Tiệm Đồ Cổ Á Xá

Chương 9 - Chương 5.3

/32


4.

Mồ hôi lạnh thấm ướt lưng ông giám đốc, trong viện bảo tàng vốn đóng kín bỗng vô cớ nổi lên một cơn gió lạnh, sống lưng ông lạnh toát, đôi chân vốn đi lại bất tiện lại càng đi nhanh hơn.

Lần này ông bám vào tường đi về phía trước nhưng vẫn không tìm thấy cửa thang máy, ngược lại, lại bước vào một phòng triển lãm khác.

Dưới ánh sáng mờ tối, chiếc bình sứ Thanh Hoa thời Nguyên vẫn lặng lẽ nằm đó.

“Két…”.

Ông giám đốc ngây người, sau đó tiếp tục lao về phía trước như phát điên. Làm sao có thể như thế được? Cho dù viện bảo tàng hình tròn nhưng một tầng chỉ có bồn phòng trưng bày, ông không thể lần nào cũng bước vào gian trưng bày gốm sứ được.

“Két…”.’

Tiếng động như âm hồn bất tán vang lên sau lưng ông như bùa chú đòi mạng, khiến ông vô cùng sợ hãi. Ông không còn nơi nào để trốn, chỉ biết sống chết cắm đầu lê chân bước về phía trước. Không lâu sau đó, ông lại đứng trước chiếc bình sứ Thanh Hoa thời Nguyên lần nữa.

Đầu óc ông trống rỗng.

“Két két…”.

Lần này tiếng động ấy vang lên ở không xa phía sau ông.

Ông giám đốc quay người lại theo phản xạ, đằng sau là bóng tối. Ông muốn bước lên một bước nhưng không có chút sức lực nào, cuối cùng đành cứng người đứng nguyên tại chỗ, cả người chỉ có con ngươi có thể chuyển động. Ông thực sự chỉ muốn nhắm mắt lại nhưng đôi mắt phản bội ý thức của ông cứ mở to ra.

Dưới ánh sáng mờ mờ, các văn vật trong tủ kính xung quanh trông càng giống cống phẩm đặt trên bàn tế.

Tim ông chợt thắt lại, cảm giác sợ hãi chưa từng có dội lên trong lòng. Rõ ràng ông gặp phải “quỷ đả tường”, nhưng tại sao lại gặp ở đây? Đây có phải viện bảo tàng không? Chẳng khác gì một ngôi mộ cả.

* Quỷ đả tường: Là môt hiện tượng ảo giác, trong đêm khuya hoặc đi lại ở nơi thanh vắng, không phân biệt được phương hướng, không biết nên đi hướng nào, cứ đi vòng vòng lại quat về chỗ cũ.

“Két…”

Tiếng động truyền tới từ của phòng triển lãm, vô cùng chói tai.

Lúc này, các tủ trưng bày ở cửa phòng triển lãm dường như cảm ứng được, đột nhiên sáng lên. Sau đó cái này sáng lên cái kia tối đi, giống như thực sự có người nào đó bước vào vậy. Nhưng ông giám đốc không nhìn thấy gì cả.

Sau đó ông hít vào một hơi lạnh, thấy trên nền đá cẩm thạch, một thanh kiếm đồng xanh đột nhiên xuất hiện từ trong bóng tối, hàn quang chói mắt.

Ông giám đốc thở hổn hển, nhìn chằm chằm vào thanh kiếm. Nó giống như được ai đó nắm lấy , đứng thẳng ở đó, lưỡi kiếm kéo trên mặt đất, thong thả tiến về phía ông. Trên thân kiếm mỏng sắc bén ấy đang không ngừng rỉ máu tươi, để lại một vệt máu tươi đỏ thẫm trên nền đá cẩm thạch.

Trong đầu ông giám đốc bỗng vang lên lời dặn dò của cậu học sinh trẻ tuổi: “Lúc chủ tiệm bán thứ này cho cháu có dặn dò một câu duy nhất, đó là không được để nó dính máu người”.

Đột nhiên ánh sáng lạnh trên thân kiếm sáng lên, ông giám đốc cảm thấy một luồng gió ập tới, ép ông gần như quỳ trên mặt đất, đồng thời bốn phía vang một tiếng động lớn.

Ông giám đốc mặt mày biến sắc, đương nhiên ông biết tiếng động đó có nghĩa là gì.

Đó là tiếng chụp kính nứt vỡ.

Viện bảo tàng sử dụng loại kính tiên tiến nhất, ngay cả đạn cũng không thể bắn xuyên qua, nhưng giờ phút này lại giống như cùng bị vật nặng đập vào, tất cả vỡ ra trong nháy mắt. Do tính đàn hồi tốt nên tất cả chụp kính đều bị rạn vỡ như hoa tuyết nhưng không rơi xuống. Nhưng chính vì thế nên càng khiến người ta không nhìn rõ tình hình bên trong chụp. kính

Ông giám đốc bất lực nhìn chụp kính xung quanh trở nên trắng xóa, sau đó thất sắc hoảng hốt. Ngay cả kính chịu lực cao cấp cũng trở nên như vậy, thế đồ gốm sứ bên trong thì sao?

Ông giám đốc nghiến răng cố gắng giơ tay lên, chạm vào chụp kính của chiếc bình sứ Thanh Hoa thời Nguyên bên cạnh mình.

Giống như ảo tưởng bị đập tan, chụp kính vỡ tan trên đầu ngón tay ông, hàng ngàn hàng vạn mảnh vỡ loảng xoảng rơi xuống nền đá cẩm thạch, phát ra những âm thanh tuyệt vời.

Trong khúc nhạc vui tươi ca ngợi tự do đó, chiếc bình sứ Thanh Hoa thời Nguyên tròn trắng tinh khiết lặng lẽ lộ ra trong không khí.

Ông kinh ngạc không dám tin, sau đó an tâm thở phào nhẹ nhõm. Cho dù chiếc chụp kính bị vỡ nát nhưng chiếc bình sứ Thanh Hoa thời Nguyên bên trong lại không hề sức mẻ.

Ông nhìn chiếc bình sứ Thanh Hoa thời Nguyên đang phát ra thứ ánh sáng hấp dẫn lòng người dưới ánh điện, không kiềm chế được bèn đưa tay chạm vào nó. Cảm giác quen thuộc khi được chạm vào nó một lần nữa khiến ông giám đốc quên mất mình đang ở hoàn cảnh nào, ông mỉm cười nhắm mắt lại.

“Két…”.

Thứ âm thanh ấy lại vang lên lần nữa, ông giật mình mở mắt, phát hiện thấy thứ tay mình chạm vào không phải chiếc bình sứ Thanh Hoa thời Nguyên mà chính là chuôi kiếm Việt Vương.

Ông giám đốc hoảng loạn một chút rồi cảm thấy người mình nhẹ bỗng, cả người bay lên.

Ông kinh ngạc nhìn xuống dưới, thấy cơ thể mình vẫn đứng im tại đó. Bên cạnh là chiếc bình sứ Thanh Hoa thời Nguyên, trước mắt chính là thanh kiếm Việt Vương kỳ lạ.

Lẽ nào đây là linh hồn thoát khỏi thể xác?

Mình đang làm gì vậy? Ông giám đốc phát hiện thấy mình không có sức để khống chế cơ thể nữa, rốt cuộc chuyện gì đang xảy ra? Ông mơ màng nghĩ, đầu óc hỗn loạn không thể suy nghĩ bất cứ điều gì, bởi ông nhìn thấy rõ ràng cơ thể mình đang cầm kiếm Việt Vương lên, quay lưỡi kiếm lại rồi đưa lên cổ mình không chút do dự!

Động tác rất chậm nhưng vô cùng kiên định.

Tất cả những chuyện này ông giám đốc nhìn từ trên cao, cảm giác không chân thực khiến ông tưởng mình đang nằm mơ, nhưng trong nội tâm sấu thẳm ông lại tỉnh táo biết rằng, tất cả những chuyện này… đều là thật!

Ông bất chấp tất cả muốn lao vào cơ thể mình, sau vô số lần cố gắng, cảm giác đau nhói ở vết thương bên tay trái trở về với cơ thể khiến ông mừng rỡ trong lòng, thành công rồi.

Nhưng khi ông mở mắt ra thấy trước mặt mình là lưỡi kiếm sắc bén ánh hàn quang! Và tay phải vẫn không hoàn toàn do ông khống chế, mắt thấy lưỡi kiếm sắc bén này sắp cứa đứt cổ họng ông…

Đúng lúc ông giám đốc sắp tuyệt vọng thì một bàn tay có những ngón tay thon dài trắng trẻo thò ra từ trong bóng tối nhẹ nhàng dùng ngón trỏ và ngón giữa kẹp chặt thân kiếm Việt Vương mỏng manh.

5.

Cuối cùng lúc này ông giám đốc mới giành lại được quyền kiểm soát cơ thể mình, ông ngồi bệt xuống đất, mồ hôi túa ra khắp người, không ngừng thở hồng hộc.

“Tôi biết ngay là sẽ có chuyện”. Giọng nói không rõ giận hay vui lạnh nhạt vọng ra từ trong bóng tối.

Ông giám đốc vuốt mồ hôi trên trán, thanh kiếm Việt Vương trong tay ông bị người ta giành mất, nhưng ông cũng không hề có ý định lấy lại.

Đùa à, ông không muốn trải nghiệm chuyện tự mình giết mình lần thứ hai.

Ông giám đốc thở đều lại mới ngẩng đầu lên nhìn người vừa tới. Mặc dù muốn cảm ơn ơn cứu mạng của đối phương nhưng ông càng muốn hỏi cho ra nhẽ tại sao người này lại vào được viện bảo tàng đã đóng cửa lúc đêm tối thế này. Nhưng vừa ngẩng đầu lên ông liền sững sờ.

Người đó đang cúi đầu nâng thanh kiếm lên tỉ mỉ ngắm nghía, dưới ánh đèn yếu ớt trong phòng triển lãm, ông giám đốc chỉ nhìn rõ nửa khuôn mặt đối phương.

“Ông… là ông… ông… không phải đang ở Ai Cập sao?” Ông giám đốc lắp bắp hỏi, vừa mở miệng ông mới biết giọng mình đã lạc đi.

Người đó hơi nhướn mắt lên, không trả lời câu hỏi của ông, mà càng ngắm thanh kiếm Việt Vương trong tay tỉ mỉ hơn, giống như vô cùng lo thanh kiếm này có bất cứ sứt mẻ gì.

Bây giờ ông giám đốc đã hoàn toàn bình tĩnh lại, mới nhận ra người đàn ông đang cầm kiếm đứng trước mặt mình trẻ trung một cách kỳ lạ, không thể nào là người ông quen trước đây.

Hóa ra là chủ tiệm Á Xá.

Ông giám đốc thở phào, muốn đứng dậy nhưng thấy chân mình đã mềm nhũn vì sợ, nhất thời không có sức đứng lên. Ông giám đốc cũng không nhờ gã chủ tiệm giúp, ông không muốn tỏ ra yếu đuối trước mặt gã trẻ tuổi này.

Ngồi thì ngồi, cũng có thể nghỉ ngơi thêm một chút. Lần này mặc dù hung hiểm lạ thường nhưng ông đã tiếp xúc với đồ cổ nhiều năm, biết có nhiều chuyện ngay cả khoa học cũng không giải thích được, ông cũng không mong đời này sẽ hiểu hết. Vì thế khi đối phương im lặng, ông cũng biết điều không truy hỏi nữa. Thấy gã chủ tiệm không định nói gì, ông giám đốc liền ngồi khoanh chân, định nhắm mắt dưỡng thần. Gần đây ông học được vài chiêu thức dưỡng khí của một đạo sĩ, vốn muốn tu thân dưỡng tính, không ngờ bây giờ lại dùng để trấn áp cơn sợ hãi.

“Thanh kiếm Việt Vương này vốn là kiếm phòng thân của Câu Tiễn”. Ông giám đốcvừa nhắm mắt lại thì bỗng dưng nghe thấy gã chủ tiệm trẻ tuổi lên tiếng.

Ông giám đốc không ngờ gã sẽ chủ động nói chuyện nên kinh ngạc mở mắt ra, ngẩng đầu lên nhìn gã. Chỉ thấy gã chủ tiệm trẻ tuổi đang lật ngược lật xuôi nhìn thanh kiếm Việt Vương kỳ lạ. Ánh sáng trên mũi kiếm thỉnh thoảng lại phản chiếu lên mặt ông, càng tăng thêm vài phần lạnh lẽo.

“Thực ra kiếm phòng thân của Việt Vương vốn chẳng có mấy cơ hội được dùng tới”. Gã chủ tiệm ngước mắt nhìn về phía ông giám đốc, ánh mắt vô cùng lạnh lẽo nhưng khi liếc thấy chiếc bình sứ Thanh Hoa thời Nguyên bên cạnh ông, hồi ức nhiều năm trước lại dâng lên trong tim, ánh mắt tự dưng cũng dịu dàng hơn.

Ông giám đốc gật đầu, vào giai đoạn Xuân Thu Chiến Quốc, ở mức độ nào đó kiếm của các vương hầu phần nhiều mang ý nghĩa tượng trưng. Ví dụ tượng trưng cho bá quyền, hiệu lệnh thiên hạ; hoặc tượng trưng cho thân phận, ban thưởng cho thủ hạ. Nếu thanh kiếm phòng thân của Vương hầu cần phải dùng tới, không phải do hộ vệ của hắn không bảo vệ chu đáo, thì sẽ là….

“Lẽ nào thanh kiếm này Việt Vương dùng khi tự vẫn?”. Ông giám đốc vội tiếp lời. Kết hợp với cảnh tượng suýt chút nữa ông tự cắt ngang cổ mình lúc nãy khiến ông không thể không nghĩ như vậy. Có điều ông vội lắc đầu: “Không đúng, Câu Tiễn không chết vì tự sát”.

Gã chủ tiệm hơi nhếch mép cười: “Đương nhiên Câu Tiễn không tự sát, nhưng Văn Chủng thì có đấy”.

Ông giám đốc sững người, tư liệu trong đầu lập tức bật ra.

Văn Chủng, nhà mưu lược nổi tiếng cuối thời Xuân Thu. Là mưu thần của Câu Tiễn, cùng Phạm Lãi đánh bại Ngô Phù Sai, lập công hiển hách. Sau khi diệt Ngô, tự thấy công lao của hai người quá cao, Phạm Lãi sai người đưa thư cho Văn Chủng viết: “Chim đã bay hết, cung tốt cất đi. Thỏ khôn đã chết, chó săn bị nấu. Việt Vương là người cao cổ, miệng chim, chỉ có thể chung hoạn nạn, chứ không thể chung vui. Sao thầy còn chưa lui về?”. Văn Chủng không nghe, quả nhiên không lâu sau bị Câu Tiễn ban kiếm tự sát.

Ban kiếm tự sát… ban kiếm tự sát! Ông giám đốc buộc miệng: “Lẽ nào đây chính là thanh kiếm năm xưa?”.

Gã chủ tiệm nheo mắt lại vẻ sâu xa khó đoán, nhưng cũng không trả lời câu hỏi của ông. “Ông cũng từng nói, mỗi món đồ cổ đều có sinh mệnh của mình, điều này không sai. Thực ra không phải tôi giữ những món đồ cổ trong tay không buông, mà là những món đồ cổ trong Á Xá đều có linh hồn”.

Ông giám đốc bám tường đứng dậy, im lặng lắng nghe.

“Chẳng phải ông đã từng nói đồ cổ đều có sinh mệnh sao?”. Gã chủ tiệm nhướn mày, hơi cao giọng.

Ông giám đốc cười gượng, khi nói những lời này ông không hề nghĩ món đồ này thực sự có sinh mệnh!

Gã chủ tiệm lạnh nhạt nói tiếp: “Đương nhiên tôi biết ý chúng ta nói không giống nhau, đồ cổ mặc dù chỉ là đồ vật, nhưng chúng đã tồn tại mấy trăm, mấy nghìn năm, mỗi món đồ đều ngưng tụ tâm huyết của người thợ, tình cảm của người dùng. Chúng mặc dù không có tư tưởng nhưng rất nhiều món đồ có chấp niệm hoặc nguyện vọng, giống như thanh kiếm Việt Vương này. Nguyện vọng của nó chính là bảo vệ chủ nhân của mỗi kiếp. Phàm những người bị nó đâm bị thương chắc chắn sẽ chết thảm. Ở một mức độ nào đó mà nói, đây có thể coi như một lời nguyền”.

Ông giám đốc há miệng, nhưng không biết phải nói gì. Lẽ nào cậu học sinh trẻ tuổi kia chính là chủ nhân kiếp này của kiếm Việt Vương? Nhưng sao gã chủ tiệm nhận ra được? Dựa vào cái gì để xác nhận?

Gã chủ tiệm biết thắc mắc của ông giám đốc nhưng gã cảm thấy không cần giải thích nhiều như vậy. Gã liền chuyển chủ đề: “Tôi cũng biết đối với những cổ vật không có suy nghĩ mà nói, viện bảo tàng thường sẽ là nơi chốn cuối cùng của chúng, nhưng những cổ vật chưa hoàn thành chấp niệm hoặc nguyện vọng, nếu đơn giản đặt trong viện bảo tàng sẽ vô cùng nguy hiểm. Không ai biết được sẽ gây hậu quả thế nào, đặc biệt khi hai món đồ xung nhau đặt ở chỗ không phù hợp sẽ càng nguy hiểm hơn. Nên nhớ có một số đồ vật không chỉ cần bảo vệ bằng chụp kính mà cần được bảo vệ bằng đôi tay hơn. Vì thế thanh kiếm này tôi sẽ mang về”.

Ông giám đốc buồn bã cúi đầu, bất kể những lời gã nói là thật hay giả, ông biết sau khi trải qua chuyện tối nay xong, sau này nếu muốn lấy món đồ gì từ Á Xá chắc ông phải suy nghĩ kỹ càng hơn.

Gã chủ tiệm khẽ thở dài, không nói thêm gì nữa. Những món đồ trong cửa tiệm của gã đều là cổ vật mang chấp niệm. Ví dụ tấm gương cổ nhà Hán, vì muốn chủ nhân có thể được gặp lại nữ tử trong lòng mình, đã lặng lẽ nằm trong hộp hai ngàn năm. Mặc dù cuối cùng bị nứt nhưng vẫn để hai người có tình gặp lại nhau, hoàn thành tâm nguyện. Còn chiếc vòng tay Hương Phi, cho đến nay vẫn chưa hoàn thành tâm nguyện của nó. Còn ngọn nến đã cháy mấy trăm năm ấy đến bây giờ vẫn âm thầm rơi lệ…

Đương nhiên những món đồ cổ này khi hoàn thành tâm nguyện , nếu vẫn còn giữ nguyên hình dạng hoàn chỉnh gã sẽ quyên góp cho viện bảo tàng. Trên thực tế, mấy năm qua gã đã nặc danh quyên góp rất nhiều món đồ rồi.

Chỉ là những việc này gã cho rằng mình không cần giái thích với ai, trước nay gã luôn làm theo ý mình tối nay nói nhiều với người này như vậy cũng là nể tình nghĩa trước đây, vốn đã là việc hiếm có lắm rồi.

Ông giám đốc thấy gã quay người định đi, đột nhiên cảm thấy bất an, vội vã hỏi: “Cậu cầm thanh kiếm này đi cũng được, nhưng sau này liệu nó có…”, ông định hỏi sau này nó có tới lấy mạng ông nữa không, nhưng thực sự lời này quá hoang đường, dù ông đã sống trên đời này bao nhiêu năm cũng đã gặp rất nhiều chuyện, nhưng vẫn không thể mặt dày hỏi câu này.

Trong lúc ông chần chừ, gã chủ tiệm đã quay người định rời khỏi đây, con rồng đỏ sau lưng áo đột nhiên xuất hiện trong tầm mắt ông giám đốc, khiến ông sững lại.

Người ấy nhiều năm trước trên người cũng có một con rồng đỏ thẫm thế này.

Đầu ông ong ong, cũng không biết làm sao, bỗng dưng nhớ lại lúc ông đẩy cửa bước vào Á Xá, người ấy đã cười nói với ông một câu.

Rốt cuộc là câu gì? Sao ông không thể nhớ ra

Con rồng đỏ dần khuất trong bóng đêm, nhe nanh múa vuốt như đang sống. Lúc này trong bóng tối vang lên tiếng cười khẽ: “Yên tâm, thanh kiếm Việt Vương này có bao kiếm”.

Đương nhiên ông giám đốc không biết nếu thanh kiếm Việt Vương này được đút trở lại trong bao kiếm nó sẽ phải ngủ sâu mấy trăm năm nữa.

Ông chỉ biết, ông nhớ ra rồi.

Hôm đó, sau khi ông đẩy cánh cửa gỗ khắc hoa của Á Xá bước vào trong, người ấy sững lại một hồi, mỉm cười nói với ông: “Đã lâu không gặp…”.

Ông giám đốc đứng trong bóng tối rất lâu, rất lâu, cuối cùng đã có sức để di chuyển, tìm được chiếc batoong trong góc phòng.

Đến khi ngẩng đầu lên mới phát hiện ra trong phòng triển lãm không có chụp kính nào bị vỡ, không có dấu tay máu in trên chụp kính của chiếc bình sứ Thanh Hoa nhà Nguyên, cũng không có vết máu trên nền đá cẩm thạch, thậm chí ngay cả trong tủ bảo hiểm của phòng giám định, chiếc tráp gấm đựng kiếm Việt Vương cũng không còn nữa.

Ông giám đốc vẫn không từ bỏ, đi tới phòng giám sát, thấy bảo vệ trực ban đang ngủ gục bất tỉnh một cách lạ thường. Ông cũng không vội đánh thức bảo vệ dậy, mà môt mình mở file ghi hình tối nay ra, nhưng phát hiện camera không hề ghi lại những chuyện ông đã trải qua tối nay. Không có dấu tay máu, không có kiếm Việt Vương, càng không có gã chủ tiệm bỗng dưng xuất hiện.

Trong những hình ảnh không có âm thanh ấy, chỉ có một mình ông điên loạn diễn kịch câm.

Nhưng ông giám đốc biết tất cả những chuyện đó đã thực sự xảy ra.

Bởi trên tay trái của ông, ở vết thương chưa được xử lý ấy, máu tươi vẫn đang rỉ ra…


/32

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status