Trường Hận Động Đình Hồ

Chương 19 - Tình Địch Trở Thành Tâm Giao

/42


Hiện thời công lực của Cổ Phiêu Hương có phần cao hơn Thu Thủy một chút, nhưng nàng không tránh né mà chỉ long lanh ngấn lệ cười chua xót :

- Nhân muội, em đánh chị rất phải, vì em đã xả thân cứu chị mà chị lại đang tâm chặt cụt một ngón tay của em, như vậy đủ theo lý hay theo lương tâm em có đánh chết chị cũng vui lòng không dám chống đỡ hay đánh trở lại!

Nghe Cổ Phiêu Hương nói hai tiếng “Nhân muội”, Thu Thủy biết mình đã bị lộ chân tướng giả trai, nàng liền cười nhạt hằn học :

- Tôi dám xả thân cứu cô thì chuyện cụt một ngón tay đâu có sá gì? Cô đâu có biết cái lý do bực tức mà tôi phải đánh cô đây là vì Trại Hoa Đà lão tiền bối đang ở Lãnh Nguyệt Bình trên Cửu Hoa sơn, chờ tôi mang cây “Thùy Ti Thạch Nhĩ” về luyện thuốc cho Phó Thiên Lân, mà kỳ hạn không được quá bốn ngày. Đến nay vì cô mà kéo dài thời gian làm lỡ công việc để Lân ca phải suốt đời ôm hận...

Nghe đến đây, Cổ Phiêu Hương giật mình kinh hãi, quên cả cặp má bị sưng, vội cầm hai tay Thu Thủy lắc mạnh và trố mắt hỏi dồn :

- Phó đệ của chị làm sao mà phải cần đến thuốc? Hay là chàng bị trọng thương, kỳ độc gì đến tính mệnh? Nhân muội nói cho chị biết ngay đi!

Thu Thủy nhận thấy trong lời nói và thần sắc Hồng Y La Sát đối với Thiên Lân tỏ ra rất thân tình thì bất giác nàng cảm thấy tâm tư rối loạn, khẽ cúi đầu nhỏ lệ đáp :

- Anh ấy chẳng có gì nguy hiểm đến tính mệnh, chỉ có điều đáng tiếc là khó khăn lắm mới gặp được một con “Dực Thủ Địa Long” phối hợp với cây “Thùy Ti Thạch Nhĩ” có thể luyện thành viên “Bổ Thiên Hoàn”, giúp chàng tăng cường nội lực chân khí để bổ khuyết về phương diện võ công yếu kém, hầu trở thành một danh thủ võ lâm, nhưng đến nay thì kể như nước lã ra sông!

Nghe nói nét mặt Cổ Phiêu Hương mới bớt lo lắng rồi mỉm cười lắc đầu an ủi :

- Nhân muội, em đã làm chị hết hồn! Tưởng gì chứ việc đó thì em cứ yên chí tin tưởng vào chị đây. Chị bảo đảm sẽ bồi thường cho chàng một loại linh dược có công hiệu ngang với viên “Bổ Thiên Hoàn” đó! Thôi, chuyện đâu còn có đó, chớ nên lo buồn làm chi, chúng ta hãy về lầu Thúy Ấp, rồi sẽ tâm sự bàn tính...

Dứt lời, Cổ Phiêu Hương nắm tay Thu Thuỷ, cùng phi thân lên lầu, rồi kể rõ cho nàng nghe chuyện xảy ra lúc ở Hoa Sơn vì bất đắc dĩ mà phải chặt cụt ngón tay nàng...

Sau khi nghe rõ chuyện, Thu Thủy cảm thấy ân oán pha lộn, thực là khó nghĩ, nên nàng chỉ còn biết cau mày lặng thinh chứ không nói sao cho phải!

Thấy thần sắc Thu Thủy như vậy, Cổ Phiêu Hương cười gượng nói :

- Nhân muội, sau khi chị phát giác em cũng là thân phận nữ nhi thì chị thầm nghĩ cảm phục em vô cùng, vì em đã biết rõ ràng chị là tình địch, thế mà chẳng những em không đem lòng đố kỵ để thừa cơ hạ thủ hại chị, mà còn xả thân cứu giúp để đến nỗi phải chịu cụt một ngón tay! Tấm lòng rộng rãi nhân hậu ấy, thực xưa nay hiếm có! Vì vậy, trong lúc hổ thẹn về hành động của mình, chị đã thề giúp em giữ cho sắc đẹp tuyệt thế, được thắm tươi mãi mãi để đền đáp...

Thu Thủy không hiểu ý Cổ Phiêu Hương muốn nói gì, nên nàng chỉ biết ngửng đầu nhìn đối phương chòng chọc. Cổ Phiêu Hương hiểu ý, mỉm cười nói tiếp :

- Ở trên đảo Thúy Vi này có sản xuất một loại linh dược có công dụng giữ được sắc đẹp tươi thắm mãi, gọi là “Trái Ngọc Hương Lan” mà vợ chồng “Lục Dục Ôn Thần” Lưu Tử Úy vẫn hằng khát vọng. Nhưng trái đó rất là trân quý, hai mươi năm mới nở hoa một lần, và hai lần nở hoa mới kết được một trái. Bốn mươi năm trước, sư phụ chị đã dùng một trái, còn một trái sắp kết thành vào cuối năm nay để dành cho chị. Nay chị đã quyết ý chuyển tặng trái đó cho em để báo đền ơn cứu tử. Nhưng chị lại sợ sư phụ chị không bằng lòng tặng người ngoài, nên chị mới thừa lúc người đi vắng, dùng một chất linh dược “Hoa Thủy Thôi Hoa” rất hiệu nghiệm định làm cho trái Ngọc Hương Lan kết thành trước thời hạn để tặng em, hầu chuộc lại cái lỗi chị đã làm hại em cụt một ngón tay.

Nghe xong, Thu Thủy nhận thấy Hồng Y La Sát cũng là người có nghĩa khí, biết trọng lẽ phải chứ không như lời giang hồ đồn đại, nên trong lòng nàng lại càng thương cảm mà nhè nhẹ lắc đầu mỉm cười đáp :

- Cổ cô nương bất tất phải nhọc lòng như vậy, xưa nay danh tướng mỹ nhân, tuy có lưu danh sử sách, nổi tiếng muôn đời, nhưng chẳng qua lúc chết cũng chỉ còn lại mớ xương tàn dưới nấm mộ khô. Cho nên Thu Thủy không coi việc ngón tay bị cụt là...

Không đợi cho Thu Thủy nói hết, Cổ Phiêu Hương đã tiếp lời :

- Với tấm lòng đại nhân đại nghĩ của em thì việc đó không sá kể gì, nhưng luận tình luận lý thì thể nào chị cũng phải báo đền ân mới được. Lại nói đến mối tình của chị với Phó Thiên Lân, thì lúc trước, tại Hoa Sơn, chị đã có nói, với hạng con gái như chị, bình sinh ít khi vương vấn chuyện tơ tình lăng nhăng, nhưng một khi đã xứng tâm theo đuổi một ai, thì dù gian nan hiểm trở đến đâu cũng không sờn lòng mà phải chiếm cho bằng được, chỉ khi nào chết mới thôi! Đến nay, ý niệm ấy của chị đã giao động. Vì chị nhận thấy, giữa em với chàng thực là một cặp rất xứng đôi vừa lứa, nếu chị còn tham dự dành giựt, thì sẽ gây thành một cuộc sóng gió đau thương cho cả ba người. Cho nên chị chỉ muốn chúng ta coi nhau như chị em. Đợi sau khi em cùng chàng nên duyên cầm sắc, Cổ Phiêu Hương sẽ lập tức cắt đứt trần duyên, thắp hương lễ Phật, tìm lẽ sống trong đoạn kinh câu kệ, để chờ kiếp lai sinh, theo như lời Phó đệ đã từng khuyên chị nên đổi hai tiếng “La Sát” thành hai tiếng “Quan Âm”.

Mầu nhiệm thay, mà cũng ghê gớm thay cho sức mạnh của ái tình, xưa nay đã làm tan nát biết bao anh hùng sắt đá. Hồng Y La Sát là con người vốn có tính can trường như thế, mà khi thốt đến mấy tiếng sau cùng, cô ta cũng bi thảm cũng cảm động, bùi ngùi không ức chế nổi tâm tư mà nghẹn ngào ra lệ như mưa.

Thu Thủy vốn là một cô gái giàu tình cảm nên thấy bùi ngùi, liền cầm lấy tay cô ta, dùng lời an ủi khích lệ :

- Cổ tỷ tỷ, với thân thủ và phong tư tuyệt đại của tỷ tỷ, nếu có thể thoát ra khỏi phái hung tà, bước vào con đường chính nghĩa, lập tức sẽ trở thành một bậc cân quắc kỳ tài, và được mọi người tín ngưỡng. Tiểu muội cùng Phó Thiên Lân, tuy có ý hợp tâm đầu, nhưng chưa gá nghĩ uyên ương. Tỷ tỷ đối với chàng đã nặng tình như vậy tất nhiên Thu Thủy sẽ cố sức thành toàn cho hai người. Có điều, em chỉ yêu cầu tỷ tỷ hãy lập thời thề từ nay trở đi sẽ không giết người nữa và nếu có cơ hội, thì nên gia nhập môn hạ chính phái.

Cổ Phiêu Hương đưa ánh mắt long lanh nhìn nét mặt xinh đẹp cao quý của Thu Thủy với thần sắc đầy cảm kích mà rằng :

- Nhân muội, mấy tiếng “Cổ tỷ tỷ” em xưng hô, đã làm cho chị cảm động và an ủi vô cùng. Giờ này chị đã bừng tỉnh và nhận thấy sự khác biệt giữa hai đường chính tà, chẳng ở võ công hay môn phái mà chỉ ở tấm lòng con người. Chị có thể nhận lời và hứa em là từ nay trở đi, chị sẽ không giết một người nào nữa, còn việc thoát ly sư môn thì khó thể thực hiện. Vì chị đã chịu ơn sâu dạy dỗ của ân sư từ lúc còn nhỏ, nay không thể chỉ nghĩ đến riêng mình mà quên nghĩa sư môn. Nhất là về mối tình đối với Thiên Lân, chị đã tự biết thân phận, không dám si tưởng nữa, vậy em cũng chớ nên nghĩ đến chuyện hy sinh quá nhiều như thế! Sau này, nếu có cơ duyên, chị chỉ cầu mong được cùng chàng sống trong ba ngày, nhưng giới hạn trong khuôn khổ lễ nghi, nam thanh nữ bạch. Được như vậy, Cổ Phiêu Hương này có chết cũng vui lòng mãn nguyện!

Nghe Cổ Phiêu Hương tâm sự kể lể, Thu Thủy hình như đã có một quyết định gì về việc này rồi, nên nàng tìm cách lảng chuyện không nhắc đến việc Phó Thiên Lân nữa, mà chỉ mỉm cười nói :

- Thôi, chuyện về sau để sau này chúng ta sẽ bàn, và tiểu muội xin hứa sẽ cố giúp tỷ tỷ hoàn thành tâm nguyện. Còn vừa rồi, tỷ tỷ có nói, không chịu thoát ly môn phái Đông Hải, muốn ở lại tìm cách đền đáp ân nghĩa giáo dưỡng đối với Nhuế lão tiền bối, tiểu muội rất lấy làm cảm phục hành động ấy, nhưng chẳng hay tỷ tỷ định đền đáp bằng cách nào?

Cổ Phiêu Hương đáp không nghĩ ngợi :

- Chị đợi sư phụ chị về, sẽ tìm lời khuyên người chớ nên liên lụy bởi hai chữ danh lợi, hợp bè kết phái với bọn “Nam Hoang Hạt Đạo”, “Ngọc Chỉ Linh Xà” Tiêu Dao Tử và “Đồng Cổ Thiên Tôn” Lôi Chấn Vũ mà chỉ nên tiêu dao tự tại để bảo dưỡng chân như, tránh điều phiền não...

- Dụng ý của tỷ tỷ như vậy rất hay! Nhưng từ trước đến nay anh hùng hào kiệt, dễ có mấy ai đã thoát khỏi vòng danh lợi? Giả như Nhuế lão tiền bối, cố ý chấp nê không chịu nghe lời nói phải, lúc đó, tỷ tỷ lại phải xử sự ra sao?

Cặp mắt Cổ Phiêu Hương lộ thần quang sáng rực, cương quyết đáp :

- Nếu quả ân sư tỷ tỷ không chịu nghe lời, tỷ tỷ sẽ hoành kiếm tự vẫn để cảnh tỉnh...

Thu Thủy lắc đầu nói :

- Tiểu muội quyết không đồng ý tỷ tỷ làm như vậy, có những bậc như Nhuế lão tiền bối thường hay tự phụ vì có thần công tuyệt thế, chỉ khi nào gặp một vài thất bại mới chịu hồi đầu! Cho nên tiểu muội muốn tỷ tỷ nên lựa lúc nhàn rỗi thuận tiện hãy ngỏ lời khuyên can, nếu người nghe lời thì hay nhất, bằng không tỷ tỷ cũng chớ nên bắt chước kẻ ngu trung, liều mình vô ích. Theo ý tiểu muội, thì thời cơ tốt nhất để tỷ tỷ báo đáp ơn nuôi dưỡng đối với Nhuế lão tiền bối không phải ngay bây giờ, mà là ở vào lúc sau kỳ đại hội luận kiếm của hai phe tà chính tại Thanh Lương đài trong dịp tiết Trùng Dương sắp tới.

Nghe Thu Thủy nói, Cổ Phiêu Hương cúi đầu suy nghĩ giây lát, rồi rút khăn chùi lệ nhoẻn miệng cười nói :

- Nhân muội, chị cũng bắc chước câu nói của em ban nãy là :

Chuyện về sau để “sau này” chúng ta sẽ nói. Hiện giờ may mắn em mới có dịp đặt chân lên Thúy Vi đảo – nơi mà mọi người trong võ lâm đều coi như chốn hang hùm nọc rắn. Hơn nữa, chị em chúng ta lại ý hợp tâm đầu, vậy chúng ta hãy cùng nhau tâm sự cho thỏa thích trong mấy ngày sống bên nhau, và em sẽ nếm thử hương vị loại “Bách Hoa Xuân Tửu” do tự tay tỷ tỷ chế tạo và chôn cất để dành từ lâu!

Thu Thủy có vẻ cảm động mến thương về thân thế tao ngộ của Cổ Phiêu Hương, và cũng yêu thích vì nhan sắc xinh đẹp cùng tính nết thẳng thắn của cô ta, nên nàng tỏ ra thân mật cầm tay mỉm cười nói :

- Cổ tỷ tỷ, thế nào ở trong lục địa Thiên Lân chàng cũng lo sợ cuống cuồng về việc em bị thất tung, cho nên em chỉ có thể nhận lời ở lại Thúy Vi đảo bầu bạn với chị được ba ngày thôi...

Cổ Phiêu Hương vội mỉm cười ngắt lời :

- Không được, tuy chị không bằng lòng em ở lại có ba hôm là vì, chị đã dùng linh dược tưới bón cây Ngọc Hương Lan nhưng nhanh lắm cũng phải năm, sáu hôm nữa mới có hiệu nghiệm! Hai nữa, chị có người sư muội tên gọi Đông Lục Hoa rất say mê em dưới lốt giả trai với danh hiệu “Tử Địch Thanh Loa” nên chị cũng hy vọng trong thời gian em ở lại đây, may ra nó trở về Đảo để tiện dịp giải quyết mối tình duyên trái ngược do sự hiểu lầm, hầu tránh cho nó nỗi khổ tâm đeo đuổi tương tư ngày đêm từ lâu. Bởi vậy, chị cần phải lưu giữ em ở lại đây ít lắm là bảy ngày. Còn việc Phó Thiên Lân lo lắng em bị thất tung đành rằng không sao tránh khỏi, nhưng chàng có lo lắng thêm năm ba ngày nữa cũng chẳng hại gì. Hơn nữa, cái phút sung sướng của hai kẻ yêu nhau, cách biệt ít lâu rồi gặp lại bất thình lình như trong giấc mộng kể cũng là một điều nhân gian kỳ thú chứ sao?

Nói tới đây bỗng nhiên nét mặt Cổ Phiêu Hương hơi đượm vẻ buồn rầu thất vọng.

Thấy vậy, Thu Thủy vội vàng tươi cười an ủi và tìm lời nói lảng :

- Xin tỷ tỷ chớ nên thương tâm nữa, vừa rồi tỷ tỷ có hứa cho em thưởng thức rượu “Bách Hoa Xuân Tửu” sao không thấy gọi người đem ra?

Thấy nét trẻ tươi nhí nhảnh của Thu Thủy, Cổ Phiêu Hương cũng đổi buồn làm vui, khẽ vỗ tay cười gọi hai con thị nữ sửa soạn thức ăn rồi cùng cô gái vừa là tình địch vừa là bạn tâm giao ăn uống say sưa thỏa thích.

Trong những ngày ở trên đảo Thúy Vi, Thu Thủy luôn luôn nhớ tưởng đến người tình là Phó Thiên Lân, nàng thấy cô bạn gái họ Cổ tỏ ra ân cần săn sóc chu đáo thì nàng biết, nếu nói rõ ý định trở về nhất định cô ta sẽ không bằng lòng, chỉ có cách lén đi rồi viết giấy để lại lời cáo biệt là tiện hơn hết. Vì có ý định như vậy nên những lúc được Cổ Phiêu Hương đưa đi chơi quanh đảo, Thu Thủy thường lưu ý chỗ cất giấu thuyền. Vài ngày sau, thừa lúc Cổ Phiêu Hương đang mãi vun tưới cây Ngọc Hương Lan, Thu Thủy liền viết thơ để lại, nói rõ tình cảnh bất đắc dĩ phải trở về sớm, và khuyên Cổ Phiêu Hương nên giữ vững quyết tâm bỏ tà theo chánh. Còn trái “Ngọc Hương Lan” thì nàng quyết định không nhận. Sau đó nàng lẻn ra sau đảo, lấy trộm một chiếc thuyền nhỏ vượt sông trở về lục địa!

Trong khi đó, trên lưng chừng vách đá cạnh lầu Thúy Ấp, Cổ Phiêu Hương vừa tưới xong bình linh dược cho cây Ngọc Hương Lan nhưng vẫn không thấy có chút gì thay đổi, thì bất giác cô ta tỏ vẻ buồn rầu cười gượng mấy tiếng lẩm bẩm :

- Cây Ngọc Hương Lan này, đã được liệt vào loại linh dược hiếm có tại sao lại không có chút linh tính gì thế này? Chắc Nhân muội đang nóng lòng trở về lục địa lắm, giá mà được kết trái trong lúc này có phải là ta đỡ bị thẹn lòng đối với Nhân muội không!

Cỏ cây vốn là giống vô tri giác, nên mặc cho Cổ Phiêu Hương đứng si ngây lẩm bẩm cầu nguyện bụi lan lá đen nọ, vẫn không lộ hiện tượng gì khác thường mà chỉ uốn cành lả lướt theo chiều gió thổi và tiết ra một mùi thơm thoang thoảng mát dịu.

Mọi việc trên thế gian đều có tiền định họa phúc khôn lường. Trong lúc Cổ Phiêu Hương đứng ngơ ngẩn trên lưng chừng vách đá, nàng đâu có ngờ đến chuyện Thu Thủy lại bị tai ách, sống chết không hay ngoài giữa biển cả.

Nguyên sau khi Thu Thủy lấy trộm được chiếc thuyền nhỏ thì vội vàng vượt sóng ra khơi. Vì nàng từ nhỏ sinh trưởng trong gia đình đánh cá nên thủ pháp bơi thuyền rất giỏi và thành thạo. Khi nàng rời xa đảo được chừng hơn trăm trượng thì từ phía lục địa cũng có một chiếc thuyền lớn trang hoàng rất lộng lẫy đang rẽ sóng đi ra.

Thu Thủy không chú ý lắm đến chiếc thuyền đang tiến ra, nên nàng chỉ khẽ chao tay lái định lách tránh.

Nhưng khi thuyền nàng còn cách chiếc thuyền lớn lối ba bốn trượng thì bỗng nhiên có tiếng hỏi trong trẻo vọng sang :

- Ai ở trên thuyền đấy? Xin cho biết đã lấy chiếc thuyền đó ở đâu?

Thu Thủy chờ đợi mãi mới tìm được cơ hội thoát thân, nàng đang sợ Hồng Y La Sát phát hiện đuổi theo giữ lại, hơn nữa lòng nàng tưởng nhớ Thiên Lân đang muốn trở về cho chóng nên khi ngước mặt lên, tiếng hỏi là một thanh y nữ tỳ đứng ngoài mũi thuyền, thì nàng vừa kéo buồm rẽ sóng lách tránh, vừa vận chân khí đáp :

- Tại hạ đang có việc cần, không có thì giờ rảnh nói chuyện cùng cô nương. Vả lại, gặp nhau giữa đường có liên quan gì mà hỏi han lôi thôi.

Bốn tiếng “hỏi han lôi thôi” của Thu Thủy vừa dứt, thì trên mũi thuyền lớn bỗng xuất hiện một mỹ phụ áo đen, chừng ba mươi bốn, ba mươi lăm tuổi, nét mặt lạnh như tiền, trầm giọng hỏi :

- Khá lắm! Mi thừa lúc ta đi vắng tự tiện lên đảo Thúy Vi, lại còn ăn trộm thuyền của ta thế mà dám trả lời là gặp nhau giữa đường không có liên can gì! Lại không mau mau quỳ xuống nộp mạng hay là đợi ta phải ra tay mới chịu chết?

Theo liền với giọng nói, ống tay áo đen của mỹ phụ chỉ khẽ phớt nhẹ ngoài không khí một cái, Thu Thủy đã cảm thấy như có sức nặng ngàn cân đang dồn ép tới. Thực ghê gớm thay cho sức mạnh kinh khí nội gia của mỹ phụ! Ấy là còn cách tới hơn ba trượng mà đã như vậy, nếu ở gần thì không biết sức mạnh còn ghê gớm đến đâu?

Lúc mới gặp Thu Thủy không rõ những người trên thuyền lớn thuộc hạng nhân vật thế nào. Nhưng đến khi nghe giọng nói của mỹ phụ áo đen mới xuất hiện, thì bất giác nàng giật mình sợ hãi, và hiểu ngay người đó là “Đông Hải Kiêu Bà” Nhuế Băng Tâm, một nữ ma đầu khét tiếng võ lâm trong số Vực Ngoại tam hung, vừa ở Trung Nguyên về. Khi đã hiểu rõ đối phương là ai, Thu Thủy vội vàng kéo buồm, định lên tiếng giải thích, nhưng động tác đối phương quá nhanh, hầu như đạo cuồng phong mãnh liệt đã theo liền với giọng nói cùng đến một lượt. Nên trong lúc hấp tấp, bất đắc dĩ nàng phải tụ lực đan điền, đẩy mạnh sóng chưởng ra với ý định đỡ tạm một chưởng của đối phương, rồi sẽ lên tiếng giải thích sự hiểu lầm sau!

Nào ngờ, võ học tuyệt thế của Đông Hải Kiêu Bà so với Thu Thủy xa cách nhau một trời một vực, nên khi chưởng phong vừa chạm nhau chỉ nghe một tiếng “Bùng” vang dội chiếc thuyền của Thu Thủy đã bị bể tan tành từng mảnh nhỏ và thân hình của nàng cũng bị luồng chưởng phong của Đông Hải Kiêu Bà đẩy bật đi xa hàng bảy tám trượng rồi mới rớt xuống mặt biển chìm ngỉm trong muôn lớp sóng bạc.

Đánh xong một chưởng Đông Hải Kiêu Bà chỉ khẽ nhếch mép cười lạt rồi dục người cho thuyền vào đảo. Nhưng khi thuyền bà ta vừa cặp sườn đảo, thì bỗng nhiên có một bóng đỏ từ trên không xà xuống như một ánh điện chớp Vừa nhác thấy bỏng đỏ Nhuế Băng Tâm đã khẽ kêu một tiếng “Uả” rồi tung mình nhảy lên cao hơn một trượng đỡ lấy thân hình Hồng Y La Sát Cổ Phiêu Hương và ngạc nhiên hỏi :

- Hương nhi, ta vào Trung Nguyên tìm kiếm con khắp nơi không thấy, ai dè con đã về Đảo rồi! Tại sao con lại có vẻ hốt hoảng hấp tấp như thế? Hay là trên đảo đã xảy ra chuyện gì?

Nguyên sau khi Cổ Phiêu Hương thấy Thu Thủy lưu thơ từ biệt, nàng vội vã đuổi theo, và vừa tới đây thì gặp ân sư trở về. Nàng vốn biết tính nết của ân sư nàng, xưa nay không bao giờ tha thứ một ai dám tư tiện vào vùng cấm địa của mình, nên nàng quá lo sợ cho Thu Thủy, không kịp trả lời câu hỏi của Đông Hải Kiêu Bà, mà chỉ rung giọng lắp bắp :

- Có... Có phải... Ân... Ân sư đã gặp một... một thiếu... thiếu niên... áo trắng chèo... chèo chiếc thuyền nhỏ... ngoài... ngoài mặt biển... biển chăng?

Tục ngữ có câu “Biết trò chẳng ai bằng thầy”, Nhuế Băng Tâm thấy thần sắc Cổ Phiêu Hương như vậy, thì mụ ta biết vừa rồi mụ đã quá nóng giết lầm người ngay, và mụ đoán thiếu niên áo trắng vừa bị đánh chìm xuống biển chắc là người tình của đứa trò yêu nên mụ ta vội quay sang phía hai Thanh y nữ tỳ, khẽ nháy mắt ra hiệu, rồi mới chậm rãi hỏi làm như không có chuyện gì xảy ra :

- Có phải người chèo chiếc thuyền nhỏ vừa rồi là một thiếu niên áo trắng không?

Hai tên Thanh y nữ tỳ cũng đều thông minh lanh lợi và hiểu ý mụ ta, nên một đứa vội lên tiếng đáp :

- Chiếc thuyền đó đi mau quá, chớp mắt đã biến dạng nên chỉ thấy người chèo thuyền quả có mặc áo trắng, còn hình dáng tuổi tác thì không nhìn rõ!

Nghe con nữ tỳ trả lời, Cổ Phiêu Hương mới yên tâm và bớt vẻ lo lắng hiện trên nét mặt!

Ánh mắt Đông Hải Kiêu Bà nhanh như điện chớp, mụ ta đã nhìn thấu tâm tính và nét mặt biến đổi của đứa trò yêu, nhưng mụ vẫn đinh ninh cho rằng, sau khi Cổ Phiêu Hương thất tình về chàng trai Phó Thiên Lân, đã tìm được người tình mới khác chứ mụ ta đâu có dè bên trong lại có nhiều sự rắc rối bi thương như vừa kể trên.

Và cũng vì nghĩ lầm như vậy, nên trên đường về “Bồng Lai Các”, mụ ta đã vỗ vai Cổ Phiêu Hương mỉm cười hỏi :

- Hương nhi, chàng thiếu niên áo trắng đó là hạng người thế nào mà được con thương yêu như thế? Theo sư phụ nghĩ, thì với nhan sắc và tuyệt nghệ của con, lo gì đám thiếu niên võ lâm hiện thời chẳng tranh nhau quỳ luỵ dưới chân! Việc gì mà con phải ngày đêm si tư mộng tưởng chàng trai Phó Thiên Lân đó làm gì cho tổn trí. Hiện nay, ta đã nắm vững phần thắng trong kỳ đại hội luận kiếm tại Thanh Lương đài trong dịp tiết Trùng Dương sắp tới. Vậy đợi sau kỳ đại hội ấy ta sẽ cử hành một kỳ “Phong Vân Long Hổ hội” nữa trên đảo Thúy Vi và chỉ triệu tập những thiếu niên anh hào dưới ba lăm tuổi đến tỉ thí công lực đồng thời dùng thanh “Thiên Lam độc kiếm” làm giải thưởng trong dịp đó ta sẽ chọn cho con và sư muội mỗi đứa một người chồng anh hùng xứng tâm vừa ý!

Hồng Y La Sát thấy sư phụ nàng trở về đảo lần này, hình như đã thay đổi thái độ thâm trầm cẩn thận xưa nay mà trong giọng nói có vẻ như tự đắc lắm thì bất giác nàng kinh ngạc thầm, vội ngửng đầu hỏi :

- Con nghe thường ngày ân sư vẫn cho rằng thần công tuyệt nghệ của “Huyết Lệ Bố Y Đan Tâm kiếm khách” rất cao siêu khó đấu. Tại sao hôm nay ân sư lại có vẻ như đã nắm chắc phần thắng trong dịp Đại hội luận kiếm sắp tới là thế nào?

Đông Hải Kiêu Bà mỉm cười nói :

- Hương nhi, con không biết trong dịp vào lục địa vừa rồi ta đã may mắn gặp Phó Thiên Lân và cứu được chàng ta thoát chết. Không những thế ta còn tìm cách trừ được mối lo ngại về “Đan Tâm kiếm khách” trong dịp Đại hội tại Hoàng Sơn sắp tới nữa!

Nghe nói, Cổ Phiêu Hương lộ vẻ kinh hãi ngạc nhiên hỏi dồn :

- Ân sư đã gặp Phó Thiên Lân trong trường hợp nào? Và tiêu trừ mối lo về Đan Tâm kiếm khách ra sao? Có phải ân sư đã giết được Đan Tâm kiếm khách rồi chăng?

Nhuế Băng Tâm lắc đầu cười :

- Giết chết lão già Như Thiên Hân đâu có dễ dàng như vậy được? Có điều theo mưu kế tính toán của ta thì trong kỳ đại hội luận kiếm sắp tới lão ta bằng lòng đến tham dự nhưng phải đứng về phe chúng ta!

Cổ Phiêu Hương càng nghe nói càng kinh lạ, nên nàng cố nài nỉ Đông Hải Kiêu Bà kể rõ lý do tại sao một bậc trung trinh hiệp nghĩa như Đan Tâm kiếm khách Như Thiên Hân mà lại có thể đứng về phe “Vực Ngoại tam hung” trong kỳ Đại hội Hoàng Sơn được! Hai nữa Phó Thiên Lân đã gặp nguy hiểm gì mà ân sư nàng lại nói may mắn cứu được chàng thoát nạn?

Đông Hải Kiêu Bà đợi khi dẫn đứa trò yêu và hai con nữ tỳ về đến “Bồng Lai các” mụ ta mới chậm rãi kể rõ cho Cổ Phiêu Hương nghe những sự việc mà mụ đã hành động tại Trung Nguyên.

Nguyên sau khi ba tên ma đầu hung ác là Đông Hải Kiêu Bà, Nam Hoang Hạt Đạo và Đồng Cổ Thiên Tôn đoạt được khúc kiếm gãy có vết son đỏ của Phó Thiên Lân, bọn chúng liền kéo nhau tìm đến Cửu Tử động là nơi ẩn cư của vị kiếm khách lừng danh Như Thiên Hân tại Đan Tâm Bích trong dãy Cao Lê Cống Sơn.

Võ công của ba tên ma đầu này đều đã đạt mức xuất thần nhập hóa. Hơn nữa đến gặp một bực kiếm khách lừng danh như Đan Tâm kiếm khách, không cần dùng đến những thủ đoạn thường tục nên bọn chúng không đem theo lũ nam nữ môn đồ của Nam Hoang Hạt Đạo và bầy dị thú của Đồng Cổ Thiên Tôn mà chúng chỉ thi triển thuật khinh công thượng thặng nhằm hướng Tây Nam cùng nhau phi hành như bay biến.

Hình thế suốt dãy núi Cao Lê Cống Sơn, hai tên Nam Hoang Hạt Đạo và Đồng Cổ Thiên Tôn đều thuộc lòng như cháo cho nên chẳng mấy chốc, chúng ta đã tìm tới Cửu Tử động, nơi ẩn cư của bậc dị sĩ đương thời.

Thoạt tiên Đông Hải Kiêu Bà dùng nội gia thần công thi triển thuật “Luyện khí thanh ti Truyền âm nhập mật” hướng vào Cửu Tử động nói lớn :

- Chúng tôi là bọn võ lâm mạt học Đông Hải Kiêu Bà, Nam Hoang Hạt Đạo và Đồng Cổ Thiên Tôn có việc cần xin được bái kiến Như đại hiệp.

Với danh vọng và địa vị của bọn Đông Hải Kiêu Bà trong giang hồ hiện thời, mà chúng đã phải hạ mình xưng là bọn “Võ lâm mạt học” cùng tôn xưng hai tiếng “Đại hiệp” đối với Đan Tâm kiếm khách, kể cũng là một chuyện hi hữu. Nhưng mặc cho Đông Hải Kiêu Bà đề khí truyền thanh hàng ba, bốn lượt, mà trong Cửu Tử động vẫn im lặng như tờ, không một tiếng hồi đáp!

Thấy thế, “Nam Hoang Hạt Đạo” Phí Nam Kỳ khẽ cau mày, nghiêng đầu nói nhỏ với Đồng Cổ Thiên Tôn :

- Lôi Thiên Tôn lão huynh, lần trước chúng ta đứng núp xem bọn Động Đình Điếu Tẩu và Phó Thiên Lân hội kiến với Như Thiên Hân chẳng hay lúc bấy giờ, lão huynh có để ý thấy bọn chúng đã làm thế nào mà gọi được lão ta ra không?

Đồng Cổ Thiên Tôn suy nghĩ giây lát rồi đáp :

- Hình như lúc bấy giờ Vân Cửu Cao cũng dùng phép “Truyền âm nhập mật” truyền thanh vào động, nhưng lão ta lại hát bài “Chính khí ca” của Văn Văn Sơn tướng quốc...

Không đợi Đồng Cổ Thiên Tôn nói hết, Nam Hoang Hạt Đạo đã gật gù :

- Chắc đó là ám hiệu của mấy người bạn thân với Như Thiên Hân họ đã dùng để làm tin trong lúc muốn gặp lão ta, vậy chúng ta cũng cứ bắt chước thử xem?

Dứt lời lão quái đạo liền cao giọng ngâm bài “Chính khí ca” nhưng khi lão ta ngâm đến câu: “... Dưới vì non sông đất nước, trên vì nhật nguyệt tinh tú...” thì bỗng nhiên từ trong Cửu Tử động vang ra giọng nói sang sảng :

- Non sông nhật nguyệt dằng dặc ngàn đời. Giang hồ danh lợi phút chốc trăm năm!

Mong Phí bằng hữu hãy thể hội ý nghĩa sâu xa bài “Chính khí ca” của Văn tướng quốc, chứ đừng nên chỉ ngâm nga ngoài đầu lưỡi...!

Theo với giọng, từ trong Cửu Tử động bước ra một vị kỳ sĩ tướng mạo phiêu dật xuất trần, tóc phủ ngang vai mày râu tua tủa, mình mặc một bộ quần áo cũ rách nát tự đời nhà Minh!

Sau khi ra khỏi động, Như Thiên Hân tung mình nhảy lên đứng ngạo nghễ trên tảng đá nổi giữa giòng suối ngoài cửa động, đưa cặp mắt lạnh lẽo sáng quắc nhìn ba tên ma đầu hung dữ với thái độ Oai nghiêm lẫm liệt.

Cho hay lòng trung trinh tiết nghĩa, xưa nay vẫn được mọi ngưòi kinh ngưỡng, cho nên với thần sắc lạnh lùng kiêu ngạo của Như Thiên Hân như vậy mà vẫn khiến lũ ma đầu hung ác vô song giàu lòng tự phụ như bọn Đông Hải Kiêu Bà không dám lộ vẻ tức giận.

Chúng có cảm giác như trong ánh mắt long lanh của đối phương hàm ẩn một luồng chính khí sáng ngời, tự nhiên phải đem lòng kính trọng.

Sau khi phóng cặp mắt như điện nhìn ba tên ma đầu một lượt, Như Thiên Hân mới trầm giọng hỏi :

- Như mỗ đã kém tài, tham sống sợ chết phải trốn lánh ra ẩn cư tại vùng hoang vu này, và giữa chúng ta không cùng môn phái đạo nghĩa không bao giờ đi chung một giờ với nhau được, chẳng hay ba vị đến Đan Tâm Bích tìm tại hạ có chuyện gì?

Nghe hỏi Nam Hoang Hạt Đạo đã có vẻ cau mày phật ý vì câu nói “không cùng môn phái, đạo nghĩa không bao giờ đi chung một đường” của Như Thiên Hân đã vạch giới hạn lập trường của hai phe tà, chánh một cách rất rõ ràng, nhưng lão ta vẫn phải cố nhịn mà ôm quyền mỉm cười hỏi :

- Bọn chúng tôi đến quấy nhiễu đại hiệp chỉ có ý đinh muốn thỉnh giáo đại hiệp cho biết là trong kỳ Đại hội võ lâm quần hùng tại Hoàng Sơn sắp tới, đại hiệp đã được biết tin chưa? Và người có định dự chăng?

Đan Tâm kiếm khách chăm chú nhìn Nam Hoang Hạt Đạo một chập rồi gật đầu đáp :

- Năm trước, tại hạ đã được người sư điệt là Phó Thiên Lân lặn lội đến đây báo tin và thỉnh cầu tại hạ xuất sơn chủ trì...

Không đợi Như Thiên Hân nói hết, Nam Hoang Hạt Đạo đã xen lời hỏi :

- Chẳng hay Như đại hiệp đã nhận lời tham dự chưa?

Nghe hỏi, Như Thiên Hân nhướng cặp trường mi, mắt lộ thần quang sáng quắc xẵng giọng :

- Lúc bấy giờ, tại hạ tuy đã nhận lời song có dặn Phó Thiên Lân là trước ngày đại hội y phải đến đây lần nữa. Chẳng hay Phí bằng hữu hạch hỏi như vậy với ngụ ý gì? Hay là ông bạn muốn cậy tài tuyệt học của phái Nam Hoang Vô Mục, mà định hạn chế bắt ép tại hạ....

Nam Hoang Hạt Đạo vội xua tay cất tiếng cười giải thích :

- Xin Như đại hiệp chớ có hiểu lầm như vậy. Vì, đừng nói gì tài nghệ Phí mỗ chỉ như đốm sáng đom đóm, mà dù có thực học kinh thiên động địa đi chăng nữa cũng chẳng dám tỏ thái độ cuồng vọng đối với một bậc trung trinh tiết nghĩa đã được mọi người tôn kính Như đại hiệp đây! Chẳng qua vì Phí mỗ nghe nói, năm xưa Như đại hiệp đã mấy phen khởi nghĩa nhưng khí số nhà Đại Minh đã hết, cho nên đại hiệp mới phải buông tay ẩn lánh ra chốn hoang vu này để tĩnh tu bảo dưỡng chân nguyên, nghiên cứu võ công thượng thặng, và đại hiệp cũng đã từng tuyên bố sẽ không nhập thế nữa. Vậy mà nay lại có tin đại hiệp tái xuất sơn tham dự Đại hội thì thực là chuyện lạ, cho nên, Phí mỗ mời hai vị Lôi, Nhuế đạo hữu đây cùng đến chiêm ngưỡng phong thái đại hiệp và hỏi cho rõ những điều nghi ngờ trong bụng!

Nghe nói, nét giận dữ trên mặt Như Thiên Hân đã hơi hòa dịu, nhưng đồng thời, vẻ uất hận lại hiện lên, rồi bỗng nhiên vị ẩn hiệp này khẽ dậm chân phải trên tảng đá làm rạn vỡ một góc lớn mảnh vụn rơi xuống suối nghe rào rào và nghiến răng nói :

- Từ khi tên giặc Lý Sâm làm loạn Ngô Tam Quế dẫn cướp vào nhà, khiến mảnh giang sơn gấm vóc bị rơi vào tay bọn địch, Như Thiên Hân này phải bó tay lẩn trốn ra Nam Hoang, đến nay nghĩ lại vẫn còn thẹn thùng xấu hổ, như vậy thì còn mặt mũi nào tái xuất giang hồ để về Trung Nguyên gặp mặt các bực phụ lão nữa? Chẳng qua Như mỗ phải nhận lời tham dự Đại hội Hoàng Sơn là vì Phó Thiên Lân có giữ trong tay thanh Thiết Kiếm mang giọt tinh huyết của cố chủ Như mỗ năm xưa. Và Như mỗ đã có lời thề: “Thấy giọt tinh huyết như thấy chủ cũ” cho nên buộc lòng Như mỗ phải tuân lịnh của người cầm kiếm đó mà thôi!

Nghe Đan Tâm kiếm khách nói xong, Nam Hoang Hạt Đạo lộ vẻ tươi cười hỏi :

- Đại hiệp đã nói, chỉ cần thấy giọt tinh huyết là coi như thấy mặt cố chủ năm xưa, vậy vạn nhất, giọt bích huyết đó nằm trong tay chúng tôi, thì đại hiệp tính sao?

Đan Tâm kiếm khách trả lời không do dự :

- Như mỗ sẽ tuân theo mệnh lệnh các ngươi như đã hứa!

Nghe nói, Đông Hải Kiêu Bà mặt mày hớn hở, khẽ vung ống tay áo đen. Cầm khúc kiếm gãy có giọt bích huyết đoạt được của Phó Thiên Lân, ném sang chỗ Như Thiên Hân đang đứng!

Như Thiên Hân đón lấy kiếm gãy, xem đi xem lại, tuy thần sắc có hơi biến đổi, nhưng lão vẫn cắm khúc kiếm này vào tảng đá bên cạnh, rồi cung kính cúi lạy ba lạy, đoạn cất tiếng lạnh lùng nói :

- Thanh Thiết Kiếm Chu Ngân này đã gãy, thì Như mỗ không có lý gì còn phải nghe theo mệnh lệnh của người cầm kiếm nữa!

/42

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status