Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 294 - Ngắm Tuyết Ở Hồ Tâm Đình

/345


Ở lại Thanh Phổ được ba ngày, đến mùng hai tháng Chạp, Trương Nguyên cáo từ Lục Thao, Dương Thạch Hương khởi hành đi Thiệu Hưng. Trương Nhược Hi dẫn theo Lý Thuần, Lý Khiết ra tận bến tàu đưa tiễn. Năm ngoái, Trương Nhược Hi ăn tết ở nhà mẹ đẻ tại Sơn Âm, nên năm nay không tiện về nữa, hơn nữa hiệu buôn Thịnh Mỹ mới mở, công việc bận rộn, nàng cũng không dứt ra được. Nhưng mùng ba tháng ba năm sau, nàng sẽ dẫn theo hai con theo chồng đến Sơn Âm, nàng là về nhà thăm cha mẹ, còn Lục Thao là tham gia cuộc tụ hội của Hàn Xã.

Trước lúc từ biệt, Trương Nhược Hi kể khổ với đệ đệ Trương Nguyên rằng, phu quân Lục Thao cần phải chuẩn bị cho kỳ thi hương sang năm, hiệu buôn Thịnh Mỹ một mình nàng lo không xuể, Trương Nhược Hi nói:

- Tiểu Nguyên, đệ mau hoàn thành hôn sự với Thương tiểu thư đi, để Thương tiểu thư cùng quản lý hiệu buôn Thịnh Mỹ với tỷ, Thương tiểu thư chắc sẽ không xem thường những việc tỷ tỷ làm chứ?

Trương Nguyên nghiêm sắc mặt nói:

- Sao lại có chuyện đó, nàng ấy sinh ra đã mang họ Thương mà.

Trương Nhược Hi bật cười.

Ngày mùng hai tháng Chạp, thuyền buồm trắng Ngũ Minh Ngõa rời khỏi Thanh Phổ, len lỏi qua nhiều nhánh đường thủy, đến chập tối ngày mùng mười thuận lợi cập bến Hàng Châu. Kể từ khi thuyền đi qua Gia Hưng, tuyết dường như không ngừng rơi, khi thuyền dừng lại trên bến tàu nơi sông đào Hàng Châu, thì tuyết ở trên bờ đã phủ một lớp dày đến cả thước. Mặc dù trời đất giá lạnh, nhưng những phu bốc vác, phu kiệu nơi bến tàu vẫn túm năm tụm ba trên tuyết chờ đợi khách hàng, bóng chim bóng thú đã mất dạng, nhưng người vẫn chưa thể nghỉ ngơi.

Thấy có thuyền lớn cập bến, đám phu khuân vác, phu kiệu bèn ùa đến, hỏi có cần người làm không?

Trương Nguyên nói với Trương Đại:

- Đại huynh, Thảo Đường ở núi Nam Bình chắc hẳn đã nghỉ học từ sớm rồi, Hoàng Ngụ Dung tiên sinh là người gốc Hàng Châu, chắc vẫn còn ở lại Thảo Đường, hay là bây giờ chúng ta đi thăm hỏi. Sáng mai chúng ta còn phải lên đường về Sơn Âm, không thể chậm trễ được.

Trương Đại gật đầu, hỏi Trương Ngạc:

- Tam đệ, có đi cùng không?

Trương Ngạc nói:

- Đệ không muốn đi, hai người mới là học trò cưng của người, chứ đâu phải đệ. Trời đổ tuyết lớn như thế này, lạnh muốn chết, lần trước ở Đông Lâm học viện, xém chút nữa nữa lạnh đến đổ bệnh rồi, không nhắm mắt đi bừa theo hai người nữa đâu.

Những ngày này, Trương Ngạc đang buồn phiền vì chuyện Lục Mai có thai, y vẫn còn ham chơi lắm, chưa muốn làm cha, lý do mà y trách cứ Lục Mai là: Tố Chi của Đại huynh, Chân Chân của Giới Tử đều chưa có thai, sao Lục Mai lại có, đó chẳng phải là lỗi của Lục Mai hay sao…

Trương Đại lắc đầu cười nói:

- Được thôi, bọn ta đều là nhắm mắt đi bừa, chỉ có Trương Yến Khách đệ là làm việc đứng đắn, Giới Tử, hai bọn ta đi.

Ba người Hoàng Tôn Tố, Nghê Nguyên Lộ, Kỳ Bưu Giai cũng chỉ mới nghe danh Hoàng Ngụ Dung tiên sinh chứ không quen biết người này, nên cũng không tiện mạo muội đến thăm hỏi, cho nên chỉ có Trương Đại, Trương Nguyên dẫn theo Lai Phúc, Năng Trụ, Vũ Lăng đi mà thôi.

Mục Chân Chân ở trong khoang vội vội vàng vàng thay đôi giày vải đen, giắt Tiểu Bàn Long côn vào bên hông phải, đuổi theo ra mui thuyền, gọi:

- Thiếu gia, nô tỳ muốn đi theo người.

Trương Ngạc cười nói:

- Nữ võ sỹ có thể đi theo.

Trương Nguyên cười cười, nói Lai Phúc thuê thêm một cỗ kiệu nữa, Mục Chân Chân vội nói:

- Thiếu gia, nô tỳ không ngồi kiệu.

Trương Nguyên nói:

- Bọn Lai Phúc cũng ngồi kiệu cả, coi như giúp cho mấy người kiệu phu vậy.

Mục Chân Chân xách váy, nhảy lên bờ, nói:

- Thiếu gia, nô tỳ không ngồi kiệu được, ngồi kiệu là, là chóng mặt, nô tỳ đi bộ quen rồi.

Trương Nguyên hiểu được suy nghĩ của thiếu nữ Đọa dân này, bèn nói:

- Thôi vậy, nàng buộc ống quần lại cho cẩn thận, chớ để ướt chân.

Mười kiệu phu, năm cỗ kiệu, đưa bọn Trương Đại, Trương Nguyên đi về phía núi Nam Bình. Mục Chân Chân theo sát bên kiệu của Trương Nguyên, bước đi thoăn thoắt. Tuy tuyết đã rơi mấy ngày, nhưng tuyết trên đường đã bị người qua lại đạp dí xuống, chỉ cần cẩn thận không để bị trơn trượt là được.

Ba người Lai Phúc, Năng Trụ, Vũ Lăng chưa từng được ngồi kiệu, nên cảm thấy rất mới lạ. Nhưng nhìn thấy Mục Chân Chân đi bộ thì ba người bọn họ bèn thấy bất an, nô tỳ ngồi kiệu là việc quá vô lễ, có Mục Chân Chân để đối chiếu, khiến cho ba người bọn họ ngồi kiệu mà như ngồi trên đống lửa.

Lai Phúc nói:

- Ta không ngồi kiệu nữa, ta đi bộ, dừng kiệu.

Hai người kiệu phu sợ mất mối làm ăn, nên càng đi nhanh hơn, miệng thì nói:

- Sẽ đến ngay thôi, sẽ đến ngay thôi.

Từ bến cảng sông đào đến núi Nam Bình cách nhau mười mấy dặm đường, làm sao mà có thể đến ngay được.

Mục Chân Chân tâm lý, biết Lai Phúc vì nàng mà ngại không ngồi kiệu, vội nói:

- Lai Phúc ca, muội quả thực là bị chóng mặt, không thể ngồi kiệu được, huynh cứ ngồi trên đó đi.

Mục Chân Chân nhìn thấy những kiệu phu nọ đều mang giày vải bên trong, bên ngoài mang thêm giày cỏ, lúc trước khi cha nàng phụng mệnh khiêng kiệu đều là đi chân không với giày cỏ, nên nàng có thể đi xe ngựa, chứ không thể ngồi kiệu. Nhìn thấy kiệu phu là nàng lại nhớ đến cha mình, nếu nàng ngồi kiệu thì sẽ cảm thấy như cha mình đang khiêng kiệu cho mình, nàng không đành lòng.

“Ừ, bây giờ cha ở trong quân ngũ, chắc là được ăn no mặc ấm rồi, không biết liệu cha có nhận được thư của mình trước tết không?”

Mục Chân Chân vừa nghĩ vừa bám vào kiệu bước nhanh đi, đột nhiên cảm thấy bàn tay ấm áp lạ, thì ra tay của thiếu gia đặt lên tay nàng.

Khi đoàn người đi đến bên ngoài Kim Môn thì trời đã tối, nhưng tuyết đã ngừng rơi, bầu trời quang hơn, nữa vầng trăng đã nhô lên trên trời từ lâu, giờ phản chiếu lại ánh tuyết, soi sáng bốn bề, nhìn rõ đường đi.

Trương Đại nhìn về phía xưởng dệt Hàng Châu cách đó không xa, nói:

- Chung thái giám quả đúng là một nội quan tốt, rất nhiệt huyết, người kế nhiệm hiện giờ là ai vậy?

Trương Nguyên nói:

- Nghe nói tên là Trịnh Chi Huệ, không biết tính tình thế nào.

Trương Đại nói:

- Mặc kệ y! Giới Tử, đệ không phải là lại muốn đi kết giao với Trịnh thái giám đó đấy chứ?

Trương Nguyên cười, nói:

- Đệ không rảnh, việc này cũng cần phải có cơ duyên, Chung Thái Giám chẳng qua là vừa hay gặp ở hội đèn Sơn Âm, bằng không đệ cũng không cố ý đến giao du.

Trương Đại nói:

- Giới Tử còn nhớ chuyến ngắm tuyết ở Long Sơn hồi năm trước không, tuyết năm nay dường như lớn hơn tuyết năm trước.

Trương Nguyên đột nhiên nhớ lại tác phẩm nổi tiếng của Tông Tử đại huynh là “Hồ Tâm đình khan tuyết”, đột nhiên nổi hứng, nói:

- Đại huynh, sau khi bái kiến Ngụ Dung tiên sinh trở về, chúng ta sẽ đến Hồ Tâm đình ngắm tuyết, uống rượu, thế nào hả?

Trương Đại đúng lúc đang muốn có trò chơi mới, vui mừng nói:

- Hay lắm, ta cũng đang có ý đó.

Họ đi qua quán rượu Ngưng Hương bên cạnh tháp Lôi Phong, lần trước khi Trương Đại đến Nam Viên luận đàm hí khúc với Bao Hàm, Trương Nguyên và Trương Ngạc chính là ngồi uống rượu ở quán rượu Ngưng Hương này đợi đại huynh. Rồi sau đó cùng nhau mướn thuyền qua Tây Hồ, dưới trăng lại gặp nữ lang Vương Vi nơi Đoạn Kiều xin đi nhờ thuyền.

Trương Nguyên dặn Lai Phúc, Năng Trụ ở lại quán rượu Ngưng Hương dặn dò họ mướn một cỗ thuyền nhỏ, trên thuyền chuẩn bị lò lửa, rượu và đồ nhắm, Trương Đại còn dặn thêm:

- Rượu và đồ nhắm nhất định phải ngon, chuẩn bị thêm hai đôi guốc gỗ lớn nữa, loại mà có thể đeo bên ngoài giày ấy.

Lai Phúc và Năng Trụ ở lại, trả tiền cho bốn kiệu phu, Trương Nguyên bảo Mục Chân Chân cũng ở lại, Mục Chân Chân nói:

- Cho nô tỳ đi theo thiếu gia.

Trương Nguyên hỏi:

- Giày vải của nàng bị ướt hay không?

Mục Chân Chân nói:

- Không đâu, nô tỳ đã dùng nẹp tre kẹp cạnh giày với ống quần lại rồi.

Nói đoạn, chìa một chân ra cho Trương Nguyên xem, thấy quả nhiên từ ống chân đến mắt cá chân được nẹp lại bằng ống tre. Một ống tre chẻ làm đôi, rồi ghép, cột lại nơi ống chân, khi đi đường trên tuyết có thể chống lạnh, chống ướt, điều này là cha Mục Chân Chân dạy cho nàng.

Có kiệu phu vui vẻ nói:

- Cách này hay đấy, tiểu nhân về cũng làm theo.

Đoàn người đạp tuyết đi tới Thảo Đường dưới chân núi Nam Bình. Học đường cho học trò nghỉ học từ đầu tháng rồi, học sảnh với sức chứa hơn trăm người bây giờ vắng vặng tối tăm không một tiếng động, chỉ có vài căn nhà cỏ là có ánh đèn. Hoàng Ngụ Dung tiên sinh và gia đình đều ở đây, cùng với học trò cưng của Hoàng tiên sinh là La Huyền Phụ nữa.

Thấy Trương Đại, Trương Nguyên đạp tuyết đến thăm, Hoàng Ngụ Dung tiên sinh rất vui mừng, La Huyền Phụ cười nói:

- Tuy Giới Tử không ở Hàng Châu, nhưng Hàng Châu lúc nào cũng nhắc đến tên Giới Tử.

Trương Nguyên nghe thấy quen tai, vội nói:

- Hổ thẹn, hổ thẹn.

Hoàng Ngụ Dung nói:

- Hồi tháng chín Tông sinh có đến đây, nên những việc của con ta cũng biết được ít nhiều, Đổng Huyền Tể đúng là tự làm tự chịu.

Nói đoạn bèn dặn vú già chuẩn bị rượu và đồ nhắm, để khoản đãi Trương Đại, Trương Nguyên.

Trương Đại đang nghĩ đến chuyến du ngoạn Tây Hồ ngắm tuyết đêm, bèn nói:

- Ngụ Dung tiên sinh không cần dặn người chuẩn bị rượu và đồ nhắm đâu, bọn con ăn tối ở trên thuyền rồi mới đến, không dám uống thêm rượu đâu, lát nữa còn phải quay về thuyền nữa.

Hoàng Ngụ Dung nói:

- Tuyết dày, đường trơn, cứ ở lại đây qua đêm chớ ngại.

Trương Nguyên nói:

- Học trò sốt ruột về nhà, sáng sớm mai là khởi hành rồi.

Hoàng Ngụ Dung cũng không nài ép nữa, hỏi qua về tình hình học tập của huynh đệ họ Trương ở Quốc Tử Giám, tiện thể kiểm tra vài câu, rồi lại hỏi về việc Hàn Xã. Trương Nguyên giải thích với Ngụ Dung tiên sinh là Hàn Xã chỉ là một văn xã bát cổ văn, lấy tôn chỉ là giao lưu chế tác nghệ thuật, đề xướng trung quân ái quốc, Hoàng Ngụ Dung gật gật đầu, không nói gì thêm.

Trương Đại, Trương Nguyên ở lại Cư Nhiên Thảo Đường nửa canh giờ, uống hai chung trà nóng, đoạn bèn đứng lên cáo từ. Khi trở về đến quán rượu Ngưng Hương ở bên cạnh tháp Lôi Phong thì đã trống canh hai. Lai Phúc, Năng Trụ chờ đợi đã lâu. Một con thuyền nhỏ đã neo đậu ở bờ nam Tây Hồ đợi sẵn, đúng ra giờ này không còn thuyền đợi khách trên Tây Hồ nữa, là do Lai Phúc nhờ tiểu nhị của quán rượu Ngưng Hương cố ý tìm một nhà thuyền đến.

Bốn người bọn Trương Nguyên lên thuyền nhỏ, Lai Phúc, Năng Trụ mang theo hai hộp đồ ăn lớn lên theo. Trong khoang có một chiếc lò bằng đất sét, than vừa mới đốt, Mục Chân Chân cời lửa hâm rượu. Trương Đại nóng lòng không nhịn nổi, múc một muôi rượu uống, cười nói:

- Lát về nói cho Yến Khách nghe, cho đệ ấy hối hận.

Khi mọi người ngồi vây quanh lò than cười nói, thì những mái chèo cũng được khua động, chiếc thuyền nhỏ chậm chậm tiến ra giữa hồ.

Đầu giờ Hợi, giữa hồ vắng lặng không một tiếng người, vạn vật tĩnh lặng, sương khói ngập tràn. Trời đêm dưới trăng màu trắng, núi xa tuyết phủ, cành cây kết hoa băng, hòa sắc cùng với mây, với nước, trắng toát một màu từ trên xuống dưới. Lúc này nếu mà đứng trên đỉnh cao nhất của tháp Lôi Phong mà nhìn xuống, giữa nền trắng mênh mang này, nhất định sẽ thấy con đê dài của Tây Hồ hằn lên, Hồ Tâm đình như một chấm nhỏ giữa hồ, một con thuyền nhỏ, còn có mấy người trên thuyền nữa.

Thuyền nhỏ chèo tới đảo nhỏ giữa hồ, Trương Đại, Trương Nguyên buộc guốc gỗ vào bên ngoài giày vải, dẫn đầu bước lên bờ, bốn người bọn Mục Chân Chân, Lai Phúc mang theo nào hộp nào bình, cẩn thận đi tới hướng Hồ Tâm đình.

Đang cẩn thận bước từng bước, đột nhiên Trương Đại khẽ kéo tay áo Trương Nguyên, ra dấu cần đi tiểu tiện, Trương Nguyên cười “hắc” một tiếng. Lúc ở chỗ Ngụ Dung tiên sinh, hai người bọn họ đã uống hai chung trà nóng, hồi nãy ở trên thuyền lại uống thêm chút rượu ấm, nên bụng đã ỳ ạch từ nãy, bèn đi đến bên một gốc mai già bên đường giải quyết nỗi buồn, làm ô uế cả một khoảnh tuyết trắng.

Trương Nguyên thầm nghĩ: “hà, đây chính là câu chuyện đằng sau tuyệt phẩm “Hồ Tâm đình khán tuyết” ngày đó, việc này có làm phong cảnh xấu đi không nhỉ?

Đang nghĩ chợt nghe Vũ Lăng đã đi bên Hồ Tâm đình, lúc này đã đến bên cạnh ngôi đình gọi:

- Thiếu gia, trong đình có người!

Trương Đại lấy làm lạ, nói với Trương Nguyên:

- Vẫn có có người tao nhã, biết thưởng thức hơn huynh đệ ta sao?

Trương Nguyên và đại huynh Trương Đại đi đến ngôi đình, thấy có hai người đang giải nệm ngồi đối diện với nhau, một tiểu đồng đốt lò hâm rượu, rượu đang sôi. Một trong hai người nọ vươn vai đứng dậy, cười nói:

- Những người có thú vui hay thật không ít, mời ngồi, mời ngồi, cùng uống vài ly.

Lai Phúc, Năng Trụ cũng đã trải xong nệm, gác xong lò, bày bình rượu, hộp thức nhắm lên.

Trương Nguyên thấy hai người này đều chạc ba bốn mươi tuổi, người vừa cất tiếng gọi hắn và đại huynh ngồi xuống uống vài ly tướng mạo thanh nhã, lời lẽ hào sảng, lại nghe người còn lại xưng hô với người này là “Tiểu Tu huynh”, chấn động trong lòng, cung kính nói:

- Vãn sinh xin mạo muội hỏi một câu, có phải tiên sinh họ Viên không?

Người này kinh ngạc nói:

- Các hạ là ai, sao lại nhận ra Viên mỗ?

Trương Nguyên chắp tay vái, nói:

- Vãn sinh là Trương Nguyên ở Sơn Âm, tham kiến Viên tiên sinh.

Trương Đại cũng vui mừng nói:

- Hóa ra là em trai của Viên Thạch Công, vãn sinh Trương Đại, tổ phụ họ Trương tên húy gọi Túc Chi.

Người tướng mạo thanh nhã, lời lẽ hào sảng này chính là Viên Trung Đạo, tự Tiểu Tu, hai người anh là Viên Tông Đạo và Viên Hồng Đạo đều đã khuất núi, Công An Tam Viên giờ chỉ còn lại một mình Viên Tiểu Tu.

Viên Tiểu Tu cười nói:

- Thì ra là hiền tôn của Túc Công, quả không tầm thường, đáng mừng.

Nói đoạn nhìn khắp lượt Trương Nguyên, lời lẽ ẩn ý, nói:

- Ngươi chính là Trương Giới Tử, ngưỡng mộ đã lâu.

Người còn lại cũng cười, nói:

- Tại hạ là Đàm Nguyên Xuân ở Cách Lăng, tự Hữu Hạ, cũng ngưỡng mộ đại danh Trương Giới Tử của Sơn Âm từ lâu, đêm nay được gặp, quả là danh bất hư truyền.

Hai người đàn ông trung niên đang ngồi cạnh lò than ngắm cảnh tuyết trong Hồ Tâm đình này chính là hai đại danh sỹ ở Công An và Cảnh Lăng đó là Viên Tiểu Tu và Đàm Hữu Hạ. Hai người này miệng thì nói với Trương Nguyên là ngưỡng mộ từ lâu, nhưng ý tứ thì có phần chế nhạo.

Trương Nguyên thầm nghĩ:

“Vương Vi từng theo Đàm Nguyên Xuân học thơ, mấy tháng trước Đàm Nguyên Xuân có đến Kim Lăng, có lẽ là Vương Vi có nhắc đến việc ta xem nhẹ thi phái Cảnh Lăng. Tục ngữ có câu “vợ người đẹp, văn mình hay”, tuy thô tục nhưng bao hàm nhân tình thế thái. Đàm Nguyên Xuân nổi tiếng với đời nhờ tài thơ, ta lại mượn lời bình trong “Đàm nghệ lục” nói thơ của y nhạt nhẽo nghèo nàn, chát chúa vụn vặt, đương nhiên là Đàm Nguyên Xuân không thích. Hơn nữa Đàm Nguyên Xuân lại còn là bạn hữu của Uông Nhữ Khiêm, Uông Như Khiêm bị một phen bẽ mặt ở Tương Chân Quán như vậy, chắc chắn không tránh khỏi nói xấu ta và Vương Vi trước mặt Đàm Nguyên Xuân. Ấn tượng của Viên Tiểu Tu đối với ta đương nhiên cũng chịu sự ảnh hưởng từ Đàm Nguyên Xuân.”

Thái độ của Trương Nguyên là, hắn có thể kính trọng những danh sỹ này, nhưng sẽ không có chuyện bợ đỡ kết thân. Nếu đối phương đã có ác cảm với hắn, thì hắn cũng sẽ chẳng nể nang gì thân phận hay sự từng trải của đối phương mà nhượng bộ này nọ, lúc cần phải phản kích thì tuyệt không nương tay. Nghĩ đoạn bèn lạnh nhạt nói:

- Hai vị đại danh sỹ nói từ ngưỡng mộ với bậc hậu bối như tại hạ, tại hạ thật hổ thẹn.

Đàm Xuân Nguyên nói:

- Hậu sinh khả úy, thơ văn của tại hạ không đáng giá một xu trong mắt Trương công tử, vậy chẳng phải là hậu sinh khả úy sao.

Đàm Xuân Nguyên này có vẻ sốt ruột muốn trút cơn oán hận, bị người ta phê bình văn chương một tí thôi, có cần phải đến mức như thâm thù đại hận thế này không?

Trương Nguyên mặt không chút biểu cảm, nói:

- Thơ văn của Đàm tiên sinh tại hạ cũng từng vinh dự đọc qua, sao lại dám nói là không đáng một xu, chỉ có điều nếu đem ra so sánh trong vòng ba ngàn năm trước và sau thì chưa đến mức được coi là một tác gia lớn mà thôi.

Đây thật ra là một lời nói thật lòng, Đàm Xuân Nguyên sao có thể sánh được với những tác gia như Lý, Đỗ, Âu, Tô, nhưng với một người cậy tài tự phụ như Đàm Xuân Nguyên thì những lời nói đó nghe ra rất khó chịu. Ông ta cười gượng, nói:

- Trương công tử nếu đã giỏi về bình giám như vậy, tất cũng có tài làm thơ, chẳng hay có thể cho tại hạ có vinh dự được nghe đọc vài bài không?

Viên Tiểu Tu mỉm cười đánh giá Trương Nguyên, ông ta cũng rất muốn được một lần mở mắt xem tài học của cái người tên Trương Giới Tử này.

Quả thật là Trương Nguyên chẳng có tâm trạng nào mà luận thơ văn với Đàm Xuân Nguyên, vốn là hắn muốn cùng đại huynh du ngoạn Tây Hồ vào ban đêm để tìm kiếm một chút cảm giác thanh lạnh cô tuyệt, chẳng ngờ lại gặp được hai người cũng có nhã hứng giống mình là Viên, Đàm. Nhưng hai người có cùng nhã hứng khi gặp nhau lại biến thành tầm thường, tranh cường hiếu thắng quả thực là chuyện làm xấu phong cảnh. Nhưng nếu như Đàm Xuân Nguyên cứ nhất định muốn tranh, thì hắn cũng chẳng có lý do gì mà chối cả, một bụng thơ văn đâu phải để uổng công, ưu thế là người của hai thời đại đâu rồi. Nghĩ đoạn bèn nghiêng đầu nhìn đại huynh Trương Đại một cái, thầm nghĩ: “đại huynh, huynh đệ chúng ta như cây một nhà, cùng chung mối thù, hôm nay đệ phải cần đến huynh làm chỗ dựa đây.” Đoạn nói:

- Nếu Đàm tiên sinh muốn chỉ giáo tại hạ, quả là việc tại hạ có cầu cũng không được, chẳng bằng chúng ta cùng viết một bài du ký về chuyến thưởng tuyết giữa hồ đêm nay, Đàm tiên sinh một bài, tại hạ một bài, có được không?

Trương Nguyên vừa nói vừa ngồi xuống nệm, đón lấy một ly rượu trắng Tô Châu từ tay Mục Chân Chân, trên miệng ly khói trắng lượn lờ, mùi thơm sực nức. Hắn uống cạn một hơi, cảm thấy một luồng khí nóng chạy thẳng xuống dạ dày, các mạch máu đều thông suốt, toàn thân thư thái.

Đàm Xuân Nguyên thấy lời lẽ của Trương Nguyên có vẻ rất nho nhã lễ độ, nhưng thần thái thì rõ ràng là có ý khiêu khích, bèn cười nhạt nói:

- Được, xuất khẩu thành thơ, được chứ?

Trương Nguyên nói:

- Cứ theo ý của ngài, Đàm tiên sinh, mời ngài trước.

Đàm Nguyên Xuân nhìn Viên Tiểu Tu cười, lắc lắc đầu, rồi tự rót tự rượu uống một mình, nhíu mày suy tư, sau ba chung rượu bắt đầu mở miệng từ từ nói:

- Năm Vạn Lịch thứ bốn mươi hai, tạm trú ở Hàng thành, được đi du ngoạn Tây Hồ ba lần. Lần đầu đi từ cổng Dũng Kim về mạn phải xuống dưới Đoan Kiều, khi đó tháng năm, trên hồ lá sen phủ kín, che lấp không nhìn thấy mặt hồ. Thất tịch lại đến, lại thấy bên hồ liễu tàn còn trúc, trúc tàn còn lau, lau mọc xanh mướt như một khu vườn. Mùng mười tháng chạp, trận tuyết lớn đầu tiên, Tiểu Tu gọi ta du hồ xem tuyết, cho nên lại vui vẻ mà đi.

Đàm Xuân Nguyên đọc một cách chậm rãi, chỉ với bốn, năm trăm chữ, mà kể lại chuyến du ký một cách rất mới mẻ đáng mừng, Viên Tiểu Tu không khỏi thốt lời khen:

- Hữu Hạ hiền đệ thắng chắc rồi.

Đoạn quay sang nhìn Trương Nguyên, nghĩ thầm: “để xem Trương Nguyên viết ra được gì?”

Trương Nguyên ngâm nga đọc:

- Tháng chạp năm Giáp Thân, ta đạp tuyết trở lại Kim Lăng, neo thuyền lại Hàng thành vào một buổi hoàng hôn. Cùng với đại huynh đi thăm Ngụ Dung tiên sinh ở dưới núi Nam Bình, lúc về đổi ý, nhìn quanh bốn bề, rồi thuê chiếc thuyền nhỏ, mang theo áo lông, lò lửa, đi ra Hồ Tâm đình ngắm tuyết…”

/345

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status