Tầm Tần Ký

Chương 62: Lã Thị Xuân Thu

/289


Sau trận đấu, Tần vương cho vời Hạng Thiếu Long và Vương Tiễn vào cung, khích lệ một phen. Lại còn khen Lã Bất Vi trước mặt mọi người, tỏ ý khen ngợi kế sách đẹp cả đôi đường của y.

Vừa về đến Ô phủ, Ðào Phương đã chạy ra nói, „Ta vừa sai người đi tìm tôn cô gia, may mà các người đã quay về."

Hạng Thiếu Long ngạc nhiên hỏi, „Có chuyện gì quan trọng?"

Ðào Phương nói, „Hệ trọng lắm, nhưng là chuyện tốt, đại vương cho vời tôn cô gia vào cung gặp ngài." Nói rồi kéo gã sang một bên nói, „Thiếu Long đừng trách lão già ta đây lắm điều, hôm qua tỷ võ ở hiệu trường, vương hậu nhìn ngươi bằng ánh mắt rất kỳ lạ, Thiếu Long hãy cẩn thận đó."

Hạng Thiếu Long hiểu hàm ý trong câu nói của y, nói một cách quả quyết, „Ta đã biết cân nhắc, ta sẽ không làm những chuyện ngu ngốc thương phong bại tục đó."

Ðào Phương biết gã nói ra là làm được, nên cũng yên tâm.

Hạng Thiếu Long quay ngựa, một mình phóng về phía hoàng cung.

Ðường Hàm Dương rộng rãi, so với Hàm Ðan và Ðại Lương thì đứng ở giữa, nhưng chỉ là so với những đường chính của Triệu Ngụy mà thôi. Công bằng mà nói đường Hàm Dương rộng rãi hơn nhiều.

Vừa đi vào con đường chính nam, Hạng Thiếu Long có cảm giác bị người khác theo dõi.

Đó là một cảm giác rất khó giải thích.

Hạng Thiếu Long trong lòng cảm thấy kinh ngạc. Chẳng biết có phải vì đả tọa nhiều hay không mà cảm giác của gã trở nên nhạy bén như vậy. Ðiều kỳ lạ là tại sao có người âm thầm theo dõi gã.

Gã giả vờ như đi dạo trên đường phố, nhìn quanh quất xung quanh, trong chốc lát đã nắm được tình thế xung quanh.

Ðây là khu thị tập phía nam, các căn tiệm bán hàng và nhà ở của người dân lẫn lộn vào nhau, hai bên đường đều có hàng cây cao mấy trượng, bóng râm tỏa mát, màu xanh tươi tốt, nếu kẻ đánh lén muốn tìm nơi ẩn thân thì dễ như trở bàn tay.

ánh mắt quét qua một vòng, gã phát hiện có mấy kẻ đáng nghi.

Hai người đang ngồi trong một quán rượu hai tầng, thấy ánh mắt của Hạng Thiếu Long đến thì lập tức đưa mắt xuống để tránh ánh mắt của gã, giả vờ nói chuyện.

Còn một tên nữa thì đang bày hàng tạp hóa ở bên vệ đường, bị một nhóm người mua đồ vây quanh, đang kì kèo giá cả, nhưng bị Hạng Thiếu Long phát hiện gã đang chú ý đến mình, lo lắng đến nỗi trên trán nổi gân xanh.

Trong những người vây quanh ấy, có hai ba tên dáng người vạm vỡ, rất có khả năng là đồng đảng của y.

Tên giả vờ bán hàng ấy ra hiệu sang bên đường, có hai tên thấy Hạng Thiếu Long đến thì vội vàng lẩn sau thân cây, rõ ràng có ý không tốt.

Hạng Thiếu Long cảm thấy một chuyện khác nữa.

Gã không lạ gì vì có người sắp đặt giết gã, nhưng điều lạ là tại sao đối phương nắm chính xác hành tung và tuyến đường của gã, cách giải thích duy nhất là đối phương biết Trang Tương vương hạ lệnh vời gã vào cung cho nên mới bày ra cạm bẫy trên đường để đối phó với gã.

Mà thực lực của kẻ địch thì rất đông, bởi vì khi đặt ra kế hoạch thì đối phương không nghĩ gã sẽ đi một mình.

Nghĩ tới đây bất đồ trong lòng cảm thấy run sợ.

Lúc ấy gã có thể hầu như khẳng định kẻ muốn giết mình là Dương Tuyền quân, chỉ có y mới có thể biết được hành động của Tần vương thông qua Tú Lệ phu nhân, cũng chỉ có y mới đủ gan và thực lực để đối phó với gã.

Ðã đối phó được với Kinh Tuấn thì không còn khách sáo được với gã nữa.

Có tiếng xe ngựa vang lên.

Phía trước có bốn cỗ xe ngựa chở đầy cỏ, mỗi xe có một tên cầm cương. Hai xe một nhóm, chia làm hai bên trái phải, chỉ để lại chỗ trống ở giữa vài trượng.

Hạng Thiếu Long chỉ cần dựa vào thời gian, địa điểm và phương thức xuất hiện của chiếc xe ngựa thì đã biết không ổn.

Trong phút sinh tử, gã không dám lơ là, giật nhẹ dây cương của con Tật Phong, giả vờ không để ý đến chiếc xe ngựa đang đến, đồng thời đưa tay vào eo rút sẵn hai cây phi châm giấu trong tay, hai bên dần dần đến gần nhau.

Hạng Thiếu Long trong lòng cảm thấy buồn cười, chân kẹp bụng ngựa, con Tật Phong lâu ngày tiếp xúc với gã nên lập tức tung vó, trong nháy mắt đã xông vào giữa bốn chiếc xe ngựa.

Ðiều này quả thật vượt ra ngoài dự liệu của đối phương, bốn tên hán tử quát lớn, mặt lộ vẻ hung ác.

Trong mỗi xe cỏ là một tay cung thủ, từ trong đống cỏ ngồi bật dậy, lắp tên vào nỏ, đồng thời nhắm thẳng Hạng Thiếu Long.

Hạng Thiếu Long quát lớn một tiếng, con Tật Phong phóng nhanh về phía trước, đồng thời vung hai tay, hai ngọn phi câm bay ra phía sau.

Hai tên tiễn thủ trên hai cỗ xe ngựa đầu chưa có cơ hội phóng tên thì mỗi tên đã bị cắm một ngọn phi châm vào mặt, ngã vật xuống cỏ Hai tên kia vội vàng phóng tên nên không còn chuẩn xác nữa, hai mũi tên bay lướt qua người gã.

Hạng Thiếu Long ha ha cười lớn, con Tật Phong chạy nhanh như bay, trong chốc lát đã khuất dạng khiến cho kẻ địch chỉ đành đứng ngó theo.

Hạng Thiếu Long được Trang Tương vương và mẹ con Chu Cơ tiếp kiến trong nội sảnh của tẩm cung, đương nhiên không thiếu Lã Bất Vi.

Sảnh đường ấy bài trí thật trang nhã. Trang Tương vương ngồi một mình ở phía trên, Lã Bất Vi, Hạng Thiếu Long ngồi ở bên trái, Chu Cơ và tiểu Bàn ngồi ở bên phải.

Cung nữ bưng lên rượu thịt xong thì lui ra.

Bọn thị vệ chỉ đứng bên ngoài, khiến cho buổi tiệc ban trưa ấy có không khí gia đình.

Tiểu Bàn vẫn bình tĩnh không hề nhìn lén Hạng Thiếu Long. Chu Cơ đã biết giữ kẽ hơn, ánh mắt tuy vẫn long lanh nhưng không đưa tình như trước nữa.

Hai bên sảnh đường đều mở cửa sổ, có thể thấy hành lang ở phía ngoài, hoa cỏ xanh tốt, bốn bề đều lặng yên, không nghe tiếng người.

Trang Tương vương sau khi mời rượu, mỉm cười nói, „Sáng nay tướng quốc bẩm với quả nhân, Thiếu Long mấy ngày nữa sẽ lên đường, bắt Triệu Mục về để hả cơn giận cho quả nhân. Thiếu Long, quả nhân và Cơ hậu rất cảm động, cho nên lập tức mời Thiếu Long đến đây ăn một bữa cơm, để ủy lạo."

Hạng Thiếu Long rất có thiện cảm với Trang Tương vương, không những bởi vì phong thái nhã nhặn của y, mà còn chính là sự chân thành của y.

Không biết có phải vì làm con tin ở nước Triệu một thời gian dài, bị lạnh nhạt, cho nên y không nhiễm phải cái thói xa hoa quý tộc như Hiếu Thành vương.

Chỉ thấy y có mối thâm tình với Chu Cơ, lại nhớ đến ân tình của Lã Bất Vi, bắt tay với gã thương nhân ấy để đối phó với người trong nước mình thì có thể thấy y trọng tình nghĩa đến mức nào.

Còn có một nguyên nhân nữa khiến cho Hạng Thiếu Long rất thông cảm cho y.

Trên đời này chỉ có một mình gã biết rằng vị lãnh tụ của đất nước hùng mạnh nhất chỉ còn sống được ba năm nữa, vội vàng cúi đầu lạy tạ.

Trang Tương vương đột nhiên giọng trở nên hiền hòa, „Vương nhi phải chăng có lời muốn nói."

ánh mắt của Chu Cơ và Lã Bất Vi đều hướng tới tiểu Bàn, đều lộ ra vẻ yêu thương vô hạn như Trang Tương vương.

Hạng Thiếu Long cảm thấy buồn cười trong bụng, cả ba người này đều xem tiểu Bàn là đứa con yêu quý của họ mà không biết đây chỉ là hàng giả.

Ðồng thời thầm giật mình, tiểu Bàn nhất định là vì nghe đến cái tên Triệu Mục, kẻ đã làm nhục mẹ mình, lộ ra thần thái kỳ lạ khiến Trang Tương vương có thể thấy được.

Tiểu Bàn nhìn Hạng Thiếu Long, thất vọng nói, „Thái phó chưa có cơ hội dạy cho vương nhi mà đã ra đi."

Ba người đều cười ồ lên.

Chu Cơ nhíu mày nói, „Chuyện này phải chăng buộc thái phó phải mạo hiểm rất nhiều?"

Hạng Thiếu Long cười nói, „Chuyện càng mạo hiểm càng hợp với tâm ý của hạ thần, xin Cơ hậu yên tâm, hạ thần sẽ để ý cẩn thận, Lã Bất Vi ha ha cười lớn nói, „Ta rất có lòng tin với Thiếu Long, biết y nhất định sẽ thành công."

Trang Tương vương rất sủng ái tiểu Bàn, mỉm cười nói với y, „Vương nhi kính ái thái phó, phụ vương rất vui mừng."

Rồi quay sang Hạng Thiếu Long nói, „Thái phó mấy ngày hôm nay có rảnh thì nên tranh thủ thời gian vào cung chỉ điểm cho thái tử, hôm qua ở hiệu trường người có thể đỡ được ba mũi tên của Vương Tiễn, vương nhi vui mừng đến nỗi cứ nhắc mãi với người khác!"

Hạng Thiếu Long không nén được nhìn tiểu Bàn một cái, thầm khen lợi hại, gã tiểu tử này rất biết giả vờ, nếu ngày khác tỏ ra thân mật với gã thì sẽ bị hoài nghi có ẩn tình. Thế là cung kính nhận ngay.

Trang Tương vương thở dài, bùi ngùi nói, „Năm xưa quả nhân bạc phận, lưu lạc đến Hàm Ðan, lãnh trọn sự khinh khi, chưa bao giờ có cơ hội được học hành, mỗi ngày đều lo lắng ngày mai có còn mạng hay không. Cho nên vương nhi về đến Hàm Dương, chuyện đầu tiên quả nhân phải làm là cho nó đọc thật nhiều sách, cho nó...“

Chu Cơ giận dỗi liếc y, nũng nịu nói, „Ðại vương tìm luôn một lượt mười người đến thay phiên dạy dỗ thái tử, chỉ e rằng Chính nhi mệt mỏi thôi."

Trang Tương vương vui vẻ cười, không hề cảm thấy phiền lòng vì bị nàng chen ngang.

Lã Bất Vi cười khà khà nói, „Vương hậu có muốn nghe đại kế dạy dỗ thái tử Chính của lão thần chăng?"

Bốn người đều ngạc nhiên nhìn y.

Lã Bất Vi dùng ánh mắt của người“cha hiền" nhìn tiểu Bàn, rồi mới quay sang Trang Tương vương nói, „Có câu không biết thì hỏi, muốn giỏi thì học, trước học thánh hiền, binh gia kiếm khách, lúc đầu chẳng ai có thể biết được điều gì, mà phải học mới biết được. Ðã là như thế, đạo làm vua, càng cần phải học."

Trang Tương vương ngạc nhiên nói, „Lã tướng quốc phải chăng cho rằng quả nhân dạy dỗ vương nhi vẫn chưa đủ hay sao? Những người lần này được mời đến dạy dỗ vương nhi đều là những nhân tài xuất chúng của nước ta, ví như Cầm Thanh với tài thi ca nhạc nghệ, không những đứng đầu đại Tần, người trong sáu nước ai cũng có lòng ngưỡng mộ, sánh danh cùng Kỷ tài nữ ở nước Ngụy, tướng quốc chả lẽ còn biết người giỏi hơn hay sao?"

Hạng Thiếu Long lúc này mới biết quả phụ Thanh thì ra họ Cầm, cũng là một trong những thái tử thái phó, chả trách nào ngày sau Tần Thủy Hoàng, cũng tức là tiểu Bàn, sẽ xây“Hoài Thanh đài" để biểu dương cho vị nữ sư phó này.

Chu Cơ và tiểu Bàn ngạc nhiên nhìn Lã Bất Vi, xem thử y đối đáp với Trang Tương vương thế nào.

Lã Bất Vi cả quyết nói, „Chính thái tử thân là bị quân của nước Tần, đương nhiên không sợ không có người chỉ điểm Nhưng quá lo thì không được, đôi khi quá nhiều ý kiến phức tạp, ngược lại chẳng có ý nào dùng được, cho nên hạ thần nhắm vào điểm này, đặc biệt mời những hiền nhân trong thiên hạ, kỳ nhân dị sĩ, cùng tập trung suy nghĩ, đem đạo trị nước, trên có thống nhất thiên hạ, dưới tới trồng trọt bốn mùa, thứ gì cũng có, tổng kết trong một quyển sách.

Ngày sau sách thành, chỉ cần thái tử cầm được quyển sách này thì có thể biết được mọi thứ, hiểu được mọi thứ."

Hạng Thiếu Long trong lòng cảm thán, Lã Bất Vi đã vì“đứa con" này mà tốn nhiều công sức.

Trang Tương vương cười gượng, „Thật phiền tướng quốc đã nghĩ ra biện pháp này, nếu tướng quốc có điều chi cần giúp đỡ, cứ đề ra cho quả nhân biết."

Buổi tiệc trưa cứ thế nhẹ nhàng trôi qua.

Tiệc xong, Trang Tương vương và Chu Cơ về tẩm cung nghỉ ngơi, Lã Bất Vi là tướng quốc, vẫn còn nhiều việc đang chờ, cả thời gian nói thêm mấy câu cũng không có, Hạng Thiếu Long kể chuyện bị đột kích xong, y vội vàng bỏ đi.

Còn Hạng Thiếu Long thì dắt tiểu Bàn ra hiệu trường luyện kiếm.

Tiểu Bàn khác với ngày xưa, đến đâu cũng có cấm vệ quân, nội thị, cung nga đi theo một bên, khiến cho hai người muốn nói mấy câu tâm sự mà cũng không được.

Trước khi luyện tập, tiểu Bàn nén không được hạ giọng nói, „Sư phụ! Không cần đi Hàm Ðan được không? Không có thầy, con cũng như không còn gì cả!"

Hạng Thiếu Long lúc này thấy tên nội thị gần nhất cũng cách họ năm trượng, giả vờ chỉ điểm kiếm pháp cho y, hỏi, „Bọn họ có đối xử tốt với con không?"

Tiểu Bàn hai mắt đỏ hoe nói, „Rất tốt, con xem họ là cha mẹ ruột của con."

Hạng Thiếu Long trách, „Ðây là lần cuối cùng con xem mình là tiểu Bàn, từ rày về sau, dù trước mặt ta, con vẫn phải là Doanh Chính."

Tiểu Bàn hiểu ra, gật đầu rồi nói, „Không đi có được không?"

Hạng Thiếu Long mỉm cười nói, „Có nhớ hiệp định quân tử của chúng ta không? Triệu Mục là của ta, Triệu vương là của con." Nói rồi rút kiếm chém ra.

Tiểu Bàn nhanh nhẹn nhảy lùi ra, rút kiếm ra đỡ.

Hạng Thiếu Long nhìn thấy mà giật mình.

Tên tiểu tử này đã có một thứ mà trước kia chưa có, đó chính là lòng tin mạnh mẽ, khiến khí thế của y đột nhiên thay đổi lớn lao.

"Con bà nó! Bây giờ mới chính là người hùng sau này sẽ thống nhất thiên hạ, trở thành vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc đây." Nghĩ tới đây, trong lòng dâng lên một sự xúc động khó ngăn cản.

Lúc ấy nội thị đến báo, bảo Cầm Thanh đã đến.

Hạng Thiếu Long tuy muốn gặp quả phụ Thanh, người tề danh cùng Kỷ Yên Nhiên, xem nàng đẹp đẽ như thế nào, nhưng không có cớ để gặp nên đành quay về Ô phủ.

Vừa bước vào cổng, phủ vệ đã báo Vương Tiễn đến tìm gã, đang đàm đạo cùng Ô ứng Nguyên và Ðào Phương trong sảnh, Hạng Thiếu Long vội vàng bước vào.

Vương Tiễn thấy Hạng Thiếu Long, vẻ mặt mừng rỡ, vội vàng tiến về phía trước thi lễ.

Hạng Thiếu Long thấy y mặc bộ võ phục bình thường mà vẫn oai phong, không khỏi cảm thấy thân, chân thành nói, „Phiền Vương huynh đã đợi lâu!"

Ô ứng Nguyên và Ðào Phương đứng dậy, nói Vương Tiễn, „Vương thái phó đến cáo từ Thiếu Long."

Hạng Thiếu Long ngạc nhiên nói, „Cáo từ?"

Vương Tiễn hớn hở nói, „Phải, tại hạ phải lập tức đến biên cương phía bắc để đánh đuổi Hung Nô."

Hạng Thiếu Long cảm thấy không thoải mái, thầm nghĩ y muốn ra sa trường thì phải được Trang Tương vương và Lã Bất Vi gật đầu mới xong.

Nước Tần sau khi Thương ưởng biến pháp, quyền lợi của các lãnh tụ bị đoạt hết, quyền kế thừa cũng mất mà phải dùng quan tước, quan tước dùng quân công để luận thưởng, muốn điều động từ năm mươi binh lính trở lên phải có phê chuẩn của Tần vương. Ðiều này chưa có tiền lệ, khiến cho sự tập trung quyền lực vào tay vua Tần đã đạt đến đỉnh cao.

Tất cả những đại tướng vào lúc bình thường chỉ mang theo nửa tấm lệnh phù, nếu Tần vương không đưa cho họ nửa tấm còn lại thì rất khó điều động binh lính. Ngoài binh phù, còn phải có văn thư được đóng ngọc tỷ của vua Tần thì mới hợp pháp.

Cho nên muốn tạo phản ở nước Tần càng khó hơn ở nước khác nhiều. Ô ứng Nguyên và Ðào Phương biết hai người có chuyện phải nói, nên tìm cớ ra ngoài.

Sau khi phân vai chủ khách ngồi xuống, Hạng Thiếu Long nhấp ngụm trà, nghĩ bụng chẳng lẽ Lã Bất Vi không phải kẻ rộng lượng, cố ý điều Vương Tiễn đi để y khỏi tranh chấp với mình. Nghĩ tới đây, trong lòng cảm thấy áy náy.

Vương Tiễn nói, „Vẻ mặt của Hạng huynh sao trở nên khó coi đến thế?"

Hạng Thiếu Long than, „Vương huynh vừa được thăng thái tử thái phó thì bị đại vương điều đi, tiểu đệ rất phẫn nộ cho Vương huynh. Không được, ta phải đến chỗ đại vương nói giùm Vương huynh vài lời."

Vương Tiễn là một nhân vật trí dũng song toàn, lặng người một chốc rồi cũng hiểu ra, nói với giọng cảm động, „Giờ đây Vương Tiễn mới biết Hạng huynh quả thật quý trọng mạt tướng. Nhưng Hạng huynh đã hiểu lầm, nhiệm vụ lần này là do mạt tướng đề ra với đại vương, không cần phải giấu, trong quân phải luận tư cách mà xếp hàng, không có chút quan hệ thì muốn lãnh binh đánh trận, quả thật rất khó. Lần này họ không muốn để Hạng huynh giành chức thái phó nên bất đắc dĩ mới đưa tại hạ ra tỷ thí cùng Hạng huynh. Giờ đây thân phận của tại hạ đã khác, sáng nay gặp đại vương, đại vương hỏi mạt tướng có tâm nguyện gì, mạt tướng lập tức bảo rất mong có thể đến biên cương phía bắc đánh trận.

Sau khi đại vương và Lã thừa tướng thương lượng, lại hỏi sách lược của mạt tướng, giao hổ phù ngay lúc ấy cho mạt tướng, để mạt tướng đi về phía bắc làm chủ soái. Đó chính là ước mộng ngày đêm của mạt tướng, không ngờ nay trở thành sự thật. Mạt tướng đến đây là để báo tin mừng và nói lời cảm tạ với Hạng huynh."

Ðến lượt Hạng Thiếu Long ngẩn người ra, Hung Nô và người Hồ đã lâu ngày xâm phạm biên cương ba nước Tần, Triệu, Yên, ba nước vì muốn giành lấy Trung Nguyên, trước nay luôn sử dụng đối sách xây trường thành để phòng ngự, rốt cuộc vẫn không thể đối phó nổi với những dân tộc du mục lớn mạnh ở vùng thảo nguyên Mông Cổ.

Cho nên được đánh nhau với người Hung Nô, ai cũng cho rằng đây là một nhiệm vụ khó khăn, nếu xui rủi thì phải mất cả tánh mạng.

Người Hung Nô chỗ ở không cố định, cuộc sống cực khổ, vì thế nên hay cướp giật, lợi dụng ưu thế ky binh nhanh chóng của mình, áp dụng chiến lược đánh du kích, địch lui ta đánh, địch đánh ta lui, thường đánh vào Trung nguyên để quấy nhiễu và cướp đoạt các nước Trung Nguyên vốn lấy nông nghiệp làm trọng. Người Tần thường chịu sự quấy rối của Hung Nô. Ngày ấy Triệu Mục đắc tội với Triệu vương liền bị điều ra biên cương phía bắc, có thể thấy đó là sự biến chứng của trừng phạt, cho nên không hiểu vì sao Vương Tiễn lại tự động đề nghị được điều ra biên cương phía bắc.

Thấy dáng vẻ quan tâm của Hạng Thiếu Long, Vương Tiễn cười nói, „Chả trách nào Hạng huynh không hiểu, từ nhỏ, suy nghĩ của tại hạ đã không giống với người khác."

Hạng Thiếu Long yên tâm, nhưng thấy ngạc nhiên nói, „Vương huynh sao không nói ra cho tại hạ nghe thử?"

Vương Tiễn nhấp một ngụm trà rồi nghiêm mặt nói, „Mạt tướng trước giờ vẫn khâm phục Vũ Linh vương của nước Triệu, nếu không có dũng khí như trời của y, thực hiện hai điều cải cách, không những đã khiến nước Triệu trở thành một trong những nước mạnh, mà còn khiến cho thiên hạ phải thay đổi phương thức chiến tranh."

Hạng Thiếu Long đã từng nghe qua chuyện này, gật đầu nói, „Phải chăng Vương huynh nói tới chuyện hồ phục và xạ ky của ông ta?"

Vương Tiễn hớn hở nói, „Chính là như thế. Lúc ấy y phục của người Triệu, tay dài eo rộng, cổ to, phía dưới lớn. Loại y phục thùng thình ấy, cưỡi ngựa bắn tên không thuận lợi tí nào. Vì thế Vũ Linh vương không thèm để ý đến những ý kiến phản đối, thay cái đạo của người xưa là đi ngược lại với lòng người, hạ lệnh cho toàn quân phải mặc quần áo người Hồ, sửa trường bào và tay áo lớn thành loại áo ngắn tay nhỏ, thắt lưng buộc lại, chân mang giày."

Hạng Thiếu Long nghe xong cũng cảm thấy thú vị, cười, „Cuộc thay đổi ấy liên quan đến sự thay đổi phong tục của cả xã hội, trở lực đương nhiên cũng không ít."

Vương Tiễn lạnh lùng hừ một tiếng nói, „So với việc là một kẻ nô lệ mất nước, cuộc cải cách nhỏ bé ấy có đáng là gì? Rồi nói tiếp, „Một cuộc cải cách sâu xa hơn là bỏ phương thức chiến tranh lấy chiến xa làm chủ, đổi bằng dùng ky binh làm chủ, trong thời gian ngắn đã xây dựng nên một đội ky binh lớn mạnh, không những quét sạch Hung Nô mà còn tung hoành Trung nguyên. Nếu không phải vì tên hôn quân Hiếu Thành vương ấy, nước ta dù có một thiên tài quân sự như Bạch Khởi, e rằng cũng khó thu được chiến thắng ở Trường Bình."

Hạng Thiếu Long lo lắng nói, „Té ra Vương huynh đến biên cương phía bắc là muốn bắt chước Vũ Linh vương năm ấy dựng nên nghiệp bá, mở ra cục diện mới."

Vương Tiễn trái tim tràn trề lòng tin, mỉm cười nói, „Kinh nghiệm tác chiến của mạt tướng tuy không ít, nhưng đều chỉ làm những sĩ tốt tiên phong, chưa bao giờ có cơ hội lãnh quân, đánh nhau với các nước phía đông nam, chừng nào mới đến lượt tại hạ, cho nên mới tự động đề nghị, để nếm thử cái mùi vị cầm quân. Cũng để luyện tập cho quen phương thức tác chiến ky xạ, tìm Hung Nô để mài kiếm."

Rồi hạ giọng nói, „Năm ấy Triệu Vũ Linh vương đuổi ra đến ngàn dặm, tiến vào trong biên giới của người Lâm Hồ, người Lâm Hồ vốn tinh thông xạ ky, cũng nhập vào ky binh của nước Triệu, nhất thời thực lực lớn mạnh. Mạt tướng cũng có ý đó, đó gọi là một đá ném được hai chim, một ngày chưa đánh lùi được Hung Nô, làm sao nói chuyện thống nhất thiên hạ?"

Hạng Thiếu Long vỗ vai gã, chân thành vui mừng nói, „Vương huynh quả là người phi thường, có thể từ trong chuyện mà kẻ khác cho rằng khổ sai, lại nghĩ ra nhiều điều hay đến thế, ngày sau đại nghiệp thống nhất phải nhờ đến bảo kiếm cung tiễn của Vương huynh rồi đó."

Vương Tiễn lần đầu tiên gặp được người không bảo y là ngu ngốc, đưa tay nắm cánh tay Hạng Thiếu Long nói, „Hạng huynh mới là người phi thường, mạt tướng có ngày hôm nay...“

Hạng Thiếu Long ngắt lời y nói, „Vương huynh đừng nhắc chuyện này, hãy xem tại hạ là hảo huynh đệ."

Vương Tiễn hai mắt đỏ hoe, chân thành nói, „Hạng huynh chớ trách mạt tướng trèo cao, lần này ra biên cương phía bắc, nguy hiểm muôn phần, nói không chừng mạt tướng khó sống mà quay về. Lần này đến đây...“

Hạng Thiếu Long thấy gã muốn nói nhưng lại ngừng, ngạc nhiên nói, „Vương huynh có lời gì hãy cứ nói ra."

Vương Tiễn đỏ mắt nói, „Kỳ thực mạt tướng vừa thấy hạng huynh đã đem lòng ngưỡng mộ, không biết có thể kết tình huynh đệ với Hạng huynh hay không, ngày sau có phước cùng hưởng, nếu có nửa phần giả dối, nguyện cho trời tru đất diệt."

Hạng Thiếu Long cả mừng nói, „Là ta trèo cao mới đúng, nhưng Hạng mỗ cũng có ba người bạn trung can nghĩa đảm, hay là chúng ta hãy bắt chước Lưu Quan Trương kết nghĩa nơi vườn đào, để lại tiếng trung nghĩa cho đời sau."

Vương Tiễn chưng hửng, „Hạng huynh nói cái gì, Lưu Quan Trương, cái gì kết nghĩa nơi vườn đào?"

Lần này đến lượt Hạng Thiếu Long cảm thấy lúng túng.

Chuyện kết nghĩa của Lưu Bị, Quan vũ và Trương Phi xảy ra ở thời Tam Quốc, vương Tiễn đương nhiên nghe không hiểu.

Lúc này Hạng Thiếu Long đành nói bừa một phen để lấp liếm cho qua.

Lại đi tìm Ðằng Dực và Ô Trác, bốn người ở bên giường bệnh Kinh Tuấn, long trọng kết bái.

Rồi ăn uống no say một bữa, Vương Tiễn mới vui mừng cáo từ.


/289

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status