Nạp Thiếp Ký

Chương 256: Dĩ gian luận (*)

/713


Tống Vân Nhi rất mẫn cảm, vừa thấy thần tình ngưng trọng của Dương Thu Trì, liền nghi hoặc hỏi: "Sao vậy, có chuyện gì không ổn sao?"
"Là có chút vấn đề, nếu như điểm khởi hỏa ở phòng ngủ phía bắc, còn thư phòng của Vương điển sứ ở phía nam, hai phòng cách nhau xa như vậy, Vân Lăng giết xong Vương điển sứ rồi đáng ra phải điểm hỏa ở thư phòng gần bên, chứ làm sao lại chạy đến ngọa thất xa như vậy chứ?"
"Đúng a!" Tống Vân Nhi cũng quay đầu lại nhìn, "Cũng có thể hắn muốn bỏ chạy qua tường ở phía bắc, do đó thuận tay phóng hỏa luôn."
"Nếu như đã bỏ chạy từ hướng bắc, sao lại vòng qua hướng nam đi ra cửa chính để bị lính đi tuần và dân tráng bắt?"
Tống Vân Nhi cũng ngớ người ra, lòng nghĩ đây quả thật là vấn đề, nhưng về biểu hiện thì không muốn nhận thua, liền cưỡng từ đoạt lý: "Có thể là hắn biết phía bắc không dễ vượt tường, nên chạy trở lại cửa chính thoát ra ngoài."
Dương Thu Trì không tranh biện với nàng nữa, trầm tư một hồi, lắc đầu: "Nghĩ không thông, chỉ có thể điều tra mới biết được."
Thường Phúc thưa: "Lão gia, có thể là điều tra không kịp nữa rồi."
Dương Thu Trì hơi sửng người, ngay sau đó nhớ lại Giang tri huyện đã từng nói qua, mấy ngày sắp tới chỉ sợ mệnh lệnh tử hình sẽ được truyền tới. Nếu là như vậy, thời gian để điều tra đích xác là không còn bao nhiêu nữa.
Nhưng mà, phát hiện vừa rồi cũng chỉ là một tình huống không hợp lẽ thường lắm mà thôi, chứ chưa có thể nói là án Vân Lăng phóng hỏa giết điển sứ là án oan, vì nó còn cách tiêu chuẩn để nhận đính án oan xa lắm.
Hiện giờ nên làm sao đây? Điều tra? Tìm ai điều tra? Vân Lăng sao? Hắn là tội phạm, để giảm nhẹ tội trạng nhất định sẽ nói những lời có lợi cho mình. Nếu như hắn khăng khăng không nhận, thậm chí nói là bị người ta ép uổng, không có chứng cứ nào mà chỉ dựa vào khẩu cung của hắn đình chỉ hành hình, tiến hành điều tra lại được hay sao? Dương Thu Trì gã vẫn còn chưa điên tới mức làm như vậy.
Hơnnữa, thứ án đã định tử tội này ở Minh triều đều thông qua Hình bộ, hoặc tòa án tối cao là hoàng đế thẩm hạch xong rồi mới tự tay ngự phế. Có những án lớn còn có thể phải thông qua sự hội thẩm của tam ty, muốn phản án đâu có dễ dàng gì!
Vừa rồi chỉ là nghi ngờ dựa trên dấu vết không hợp lẽ thường, và rất nhiều án mạng đều ít nhiều có loại nghi ngờ như thế.
Do đó, Dương Thu Trì quyết định không nghĩ tới án mạng này nữa.
Trở lại nội nha, hắn cùng hai tiểu thiếp và Bạch Tố Mai nói chuyện cười đùa một hồi, cho đến xế chiều lại tiếp tục thăng đường xử án.
Trong tiếng kẻng vang vang, Dương Thu Trì rời khỏi nội nha, chuyển qua hậu được bước lên noãn các (phòng có lò sưởi), ngồi sau công án thăng đường trong tiếng "uy vũ" kéo dài.
Tống Vân Nhi cùng mấy tiểu nha đầu lại chạy ra hậu đường nghe thẩm án. Những án cần xét xử hôm nay đều đã được Kim sư gia đặt trên công án, và toàn bộ đều đã ghi lên đó lời phán xét đề nghị trước rồi. Bạn đang đọc truyện được lấy tại Truyenyy chấm cơm.
Bá tánh đến nghe thẩm án vào buổi chiều thậm chí còn nhiều hơn buổi sáng, bỡi vì họ nghe tin quan huyện mới được thổ địa trợ giúp, xét án rất hợp tình hợp lý đã nhanh chóng lan ra khắp toàn thành, cho nên ào ạt kéo tới, xếp ba vòng trong ba vòng ngoài, khiến cho khoảng trống thật rộng dưới giếng trời trong đại đường chật kính như nêm, ngay cả ngoài đường lớn trước nha môn cũng đứng chật cả.
Tuy nhiên, những án xét xử vào buổi chiều hơi có vẻ buồn chán, trước hết là vài án mượn nợ không trả, hơn nữa lại chẳng nhìn ra tình huống gì có thể châm chước tha thứ, cho nên Dương Thu Trì cứ theo lời phê của Kim sư gia mà phán, người nào cần phải đánh đòn thì đánh, cần phải cưỡng chế chấp hành thì cưỡng chế chấp hành, nháy mắt là xét xử xong.
Sau đó là một người từ Lâm huyện vì trốn sai dịch đã chạy đến sống trong huyện, bị tra ra đưa lên quan, và cũng án theo lời thảo của Kim sư gia đánh 100 hèo, phái người đưa trở lại Lâm huyện.
Lão bá tánh vây quanh xem cảm thấy mới mẻ hấp dẫn vô cùng, trong khí đó Dương Thu Trì cảm thấy muốn ngủ gục đến nơi. Những án nhỏ xíu này chẳng có gì lạ, nhưng những án do huyện thái gia xét xử hầu hết đều là những chuyện nhỏ như sợi lông như thế, những án lớn chân chính xảy ra án mạng chỉ sợ mấy năm mới có một lần. Năm ngoái Vương Triệu Lợi Vương điển sứ bị giết có thể nói là án lớn nhất của Thanh Khê huyện từ nhiều năm nay.
Sau đó nữa đều là xét xử về chuyện mượn nợ, tranh chấp giữa hàng xóm láng giềng, đánh đấm cãi nhau,... càng li chi vụn vạt hơn, khiến Dương Thu Trì xét xử mà suýt ngáp trẹo cả quai hàm. Kim sư gia thảo ra những lời phán xét vừa có lý vừa có cứ, chẳng có chỗ nào thiếu hay thừa, cho nên cứ chiếu theo những lời này mà phán thế là xong. Nhưng mà Dương Thu Trì nghĩ tới chuyện người ta ráng kiện tụng lên quan được xét xử cũng không dễ dàng gì, cho nên cố lấy hết tinh thần xét xử hết án này đến án khác.
Lão bá tánh thời cổ đại chẳng có mấy ý thức về quyền lợi như người hiện đại, chịu thiệt một chút cũng không sao, hơn nữa lại còn biết nhân nhượng, xem đó ứng với cái gọi là "xá lợi thủ nghĩa" (bỏ cái lợi lấy cái nghĩa tình), hơn nữa lại rất sợ quan, cho dù trong lòng có nghĩ gì khác cũng không dám nói huỵch tẹt ra, sợ bị đánh đòn, cho nên những án xét xử vào buổi chiều này hoàn tất rất nhanh.
Khi trời ngã về tây, thẩm đến án cuối cùng trong ngày, Dương Thu Trì thở phào, thầm nghĩ nỗi nhọc nhằn buồn chán này rồi cũng đến hồi kết thúc.
Án chiếu theo quan niệm truyền thống của nho gia, tố tụng không phải là chuyện có thể đề xướng, do đó không có hạn định gì đặc biệt, chỉ có quy định một số ngày đặc biệt có thể khởi tố mà thôi. Những ngày này được gọi theo thông tục là "ngày phóng cáo." Ở Minh triều, thường người ta sẽ "phóng cáo" vào các ngày ba, sáu và chính, tức là hàng tháng sẽ tiến hành kiện cáo và xét xử vào các ngày 3, 6, 9, 13, 16, 19 và 23, 26, 29. Do đó, hôm nay sau khi thăng đường xử án xong, Dương Thu Trì có thể nghỉ ngơi hai ngày rồi mới xử tiếp.
Dương Thu Trì cầm án trạng cuối cùng của ngày hôm nay lên xem, thấy đó là án tố tụng về một vụ nạp thiếp loạn luân, và chính vì điều này khơi gợi sự húng thú xét xử của hắn.
Tử tế xem qua, đây là một vụ lý trưởng họ Bao ở một hương thôn tố cáo người cùng thôn cưới luôn hai dì cháu làm tiểu thiếp. Bị cáo Hậu Trọng là một tài chủ ở một xóm miền núi, có một tiểu thiếp tên là Tống Tam nương. Tống Tam Nương này có một cô cháu gái tên là Tống Di Đồng bị Hậu Trọng nhìn trúng nạp luôn về làm tiểu thiếp. Kết quả là, lý chánh nhận thấy đây là vụ loạn luân theo kiểu trưởng ấu, đã từng đến khuyên răng, nhưng Hậu Trọng không màn gì tới, cuối cùng Bao lý chánh quyết định tố cáo lên quan trên.
Dương Thu Trì cho đòi nguyên cáo và bị cáo lên đại đường, hỏi Hậu Trọng: "Tống Tam nương và Tống Di Đồng đều là tiểu thiếp của ngươi hả?"
Hậu Trọng thành thật đáp: "Dạ."
"Ngươi có biết Tống Di Đồng là cháu gái của Tống Tam Nương hay không?"
"Dạ biết, Tam nương đã từng nói với tôi." Hậu Trọng có vẻ rất thật thà, có sao nói vậy.
Dương Thu Trì vừa tức vừa buồn cười, vỗ mạnh Kinh đường mộc: "Ngươi rõ ràng là biết hai người nọ là hai thế hệ lớn bé trong một gia đình, ngươi lại hốt hết cả hai về ổ cửa ngươi... ngươi thiệt là quá..."
Hậu Trọng dập đầu thưa: "Nhưng tôi quả thật rất thích Di Đồng, nàng ta cũng nguyên ý theo tôi cả đời."
"Vậy cái ả Tam nương gì đó của ngươi thì sao? Ngươi làm cách nào đối phó với ả? Ả không có ý kiến gì sao?"
"Gia cảnh của bọn họ rất khổ, cho nên tam nương hi vọng Di Đồng có thể theo tôi để có chỗ cậy nhờ."
Dương Thu Trì lúc này có điểm khóc không được mà cười cũng không xong rồi: "Ngươi muốn để ả có chỗ nương nhờ cũng không cần nạp ả vào làm tiểu thiếp đâu a."
Hậu Trọng thật thà dập đầu đáp: "Hai người họ... người nào tôi cũng thích hết á.... bỏ lại ai tôi đều không nhẫn tâm....."
Dương Thu Trì tới giờ quả thực đã bị y chọc tức điên lên, cười mát: "Con mẹ ngươi thiệt là bác ái quá ha..."
Đột nhiên, câu nói của Hậu Trọng về chuyện "Chẳng nỡ buông bỏ người nào hết" khiến cho lòng Dương Thu Trì chợt nhói lên. Hắn nhớ tới vị nữ "tiền bối" Liễu Nhược Băng võ công cực cao, lạnh lùng và mỹ lệ tuyệt luân. Hắn thoáng thấy đôi mắt đầy sự lạc lõng và thê lương của Liễu Nhược Băng, đôi mắt của người con gái đã bị hắn hồ đồ tước đoạt mất trinh tiết, của vị tỷ tỷ mà hắn thầm hi vọng sẽ sống cạnh nhau trọn đời nhưng không thể nào như ý nguyện.
Dương Thu Trì hơi ngẩn người. Trinh tiết của Liễu Nhược Băng đã bị hắn cướp đi. Trong xã hội Minh triều "Chết đói là nhỏ, thất tiết là lớn" như thế này, thử hỏi nàng còn có thể đối diện với nam nhân nào khác nữa? Cho nên nàng đã từng lấy hết dũng khí nói ra nguyện vọng cùng hắn sống trọn đời bên nhau. Thứ nguyện vọng này tuy không hoàn toàn xuất phát từ ái tình, mà là do không còn lựa chọn nào khác trong khi Dương Thu Trì không phải là kẻ mà nàng chán ghét, cho nên nàng ta mới đem chuyện chung thân ký thác cho hắn.
Dương Thu Trì đã từng nghĩ đi nghĩ lại về chuyện này, nếu như Liễu Nhược Băng đã vì cứu hắn mà bị mất đi sự trinh trắn, hắn nhất định phải chịu trách nhiệm đối với nàng, không được để nàng cô khổ suốt đời, nếu không hắn chẳng còn là cái thá gì nữa.
Nhưng mà, Tống Vân Nhi đối với hắn một mực tình thâm, chỉ sợ sẽ nhanh chóng trở thành thiếp của hắn. Nhưng Liễu Nhược Băng và Tống Vân Nhi là sư đồ. Thầy ở thời cổ đại (sư phụ) có địa vị vô cùng cao, hợp với câu "Thiên, địa, quân, thân, sư" (Trời, đất, vua, cha, sư phụ - Sư quan trọng của sư phụ chỉ sau trời đất, vua chúa và người thân. Ngoài ra còn có Quân - sư - phụ, vị trí của người Thầy còn lớn hơn cả người cha trong thời phong kiến). Do đó, từ luân lý mà xét, thì quan hệ sư đồ so với quan hệ cha mẹ và con cái chẳng có gì khác biệt nếu xét về bản chất, do đó mới có câu "Nhất nhật vi sư, chung sanh vi phụ" (Một ngày làm thầy, cả đời làm cha).
Vì thế, nếu hắn muốn chịu trách nhiệm với Liễu Nhược Băng, lại muốn cưới Tống Vân Nhi, biến hai người họ thành tiểu thiếp, thì chẳng phải là phản lại luân thường như tên Hậu Trọng này hay sao? Tuy không biết sẽ chịu xử phạt cụ thể như thế nào, nhưng chức quan này của hắn coi như không làm được nữa rồi. Dương Thu Trì nhìn bị cáo Hậu Trọng quỳ dưới đại đường, cảm giác như thấy bóng dáng của chính bản thân hắn sau này. Khó khăn lắm mới khôi phục lại từ trong cơn tình tự, hắn cầm tờ cáo trạng lên xem, thấy Kim sư gia có phê lên đó mấy lời phán từ đề nghị như sau: "Dĩ gian luận, đánh tám chục trượng" (Xử theo tội loạn luân, đánh tám chục trượng), tức thời lòng trầm xuống hẳn.
Đại Minh Luật quy định: "Phàm người có quan hệ họ hàng lớn nhỏ mà cùng lấy nhau, hoặc là cưới tỷ muội cùng mẹ khác cha, hay là con gái riêng của vợ với chồng trước, đều luận tội gian dâm.""Phàm mắc tội gian dâm, đánh tám chục trượng."
Trung quốc cổ đại cấm chỉ lấy người họ ngoại hoặc là người thân không cùng bối phận với các thê thiếp, hoặc còn gọi là "ngoại nhân hữu phục tôn chúc ti ấu", hay nói cách khác là không thể cưới trưởng bối (người vai vế lớn hơn) hoặc vãn bối (người vai vế nhỏ hơn) của vợ hoặc tiểu thiếp để làm tiểu thiếp, nếu không, hai bên tự nguyện chịu hình phạt tội thông gian. Nếu như bên nữ không tình nguyện mà cha mẹ bắt ép làm điều đó, thì bị luận tội cường gian. (**)
Dương Thu Trì không biết ở Minh triều quan hệ sư đồ có thuộc về cái gọi là "Ngoại nhân hữu phục tôn chúc ti ấu" này hay không, chỉ đoán là gần như thế. Như vậy có thể nói, nếu như hắn đồng thời cưới Liễu Nhược Băng và Tống Vân Nhi là hai thầy trò, thì phải chấp nhận cái gọi là "dĩ gian luận", bị coi là gian dâm làm loạn luân thường.
Biết được tin tức này, Dương Thu Trì không còn lòng nào thẩm án, chỉ căn cứ vào lời phán do Kim sư gia thảo ra xử xong rồi bãi đường.
Tống Vân Nhi cùng các cô gái đang nấp ở phía sau xem Dương Thu Trì thẩm án, thấy hắn bãi đường rồi xâm xâm đi thẳng, sắc mặt rất khó coi, đều không hiểu đã phát sinh chuyện gì.
Dương Thu Trì cũng không nói chuyện với họ, đi thẳng vào nội nha.
Các cô gái không hiểu đầu cua tai nheo gì, chạy lúp xúp theo. Tống Vân Nhi kéo tay Dương Thu Trì: "Huynh sao vậy? Sắc mặt huynh rất khó coi."
"Không có gì, ta không được khỏe, trở về nghỉ ngơi chút là ổn thôi."
Chúng nữ nghe thế mới khẽ thở phào, Tần Chỉ Tuệ nói: "Phu quân nhất định là do mấy ngày vừa rồi làm việc nhiều quá." Xong phân phù Hồng Lăng: "Hồng Lăng, chờ một chút em làm món gì đó thiếu gia thích ăn mà mát mát ngon miệng một chút dâng cho thiếu gia nghe." Hồng Lăng gật đầu đáp ứng.
Trở vào nội nha, Dương Thu Trì trực tiếp trở về thư phòng của mình, đó là chỗ riêng của hắn, có kê một cái giường lớn.
Hắn lột áo mão cánh chuồn ra quẳng lên bàn, nằm ngã ngữa người lên giường, hai tay kê sau ót, mắt nhìn vào màn trướng, lòng loạn cào cào, lúc thì nghĩ tới gương mặt tinh nghịch xinh tươi của Tống Vân Nhi, lúc thì nhớ đến ánh mắt lạnh lẽo đơn côi của Liễu Nhược Băng.
Tần Chỉ Tuệ yêu cầu mọi người không được quấy nhiễu Dương Thu Trì, để cho hắn nghỉ ngơi một lúc.
Nhưng Tống Vân Nhi vẫn lén lén chạy vào thư phòng, ngồi phịch xuống giường, vỗ vỗ Dương Thu Trì: "Ai! Rốt cuộc là có chuyện gì vậy? COi huynh có vẻ như chẳng phải sinh bệnh, mà là lòng đầy tâm sư, rốt cuộc là có chuyện gì hả?"
Tống Vân Nhi có nghĩ nát đầu cũng không thể đoán nổi và ngờ được những gì hiện có trong đầu óc của Dương Thu Trì. Hắn làm sao có thể đem thứ tâm sự này nói cho nàng biết? Tống Vân Nhi thậm chi không biết sư phụ của mình đã cùng hắn có quan hệ gì, nếu nàng mà biết được nhất định sẽ rất thương tâm. Tuy bản thân hắn chẳng cố ý, nhưng hắn vẫn cảm thấy có lỗi với Tống Vân Nhi. Hắn cầm lấy tay nàng, khẽ cười: "Ca ca không có gì, Vân Nhi đừng lo lắng a."
Tống Vân Nhi nghe lời của hắn ôn nhu như vậy, cười hì hì đáp: "Vậy thì tốt." Dừng một chút, nàng lại hưng phấn nói: "Huynh thăng đường thật có sự quyết đoán hơn cha muội nhiều, ba hạ năm gạt hai loáng cái là xử xong. Nếu là cha muội, một án phải để vài ngày, lúc nhỏ muội còn len lén chạy ra xem người thăng đường, sau đó lười không thèm xem nữa, hơn nữa sư phụ của muội hàng ngày bức muội luyện võ, không còn rảnh để xem nữa."
Nghe nói đếnsư phụ của nàng, lòng Dương Thu Trì liền nhói lên một cái, nhưng nét mặt chẳng lộ ra chút gì: "Sư phụ của muội đối với muội rất nghiêm hả?"
"Cái đó đương nhiên, giống như đòi mạng vậy đó, có lúc muội nghịch ngợm lười biếng còn bị trách phạt nữa đó." Tống Vân Nhi tuy dẫu môi nói, nhưng ánh mắt đầy vẻ tự hào và cảm kích, cho thấy tình sư đồ của họ rất thâm sâu.
"Sư phụ của muội đâu? Sao không đến tìm muội?" Dương Thu Trì dùng hết khả năng bình ổn ngữ điệu, cuối cùng lại chêm thêm một câu, "Bà ta không quan tâm đến sự tiến triển võ công của muội sao?"
"Đương nhiên quan tâm," Tống Vân Nhi nói, cúi người xuống, thần thần bí bí cho biết: "Kỳ thật, sư phụ của muội đều theo sau chúng ta suốt dọc đường đó chứ!"
A! Toàn thân Dương Thu Trì hơi chấn động, suýt chút nữa kêu lên thành lời. Hắn vội vã che giấu, cố làm vẻ ai oán bảo: "Vậy sao muội không chịu cho ta hay? Sư phụ của muội đến, chúng ta phải nên nhiệt tình khoản đãi chứ."
"Sư phụ của muội không cho." Tống Vân Nhi tuy phát hiện vẻ thất thái của Dương Thu Trì, nhưng vẫn không hề nghĩ gì quá xa xôi, "Sư phụ củamuội nói người chỉ đến xem coi võ công của muội tiến triển thế nào, chỉ điểm muội mấy ngày rồi sau đó sẽ đi." Ngẫm nghĩ một chút, nàng hơi bối rối bổ sung: "Muội không cho huynh biết nhân vì sư phụ của muội nói người không muốn gặp người không liên can."
Người chẳng dính dáng gì sao? Dương Thu Trì thầm cười khổ trong lòng, ta sao lại trở thành người chẳng dính dáng gì thế này rồi. Nếu muốn xét về quan hệ thân mật, chỉ sợ trên thế giới này chỉ có ta là người thân mật nhất với sư phụ của muội mà thôi.
Dương Thu Trì hỏi: "Vậy sư phụ của muội đâu rồi? Bà ta hiện giờ ở đâu?"
"Muội cũng không biết, nhưng mà, sư phụ của muộibảo muội đêm nay đến một ngọn núi nhỏ phía nam thành chờ người ở đó."
Chú thích:
(*) & (**) "Dĩ gian luận" (xét xử dưới góc độ gian dâm, loạn luân) đã được bàn rất kỹ trong "Đường Luật Sơ nghị" do Trưởng Tôn Vô Kỵ (đời Đường) soạn, các đời sau hầu hết là kế thừa. Tất cả những quy phạm pháp luật này đều tập trung giải quyết các quan hệ hôn nhân loạn luân bao gồm hôn nhân giữa những người cùng họ hàng, và cả những người cùng sống chung trong gia đình hoặc có mối quan hệ gần gũi dù không có chung dòng máu. Quan hệ này được coi là làm loạn luân thường, bị luận tội gian dâm loạn luân, xử phạt rất nặng.
Trong hiện thật, hình thái tồn tại của hành vi loạn luân thường rất khác biệt nhau, cho nên cần phải phân loạn luân dưới góc độ sinh học và góc độ xã hội học. Về mặt sinh học, loạn luân xác định dựa trên các hành vi tính dục giữa những người cùng huyết thống, được nhìn dưới giác độ di truyền. Còn hành vi loạn luân theo quan niệm xã hội học thì ngoài quan hệ tính dục giữa người cùng huyết thống ra, còn có mối quan hệ giữa những người tuy không cùng dòng máu nhưng được coi là thân thuộc với nhau, cụ thể là nhân thân (cha chồng nàng dâu, mẹ vợ con rễ), quan hệ máu huyết trên danh nghĩa (cha mẹ nuôi với con trai con gái nuôi, cha mẹ kế với con kế), hay tất cả những hành vi giới tính giữa hai đối tượng cận thân bị phong tục hay pháp luật của vùng, miền đó cấm đoán nhằm duy trì tôn ti và luân thường trong xã hội.
Theo pháp luật truyền thống của Trung Quốc, lấy điển hình là của đời Đường, coi việc làm loạn nhân luân chẳng khác gì loài cầm thú ("loạn nhân luân, cầm thú hành"), xử phạt rất nặng, trong đó có quy định hai loại hình thái: "loạn luân hôn nhân" giữa những người cùng dòng máu, và "tính loạn luân" giữa những người được coi là thân thuộc dù không cùng dòng máu, ví dụ điều (P1039) quy định như sau: có quan hệ tính dục với "Thê thiếp của người thân bao quát bá thúc tổ mẫu cùng tộc, vợ huynh đệ đồng tộc, vợ của cháu, vợ của cháu họ, vợ của con của cháu, bà hay mẹ của chú bác, đường thúc bá mẫu, vợ đường huynh đường đệ" .... tuy không có mối quan hệ huyết thống nhưng vẫn bị xử phạt "dĩ gian luận" phạt đày 2 năm, cách li, đánh 100 trượng...
Xét theo tình tiết trong truyện, nếu Dương Thu Trì lấy cả hai sư đồ Liễu Nhược Băng và Tống Vân Nhi có thể bị ghép vào tội làm loạn luân thường, là loạn luân dưới góc độ xã hội học. Đây cũng là một thách thức cho tác giả để giải quyết tình huống của truyện.
(Chú thích của người dịch)

/713

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status