Sủng Ái Ngày Một Nhiều

Chương 1: Hứa Nhị gia

/168


 

Chương 1: Hứa Nhị gia

 

 

 

 

                Ngoài cửa sổ có mấy bụi hoa quế, lá xanh biêng biếc xen lẫn với những nụ hoa lấm tấm như hạt gạo. Những đóa hoa đầu mùa lặng lẽ tỏa hương, dẫn dụ lũ đom đóm nhàn rỗi vượt tường bay qua.

 

 

 

                "Hứa Nhị gia có yêu cầu gì xin cứ nói!" Thương nhân đến từ ba tỉnh miền Đông trở nên lo lắng, khẩu âm cũng trở nên rõ rệt hơn. Tuy trong đầu không coi trọng mấy người làm ăn tính toán chi ly, nhưng cũng không thể làm được gì, miệng thở ra một vòng khói về phía mặt cô gái châm nha phiến. Khuôn mặt tròn của cô gái lẩn khuất giữa đám khói, lại toát lên dáng vẻ xinh đẹp. Người nọ âm thầm đưa tay bắt lấy bộ ngực cô gái mà xoa, vừa gầy vừa bé, như một con gà nhỏ hay một đứa nhóc, làm người ta hứng thú không nổi.

 

 

 

                Hứa Ngạn Khanh thu tầm mắt trở về, khóe miệng nở ra một nụ cười nhàn nhạt. Một làn gió nhẹ lướt qua tấm màn lụa mỏng màu xanh nhạt trên cửa sổ, tựa như có thể nghe thấy tiếng ngâm nga điệu Tây Bì và Nhị Hoàng (1) vọng lên từ tiền sảnh.

 

 

 

                Đây là nhà riêng của Trần Quân Nam bạn anh. Hôm nay tổ chức tiệc mừng thọ tám mươi tuổi cho Trần lão thái gia, anh đến vừa là để chúc thọ mà cũng nhân tiện bàn việc làm ăn.

 

 

 

                Năm ngoái, anh vận chuyển tơ lụa Giang Nam cùng đồ thêu Tô Châu ra quan ngoại, gửi đến chỗ phu nhân của người được gọi là "Đông Bắc Vương" Trương Đại soái một bộ sườn xám thêu phượng và mẫu đơn. Mấy món hàng tơ lụa gấm vóc tinh xảo nho nhỏ, cùng với phấn trứng ngỗng Dương Châu (2), dầu hoa quế; còn cả đầy ắp một rương phấn son và tượng búp bê đất sét Huệ Sơn (3) thì cho mấy tiểu thư và mấy bà vợ lẽ, ai nấy đều vô cùng vui mừng. Trương Đại soái tự mình chọn ra mấy gian hàng ở mặt tiền khu trung tâm thành phố sầm uất, giao cho anh kinh doanh, ngoài hai phần lợi nhuận thì chỉ cần thêm chút quà hiếm lạ cho các bà các cô trong nhà vui vẻ là được. Hứa Ngạn Khanh đều sảng khoái đáp ứng. Gần nửa năm nay, việc kinh doanh bên đó cũng đã khởi sắc, anh cũng không rảnh quan tâm đến nữa, đang muốn tìm người địa phương thay mặt quản lý công việc, Trương Đại soái đề cử ông chủ Vương. Việc đàm phán cũng dần đi đến hồi kết, Hứa Ngạn Khanh lại bỗng dưng do dự, làm cho vị thương nhân rối đến độ lòng như lửa đốt.

 

 

 

                Ngoài hành lang phía trước vọng đến một chuỗi tiếng bước chân, Trần Quân Nam vén mành nghiêng người bước vào, thấy Hứa Ngạn Khanh vẫn như vậy, điềm nhiên gạt nắp chung uống trà. Anh ta không khỏi lắc đầu, mở miệng cười: "Cho tôi được đến làm chân hòa giải. Ông chủ Vương mỗi dịp cuối năm đưa thêm 100 củ nhân sâm già, 400 tấm da chồn, 800 cân cá tầm, 300 viên đông châu, ngoài ra, da hươu, hải sâm Thanh Dương cũng tùy tiện đưa một ít, ngài xem có được không?" Ông chủ Vương sớm đã sức cùng lực kiệt, vỗ đùi cắn răng mà nói: "Bốn bể là anh em, Hứa Nhị gia cùng họ Vương tôi sau này cũng không thể xem nhau như người xa lạ, lần này nhượng bộ một chút thật sự đáng giá."

 

 

 

                Hứa Ngạn Khanh ném cho Trần Quân Nam một ánh mắt. Trần Quân Nam thấy thì hiểu, đi đến chiếc bàn dài bằng gỗ lim bên cạnh cửa sổ, kéo ngăn kéo viền vàng, lấy ra hai bản giấy bọc gấm hoa, bên trên viết chi chít những dòng chữ nhỏ. Người hầu cầm một cái đĩa vuông sơn mài màu đen, bên trong có bút mực và một hộp dấu đỏ tròn nhỏ màu xanh lá khảm xà cừ.

 

 

 

                Đưa đến trước mặt ông chủ Vương: "Đây là hai bản hợp đồng đã soạn thảo, ngài là khách quý, trước hết mời xem qua. Nếu không có vấn đề gì chỉ cần ký tên đồng ý là được, sau đó đến Hứa Nhị gia."

 

 

 

                Ông chủ Vương theo đó mà làm, rồi đưa lại bản hợp đồng đến trước mặt Hứa Ngạn Khanh. Hứa Ngạn Khanh nâng tay áo, đặt bút ký tên, ngón tay phải điểm chỉ. Cô hầu gái vội vàng bưng cái thau đồng đựng nước nóng đến cho anh rửa tay. Trần Quân Nam xem lại hai bản hợp đồng, giao lại cho mỗi người một bản, xem như thỏa thuận thành công.

 

 

 

                Ông chủ Vương khen ngợi: "Họ Vương tôi là thương nhân nửa đời chìm nổi, hợp đồng ký qua vô số. Nói đến chữ viết, Hứa Nhị gia xưng thứ hai thì không ai dám đứng thứ nhất."

 

 

 

                Trần Quân Nam gật đầu cười sang sảng: "Ánh mắt của ông xem vậy mà tinh tường. Chữ viết của Hứa Nhị gia mẫu mực tao nhã, bút lực mạnh, lại có phong cách của Đổng Triệu (4). Nếu không phải Đại gia gặp chuyện, sản nghiệp gia đình không ai trông coi, có lẽ Nhị gia đã đi theo con đường làm quan, trở thành một nhân vật danh tiếng vang dội chốn Kim Mã Ngọc Đường. (5)

 

 

 

                Ông chủ Vương như được khai sáng, cảm phục mà chắp tay vái lạy: "Sớm đã nghe nhắc đến, ở phương Nam có một người làm ăn từng đỗ đến Tam giáp, hóa ra lại là Hứa Nhị gia. Họ Vương tôi có mắt mà không thấy Thái Sơn, thất lễ, thất lễ."

 

 

 

 

 

                Chú thích:

 

 

 

                (1) Tây Bì và Nhị Hoàng là hai điệu Xướng của Kinh kịch. (Kinh kịch có 4 hình thức biểu diễn chính là Xướng (hát), Niệm (nói), Tố (điệu bộ) và Đả (võ thuật).)

 

 

 

                Điệu Tây Bì hát cùng với hồ cầm 63 dây, giai điệu hoạt bát, rộn ràng, rắn rỏi mạnh mẽ, hát lên nghe nhanh rõ, rành mạch.

 

                Nhị Hoàng (Nhị Huỳnh) hát với hồ cầm 52 dây, giai điệu nhẹ nhàng, trầm lắng, sâu sắc trữ tình, hát lên nghe lưu loát thư thái.

 

 

 

                (2) Bột trứng ngỗng Dương Châu: bột trang điểm, thành phẩm có hình quả trứng ngỗng. Nguyên liệu từ một loại đá do Thái Hồ sản xuất, Sau khi được tinh chế thì pha trộn thêm một ít nguyên liệu, lòng trắng trứng và sương hoa tươi, hấp ở nhiệt độ cao theo các mùi hương khác nhau, rồi được đúc trong khung hình quả trứng ngỗng. Sau khi hoàn thành, hương thơm lưu lại rất lâu.

 

 

 

 

 

                (3) Tượng búp bê đất sét Huệ Sơn (Huishan): là loại búp bê bằng đất sét truyền thống của Trung Quốc, xuất xứ từ vùng Giang Tô Trung Quốc. Nghề làm búp bê bắt đầu từ cuối thời nhà Minh và trở nên thịnh hành vào thời nhà Thanh. Búp bê đất sét Huishan nổi tiếng với hình dạng khuôn mặt tối giản, đường nét uyển chuyển, sống động, màu sắc tươi tắn, bắt mắt. Nguyên liệu chính là bùn đen, được lấy từ chân đồi cách mặt đất khoảng 1m trên sườn đông bắc của núi Huệ Sơn.

 

 

 

 

 

                (4) Phong cách thư pháp kết hợp giữa Đổng Kỳ Xương và Triệu Mạnh Phủ - hai nhà thư pháp nổi tiếng.

 

 

 

                (5) Kim Mã Ngọc Đường: thành ngữ, chỉ nơi những vị cử nhân tập trung thảo luận.

 

                ------oOo------

 

                Nguồn: thichdoctruyen.vip

 


/168

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status