Quỷ Hô Bắt Quỷ

Q.8 - Chương 29 - Kỳ Nhân

/598


Triều Thanh, tháng chạp năm Quang Tự thứ mười bốn (đầu năm 1889).

Giờ đã là cuối năm, phố lớn ngõ nhỏ đều giăng đèn kết hoa, vui tươi hớn hở. Nói như truyền thống của người Trung Quốc thì dân chúng chăm chỉ làm việc suốt một năm dài cũng chỉ vì mấy ngày ngắn ngủi trên mà thôi.

Đó còn là:

Hai phần kẹo đường tròn (1), xếp vàng đôi ba mâm.

Thắp hương cúng ngựa thiêng, hoa quả hóa tiền tài.

Tưới rượu do mình nấu, dọn dẹp sắm sửa nhà.

Hấp bánh từ hạt kê, thêm táo cho ngọt vị.

Lên men hấp màn thầu, bày một bàn đầy ắp.

Cho thêm vài loại rau, chẳng mấy chốc là đủ.

Đong đo thêm lương thực, bán gạo đổi thành tiền.

Có Hoa Tiêu Hồi Hương (2), chỉ thiếu mỗi Phấn Đoàn(3).

Ngâm nước Kỳ Lân Thảo (4), thêm tôm khô ngọt canh.

Nấm hương và măng tre, cùng vài đồng mộc nhĩ.

Muốn mời thần giữ cửa (5), vẽ một cặp trước nhà.

Mua thêm đôi câu đối, nền hồng với chữ đen.

Giấy vàng đi với hoa, giấy bạc không cần chữ.

Sắm vài cân đèn cầy, kèm một cặp pháo dây.

Chén mậu lăng (6) cần một, đĩa hoa thì đầy giỏ.

Thìa canh chưa cần mua, ấm trà đã sẵn sàng.

Dùng một ít cát vàng, đổi lấy bao phấn thơm.

Đợi năm mới vừa sang, quần áo liền chu toàn.

Kêu người cắt vải tím, may xuôi theo ống giày.

Khăn quấn đầu loại tốt, đá lam dưới gối quần.

Lưới hồng đan dây lưng, phấn son bốn năm tiền.

Thoi dệt bảy tám tấc, khuy cài hết không ngừng.

Gái nứa đòi hoa tai, trẻ muốn chơi hạch đào (7).

Ồn ào một lúc lâu, ai nấy đều sốt ruột.

Tốt xấu gì thứ đó, xài bao nhiêu cho đủ?

Dù có mấy ngàn xâu, mua hoài cũng không hết.

(Do đoạn ca dao này rất dài và tối nghĩa nên no_dance8x xin mạn phép chỉ dịch thuật và chú thích chứ không đăng Hán Việt.)

Tất cả những truyền thống vào ngày Tết Âm Lịch của người Trung Quốc, ngoại trừ truyền thuyết Niên Thú (8), đều đã được khái quát trong bài đồng dao trên.

(Lời tác giả: Anh trai tôi còn xem tiết mục cuối năm nữa...)

Trong bầu không khí rộn rã ấy, thành Bắc Kinh vừa mới đón thêm hai vị khách không mời mà tới. Họ đều là người châu Á nhưng không để tóc dài. Một người trong đó có mái tóc bạc trắng, cực kì nổi bật. Cả hai cùng rảo bước trên đường phố với quần áo kiểu Âu. Đúng vậy, không cần giải thích đâu! Người đi đường nhìn thôi cũng biết bọn hắn là “nhị mao tử (9) rồi.

Ngồi trong xe ngựa, thấy nét mặt khác thường và ánh mắt lập lòe của người qua đường, Vương Hủ không tránh khỏi cảm giác lạnh sống lưng.

“Ngồi tàu thủy cả tháng trời mới về tới cố thổ, nhưng dường như chúng ta cần phải thay đổi tạo hình trước đã?”

Vương Hủ hỏi.

Miêu Gia quay sang, nhìn chằm chằm Vương Hủ rồi uể oải nói:

“Nếu vợ ta thấy ta trọc đầu về nhà thì ngươi có biết hậu quả đáng sợ nào sẽ xảy ra hay không?”

Vương Hủ cười lạnh:

“À, ta nghĩ nàng sẽ chọc thêm chín cái lỗ trên đầu ngươi.”

“Ha ha ha!”

Cha sứ Thomas ngồi đối diện hai gã này. Lão ta có vốn tiếng Trung không tệ, lại còn biết đôi chút về hòa thượng Trung Quốc, nên liền bật cười ha hả.

Miêu Gia nói:

“Thưa cha, ngưỡng gây cười của con người không được thấp quá (10). Ta khuyên ngươi về sau bớt nói chuyện với thằng nhóc Atkinson này...”

Cha sứ Thomas mãi vẫn không thể ngừng cười:

“Ồ, ha ha, xin thứ lỗi, nếu ta có điều mạo phạm đến ngươi thì xin hãy thứ lỗi, ha ha ha...”

Có vẻ lão béo có bộ râu quai nón này chuẩn bị coi đoạn hội thoại vừa rồi là câu chuyện hài hước nhất trần đời. Lão ta không những là người có ngưỡng gây cười thấp, mà còn có hơi hướng ngốc nghếch hưởng yên vui. Chắc cũng vì điều đó, lão mới đồng ý để Vương Hủ và Miêu Gia, hai kẻ cực kì đáng nghi, lên thuyền cùng đến Trung Quốc với mình.

Không lâu sau, họ đã tới giáo đường Hậu Tang Dục ở Bắc Kinh. Các nữ tu và cha sứ ở đây đang đứng chờ ngoài cửa.

“Ồ, Thomas! Thật tuyệt khi ngươi bình an trở về! Chuyến đi thế nào? Mọi việc ở London ổn cả chứ?”

Người bước tới chào hỏi là cha sứ Charlie.

Thomas vui vẻ đáp:

“Vâng, mọi chuyện đều ổn. Ngươi coi này, trên đường đi ta còn tìm thấy hai chú bò đi lạc nữa cơ.”

Charlie và những người khác không hẹn mà cùng nhìn sang hai gã có vẻ ngoài quái lạ đứng sau lưng Thomas.

“Họ...”

Thomas đáp:

“Là hai thân sĩ trẻ ở London muốn trở về định cư ở cố thổ. Chưa kể, hai chàng trai này đây cũng mong rằng mình có thể sà vào vòng tay của Chúa. Họ muốn giúp chúng ta truyền giáo ở Đại Thanh.”

Charlie tỏ ra rất kích động, bước tới nắm lấy tay Vương Hủ:

Ta rất cảm tạ và hoan nghênh! Các con của ta ơi, nếu có thêm nhiều thanh niên như các con thì thật tốt biết bao!

Vương Hủ mỉm cười xấu hổ:

Ha... ha ha... không có gì đâu mà... đó là chuyện... nên làm! Đó là chuyện nên làm!

Hắn quay sang rít một câu ra khỏi kẽ răng:

Ngươi nhìn xem... vì tiết kiệm một ít tiền đi tàu thủy mà phải gánh chuyện vớ vẩn lên người...

Miêu Gia ngẩng đầu lên trời huýt sáo, làm bộ như không nghe thấy gì cả.

Cả hai được sắp xếp chỗ ở trong giáo đường nên chuyện cơm áo không thành vấn đề. Song, trong lòng Vương Hủ vẫn còn đau đáu một vấn đề. Hai người họ đã tới thế kỉ 19 được năm tháng rồi, thế mà Miêu Gia vẫn chưa nói cho hắn biết phương pháp trở về tương lai. Vì vậy, sau khi cất hành lý xong xuôi, Vương Hủ vội chạy sang gõ cửa phòng Miêu Gia.

“Vào đi.”

Vừa bước vào phòng, Vương Hủ nói thẳng:

“Giờ đã tới Bắc Kinh rồi, ngươi nói được chưa?”

Miêu Gia hỏi lại:

“Nói cái gì?”

“Hỏi thừa, tất nhiên là lý do mà chúng ta tới đây.”

Miêu Gia ngẫm nghĩ:

“À, hóa ra là chuyện đó. Nói tới thành Bắc Kinh thì đây đúng là nơi đắc địa, như người ta thường nói: Hỏi chuyện hưng vong thời kim cổ, mời ngài hãy tới thành Lạc Dương. Đây là trung tâm tranh đoạt của nhà binh tại Trung Nguyên. Hỏi vì sao lại như vậy? Bởi vì nơi đây là đất lành, trái vây lấy biển, phải nắm Thái Hành (11), Bắc gối Cư Dung (12), Nam ôm Tế Thủy (13), đất màu ngàn dặm, giáp khắp thiên hạ, kinh đô đế vương, bao la trù phú.”

Vương Hủ khoát tay:

“Rồi, rồi, đợi đến khi trở về thế kỉ 21, ta sẽ tìm một hướng dẫn viên du lịch để hỏi thăm về mấy chuyện này. Bớt nói nhảm đi, ta muốn hỏi là tại sao chúng ta phải tới đây? Nó có liên quan gì đến việc quay về?”

Miêu Gia thời dài ngao ngán:

“Haiz, nói ra ngươi cũng không hiểu. Ngươi còn nhớ ta từng nói rằng, nếu muốn về thì cần phải có sự trợ giúp của một người?”

Vương Hủ đáp:

“Ta nhớ chứ! Vậy... người mà ngươi nói đang ở Bắc Kinh?”

“Đúng vậy.”

“Ngươi quen biết một người nào đó ở Bắc Kinh hơn trăm năm trước?”

“Ta không quen biết hắn, nhưng mà ta quen biết con của hắn.”

“Con của hắn? Dù mười năm nữa nó mới được sinh ra thì đến thời đại của chúng ta cũng đã một trăm hai mươi tuổi rồi.”

“Bây giờ con của hắn khoảng năm, sáu tuổi.”

“Tóm lại, người đó là ai?”

“Đường Văn Vũ.”

“Là cái gã khỉ gió nào vậy?”

Không thèm để ý tới Vương Hủ, Miêu Gia nói tiếp:

“Con của hắn tên là Đường Tiểu Hổ.”

Vương Hủ co giật khóe miệng:

“Ngươi nói, ngươi, ở thế kỉ 21, biết một gã tên là Đường Tiểu Hổ, năm nay hơn một trăm hai mươi tuổi. Gã này còn nói cho ngươi biết cha mình chế tạo cỗ máy thời gian...”

Miêu Gia vẫn tiếp tục lời thoại của mình:

“Đường Tiểu Hổ không thích cái tên của mình cho lắm. Hắn cho rằng nó được nhái theo một tài tử nổi tiếng thời xưa. Vì vậy, nhiều năm sau, hắn đã làm một chuyện khiến người ta chỉ còn nhớ tới danh hiệu chứ không biết được tên thật của hắn nữa.”

Trong đầu xuất hiện một cái tên, Vương Hủ bèn cười khan hai tiếng:

“Không thể nào...”

Miêu Gia lại nói:

“Sau khi về ở ẩn, Tinh Long mở một cửa tiệm tạp hóa và nghiên cứu vài món đồ tà ác. Hắn làm vậy không phải vì có được Thần Nghệ Thiên, mà là vì bị cha tuyên truyền từ nhỏ dẫn đến bị đồng hóa trong vô thức. Chưa kể, hắn còn kế thừa dòng máu tốt đẹp của cha mình. Do đó, một hạt giống tốt đã ra đời, được định sẵn sẽ trở thành một nhà phát minh kiêm một kẻ lập dị vĩ đại, mạnh mẽ và điên khùng.”

Vương Hủ nghĩ ngợi rồi hỏi:

“Vậy cha hắn cũng là người có năng lực linh hồn?”

Miêu Gia đáp:

“Cha hắn chỉ là một nghệ nhân phố phường, không phải người săn quỷ. Tuy nhiên, hắn ta không hoàn toàn mù mịt về linh lực. Nhắc tới loại người này... ngươi còn nhớ người anh em Vi Trì ở Tô Châu chứ?”

“A, là cái gã thô lỗ đó?”

Miêu Gia liếc mắt:

“Cái gã thô lỗ đó là đại sư bùa chú. Nếu ngươi không cho hắn dùng bùa thì có khi đánh không lại lính mới ấy chứ. Đường Vũ Văn cũng là người như vậy. Hắn chỉ thích tìm hiểu về vật lý học và nghiên cứu phát minh, ngoài ra còn có thể chế tạo một ít linh khí...”

Vương Hủ chồm người tới, trong mắt chẳng có chút lòng tin nào.

“Theo ta biết thì chỉ có vài thứ đủ khả năng đưa người ta xuyên thời không. E rằng đại sư Đường Vũ Văn không thể tạo ra xe thể thao có chức năng đó. Hay là hắn ta có thể chế tạo ra thần khí Côn Luân kính?”

Miêu Gia nói:

“Sao ngươi ngu quá vậy? Năng lực linh hồn của ta là gì?”

“Trở Về? Rồi sao?”

“Phải rồi, Trở Về! Tính ra thì đây là một cái chìa khóa tốt để mở cánh cổng thời không. Ta chỉ cần hắn tạo ra một vật có thể tìm thấy ổ khóa trên cánh cổng. Riêng vấn đề phải làm như thế nào thì không nằm trong lĩnh vực của ta, cứ giao toàn quyền cho người chuyên nghiệp lo là được rồi.”

Vương Hủ nói:

“Thì ra là vậy. Đúng rồi, sao người biết nhiều chuyện của Tinh Long vậy? Biết cả chuyện cha hắn là nhà phát minh.”

“Biến, bấy nhiêu đã là gì đâu. Không chỉ có cha hắn, ta còn tra ra lai lịch mười tám đời tổ tông của Tinh Long, Phụng Tiên nữa kìa. Câu chuyện của hai người họ rất thú vị, có nằm mơ cũng không thể nghĩ ra.”

-----o Chú thích o-----

(1)Tên gốc là đường qua(糖瓜): một loại kẹo làm từ mạch nha, tròn như hình quả dưa.

(2) Tiểu hồi hương (hay còn gọi là tiểu hồi hoặc hồi hương): là một loài thực vật có hoa trong họ Hoa tán. Hồi hương có công dụng bổ thận tráng dương.

Hoa tiêu là một loại cây thuốc. Quả cây này khi còn sống có màu xanh, khi chín chuyển sang màu hồng, lớn như hạt tiêu nhưng không đen bóng bằng tiêu mà ta hay ăn. Quả của nó có vị cay, tính ấm, có độc và phải phơi khô sau khi hái xuống. Cây thuốc này thường dùng để trị đau bụng do lạnh hoặc giun đũa.

(3) Hoa tuyết cầu (hay còn gọi là hoa phấn đoàn): tuy không phải là một chi của loài cẩm tú cầu nhưng cũng có đặc điểm nhận dạng là hình “tú cầu”. Loài hoa này có màu trắng như tuyết, thay vì màu xanh hay tím như cẩm tú cầu, thường nở vào mùa xuân.

(4) Kỳ Lân Thảo: Ở Việt Nam, nó được biết đến với cái tên “rau câu chân vịt”.

(5) Thần giữ cửa: là một vị thần Trung Quốc thường được đặt ở hai bên cổng vào một ngôi chùa, nhà ở hay tiệm kinh doanh... để cho giữ những linh hồn hay ma quỷ không xâm nhập vào. Các vị thần này thường đi theo cặp và phải đối mặt với nhau. Nếu đặt đấu lưng lại thì là điềm gỡ chẳng lành. Những vị thần phổ biến nhất là Tần Thúc Bảo và Uất Trì Cung. Các tranh vẽ Ngụy Trưng hoặc Chung Quỳ được sử dụng ở cửa đơn.

(6) Chén mậu lăng: Là loại chén uống trà có vẽ trang trí cây cối bên ngoài.

(7) Hạch đào (hay còn gọi là hạnh nhân): là loài thực vật bản địa ở Trung Đông và Nam Á. Hạnh đào được phân biệt với các chi khác nhờ vào vỏ hạt cứng có nếp nhăn lượn sóng bao bọc bên ngoài nhân. Vì loại quả này rất cứng nên có thể

(8) Tương truyền Trung Quốc cổ xưa có một loài thú lạ tên “Niên”, mặt mũi hung tợn, sừng nhọn vuốt sắc, hung ác vô cùng. Niên quanh năm ẩn cư trong núi, đến giao thừa mới xuống thôn ăn thịt súc vật, thương tổn mạng người. Bởi vậy, cứ đến đêm giao thừa, dân chúng trong thôn đều rời nhà tránh bị Niên làm hại, gọi là “Quá Niên” (quá niên cũng có nghĩa là qua năm mới). Giao thừa năm đó, mọi người đang dìu dắt già trẻ lên núi tránh nạn, thì ngoài thôn có một lão già ăn xin đi đến. Trong thôn người thì đang bịt cửa, người thì đang thu gom đồ đạc, đâu cũng là cảnh tượng vội vàng sợ hãi, không ai thèm để ý đến lão già ăn xin, chỉ có một lão phụ làm sủi cảo ở đầu thôn đông cho lão già ăn, khuyên lão nhanh lên núi tránh Niên. Để báo đáp lòng tốt của lão phụ, lão già mới nói cho bà biết Niên sợ nhất màu đỏ, ánh lửa và tiếng nổ, kêu bà mặc đồ đỏ, trên cửa dán giấy đỏ, đốt nến đỏ, ở trong sân đốt thanh trúc để phát ra tiếng nổ.

Vào lúc nửa đêm, Niên xông vào thôn. Phát hiện trong thôn đèn đuốc sáng trưng, hai mắt của nó bị màu đỏ chói mắt làm cho không mở ra được, lại nghe thấy có tiếng trúc nổ vang dội từ trong nhà truyền ra, vì thế cả người run rẩy chạy trốn. Từ đó về sau mọi người đều biết phương pháp đuổi Niên, giao thừa hàng năm nhà nhà dán câu đối đỏ đốt pháo; hộ hộ ánh nến sáng trưng, nhìn canh giờ chờ tuổi mới. Sáng sớm hôm sau còn đi chào hỏi thân quyến bạn bè, chúc mừng họ vượt qua tàn sát của Niên. Sau đó nữa, phong tục này truyền bá càng lúc càng rộng, trở thành ngày lễ truyền thống long trọng nhất dân gian Trung Quốc.

(9) Cách gọi người nước ngoài vào Trung Quốc truyền bá về Kitô giáo.

(10) Đại ý là đừng buồn cười vì những chuyện nhỏ nhặt.

(11) Thái Hành Sơn là một dãy núi chạy từ cạnh phía Đông của cao nguyên Hoàng Thổ ở các tỉnh Hà Nam, Sơn Tây và Hà Bắc của Trung Quốc. Dãy núi trải dài 400 km từ đông bắc đến tây nam và có độ cao trung bình từ 1.500m đến 2.000m. Nơi đây có ngọn Hành Sơn là một trong nhóm Ngũ Nhạc của Lão giáo Trung Quốc. Theo truyền thuyết, Ngũ Nhạc có nguồn gốc từ thân thể và đầu của Bàn Cổ, vị thần đầu tiên sáng tạo ra thế giới.

(12) Cư Dung là tên của một ngọn đèo nằm ở quận Xương Bình ở ngoại ô Bắc Kinh, cách 50 kilômét từ trung tâm thủ đô. Vạn Lý Trường Thành chạy qua đây. Vân Đài môn cũng được xây từ năm 1342.

(13) Tên gọi của một con sông ở Bắc Kinh.


/598

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status