Võ Lâm Ngũ Bá

Chương 67: Xuất Du Viễn Phương

/86


Nhắc lại Toàn Chân Giáo Chủ Vương Trùng Dương, sau khi đại hội Luận Kiếm Hoa Sơn trở về. Vì được danh Thiên Hạ Đệ Nhất Bá oai danh chấn động sáu cõi, nên chẳng bao lâu nhân vật võ lâm trên khắp miền Nam Bắc các tỉnh đều biết đến bản lĩnh cao sâu của Trùng Dương, nối tiếp nhau kéo đến Tung Sơn.

Những nhân vật võ lâm ấy, một số vì muốn thi tranh tài nghệ với Trùng Dương, một số muốn được kết thân với chàng, không đầy mấy tháng trời mà số vô lâm đồng đạo kéo đến Tung Sơn không dưới số ba bốn mươi người.

Trùng Dương tuy dặn dò Mã Ngọc và Khấu Xử Cơ tìm lời khôn khéo từ chối khách lạ, nhưng cũng cảm thấy hết sức phiền trí bực lòng, nên một hôm bèn phân trần với Châu Bá Thông :

- Này sư đệ, thật là tự ngu huynh chuộc lấy sự bực trí, đáng lẽ ngu huynh chẳng nên đến Hoa Sơn so tài võ nghệ để làm gì, dẫn dắt bao nhiêu tục khách đến quấy nhiểu mải Tung Sơn.

Vừa nói đến đây Châu Bá Thông đã vọt miệng ngắt lời :

- Sư huynh đừng trách tiểu đệ là lắm miệng, những thứ tìm đến so tài sư huynh, chẳng tên nào được lòng dạ tốt cả, sư huynh không chịu động thủ cùng họ thì thôi, sao chẳng để cho tôi đánh họ phun phẩn té tiểu ra, cong đuôi mà chạy một lần cho họ tởn !

Trùng Dương nạt to :

- Nói xàm ! Nếu một người luyện võ công, cốt chỉ để đánh lộn với người thì chả hóa ra gieo rắc thù hận khắp nơi chăng ! Thà chẳng học võ nghệ còn hơn. Đừng nói chi đâu xa, năm trước sư đệ chỉ vì háo thắng tự cường mới bị hai anh em song quái họ Âm vây khổn tại Đông Hải, lại bị nhịn đói ở Đào Hoa Đảo, bài học đó sư đệ quên rồi sao ?

Châu Bá Thông thẹn thùng đỏ mặt cứng họng hết lời.

Khấu Xử Cơ cùng mọi người đứng bên bụm miệng cười khúc khích.

Trùng Dương nhìn ra ngoài núi xa, thở dài một tiếng buồn bã rồi bỗng đứng phắt dậy nói :

- Bá Thông sư đệ, ngu huynh định sáng mai du hành phương Nam một chuyến, sư đệ ráng ở nhà dạy dỗ mấy đứa đồ đệ vậy !

Lời chàng vừa thốt khiến bảy đệ tử của Toàn Chân phái đều giật mình kinh ngạc, chắp tay cúi đầu cung kính thưa :

- Tại sao sư phụ lại động ý viễn hành như thế ?

Trùng Dương đáp :

- Từ mấy tháng nay, Vân Hà động của ta ồn ào như cửa chợ, hết người này lại đến người khác tìm thầy để kết giao bái sư. Một nơi thanh tịnh tốt lành bỗng chốc biến thành một trường danh lợi ô trọc, cho nên thầy muốn rời động du hành, một là tạm thời tránh khách, hai là tai mắt được phần nào thanh tịnh, các con phải ngoan ngoãn cùng sư thúc Bá Thông luyện tập tài nghệ nghe chưa !

Châu Bá Thông chợt lên tiếng :

- Sư huynh, tôi đi theo với sư huynh vậy ?

Trùng Dương hết sức ngạc nhiên bèn hỏi :

- Sư đệ lần này ta đến phương Nam, là vì muốn tránh đám tục khách kia đến quấy rầy. Sư đệ cũng đòi đi theo ta, với dụng ý gì ?

Châu Thông đáp :

- Sư huynh đâu có rõ, lần trước sư huynh đến Hoa Sơn cùng cái tên chết bầm Âu Dương Phong đánh lộn nhau, để một mình đệ ở nhà với mấy sư điệt thật buồn muốn thúi cả ruột, nếu kỳ này sư huynh không đưa tôi đi, đừng trách sao tiểu đệ gây họa cho sư huynh .

Trùng Dương càng lạ lùng hỏi dồn :

- Gây họa dử ? Sư đệ nói năng gì thế ?

Châu Bá Thông gải đầu đáp :

- Sư huynh còn phải hỏi : Nếu sư huynh đi rồi, bọn tồi ấy tìm lên Yên Hà động quấy rầy, tiểu đệ mặc kệ họ, động nào phái nào thấy mặt là đập liền, một tên đập một tên, hai đứa chơi hai đứa, cùng với bọn chúng đánh chơi bỏ ghét !

Trùng Dương cả kinh nói :

- Sư đệ em định làm reo với ngu huynh đấy chăng ?

Châu Bá Thông đáp :

- Sư huynh muốn tôi đừng làm reo cũng chẳng khó, đem tôi đi theo là mọi việc đều êm !

Trùng Dương biết rõ tánh tình của sư đệ mình hễ nói thì làm không chút đắn do hơn thiệt, nếu y đã nói cùng người đánh lộn, thì thế nào cũng xảy ra cuộc ấu đả, chàng không có ở Yên Hà động, lấy ai mà quản thúc nổi y ?

Trùng Dương chẳng biết làm sao hơn chỉ còn cách dậm chân đáp :

- Thôi thôi ! Tôi đưa ông mãnh đi được rồi !

Châu Bá Thông nghe Trùng Dương cho mình đi theo, mừng như mở cờ trong bụng, cười hăng hắc nói :

- Như vậy mới thật là hảo sư huynh ! Thỉnh tướng không bằng khích tướng, hơ hớ ! Sư huynh, anh trúng kế khích tướng của tiểu đệ rồi !

Trùng Dương bị y nói như thế, thật là lỡ khóc lỡ cười. Nhưng đã lỡ hứa cho y theo, không thể nuốt lời.

Hai anh em bèn quyết định sáng hôm sau rời khỏi Yên Hà động xuống núi vân du miền Nam.

Lần du Nam này Trùng Dương đã có định ý đến thành Đại Lý ở đất Vân Nam thăm viếng Nam Đế Đoàn Hoàng Gia, nhưng chàng chẳng hề nói ý mình cho sư đệ biết.

Anh em Trùng Dương khi xuống núi liền theo đường Uyển Lạc thẳng về hướng Tây, qua ranh giới Hà Nam xuyên qua dãy Trường Sơn, Phục Ngưu, Trung Điều, Hùng Nhỉ, trực chỉ đến Đồng Quan cận biên giới Thiểm Tây.

Con đường này đối với Châu Bá Thông không lạ lắm nên y bèn ngạc nhiên hỏi :

- Sao thế ! Sư huynh có định tới Hoa Sơn nữa không ?

Trùng Dương lặng thinh lắc đầu chẳng đáp, sau khi vào biên giới Thiểm Tây. Chàng không đi về hướng Hoa Sơn lại tẻ qua đường đến Đại Tản Quan.

Châu Bá Thông mới lấy vỡ lê :

- Ồ ! Thế ra sư huynh định vào Tứ Xuyên, sao chẳng sớm nói cho tiểu đệ biết với !

Trùng Dương chỉ khẽ mỉm cười lầm lũi tiến về phương Nam, đầu óc đang bận quay về với thời gian năm xưa, lần đầu tiên chàng đến viếng Đại Lý quốc, tình cờ cứu được triều đại họ Đoàn khỏi cơn quốc biến.

Thì ra thành Đại Lý là thủ phủ của Nam Chiến Quốc, quốc vương là giòng họ nhà thế đại tương truyền ngôi báu.

Nam Chiến Quốc là một quốc gia duy nhất của dân tộc thiểu số ở biên cương hai tỉnh Vân Nam, Quý Châu trước kia là Lục Chiến quốc , qua đời Ngũ đại , Tân Đường binh oai cả dậy, sau trong nước sanh nội loạn, có một quan đại thần họ Đoàn (tổ tiên của Đoàn Hoàng Gia hiện tại) dắt cả gia tộc đào vong đến biên trấn lập thành Nam Chiến Quốc, truyền đến vua Hiếu Tông đời Tống Quốc Vương Nam Chiến là Đoàn Thạnh, nhân dân quen gọi là Lão Hoàng Gia.

Đoàn Thạnh là một quốc vương anh hùng đại lược , siêng năng cần mẫn việc quốc chánh, khiến cho một quốc gia tiểu nhược trở thành thạnh trị , trong thành Đại Lý , nhân dân sung túc ấm no. Người đi đường không lượm của rơi, đêm không đóng cửa ngỏ , mường tượng như một thiên đường thế giới.

Đoàn Lão Hoàng Gia tuổi đã nửa đời, tam cung lục viện thê thiếp dẩy đầy nhưng chỉ sanh được một mụn Thái Tử tên là Đoàn Cẩm, chính là Nam Đế đã liệt danh trong hàng Ngũ Bá Vô Lâm trong kỳ Hoa Sơn luận kiếm vừa qua .

Đoàn Cẩm từ nhỏ đã tỏ ra rắn mắc háo động, thích võ hơn văn, một hôm vào tiết tháng hai, khí xuân phơi phới, trong thành ngoài nội muôn hoa ngạt ngào sắc thắm hương thơm. Thái Tử Đoàn Cẩm cảm thấy chân tay ngứa ngáy vì thời tiết rực rỡ quyến rũ

kia, bèn dắt theo vài tên tùy tùng đến Phỉ Thúy hồ để du ngoạn.

Hồ Phỉ Thúy cách xa thành Đại Lý mười dặm về hướng Bắc, mặt hồ rộng chừng hai mươi dặm vuông nhưng cảnh sắc u nhàn mỹ lệ vì núi thẩm nước xanh, quanh năm mặt nước phẳng lì như một viên ngọc bích nên sĩ phu miền trấn Tây mới đặt tên là Phỉ Thúy hồ.

Đoàn Cẩm cùng đoàn tùy tùng đến bên bờ hồ thấy nước trong leo lẻo rất dễ thương, cảm thấy trên người lại nóng bức khó chịu, muốn nhãy ngay xuống hồ xanh biếc kia tắm cho mát, bèn quay lại bảo thị vệ cởi áo cho mình.

Bọn tả hữu tùy tùng kinh hãi bèn quì xuống cản ngăn :

- Tâu điện hạ, không thể tắm ở nơi đây được vì hồ Phỉ Thúy này từ xưa tới nay không ai xuống tắm bao giờ, hễ nhãy xuống là mất mạng ngay .

Đoàn Cẩm hết sức lạ lùng bèn hỏi :

- Trong hồ có yêu quái ăn người chăng ?

Nội thị bèn bẩm :

- Vì điện hạ chưa biết dưới đáy hồ có một con quái long ẩn mình, mỗi kỳ trăng tròn tháng ba, tháng năm, liền xuất hiện trên mặt hồ, vùng vẫy dưới ánh trăng, hào quang màu vàng lóe mắt, đã có nhiều người ở ven bờ hồ nhìn thấy qua, nên không ai dám léo hánh đến bờ hồ trong vòng năm mươi bước mỗi khi về đêm, có mấy đứa bé người Mèo thử xuống hồ tắm chơi nhưng liền mất tích luôn, cho đến thi hài cũng chẳng còn, nghe đồn là bị con khủng long ấy ăn thịt mất.

Đoàn Cẩm vốn tánh cường ngạo bèn bảo tả hữu :

- Trời đất thanh bình như thế này làm gì lại có yêu quái ăn thịt người, đừng có nghe thiên hạ đồn vô căn cứ mà tin nhảm ! Dù có con quái long đi nữa, ta nhất định cũng xuống tắm xem con quái long ấy ra sao, thuận tiện giết chết nó, để trừ hại cho dân lành.

Nội thị xúm nhau hết sức khuyên can, chẳng ngờ càng làm cho vị Tiểu Hoàng Gia cứng đầu kia thêm nổi giận, rút phăng thanh thất thủ đao bên mình ra, hoa lên trong không khí và quát to :

- Đứa nào ngăn trở không cho tao tắm, ta sẽ ngoáy cho một đao thấu tới sau lưng cho biết tay !

Bọn nội thị hốt hoảng vẹt ra hai phía, chẳng tên nào dám lải nhải thêm một câu, chỉ vì Tiểu Hoàng Gia này trời sanh dị bẩm sức mạnh vô cùng, tánh khí như lửa đốt, mỗi khi nổi xung lên là bất kể thân sơ xa gần. Bọn họ chỉ đành nín lặng tiếng mặc cho tiểu chủ tự do hoành hành.

Đoàn Cẩm đắc chí cười lên ha hả rồi ung dung cỡi bỏ áo quần chỉ mặc một chiếc quần lót, ùm một tiếng nhún chân nhãy tòm xuống, hụp vùng vẫy thỏa thích dưới nước hồ xanh mát, hết lội lui lội tới, lại đánh đu theo mấy nhành cây gie ra bờ hồ, cười lên cầm cắc vang cả núi rừng.

Bọn nội thị thấy Đoàn Cẩm nô đùa rất cao hứng, sự sinh nghi trong lòng họ đã tiêu đi phân nửa , ngở là câu chuyện "quái long" chẳng qua chỉ là một câu chuyện thần kỳ bịa đặt của đám dân quê không công ngồi rồi dựng đứng lên cho vui miệng mà thôi.

Đoàn Cẩm đùa nghịch ven bờ hồ một hồi, cảm thấy gần bờ nước quá cạn không mấy hứng , bèn lội ra giữa hồ, chàng vừa lặn ra sâu cách bờ hồ độ mươi trượng, chàng cảm thấy dưới bàn chân có một vật mềm mềm trơn nhớt lạnh quấn lấy bàn chân mình.

Đoàn Cẩm lúc đầu ngở là một con cá lớn trong hồ chạm phải chân mình, tánh chàng vốn ỷ lại hay nghịch, lập tức lặn sâu dưới nước, định bụng bắt con cá to ấy chơi, thình lình nơi chân đau nhói lên dử dội dường như bị một vật gì nhọn cứng đâm vào da thịt, trong lòng đang lúc sợ hãi thì bỗng nhiên nghe những tiếng đập trong nước "Đùng ! Đùng !"

Cách đấy bảy tám bước, rồi trong vùng sóng nước tung tóe ấy, hiện ra một chiếc đầu quái vật lớn như cái đấu, lốm đốm sắc vàng đen, quậy trên mặt nước vài cái rồi lập tức lặn mất ngay.

Bọn thị vệ trên bờ hồ nhìn rõ ràng, hốt hoảng réo gọi vang dậy :

- Điện hạ ơi, không xong Không xong ! Quái long đến rồi chạy mau ! Leo lên bờ chạy cho mau !

Đoàn Cẩm nghe bọn thị vệ réo gọi om sòm trong lòng rất ghét, nhứt định ở lì dưới hồ trêu bọn họ chơi, hơn nữa bản tính trời sanh lại ghét ác như kẻ thù, thầm nghĩ là quái vật núp mình trong hồ kia, quyết không phải là rồng, tuy chưa hề tận mắt thấy trong sách vở, rồng có thể đằng vân biến hóa, hớp khí thành mây, hà hơi thành mưa, có đâu chỉ núp sâu dưới đáy hồ để cắn chân mình ?

Như thế nhất định chỉ là loại thủy quái mà thôi, chàng lại là kẻ sức mạnh hơn người, thủy tánh lại tinh thông hà tất lại sợ nó, trong tay lại có sẵn một lưỡi dao gâm sắc bén, thật là cơ hội rất tốt để trừ khử vật ác giúp ích cho lê dân.

Chủ ý đã quyết bèn chẳng thèm lội lên bờ, mặc cho đám thị vệ kêu réo.


/86

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status