Phù Dung Trì

Chương 18: Phiên ngoại 1: Muộn màng

/101


Tố Tâm dịu dàng rót một tách trà, kề sát vào môi ta

-Vương gia, nếm thử loại trà này đi.

Ta theo thói quen khẽ mở miệng, hương vị thanh đạm, ngọt ngọt, thơm thơm khiến lòng người chợt khoan khoái dễ chịu giữa trưa nắng gắt. Tố Tâm là con gái nhà thư hương, chữ nghĩa biết kha khá, có thể làm vài câu thơ, có thể chơi mấy khúc nhạc, cũng có thể vẽ một cành mai mà không nhìn lầm thành cành đào. Thật ra nàng chẳng giỏi đến mức gọi là tài nữ, chỉ là một tiểu thư được dạy dỗ tốt, hiểu biết vừa đủ, miễn cưỡng có thể vào bếp, ra phòng khách và… lên giường.

Ta chú ý đến nàng cốt do gương mặt. Tố Tâm giống Phượng Loan đến năm sáu phần, từ lần đầu gặp gỡ đã khiến ta yêu thích. Gia đình nàng là một nhánh rất xa của dòng họ Hạ Hầu, chính bởi cái gốc rễ ấy khiến đệ đệ của nàng học rất giỏi nhưng không thể thi khoa cử làm quan, cha nàng có tài mua bán nhưng không vào nỗi thương hội, mẹ nàng thành thân bị cả nhà từ mặt. Tộc Hạ Hầu trên Khương La này bị cộng đồng xa lánh, bị triều đình nghi kị, chịu rất nhiều thiệt thòi.

Khi ta quỳ dưới long ỷ, xin phụ hoàng cưới nàng vào cửa, người đã im lặng rất lâu

-Con thật lòng chứ?

-Vâng ạ.

-Nếu trẫm nói sẽ đưa con đến Sa Đà phong vương, con vẫn muốn lấy nàng?

-Vẫn muốn.

Thật ra lúc đó ta quá kích động, làm gì quan tâm Sa Đà là cái xứ khỉ ho cò gáy nào. Phượng Loan quyết định gả cho Tứ ca, cho dù chỉ làm một Lương đệ* cũng không thèm địa vị Lục hoàng phi. Nàng tham vọng làm mẫu nghi thiên hạ, bon chen vào chốn hậu cung trắng đen lẫn lộn. Ta chỉ là một hoàng tử nho nhỏ, địa vị này không thỏa mãn được nàng…

*Lương đệ: thiếp của Thái tử.

Mối tình đầu bao giờ cũng sâu sắc nhưng mối tình sau thì luôn vững bền.

Một phút bốc đồng, ta bất chấp tất cả quyết cưới cho được Hạ Hầu Tố Tâm, sau đó đưa nàng cùng gia đình đến vùng Sa Đà đầy cát. Bấy giờ ta mới hiểu, cái giá phải trả không hề rẻ.

“Mặt trời dậy ở đằng đông

Đế đô tỏa nắng, Mạn Hồng âm u

Trường Giang núi nước mây mù

Sa Đà cát trắng, đất dày chân chim

Hà Khổ giá lạnh buốt tim

Bình Thành loạn lạc, Ninh Him thái bình”

Sa Đà giống như cục thịt khét đen bị vứt đi, chả có thứ gì đáng giá trên đất này. Cho dù là một Vương gia, ta cũng ăn không ít khổ. Thuở ban đầy dựng phủ đệ, tiếp quản nội vụ, ta chẳng làm được thứ gì ra hồn. Mắc bệnh hoàng tử quá lâu, không hiểu rằng làm Vương cũng giống như vua trên một lãnh địa nhỏ, phải có trách nhiệm với con dân nơi đó, phải bảo hộ che chở cho họ, như thế mới không hổ thẹn với tiền tô thuế mà dân phải nộp. So với ta, Tố Tâm và Y Uy thích nghi với nơi ở mới rất tốt. Chả là hai chị em họ từ bé đã chịu khổ qua, tính cách gan lì hơn ta rất nhiều. Y Uy giống như cá tìm được bể lớn, cuối cùng tài năng có đất dụng võ. Hắn trở thành trợ thủ đắc lực, giúp ta xử lý chuyện trong ngoài từ việc đê điều tới việc khuyến nông, cải tạo đất sỏi, củng cố trị an.

Những ngày tháng vất vả rồi cũng qua, Sa Đà khắc nghiệt rồi cũng là nhà. Ta mãi mãi không quên một người vợ chịu thương chịu khó, đảm đang, kiên cường thay ta quản lý nhà cửa, nuôi dạy con cái. Ta cũng không quên cậu em vợ thông minh tháo vác, hết lòng bảo vệ chị gái, giúp đỡ anh rể. Họ thật sự là gia đình của ta, chân thật và ấm áp hơn hoàng cung rất nhiều.

Tố Tâm là một mẫu người thẹn thùng, ít nói. Ta yêu nhất là sự lương thiện và nhẫn nại của nàng. Làm một lần, hai lần, ba lần không được thì làm bốn năm sáu lần, cho tới khi pha được một ấm trà ngon mới vừa ý. Nàng rành nhất là trà đạo, điêu luyện như một trà sư. Hồi đó vẫn tưởng nàng làm vì sở thích, sau này ta mới biết, Tố Tâm cố gắng giỏi hơn Phượng Loan, cho dù chỉ một khía cạnh.

Tình cảm của ta dành cho nàng là gì? Ta cũng không rõ nữa. Tố Tâm không đem tới cảm giác rạo rực, nhiệt thành, nàng cứ dìu dịu như một dòng suối. Ta tưởng muốn chinh phục ai đó, muốn chiếm hữu ai đó thì mới gọi là “tình yêu”, như khi ta “yêu” Phượng Loan. Còn Tố Tâm thì luôn “có sẵn”, chỉ cần ta quay đầu thế nào cũng thấy nàng đi phía sau. Nàng tồn tại im lặng chung quanh, chưa từng rời khỏi, chưa từng biến mất… Gần hai mươi năm vợ chồng, ta thừa nhận mình là một phu quân tệ hại. Ta yêu cơ thể nàng, một loại ham thích trần trụi. Chỉ khi thân mật mới nói vài câu dễ nghe, bình thường cứ làm mặt nghiêm, lời lẽ thiếu ý, thừa lãnh đạm. Ta cho rằng như vậy là tôn trọng, là đứng đắn. Chết tiệt nó đứng đắn!

Năm đầu tiên thành thân, nàng sinh Thán Khúc. Năm thứ hai sinh Vĩnh Lạc. Năm thứ tư sinh Tịch Tề. Năm thứ sáu sinh Chí Tĩnh. Năm thứ bảy, Kinh Hà chào đời. Nhìn lại “hành trình”, bản thân ta cũng rất choáng váng. Nàng có tướng làm mẹ, ai cũng nói vậy nhưng đâu có nghĩa là cứ sanh xoành xoạch thì tốt? Hồi ấy ta còn trẻ, ở độ tuổi sung mãn của đàn ông, chỉ vì bản thân mà quên mất Tố Tâm cũng là một nữ nhân mảnh mai yếu đuối như bao người. Thậm chí có lần nàng mang thai tám tháng mà ta vẫn khùng điên muốn chuyện vợ chồng, quá khùng điên!

Từ khi Kinh Hà chào đời, nàng mắc bệnh ho mỗi khi đông tới. Đại phu nói rằng cơ thể suy nhược, không nên tiếp tục sinh nở. Khi biết chuyện, Tố Tâm rất hay hỏi ta:

-Vương gia thích một quận chúa phải không?

Ta trả lời nàng không nghiêm túc, khi thì cười cho qua, khi bảo đủ rồi, khi lại nói con gái cũng đáng yêu… Chính vì sự qua loa ấy mà ta không nhìn thấy bao năm nay mắt nàng luôn đượm buồn. Nàng có một cuốn sổ nhỏ, bên trong viết đầy tâm sự. Gía như ta đọc được những dòng chữ ấy sớm hơn thì đã có cơ hội nói với nàng một nghìn lần: “Tôi yêu em!”

“Chàng lại say, trong cơn mơ gọi một người tên là Loan Loan. Thiếp không biết cô ấy là ai, mãi đến khi tình cờ nhìn thấy bức họa của hoàng hậu nằm trong rương gỗ.

Thì ra chàng yêu hoàng hậu nương nương…

Thì ra bà ấy có mấy phần giống thiếp…

Thì ra…



Tiểu Hà nằm trong bụng thiếp rất ngoan, đêm qua bị ồn mà không đạp cái nào. Thế nhưng sáng nay thiếp thấy không khỏe, chỗ đó rất đau. Thiếp tự hỏi chàng chỉ yêu cơ thể này thôi sao, bởi vậy mới không bận tâm thiếp mang thai khó nhọc, không lo con chúng ta sắp tới ngày ra đời…

Chàng yêu cơ thể này, thiếp càng cố gắng giữ gìn, kết quả lại nghe chàng bảo: “Sao nàng cứ trẻ hoài vậy? Con dâu gọi lầm thành chị, bổn vương lại sắp thành cha rồi!”

Xấu chàng không thích, đẹp thì lại chê, thiếp phải làm sao…?



Nghe Tô mama kể lại, ngày xưa chàng thường giúp hoàng hậu phẩm trà. Trà pha đắng chát cũng khen ngon, kết quả cơm trưa ăn không biết vị. Thiếp cố học, cố pha cho được loại trà thượng hạng, để chàng quên đi mùi vị chán ghét đó, để xoa dịu những hồi ức dù đẹp nhưng thương tâm…

Trà của thiếp, có tình yêu của thiếp, nó có đủ để chàng nhớ, để chàng thèm mỗi lúc đi xa không?



Sáng nay thức dậy không có người bên cạnh, chăn giường lạnh băng. Thiếp sợ hãi chạy ra ngoài tìm, kết quả nhặt được phong thư.

“Ta lên kinh có việc gấp, nàng bảo trọng bản thân, ngoan ngoãn dưỡng thai chờ ta về!”

Một câu duy nhất đánh gục hết tất cả kiên trì của thiếp gần hai mươi năm. Chàng dễ dàng bỏ đi như vậy, bởi vì Loan Loan của chàng đang gặp nguy hiểm, chàng không để ý tính mạng bản thân mà đi giúp nàng.

Còn thiếp, cố chấp muốn vì chàng sinh một quận chúa, nay bụng to vượt mặt phải một mình chống đỡ. Ai khen thiếp có hồng phúc, thiếp chả tin. Mỗi lần lâm bồn đau cứa gan đứt ruột nhưng bởi vì biết chàng ở ngoài phòng, vẫn đang mong đợi con của chúng ta, thiếp sáu lần kiên trì không vào quỷ môn quan, tất cả vì còn hy vọng, còn tin tưởng vào tương lai tốt đẹp.

Lần này, thiếp sinh nở chàng ở rất xa. Nói thật, thiếp không dám chắc mình trụ nổi không. Nhưng chàng cứ yên tâm, dù có chết thiếp cũng phải bảo vệ tiểu quận chúa chàng yêu thích. Những đứa con của chúng ta đều là một nhân chứng cho tình cảm. Phải có tình cảm thì thiếp mới cam nguyện ái ân, phải có tình cảm thì mới mang giọt máu của người, phải có tình cảm thì mới kiên cường vượt qua đau đớn…

Vậy còn chàng, tình của chàng là gì?

Nếu lần này thiếp có thể vượt qua, thiếp nhất định phải hỏi chàng một câu: Hai mươi năm chung sống, năm con trai, một con gái, đêm ngày sửa túi nâng khăn,… như vậy… có đủ đổi lấy trái tim vương gia không?”

-Phụ vương!

Tiếng gọi non nớt của Tương Tư làm ta choàng tỉnh, cẩn thận gấp nhật ký của nàng lại.

-Bảo bối, tới đây…

Con bé cười khanh khách, chạy ào vào lòng ta.

-Phụ vương hư, phụ vương khóc nhè!

-Uhm… là cha không ngoan, con đừng giống cha thích khóc nhè.

-Tương Tư ngoan nhất, Tương Tư vâng lời, biểu ca nói xuân năm sau sẽ rước Tương Tư về kinh thành chơi.

-Hoàng thượng nói như vậy?

-Không phải, là biểu ca nói!

-Con gái ngốc, biểu ca của con chính là hoàng thượng!

-Ơ… biểu ca là biểu ca, tại sao biểu ca lại là hoàng thượng chứ???

Ta lắc đầu, ôm Tương Tư vào lòng, ngồi nhìn mấy vò hoa lan treo trên sà nhà

-Tương Tư, hãy nói với mẹ con, cha yêu mẹ!

Bé mở to mắt, gật đầu khẳng định:

-Mỗi ngày Tương Tư đều thay cha nói. Mẹ trả lời rằng, mẹ cũng rất yêu cha!

Ta úp mặt vào đôi vai bé nhỏ của Tương Tư, không để con nhìn thấy sự yếu đuối trong mắt.

Tố Tâm, Tố Tâm, ta yêu nàng, thương nàng, tương tư nàng,…

Tố Tâm, Tố Tâm, nàng đừng vội qua cầu Nại Hà, chờ ta thêm mấy năm nữa, khi Tương Tư có nơi gửi gắm, ta sẽ đi xuống đó tìm nàng, chúng ta lại dây dưa, lại làm khổ nhau thêm một kiếp nhé?

/101

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status