuyền nếu không có một người chịu ngủ vào ban ngày thì đến đêm sẽ giao cho ai trông coi?
Hà Đại Bảo vỡ lẽ :
- Đúng, đúng! Mỗ ngủ, mỗ ngủ!
Đoạn liền lại nằm trở xuống, gối tay dưới đầu và nhắm mắt lại. Nhưng lát sau bỗng lại mở mắt ra, đôi ngươi đảo liên hồi, chẳng có vẻ gì muốn ngủ cả.
Do Nhân Kiệt cười hỏi :
- Ngủ không được phải không?
Hà Đại Bảo lắc đầu :
- Không phải!
- Vậy sao không ngủ đi?
- Mỗ muốn hỏi một điều.
- Điều gì?
- Mỗ muốn biết lão đệ chia bốn người trên ba thuyền với dụng ý phải chăng là nếu vạn nhất xảy ra chuyện, không đến đổi bị chết hết cả lũ?
Do Nhân Kiệt gật đầu :
- Có thể nói như vậy!
Hà Đại Bảo khoái chí :
- Vậy là Hà Đại Bảo này không ngu chứ?
Do Nhân Kiệt mỉm cười :
- Ai bảo đại ca ngu bao giờ?
Đêm hôm ấy, thuyền đỗ lại ở Thạch Thủ. Hôm sau, từ Thạch Thủ bắt đầu ngược dòng đi lên. Hằng ngày, Do Nhân Kiệt đều đứng ở đuôi thuyền ngắm cảnh, đồng thời xem xét những chiếc thuyền qua lại có chỗ khả nghi hay không.
Song liên tiếp ba ngày trôi qua, chẳng việc gì xảy ra cả. Do Nhân Kiệt thầm lấy làm lạ, hai hôm nữa đã đến Nghi Đô rồi, chả lẽ Phân đàn Thiên Ma giáo tại đây thiếu người đã thông báo với phân đào Nghi Đô là sẽ do nơi đó động thủ hay sao?
Hai hôm sau, thuyền đến Nghi Đô, các thủy thủ trên ba chiếc thuyền thảy đều đồng ý yêu cầu bãi bỏ qui định cấm rượu, lên bờ mua rượu uống.
Do Nhân Kiệt bởi đã có nói trước, nên đành phải chấp thuận, chỉ dặn bảo phải chia làm hai tốp, một tốp lên bờ và một tốp ở lại trông thuyền, khi nào đến Tỉ Quy hoặc Ba Đông mới đến lượt tốp ở lại trông thuyền lên bờ. Thế nhưng Nghi Đô là một nơi sầm uất, không ai chịu bỏ qua cơ hội, sau cùng chỉ để lại mỗi thuyền một thủy thủ già trông coi.
Do Nhân Kiệt vô phương, đành dặn bảo Tả Thủ Thần Kiếm, Bát Thủ Nhân Viên và Hà Đại Bảo tranh thủ nghỉ ngơi để đến đêm cảnh giác đề phòng.
Kết quả, đêm ấy chàng đã lo lắng hoài công. Chẳng những đêm nghỉ tại Nghi Đô không xảy ra sự việc gì cả mà mãi đến Nghi Xương cũng chẳng việc gì xảy ra.
Tuy nhiên, Do Nhân Kiệt quyết chẳng tin chuyến đi này có thể bình yên đến được Tự Cống, thuận lợi bán được đồng và chở ba thuyền muối ăn quay về. Do đó, cứ một ngày bình lặng qua đi là chàng lại càng thêm lo lắng, đến đỗi cứ mỗi lần nhìn thấy lá tiêu kỳ màu vàng phất phơ theo gió trên chiếc thuyền thứ nhất là chàng tưởng chừng như đó là một bức phướn chiêu hồn, gây cảm giác ghê rợn chẳng lành.
Hôm thứ mười hai, thuyền đến phụ cận miếu Hoàng Lăng thì trời đã sẫm tối.
Chiếc thuyền đi đầu ra hiệu báo, thuyền lão đại trên thuyền này liền vòng ra khoang sau gặp Do Nhân Kiệt hỏi :
- Tổng tiêu đầu thấy chúng ta neo thuyền nghỉ đêm tại đây được chăng?
Do Nhân Kiệt thò người ra ngoài hỏi :
- Đây là đâu?
Thuyền lão đại đưa tay chỉ :
- Vừa qua khỏi đập Bình Thiện chưa đến miếu Hoàng Lăng, đây chẳng là đâu cả, thổ danh là bãi Nga Chưởng. Nhưng Tổng tiêu đầu có nhìn thấy không? Đằng kia, dưới mỏm núi kia quả là chỗ neo thuyền lý tưởng, ít sóng gió, nước lại sâu, ý của thuyền trưởng là tốt nhất đỗ tại đó, bằng không qua khỏi đây là khó mà tìm được một nơi như vậy nữa.
Do Nhân Kiệt nhìn theo hướng chỉ, bất giác thoáng động tâm thầm nhủ :
- “Đúng vậy! Đây quả là một nơi đỗ thuyền lý tưởng, nhưng cũng có thể là một nơi giết người lý tưởng. Chẳng kể ngươi vô tâm hay cố ý, Do Nhân Kiệt này quyết định chấp nhận thịnh tình này.”
Thế là, chàng giả vờ hài lòng gật đầu nói :
- Nơi ấy quả cũng khá tốt...
Thuyền lão đại thấy chàng ưng thuận, ra chiều hết sức vui mừng, vội chạy lên mũi thuyền phát tín hiệu dừng lại với hai chiếc thuyền đi trước.
Hà Đại Bảo thò đầu ra nhìn quanh rồi hỏi :
- Đây là nơi quái quỷ gì vậy?
Do Nhân Kiệt cười thấp giọng hỏi lại :
- Thủy tính của Hà đại ca thế nào?
Hà Đại Bảo ngạc nhiên :
- Hỏi chi vậy?
- Chúng ta đang ở trên sông, không hỏi về thủy tính thì hỏi gì?
- Còn lão đệ thì sao?
Do Nhân Kiệt đáp :
- Nếu là sông nhỏ thì không sao, còn như rơi xuống đại giang thì chết chắc!
Hà Đại Bảo lắc đầu :
- Mỗ còn tệ hơn lão đệ nhiều, dù là con sông nhỏ thì mỗ cũng chịu chết thôi!
Do Nhân Kiệt gật đầu :
- Vậy thì hãy mau ngủ đi!
Hà Đại Bảo thoáng ngẩn người :
- Đêm nay... sẽ có sự kiện gì xảy ra phải không?
Do Nhân Kiệt nhún vai :
- Cũng chưa biết chừng! Tục ngữ có câu “cẩn tắc vô ưu”, đề cao cảnh giác vẫn hơn!
Đêm ấy Do Nhân Kiệt mặc nguyên quần áo nằm xuống, sau một lúc điều tức đã ngủ thiếp đi.
Chẳng rõ đã trải qua bao lâu, Do Nhân Kiệt bỗng giật mình tỉnh giấc, bởi tiếng hét :
- Tiểu tử, ngươi dám...
Rồi thì “bộp” một tiếng, như có một vật nặng bị chưởng lực đánh rơi xuống sông.
Do Nhân Kiệt lập tức rút lấy ngọn phán quan bút dưới gối, tung mình đứng lên, nhanh như tên bắn lao ra ngoài.
Ra đến boong thuyền, Do Nhân Kiệt quét mắt nhìn, bất giác ngớ người. Dưới ánh trăng, chỉ thấy Hà Đại Bảo một tay nắm mạn thuyền, tay kia xách lưng quần đang thừ ra nhìn xuống dòng sông.
Chàng đến gần hỏi :
- Việc gì thế?
Hà Đại Bảo lắp bắp :
- Có người ám toán...
Do Nhân Kiệt quay người nhìn quanh, chẳng thấy một bóng người, bất giác chau mày nói :
- Hà đại ca không hoa mắt đấy chứ?
- Mỗ mà nói dối không phải con người!
- Vậy kẻ ám toán như thế nào?
- Không thấy rõ!
- Ý đại ca muốn nói là trông thấy người mà chưa nhìn rõ diện mạo phải không?
Hà Đại Bảo ngớ người, đành thành thật nói :
- Người cũng chẳng trông thấy!
Do Nhân Kiệt bực mình lẫn nực cười, lại hỏi :
- Đã không thấy người thì đại ca dựa vào đâu mà dám quả quyết là có kẻ ám toán?
- Cái đầu của mỗ suýt nữa đã bị ném vỡ, chả lẽ còn giả được hay sao?
- Ám khí đến từ hướng nào?
- Trên núi!
- Là một hòn đá phải không?
- Không!
- Ám khí bao lớn? Hình dạng ra sao?
- Tròn tròn và to thế này nè!
Hà Đại Bảo định đưa tay ra diễn tả, mới hay một tay hãy còn xách lấy lưng quần, bèn vội cột quần lại, đồng thời nói :
- Giống như một khúc rễ cây, nhưng...
Ngay khi ấy bóng người nhấp nhoáng, Bát Thủ Nhân Viên và Tả Thủ Thần Kiếm lần lượt xuất hiện. Những thủy thủ trên ba chiếc thuyền cũng đều bị kinh động đổ xô thò đầu ra khoang, trố to đôi mắt dáo dác nhìn quanh.
Do Nhân Kiệt khoát tay lớn tiếng nói :
- Không có gì đâu, mọi người yên tâm ngủ đi!
Hà Đại Bảo bỗng thảng thốt kêu lên :
- Mọi người hãy xem!
Đoạn giơ tay phải lên, ba người ngước lên nhìn bất giác thảy đều thừ người.
Máu! Bàn tay phải của Hà Đại Bảo bê bết máu tươi.
Do Nhân Kiệt thoáng đảo mắt, bỗng hỏi :
- Hà đại ca mới vừa nói sao? Ám khí giống như một khúc rễ cây ư?
Hà Đại Bảo định thần đáp :
- Phải, đầy lông lá...
Do Nhân Kiệt ánh mắt ngời lên :
- Có thể nào là một đầu người chăng?
Hà Đại Bảo trợn mắt :
- Không sai! Mỗ đã nhớ ra rồi, chắc chắn là một đầu người. Mỗ tưởng đâu là rễ cây, thì ra là tóc người.
Do Nhân Kiệt vừa định hỏi tiếp đầu người bị đánh rơi xuống chỗ nào, thì Bát Thủ Nhân Viên bỗng tung mình lên, như một cánh chim bay sà xuống sông.
Tả Thủ Thần Kiếm nói :
- Có lẽ Khổng sư phụ đã trông thấy đầu người đó rồi!
Y đoán không lầm, lát sau Bát Thủ Nhân Viên trở lên thuyền, tay xách một đầu người ướt sủng nước.
Do Nhân Kiệt bảo Hà Đại Bảo ở ngoài canh phòng, đoạn cùng Bát Thủ Nhân Viên và Tả Thủ Thần Kiếm xách đầu người đi vào khoang sau.
Chàng đem đầu người đến bên ngọn đèn kỹ lưỡng xem xét, sau đó đưa cho Tả Thủ Thần Kiếm và Bát Thủ Nhân Viên xem qua, đoạn hỏi :
- Chu sư phụ và Khổng sư phụ từng gặp người này bao giờ chưa?
Hai người đều lắc đầu, Do Nhân Kiệt ngẫm nghĩ chốc lát, lại hỏi :
- Hai vị có ý kiến gì về đầu người này không?
Bát Thủ Nhân Viên trầm ngâm nói :
- Người này dường như chỉ mới vừa ngộ hại, nếu như Hà sư phụ ra ngoài sớm hơn một chút, không chừng đã nghe thấy tiếng la hét rồi...
Do Nhân Kiệt gật đầu :
- Vâng, nếu ngộ hại trên nửa giờ là máu đã khô đặc rồi.
Tả Thủ Thần Kiếm nói tiếp :
- Qua vết thương phẳng đều, người này nhất định đã chết bởi loại binh khí đao kiếm và thuộc loại hảo hạng.
Do Nhân Kiệt trầm ngâm :
- Chẳng những là loại binh khí hảo hạng, mà võ công của đối phương cũng cao hơn kẻ ngộ hại rất nhiều.
- Tổng tiêu đầu nói rất đúng, nếu võ công giữa đôi bên mà không chênh lệch nhiều thì vết thương đâu phẳng đều đến vậy. Chu mỗ chỉ không hiểu là tại sao lại xảy ra gần đây thế này?
Bát Thủ Nhân Viên xen lời :
- Đúng rồi! Nếu đối phương với mục đích cướp tiêu hoặc tầm thù thì lẽ nào lại nội bộ tàn sát lẫn nhau trước khi động thủ thế này?
Do Nhân Kiệt mỉm cười :
- Khổng sư phụ nghĩ họ là người một nhà ư?
Bát Thủ Nhân Viên ngẩn người :
- Nếu không thì...
Tả Thủ Thần Kiếm tiếp lời :
- Điều ấy quả là khó hiểu. Thế nhưng, Chu mỗ còn một nhận xét khác, đó có lẽ chỉ là một sự ngẫu nhiên. Hai bên đã xảy ra xung đột ở nơi khác rồi đuổi nhau đến đây, cuối cùng một bên thua bại mạng vong, và bên thắng khi bỏ đi, không hề biết dưới núi có ba chiếc thuyền.
Do Nhân Kiệt gật đầu :
- Không có thể, nhưng cũng mong là vậy!
Hôm sau, trước khi thuyền tiếp tục cuộc hành trình, ba thuyền lão đại trên ba chiếc thuyền cùng kéo đến hỏi thăm đêm qua đã xảy ra việc gì.
Do Nhân Kiệt vừa lựa lời an ủi, vừa lưu ý xem xét thần sắc của ba người. Sau cùng chàng nhận thấy ba người đều hết sức đôn hậu, không chút gì đáng khả nghi cả, do đó, chàng càng tin là sự suy luận của Tả Thủ Thần Kiếm chẳng phải vô lý, rất có thể đó chỉ là một sự ngẫu hợp. Tuy nhiên, không vì vậy mà chàng giảm thấp lòng cảnh giác. Chàng có một niềm tin bất khả lay chuyển, cho dù sự kiện ấy là ngẫu nhiên hay không, chàng vẫn cho rằng ba chiếc thuyền này quyết không thể bình yên đến nơi.
Ba hôm sau, thuyền đến Ba Đông. Theo sự giao hẹn từ trước, lần này lại đến lúc mọi người lên bờ uống rượu. Song thật bất ngờ, lần này chỉ có hai người lên bờ.
Thì ra do bởi sự kiện xảy ra ở bãi Nga Chưởng hôm trước, ba thuyền lão đại đều có lòng giới bị, họ tự động ước thúc thủ hạ không được tự ý rời khỏi thuyền, chỉ phái hai người lên bờ mua rượu và thức ăn mang về thuyền ăn uống.
Có lẽ vì mấy năm gần đây các tiêu cục đều đã đóng cửa chuyển nghề, nên ba chiếc thuyền đi đến đâu, lá tiêu kỳ trước mũi thuyền cũng đều gây cho mọi người chú ý, phen này thuyền đến Ba Đông lại càng gây xôn xao hơn.
Có người hỏi đây là tiêu cục nào? Đặt tại đâu? Đã khai trương bao lâu? Có người hỏi trên thuyền là hàng hóa gì? Trị giá bao nhiêu và định đến đâu? Có người lại hỏi tiêu sư áp tải danh tánh là gì? Phải chăng là nhân vật lừng danh trên giang hồ trước kia?
Kẻ ăn không ngồi rồi kéo đến từng đám, chỉ chỉ trỏ trỏ và xôn xao bàn tán không ngớt. Nhà thuyền hết sức bực mình, bèn đến xin ý kiến Do Nhân Kiệt, giải quyết thế nào đối với những kẻ đa sự ấy?
Sau một hồi ngẫm nghĩ, Do Nhân Kiệt nói :
- Họ hỏi sao thì cứ trả lời như vậy, đây là Tứ Hải tiêu cục ở Huê Dung đến Xuyên Trung buôn bán, trên thuyền chở toàn đồng, tiêu sư áp tải là Tả Thủ Thần Kiếm Chu Tử Minh, Bát Thủ Nhân Viên Khổng Nghĩa Dương, Trung Châm Thiết Hán Hà Đại Bảo và Tổng tiêu đầu Kim Bút Thần Hiệp Do Nhân Kiệt.
Chàng thầm nhủ, đây là một chuyến bảo tiêu công khai dù loan truyền ra cũng chẳng hề gì. Nếu có kẻ không biết điều muốn cướp đoạt, sớm kéo đến đây hầu một lần giải quyết xong vấn đề, qua đó tạo lập chút uy tín thì cũng tốt thôi.
Chàng chờ nhà thuyền lui ra, lại cho gọi Tả Thủ Thần Kiếm và Bát Thủ Nhân Viên đến, bảo hai người ở lại trên thuyền cẩn thận đề phòng. Chàng định vào trong thành một chuyến, xem có thể tìm được chút manh mối về sự kiện hôm trước hay không.
Do Nhân Kiệt vào đến trong thành, đảo quanh khắp nơi một vòng, thấy hãy còn sớm, bèn đi đến một tửu lầu ở cổng thành.
Chàng định ăn uống ư? Đúng vậy, nhưng đó không phải là mục đích duy nhất.
(mất 2 trang tập 5 trang 207-208)
với số người gần nửa trăm, khắp lầu ồn ào tiếng cười nói, tiếng gọi rượu và món ăn.
Vị sư gia ngồi ngay quày tính tiền là một lão nhân lưng gù, có lẽ là một Huỳnh kỳ hộ đàn.
Ngay khi chàng đang quan sát lão nhân lưng gù và chú ý lắng nghe các tửu khách khác chuyện trò, nơi cửa thang lầu bỗng xuất hiện một hán tử võ phục nhân tình ngũ đoản.
Hán tử ấy dường như mới vừa trải qua một chặng đường hối hả, trên trán ướt đẫm mồ hôi, ngực hãy còn phập phồng liên hồi.
Vì một bữa ăn có cần gấp gáp đến vậy chăng? Do đó, Do Nhân Kiệt nhìn qua là biết ngay hán tử ấy tuyệt không phải đến đây vì ăn uống.
Phân đàn này là một trong số bốn cửa ngõ lớn của Thiên Ma giáo, bình thường ngoài việc phụ trách chuyển báo tin tức các nơi và truyền ban mệnh lệnh, còn một nhiệm vụ chủ yếu khác là lo việc tiếp đãi các cấp giáo đồ vào Tổng đàn.
Nay Do Nhân Kiệt với thân phận Huỳnh kỳ hộ giáo đến nơi, dĩ nhiên là một thượng khách mà Phân đàn này rất mong được hầu tiếp.
Thế nhưng, điều khiến Phân đàn này không ngờ đến là Do Nhân Kiệt đã ở lại suốt ba hôm liền, hằng ngày chỉ có ba việc cần làm là ăn, uống và ngủ, chàng đã không cho Phân đàn chủ biết về nhiệm vụ chuyến đi này của mình, mà cũng chẳng nói bao giờ mới rời đi. Bọn giáo đồ trong Phân đàn tuy ngoài mặt vẫn tỏ ra rất kính trọng chàng, nhưng trong lòng đều hết sức thắc mắc.
Sáng hôm thứ tư, ngoài cửa Phân đàn bỗng xuất hiện một hán tử trung niên áo xanh rất thần bí.
Bởi hán tử áo xanh này rất xa lạ, gã giáo đồ canh gác không khỏi sinh lòng hoài nghi, bèn cản lại lạnh lùng hỏi :
- Bằng hữu có việc gì?
Hán tử áo xanh đảo mắt nhìn quanh, đoạn khẽ nói :
- Mau mời Công Tôn hộ giáo ra đây, ta là người do Tam giáo chủ phái đến, có mang theo mệnh lệnh khẩn cấp của Tam giáo chủ, tốt hơn hết không nên kinh động đến một ai khác!
Gã giáo đồ gác cửa lộ vẻ do dự :
- Bằng hữu có tín phù của Tam giáo chủ không?
Hán tử áo xanh gật đầu, lại quét mắt nhìn hai bên, đoạn mới xòa tay ra, hối hả nói :
- Nhanh lên! Ta vào trong khu rừng kia đợi, chỉ được nói với một mình Công Tôn hộ giáo thôi. Khi vào thông báo nhớ là phải thật ung dung, dù là Phân đàn chủ cũng không để cho nhận ra.
Gã giáo đồ trông thấy trong lòng bàn tay đối phương đúng là chiếc Kim Hồ lệnh của Tam giáo chủ, vội buông thõng hai tay, cung kính nói :
- Vâng! Tiểu nhân vào thông báo ngay!
Hán tử áo xanh trông theo gã giáo đồ vội vã đi vào Phân đàn, đoạn tung mình phóng đi về phía khu rừng bên phải.
Lát sau, gã giáo đồ gác cửa lại từ trong vội vã đi ra. Hán tử áo xanh nấp trong rừng thấy chỉ có một mình gã giáo đồ, bất giác thoáng chau mày, không chờ gã giáo đồ đến gần đã nôn nóng tiến ra hỏi :
- Công Tôn hộ giáo nói sao?
Gã giáo đồ lắc đầu cười méo xệch :
- Công Tôn hộ giáo thật là một đại quái nhân!
Hán tử áo xanh ngớ người :
- Vậy là sao?
Gã giáo đồ thở dài :
- Tối qua uống đến khuya lắc khuya lơ mới lên giường, vậy mà bây giờ lại chẳng thấy bóng dáng đâu cả, ra đi mà cũng chẳng thèm báo lại một tiếng...
- Sao biết đã ra đi rồi?
- Những vật tùy thân không còn để lại, không ra đi rồi thì còn là gì?
- Ngươi có hỏi người khác không?
Gã giáo đồ ngơ ngẩn :
- Tôn giá chẳng đã dặn là không được cho bất kỳ ai biết hay sao?
Hán tử áo xanh gật đầu :
- À, phải rồi, ta có nói như vậy...
Đoạn bất thần vung tay bổ tới, gã giáo đồ hự lên một tiếng, liền lập tức ngã lăn ra đất.
Hán tử áo xanh giải quyết xong gã giáo đồ, lại ném ánh mắt ngập đầy thù hận vào trong Phân đàn, xong hậm hực tung mình bỏ đi.
Cùng trong lúc ấy, trên một chiếc thuyền vừa khởi hành ở cửa thành tây, Do Nhân Kiệt đang trà trộn trong đám thương nhân buôn tơ lụa, nhàn nhã lắng nghe một gã hán tử mặt đỏ huyên thuyên kể một chuyện cười mà chẳng đáng cười chút nào cả.
Bởi hán tử ấy kể quá tẻ nhạt, Do Nhân Kiệt nghe một hồi đã nằm xuống chiếu ngủ thiếp đi.
Nửa tháng sau, thuyền đến Ba Đông, Do Nhân Kiệt lên bờ, tìm một khách điếm nhỏ tắm rửa thay quần áo, khôi phục lại mặt thật, với tâm trạng hưng phấn ra khỏi thành, đi về phía một thôn nhỏ có tên là Mai Gia trang ở hướng đông.
Lúc này vào giữa tháng tư thời tiết khá tốt, trước một ngôi nhà lá có hàng tre vây quanh, một thiếu nữ áo quần vải thô đang cắm cúi rủ sạch một bó cỏ gai, miệng hát khe khẽ.
Do Nhân Kiệt dừng bước, thờ thẫn đứng tại chỗ. Thiếu nữ trước ngôi nhà lá như đột nhiên biến thành một lão bà đầu tóc bạc phơ.
Dưới hai cây tùng cao to ở một góc sân vườn, một lão nhân râu trắng phủ ngực đang ngồi bên một chiếc bàn gỗ, trên bàn là một ấm rượu, một túi thuốc lá, một quyễn Xuân Thu mở ra, bảy tám đứa bé mình mẩy đầy bùn đất đang rượt đuổi nhau vui đùa quanh lão nhân.
Thiếu nữ trước ngôi nhà lá tình cờ ngẩng lên, trước tiên thoáng ngẩn người, rồi lập tức nhảy cẫng lên, thất thanh lớn tiếng nói :
- Ồ, Kiệt ca... Kiệt ca đó phải không?
Chưa nói hết câu, người đã như cánh én mùa xuân lao tới.
Do Nhân Kiệt như chợt tỉnh cơn mơ, vội bước nhanh tới, vui mừng cười nói :
- Liên muội lại cao hơn nữa rồi, những ngày qua có nhớ đến ngu ca không?
Hai người bốn tay nắm chặt nhau hồi lâu. Kim Tố Liên bỗng hai mắt đỏ hoe, ngoảnh đi cúi đầu xuống.
Do Nhân Kiệt lay nhẹ nàng, thấp giọng hỏi :
- Trương đại ma đâu?
Kim Tố Liên không ngẩng lên, cũng chẳng trả lời.
Do Nhân Kiệt vẻ biết lỗi, thấp giọng nói tiếp :
- Liên muội nên hiểu cho, ngu ca đâu phải là không muốn đến thăm muội, thật tình là vì không thể phân thân được, ngay cả lần này...
Kim Tố Liên không nhịn được nữa, ngẩng lên hỏi :
- Lần này thì sao?
Do Nhân Kiệt cười ái ngại :
- Chúng ta hãy vào thăm Trương đại ma trước, vào nhà rồi hãy thư thả nói nhé?
- Không, phải nói tại đây mới được! Lần này Kiệt ca đến đây là vì cái gì? Nếu Kiệt ca không phải thăm tiểu muội thì cũng chẳng phải thăm Trương đại ma. Nếu Kiệt ca không chịu nói rõ, tiểu muội không cho vào nhà!
Do Nhân Kiệt thở dài :
- Thôi được, ngu ca nói đây, nhưng mà Liên muội không được giận đấy! Ngu ca phen này đến đây thật sự là để hỏi thăm hành tung của ân sư lão nhân gia!
- Để làm gì?
- Có hai phần văn kiện cần trao cho lão nhân gia!
- Văn kiện gì?
- Ghi chép về bí mật nội bộ Thiên Ma giáo, khi lão nhân gia nhận được sẽ có thể hợp cùng Thiên Sơn tam nghĩa dựa theo đó mà hành động...
- Sao Kiệt ca biết đến đây là có thể tìm gặp lão nhân gia?
- Ngu ca đã nói là Liên muội không được giận kia mà! Xem đó, Liên muội lại giận nữa rồi!
- Ai bảo tiểu muội giận?
- Thôi được, ngu ca nghĩ là lão nhân gia dù bận đến mấy thì cũng phải thỉnh thoảng đến đây!
- Hắc kỳ đại hộ giáo này quả đáng khâm phục, đúng là liệu sự như thần!
Do Nhân Kiệt kinh ngạc :
- Liên muội...
- Tiểu muội thế nào? Sao không nói tiếp đi?
Do Nhân Kiệt cười giả lả :
- Thôi cho xin đi, Liên muội đừng quanh co nữa, việc này hết sức quan trọng, lão nhân gia ấy hiện đang ở đâu, xin Liên muội hãy mau nói ra đi!
Kim Tố Liên nguýt mắt :
- Nói ra rồi Kiệt ca bỏ đi ngay phải không :
Do Nhân Kiệt vội nói :
- Đương nhiên là không!
Kim Tố Liên lại lườm mắt :
- Vậy thì sao gấp gáp thế này?
Do Nhân Kiệt đành cười cười :
- Được, được, không gấp, không gấp. Vậy bây giờ chúng ta vào thăm Trương đại ma nhé?
Kim Tố Liên lắc đầu :
- Thôi đi!
- Sao vậy?
- Trương đại ma bị cảm lạnh, vừa mới uống thuốc xong đi ngủ rồi! Hơn nữa, Kiệt ca lại không rành về ra dấu tay, không khéo lại báo hại tiểu muội bấn lên cả buổi nữa.
- Vào nhà ngồi chơi chắc là được chứ?
- Chỉ được vào nhà ngang thôi!
Do Nhân Kiệt cười :
- Cũng được, miễn là khỏi phải đứng đây như ăn mày, vào nhà nào cũng được!
Thế là hai người tay nắm tay nhau đi vào ngôi nhà ngang phía tây rất sạch sẽ tươm tất.
Kim Tố Liên vừa rót trà vừa cười hỏi :
- Gia gia bảo hiện nay Kiệt ca đã là hắc kỳ đại hộ giáo trong Thiên Ma giáo, địa vị khá cao phải không?
Do Nhân Kiệt cười :
- Đó là việc hồi hơn một tháng trước rồi!
Kim Tố Liên ngớ người :
- Hiện giờ thì sao?
- Hiện giờ đã là Huỳnh kỳ hộ giáo, cao hơn Hắc kỳ hộ giáo hai cấp!
- Cao hơn Huỳnh kỳ hộ giáo nữa là gì?
- Giáo chủ!
- Kiệt ca... Kiệt ca làm như vậy có nguy hiểm lắm không?
- Ngược lại địa vị rất là chắc chắn, không sợ nguy hiểm hay nghi ngờ gì cả. Nếu hôm nay không phải là Huỳnh kỳ hộ giáo thì đâu có đến đây một cách tự do như thế này được!
Kim Tố Liên gật gù, ngẫm nghĩ một lát lại hỏi :
- Nghe đâu trong giáo toàn là những ma đầu giết người không gớm tay. Kiệt ca ở trong ấy không sợ chút nào thật ư?
Do Nhân Kiệt thầm nghĩ, nếu ta mà nói thật ra, e nàng sẽ sợ đến chết khiếp mất!
Bèn nhếch môi cười nói :
- Lần lần rồi cũng quen thôi!
- Vậy Kiệt ca định khi nào mới thoát ly nơi ấy?
- Cái đó thì phải do ân sư quyết định mới được! À, bây giờ hiền muội có thể cho biết lão nhân gia hiện ở đâu rồi chứ?
Kim Tố Liên khẽ thở dài nói :
- Vì tiểu muội không biết nên chẳng biết nói gì với đại ca đây.
Do Nhân Kiệt ngạc nhiên :
- Hiền muội nói vậy nghĩa là sao?
Kim Tố Liên lại thở dài :
- Chẳng giấu gì Kiệt ca, chuyến đi này của Kiệt ca kể như đã hoài công, lão nhân gia mới vừa ra đi hôm qua rồi!
- Ồ, lại xui rủi đến vậy ư?
- Còn gì nữa? Gia gia đã ở đây đúng ba hôm, bảo nhất định Kiệt ca sẽ đến, rốt cuộc lão nhân gia đã đoán không lầm, Kiệt ca quả đã đến, nhưng lại là sau khi lão nhân gia đã ra đi. Tiểu muội thật không hiểu nổi, tại sao Kiệt ca không chịu đến sớm hơn một ngày?
Do Nhân Kiệt vội tiếp lời :
- Ân sư đã đoán trước là ngu ca sẽ đến, chắc là có việc cần dặn bảo, vậy lão nhân gia có cho biết là đã đi đâu không?
- Gia gia có bảo là định đến hai nơi Võ Đang và Thiếu Lâm, đòi những hòa thượng vào đạo sĩ cũng phải đưa ra một phần lực lượng, một ngày Thiên Ma giáo chưa bị tiêu diệt, thì họ đừng mong được yên ổn...
- Vậy là được rồi, từ đây đến Võ Đang bất quá chỉ năm sáu hôm. Ân sư đến Võ Đang, chưa chắc đã bỏ đi ngay, ngu ca chỉ cần không ngưng nghỉ, không chừng còn có thể đuổi kịp.
Kim Tố Liên lắc đầu :
- Dù Kiệt ca đến Võ Đang, nhưng cơ hội gặp được lão nhân gia cũng mong manh lắm!
- Tại sao vậy?
- Gia gia tuy nói vậy, nhưng không có ý nhất quyết, bởi lão nhân gia còn nói, bọn hòa thượng và đạo sĩ ấy kể từ khi Tân Duyên đại sư và Nhất Trần đạo trưởng tạ thế, nộ khí mỗi lúc càng thêm sâu đậm, ông là sư thúc của Lệnh Hồ Huyền, sau tai biến ở Thiên Long phủ mà đến đề cập việc ấy, rất có thể họ sẽ tưởng lầm ông ta định lợi dụng lực lượng của hai phái để báo phục tư thù cho Thiên Long Môn, do đó lão nhân gia sau cùng lại lắc đầu thở dài và lẩm bẩm lặp đi lặp lại câu “Chỉ hoài công thôi”...
Do Nhân Kiệt chau chặt mày, không nói gì nữa. Bởi chàng rất rõ tính nết của ân sư, lão nhân gia đã biểu lộ như vậy thì không bao giờ đặt chân đến Võ Đang hoặc Thiếu Lâm nữa.
Kim Tố Liên bỗng hỏi :
- Kiệt ca đói rồi chứ? Để tiểu muội đi cắt ít hẹ, chiên hai quả trứng, nấu cơm nóng cho Kiệt ca ăn nhé?
Do Nhân Kiệt lắc đầu :
- Ngu ca chưa đói, lát nữa cùng ăn cũng được!
Chợt nhớ ra, chàng bỗng hỏi :
- Lão nhân gia có từng đề cập đến Thiên Sơn tam nghĩa hay không?
Kim Tố Liên ngẫm nghĩ chốc lát, đoạn gật đầu nói :
- Có!
- Lão nhân gia đã nói sao?
- Gia gia bảo hôm trước tại sơn trang gì... à, Đại Thiên sơn trang! Tam nghĩa bởi quá nóng nảy, kết quả tuy đã san bằng sơn trang ấy, nhưng lão đại cũng bị trọng thương, vị lão đại ấy họ tên là gì, tiểu muội không còn nhớ nữa!
- Kim La Hán Triệu Phú!
- À, đúng rồi, Kim La Hán Triệu Phú!
Do Nhân Kiệt thầm nhủ: Kim La Hán đã bị trọng thương thì nhất định phải có chỗ điều dưỡng, vậy thì chỗ điều dưỡng ấy ở đâu?
Kim Tố Liên bỗng buông tiếng hừ tức tối, nói :
- Sư đồ hai người thật là...
Chưa dứt lời hai mắt lại đỏ hoe như muốn khóc.
Do Nhân Kiệt hoảng kinh, vội hỏi :
- Liên muội nói vậy là sao?
Kim Tố Liên tức tưởi :
- Đại ca tưởng lão nhân gia đến đây thăm tiểu muội thật sao?
Do Nhân Kiệt ngớ người :
- Vậy chứ sao nào?
Kim Tố Liên hậm hực :
- Hai người cũng như nhau, chỉ là có việc đi ngang qua thôi!
Do Nhân Kiệt cố nén tò mò an ủi :
- Liên muội rõ là trẻ con, vậy chẳng giống như nhau hay sao? Nếu không vì có hiền muội ở đây, ân sư với ngu ca dù đi ngang qua cũng đâu có đến đây! Mỗi ngày có đến hàng trăm hàng ngàn người đi ngang qua đây, nhưng kẻ khác có ghé thăm hiền muội hay không? Nếu không vì hiền muội, ân sư có ở lại đây ba hôm trong khi đang bận trăm công ngàn việc hay không?
Kim Tố Liên nhớ lại cảnh tượng vui vầy giữa hai ông cháu trong ba ngày qua, nỗi buồn phiền trong lòng lập tức tiêu tan.
Do Nhân Kiệt thấy nàng đã nguôi ngoai, mới nói tiếp :
- Lão nhân gia có nói phen này đã từ đâu đến và định đi đâu không?
- Gia gia bảo đã từ Vu Sơn Thần Nữ Phong đến!
- Vu Sơn thần nữ phong ư?
- Vâng, gia gia bảo là đi tìm một loại dược thảo hiếm có gì đó cho vị... à Kim La Hán!
- Có tìm được không?
- Tìm được nhưng chưa đủ!
- Dược thảo ấy tên là gì?
- Tiểu muội không có hỏi!
- Vậy lão nhân gia ấy có đề cập đến ngoài Vu Sơn Thần Nữ Phong còn nơi nào khác có loại dược thảo ấy nữa không?
- Không nghe nói đến!
Do Nhân Kiệt thở dài, ngẫm nghĩ chốc lát, lại hỏi :
- Lão nhân gia cũng không nói đến thương thế của vị Kim La Hán kia trầm trọng đến mức nào và hiện điều dưỡng tại đâu ư?
- Không!
- Thôi, Liên muội hãy đi lo cơm nước đi!
Kim Tố Liên đi được mấy bước, bỗng quay lại hỏi :
- Kiệt ca ăn xong là đi ngay phải không?
Do Nhân Kiệt cười cười :
- Liên muội bằng lòng chăng?
Kim Tố Liên trừng mắt :
- Kiệt ca nghĩ tiểu muội bằng lòng chăng?
Do Nhân Kiệt cười :
- Đi hay ở đã không phải quyền ở ngu cả thì còn hỏi làm gì?
* * * * *
Ba hôm sau, Do Nhân Kiệt để lại hai phần văn kiện bí mật, bịn rịn rời khỏi Mai Gia trang.
Nằm ngang trước mặt chàng vẫn là con đường cũ kia, chàng có cần quay trở về Tổng đàn Thiên Ma giáo nữa chăng?
Chàng khẽ buông tiếng thở dài, đặt chân lên đường cái quan, bắt đầu đi dọc theo bờ sông.
Trưa hôm ấy, chàng đến trấn Sa Khê. Tiểu trấn này tuy chỉ có hơn trăm hộ dân cư, song vì nằm ngay cửa khẩu từ Hoàng Ngưu Hạp vào Tứ Xuyên nên thuyền bè qua lại hầu hết đều đỗ lại nghỉ qua đêm, phố chợ cũng khá sầm uất.
Do Nhân Kiệt vào đến đầu trấn, chàng thả chậm bước đảo mắt nhìn, định tìm chỗ nghỉ trước để suy nghĩ xem có nên trở về Tổng đàn Thiên Ma giáo ngay, hay là tiếp tục dò la tông tích của ân sư và Tam nghĩa?
Chàng thoáng thấy phía trước không xa có một quán rượu, bèn bước nhanh đến.
Quán rượu này rất chật hẹp, tất cả chỉ có ba chiếc bàn, lúc này đã có hai vị tửu khách.
Chiếc bàn bên cạnh là một lão nhân áo lam vóc người nhỏ thó, chiếc áo trên mình rất cũ và bẩn, vá chằng vá đụp, như là một thầy đồ dạy học tư trong thôn.
Bên chiếc bàn kế tiếp là một đại hán mặt vuông vóc người vạm vỡ, khó nhận ra được hành nghề gì, nhưng có một điều có thể khẳng định, đại hán này cho dù không phải là người trong giới võ lâm thì sức mạnh cũng rất đáng kể.
Do Nhân Kiệt không còn sự lựa chọn nào khác, đành đi vào ngồi xuống bên chiếc bàn sau cùng.
Gã tửu bảo vội đi đến cạnh bàn, khom lưng cúi đầu hỏi :
- Tướng công cần rượu và thức ăn gì?
Do Nhân Kiệt quét mắt, thấy trên bàn đại hán mặt vuông là một dĩa ngư hương lỗ tai heo, một dĩa đậu hủ chiên và một dĩa đậu phộng rang mặn, bèn đưa tay chỉ nói :
- Giống như thế kia!
- Vâng, còn rượu?
Do Nhân Kiệt không dám uống nhiều, bèn nói :
- Cho bốn lạng thôi!
Rượu và thức ăn đều có, lát sau gã tửu bảo đã mang đến ba dĩa thức ăn nhỏ và một vò rượu.
Do Nhân Kiệt cầm vò lên nếm thử một hớp, mới biết trong vò không phải là rượu, liền ngẩng lên lớn tiếng gọi :
- Này, phổ ky, có trà không? Nếu không có trà thì mang rượu đến đây!
Gã tửu bảo ngớ người :
- Tướng công bảo là...
Do Nhân Kiệt quơ quơ vò rượu trong tay :
- Không cần thứ này đâu, nước lã pha với chút rượu, uống vào khó chịu quá!
Gã tửu bảo không ngừng quệt tay vào yếm, ấp úng nói :
- Vậy... vậy...
Đại hán mặt vuông bỗng cười phá lên. Do Nhân Kiệt ngoảnh sang hỏi :
- Vị đại ca này cười gì vậy?
Đại hán mặt vuông đưa tay chỉ, cười ngặt nghẽo nói :
- Lão đệ tưởng mình đang uống gì nào? Nước lã ư? Ha ha! Tuyệt lắm, một sự so sánh rất đúng, nước lã pha với chút rượu...
Do Nhân Kiệt thắc mắt hỏi :
- Vậy chứ đó là gì?
- Đó là rượu Ngũ Phân để tiếp đãi khách tha hương nổi tiếng nhất vùng này.
- Rượu Ngũ Phân ư?
Gã tửu bảo cười giả lả xen lời :
- Vâng! Có một số khách tửu lượng kém, khạc khạc, nếu tướng công... thấy không đã thèm, uống xong bốn lạng này thêm bốn lạng đậm đà hơn vậy!
Do Nhân Kiệt tức giận, phải uống hết mới được đổi ư? Thật là khốn kiếp, đúng là người có mắt không tròng.
Chàng vừa định nổi đóa, chẳng ngờ đại hán mặt vuông đã giận dữ trầm giọng quát :
- Mẹ kiếp, ngươi rõ là mặt dày, lại dám bảo người ta uống hết mới đổi, lão tử thật tức không chịu nổi. Cho ngươi biết, lão tử cũng là người ngoại thương, mẹ kiếp, ngươi mà không ngoan ngoãn đổi mau, lão tử sẽ đập cho một trận ngay.
Gã tửu bảo kinh hãi, vội cười giả lả nói :
- Vâng, vâng! Xin đại gia nguôi giận, tiểu nhân đổi ngay đây!
Do Nhân Kiệt thấy đại hán mặt vuông này thật hào phóng dễ mến, bèn vòng tay vui vẻ hỏi :
- Đại ca phủ thượng ở đâu?
- Khai Phong! Còn lão đệ?
- À, thảo nào khẩu âm quen thế này, thì ra cũng là Khai Phong, đồng hương với tại hạ!
Đại hán mặt vuông ngạc nhiên :
- Lão đệ cũng là người Khai Phong sao khẩu âm Trung Xuyên nặng vậy?
Do Nhân Kiệt đương nhiên đâu thể cho biết vì mình phải đóng vai Ác Quân Bình nên lâu ngày thành quen, bèn cười nói :
- Tại hạ có người thân thích ở Xuyên Đông, tuy sinh tại Khai Phong, nhưng lại trưởng thành ở Xuyên Đông.
- À, ra vậy! Lão đệ hiện định đi đâu?
Do Nhân Kiệt buột miệng đáp :
- Không một nơi đến nhất định, lâu nay rất ngưỡng một thắng cảnh Tam Tương, định đến Động Đình trước để du ngoạn, còn đại ca?
- Chúng ta có thể đi cùng một quãng đường, mỗ đến Huê Dung!
Hai người càng chuyện trò càng tâm đầu ý hợp, sau cùng đã ngồi chung bàn với nhau. Đại hán mặt vuông có lẽ thấy Do Nhân Kiệt áo quần không được mới mẻ, nên y đã giành thanh toán tiền ăn uống.
Ra khỏi quán rượu, đại hán mặt vuông đề nghị :
- Chúng ta đi thuyền nhé?
Do Nhân Kiệt gật đầu cười :
- Tiểu đệ cũng có ý ấy, nhưng lần này thì đại ca đừng giành trả tiền nữa đấy!
Đại hán mặt vuông vội tiếp lời :
- Cái đó thì lão đệ yên tâm, mỗ đâu dám chịu đấm ăn xôi, mấy mươi đồng tiền rượu thì không đáng kể, chứ tiền thuyền thì đến hàng xâu, mỗ gánh không nổi đâu.
Do Nhân Kiệt càng thấy đối phương đáng kết giao hơn, bèn vừa đi vừa hỏi :
- Tiểu đệ đã quên thỉnh giáo, đại ca quý tánh đại danh?
Đại hán mặt vuông đáp :
- Mỗ là Hà Đại Bảo, mọi người đều gọi mỗ là Hà đại nhân, lão đệ cứ gọi vậy được rồi!
Do Nhân Kiệt cười :
- Hà đại nhân với Hà đại ca cũng vậy thôi, gọi là Hà đại ca không hay hơn sao?
Còn tiểu đệ là Do Nhân Kiệt!
Hà Đại Bảo bỗng hỏi :
- Do huynh đệ tuổi còn trẻ thế này sao không chịu khó học hành?
Do Nhân Kiệt không ngờ đối phương bỗng dưng lại hỏi như vậy, nhất thời không biết trả lời sao cho phải.
Hà Đại Bảo thấy chàng ngậm thinh, buông tiếng thở dài nói :
- Nỗi khó khăn của Do lão đệ, không nói ra mỗ cũng biết, rất tiếc là chuyện đi đến Huê Dung, công việc của mỗ chẳng rõ thành hay bại, bằng không mỗ cũng có thể giúp cho lão đệ một tay.
Do Nhân Kiệt biết đối phương đã hiểu lầm mình, song dẫu sao đó cũng là hảo ý, nên chàng cũng chẳng muốn giải thích, bèn buột miệng hỏi :
- Hà đại ca cần đến Huê Dung lo công việc, cớ sao lại từ Xuyên Trung đến?
Hà Đại Bảo lại buông tiếng thở dài :
- Chuyện dông dài lắm! Do lão đệ cũng là người Khai Phong, vậy có nghe nói đến Thiên Long phủ trước kia ở thành bắc đó không?
Do Nhân Kiệt gật đầu :
- Có nghe nói đến...
Trong lòng Do Nhân Kiệt hết sức lấy làm lạ, chẳng hiểu sao Hà Đại Bảo bỗng dưng lại nhắc đến Thiên Long phủ và y có mối quan hệ gì với Thiên Long phủ?
Hà Đại Bảo chậm rãi nói tiếp :
- Khi xưa mỗ đã từng làm việc trong Thiên Long phủ, vì bất mãn thái độ kiêu căng hống hách của vị Lệnh Hồ đại gia, mỗ đã xin nghỉ việc ra ngoài buôn bán. Mỗ vào phủ lúc mười bốn tuổi, khi ra đã ba mươi, làm được đúng mười sáu năm. Trong thời gian ấy, mỗ chỉ có được một thành quả duy nhất là theo mấy vị tổng quản học được mấy pho quyền cước. Chẳng phải huênh hoang với lão đệ, lão đệ đừng thấy mỗ tướng mạo ngờ nghệch là vậy, nhưng bảy tám người bình thường, mỗ cũng không ngán đâu!
Do Nhân Kiệt gật đầu :
- Cái đó thì tiểu đệ đã nhận thấy!
Hà Đại Bảo lại buông tiếng thở dài :
- Nhưng cũng chính vì vậy mà đã báo hại mỗ, mỗ vốn không phải là một loại người làm ăn buôn bán, có một lần say rượu đã đả thương một người khách. Tại đó không dung thân được nữa, đành đến Xuyên Trung tìm bè bạn. Trong mấy năm qua ngoài no bụng ra, chẳng có chút tích sự gì cả. Mãi đến hồi cuối tháng trước mới nghe được một tin lành, bảo là ở Huê Dung có một tiêu cục...
Do Nhân Kiệt kinh ngạc, tiêu cục ư? Từ khi Thiên Ma giáo hoàng hành giang hồ đến nay, chẳng ai còn dám hành nghề ấy nữa, ngay cả mười mấy tiêu cục ở Quang Lạc đều đã lần lượt đóng cửa hồi hai năm trước. Huê Dung ở gần Thiên Ma giáo thế này, làm sao có thể còn một tiêu cục? Đây nhất định là có vấn đề!
Chàng buột miệng hỏi :
- Tiêu cục ấy tên là gì vậy?
Hà Đại Bảo lắc đầu :
- Chưa biết!
- Vậy thì...
- Việc là thế này, nghe đâu chủ nhân tiêu cục ấy rất có hùng tâm, nếu không làm thì thôi, còn như đã làm thì phải làm cho to tát.
- Ý đại ca muốn nói là tiêu cục ấy còn đang tổ chức phải không?
- Phải! Tiêu cục ấy sau khi thành lập, nghe đâu ngoài tổng cục ở Huê Dung, lại còn đặt phân cục ở các nơi Quang Lạc, Hoài Dương, Sơn Đông và Hà Nam, nên phải còn rất nhiều nhân thủ, lương hướng cũng khá hậu hĩ, chỉ cần được thu nhận, chẳng những không lo việc ăn mặc...
Do Nhân Kiệt vẫn nhận thấy không thể có vậy được, nếu đúng như Hà Đại Bảo đã nói, vị tiêu cục chủ tương lai ấy nhất định là một nhân vật lừng danh trong giới võ lâm. Mà đã là một nhân vật như thế lẽ nào lại làm ngơ trước đại thế của võ lâm hiện nay? Đồng thời, Thiên Ma giáo đang khi hưng thịnh thế này, lẽ nào lại để cho kẻ khác thành lập một tiêu cục?
Nếu quả thật muốn mở tiêu cục thì cũng được, nhưng chủ nhân phải là Thiên Ma giáo chủ! Đây có thể nào chính là một vụ lừa bịp hầu khuếch trương thế lực của Thiên Ma giáo chăng? Theo như sự hiểu biết của chàng thì không thể có vậy được! Bởi một đại sự như vậy theo quy định của Thiên Ma giáo là phải được hội nghị hộ giáo thông qua. Chàng từ Tổng đàn ra đi chưa đầy hai mươi ngày, đâu hề nghe nói đến có một kế hoạch như vậy.
Do Nhân Kiệt nhất thời cũng chưa dám khẳng định là Hà Đại Bảo phải chăng đã nghe lầm lời đồn đại. Tuy nhiên, có một điều là chàng đã quyết định, bất luận sự việc này thật hay giả, chàng cũng phải đến Huê Dung điều tra cho minh bạch, không thể trơ mắt nhìn Hà Đại Bảo vì cuộc sống mà sa vào con đường lầm lạc.
Trước khi rõ sự thật, chàng cũng chẳng nghĩ ra được gì để nói, đành xuôi theo câu chuyện của đối phương hỏi :
- Lương hậu đến mức nào vậy?
Hà Đại Bảo liền phấn khởi đáp :
- Nói ra có lẽ lão đệ cũng chẳng tin...
Do Nhân Kiệt thầm nhủ, sao ta lại không tin chứ? Kẻ này thật muốn cho đại ca biết là thù lao càng cao thì vấn đề càng lớn. Trên cõi đời này không một người buôn bán nào chưa biết lợi nhuận bao nhiêu mà lại dám bỏ một số tiền to tát trước cả.
Hà Đại Bảo nói tiếp :
- Nghe đâu những tiêu đầu được tiêu cục ấy thu nhận thảy đều gọi là võ sư, và võ sư lại được chia làm ba cấp, cấp thứ nhất là huỳnh y võ sư, thứ nhì là bạch y võ sư và thứ ba là hắc y võ sư. Huỳnh y võ sư lương tháng ba trăm lạng, bạch y võ sư năm mươi lạng và hắc y võ sư hai mươi lạng. Lão đệ thử nghĩ xem, sự hậu hĩ như vậy ở đâu mà có được? Mỗ cũng chẳng có chí lớn gì, chỉ cần được một chức vụ hắc y võ sư là đủ mãn nguyện lắm rồi!
Bây giờ thì Do Nhân Kiệt đã tin hoàn toàn đó là sự thật. Không gọi “tiêu đầu” mà gọi là “võ sư”, võ sư lại chia làm ba cấp trùng hợp với ba màu vàng, trắng đen, nếu bảo đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên thì ai tin được?
Phải, việc này không liên quan đến Thiên Ma giáo, nhưng qua việc võ sư được chia làm ba màu sắc vàng trắng đen, thì đủ biết vị tiêu cục chủ này là ai rồi!
Lúc này hai người đã đi đến bờ sông, vừa lúc đó có chiếc thuyền đi đến Nhạc Dương, hai người hỏi giá xong liền lên thuyền ngay.
Hôm sau, Do Nhân Kiệt gọi Hà Đại Bảo ra sau đuôi thuyền, xem rõ chỉ có một người chèo lái, chàng thấp giọng hỏi :
- Hà đại ca, việc đã nói hôm qua, đại ca đã nghe được ở đâu vậy?
- Từ một người bạn của người bạn!
- Hà đại ca sao biết được là việc ấy đáng tin cậy?
- Người bạn ấy không bao giờ nói dối với mỗ, và bạn của y hẳn cũng không lừa dối y, nên mỗ hết sức tin tưởng.
Do Nhân Kiệt gật đầu thầm nghĩ, đạo lý ấy nghe thì đơn giản, nhưng thật ra rất là thâm thúy, ta thành thật với người, người ắt thành thật với ta.
Chàng lại hỏi :
- Tiểu đệ cũng từ Xuyên Trung đến, nhưng chưa hề nghe nói đến việc này, đủ thấy đây hãy còn là một đại bí mật đối với bên ngoài. Hà đại ca khi đến Huê Dung sẽ bắt đầu từ đâu?
- Đến Hoa Gia lầu ở ngoại ô phía sau, tìm một vị Hoa đại quan nhân!
- Chỉ với hai tay không thế này ư?
- Không, khi gặp nhau có một câu ám hiệu, đáp đúng rồi mới được vào cửa.
- Câu ám hiệu đó là gì?
- Một câu đối nghịch! Chẳng hạn như người tiếp lão đệ hỏi “Vừa mới đến ư”?
Lão đệ đáp là “Đã đến lâu lắm rồi”. Nói tóm lại, bất luân đối phương nói gì, câu trả lời của lão đệ phải có nghĩa tương phản.
- Cũng khá thú vị đấy! Vậy là cả tiểu đệ cũng có thể đến đó phải không?
Hà Đại Bảo ngạc nhiên :
- Lão đệ đến đó làm gì?
Do Nhân Kiệt mỉm cười :
- Chả lẽ Hà đại ca tưởng tiểu đệ là một thư sinh vô dụng thật ư?
Hà Đại Bảo trố to mắt :
- Lão đệ...
Đoạn lắc đầu nói tiếp :
- Mỗ không tin, dù thế nào cũng không tin!
Do Nhân Kiệt cười :
- Làm sao mới khiến cho Hà đại ca tin nào?
Hà Đại Bảo đáp :
- Nếu như lão đệ không nói đùa thì phải thi thố vài chiêu cho mỗ xem trước, lúc ấy mỗ mới tin!
- Tiểu đệ nói thật đấy!
- Mỗ vẫn không tin!
Do Nhân Kiệt cười bông đùa :
- Đại ca chịu tin lời bạn của đại ca mà lại không chịu tin lời tiểu đệ, phải chăng cho là tiểu đệ không đủ tư cách làm bạn của đại ca?
Hà Đại Bảo lắc đầu :
- Lão đệ đừng nói khích, lão đệ càng nói vậy, mỗ càng không tin. Giữa bạn bè với nhau miễn là không quá đáng, nói đùa cho vui đâu phải là không được.
Do Nhân Kiệt ngẫm nghĩ chốc lát, cười nói :
- Thế này vậy, tiểu đệ luyện tập binh khí nên chẳng tiện thi thố, bây giờ tiểu đệ xin bêu xấu, biểu diễn khí công được chăng?
Hà Đại Bảo bán tín bán nghi móc ra một đồng tiền xanh nói :
- Cũng được, lão đệ chỉ cần ấn được đồng tiền vào trong mạn thuyền là mỗ tin ngay!
Do Nhân Kiệt đón lấy đồng tiền, cười nói :
- Hà đại ca có làm được như vậy không?
Hà Đại Bảo xem xét chất gỗ của mạn thuyền, đoạn nói :
- Gỗ của chiếc thuyền này rất rắn chắc, tuy không thể ấn vào hết được, nhưng chừng bảy phần thì có thể.
Do Nhân Kiệt cười cười, không nói gì nữa, năm ngón tay chầm chậm nắm lại nhẹ vung tay vỗ vào mạn thuyền, đoạn quay lại cười nói :
- Thế nào?
Hà Đại Bảo thấy chỗ mạn thuyền vẫn bằng phẳng như trước, bật cười ha hả nói :
- Lão đệ khéo đùa thật!
Do Nhân Kiệt mỉm cười :
- Hà đại ca nhìn rõ chưa?
Hà Đại Bảo đưa tay chỉ, cười to :
- Rất rõ, đồng tiền hãy còn trong kẻ tay lão đệ!
Do Nhân Kiệt xòe tay ra :
- Ở đâu?
- Vậy là đã ném xuống sông rồi!
- Hà đại ca đã nhìn thấy tiểu đệ ném xuống sông ư?
- Không, nhưng thủ pháp ấy chẳng có gì lạ, những trò xảo thuật ở thành đô cao minh hơn nhiều.
Do Nhân Kiệt tắt nụ cười, cúi đầu ngẫm nghĩ, lát sau ngẩng lên nghiêm chỉnh nói :
- Tiểu đệ có câu này, nói ra xin Hà đại ca chớ trách!
Hà Đại Bảo ngẩn người :
- Lão đệ giận ư?
Do Nhân Kiệt thành khẩn nói :
- Tiểu đệ tuy chưa từng lĩnh giáo thân thủ của Hà đại ca, nhưng qua mục lực của Hà đại ca, tiểu đệ thấy chuyến đi Huê Dung của đại ca có lẽ sẽ hoài công thôi!
Hà Đại Bảo trố mắt :
- Lão đệ muốn nói là...
- Cho dù Hà đại ca chỉ ước được một chức hắc y võ sư, e rằng cũng khó thể toại nguyện!
Hà Đại Bảo không cho đó là đường đột, chỉ chớp mắt thắc mắc hỏi :
- Mục lực của mỗ kém cỏi như thế nào?
Do Nhân Kiệt cúi xuống, dùng ngón tay quạt một cái lên mạn thuyền, đoạn đứng thẳng lên, đưa ngón tay ra trước mặt Hà Đại Bảo nói :
- Hà đại ca hãy xem đây là gì?
Hà Đại Bảo sửng sốt :
- Lão đệ... đã bóp nát đồng tiền ư?
Do Nhân Kiệt biết trong tiếng sóng ầm ì, gã chèo láo không thể nghe được tiếng nói của hai người, bèn nghiêm chỉnh nói :
- Hà đại ca là người bộc trực, tiểu đệ không thể mà cũng không dám nói dối với đại ca. Theo sự suy luận của tiểu đệ, tiêu cục ở Huê Dung hiển nhiên không phải là một nơi tốt lành. Tuy nhiên, chính vì vậy mà tiểu đệ thấy cần phải đến đó một phen.
Hà Đại Bảo chẳng vì Do Nhân Kiệt võ công cao thâm mà thay đổi thái độ, chơm chớp mắt nói :
- Mỗ đã hiểu ý lão đệ rồi, nhưng...
Do Nhân Kiệt mỉm cười :
- Nhưng lo tiểu đệ không chắc được thu nhập chứ gì?
- Phải!
- Hà đại ca biết từ đây đến Huê Dung phải cần mấy ngày không?
Hà Đại Bảo thoáng nghĩ rồi đáp :
- Nhanh lắm cũng phải mười một, mười hai ngày!
- Khi đến Huê Dung, nếu bốn năm hôm sau chúng ta mới đến ứng tuyển thì có sao không?
- Đương nhiên là không!
- Vậy thì trong thời gian trên thuyền, Hà đại ca hãy nói ra chiêu thức quyền cước mà đại ca đã học được, để tiểu đệ nghiên cứu, sau đó đến Huê Dung tìm một nơi nào đó luyện tập bốn năm hôm, như vậy Hà đại ca thấy có hữu ích không?
* * * * *
Nửa tháng sau, trước Hoa Gia lầu ở Huê Dung bỗng xuất hiện một đại hán mặt vuông thân hình vạm vỡ và một thanh niên áo lam anh tuấn nho nhã.
Ra mở cửa là một lão bộc lưng gù, sau khi đưa mắt nhìn hai người, lão bộc lưng gù ngẩng lên hỏi :
- Hai vị chưa từng đến đây bao giờ phải không?
Đại hán mặt vuông cười nói :
- Lão quản gia thật chóng quên, chúng tôi đã đến đây nhiều lần lắm rồi!
Lão bộc quay sanh thanh niên áo lam nói :
- Công tử thấy vị này nói thật buồn cười, lão hán chỉ mới lần đầu gặp y, vậy mà y lại bảo đã đến đây nhiều lần rồi!
Thanh niên áo lam mỉm cười :
- Không lâu đâu, chính là nơi đây!
Lão bộc lại đưa mắt nhìn hai người từ đầu đến chân, sau cùng nhún nhún vai, thở dài nói :
- Thôi được, thôi được, vào đi!
Đoạn nghiêng người nhường cho đối phương đi vào rồi cài then cửa lại. Bên trong là một vườn cây được chăm sóc rất ngay ngắn, đi qua một con đường nhỏ lát đá, trước mặt là một đại sảnh tráng lệ.
Lão bộc đưa hai người vào trong đại sảnh, đoạn nói :
- Xin hai vị hãy chờ chốc lát!
Dứt lời liền đi ra sau đại sảnh. Lát sau, trên hành lang sau đại sảnh vọng đến vài tiếng ho, rồi từ sau bình phong chậm rãi bước ra một lão nhân áo xám tay nâng ống điếu.
Lão bộc lưng gù theo sau lão nhân áo xám vội bước nhanh tới giới thiệu :
- Đây là Hầu sư gia!
Lão nhân áo xám xuất hiện, đại hán mặt vuông và thanh niên áo lam đều thoáng ngẩn người. Sau khi nhìn rõ mặt hai người, lão nhân áo xám dường như cũng rất ngạc nhiên, thì ra vị Hầu sư gia này chẳng phải ai xa lạ, chính là lão nhân áo lam rách rưới mà hai người đã gặp trong quán rượu nghèo tại trấn Sa Khê hồi nửa tháng trước.
Lão bộc ngơ ngẩn nói :
- Thì ra mọi người...
Hầu sư gia khoát tay ngắt lời :
- Đây không còn việc của lão nữa, hãy lui ra đi!
Chờ cho lão bộc lưng gù đi khỏi, Hầu sư gia quay sang hai người chìa tay ôn tồn nói :
- Xin mời ngồi!
Hai người ngồi xuống xong, Hầu sư gia mỉm cười hỏi :
- Hai vị đi thuyền đến phải không?
Do Nhân Kiệt khom mình đáp :
- Vâng!
- Trong hai vị, ai là người nghe tin bổn trạch chiêu thỉnh võ sư trước.
Hà Đại Bảo đáp :
- Hà mỗ đây!
- Hà huynh đài tên và ngoại hiệu xưng hô thế nào?
- Hà Đại Bảo, ngoại hiệu là Hà đại nhân!
Hầu sư gia mỉm cười, quay sang Do Nhân Kiệt hỏi :
- Còn vị lão đệ đây?
- Vãn sinh Do Nhân Kiệt, cùng là người Khai Phong với Hồ huynh đây, hôm trước trong quán rượu ở Sa Khê, sư gia đã biết rồi, sau đó hai người bởi tâm đầu ý hợp nên đã rủ nhau đi cùng thuyền. Ở trên thuyền được Hà huynh cho biết là vị đại quan nhân ở đây có ý định thành lập một tiêu cục, đang chiêu mộ võ sư. Vãn sinh cũng có học được chút quyền côn, nên chẳng quản mạo muội đến đây ứng tuyển, những mong sư gia nâng đỡ nhiều cho!
- Sư thừa của lão đệ là ai?
- Gia sư là Từ Thích Chi, ngoại hiệu Tửu Tẩu!
- À, thì ra là Tửu Tẩu Từ Thích Chi trong Thiên Long Lục Tào ư?
- Vâng!
Hầu sư gia bỗng buông tiếng thở dài :
- Một tòa Thiên Long phủ đường hoàng khí phái, và Trung Nghĩa nhị trang... Ôi!
Nhắc đến việc ấy thật không khỏi xót xa... Hôm lệnh sư ngộ nạn, lão đệ không có mặt trong trang ư?
Do Nhân Kiệt cúi đầu :
- Không!
- Lão đệ có biết Thiên Long phủ và Trung Nghĩa nhị trang đã bị hủy bởi tay ai không?
- Vãn sinh có nghe nói đại khái, song thân cô thế yếu, lòng có thừa mà sức chẳng đủ, thật hổ thẹn với vong linh của ân sư.
- Lão đệ cũng đừng nên tự trách như vậy, chỉ cần lão đệ có lòng, cố gắng cầu tiến, trong tương lai lẽ nào lại chẳng có cơ hội!
- Đa tạ sư gia đã chỉ dạy cho! Đại quan nhân ở đây trong lúc này lại có đủ nghị lực tổ chức tiêu cục, đó chính là nguyên nhân đã khiến vãn sinh kiên quyết đến đây.
Hầu sư gia trầm ngâm gật đầu :
- Tốt lắm! Vậy hai vị hãy theo lão vào trong gặp hai vị võ sư phụ trách chủ thí tại đây!
Đoạn đứng lên, dẫn ra khỏi đại sảnh, đi qua một khoảng sân vườn, lại gặp một đại sảnh, cứ thế hết khu này đến khu khác, qua khỏi năm sáu khu mới đến một con đường tăm tối, rồi đến một khoảng sân phủ cát, trên có mái che và bốn bề tường cao vây bọc.
Vào đến trong sân liền nghe có tiếng ồn ào, những tráng hán rải rác đứng khắp nơi, không dưới bốn mươi người, kẻ luyện binh khí, người đấu quyền chưởng, cũng có một số đang tán gẫu.
Hầu sư gia dẫn hai người đến một góc, đưa tay chỉ hai người đàn ông trung niên mặc áo dài nói :
- Hai vị kia chính là Mạc võ sư và Đơn võ sư!
Do Nhân Kiệt ngẩng lên nhìn, bất giác ngớ người.
Thì ra hai võ sư ấy chẳng phải ai khác, chính là Nhất Kiếm Phong Quan và Lưu Tinh Song Quyền trong số Đại Thiên Tứ Khách.
Nhất Kiếm Phong Quan mỉm cười nói :
- Vị lão đệ này đã từng gặp Mạc mỗ rồi phải không?
Do Nhân Kiệt không ngờ đối phương ánh mắt lại sắc bén đến vậy, không khỏi giật mình kinh hãi. Bởi chàng tuy đã cất giấu đôi Tam Lăng thích ở nơi khác, song ngọn lệnh kỳ hộ giáo hết sức quan trọng vẫn còn mang theo trên mình, nay nếu lời nói ấp úng, khiến đối phương sinh lòng ngờ vực, soát ra lệnh kỳ thì hậu quả sẽ khó lường.
Vì vậy, chàng chẳng còn cách nào hơn, đành cắn răng gật đầu nói :
- Vâng!
- À, ở đâu vậy?
Do Nhân Kiệt chẳng chút đắn đo, đáp ngay :
- Thiên Long phủ!
Nhất Kiếm Phong Quan sửng sốt :
- Lão đệ nói ở đâu? Thiên... Long phủ ư?
Do Nhân Kiệt vốn chỉ là nói bừa, lúc này chợt nảy ý, bèn vờ chớp mắt nói :
- Có một lần tại hạ theo gia sư đến Thiên Long phủ, từng gặp một hiệp sĩ bạch y tại đó, tôn giá chẳng phải vị hiệp sĩ ấy thì còn là ai nữa?
Thì ra chàng sực nhớ đến Hoa Sơn Bạch Y Hiệp trong Kim Bút Tứ Hữu có phần giống Nhất Kiếm Phong Quan này, nên bèn nói quàng như vậy, nhận lầm người hẳn đâu có tội tình gì?
Nhất Kiếm Phong Quan thắc mắc hỏi :
- Đó là lúc nào?
Do Nhân Kiệt ngẫm nghĩ chốc lát, đoạn nói :
- Cũng khoảng bốn năm năm rồi!
- Bốn... năm... năm ư?
Thế là Do Nhân Kiệt yên tâm, qua thái độ của đối phương, nhất định Nhất Kiếm Phong Quan này đã từng đến Thiên Long phủ, chỉ có điều là không phải hồi bốn năm năm trước mà thôi.
Chàng đưa tay chỉ thanh trường kiếm bên lưng đối phương nói :
- Vâng! Tại hạ còn nhớ, hôm ấy tôn giá cũng đã đeo thanh trường kiếm này đây!
Nhất Kiếm Phong Quan chau mày :
- Lão đệ không nhìn lầm người chứ?
Do Nhân Kiệt chưa kịp đáp thì Lưu Tinh Song Quyền đứng cạnh bỗng cười ha hả nói :
- Lão Mạc rõ thật lẩn thẩn, chả lẽ còn chưa hiểu ra đó là Hoa Sơn Bạch Y Hiệp Nhiếp Văn Vệ hay sao?
Nhất Kiếm Phong Quan bật cười :
- À, mọi người đều bảo Mạc mỗ rất giống Bạch Y Hiệp Nhiếp Văn Vệ, lâu nay Mạc mỗ vẫn không tin, bây giờ xem ra không tin cũng chẳng thể được.
Hầu sư gia nhân cơ hội này giới thiệu :
- Vị này là Hà Đại Bảo, lão đệ này là Do Nhân Kiệt, cao túc của Tửu Tẩu Từ Thích Chi tiền bối, một trong Thiên Long Lục Tào!
Nhất Kiếm Phong Quan và Lưu Tinh Song Quyền nghe nói Do Nhân Kiệt là truyền nhân của Thiên Long Lục Tào, đều khẽ à lên một tiếng, như hết sức ngạc nhiên.
Hầu sư gia giới thiệu xong, lần lượt vòng tay thi lễ với bốn người, đoạn quay người bỏ đi.
Lưu Tinh Song Quyền quay sang Hà Đại Bảo hỏi :
- Hà bằng hữu sư thừa là ai vậy?
Hà Đại Bảo thẳng thắn đáp :
- Mỗ chẳng có sư thừa nào cả!
- Hà bằng hữu ý nói là...
Hà Đại Bảo ưỡn ngực :
- Thú thật mỗ chính là xuất thân từ một kẻ làm công trong Thiên Long phủ, hôm nay mấy pho quyền cước đều do học trộm, ngay cả bản thân mỗ cũng không rõ mình có tài cán là bao, các người cứ chỉ định một hắc y võ sư cùng mỗ tỉ thí vài chiêu, nếu thắng hãy nói đến việc khác, còn như mỗ thua thì chẳng có gì để nói, lập tức vỗ đít bỏ đi ngay.
Lưu Tinh Song Quyền biết y là một kẻ khờ khạo, gật đầu cười nói :
- Được thôi!
Đoạn quét mắt nhìn quanh, sau đó ngoắc tay vời một hán tử đang đứng trước giá để binh khí tán gẫu với người khác, lớn tiếng nói :
- Lương sư phụ, hãy đến đây!
Hán tử họ Lương liền chạy đến, y là một hắc y võ sư tuổi ngoài ba mươi, mình trần trùng trục, hai bắp tay nhô cao rắn chắc, thoáng nhìn cũng biết là một cao thủ quyền cước.
Hắc y võ sư họ Lương đến gần, cung kính nói :
- Đơn sư phụ có điều chi chỉ dạy?
Lưu Tinh Song Quyền đưa tay chỉ Hà Đại Bảo nói :
- Vị Hà bằng hữu này mới đến, Lương sư phụ hãy hầu tiếp vị ấy vài chiêu!
- Vâng!
Lương võ sư quay nhìn Hà Đại Bảo từ đầu đến chân, đoạn sải bước ra sân, ôm quyền cao giọng nói :
- Xin Hà bằng hữu thí giáo!
Đoạn tay phải co vào, tay trái chỉ ra trước, với thế “Phong Vũ Dục Lai” rất thường thấy trong công phu quyền chưởng đón chờ.
Hà Đại Bảo bước ra sân đứng lại, hai mắt chằm chặp nhìn vào Lương võ sư.
Lương võ sư nói :
- Hà bằng hữu xin mời!
Hà Đại Bảo chỉ tay :
- Đó là chiêu thức gì vậy?
Lương võ sư ngớ người, y thật không dám tin một người luyện quyền chưởng mà lại không biết thế khởi thủ này, nhất thời chẳng biết trả lời sao cho phải.
Lưu Tinh Song Quyền đứng cạnh khẽ hắng giọng nói :
- Đó là chiêu “Phong Vũ Dục Lai”, một thế khởi thủ thông thường khi giao đấu!
Hà Đại Bảo ngoảnh sang hỏi :
- Tại sao lại phải làm như vậy?
Các võ sư gần đó nghe nói vậy đều chưng hửng đưa mắt nhìn nhau, những võ sư khác thấy vậy cũng liền tạm ngưng thao diễn, đổ xô đến xúm quanh xem.
Nhất Kiếm Phong Quan quay sang Do Nhân Kiệt thấp giọng hỏi :
- Lão đệ quen với vị Hà bằng hữu ấy bao lâu rồi?
Do Nhân Kiệt mỉm cười :
- Điều ấy thì Hầu sư gia biết rất rõ, chỉ mới vài tháng thôi! Vị Hà huynh ấy tuy trông có vẻ lờ khờ, nhưng lòng dạ rất là chính trực, có điều chưa biết thân thủ ra sao.
Nhất Kiếm Phong Quan gật đầu, không nói gì nữa.
Thật ra Hà Đại Bảo sở dĩ như vậy chính là do Do Nhân Kiệt đã chỉ điểm, cố ý làm ra. Hai người sau khi bàn bạc, quyết định ngay lúc đầu là nên để lại ấn tượng sâu sắc cho đối phương như vậy sau này mới có khả năng được trọng dụng, bằng không nếu tiến thoái theo mọi người thì sẽ mất đi ý nghĩa trà trộn vào đây.
Lúc này, ngay cả Lưu Tinh Song Quyền cũng không biết trả lời sao cho phải.
Sau cùng Nhất Kiếm Phong Quan đến gần giải thích :
- Ấn chứng có tính hữu nghị khác với đối địch giao chiến, sử dụng thế khởi thủ ấy là có dụng ý để cho đối thủ có thời gian chuẩn bị, đồng thời cũng có thể qua đó cùng nhau hiểu được quyền lộ và hỏa hầu của đối phương, do đó rất nhiều cao thủ võ lâm chỉ cần nhìn tư thế khởi thủ của đối phương, không cần thật sự giao đấu đã chịu thua bại, chính là đại lý ấy.
Hà Đại Bảo sầm mặt :
- Rõ là vớ vẩn!
Nhất Kiếm Phong Quan vội nói :
- Mạc mỗ chẳng qua chỉ ví dụ thôi.
Hà Đại Bảo vênh mặt :
- Mỗ chưa từng chính thức bái sư, chẳng biết gì về những trò ấy. Mỗ chỉ biết một câu “Thắng làm vua, thua làm giặc”, nắm tay người nào cứng thì người ấy là lão đại!
Đoạn quay sang Lương võ sư lớn tiếng nói :
- Lương bằng hữu hãy cẩn thận, hai nắm tay của Hà Đại Bảo này đã từng đánh gục rất nhiều người giống như bằng hữu rồi đấy!
Lương võ sư mỉm cười gật đầu :
- Không sao, bằng hữu cứ việc phóng tay thi thố!
Hà Đại Bảo hữu quyền vung lên, bỗng quát to :
- Chiêu thứ nhất “Hắc Hổ Thâu Tâm”!
Quả nhiên sấn thẳng tới, với chiêu “Hắc Hổ Thâu Tâm” tống thẳng vào ngực Lương võ sư.
Lương võ sư thầm nực cười, chưa xuất chiêu đã nói ra trước, thật chẳng rõ vị sư phụ nào đã dạy cho!
Bèn ung dung lùi sau nửa bước, thoáng thụp người cho vững chân tấn, sau đó tay phải vung lên, với thế “Hoành Giá Kim Lương” đón tiếp.
Hà Đại Bảo không chững người, hữu quyền quơ nhẹ và quát to :
- Chiêu thứ nhì... vẫn là “Hắc Hổ Thâu Tâm”!
“Vù” một tiếng, quyền lộ trở về nguyên trạng, vẫn với tư thế trước đâm thẳng tới.
Lương võ sư cứ tưởng đối phương đổi chiêu thức mới, tay phải vừa rụt về thì quyền phong đã đến gần, rồi thì mắt hoa lên, trước ngực đã bị trúng một quyền.
Những võ sư đứng quanh xem liền cười ồ lên!
Hà Đại Bảo vội đến đỡ Lương võ sư dậy, rốt rít nói :
- Xin lỗi! Xin lỗi! Mỗ vốn định đổi một chiêu khác, nhưng nhất thời không nghĩ ra được chiêu nào có thể sử dụng. Lần này không kể! Lần này không kể, chúng ta hãy làm lại từ đầu.
Lương võ sư lắc đầu :
- Thôi, thua là thua rồi!
Hà Đại Bảo quay người hỏi :
- Vậy có được kể là thắng không?
Nhất Kiếm Phong Quan mỉm cười gật đầu :
- Đương nhiên là được! Sách có câu “Binh bất yếm trá”, cho dù là Hà huynh vô ý, nhưng Hà huynh đã thắng trận này, đó là sự thật!
Hà Đại Bảo quay sang Do Nhân Kiệt cười ngạo nghễ nói :
- Hà Đại Bảo này đã có được một chức hắc y võ sư, bây giờ đến lượt lão đệ!
Do Nhân Kiệt mỉm cười :
- Tiểu đệ e là không được may phước như Hà huynh đâu!
Phen này ngay cả Lương võ sư cũng phải phì cười, lúc này hầu hết võ sư hiện diện kể cả Lương võ sư đều cho là Hà Đại Bảo thắng được trận vừa qua là do may mắn, nhờ té ngã mà nhặt được vàng, chứ không cho là Lương võ sư tài nghệ kém người.
Chờ cho các võ sư dứt cười, Nhất Kiếm Phong Quan quay sang Do Nhân Kiệt hỏi :
- Do lão đệ có muốn thử vài chiêu không?
Do Nhân Kiệt thoáng ngẫm nghĩ, đoạn ngẩng lên nói :
- Tại hạ luyện là binh khí, một khi xuất thủ e khó lưỡng toàn, nên tại hạ tự một mình bêu xấu thôi, nhờ nhị vị giáo đàn chỉ giáo thêm cho, chẳng hay có được chăng?
Lưu Tinh Song Quyền gật đầu :
- Cũng như nhau thôi!
Do Nhân Kiệt bèn đi đến giá binh khí lấy ra một ngọn phán quan bút, chậm bước đi vào giữa sân.
Trước tiên chàng hướng về Nhất Kiếm Phong Quan và Lưu Tinh Song Quyền ôm bút thi lễ, sau đó xá một vòng với những võ sư vây quanh, đoạn ung dung thi triển pho Thần Tiên Thập Bát Tản Thủ là chính, phối hợp với một phần Kim Bút chiêu pháp.
Một pho bút pháp thi triển xong, toàn thân không dính chút bụi, khí định thần nhàn như trước.
Chúng võ sư thấy chàng thần thái lẩm liệt, khiêm tốn ung dung, vốn đã có sẵn thiện cảm, giờ đây lại thấy bút pháp của chàng hỏa hầu cao thâm, chiêu thức tân kỳ, càng thêm khâm phục vô cùng.
Do đó, bút chiêu của chàng vừa tắt, xung quanh liền vang lên tiếng hoan hô như sấm động.
Nhất Kiếm Phong Quan cùng Lưu Tinh Song Quyền cũng chạy vào trong sân, một nắm tay và một vỗ vai, đều lộ vẻ hết sức vui mừng nói :
- Lão đệ khá lắm! Khá lắm!
Do Nhân Kiệt vòng tay cảm tạ.
Nhất Kiếm Phong Quan mỉm cười hỏi :
- Lão đệ mới vừa thi triển phải chăng là Kim Bút bút pháp của Lệnh Hồ đại hiệp?
Do Nhân Kiệt thoáng ngẫm nghĩ :
- Tại hạ cũng không rõ lắm, vì tại hạ chưa từng thấy qua bút pháp của Lệnh Hồ đại hiệp bao giờ. Chỉ theo tiên sư cho biết, võ công của Lục Tào đều từng được Thiên Long lão nhân chỉ điểm, có thể trong đó có thêm vô phần nào nào chiêu thức Kim Bút cũng chưa biết chừng.
Nhất Kiếm Phong Quan ra chiều hài lòng gật đầu nói :
- Mạc mỗ cũng nhận xét như vậy...
Đêm hôm ấy, trong một thư phòng nhỏ ở hậu viện, Nhất Kiếm Phong Quan và Lưu Tinh Song Quyền hỏi Hầu sư gia :
- Theo sư gia thì hai tên tiểu tử họ Hà và họ Do có tin cậy được chăng?
Hầu sư gia him híp đôi mắt chuột, cười nham hiểm nói :
- Đằng nào cũng là thứ tiên phong đi đầu, tin cậy được hay không thì có gì khác nhau?
Lưu Tinh Song Quyền hỏi :
- Vậy theo sư gia thì nên cho tên Do tiểu tử ấy danh nghĩa là gì?
Hầu sư gia đưa tay nhẹ vuốt bộ râu dê lún phún vàng và cứng, ngẫm nghĩ một hồi mới nói :
- Tuổi trẻ hiếu danh hơn hiếu lợi, chỉ cần nâng lên một chút là chắc chắn sẽ càng ra sức nhiều hơn, cứ cho hắn danh nghĩa huỳnh y võ sư cũng được.
Nhất Kiếm Phong Quan gật đầu :
- Pho bút pháp của tiểu tử ấy khá cao cường, thật ra cũng rất xứng đáng là một huỳnh y võ sư!
Hầu sư gia như sực nhớ ra, ngẩng lên trố mắt hỏi :
- Mạc sư phụ đã trông rõ pho bút pháp của tiểu tử ấy không hoàn toàn giống bút pháp của Lệnh Hồ Huyền chứ?
Nhất Kiếm Phong Quan gật đầu :
- Vâng, Mạc mỗ đã chú ý quan sát, chỉ có bốn năm phần là giống nhau thôi!
Hầu sư gia chầm chậm nói :
- Chỉ cần không phải truyền nhân chính tông của võ học Thiên Long, thu nhận cũng chẳng hề gì. Bằng không, chúng ta chẳng thể không đề phòng lão Tiêu Dao phái người tiềm phục, vậy thì khó mà trả lời được với Thái Phó giáo chủ.
Lưu Tinh Song Quyền tiếp lời :
- Xin hỏi Hầu sư gia, Tổng đàn có cho biết bao giờ mới thành lập tiêu cục này chưa?
Hầu sư gia lắc đầu :
- Chưa! Nhưng có lẽ cũng sắp rồi!
Ba hôm sau, lại có một nhân vật giang hồ đến, người ấy tự xưng là môn hạ Thiên Tài, tên là Bùi Gia Tinh, chuyên sử dụng một pho Xuyên Vân chưởng pháp, công lực khá cao thâm, kết quả được thu nhận là bạch y võ sư.
Do Nhân Kiệt thấy vị Bùi Gia Tinh ấy càng nhìn càng thấy quen, nhưng nhất thời không nhớ ra được đã gặp tại đâu. Cuối cùng, sau khi trải qua một phen lục tìm trí nhớ, chàng đã biết Bùi Gia Tinh ấy chính là Tam Mục Thần Ưng Hạ Thủ Đạo, Bạch kỳ hộ pháp thuộc Huyết Chưởng đường trong Thiên Ma giáo.
Tam Mục Thần Ưng lúc này ngoại mạo có điểm khác, nhất là nốt ruồi to ở giữa chân mày, chẳng rõ đã được khử bỏ bằng cách nào, lại thêm vào một bộ râu rậm, thoáng nhìn cơ hồ hoàn toàn biến thành một người khác.
Do Nhân Kiệt sau khi khám phá ra thân phận của tên hộ pháp Thiên Ma này, nhất thời hết sức phân vân khó xử.
Chàng hết sức căm ghét Tam Mục Thần Ưng, nhớ hồi ở Phân đàn Tương Dương, lúc Vu Khê lão quái đến vấn tội, y chẳng những không viện thủ mà còn nháy mắt ngăn cản Hoa Hoa công tử can thiệp, đủ rõ y là một kẻ tiểu nhân thâm hiểm.
Thế nhưng, hiện giờ nếu chàng vạch mặt y ra thì giải thích thế nào về việc chàng phát hiện ra được?
Do đó chàng đã tạm thời dằn nén, chàng không khỏi kinh hãi lẫn khâm phục Thiên Ma giáo tin tức linh thông đã cho người trà trộn đúng lúc đến vậy.
Đồng thời, đó cũng khiến chàng liên tưởng đến bản thân. Chàng rời Tổng đàn Thiên Ma giáo đã hơn một tháng, tối đa chỉ còn kéo dài được chừng một tháng nữa thôi, qua khỏi hạn kỳ ấy thì chàng biết tính sao?
Lúc ấy nếu cắt đứt quan hệ với Thiên Ma giáo, phải chăng quả là đáng tiếc?
Còn như một người đóng hai vai, tiếp tục giữ gìn địa vị khó khăn lắm mới có được trong Thiên Ma giáo, đến lúc ấy sẽ dựa vào lý do gì để thoát thân khỏi đây?
Thấm thoát lại năm ngày nữa trôi qua, hôm ấy Nhất Kiếm Phong Quan và Lưu Tinh Song Quyền bỗng cho triệu tập bốn mươi sáu vị võ sư lại.
Nhất Kiếm Phong Quan với giọng nghiêm nghị và phấn khởi tuyên bố :
- Báo cho chư vị sư phụ, tiêu cục của chúng ta ngày mai là khai trương rồi! Hẳn mọi người đều hiểu rất rõ, sau khi tiêu cục của chúng ta khai trương, Thiên Ma giáo nhất định sẽ ra sức quấy nhiễu. Về vấn đề ấy, xin chư vị hãy yên tâm! Mạc mỗ dám cam đoan với chư vị, mỗi người hưởng một phần lương là làm một phần việc, tuyệt đối không để cho chư vị chỉ vì mấy mươi lạng bạc lương tháng mà liều mạng tắm máu với kẻ địch. Tục ngữ có câu “binh đến tướng cản, nước đến đất chắn”. Hoa đại quan nhân của chúng ta sự nghiệp không chỉ ở một nơi, vô luận đối phương phái đến cao thủ thế nào, phía chúng ta cũng có người tương đương ứng phó. Điều này trong tương lai mọi người sẽ được chính mắt chứng kiến, không cần Mạc mỗ phải nói nhiều. Nay Mạc mỗ chỉ yêu cầu chư vị cần phải bình tĩnh và đoàn kết, mỗi người giữ lấy vị trí của mình, phục tùng sự điều động, không khuất phục trước uy thế, không bị mê hoặc trước lợi lộc, cùng phấn đấu vì phát triển sự nghiệp của bổn cục, cùng phấn đấu vì chính nghĩa võ lâm! Sau cùng, Mạc mỗ xin nói thêm câu nữa. Hoa đại quan nhân quyết không bao giờ ngược đãi chư vị!
Quả là một trang diễn thuyết hùng hồn đanh thép.
Nhất Kiếm Phong Quan vừa dứt lời, tiếng hoan hô vang lên cùng khắp.
Do Nhân Kiệt thầm bội phục, nếu luận về việc khích động sĩ khí, tên này kể như là đã thành công, thật không ngờ y lại còn có tài ăn nói đến vậy.
Tiếp theo, Lưu Tinh Song Quyền theo danh sách điểm danh, phát trước tiền lương tháng sau, ngoài ra không phân biệt đẳng cấp, mỗi người đều được thưởng thêm trăm lạng.
Sự việc ấy lại giành được một hồi tiếng hoan hô như sấm động.
Do Nhân Kiệt liếc nhìn Tam Mục Thần Ưng, chỉ thấy y tuy không có cử chỉ gì, song ánh mắt ngập đầy vẻ lo lắng và hoang mang. Thiên Đạo giáo dưới sự hành đạo của Đỗ Môn tú sĩ lại có nhân lực và tài lực hùng hậu đến vậy, hiển nhiên vị hộ pháp Thiên Ma giáo này không bao giờ ngờ đến.
Hôm sau, Nhất Kiếm Phong Quan chia bốn mươi sáu võ sư làm hai nhóm, một phái làm tiêu đầu, một giả làm khách mừng, chia thành nhiều nhóm nhỏ dẫn vào trong thành.
Tại một đường phố lớn đông đúc nhất, tòa tiêu cục đã được trang hoàng tươm tất, chỉ còn chờ đốt pháo lên bảng hiệu nữa thôi.
Mãi đến khi vào đến trong tiêu cục, Nhất Kiếm Phong Quan mới tuyên bố :
- Tiêu cục này sẽ do huỳnh y võ sư Do Nhân Kiệt chủ trì! Còn về danh nghĩa đối ngoại thì là Kim Bút Thần Hiệp Do tổng tiêu đầu!
Do Nhân Kiệt tuy rất bất ngờ nhưng không từ chối, chàng biết Đỗ Môn tú sĩ chẳng phải người tốt lành gì, lại thêm Thái Công Minh nay đã là Phó giáo chủ, hãy còn nỗi ân oán sinh tử với Thiên Sơn tam nghĩa, nhưng chàng cho rằng đó đều không thành vấn đề, chỉ cần Thiên Đạo giáo này thật sự với tôn chỉ tiêu diệt Thiên Ma giáo, mà bản thân Thiên Đạo giáo không có hành vi tàn ác, chàng cũng chẳng tiếc công mà ra sức.
Tiêu cục được đặt tên là Tứ Hải tiêu cục!
Hôm đầu tiên khai trương bình an vô sự, hiển nhiên Phân đàn Thiên Ma giáo trong thành trước đó chưa được tin, và Tam Mục Thần Ưng cũng chưa có cơ hội tung tin ra được.
Tuy nhiên, thời gian bình yên chẳng được bao lâu. Ngay trong đêm thứ ba sau ngày khai trương, trên đại môn tiêu cục bỗng xuất hiện một hàng chữ mầu máu to lớn :
“Hạn định nội trong ba hôm phải tháo bỏ bảng hiệu đóng cửa!”
Do Nhân Kiệt phát hiện chỉ mỉm cười, không hề bận tâm đến. Chàng biết đó nhất định là kiệt tác của Phân đàn Thiên Ma giáo tại đây, đối phó với một Phân đàn, chàng hãy còn thừa sức nhiều. Do đó, chàng một mặt phái người rửa sạch giòng chữ mầu máu đỏ ấy, đồng thời báo tin đến Hoa trạch, chờ đợi hành động tiếp theo của đối phương.
Song kể cũng lạ, ba ngày sau vẫn chưa thấy Phân đàn Thiên Ma giáo trong thành có động tĩnh gì cả.
Thoạt tiên Do Nhân Kiệt hết sức thắc mắc, nhưng ngay sau đó liền hiểu ra lý do.
Sở dĩ Phân đàn Thiên Ma giáo trong thành tạm thời án binh bất động, nhất định là đã được Tam Mục Thần Ưng thông tri, cho biết thực lực hiện nay của Tứ Hải tiêu cục, Phân đàn quyết không đủ khả năng đối phó, nên nhẫn nhịn và cấp báo với Tổng đàn xin xử lý.
Nếu chàng đoán không lầm thì một khi Tổng đàn nhận được báo cáo, nhất định sẽ có nhiều hộ pháp kéo đến, và không chừng còn có cả hộ giáo nữa.
Bên này tuy chẳng phải yếu kém, nhưng liệu có điều động kịp chăng? Chàng vốn định tìm cơ hội bày tỏ sự lo nghĩ của mình với Nhất Kiếm Phong Quan và Lưu Tinh Song Quyền, nhưng sau cùng nghĩ lại, chàng lại lặng thinh không đề cập đến.
Đó là bởi hai nguyên nhân, một là chàng không muốn tỏ ra mình nhu nhược, hai là nhân dịp này khảo nghiệm năng lực ứng biến của Thiên Đạo giáo, xem giáo phái này có thật sự đối kháng nổi với Thiên Ma giáo hay không?
Năm hôm nữa lại qua đi nhanh chóng, theo Do Nhân Kiệt ước tính, có lẽ chừng bốn năm hôm nữa là người của Tổng đàn Thiên Ma giáo sẽ đến nơi.
Thế nhưng, ngay chiều hôm ấy lại có khách hàng tìm đến, đó là một người buôn muối họ Từ, muốn đến Xuyên Trung mua hàng, vì sợ đường đi không yên ổn nên đến hỏi thủ tục bảo tiêu.
Bởi Do Nhân Kiệt không ngờ tiêu cục này lại thật sự có khách hàng, nên khi đối phương cho biết ý định, chàng bàng hoàng chới với còn hơn là Thiên Ma giáo kéo đến tấn công. Song chiêu bài đã treo trước cửa, không tiếp đối phương sao được?
Thế là, chàng đành bảo Hà Đại Bảo rót trà mời khách, một mặt phái một võ sư họ Khổng ra ngoài thành xin ý kiến Nhất Kiếm Phong Quan và Lưu Tinh Song Quyền, vụ làm ăn này nhận hay không? Giá cả thế nào và phái bao nhiêu người?
Ở đây, chàng mời người buôn muối họ Từ vào trong khách sảnh, vờ ra vẻ rất thận trọng hỏi rõ từng chi tiết hầu kéo dài thời gian.
Theo người buôn muối họ Từ cho biết, đối phương cần bảo vệ song trình chứ không phải đơn trình, vào Xuyên Trung gồm có ba chiếc thuyền, chuyến đi chở tám ngàn cân đồng, sau đó với số tiền bán đồng mua muối quay về. Giá tám ngàn cân đồng ước chừng ngàn lạng bạc, nếu đổi là ba thuyền muối ăn quay về thì sẽ trị giá trên một vạn lạng.
Nói quanh nói co một hồi, nửa giờ trôi qua, Hà Đại Bảo từ trong đi ra, khẽ hắng giọng rồi nói :
- Khổng sư phụ có việc cần mời Tổng tiêu đầu vào trong một lát.
Do Nhân Kiệt liền vội đứng lên đi ra hậu viện. Thấy Khổng võ sư đang lau mồ hôi và khẽ chuyện trò với mấy võ sư khác, chàng liền bước nhanh đến hỏi :
- Mạc sư phụ và Đơn sư phụ nói sao?
Khổng võ sư ngẩng lên đáp :
- Mạc sư phụ và Đơn sư phụ đã đi Nhạc Dương chưa về đến.
- Vậy thì...
- Tại hạ có xin ý kiến của Hầu sư gia. Hầu sư gia bảo là việc làm ăn đâu thể không nhận, nhưng bởi đây là vụ giao dịch đầu tiên của bổn cục. Theo ý lão nhân gia ấy, vì thận trọng xin Tổng tiêu đầu đích thân vất vả một chuyến. Giá cả là một phân rưỡi trị giá hàng áp tải, đó là thông lệ, không nhượng bộ được. Còn về mặt nhân thủ, Hầu sư gia bảo đó là tùy Tổng tiêu đầu điều động, lão nhân gia ấy không có ý kiến.
Do Nhân Kiệt trầm ngâm gật đầu nói :
- Được rồi!
Thế là vụ giao dịch này đã được nhận với tiêu ngân là một ngàn sáu trăm năm mươi lạng bạc. Trước khi lên đường thu trước một phần ba. Nếu giữa đường gặp bất trắc, tiêu cục sẽ phải bồi thường bảy phần theo trị giá hàng áp tải.
Vụ giao dịch thỏa thuận xong, tất cả võ sư trong tiêu cục đều hết sức phấn khởi.
Riêng Do Nhân Kiệt tuy bề ngoài cũng tỏ vẻ vui mừng, nhưng trong lòng thì lại có cảm giác nặng nề khó tả.
Có hai điều chàng không sao hiểu nổi, một là chàng hết sức hoài nghi về vị thương buôn họ Từ, y là một phú gia nổi tiếng trong thành Huê Dung, nhất định cũng là đối tượng béo bở của Phân đàn Thiên Ma giáo tại đây. Khi Thiên Ma giáo tiến hành việc tống tiền, đầu tiên là đe dọa đối tượng không được xin bảo hộ của quan chức và các bang phái khác. Trong tình huống như vậy, họ Tư nếu muốn đến Xuyên Trung buôn bán, sao không nhờ Thiên Ma giáo giúp đỡ mà lại đi giao dịch với một tiêu cục mới thành lập?
Hai là hiện nay chàng là một Tổng tiêu đầu, trong lúc dông bão sắp ập đến thế này, một Tổng tiêu đầu quan trọng đến thế nào, tại sao Hầu sư gia lại vì một vụ giao dịch không đáng kể mà phái chàng đi khỏi tiêu cục? Đó là Hầu sư gia nhất thời hồ đồ hay sao?
Nếu là Nhất Kiếm Phong Quan hoặc Lưu Tinh Song Quyền thì có thể, còn như ai đó cho rằng Hầu sư gia hồ đồ thì người ấy mới thật sự là một kẻ hồ đồ. Theo nhận xét của chàng, Hầu sư gia nếu không phải Đỗ Môn tú sĩ thì cũng là một người thân tín của Đỗ Môn tú sĩ, lẽ nào lại không phân biệt được sự khinh trọng lợi hại? Do đó, chàng sau cùng đã khẳng định, việc nhận vụ giao dịch này và chàng bị phái xuất, bên trong ắt phải có vấn đề.
Tuy nhiên, chàng không muốn mệt óc nhiều vì những nghi vấn ấy, bất kể sẽ xảy ra việc gì, đến thì cứ đến, đằng nào hai bên cũng tương đương nhau, nắm lấy cơ hội tha hồ chém giết một phen cũng tốt.
Tối hôm ấy, thương buôn họ Từ mang đến năm trăm năm mươi lạng bạc và căn dặn :
- Sáng sớm ngày mốt lên đường!
Thế là Do Nhân Kiệt bắt tay vào việc chọn lựa tiêu sư, bởi đây không phải một vụ làm ăn lớn và lại đi đường thủy, nên chàng quyết định chỉ cần ba võ sư không mang theo một phổ ky hay thủ hạ nào.
Ba võ sư thì chàng định trong ba cấp, mỗi cấp chọn lấy một người, hắc y võ sư dĩ nhiên là Hà Đại Bảo, bởi rất có thể sau khi họ rời khỏi, người của Thiên Ma giáo sẽ kéo đến ngay, chàng đâu thể để cho Hà Đại Bảo ở lại chịu chết, đành rằng đi áp tải cũng có nguy hiểm, nhưng có chàng trông nom thì vẫn tốt hơn.
Bạch y võ sư được chọn là Khổng võ sư, người này tên Khổng Nghĩa Dương, ngoại hiệu Bát Thủ Nhân Viên, tuy võ công không đáng kể nhưng rất cơ trí và lão luyện.
Huỳnh y võ sư được chọn là một đệ tử phái Hoa Sơn, tên là Chu Tử Minh ngoại hiệu là Tả Thủ Thần Kiếm. Người này tuy tuổi đã ngoài bốn mươi, nhưng tính ra cũng còn là sư điệt của Bạch Y Hiệp. Sở dĩ y phen này đến đây làm một tiêu sư chính là định nhân cơ hội báo thù cho sư thúc Bạch Y Hiệp. Trong huỳnh y võ sư đa số võ công cao cường, song chàng dĩ nhiên phải chọn một người đáng tin cậy hơn hết.
Đến ngày lên thuyền, Do Nhân Kiệt sau khi dặn dò một số việc với phó Tổng tiêu đầu họ Duẫn, cũng là một huỳnh y võ sư, chàng liền cùng Tả Thủ Thần Kiếm Chu Tử Minh, Bát Thủ Nhân Viên Khổng Nghĩa Dương và Hà Đại Bảo đi ra bến sông.
Hành lý chàng mang theo ngoài một ngọn phán quan bút, chỉ có một rương quần áo gọn nhẹ nữa thôi. Trong rương ngoài áo quần và ít bạc vụn, chàng còn mang theo đôi Tam Lăng thích để khi cần thiết sẽ với diện mạo Ác Quân Bình xuất hiện.
Lát sau, vị chủ hàng họ Từ cũng đã đến nơi. Đôi bên sau chốc lát thương lượng đã quyết định xong một số chi tiết nhỏ sau khi lên đường. Qua lần trao đổi sau cùng ấy, Do Nhân Kiệt càng thấy có nhiều chỗ khả nghi hơn trong chuyến đi này.
Thuê tiêu sư áp tải hàng hóa thường thì có hai khả năng. Một là chủ hàng đích thân đi theo, hai là chủ hàng phái người đắc lực thay mặt. Song vị thương buôn họ Từ thì cả hai đều không, y bảo là khi đến Xuyên Trung, y phải đứng ra giao thiệp giải quyết vấn đề tiêu thụ số đồng và mua vào muối ăn, bằng không giá cả sẽ rất thiệt thòi.
Nhưng sau cùng y lại cho biết là không thể đi theo thuyền hàng với lý do là có chứng say sóng. Vậy có lạ không chứ? Bao nhiêu năm sống nhờ trên mặt nước mà lại có chứng say sóng ư?
Do Nhân Kiệt đã có sự chuẩn bị từ trước nên cũng chẳng bận tâm nhiều. Sau khi họ Từ đi khỏi, chàng bắt đầu sắp xếp nhân lực.
Dưới bến sông là ba chiếc thuyền hai khoang rất to và hình dạng giống như nhau, thân thuyền dài hơn ba trượng, qua việc thuyền khẳm khá sâu mà vẫn rất quân bình, đủ thấy chủ nhân của ba chiếc thuyền này ắt là một người lão luyện trong nghề.
Do Nhân Kiệt đi xuống lần lượt xem xét ba chiếc thuyền, sau đó quyết định bốn người chia ra ba thuyền. Tả Thủ Thần Kiếm Chu Tử Minh theo chiếc thứ nhất, Bát Thủ Nhân Viên Khổng Nghĩa Dương theo chiếc thứ nhì, chàng với Hà Đại Bảo theo chiếc thứ ba.
Chàng còn dặn là mỗi thuyền phải tự nấu ăn lấy, và khi đỗ cũng như lúc đi, giữa thuyền này với thuyền kia không được cách nhau quá ba trượng. Bình thường vô sự không được tụ tập cờ bạc hoặc tán gẫu, và cũng không được tùy tiện đi lại. Khi nào đỗ thuyền ở bến lớn thì mới được uống rượu, nhưng không được uống say.
Ngoài ra chàng còn đặc biệt dặn dò Tả Thủ Thần Kiếm và Bát Thủ Nhân Viên nếu như giữa đường gặp biến cố, bất kể kẻ địch bao nhiêu người thì cũng phải cố gắng tránh ra tay trước, mọi sự đều phải nghe theo hiệu lệnh của chàng.
Sắp xếp xong, thuyền nhổ neo khởi hành.
Sau khi thuyền rời bến, Hà Đại Bảo nói :
- Lão đệ dặn này dặn nọ với mọi người, duy đối với Hà Đại Bảo này lại chẳng nói một lời, đó là lý do gì? Chả lẽ lão đệ đã quên mất Hà Đại Bảo này cũng là một hắc y võ sư hay sao?
Do Nhân Kiệt mỉm cười :
- Là tiêu đầu chứ chẳng phải hắc y võ sư gì cả!
Hà Đại Bảo gật đầu :
- Cũng được! Tiêu đầu thì tiêu đầu, cũng như nhau thôi. Hãy nói mau, Hà Đại Bảo này phải chăng cũng có thể làm được chút việc gì đó chứ?
- Chỉ sợ Hà đại ca không chịu nghe đấy thôi!
- Bậy nào! Kẻ khác nói mỗ có thể không nghe, lời nói của lão đệ mỗ không nghe sao được? Nói mau đi, ngoại trừ bảo mỗ nhảy xuống sông tự tận, lời gì mỗ cũng nghe hết, không nghe thì là cháu chắt của lão đệ!
- Thật chăng?
- Thật!
- Tốt lắm! Vậy thì hãy nằm xuống ngủ đi!
Hà Đại Bảo cơ hồ nhảy dựng lên :
- Sao? Lão đệ... bảo mỗ ngủ ư? Lão đệ... tưởng Hà Đại Bảo này ngoài việc ăn và ngủ, chẳng làm được trò trống gì thật ư?
Do Nhân Kiệt nghiêng mắt mỉm cười :
- Vừa rồi chúng ta đã giao hẹn thế nào nhĩ?
Hà Đại Bảo đành nằm xuống, làu bàu :
- Ban ngày ban mặt thế này mà bảo người ta ngủ, thật phi lý hết sức!
- Hà đại ca tưởng ngủ là xấu ư? Đại ca có biết là bao nhiêu mạng người trên ba chiếc thuyền đều nhờ vào giấc ngủ này của đại ca không?
Hà Đại Bảo ngồi bật dậy, trố mắt ngạc nhiên hỏi :
- Lão đệ nói sao? Hãy lặp lại nghe xem!
- Trên ba chiếc thuyền nếu không có một người chịu ngủ vào ban ngày thì đến đêm sẽ giao cho ai trông coi?
Hà Đại Bảo vỡ lẽ :
- Đúng, đúng! Mỗ ngủ, mỗ ngủ!
Đoạn liền lại nằm trở xuống, gối tay dưới đầu và nhắm mắt lại. Nhưng lát sau bỗng lại mở mắt ra, đôi ngươi đảo liên hồi, chẳng có vẻ gì muốn ngủ cả.
Do Nhân Kiệt cười hỏi :
- Ngủ không được phải không?
Hà Đại Bảo lắc đầu :
- Không phải!
- Vậy sao không ngủ đi?
- Mỗ muốn hỏi một điều.
- Điều gì?
- Mỗ muốn biết lão đệ chia bốn người trên ba thuyền với dụng ý phải chăng là nếu vạn nhất xảy ra chuyện, không đến đổi bị chết hết cả lũ?
Do Nhân Kiệt gật đầu :
- Có thể nói như vậy!
Hà Đại Bảo khoái chí :
- Vậy là Hà Đại Bảo này không ngu chứ?
Do Nhân Kiệt mỉm cười :
- Ai bảo đại ca ngu bao giờ?
Đêm hôm ấy, thuyền đỗ lại ở Thạch Thủ. Hôm sau, từ Thạch Thủ bắt đầu ngược dòng đi lên. Hằng ngày, Do Nhân Kiệt đều đứng ở đuôi thuyền ngắm cảnh, đồng thời xem xét những chiếc thuyền qua lại có chỗ khả nghi hay không.
Song liên tiếp ba ngày trôi qua, chẳng việc gì xảy ra cả. Do Nhân Kiệt thầm lấy làm lạ, hai hôm nữa đã đến Nghi Đô rồi, chả lẽ Phân đàn Thiên Ma giáo tại đây thiếu người đã thông báo với phân đào Nghi Đô là sẽ do nơi đó động thủ hay sao?
Hai hôm sau, thuyền đến Nghi Đô, các thủy thủ trên ba chiếc thuyền thảy đều đồng ý yêu cầu bãi bỏ qui định cấm rượu, lên bờ mua rượu uống.
Do Nhân Kiệt bởi đã có nói trước, nên đành phải chấp thuận, chỉ dặn bảo phải chia làm hai tốp, một tốp lên bờ và một tốp ở lại trông thuyền, khi nào đến Tỉ Quy hoặc Ba Đông mới đến lượt tốp ở lại trông thuyền lên bờ. Thế nhưng Nghi Đô là một nơi sầm uất, không ai chịu bỏ qua cơ hội, sau cùng chỉ để lại mỗi thuyền một thủy thủ già trông coi.
Do Nhân Kiệt vô phương, đành dặn bảo Tả Thủ Thần Kiếm, Bát Thủ Nhân Viên và Hà Đại Bảo tranh thủ nghỉ ngơi để đến đêm cảnh giác đề phòng.
Kết quả, đêm ấy chàng đã lo lắng hoài công. Chẳng những đêm nghỉ tại Nghi Đô không xảy ra sự việc gì cả mà mãi đến Nghi Xương cũng chẳng việc gì xảy ra.
Tuy nhiên, Do Nhân Kiệt quyết chẳng tin chuyến đi này có thể bình yên đến được Tự Cống, thuận lợi bán được đồng và chở ba thuyền muối ăn quay về. Do đó, cứ một ngày bình lặng qua đi là chàng lại càng thêm lo lắng, đến đỗi cứ mỗi lần nhìn thấy lá tiêu kỳ màu vàng phất phơ theo gió trên chiếc thuyền thứ nhất là chàng tưởng chừng như đó là một bức phướn chiêu hồn, gây cảm giác ghê rợn chẳng lành.
Hôm thứ mười hai, thuyền đến phụ cận miếu Hoàng Lăng thì trời đã sẫm tối.
Chiếc thuyền đi đầu ra hiệu báo, thuyền lão đại trên thuyền này liền vòng ra khoang sau gặp Do Nhân Kiệt hỏi :
- Tổng tiêu đầu thấy chúng ta neo thuyền nghỉ đêm tại đây được chăng?
Do Nhân Kiệt thò người ra ngoài hỏi :
- Đây là đâu?
Thuyền lão đại đưa tay chỉ :
- Vừa qua khỏi đập Bình Thiện chưa đến miếu Hoàng Lăng, đây chẳng là đâu cả, thổ danh là bãi Nga Chưởng. Nhưng Tổng tiêu đầu có nhìn thấy không? Đằng kia, dưới mỏm núi kia quả là chỗ neo thuyền lý tưởng, ít sóng gió, nước lại sâu, ý của thuyền trưởng là tốt nhất đỗ tại đó, bằng không qua khỏi đây là khó mà tìm được một nơi như vậy nữa.
Do Nhân Kiệt nhìn theo hướng chỉ, bất giác thoáng động tâm thầm nhủ :
- “Đúng vậy! Đây quả là một nơi đỗ thuyền lý tưởng, nhưng cũng có thể là một nơi giết người lý tưởng. Chẳng kể ngươi vô tâm hay cố ý, Do Nhân Kiệt này quyết định chấp nhận thịnh tình này.”
Thế là, chàng giả vờ hài lòng gật đầu nói :
- Nơi ấy quả cũng khá tốt...
Thuyền lão đại thấy chàng ưng thuận, ra chiều hết sức vui mừng, vội chạy lên mũi thuyền phát tín hiệu dừng lại với hai chiếc thuyền đi trước.
Hà Đại Bảo thò đầu ra nhìn quanh rồi hỏi :
- Đây là nơi quái quỷ gì vậy?
Do Nhân Kiệt cười thấp giọng hỏi lại :
- Thủy tính của Hà đại ca thế nào?
Hà Đại Bảo ngạc nhiên :
- Hỏi chi vậy?
- Chúng ta đang ở trên sông, không hỏi về thủy tính thì hỏi gì?
- Còn lão đệ thì sao?
Do Nhân Kiệt đáp :
- Nếu là sông nhỏ thì không sao, còn như rơi xuống đại giang thì chết chắc!
Hà Đại Bảo lắc đầu :
- Mỗ còn tệ hơn lão đệ nhiều, dù là con sông nhỏ thì mỗ cũng chịu chết thôi!
Do Nhân Kiệt gật đầu :
- Vậy thì hãy mau ngủ đi!
Hà Đại Bảo thoáng ngẩn người :
- Đêm nay... sẽ có sự kiện gì xảy ra phải không?
Do Nhân Kiệt nhún vai :
- Cũng chưa biết chừng! Tục ngữ có câu “cẩn tắc vô ưu”, đề cao cảnh giác vẫn hơn!
Đêm ấy Do Nhân Kiệt mặc nguyên quần áo nằm xuống, sau một lúc điều tức đã ngủ thiếp đi.
Chẳng rõ đã trải qua bao lâu, Do Nhân Kiệt bỗng giật mình tỉnh giấc, bởi tiếng hét :
- Tiểu tử, ngươi dám...
Rồi thì “bộp” một tiếng, như có một vật nặng bị chưởng lực đánh rơi xuống sông.
Do Nhân Kiệt lập tức rút lấy ngọn phán quan bút dưới gối, tung mình đứng lên, nhanh như tên bắn lao ra ngoài.
Ra đến boong thuyền, Do Nhân Kiệt quét mắt nhìn, bất giác ngớ người. Dưới ánh trăng, chỉ thấy Hà Đại Bảo một tay nắm mạn thuyền, tay kia xách lưng quần đang thừ ra nhìn xuống dòng sông.
Chàng đến gần hỏi :
- Việc gì thế?
Hà Đại Bảo lắp bắp :
- Có người ám toán...
Do Nhân Kiệt quay người nhìn quanh, chẳng thấy một bóng người, bất giác chau mày nói :
- Hà đại ca không hoa mắt đấy chứ?
- Mỗ mà nói dối không phải con người!
- Vậy kẻ ám toán như thế nào?
- Không thấy rõ!
- Ý đại ca muốn nói là trông thấy người mà chưa nhìn rõ diện mạo phải không?
Hà Đại Bảo ngớ người, đành thành thật nói :
- Người cũng chẳng trông thấy!
Do Nhân Kiệt bực mình lẫn nực cười, lại hỏi :
- Đã không thấy người thì đại ca dựa vào đâu mà dám quả quyết là có kẻ ám toán?
- Cái đầu của mỗ suýt nữa đã bị ném vỡ, chả lẽ còn giả được hay sao?
- Ám khí đến từ hướng nào?
- Trên núi!
- Là một hòn đá phải không?
- Không!
- Ám khí bao lớn? Hình dạng ra sao?
- Tròn tròn và to thế này nè!
Hà Đại Bảo định đưa tay ra diễn tả, mới hay một tay hãy còn xách lấy lưng quần, bèn vội cột quần lại, đồng thời nói :
- Giống như một khúc rễ cây, nhưng...
Ngay khi ấy bóng người nhấp nhoáng, Bát Thủ Nhân Viên và Tả Thủ Thần Kiếm lần lượt xuất hiện. Những thủy thủ trên ba chiếc thuyền cũng đều bị kinh động đổ xô thò đầu ra khoang, trố to đôi mắt dáo dác nhìn quanh.
Do Nhân Kiệt khoát tay lớn tiếng nói :
- Không có gì đâu, mọi người yên tâm ngủ đi!
Hà Đại Bảo bỗng thảng thốt kêu lên :
- Mọi người hãy xem!
Đoạn giơ tay phải lên, ba người ngước lên nhìn bất giác thảy đều thừ người.
Máu! Bàn tay phải của Hà Đại Bảo bê bết máu tươi.
Do Nhân Kiệt thoáng đảo mắt, bỗng hỏi :
- Hà đại ca mới vừa nói sao? Ám khí giống như một khúc rễ cây ư?
Hà Đại Bảo định thần đáp :
- Phải, đầy lông lá...
Do Nhân Kiệt ánh mắt ngời lên :
- Có thể nào là một đầu người chăng?
Hà Đại Bảo trợn mắt :
- Không sai! Mỗ đã nhớ ra rồi, chắc chắn là một đầu người. Mỗ tưởng đâu là rễ cây, thì ra là tóc người.
Do Nhân Kiệt vừa định hỏi tiếp đầu người bị đánh rơi xuống chỗ nào, thì Bát Thủ Nhân Viên bỗng tung mình lên, như một cánh chim bay sà xuống sông.
Tả Thủ Thần Kiếm nói :
- Có lẽ Khổng sư phụ đã trông thấy đầu người đó rồi!
Y đoán không lầm, lát sau Bát Thủ Nhân Viên trở lên thuyền, tay xách một đầu người ướt sủng nước.
Do Nhân Kiệt bảo Hà Đại Bảo ở ngoài canh phòng, đoạn cùng Bát Thủ Nhân Viên và Tả Thủ Thần Kiếm xách đầu người đi vào khoang sau.
Chàng đem đầu người đến bên ngọn đèn kỹ lưỡng xem xét, sau đó đưa cho Tả Thủ Thần Kiếm và Bát Thủ Nhân Viên xem qua, đoạn hỏi :
- Chu sư phụ và Khổng sư phụ từng gặp người này bao giờ chưa?
Hai người đều lắc đầu, Do Nhân Kiệt ngẫm nghĩ chốc lát, lại hỏi :
- Hai vị có ý kiến gì về đầu người này không?
Bát Thủ Nhân Viên trầm ngâm nói :
- Người này dường như chỉ mới vừa ngộ hại, nếu như Hà sư phụ ra ngoài sớm hơn một chút, không chừng đã nghe thấy tiếng la hét rồi...
Do Nhân Kiệt gật đầu :
- Vâng, nếu ngộ hại trên nửa giờ là máu đã khô đặc rồi.
Tả Thủ Thần Kiếm nói tiếp :
- Qua vết thương phẳng đều, người này nhất định đã chết bởi loại binh khí đao kiếm và thuộc loại hảo hạng.
Do Nhân Kiệt trầm ngâm :
- Chẳng những là loại binh khí hảo hạng, mà võ công của đối phương cũng cao hơn kẻ ngộ hại rất nhiều.
- Tổng tiêu đầu nói rất đúng, nếu võ công giữa đôi bên mà không chênh lệch nhiều thì vết thương đâu phẳng đều đến vậy. Chu mỗ chỉ không hiểu là tại sao lại xảy ra gần đây thế này?
Bát Thủ Nhân Viên xen lời :
- Đúng rồi! Nếu đối phương với mục đích cướp tiêu hoặc tầm thù thì lẽ nào lại nội bộ tàn sát lẫn nhau trước khi động thủ thế này?
Do Nhân Kiệt mỉm cười :
- Khổng sư phụ nghĩ họ là người một nhà ư?
Bát Thủ Nhân Viên ngẩn người :
- Nếu không thì...
Tả Thủ Thần Kiếm tiếp lời :
- Điều ấy quả là khó hiểu. Thế nhưng, Chu mỗ còn một nhận xét khác, đó có lẽ chỉ là một sự ngẫu nhiên. Hai bên đã xảy ra xung đột ở nơi khác rồi đuổi nhau đến đây, cuối cùng một bên thua bại mạng vong, và bên thắng khi bỏ đi, không hề biết dưới núi có ba chiếc thuyền.
Do Nhân Kiệt gật đầu :
- Không có thể, nhưng cũng mong là vậy!
Hôm sau, trước khi thuyền tiếp tục cuộc hành trình, ba thuyền lão đại trên ba chiếc thuyền cùng kéo đến hỏi thăm đêm qua đã xảy ra việc gì.
Do Nhân Kiệt vừa lựa lời an ủi, vừa lưu ý xem xét thần sắc của ba người. Sau cùng chàng nhận thấy ba người đều hết sức đôn hậu, không chút gì đáng khả nghi cả, do đó, chàng càng tin là sự suy luận của Tả Thủ Thần Kiếm chẳng phải vô lý, rất có thể đó chỉ là một sự ngẫu hợp. Tuy nhiên, không vì vậy mà chàng giảm thấp lòng cảnh giác. Chàng có một niềm tin bất khả lay chuyển, cho dù sự kiện ấy là ngẫu nhiên hay không, chàng vẫn cho rằng ba chiếc thuyền này quyết không thể bình yên đến nơi.
Ba hôm sau, thuyền đến Ba Đông. Theo sự giao hẹn từ trước, lần này lại đến lúc mọi người lên bờ uống rượu. Song thật bất ngờ, lần này chỉ có hai người lên bờ.
Thì ra do bởi sự kiện xảy ra ở bãi Nga Chưởng hôm trước, ba thuyền lão đại đều có lòng giới bị, họ tự động ước thúc thủ hạ không được tự ý rời khỏi thuyền, chỉ phái hai người lên bờ mua rượu và thức ăn mang về thuyền ăn uống.
Có lẽ vì mấy năm gần đây các tiêu cục đều đã đóng cửa chuyển nghề, nên ba chiếc thuyền đi đến đâu, lá tiêu kỳ trước mũi thuyền cũng đều gây cho mọi người chú ý, phen này thuyền đến Ba Đông lại càng gây xôn xao hơn.
Có người hỏi đây là tiêu cục nào? Đặt tại đâu? Đã khai trương bao lâu? Có người hỏi trên thuyền là hàng hóa gì? Trị giá bao nhiêu và định đến đâu? Có người lại hỏi tiêu sư áp tải danh tánh là gì? Phải chăng là nhân vật lừng danh trên giang hồ trước kia?
Kẻ ăn không ngồi rồi kéo đến từng đám, chỉ chỉ trỏ trỏ và xôn xao bàn tán không ngớt. Nhà thuyền hết sức bực mình, bèn đến xin ý kiến Do Nhân Kiệt, giải quyết thế nào đối với những kẻ đa sự ấy?
Sau một hồi ngẫm nghĩ, Do Nhân Kiệt nói :
- Họ hỏi sao thì cứ trả lời như vậy, đây là Tứ Hải tiêu cục ở Huê Dung đến Xuyên Trung buôn bán, trên thuyền chở toàn đồng, tiêu sư áp tải là Tả Thủ Thần Kiếm Chu Tử Minh, Bát Thủ Nhân Viên Khổng Nghĩa Dương, Trung Châm Thiết Hán Hà Đại Bảo và Tổng tiêu đầu Kim Bút Thần Hiệp Do Nhân Kiệt.
Chàng thầm nhủ, đây là một chuyến bảo tiêu công khai dù loan truyền ra cũng chẳng hề gì. Nếu có kẻ không biết điều muốn cướp đoạt, sớm kéo đến đây hầu một lần giải quyết xong vấn đề, qua đó tạo lập chút uy tín thì cũng tốt thôi.
Chàng chờ nhà thuyền lui ra, lại cho gọi Tả Thủ Thần Kiếm và Bát Thủ Nhân Viên đến, bảo hai người ở lại trên thuyền cẩn thận đề phòng. Chàng định vào trong thành một chuyến, xem có thể tìm được chút manh mối về sự kiện hôm trước hay không.
Do Nhân Kiệt vào đến trong thành, đảo quanh khắp nơi một vòng, thấy hãy còn sớm, bèn đi đến một tửu lầu ở cổng thành.
Chàng định ăn uống ư? Đúng vậy, nhưng đó không phải là mục đích duy nhất.
(mất 2 trang tập 5 trang 207-208)
với số người gần nửa trăm, khắp lầu ồn ào tiếng cười nói, tiếng gọi rượu và món ăn.
Vị sư gia ngồi ngay quày tính tiền là một lão nhân lưng gù, có lẽ là một Huỳnh kỳ hộ đàn.
Ngay khi chàng đang quan sát lão nhân lưng gù và chú ý lắng nghe các tửu khách khác chuyện trò, nơi cửa thang lầu bỗng xuất hiện một hán tử võ phục nhân tình ngũ đoản.
Hán tử ấy dường như mới vừa trải qua một chặng đường hối hả, trên trán ướt đẫm mồ hôi, ngực hãy còn phập phồng liên hồi.
Vì một bữa ăn có cần gấp gáp đến vậy chăng? Do đó, Do Nhân Kiệt nhìn qua là biết ngay hán tử ấy tuyệt không phải đến đây vì ăn uống.
/16
|