Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 148 - Hiệp Kỹ

/345


Năm người của phòng xã núi Phất Thủy bình luận năm bài chế nghệ của xã Thanh Phổ, cùng một đề bài nên đánh giá phân loại cao thấp cũng khá dễ.

Ngoại trừ Phạm Văn Nhược vẫn giữ thái độ im lặng, bốn người còn lại đều cho rằng bài văn với cách phá đề “ Quân xa thận vu gián tiên, minh kỳ gián chi tâm nhi dĩ “ là thành thục lão luyện thanh nhã nhất.

Phạm Văn Nhược cũng đã xem quyển chế nghệ này, bài văn bát cổ này vế đối tuy không cầu kỳ nhưng phân tích rõ ràng sâu sắc, cùng với bài văn trước “đại úy dân trí” tuy cách diễn đạt khác nhau nhưng đều hay như nhau, hiển nhiên là bài này do Trương Nguyên làm. Phạm Văn Nhược không chịu bình luận. Kim Lang Chi đưa cho Phạm Văn Nhược năm cuốn, nói:

- Phạm huynh đánh giá xếp hạng đi.

Phạm Văn Nhược là minh chủ của phòng xã núi Phất Thủy, lại là cử nhân duy nhất trong bọn họ, đương nhiên là phải trưng cầu ý kiến của gã.

Phạm Văn Nhược lắc đầu nói:

- Các huynh đệ cứ đánh giá là được, không cần hỏi ta.

Nói rồi gã cau mày nhìn cây trúc bên hồ, không hiểu trong bụng đang nghĩ gì.

Kim Lang Chi biết tâm trạng Phạm Văn Nhược không tốt, cũng không tiện hỏi nhiều, cùng ba người kia đánh giá lại năm cuốn chế nghệ rồi giao lại cho Dương Thạch Hương.

Dương Thạch Hương cũng đưa năm cuốn mà Thanh Phổ xã đã bình luân xong cho Kim Lang Chi.

Kim Lang Chi nhìn qua rồi đến bên Phạm Văn Nhược nói:

- Phạm huynh xem đi, bài chế nghệ của huynh cũng được Thanh Phổ xã bình là thứ nhất.

Kim Lang Chi đương nhiên biết rõ bút tích của Phạm Văn Nhược.

Phạm Văn Nhược nhìn vào lời bình luận ở cuối bài văn, rồi lại đọc lời bình trong bốn bài văn bát cổ khác, liền mời Dương Thạch Hương tới và hỏi:

- Dương huynh, những lời bình này đều là bút tích của Dương huynh phải không?

Dương Thạch Hương vừa rồi cũng nhìn thấy chế nghệ của Trương Nguyên được phòng xã núi Phất Thủy bình là thứ nhất, cười nói:

- Không dám, đây đều là lời bình của Trương công tử.

Phạm Văn Nhược gật đầu một cái, lại hỏi Dương Thạch Hương:

- Vị Trương công tử này là cháu đích tôn của Trương Túc Chi tiên sinh ở Sơn Âm sao?

Dương Thạch Hương cho rằng Phạm Văn Nhược có ý đồ trả thù nên vội nói:

- Đúng vậy, Trương thị Trạng nguyên ở Sơn Âm, hiển hách lẫy lừng, Trương công tử còn là đệ tử của bậc thầy văn bát cổ Giang Tả là Vương Quý Trọng tiên sinh, Vương Đề Học ở Triết Giang đánh giá Trương công tử rất cao, còn nữa, Trương công tử đã đính hôn với em gái Thái Bộc tự Thiếu khanh Thương Chu Khư. Phạm Văn Nhược cười nói:

- Không cần phải nói những điều này, ta cũng không phải là đến để làm mai.

Nói rồi gã đi tới trước mặt Trương Nguyên chắp tay nói:

- Trương công tử, dân gian có câu không đánh không quen nhau. Tại hạ xem như đã biết Trương công tử là bậc đại tài rồi.

Trương Nguyên không biết Phạm Văn Nhược có ý gì, đáp lễ nói:

- Lấy văn kết bạn, khí phách học trò mà thôi.

Phạm Văn Nhược nói:

- Tại hạ có thành ý mời Trương công tử gia nhập phòng xã núi Phất Thủy, không biết Trương công tử ý kiến thế nào? Trương công tử xin chớ nghi ngờ, tại hạ ban nãy tuy bị Trương công tử dùng ngòi bút làm đau nhưng không bao giờ đến mức ghi hận trong lòng, chút nhẫn nhục ấy tại hạ vẫn có.

Phạm Văn Nhược xuất thân buôn bán sách, người buôn bán thì lấy lợi làm đầu, sau một hồi suy nghĩ, Phạm Văn Nhược quyết định phải kết nạp Trương Nguyên.

Bốn người bọn Kim Lang Chi của phòng xã núi Phất Thủy đều tán dương Phạm Văn Nhược khí phách khoáng đạt, nhiệt tình tốt bụng, cùng mời Trương Nguyên gia nhập phòng xã núi Phất Thủy của họ.

Dương Thạch Hương thì lại thấy rằng Phạm Văn Nhược trở mặt quá nhanh, mới vừa rồi còn chỉ vào Trương Nguyên mắng, giờ lại thành khẩn mời Trương Nguyên gia nhập phòng xã của bọn gã, liền nói:

- Phạm huynh, Trương công tử đã đồng ý gia nhập Thanh Phổ xã của bọn ta rồi.

Phạm Văn Nhược nói:

- Các đồng nhân ở Thanh Phổ xã đều là người của bổn huyện. Làm sao có thể so với phòng xã núi Phất Thủy của ta bao quát khắp anh tài ở Tùng Giang, Tô Châu. Trương công tử gia nhập phòng xã của ta có thể kết được nhiều bạn, có lợi rất lớn cho thanh danh của Trương công tử. Còn nữa, phòng sách Phất Thủy của ta tình nguyện in tuyển tập văn bát cổ cho Trương công tử và xin trả hai trăm lượng bạc thù lao.

Phòng sách Phất Thủy tài lực rất mạnh, vì tập văn bát cổ mà trả công cho Trương Nguyên hai trăm lượng bạc, Dương Thạch Hương đột nhiên sượng lại, gắng gượng chống đỡ:

- Tại hạ cũng có thể dựa theo mức tiêu thụ tập văn bát cổ mà chia thù lao cho Trương công tử.

Phạm Văn Nhược và Dương Thạch Hương đều nhìn Trương Nguyên, chờ đợi Trương Nguyên lựa chọn.

Trương Nguyên tới tham gia văn đàn là để giao lưu kết bạn, lúc trước là thấy Phạm Văn Nhược quá mức kiêu ngạo, ngông cuồng vô lễ nên mới cố ý dạy cho gã một bài học.

Nay xem ra Phạm Văn Nhược không phải là bản tính kiêu ngạo. Sự kiêu ngạo ngông cuồng của gã là thái độ cố tình muốn trấn áp người của Thanh Phổ xã. Sau khi bị nhục trước mặt Trương Nguyên, gã lập tức thay đổi sách lược, điều này cũng trúng luôn ý muốn của Trương Nguyên, hắn cười nhẹ nói:

- Tại hạ vẫn chỉ là một kẻ nho đồng, không thể ra ngoài giao du kết bạn. Lần này tới chúc thọ tỷ phu vẫn phải mang theo ”giấy dẫn đường”, bởi vậy tạm thời chưa thể tham gia văn xã huyện ngoài, cứ đợi sau kỳ thi đạo sang năm rồi bàn tiếp. Nếu may mắn đỗ sinh đồ thì lúc đó ta lại bàn về việc gia nhập phòng xã.

Phạm Văn Nhược lập tức nói:

Trương công tử đã nói vậy thì tại hạ cũng không dám ép buộc, nhưng tập văn bát cổ của Trương công tử phòng xã núi Phất Thủy của ta nhất định phải in, Thiệu Hưng phủ tháng sau thi rồi, vậy thì trong khoảng tháng 5 tháng 6 tại hạ sẽ tới núi Sơn Âm thăm công tử, mong rằng công tử chớ để bụng chuyện hôm nay mà sinh lòng ngăn cách.

-

Thật không hổ danh bản lĩnh của một người buôn sách, một khi đã dẹp cái mác cử nhân thì nói năng thật vô cùng khôn khéo.

Trương Nguyên nói:

- Nếu như Phạm cử nhân tới Sơn Âm, tại hạ sẽ tự quét dọn giường chiếu để nghênh đón.

Thấy Dương Thạch Hương mặt lạnh te liền nói:

- Dương huynh chuẩn bị sẵn năm trăm quyển văn bát cổ, ta sẽ chọn ra một trăm cuốn để bình luận. Qua tháng tư ắt sẽ có thời gian rảnh rỗi.

Dương Thạch Hương mừng rỡ, chắp tay nói:

- Vậy làm phiền Trương công tử rồi, đợi hai tháng nữa ta thu thập xong chế nghệ sẽ cùng với Lục huynh tới Sơn Âm thăm Trương công tử. Lục huynh nhất định không được từ chối đấy nhé.

Lục Thao cười nói:

- Đến lúc đó ta nhất định sẽ đi cùng Dương huynh…

Vừa hay lúc đó y sẽ đi thăm vợ con.

Một cuộc đàm đạo văn chương, một trận phong ba, cuối cùng tất cả đều vui vẻ. Có lẽ Phạm Văn Nhược trong lòng vẫn còn chút khúc mắc đối với Trương Nguyên, nhưng đứng trước lợi ích chung, những điều này gã có thể nhẫn nhịn được, cũng không đến nỗi chỉ vì một chút mâu thuẫn mà phát triển đến mức không đội trời chung với nhau…

Phạm Văn Nhược muốn mời mọi người trong đình Thương Lãng đến tửu lầu ở ngoài miếu để dự tiệc. Dương Thạch Hương nói:

- Chư vị nhân huynh phòng xã núi Phất Thủy vừa tới Thanh Phổ, đương nhiên sẽ do tại hạ làm chủ nhà. Lần sau nếu như bọn ta đi Tô Châu thì sẽ quấy rầy Phạm huynh.

Nói rồi gã mời mọi người theo mình đến Túy Liên lầu ở bên sông Thanh Long dự tiệc. Gã sớm đã lệnh cho người hầu đi đặt sẵn bàn rượu. Trương Nguyên đi ra ngoài Thương Lãng đình, thấy Mục Chân Chân đang đợi ở gốc cây bách, Lục Đại Hữu cũng đang ở đó, liền dặn dò:

- Chân Chân, ngươi và Lục thúc về đi, ta và tỷ phu còn đi dự tiệc ở Túy Liên lầu nữa.

Mục Chân Chân nói:

- Tỳ nữ muốn đi theo thiếu gia, khi rời Sơn Âm, phu nhân đã dặn tỳ nữ lúc nào cũng phải theo sát thiếu gia.

Trương Nguyên cười nói:

- Không sao đâu, đi uống rượu chứ đâu có phải đi đánh nhau.

- Hắn ghé sát vào nói nhỏ:

- Chân Chân, có mang theo côn đó không?

Hắn liếc nhanh lên người Mục Chân Chân, không đợi cô ta trả lời, trong lúc Chân Chân đang nhìn xuống, hắn vội vàng bật cười ha hả, rồi cùng đám Lục Thao, Dương Thạch Hương đi mất.

Mục Chân Chân xấu hổ đỏ mặt, nghĩ thầm:

- Chẳng lẽ thiếu gia nhìn thấy ta buộc côn ở đùi.

Cúi đầu xuống nhìn, váy dài tới tận mắt cá chân, trong váy còn có quần, không thể nào nhìn ra dấu vết khúc côn đeo bên đùi được.

Lục Đại Hữu đi tới nói:

- Chân Chân cô nương, chúng ta về thôi, ăn cơm xong lại đến Túy Liên lầu đợi.

Mục Chân Chân bèn cùng Lục Đại Hữu quay về Lục phủ, vội vàng dùng cơm trưa rồi cùng Lục Đại Hữu và cha là Mục Kính Nham đến đợi ở Túy Liên lầu. Nghe thấy trên lầu có tiếng sáo trúc, lại có cả tiếng nữ tử đang hát, Lục Đại Hữu cười nói:

- Chư sinh ăn uống tiệc rượu lúc nào cũng phải có kỹ nữ ca xướng, thế này thì phải đợi lâu rồi.

Mục Chân Chân thầm nghĩ:

- Bọn họ uống rượu còn gọi kỹ nữ, trong lòng thiếu gia cũng có một kỹ nữ ngồi sao?

Phố Tam Đại có nhiều lạc hộ, xướng hộ (nhà chứa có kỹ nữ mua vui). Mỗi khi quan phủ mở tiệc rượu cũng đều cho gọi họ đến phục vụ. Mục Chân Chân biết là chuyện gì xảy ra, có chút xấu hổ. Lục Đại Hữu đợi một lát rồi nói với Mục Kính Nham:

- Lão Mục, cha con lão cứ đợi ở đây, ta còn có việc, thiếu phu nhân ngày kia sẽ đi theo Giới Tử thiếu gia về Sơn Âm nên có nhiều đồ đạc phải chuẩn bị, ta phải về trước.

Nói rồi lão ra về.

Túy Liên lầu cách miếu Thủy Tiên không xa, ngay trước mặt sông Thanh Long, được coi là tửu gia tương đối sang trọng ở huyện Thanh Phổ. Các sinh đồ đều uống rượu ở đây, dân thường thì không dám lui tới, chỉ sợ chọc phải những tú tài phóng đãng say xỉn, bị tú tài đánh cho thì chỉ có thiệt. Hai cha con Mục Kính Nham và Mục Chân Chân ngồi dưới gốc cây liễu ở bên bờ hồ, ngắm thuyền qua lại trên sống, nói chuyện tầm phào. Chợt có một con thuyền nhỏ cập bến, trong khoang thuyền chui ra một người hướng tới Mục Kính Nham thi lễ:

- Xin mời Mục lão ca!

Mục Kính Nham vội đáp lễ:

- Vị đại ca đây có gì chỉ bảo?

Người này lạ mặt, chưa từng gặp bao giờ mà sao lại nhận ra lão?

Người kia nói:

- Mời lên thuyền, tại hạ có việc thương lượng.

Tuy có võ nghệ nhưng là thân phận kiệu phu hèn mọn, từ trước tới giờ Mục Kính Nham quen bị người ta sai khiến, gặp người này khách khí như vậy không biết có chuyện gì.

Lão không dám chậm trễ, vội dặn con gái:

- Chân Chân con cứ ở đây, cha đi một lát sẽ trở lại.

Lão nhẹ nhàng nhảy lên mũi thuyền, người nọ đưa lão vào ngồi trong khoang thuyền. Thuyền nương mang lên rượu và vài món nhấm. Người nọ châm cho Mục Kính Nham một chén rượu.

Mục Kính Nham sợ hãi nói:

- Không dám làm phiền, xin đại ca có gì cứ chỉ bảo?

Người kia nói:

- Cứ uống vài chén đã rồi bàn chính sự sau.

Mục Kính Nham không phải người hồ đồ, nói:

- Xin đại ca có việc gì cứ nói trước, tiểu nhân là đi theo thiếu gia đến đây, không dám uống rượu sợ làm nhỡ việc.

Người kia cười nói:

- Điều đó sao ta không biết được, Trương thiếu gia đến đây chúc thọ tỷ phu, có đúng không?

Mục Kính Nham gật đầu rồi lại hỏi người này tìm lão có chuyện gì.

Người kia nói:

- Ta có một lượng vải bông, muốn nhờ Mục lão ca mang giúp đến Thiệu Hưng, dù sao cũng tiện đường, ta nguyện trả cho lão ca bốn lượng bạc tiền công.

Bốn lượng bạc, Mục Kính Nham làm cả năm cũng kiếm không ra, nhưng vẫn lắc đầu, nói:

- Không được,

Tiểu nhân chỉ là nô bộc của Trương gia, sao lại đồng ý chuyển vải bông cho người khác được.

Người kia năn nỉ ỉ ôi một hồi, nhờ Mục Kính Nham chuyển lời thỉnh cầu tới Trương Công tử. Mục Kính Nham tuy thân phận thấp hèn nhưng lại khá kiên định, những việc lão không muốn làm thì có khẩn cầu thế nào lão cũng không mềm lòng. Người kia nói khô cả miệng, rốt cục không nhịn được, nói:

- Thôi, nói mãi phí lời, ngươi tự lên bờ đi.

Mục Kính Nham vái chào, bước ra khỏi khoang thuyền, nhưng thấy con thuyền đã trôi theo dòng nước đi khá xa, Túy Liên lầu cao cao giờ không nhìn thấy nữa. Túy Liên lầu ở bờ nam sông Thanh Long, mà lúc này con thuyền lại trôi đến bờ bắc. Mục Kính Nham ngước mắt nhìn, xuôi theo dòng cách đó không xa có một cây cầu lớn hình vòm, không cần bảo thuyền đưa lão về lại bờ nam, lão nhảy lên bờ sông, đi bộ đến cây cầu đá rồi từ cầu đá qua sông, nhằm hướng Túy Liên lầu quay về.

/345

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status