Người Lạ Quen Mặt

Chương 5: Đầu nấm đi Mỹ

/82


“Rõ ràng cậu ta thích quản tôi. Nhưng trong mắt mọi người tôi lại thành người quản cậu ta. Việc yêu đương có phải là việc quản nhau không vậy?”

Hôm nay tôi không nhớ đã bước chân nào ra khỏi cửa vì cả ngày nay chẳng có chút gì gọi là may mắn, từ việc dậy muộn suýt nữa đi thi trễ cho tới việc đánh răng nhầm với kem bôi da của mẹ nhưng chí ít thì ngày hôm nay cũng là ngày thi cuối cùng của tôi, điều này thật tuyệt. Không còn những đêm dài ngao ngán ngập chìm trong sách vở với nỗi lo học vậy đủ để đỗ đại học không. Kể cả là một người chăm chỉ học như tôi cũng rất dễ chán nản với tình trạng học nhiều như thế. Tôi cái gì cũng không chăm, trừ học. Làm cái gì cũng giỏi, trừ học. Trái ngang chỉ xoay quanh việc học. Đau đầu thật!

Tôi quyết định thưởng cho bản thân một giấc ngủ sớm. Ngay khi tôi trèo lên giường tìm tư thế thoải mái nhất để đánh một giấc thì chuông điện thoại rú lên một vài tiếng kỳ quặc. Mặc dù chính tôi đặt cái nhạc chuông này nhưng lần nào nó kêu lên tôi cũng giật thót cả mình. Bởi vì nhạc chuông này là các loại tiếng tổng hợp từ tiếng còi xe cảnh sát đến tiếng trẻ em cười nấc và cả tiếng ma hú. Đã mấy lần Đầu nấm bị tiếng chuông này của tôi làm cho giật mình mà ngã. Cậu ta đã hăm dọa tôi đôi lần, rằng nếu tôi còn tiếp tục để cái loại nhạc chuông đó, cậu ta sẽ mang tôi ném sang biên giới Trung Quốc. Để đáp lại “thành ý” của Đầu nấm, tôi luôn luôn tỏ ra vui sướng, khuyến khích cậu ta “ném” tôi qua đó bởi tôi chưa đi du lịch nước ngoài lần nào nên trước sự vui vẻ thái quá của tôi, Đầu nấm dần trở nên bất lực, từ bỏ việc khuyên nhủ dọa nạt công khai chuyển hẳn sang việc lén lút thay đổi nhạc chuông của tôi. Chính vì sự thay đổi không có sự cho phép của tôi mà thi thoảng tôi cứ hét ầm lên và chửi rủa đứa nào cứ bật nhạc nhẽo não nề xung quanh tôi. Cho tới tận hôm tôi đi xe bus, tôi đã nghiêm túc mắng mỏ vài câu với đứa nào đó bật nhạc não nề làm phiền cả tôi lẫn mọi người xung quanh. Tôi có thể khẳng định rằng, khi tôi chửi rủa, vẻ mặt và lời nói của tôi trông rất thành tâm. Tôi đã không thể ngờ được là mọi người nhìn tôi một cách tập trung, chẳng phản ứng hùa theo lời mắng mỏ của tôi mà chỉ ném lại cho tôi vẻ mặt nén cười và vài ánh mắt khó hiểu. Trong khi bản thân tôi còn ngơ ngác chưa nắm rõ sự tình, một học sinh trung học đã nhắc nhở tôi: “Là điện thoại của thím kìa”. Nghe xong lời nhắc nhở, tôi thậm chí còn chẳng buồn nhớ tới câu chữ then chốt, tập trung nghe mỗi chữ “thím” phát ra từ miệng con bé ấy. Thật là điên người! Tôi quay sang con bé, nói.

- Em này!

Con bé chớp mắt, vểnh mặt nhìn tôi.

- Sao?

Ăn nói thật cộc lốc. Học sinh kiểu gì mà vô phép thế được nhỉ. Ngay cả khi nó nhận định tôi là “thím” thì nó cũng không lịch sự. Tôi khoanh tay, ra vẻ người lớn.

- Nhìn em cũng chỉ tầm lớp tám, chín thôi mà chị cũng chẳng già tới mức để em gọi bằng thím. Em nói thế có chút không phải rồi đấy.

- Thì thế nào?

Con bé lại chớp mắt một cái, hoàn toàn dửng dưng trước định kiến của tôi.

- Ăn nói lại cộc lốc.

- Chị là cái quái gì mà đòi nhận xét tôi. Muốn ăn đập không hả?

Con bé phỉ bã kẹo cao su xuống sàn, dậm mạnh chân xuống.

Phải nói là một hành động khoe mẽ sức mạnh quá tầm thường của những người không có chút sức mạnh nào. Mà nó gọi tôi là chị rồi cơ đấy. Nhưng với cái thái độ thiếu chân thành như thế kia thì thôi cứ dùng cái tông giọng gọi thím còn chấp nhận được. Tôi tặc lưỡi một cái, thở dài, biết vậy chẳng gây sự với nó. Bây giờ đánh nhau ở trên xe bus thì thật là xấu hổ. Lâu rồi tôi không đánh nhau nhưng nếu phải đánh nhau thật thì một con dĩn cũng không qua được mắt tôi. Thật ra thì tôi đánh đấm không phải quá giỏi giang gì, võ nào cũng chưa học qua, chỉ là được cái phản xạ nhanh nên phòng thủ hay tấn công đều tốt cả thôi. Mà đánh nhau với một con bé mặt búng ra sữa như thế kia có mà hủy hoại hết cả hình tượng. Nghĩ vậy, tôi vội kéo con bé ngồi xuống ngay khi nó định đứng lên ra oai với tôi, ghé sát vào tai nó, thì thầm một câu rồi tặng nó một nụ cười ngọt ngào. Kết quả là con bé mặt tái xanh, suốt chặng đường ngồi im thin thít không hó hé câu gì, lưng thẳng chân vuông, chẳng có gì để chê. Tôi tự tán thưởng mình bằng nụ cười mãn nguyện khi đã chấn chỉnh được một mầm non đất nước trên đà vẹo vọ. Tôi cũng chẳng nói gì dài dòng, chỉ tóm gọn một câu: “ Công an ở thành phố này nhẵn mặt chị rồi.” Thế là xong cho một lời đe dọa. Chẳng hiểu sao cái câu điêu như thế con bé cũng tin được. Chắc là cũng chỉ đang bập bõm bước vào đời, học được vài câu của người lớn nên mới lớn tiếng thử nghiệm. Trước lúc con bé xuống xe, tôi không quên tặng thêm cho nó một nụ cười tươi kèm câu cảm ơn. “Honey, cảm ơn vì đã nhắc chị nhé!”. Con bé vâng dạ rồi nhanh chóng rời đi. Ngoan quá! Rất đáng khen. Nghĩ lại mới thấy nuối tiếc khi tôi đã không đăng ký vào trường sư phạm nào. Nền giáo dục Việt Nam hẳn sẽ buồn lắm vì đã không có được một nhân tài như tôi. Qúa đáng tiếc!

Nhưng câu chuyện về chuông điện thoại của tôi có vẻ lan man quá mức cần thiết. Mải mê suy nghĩ mà quên cả tiếng chuông hú ầm ĩ bên tai, tôi vội vàng áp điện thoại lên tai, nhướn vai kẹp nó trên cổ, ngọt ngào lên tiếng.

- Xin chào!

Không có một giọng nói đáp lại tôi.

Cái kiểu gì mà gọi cho người ta rồi không thèm nói gì thế này. Tôi vẫn cố giữ bình tình, xin chào lần nữa.

Đến lúc này mới có người đáp lại.

- Con kia!

Tiếng nói, à không, phải là tiếng hét của Minh mới đúng. Tối rồi cô nàng này còn bày trò gì nữa đây. Hay hôm nay làm được bài nên phởn?

Tôi hỏi lại.

- Con nào?

À mà sao hôm nay cô nàng này lại xưng hô giang hồ với tôi thế nhỉ? Bình thường cứ bắt tôi phải xưng hộ cậu-tớ cho phù hợp với trình độ văn hóa. Nói thẳng ra thì cả tôi và cô nàng đều bị ép phải nói năng lịch sự với nhau bởi hai bà mẹ.

- Mày đó!

Minh gằn giọng.

Tôi cũng hậm hực.

- Tao làm sao?

Minh gần như gào vào trong điện thoại.

- Mày dám ư?

Tôi điên tiết. Cô ấy nói năng thật kỳ lạ, như kiểu đi đòi nợ vậy. À, tôi nhớ ra mười nghìn hôm trước tôi mượn cô ấy đi mua kem, tôi chưa trả.

- Tất nhiên là tao dám rồi.

Chẳng cần biết Minh đang lộn xộn vì cái gì, tôi đáp lại hùng hổ.

Sau đó là một tiếng khóc ngân dài ập vào tai tôi, tôi chỉ nghe thấy tiếng nấc của Minh, chẳng nghe được thêm câu gì mà cô ấy nói nữa.

- Sao mày không phản ứng gì?

Minh vừa nấc cục, vừa sụt sịt hỏi tôi.

- Sao tao phải phản ứng gì? Đừng nói là vì mười nghìn tao nợ mày mà mày phải khóc như vậy nhé. Tao biết lỗi rồi nên mai tao qua nhà mày tao trả. Tao không biết mày bị phá sản, trở thành giai cấp vô sản nhanh thế. Mai tao sẽ boa thêm hai nghìn, giờ để tao ngủ nhé!

Tôi cố nịnh nọt dỗ dành Minh để mau chóng đi ngủ nhưng cô ấy chẳng có vẻ gì định cúp máy và tha cho tôi.

- Con điên! Mười nghìn mày phải trả tao, đó là điều dĩ nhiên. Nhưng cái tao muốn nói là: “Mày dám đi Mỹ mà không cho tao đi cùng hả, cũng chẳng thèm cho tao biết? Mày dám hả?”

Tôi ngẩn người. Vì lý gì mà từ giường lại thành nước Mỹ thế này?

- Tao đi đâu? Sao tao không biết là tao đi Mỹ?

- Ủa, mày không đi Mỹ á?

Minh ngạc nhiên, hét vào điện thoại.

- Trông tao dạo này giàu lắm à mà có tiền bay qua đó?

- Tại tao gặp Đầu nấm ở sân bay, hỏi cậu ấy thì cậu ấy bảo đi Mỹ. Tao hỏi đi cùng mày à thì cậu ấy chỉ cười. Trông rất giống kiểu bỏ trốn lén lút.

Tôi phì cười, tư duy của Minh dạo này phát triển thật phong phú.

- Thì chắc cậu ta đi công việc.

- Không, không đâu. Cậu ấy mang nhiều hành lý lắm, như thể dọn nhà vậy. Mà hai người cãi nhau đấy à? Sao cậu ấy không nói với mày chuyện này? Chẳng phải mỗi lần đi đâu cậu ấy đều báo cáo cho mày hết sao?

- Mày làm như tao là mẹ cậu ta không bằng. Chắc chuyện gấp. Thôi tha tao đi, cho tao ngủ. Thế nhé! Tao tháo pin luôn đấy.

Nói là làm, tôi lập tức tháo pin và ném nó vào một góc. Còn Đầu nấm, kệ cậu ta. Tính sau vậy!


/82

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status