Arishima Takeo
Hồi nhỏ tôi rất thích vẽ. Trường tôi nằm trên đồi trong tỉnh Yokohama. Vùng ấy có rất nhiều người ngoại quốc ở. Các Thầy Cô của chúng tôi cũng toàn là người nước ngoài. Mỗi ngày đến trường hay từ trường về, tôi đều phải qua con đường dọc theo bờ biển san sát những khách sạn và những hãng buôn của người ngoại quốc. Đứng bên đường ven biển mà nhìn, mặt nước xanh ngắt, nào là tàu chiến, nào là tàu buôn nằm đầy, khói ứa ra từ những ống khói trên tàu, những sắc cờ các nước giăng khắp đây đó trên những cột buồm phấp phới trong gió. Quang cảnh trông đẹp đến nhức mắt. Tôi thường đứng lặng ngắm những cảnh sắc đó và khi về, ngày nào cũng cố vẽ lại cho thật đẹp tất cả những gì tôi còn nhớ. Nhưng hộp phấn màu của tôi không có cái màu nước biển xanh biếc đến trong suốt kia, cái màu đỏ sẫm sơn trên phần thân thuyền giáp với mặt biển của những chiếc thuyền buồm du lịch trắng. Nên dù cố gắng vẽ không biết đến bao nhiêu lần rồi, tôi cũng không tài nào tô nổi cái màu của phong cảnh mà tôi đã nhìn thấy.
Chợt tôi nhớ đến hộp phấn màu đồ ngoại hóa của đứa bạn cùng lớp. Hắn cũng là người tây phương. Hắn hơn tôi hai tuổi, cao đến nổi tôi phải ngước lên mới thấy được mặt hắn. Hắn tên Jim. Hộp phấn của hắn là loại hàng ngoại quốc hảo hạng. Trong chiếc hộp làm bằng một loại gỗ thật nhẹ, mười hai cây phấn màu vuông vức như những cây mực tàu nhỏ, được xếp thành hai hàng nằm sóng đôi. Màu nào cũng thật đẹp. Riêng hai cây xanh đậm và đỏ sẫm thì đẹp một cách lạ lùng khó tả. Jim to lớn hơn tôi nhưng vẽ thì thua tôi xa. Nhưng sao tranh của hắn xấu như thế, mà hắn cứ tô phấn màu của hắn lên thì nó thành một bức tranh thật đẹp. Tôi thấy ganh tị trong lòng về điều đó. Nếu có hộp phấn màu ấy, tôi sẽ vẽ được ngay cái màu của phong cảnh ấy đúng như thật cho mà xem. Tôi nghĩ thế và thấy ghét hộp phấn màu của mình. Từ đó, tôi bỗng đâm ra thèm muốn khôn nguôi hộp phấn màu của Jim. Tôi lại nhát, chỉ mơ ước như thế trong lòng, chứ không dám hỏi xin ba má mua cho. Và cứ thế ngày lại theo ngày trôi qua.
Nay tôi không còn nhớ rõ lúc ấy là vào khoảng nào, nhưng có lẽ bấy giờ trời đã vào thu, vì tôi nhớ đã thấy có những chùm nho chín. Những ngày cuối thu sắp vào đông, trời trong thăm thẳm như có thể nhìn tít mãi vào khoảng không vô tận. Một buổi trưa trong trời, mọi người đang vui vẻ ngồi ăn cơm hộp với Cô giáo, riêng tôi ngay trong giờ cơm ngon lành ấy, lòng lại cứ bứt rứt, u tối trái hẳn với bầu trời hôm ấy. Tôi ngồi thừ người. Nếu có ai chú ý thì chắc có lẽ sẽ nhận ra sắc mặt tôi tái nhợt. Tôi thấy thèm muốn vô cùng cái hộp phấn của thằng Jim. Lòng thèm muốn dâng lên đến nghẹn cả tim. Và tôi nghĩ thầm, chắc thằng Jim cũng đoán biết được điều thèm muốn của tôi. Tôi lén nhìn Jim, nhưng hắn trông không có vẻ gì khác. Hắn đang cười nói với đứa bạn ngồi bên cạnh. Nhưng sao cái cười của hắn trông như cái cười của kẻ biết hết những điều tôi đang suy nghĩ. Những lời hắn nói với đứa bạn ngồi bên cạnh nghe như là: “Để mày coi, thằng Nhật đó thế nào cũng ăn cắp hộp phấn màu của tao”. Càng nghĩ thằng Jim nghi tôi chừng nào, tôi càng không dằn được lòng thèm muốn.
Gương mặt tôi có thể trông dễ thương, nhưng tôi là một đứa yếu đuối cả thể xác lẫn tâm hồn. Hơn thế tôi là đứa nhát gan, muốn nói điều gì nhưng lại không dám nói, cứ để cho qua đi, nên ít được ai ưa và ít có bạn bè. Cơm trưa xong, trong khi những đứa khác vui vẻ ra chơi, chạy nhảy đùa giỡn ngoài sân trường, thì tôi, một mình ở lại trong lớp. Ngoài sân trời sáng lòa, càng làm nổi lên cái tối lờ mờ của lớp học như chính cái tăm tối trong lòng tôi. Tôi về chỗ ngồi. Nhưng sao mắt tôi, lúc lúc cứ liếc qua chỗ thằng Jim. Nếu mình đến mà dở cái nắp bàn đầy những lằn dao cắt khoét nham nhở và những vết tay dơ đen đúa ấy lên, thì thế nào cũng thấy nào sách, nào vở, nào bảng đá và hộp phấn màu, trong đó sẽ có cây xanh đậm và cây đỏ sẫm… Tôi cảm thấy mặt tôi như đỏ gắt lên, vội quay đi, nhưng ngay sau đó tôi không thể dằn nổi lòng thèm muốn, mắt lại liếc sang bàn thằng Jim. Trống ngực tôi đập thình thịch. Ngồi yên một chỗ nhưng trong lòng cứ quýnh lên như nằm mơ bị ma đuổi.
Tiếng chuông keng keng gọi vào lớp. Tôi giật mình đứng dậy. Nhìn qua cửa sổ tôi thấy bọn học trò cười giỡn chạy vội về chỗ phòng tiêu, rửa tay. Đầu tôi bỗng lạnh như nước đá, tôi loạng choạng đi đến bàn của thằng Jim, như người trong mơ, tôi mở nắp bàn. Và như tôi tưởng tượng cuốn sổ tay nằm lẫn lộn với hộp đựng viết. Có cả hộp phấn màu mà tôi mơ ước. Lúc ấy không biết tại sao tôi lại phải nhìn quanh quất để làm gì, nhưng liền sau đó tôi nhanh tay mở nắp hộp lấy hai cây xanh đậm và đỏ sẫm bỏ ngay vào túi quần, rồi chạy vội về chỗ sắp hàng, đứng đợi Cô giáo.
Bọn chúng tôi được Cô giáo trẻ cho phép vào lớp, mỗi đứa về chỗ của mình. Tôi muốn nhìn vẻ mặt của thằng Jim nhưng không làm sao có thể liếc sang bên hướng ấy được. Nhưng hình như không có ai ngờ đến việc tôi đã làm. Tôi vừa như yên tâm, vừa như thấy khó chịu. Tiếng giảng bài của Cô giáo, người Cô mà tôi kính yêu nhất, vang mồn một trong tai, nhưng tôi không hiểu gì cả. Và tôi có cảm tưởng Cô giáo lúc lúc nhìn tôi với con mắt là lạ.
Ngày hôm ấy sao tôi thấy ngượng, không dám nhìn thẳng vào mắt Cô giáo. Cứ trong trạng huống như thế, một giờ học trôi qua. Tôi ngỡ trong suốt cả giờ học, mọi đứa như cứ thì thầm với nhau điều gì.
Chuông ra chơi lại đổ. Tôi yên tâm mừng rỡ, thở phào. Nhưng, khi Cô giáo vừa mới ra khỏi lớp thì một đứa cùng lớp, cao nhất và giỏi nhất lớp, gọi tôi:
- Ê, mầy lại đây.
Hắn kéo cùi chõ tôi. Tôi giật mình, run như những lúc lười biếng không chịu làm bài tập ở nhà mà bị Cô gọi trúng tên. Nhưng tôi nghĩ là tôi phải gắng giữ vẻ bình thường như không biết gì hết, cứ để mặc cho hắn lôi tôi ra góc sân.
- Mày lấy mấy cây phấn của thằng Jim phải không? Đưa đây.
Vừa nói hắn vừa chìa bàn tay to lớn ra trước mặt tôi. Bị tra hỏi như vậy, tự nhiên tôi đâm ra bình tỉnh, nói đại.
- Đồ phấn màu đó, tao đâu có lấy.
Cùng với ba bốn đứa bạn, Jim sấn lại, nó giận run lên:
- Hồi trước giờ chơi tao đã kiểm kỹ hộp phấn, không có mất cây nào hết trọi. Mà sao xong giờ chơi lại mất hết hai cây. Giờ chơi, chỉ có một mình mày ở trong lớp, không phải vậy sao?
Thôi không xong rồi. Máu dồn lên đầu, mặt tôi dường như đỏ gắt lên. Bỗng một đứa nào đó đứng bên cạnh cố thọc tay cho được vào túi quần tôi. Tôi cố hết sức chống cự, nhưng không cưỡng nổi. Và từ trong túi quần tôi, hai cây phấn màu lòi ra cùng với mấy hòn bi chai và đồng chọi bằng chì.
- Nè, coi nè.
Bọn chúng trừng mắt nhìn tôi khinh bỉ. Người tôi run bắn lên, trước mặt, trời bỗng như sụp tối. Nắng tốt, các đứa khác đùa giỡn trong giờ chơi vui vẻ là chừng ấy, thế mà chỉ mình tôi đang chết điếng trong lòng.
Tại sao tôi lại làm như vậy. Thôi tôi không thể nào chuộc lại được lỗi lầm này. Tôi hư mất rồi. Tôi là đứa nhát gan, càng nghĩ như thế tôi càng khổ sở, buồn tủi rồi bật khóc. Đứa lớn nhất và giỏi nhất lớp nói với giọng vừa giận vừa ghét bỏ.
- Ê, mày đừng có hòng khóc dọa tụi tao.
Mấy đứa xúm lại lôi tôi đi. Tôi cố trì lại nhưng không chống cự nổi. Rốt cuộc tôi để mặc tụi nó lôi xềnh xệch lên cầu thang, lên phòng trên lầu hai của Cô giáo mà tôi kính mến nhất.
Rồi thằng Jim gõ cửa xin vào. Từ trong phòng tiếng Cô giáo vọng ra dịu dàng: “Vào đi”. Từ trước đến nay chưa bao giờ tôi thấy ngại không muốn vào phòng của Cô, như lần này.
Cô giáo đang ngồi viết gì đó, thấy bọn chúng tôi sòng sọc vào, tỏ vẻ hơi ngạc nhiên. Nhưng sắc mặt Cô vẫn dịu dàng như mọi khi, đưa tay phải nhẹ đỡ bờ tóc cắt ngắn như con trai, xõa ngang cổ, nghiêng đầu nhìn chúng tôi hỏi có chuyện gì thế. Đứa lớn nhất và giỏi nhất lớp bước tới trước thuật lại đầu đuôi câu chuyện tôi lấy hai cây phấn màu của thằng Jim. Cô giáo hơi biến sắc, nghiêm nghị nhìn mọi đứa, nhìn gương mặt tôi đang dở khóc, rồi hỏi tôi: “Có thiệt không?”. Câu chuyện đúng như vậy, nhưng trước mặt người Cô kính mến, tôi xấu hổ, không làm sao nhận tội. Tôi chỉ biết khóc to hơn để thay thế câu trả lời.
Cô giáo chăm chú nhìn tôi một hồi, rồi quay sang nhỏ nhẹ bảo các đứa khác: “Thôi được, các em đi ra đi”. Mấy đứa bạn có vẻ bất mãn đi ra, dậm xuống cầu thang thình thịch.
Khoảng một lúc, Cô giáo chẳng nhìn tôi mà cũng chẳng nói rằng, chỉ im lặng ngồi nhìn những móng tay của mình. Rồi Cô lặng lẽ đứng lên đến bên tôi, ôm chặt lấy vai tôi và nho nhỏ hỏi: “Thế em đã trả lại cho người ta chưa”. Tôi gật đầu và ậm ự thật dài như để trả lời cho Cô biết là tôi đã trả lại rồi. Cô giáo lại bảo:
- Em có biết việc em làm là điều đáng xấu hổ lắm không?
Tôi chịu không nổi nữa, cả người run lên mà tôi không sao giữ nỗi. Tôi cắn môi, cố cắn lấy môi để nén, nhưng tiếng khóc vẫn bật ra, nước mắt cứ ràn rụa, chỉ muốn chết phức đi trong vòng tay của Cô giáo.
- Thôi em đừng khóc nữa, biết lỗi thì thôi. Hãy nín đi. Giờ tới, thôi em khỏi cần về lớp cũng được, cứ ở trong phòng Cô đi. Ngồi yên ở đây đấy nhé. Hết giờ học Cô sẽ trở lại nhé.
Cô vừa nói vừa kéo tôi về ngồi ở chiếc ghế trường kỷ. Ngay lúc ấy chuông gọi vào lớp rộn lên. Cô với tay lấy tập sách trên bàn, nhìn tôi, rồi vội đến bên giàn nho bắt lên lầu hai, ngang ngoài cửa sổ, hái một chùm nho tây, đặt lên đùi tôi trong khi tôi vẫn còn thút thít, rồi lặng lẽ đi ra.
Học trò vào lớp. Không khí ồn ào mới đó, bỗng rơi vào yên lặng. Tôi thấy lòng buồn vô hạn, khi không tôi làm Cô giáo buồn. Tôi không còn lòng dạ nào nghĩ đến việc ăn chùm nho kia mà chỉ biết ngồi khóc.
Tôi ngủ quên lúc nào không hay trong căn phòng của Cô. Bỗng có ai lay vai tôi, tôi giật mình mở mắt. Tôi thấy dáng người cao và hơi gầy của Cô giáo đang mỉm cười cúi xuống nhìn tôi. Sau giấc ngủ, lòng tôi dễ chịu lại, tôi như quên đi câu chuyện vừa xãy ra, thèn thẹn cười đáp lại. Trong lúc bối rối ấy chùm nho như sắp rớt khỏi đùi, tôi vội chụp lấy và sực nhớ lại câu chuyện, tôi xấu hổ chẳng dám cười nữa.
- Thôi em, đừng buồn mãi như thế. Các bạn em đều về cả rồi, thôi em cũng về đi. Nhưng dù có chuyện gì đi chăng nữa, ngày mai thế nào cũng phải đến trường nhé. Không thấy mặt em, Cô sẽ buồn lắm đấy. Nhớ đi học nghe em.
Đoạn Cô lấy chùm nho lại, bỏ vào trong cặp cho tôi. Tôi ra về như mọi khi, đi qua con đường ven biển, nhìn phố xá, ngắm những chiếc tàu mà lòng không thấy vui. Về nhà tôi ăn hết chùm nho một cách ngon lành.
Ngày hôm sau, tôi không làm sao muốn đi học. Tôi nghĩ nếu hôm nay bị đau bụng thì hay biết mấy, bị nhức đầu thì hay biết mấy, nhưng lạ thật chỉ mỗi ngày hôm ấy không có cơn bệnh nào hành tôi cả. Không biết làm sao hơn, tôi đành gượng gạo ra khỏi nhà, vừa đi vừa nghĩ chuyện đâu đâu. Tôi nghĩ chắc tôi không thể bước qua cổng trường nổi. Nhưng tôi lại nhớ đến lời Cô giáo ân cần dặn dò lúc tôi về, tôi bỗng muốn được gặp Cô tôi. Nếu tôi không đến lớp, chắc Cô giáo sẽ buồn lắm. Tôi chỉ muốn được nhìn lại ánh mắt thật dịu hiền ấy của Cô giáo. Và miên man trong những ý nghĩ đó, tôi bước qua cổng trường.
Tôi bỗng thấy thằng Jim như nóng lòng đợi ai ở đó. Thấy tôi, nó chạy ngay lại nắm lấy tay tôi, làm như là đã quên bẵng chuyện ngày hôm qua, thân mật kéo tôi lên phòng Cô giáo, trong khi tôi hãy còn bối rối ngơ ngác lo lắng không biết còn chuyện gì sẽ xảy ra nữa. Tôi cứ ngỡ là lúc vào trường tôi sẽ bị chúng bạn xa cách, nhục mạ: “Nè, nè tụi bay, thằng Nhật ăn cắp, cái thằng nói láo nó đến kia kìa”. Nhưng nay được đối đãi thế này, tôi thấy xốn xang. Khi nghe thấy tiếng chân của chúng tôi, không đợi Jim gõ cửa, Cô giáo đã ra mở cửa đưa hai đứa tôi vào trong phòng.
- Jim này, em ngoan lắm biết nghe lời Cô dặn. Jim bảo em không cần phải xin lỗi em ấy nữa. Từ nay hai em hãy trở thành bạn tốt của nhau đi nhé. Hãy bắt tay nhau đi.
Cô tôi vừa mỉm cười vừa nói, bắt hai đứa tôi đứng đối mặt nhau. Trong lúc tôi còn đang lưỡng lự không biết làm sao, thì Jim đã đến bên tôi, vui vẻ kéo tay tôi đang buông thõng và siết thật chặt. Tôi không biết làm gì để diễn tả nỗi sung sướng, chỉ biết đứng cười một cách e lệ. Nhưng Jim cười đáp lại một cách thân mật. Cô giáo mỉm cười hỏi:
- Thế nào, chùm nho hôm qua em ăn có ngon không?
Tôi đỏ mặt không biết phải trả lời làm sao hơn là thưa: “Dạ ngon”.
- Thế thì để Cô cho thêm một chùm nữa nhé.
Đoạn, Cô giáo trong chiếc áo hàng lin trắng, rướn mình ra ngoài cửa sổ với tay hái lấy một chùm. Cô giáo, tay trái trắng muốt đỡ lấy chùm nho màu tím phủ đầy phấn trắng, tay phải cầm chiếc kéo bạc thon dài, cắt chùm nho làm đôi, chia cho hai đứa tôi, mỗi đứa một nữa Vẻ đẹp của những trái nho tím nằm xếp lớp lên nhau trên lòng bàn tay trắng muốt của Cô tôi, mãi đến nay tôi vẫn còn nhớ rõ.
Từ dạo đó, tôi dường như ngoan hơn và bớt nhút nhát.
Nay người Cô mà tôi yêu quý ấy không biết đang ở phương nào. Tôi vẫn biết là tôi không thể nào gặp lại được người, nhưng vẫn hằng ao ước có người ở bên cạnh. Và hàng năm cứ mỗi độ thu về, những chùm nho lại chín, màu tím lại phủ đầy phấn trông thật là đẹp. Nhưng tôi thì không tìm lại được lòng bàn tay xinh xắn trắng muốt như cẩm thạch kia khi đỡ lấy chùm nho của người Cô mà tôi kính yêu ấy nữa.
Hồi nhỏ tôi rất thích vẽ. Trường tôi nằm trên đồi trong tỉnh Yokohama. Vùng ấy có rất nhiều người ngoại quốc ở. Các Thầy Cô của chúng tôi cũng toàn là người nước ngoài. Mỗi ngày đến trường hay từ trường về, tôi đều phải qua con đường dọc theo bờ biển san sát những khách sạn và những hãng buôn của người ngoại quốc. Đứng bên đường ven biển mà nhìn, mặt nước xanh ngắt, nào là tàu chiến, nào là tàu buôn nằm đầy, khói ứa ra từ những ống khói trên tàu, những sắc cờ các nước giăng khắp đây đó trên những cột buồm phấp phới trong gió. Quang cảnh trông đẹp đến nhức mắt. Tôi thường đứng lặng ngắm những cảnh sắc đó và khi về, ngày nào cũng cố vẽ lại cho thật đẹp tất cả những gì tôi còn nhớ. Nhưng hộp phấn màu của tôi không có cái màu nước biển xanh biếc đến trong suốt kia, cái màu đỏ sẫm sơn trên phần thân thuyền giáp với mặt biển của những chiếc thuyền buồm du lịch trắng. Nên dù cố gắng vẽ không biết đến bao nhiêu lần rồi, tôi cũng không tài nào tô nổi cái màu của phong cảnh mà tôi đã nhìn thấy.
Chợt tôi nhớ đến hộp phấn màu đồ ngoại hóa của đứa bạn cùng lớp. Hắn cũng là người tây phương. Hắn hơn tôi hai tuổi, cao đến nổi tôi phải ngước lên mới thấy được mặt hắn. Hắn tên Jim. Hộp phấn của hắn là loại hàng ngoại quốc hảo hạng. Trong chiếc hộp làm bằng một loại gỗ thật nhẹ, mười hai cây phấn màu vuông vức như những cây mực tàu nhỏ, được xếp thành hai hàng nằm sóng đôi. Màu nào cũng thật đẹp. Riêng hai cây xanh đậm và đỏ sẫm thì đẹp một cách lạ lùng khó tả. Jim to lớn hơn tôi nhưng vẽ thì thua tôi xa. Nhưng sao tranh của hắn xấu như thế, mà hắn cứ tô phấn màu của hắn lên thì nó thành một bức tranh thật đẹp. Tôi thấy ganh tị trong lòng về điều đó. Nếu có hộp phấn màu ấy, tôi sẽ vẽ được ngay cái màu của phong cảnh ấy đúng như thật cho mà xem. Tôi nghĩ thế và thấy ghét hộp phấn màu của mình. Từ đó, tôi bỗng đâm ra thèm muốn khôn nguôi hộp phấn màu của Jim. Tôi lại nhát, chỉ mơ ước như thế trong lòng, chứ không dám hỏi xin ba má mua cho. Và cứ thế ngày lại theo ngày trôi qua.
Nay tôi không còn nhớ rõ lúc ấy là vào khoảng nào, nhưng có lẽ bấy giờ trời đã vào thu, vì tôi nhớ đã thấy có những chùm nho chín. Những ngày cuối thu sắp vào đông, trời trong thăm thẳm như có thể nhìn tít mãi vào khoảng không vô tận. Một buổi trưa trong trời, mọi người đang vui vẻ ngồi ăn cơm hộp với Cô giáo, riêng tôi ngay trong giờ cơm ngon lành ấy, lòng lại cứ bứt rứt, u tối trái hẳn với bầu trời hôm ấy. Tôi ngồi thừ người. Nếu có ai chú ý thì chắc có lẽ sẽ nhận ra sắc mặt tôi tái nhợt. Tôi thấy thèm muốn vô cùng cái hộp phấn của thằng Jim. Lòng thèm muốn dâng lên đến nghẹn cả tim. Và tôi nghĩ thầm, chắc thằng Jim cũng đoán biết được điều thèm muốn của tôi. Tôi lén nhìn Jim, nhưng hắn trông không có vẻ gì khác. Hắn đang cười nói với đứa bạn ngồi bên cạnh. Nhưng sao cái cười của hắn trông như cái cười của kẻ biết hết những điều tôi đang suy nghĩ. Những lời hắn nói với đứa bạn ngồi bên cạnh nghe như là: “Để mày coi, thằng Nhật đó thế nào cũng ăn cắp hộp phấn màu của tao”. Càng nghĩ thằng Jim nghi tôi chừng nào, tôi càng không dằn được lòng thèm muốn.
Gương mặt tôi có thể trông dễ thương, nhưng tôi là một đứa yếu đuối cả thể xác lẫn tâm hồn. Hơn thế tôi là đứa nhát gan, muốn nói điều gì nhưng lại không dám nói, cứ để cho qua đi, nên ít được ai ưa và ít có bạn bè. Cơm trưa xong, trong khi những đứa khác vui vẻ ra chơi, chạy nhảy đùa giỡn ngoài sân trường, thì tôi, một mình ở lại trong lớp. Ngoài sân trời sáng lòa, càng làm nổi lên cái tối lờ mờ của lớp học như chính cái tăm tối trong lòng tôi. Tôi về chỗ ngồi. Nhưng sao mắt tôi, lúc lúc cứ liếc qua chỗ thằng Jim. Nếu mình đến mà dở cái nắp bàn đầy những lằn dao cắt khoét nham nhở và những vết tay dơ đen đúa ấy lên, thì thế nào cũng thấy nào sách, nào vở, nào bảng đá và hộp phấn màu, trong đó sẽ có cây xanh đậm và cây đỏ sẫm… Tôi cảm thấy mặt tôi như đỏ gắt lên, vội quay đi, nhưng ngay sau đó tôi không thể dằn nổi lòng thèm muốn, mắt lại liếc sang bàn thằng Jim. Trống ngực tôi đập thình thịch. Ngồi yên một chỗ nhưng trong lòng cứ quýnh lên như nằm mơ bị ma đuổi.
Tiếng chuông keng keng gọi vào lớp. Tôi giật mình đứng dậy. Nhìn qua cửa sổ tôi thấy bọn học trò cười giỡn chạy vội về chỗ phòng tiêu, rửa tay. Đầu tôi bỗng lạnh như nước đá, tôi loạng choạng đi đến bàn của thằng Jim, như người trong mơ, tôi mở nắp bàn. Và như tôi tưởng tượng cuốn sổ tay nằm lẫn lộn với hộp đựng viết. Có cả hộp phấn màu mà tôi mơ ước. Lúc ấy không biết tại sao tôi lại phải nhìn quanh quất để làm gì, nhưng liền sau đó tôi nhanh tay mở nắp hộp lấy hai cây xanh đậm và đỏ sẫm bỏ ngay vào túi quần, rồi chạy vội về chỗ sắp hàng, đứng đợi Cô giáo.
Bọn chúng tôi được Cô giáo trẻ cho phép vào lớp, mỗi đứa về chỗ của mình. Tôi muốn nhìn vẻ mặt của thằng Jim nhưng không làm sao có thể liếc sang bên hướng ấy được. Nhưng hình như không có ai ngờ đến việc tôi đã làm. Tôi vừa như yên tâm, vừa như thấy khó chịu. Tiếng giảng bài của Cô giáo, người Cô mà tôi kính yêu nhất, vang mồn một trong tai, nhưng tôi không hiểu gì cả. Và tôi có cảm tưởng Cô giáo lúc lúc nhìn tôi với con mắt là lạ.
Ngày hôm ấy sao tôi thấy ngượng, không dám nhìn thẳng vào mắt Cô giáo. Cứ trong trạng huống như thế, một giờ học trôi qua. Tôi ngỡ trong suốt cả giờ học, mọi đứa như cứ thì thầm với nhau điều gì.
Chuông ra chơi lại đổ. Tôi yên tâm mừng rỡ, thở phào. Nhưng, khi Cô giáo vừa mới ra khỏi lớp thì một đứa cùng lớp, cao nhất và giỏi nhất lớp, gọi tôi:
- Ê, mầy lại đây.
Hắn kéo cùi chõ tôi. Tôi giật mình, run như những lúc lười biếng không chịu làm bài tập ở nhà mà bị Cô gọi trúng tên. Nhưng tôi nghĩ là tôi phải gắng giữ vẻ bình thường như không biết gì hết, cứ để mặc cho hắn lôi tôi ra góc sân.
- Mày lấy mấy cây phấn của thằng Jim phải không? Đưa đây.
Vừa nói hắn vừa chìa bàn tay to lớn ra trước mặt tôi. Bị tra hỏi như vậy, tự nhiên tôi đâm ra bình tỉnh, nói đại.
- Đồ phấn màu đó, tao đâu có lấy.
Cùng với ba bốn đứa bạn, Jim sấn lại, nó giận run lên:
- Hồi trước giờ chơi tao đã kiểm kỹ hộp phấn, không có mất cây nào hết trọi. Mà sao xong giờ chơi lại mất hết hai cây. Giờ chơi, chỉ có một mình mày ở trong lớp, không phải vậy sao?
Thôi không xong rồi. Máu dồn lên đầu, mặt tôi dường như đỏ gắt lên. Bỗng một đứa nào đó đứng bên cạnh cố thọc tay cho được vào túi quần tôi. Tôi cố hết sức chống cự, nhưng không cưỡng nổi. Và từ trong túi quần tôi, hai cây phấn màu lòi ra cùng với mấy hòn bi chai và đồng chọi bằng chì.
- Nè, coi nè.
Bọn chúng trừng mắt nhìn tôi khinh bỉ. Người tôi run bắn lên, trước mặt, trời bỗng như sụp tối. Nắng tốt, các đứa khác đùa giỡn trong giờ chơi vui vẻ là chừng ấy, thế mà chỉ mình tôi đang chết điếng trong lòng.
Tại sao tôi lại làm như vậy. Thôi tôi không thể nào chuộc lại được lỗi lầm này. Tôi hư mất rồi. Tôi là đứa nhát gan, càng nghĩ như thế tôi càng khổ sở, buồn tủi rồi bật khóc. Đứa lớn nhất và giỏi nhất lớp nói với giọng vừa giận vừa ghét bỏ.
- Ê, mày đừng có hòng khóc dọa tụi tao.
Mấy đứa xúm lại lôi tôi đi. Tôi cố trì lại nhưng không chống cự nổi. Rốt cuộc tôi để mặc tụi nó lôi xềnh xệch lên cầu thang, lên phòng trên lầu hai của Cô giáo mà tôi kính mến nhất.
Rồi thằng Jim gõ cửa xin vào. Từ trong phòng tiếng Cô giáo vọng ra dịu dàng: “Vào đi”. Từ trước đến nay chưa bao giờ tôi thấy ngại không muốn vào phòng của Cô, như lần này.
Cô giáo đang ngồi viết gì đó, thấy bọn chúng tôi sòng sọc vào, tỏ vẻ hơi ngạc nhiên. Nhưng sắc mặt Cô vẫn dịu dàng như mọi khi, đưa tay phải nhẹ đỡ bờ tóc cắt ngắn như con trai, xõa ngang cổ, nghiêng đầu nhìn chúng tôi hỏi có chuyện gì thế. Đứa lớn nhất và giỏi nhất lớp bước tới trước thuật lại đầu đuôi câu chuyện tôi lấy hai cây phấn màu của thằng Jim. Cô giáo hơi biến sắc, nghiêm nghị nhìn mọi đứa, nhìn gương mặt tôi đang dở khóc, rồi hỏi tôi: “Có thiệt không?”. Câu chuyện đúng như vậy, nhưng trước mặt người Cô kính mến, tôi xấu hổ, không làm sao nhận tội. Tôi chỉ biết khóc to hơn để thay thế câu trả lời.
Cô giáo chăm chú nhìn tôi một hồi, rồi quay sang nhỏ nhẹ bảo các đứa khác: “Thôi được, các em đi ra đi”. Mấy đứa bạn có vẻ bất mãn đi ra, dậm xuống cầu thang thình thịch.
Khoảng một lúc, Cô giáo chẳng nhìn tôi mà cũng chẳng nói rằng, chỉ im lặng ngồi nhìn những móng tay của mình. Rồi Cô lặng lẽ đứng lên đến bên tôi, ôm chặt lấy vai tôi và nho nhỏ hỏi: “Thế em đã trả lại cho người ta chưa”. Tôi gật đầu và ậm ự thật dài như để trả lời cho Cô biết là tôi đã trả lại rồi. Cô giáo lại bảo:
- Em có biết việc em làm là điều đáng xấu hổ lắm không?
Tôi chịu không nổi nữa, cả người run lên mà tôi không sao giữ nỗi. Tôi cắn môi, cố cắn lấy môi để nén, nhưng tiếng khóc vẫn bật ra, nước mắt cứ ràn rụa, chỉ muốn chết phức đi trong vòng tay của Cô giáo.
- Thôi em đừng khóc nữa, biết lỗi thì thôi. Hãy nín đi. Giờ tới, thôi em khỏi cần về lớp cũng được, cứ ở trong phòng Cô đi. Ngồi yên ở đây đấy nhé. Hết giờ học Cô sẽ trở lại nhé.
Cô vừa nói vừa kéo tôi về ngồi ở chiếc ghế trường kỷ. Ngay lúc ấy chuông gọi vào lớp rộn lên. Cô với tay lấy tập sách trên bàn, nhìn tôi, rồi vội đến bên giàn nho bắt lên lầu hai, ngang ngoài cửa sổ, hái một chùm nho tây, đặt lên đùi tôi trong khi tôi vẫn còn thút thít, rồi lặng lẽ đi ra.
Học trò vào lớp. Không khí ồn ào mới đó, bỗng rơi vào yên lặng. Tôi thấy lòng buồn vô hạn, khi không tôi làm Cô giáo buồn. Tôi không còn lòng dạ nào nghĩ đến việc ăn chùm nho kia mà chỉ biết ngồi khóc.
Tôi ngủ quên lúc nào không hay trong căn phòng của Cô. Bỗng có ai lay vai tôi, tôi giật mình mở mắt. Tôi thấy dáng người cao và hơi gầy của Cô giáo đang mỉm cười cúi xuống nhìn tôi. Sau giấc ngủ, lòng tôi dễ chịu lại, tôi như quên đi câu chuyện vừa xãy ra, thèn thẹn cười đáp lại. Trong lúc bối rối ấy chùm nho như sắp rớt khỏi đùi, tôi vội chụp lấy và sực nhớ lại câu chuyện, tôi xấu hổ chẳng dám cười nữa.
- Thôi em, đừng buồn mãi như thế. Các bạn em đều về cả rồi, thôi em cũng về đi. Nhưng dù có chuyện gì đi chăng nữa, ngày mai thế nào cũng phải đến trường nhé. Không thấy mặt em, Cô sẽ buồn lắm đấy. Nhớ đi học nghe em.
Đoạn Cô lấy chùm nho lại, bỏ vào trong cặp cho tôi. Tôi ra về như mọi khi, đi qua con đường ven biển, nhìn phố xá, ngắm những chiếc tàu mà lòng không thấy vui. Về nhà tôi ăn hết chùm nho một cách ngon lành.
Ngày hôm sau, tôi không làm sao muốn đi học. Tôi nghĩ nếu hôm nay bị đau bụng thì hay biết mấy, bị nhức đầu thì hay biết mấy, nhưng lạ thật chỉ mỗi ngày hôm ấy không có cơn bệnh nào hành tôi cả. Không biết làm sao hơn, tôi đành gượng gạo ra khỏi nhà, vừa đi vừa nghĩ chuyện đâu đâu. Tôi nghĩ chắc tôi không thể bước qua cổng trường nổi. Nhưng tôi lại nhớ đến lời Cô giáo ân cần dặn dò lúc tôi về, tôi bỗng muốn được gặp Cô tôi. Nếu tôi không đến lớp, chắc Cô giáo sẽ buồn lắm. Tôi chỉ muốn được nhìn lại ánh mắt thật dịu hiền ấy của Cô giáo. Và miên man trong những ý nghĩ đó, tôi bước qua cổng trường.
Tôi bỗng thấy thằng Jim như nóng lòng đợi ai ở đó. Thấy tôi, nó chạy ngay lại nắm lấy tay tôi, làm như là đã quên bẵng chuyện ngày hôm qua, thân mật kéo tôi lên phòng Cô giáo, trong khi tôi hãy còn bối rối ngơ ngác lo lắng không biết còn chuyện gì sẽ xảy ra nữa. Tôi cứ ngỡ là lúc vào trường tôi sẽ bị chúng bạn xa cách, nhục mạ: “Nè, nè tụi bay, thằng Nhật ăn cắp, cái thằng nói láo nó đến kia kìa”. Nhưng nay được đối đãi thế này, tôi thấy xốn xang. Khi nghe thấy tiếng chân của chúng tôi, không đợi Jim gõ cửa, Cô giáo đã ra mở cửa đưa hai đứa tôi vào trong phòng.
- Jim này, em ngoan lắm biết nghe lời Cô dặn. Jim bảo em không cần phải xin lỗi em ấy nữa. Từ nay hai em hãy trở thành bạn tốt của nhau đi nhé. Hãy bắt tay nhau đi.
Cô tôi vừa mỉm cười vừa nói, bắt hai đứa tôi đứng đối mặt nhau. Trong lúc tôi còn đang lưỡng lự không biết làm sao, thì Jim đã đến bên tôi, vui vẻ kéo tay tôi đang buông thõng và siết thật chặt. Tôi không biết làm gì để diễn tả nỗi sung sướng, chỉ biết đứng cười một cách e lệ. Nhưng Jim cười đáp lại một cách thân mật. Cô giáo mỉm cười hỏi:
- Thế nào, chùm nho hôm qua em ăn có ngon không?
Tôi đỏ mặt không biết phải trả lời làm sao hơn là thưa: “Dạ ngon”.
- Thế thì để Cô cho thêm một chùm nữa nhé.
Đoạn, Cô giáo trong chiếc áo hàng lin trắng, rướn mình ra ngoài cửa sổ với tay hái lấy một chùm. Cô giáo, tay trái trắng muốt đỡ lấy chùm nho màu tím phủ đầy phấn trắng, tay phải cầm chiếc kéo bạc thon dài, cắt chùm nho làm đôi, chia cho hai đứa tôi, mỗi đứa một nữa Vẻ đẹp của những trái nho tím nằm xếp lớp lên nhau trên lòng bàn tay trắng muốt của Cô tôi, mãi đến nay tôi vẫn còn nhớ rõ.
Từ dạo đó, tôi dường như ngoan hơn và bớt nhút nhát.
Nay người Cô mà tôi yêu quý ấy không biết đang ở phương nào. Tôi vẫn biết là tôi không thể nào gặp lại được người, nhưng vẫn hằng ao ước có người ở bên cạnh. Và hàng năm cứ mỗi độ thu về, những chùm nho lại chín, màu tím lại phủ đầy phấn trông thật là đẹp. Nhưng tôi thì không tìm lại được lòng bàn tay xinh xắn trắng muốt như cẩm thạch kia khi đỡ lấy chùm nho của người Cô mà tôi kính yêu ấy nữa.
/21
|