Vùng Đất Vô Hình

Chương 63: Kinh Dạ nơi miền ký ức

/146


Minh Khánh cố giẫy dụa, vùng vẫy bằng tất cả sức lực mà mình có. Hắn vung cả hai tay, cố nắm chặt lấy lấy bàn tay trên vai, rồi giằng ra thật mạnh. Bàn tay đó sao mà thô ráp, lại cứng cáp như rễ cây cổ thụ. Vì dùng lực quá mạnh, Minh Khánh ngã ngửa ra đất. Đột nhiên, ánh mặt trời chói chang hiện lên làm tất cả như tan biến. Minh Khánh vừa thở hồng hộc, vừa che đôi mắt khỏi bị ánh nắng rọi vào. Mồ hôi trên người hắn vã ra như tắm, từng giọt từng giọt từ trên trán chảy vào mắt cay xè, làm bóng người trước mặt cứ mờ mờ ảo ảo. Người đó xoa xoa tay trước mặt hắn làm hắn càng không thể nhận ra là ai.

Mãi đến khi người đó đỡ Minh Khánh vào dưới một gốc cây, Minh Khánh mới nhận ra là ông lái đò. Ông lái đò vừa lấy cái khăn vừa tẩm nước sông lên còn lành lạnh trùm lên trán cho Minh Khánh vừa than thở: “Tôi đã bảo rồi. Cậu đừng ngồi một chỗ dưới trời nắng như thế dễ bị cảm lắm. Thế mà cậu lại cứ ngồi ỳ ra, lại còn hò hét như đang mơ ngủ nữa.” Minh Khánh khẽ nhếch đôi môi khô nẻ, mỉm cười nhận lỗi với ông. Đầu hắn bắt đầu lên cơn sốt. Mắt hắn vẫn còn hoa, hơi thở cứ như được hơ qua lửa, nóng hừng hực. Ông lái đò bảo Minh Khánh ngồi nghỉ một lúc rồi chạy đi đâu đó.

Minh Khánh ngồi dưới gốc cây, nhắm mắt lại. Cơn đau đớn bắt đầu bùng lên hai bên thái dương khiến Minh Khánh biết hắn bị bệnh thật rồi. Theo kinh nghiệm từ ngày xưa, bình thường người tu đạo rất ít khi bị bệnh tật. Bởi vì người tu đạo, bất kể là thầy trừ tà, thầy phong thủy, hay luyện trường sinh … đều phải rèn luyện cơ thể. Tùy theo từng môn phái, từng hệ thống truyền thừa mà bọn họ có thể có cách tập luyện khác nhau, Sau một thời gian rèn đúc cơ thể, những thứ bệnh tật ốm đau thông thường rất khó xâm nhập. Ngoài ra, việc thường xuyên tiếp xúc với các lực lượng siêu nhiên khiến cơ thể người tu đạo trở nên có sức kháng cự rất mạnh với dị vật từ bên ngoài.

Người tu đạo chỉ bị bệnh khi bọn họ tiêu hao quá nhiều sinh mệnh, hoặc khi có một thứ gì đó “bẩn thỉu” xâm nhập khiến cơ thể bọn họ bị suy yếu khả năng tự bảo vệ. Minh Khánh nghĩ ngay đến khả năng hắn đã “bị” từ lúc ở trong chùa Khánh Lương. Vì thế trên đường trở về, hắn đã cảm thấy sự khó chịu nơi cơ thể và đến đây thì đổ bệnh. Minh Khánh cũng không hoảng hốt. Hắn cũng đã có khá nhiều kinh nghiệm với trường hợp như thế. Chỉ cần người bệnh an dưỡng một thời gian, không đánh đấm, không tiêu hao sinh mệnh thì sẽ tự khỏi. Minh Khánh duỗi người, dựa lưng vào cái cây.

Có tiếng bước chân vọng lại. Ông lái đò đã trở về, trên tay cầm một cái gáo dừa. Nhận lấy gáo nước mát từ tay người lái đò tốt bụng, Minh Khánh lễ phép cảm ơn ông, đưa gáo nước lên uống từng ngụm nhỏ. Hắn cảm thấy đỡ đỡ hơn nhiều.

Hắn gửi ông lái đò một khoản tiền nhưng ông cứ từ chối, chỉ nhận bằng đúng giá tiền chở khách hàng ngày. Minh Khánh đành cảm ơn người lái đò tốt bụng, rồi lảo đảo đi vào làng. Minh Khánh kiếm được một nhà cho ở trọ. Giá cũng rẻ. Trong nhà chỉ có hai ông bà lớn tuổi ở với vợ chồng đứa con trai út mới cưới. Ông bà đưa Minh Khánh vào một căn nhà đang xây dở phía sau hồi, dưới gốc cây mít. Chắc là xây cho đứa con ra ở riêng. Nơi này chỉ còn thiếu mỗi gian bếp, cửa chính cửa sổ đều đã lắp cẩn thận. Minh Khánh gửi tiền cọc cho chủ nhà xong liền nằm vật ra giường. Sự mệt mỏi và cơn sốt làm mắt hắn cứ ríu lại.

Mãi đến gần nửa đêm Minh Khánh mới tỉnh dậy. Bát cháo hành tía tô nhờ nhà chủ nấu giờ đã nguội ngắt. Hắn vẫn cố gắng với tay lấy bát, húp mấy miếng. Cổ họng hắn trở nên đau và sưng, khiến hắn cứ phải rướn cổ lên mỗi khi nuốt xuống. Húp hết bát cháo, uống ngụm nước trong ống tre mà chủ nhà treo bên vách tường, Minh Khánh lại nằm xuống, bắt đầu lịm đi. Bóng tối, tiếng lá xào xạc bên cửa sổ và những cơn gió nóng hừng hực lại đưa hắn về những ký ức năm nào.

********************* Bờ sông làng Me vẫn tối mịt. Minh Khánh lẽo đẽo theo sư phụ đi về. Lúc nãy, sư phụ nắm vào vai làm hắn sợ đến đứng tim. Con đường vào làng vẫn sâu hun hút. Thỉnh thoảng lại có tiếng chó nhà ai sủa gâu gâu khi Minh Khánh và sư phụ đi qua. Hai người quay trở lại nhà lý trưởng để ngủ đêm. Sáng hôm sau, sư phụ đánh thức Minh Khánh dậy sớm lắm. Hai người ăn tạm ít xôi rồi lên đường. Lần này, sư phụ dẫn hắn đi ngược con sông về phía thượng nguồn.

Hai người đầu tiên là đi xe ngựa, sau đó đổi sang đi thuyền, cuối cùng là đi bộ hai ngày, mới tới được đầu nguồn của con sông. Đó là một cái hồ nước rộng mênh mông tên là hồ Kinh Dạ. Mặt hồ phẳng lặng, nước trong veo. Thế nhưng lạ lùng nhất là quanh hồ không hề có lấy một cái làng nào. Sư phụ dường như cũng biết rõ vùng này, dẫn hắn đi ngược khỏi hồ về phía Tây mười dặm. Nơi đó có một cái thôn nho nhỏ.

Hai người vào ở tạm trong nhà một người thợ săn trẻ tuổi tên Miên. Chú Miên có vẻ quen với sư phụ. Đêm đó chú đãi hai người món thịt gà rừng nướng mà chú săn vừa được. Con gà được chú làm long rồi mổ cẩn thận. Chú moi hết bên trong ra rồi bắt đầu nhét một đống rau thơm vào. Sau đó chú trộn một ít bột hạt mắc khén, ớt nướng, củ sả băm nhỏ, hạt dổi nướng giã ra thành một đống, rồi bắt đầu bôi bôi trét trét lên con gà. Sau đó chú xiên con gà qua một khúc giang non còn tươi. Sau đó chú gác con gà trên bếp lửa, rồi xoay đều cho gà chín. Trong lúc chờ đồ ăn, sư phụ và chú Miên chuyện trò rất rôm rả. Minh Khánh chỉ chăm chăm vào con gà thơm phưc phức trên bếp lửa. Mỗi khi nhìn mỡ béo trong con gà xèo xèo, nước dãi lại trều ra bên mép.

Gà chín rồi, chú Miên bắt đầu trút ra lá chuối. Thấy Minh Khánh nhỏ cả nước dãi vì thèm, chú bật cười, cầm con dao chặt luôn một miếng đùi to. đưa cho hắn. Gà vừa mới trên bếp xuống nên còn nóng, Minh Khánh vừa cầm xuýt xoa, vừa đổi tay liên tục. Khi gà hơi nguội, hắn đưa lên miệng, cắn một miếng. Trời ơi, sao mà ngon thế. Da gà săn lại, nhai giòn giòn. Thịt gà vàng rộm ở bên ngoài và ngọt mềm ở bên trong, thơm ngậy mùi của hạt mắc khén, của sả. Thịt gà rất chắc, từng thớ thịt trắng phau, ăn đến đâu biết đến đấy.

Chú Miên và sư phụ không vội vàng ăn như Minh Khánh. Chú Miên thì lấy trong chiếc gùi đi rừng ra một lá ghém. Thứ lá này hơi chát, ăn vào lại có vị ngòn ngọt thơm thơm nơi cổ họng. Sư phụ thì lôi đâu ra một bầu rượu gạo. Hai người bắt đầu chén tạc chén thù đến tận khuya. Đêm trong thôn tĩnh lặng vô cùng. Minh Khánh chén đẫy bụng liền leo lên giường đánh một giấc tới tận sáng.

Sáng hôm sau, hai người lớn dậy rất sớm, bắt đầu chuẩn bị đồ đạc. Chú Miên không biết mượn đâu được một chiếc xe trâu to. Sau đó chú bắt đầu chất đồ lên xe, bao gồm một con thuyền cùng với đó là ít gạo rang, thịt gác bếp, một ít hương để đuổi muỗi. Sư phụ cũng mua đâu trong làng được một tấm chăn, một cái màn vải, và một số đồ cúng. Sau đó ba người đánh xe ra hồ.

Minh Khánh lại một lần nữa gặp lại làn nước mênh mang của hồ Kinh Dạ. Chú Miên và sư phụ bắt đầu vác thuyền xuống nước, chất đồ lên. Rồi không biết chú kiếm đâu được hai khúc tre dài, một cái chú cầm, một cái sư phụ cầm, hai người bắt đầu chèo ra giữa hồ. Trên đường đi, chú Miên giải thích cho Minh Khánh tại sao hồ này lại mang cái tên Kinh Dạ.

Đó là từ thời rất lâu rồi khi con người mới về đây làm ăn khai phá. Cuộc sống ban đầu khá vất vả nhưng vì trong hồ có nhiều cá, xung quanh lại có nhiều sản vật, đất đai cũng phì nhiêu nên chỉ vài chục năm, xung quanh hồ bắt đầu trở nên nhộn nhịp. Thời đỉnh cao ven hồ có không dưới mười làng, thậm chí còn có một bến tàu bằng đá. Cuộc sống sung túc trong vùng đưa tới không ít người từ phương xa, có thương nhân, có quan phủ, có người chạy nạn và cả người tu đạo. Cuộc sống trong vùng trở nên ồn ào náo nhiệt hơn. Đáng lẽ cuộc sống ở hồ Kinh Dạ sẽ tiếp tục giàu có và yên bình nếu như không có thêm một đám người xa lạ. Đó là một đám tù vượt ngục từ phủ Thanh Đô trốn vào.

Người cầm đầu là một tên cướp có biệt hiệu Thủy Quỷ. Y là một tên cướp cực kỳ tàn độc và gian ác. Y từng cùng đàn em tổ chức hơn một trăm vụ cướp, không vụ nào không có người chết. Sở thích của y là bỏ người sống vào trong lồng rồi dìm nước. Chờ người sống dở chết dở y lại lôi lên, rồi lại dìm. Nghe đồn khi còn bé y từng bị mẹ kế dìm nước sống đi chết lại, nhưng vì trên người không có một vết thương nên chả ai tin y bị hành hạ. Lớn lên y học được một thân võ nghệ quay về trả thù thì mẹ kế đã chết từ lúc nào rồi. Thế là y mang cái tâm trạng thù đời, thù người ấy đi trả cho thiên hạ.

Thủy Quỷ từng tung hoành khắp một vùng trấn Thanh Đô. Quan phủ từng nhiều lần lùng bắt y nhưng không thành bởi y bơi lội quá giỏi. Y thường chọn chỗ ngủ là ở trên thuyền hoặc nơi nào đó bên cạnh song hồ. Có động là y nhảy ngay xuống nước. Sự táo tợn và xảo quyệt của y chỉ kết thúc khi y vô tình nhúng nước “em gái” của một cao thủ luyện võ trên núi Tiều. Đau lòng trước cái chết của em gái, người này đã hợp tác với quan phủ truy lùng y và đồng bọn suốt một năm, thêm nữa không tiếc tiền thu mua tin tức của y trên giang hồ. Vì có chỉ điểm rõ ràng, có thêm cao thủ hợp tác, quan phủ lại huy động mấy ngàn lính thủy bộ vây quét, Thủy Quỷ và đồng bọn đành phải sa lưới. Riêng Thủy Quỷ mặc dù nấp dưới hồ mấy ngày trời, nhưng vừa bò lên bờ kiếm ăn đã bị một đám cao thủ vây lại. Bụng đói, lại mệt mỏi, y đành đầu hàng.

Thế nhưng có vẻ như được ông trời ưu ái, Thủy Quỷ và đồng bọn không bị bêu đầu ngay ở Thanh Đô do thượng thư bộ Hình muốn mang hắn về kinh thành xét xử. Trên đường ra kinh thành, đoàn áp giải Thủy Quỷ gặp phải lốc xoáy giữa đêm. Mười thuyền có đến bảy cái bị đắm trên sông. Nhờ khả năng của mình, y không những phá được cửa trốn thoát mà còn giải cứu không ít đàn em. Thế rồi y mang tám tên còn sống sót trốn đi. Trở về quê cũ, chán cuộc sống trộm cướp, y đào hết tiền của phi nghĩa chôn dưới đất rồi bỏ xứ mà đi. Lần này y rời trấn Thanh Đô tiến vào phủ lộ Bình An.

Vào đến nơi này, Thủy Quỷ và bọn đàn em dựa vào tiền bạc dư dả liền thay tên đổi họ, mua đất mua ruộng, cưới vợ sinh con. Vì không để ai phát hiện, bọn họ tạo thành một cái làng nho nhỏ ven hồ. Người dân trong vùng cũng nhiệt tình đối đãi những người mới tới trông có vẻ hung dữ, thực ra lại tốt bụng và hào phóng này. Thời gian cứ thế âm thầm trôi, cho đến một ngày Thủy Quỷ phát hiện ra hòn đảo nhỏ giữa hồ trong một lần đi đánh cá. Đó là một cái hòn đảo lạnh thấu xương, xung quanh mờ mịt sương mù.

Trở về từ hòn đảo đó, Thủy Quỷ như người mất hồn. Hôm sau khi hắn tỉnh lại thì hắn đã dìm chêt vợ và đứa con trai của hắn. Một phần vì không hiểu, một phần vì đau đớn và sợ hãi người phát hiện. Thủy Quỷ gói xác vợ con vào trong một cái túi lớn rồi mang lên đảo. Chôn vợ con rồi y khóc mãi tới tận trời tối mới trở về. Đêm hôm đó Thủy Quỷ lại như người mất hồn. Hôm sau khi hắn tỉnh dậy mới phát hiện mình đã ở trong nhà hàng xóm. Cả nhà đàn em hắn đều bị hắn lôi ra lu nước dìm chết. Thủy Quỷ sợ hãi vô cùng. Hắn vội trốn về nhà. Thế nhưng trong cái xóm nhỏ này, trừ khi làm việc gì mà giấu kín trong nhà, còn không làm sao có thể không bị phát hiện. Có người nhìn thấy hắn đi ra, có người phát hiện án mạng, thế là cả xóm vác dao tới nhà tìm hắn.

Trong cơn cùng quẫn, Thủy Quỷ lại nhảy xuống hồ bỏ trốn. Y cướp được một chiếc thuyền rồi bơi ra hòn đảo giữa hồ. Thế nhưng có người nhìn thấy y. Thế là cả xóm lại cùng bơi thuyền ra đảo tìm tên sát nhân. Một cuộc chiến đẫm máu xảy ra giữa những người từng là huynh đệ. Thủy Quỷ bị bắt được và bị đàn em phanh thây. Nhưng trước đó, y cũng kịp phá hết thuyền bè trên đảo. Đám đàn em của y đành ở lại trên đảo qua đêm. Nhưng sáng hôm sau, khi mọi người tìm tới nơi thì tất cả đều chết hết.

/146

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status