“Nương nương, vì sao Hoàng a mã không thích ta đây? Có phải vì ta không ngoan hay không?”
Nghe lời này, ta quả thực không biết nên nói với hắn như thế nào, hậu cung ngoại trừ Bát hoàng tử mới ra đời, tiểu Thất chính là người nhỏ nhất. Đại a ca Dận Đề là trưởng tử (con trai trưởng) duy nhất còn sống sót của Khang Hi, đối với trưởng tử này, Khang Hi có một sự yêu thích khác biệt so với người khác.
Dận Nhưng là nhi tử thứ hai sống sót được của Khang Hi, vừa mới ra đời đã được lập làm Thái tử, lúc hoàng hậu Hách Xá Lý có thai lại toàn lực ủng hộ đế vương trẻ tuổi đang diệt trừ Ngao Bái dẹp loạn tam phiên [1], ủng hộ tinh thần hắn cực lớn. Sau này lại bởi vì lao lực vất vả quá độ, dẫn đến cuối cùng khó sinh mà chết. Đối với nhi tử này, ngay từ khi hắn ra đời, Khang Hi đã lập hắn làm Hoàng thái tử, hơn nữa không mượn tay người khác mà lại tự mình nuôi dưỡng.
[1] Xem chú thích cuối chương
Hoàng tam tử Dận Chỉ là nhi tử duy nhất còn sống của Vinh phi, sau khi liên tục mất 4 đứa con, nhi tử này đối với nàng ấy có ý nghĩa phi phàm, mỗi lần Khang Hi tới Hàm Phúc cung, Vinh phi đều sẽ mang theo con đi cùng Khang Hi bồi dưỡng cảm tình phụ tử.
Hoàng tứ tử Dận Chân, mặc dù mẹ đẻ hèn mọn, nhưng lại không qua nổi địa vị cao quý của dưỡng mẫu Đông Giai thị. Đông Giai thị tiến cung nhiều năm, cuối cùng lên được vị trí Hoàng Quý phi, có thể nói là đệ nhất nữ nhân hậu cung, nhưng lại vẫn không có nhi tử. Cuối cùng trong một buổi tối đưa cung nữ Ô Nhã thị lên giường của Khang Hi, không tới một tháng liền truyền ra tin hỉ (có thai). Hoàng tứ tử vừa ra đời liền được ôm đến bên cạnh chính mình để nuôi dưỡng. Bởi vậy, ngoại trừ Thái tử, Hoàng tứ tử chính là hoàng tử có địa vị tối cao, cũng là người rất được Hoàng đế sủng ái.
Hoàng ngũ tử Dận Kỳ là hoàng tử duy nhất của gia tộc Quách Lạc La, vừa có gia tộc cường đại chống lưng, vừa được nuôi dưỡng ở bên cạnh Hoàng thái hậu từ nhỏ, từ bé chắc chắn phải luôn được mọi người sủng ái.
Hoàng lục tử Dận Tộ là hài tử chân chính được nuôi dưỡng bên cạnh Đức phi, theo một ý nghĩa nào đó mà nói chính là đứa con đầu tiên của Đức phi. Nghe nói vào một ngày Hoàng đế đi đến bên ngoài Trường Xuân cung thấy Ô Nhã thị nghe trộm tiếng khóc của hài tử, dựa vào góc tường len lén khóc, cảnh tượng này làm xúc động nội tâm mềm mại cùng một chút áy náy của vị Hoàng đế trẻ tuổi. Sau đó Đức tần hưởng vinh sủng không ngừng, không bao lâu sau liền mang thai Hoàng lục tử. Đối với nhi tử này, từ cái tên mà Khang Hi đặt cho hắn liền có thể biết hắn được sủng ái như thế nào [2].
[2] Dận Tộ (胤祚): tộ (祚) có nghĩa là phúc, ví dụ như thụ tộ (受祚 – nhận phúc, chịu phúc)
Xét cả bảy nhi tử, chỉ có tiểu Thất của mình ngay cả mặt của phụ thân cũng chỉ thấy qua vài lần. Không có một mẫu thân được sủng ái, thứ hắn có chỉ là thân thể tàn tật và mắt lạnh của đời người. Sống trong Tử Cấm thành này, ngoại trừ vị Hoàng đế đứng trên vạn người kia, mọi người đều phải dựa vào sủng ái của Hoàng đế và thế lực cường đại để sinh tồn. Ở đây, bất kể là ai muốn sống cũng đều cực kỳ khó khăn nhọc nhằn, ngay cả một đứa trẻ cũng như giẫm trên tầng băng mỏng, mưu tính mọi lúc, huống chi là mọi thứ của tiểu Thất đều cực kỳ bất lợi với hắn.
“Đương nhiên là không phải rồi, hảo bảo nhà chúng ta ngoan như thế, Hoàng a mã làm sao lại có thể không thích con được.”
“Vậy vì sao hắn lại nói chuyện cùng các ca ca mà không nói chuyện với ta, hảo bảo nghĩ hắn chỉ cho ta tấm lưng rồi.” (ý là không cho bé 7 nhìn mặt ấy)
“Hảo bảo của chúng ta sẽ phải học tập thật tốt, đợi sau này Hoàng a mã đến, phải cho hắn biết hảo bảo của chúng ta rất giỏi, không kém chút nào so với các ca ca.”
“Có phải bởi vì ta không giống với người khác hay không, hắn mới không thích ta, có phải không?” Thanh âm của tiểu Thất trở nên hơi bén nhọn, còn có chút khàn khàn cùng thương cảm.
“Làm sao lại như vậy được, nhớ chuyện chú vịt con xấu xí biến thành thiên nga trắng muốt mà nương đã kể không, hảo bảo của chúng ta bây giờ đang là vịt con xấu xí, sau này hảo bảo của chúng ta học tập thật tốt, học thật nhiều tri thức, liền sẽ trở thành thiên nga trắng thôi!”
Lập tức, ta ôm lấy tiểu Thất đứng lên đi tới trước cửa sổ, dời bình sứ thanh hoa [3] bên cạnh cửa sổ đi, mở song cửa. Chỉ vào gốc cây hoa mai non lắc lư trong gió nhẹ nói, “Hảo bảo bây giờ giống như gốc mầm kia vậy, có phải là không sự cường tráng và xinh đệp như gốc đại thụ bên cạnh không?” Tháng tư là thời tiết hoa mai nở rộ ở Bắc Kinh, tháng năm mặc dù bắt đầu dần dần tàn lụi, nhưng chút hoa mai tàn lụi ở trong gió nhẹ lại càng thêm xinh đẹp một cách rõ ràng hơn.
[3] Xem chú thích cuối chương.
“Gốc mầm cây kia giống như hảo bảo mà nương nương vừa mới sinh ra đời vậy, sau này nó sẽ trưởng thành cùng với hảo bảo. Sau khi nó đã trải qua gió táp mưa sa, mới có thể trở nên cường tráng, cũng sẽ nở ra những đóa hoa xinh đẹp giống như cây đại thụ bên cạnh vậy.” Đây là lần đầu tiên hắn hỏi ta. Lúc hắn sắp đến hai tuổi, lần đầu tiên hắn hỏi ta “Tại sao ta không giống với người khác”, mà ta lại cho hắn biết: sự vật xinh đẹp nào cũng phải trải qua mưa gió mài luyện mới có. Ta không biết đứa trẻ tấm bé như hắn có thể hiểu được đến mức độ nào.
“Hảo bảo hiểu lời nương nương nói không?” Ta ôm chặt hắn, để mắt mình đối diện với đôi mắt to vừa lóe lên chút tia sáng khi nghe ta nói.
“Ý của nương nương là, hảo bảo phải cố gắng thật nhiều thì mới có thể giống như bọn họ, cũng xinh đẹp giống như bọn họ.”
Đúng vậy, có thể giống như bọn họ, bất kể là ở phương diện nào cũng có thể giống như bọn họ, bình thường giống nhau, được người khác yêu thích giống nhau, nhận được chút sủng ái ít ỏi của vị phụ thân thiên tử đó giống nhau, tất cả đều có thể giống nhau.
“Hảo bảo bây giờ cũng rất xinh đẹp a, nương nương thích nhất là hảo bảo rồi, hảo bảo có thích nương nương không?” Mặc dù đáp án không cần đoán cũng biết, nhưng ta vẫn rất vui vẻ nghe hắn nói yêu ta, sau mỗi lần ta đều sẽ rất cảm động, trong lòng luôn tràn ngập yêu thương.
Cả đời này, tổng cộng hắn hỏi ta ba lần, “Tại sao ta không giống như người khác”, lần đầu tiên là khi hắn gần hai tuổi – lần đầu tiên mà tâm hồn nhạy cảm của hắn cảm nhận được người khác không yêu thích hắn, nhất là phụ thân mà hắn vẫn luôn tâm tâm niệm niệm. Ba lần, ta dùng ba phương thức khác nhau để trả lời, mặc dù đáp án có lẽ không có gì khác biệt, nhưng mỗi lần hắn lý giải cũng khác nhau.
+++
Chú thích:
[1] Ngao Bái (1610? – 1669):
Ngao Bái hay Ngạo Bái (chữ Mãn Châu: ; Trung văn giản thể: 鰲拜; Trung văn phồn thể: 鼇拜; bính âm: Áobài) (1610?-1669) là một viên tướng người Mãn Châu của nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc. Ngao Bái chính là Mãn Châu đệ nhất dũng sĩ (Ba Đồ Lỗ) dưới thời vua Khang Hi, tham gia chinh chiến từ thời Hoàng Thái Cực, Ngao Bái với sức khỏe vốn có, sự dũng cảm thiện chiến, tàn bạo đã lập không ít công lao cho người Mãn Châu cũng như nhà Thanh trong việc xâm lăng phương Nam. Dưới triều Khang Hi, ông là một trong tứ trụ đại thần quyền cao, chức trọng.
Vì Khang Hi mới lên 8 tuổi, chính sự do bà nội Hiếu Trang thái hoàng thái hậu và 4 đại thần phụ chính lo liệu. Ban đầu, cả 4 đại thần cùng đọc tấu chương, rồi dâng lên Khang Hi hoặc thái hậu, và nhân danh hoàng đế hoặc thái hậu ban lệnh.
Trong số 4 đại thần phụ chính, Ngao Bái là người có nhiều chiến công nhất và được phong thưởng nhiều, nên tỏ ra ngang tàng, coi thường vua nhỏ. Sách Ni tuổi già lắm bệnh nên ngại việc, ít tham gia chính sự; Át Tất Long tính tình mềm mỏng, ngại va chạm, không muốn gây xung đột với người khác; chỉ có Tô Khắc Táp Cáp tính tình thẳng thắn cương trực, thường hay tranh luận với Ngao Bái.
Ngao Bái cho con trai làm thị vệ nội đại thần. Năm 1666, Ngao Bái giết hại Tổng đốc Trực Khang – Sơn Đông là Chu Xương Tô, Tuần phủ Vương Đăng Liên. Trước sự chuyên quyền của Ngao Bái, Tô Khắc Táp Cáp tức giận, hai người trở thành đối đầu nhau.
Tô Khắc Táp Cáp ít kinh nghiệm, lại một mình một chủ trương, không chỉ đối đầu với Ngao Bái mà còn mâu thuẫn với Sách Ni, do đó bị cô lập. Ngao Bái tìm cách vu cáo Tô Khắc Táp Cáp để buộc tội, và thúc ép Khang Hi ban lệnh xử tử.
Sau khi 3 đại thần qua đời, không còn ai phản đối Ngao Bái, vì vậy Ngao Bái càng chuyên quyền. Những ai muốn tâu việc lên vua đều phải tâu qua Ngao Bái và đút lót mới được cất nhắc, bổ dụng. Ngao Bái muốn tiếp tục duy trì đường lối chỉ dùng người Mãn làm quan, hạn chế người Hán vào triều
Ngao Bái ngạo mạn khinh thường vua nhỏ, thường cáo bệnh ốm không vào triều, khiến Khang Hi phải đến tận nhà thăm hỏi. Một lần Khang Hi cùng thị vệ Hòa Thác tới thăm, thấy Ngao Bái không hề ốm yếu. Hòa Thác tới giường Ngao Bái xem, phát hiện ra dưới đệm có con dao. Ngao Bái rất lo lắng nhưng Khang Hi lại không tỏ thái độ gì, cho rằng việc mang dao bên người là tập quán bình thường của người Mãn. Do đó Ngao Bái yên tâm không bị Khang Hi nghi ngờ.
Lấy lý do thích đánh cờ, Khang Hi triệu tập con Sách Ni là Sách Ngạch Đồ vào cung để bàn kế trừ Ngao Bái. Ông phong cho Ngao Bái làm Nhất đẳng công để Ngao Bái lơ là mất cảnh giác, mặt khác Khang Hi lấy cớ thích học võ nghệ để tuyển chọn nhiều người trong hàng ngũ con em thân vương làm thị vệ cho Ngao Bái. Sau đó, Khang Hi lấy cớ điều bớt những người vây cánh của Ngao Bái đi làm quan ở nơi xa.
Năm 1669, khi Ngao Bái vào cung yết kiến, Khang Hi ra lệnh cho đội thị vệ thân tín bắt giữ. Ông kể tội, cách chức Ngao Bái. Vì nể công lao từng cứu sống Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực, Khang Hi tha chết và giam Ngao Bái vào ngục, và lệnh bắt những người trong cùng vây cánh Ngao Bái.
Không lâu sau khi bị bắt giữ, Ngao Bái lâm bệnh chết trong ngục.
Nguồn: Wikipedia
Loạn Tam Phiên:
Loạn Tam phiên (chữ Hán: 三藩之亂 tam phiên chi loạn; 1673-1681) là cuộc chiến giữa 3 phiên vương phía nam lãnh thổ Trung Quốc do Ngô Tam Quế cầm đầu chống lại vương triều nhà Thanh cuối thế kỷ 17 trong lịch sử Trung Quốc.
Loạn tam phiên kéo dài 8 năm, trải rộng trên địa bàn lớn từ Thiểm Tây, Vân Nam, Giang Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông cuối cùng bị dẹp. Mối chia cắt lãnh thổ Trung Quốc trên đại lục bị xóa bỏ. Khang Hy thu về địa bàn rộng lớn phía nam từ Vân Nam, Quảng Đông và Phúc Kiến. Việc cai trị của nhà Thanh trên toàn lãnh thổ được xác lập vững chắc hơn sau khi loại bỏ những tàn dư còn lại của nhà Minh.
Nguồn: Wikipedia
[3] Sứ thanh hoa: một loại sứ màu trắng hoa lam rất nổi tiếng vào khoảng thế kỉ 18
/16
|