Vườn Thúy

Chương 2: chương 2

/7


Buổi sáng đầu tiên, chủ nhân đưa tôi đến một căn phòng trang trí và bày biện sẵn sàng. Đây là một trong sáu phòng ở trên lầu, cửa phòng vừa mở, tôi hơi kinh ngạc, vì đồ vật trong phòng rất đầy đủ bàn phấn, tủ áo, tủ sách, bàn viết, giường, đèn bàn và màn treo cửa sổ, thứ nào cũng chuẩn bị tuyệt hảo, hơn nữa, đó hoàn toàn là một căn phòng được trang bị cho phái nữ. Đồ vật tuy không mới, nhưng rất tinh vi, màn treo cửa bằng vải Nylon mầu hồng nhạt, cùng một mầu với tường, bên trên bàn phấn có gắn một mặt kính hình tròn chạm bằng cây có trổ hoa. Trong khuôn cửa kính; của chiếc tủ sách, chất đày ăm ắp sách. Tôi kinh ngạc nhìn chủ nhân như để hỏi xem có phải căn phòng nay được chuẩn bị cho tôi không?

- Cô cứ ở căn phòng này được rồi.

Ông Thạch Phong nói, không biểu lộ một vẻ gì trên sắc mặt.

- Căn phòng này trước kia của một cô gái khác, hiên giờ cô ấy đã đi khỏi, bây giờ nói thuộc về cô. Các thứ sách vở hoặc tiểu thuyết, nếu cô thích, cô có thể đọc. Dù sao đi nữa, những đồ vật trong căn phòng này cô đều có thể dùng được. Hôm nay ta chưa bắt đầu làm việc, cô nghỉ ngơi trước đã, tôi phải đi ngay bây giờ, ngày mai ta sẽ tiếp tục bàn chuyện.

Ông Thạch Phong không cho tôi cơ hội để hỏi thêm câu nào cả, ông cũng không tiếp tục giải thích gì cả. Ông quay gọi chị trẻ tuổi hôm qua lên, và bảo tôi:

- Đây là Thu Cúc, cô có việc gì cần cứ bảo chị ấy làm hộ!

Rồi ông dặn dò Thu Cúc:

- Hãy phục vụ cẩn thận Dư tiểu thư, đừng để cô ấy thiếu thốn một thứ gì!

- Vâng! Thu Cúc kính cẩn trả lời.

- Tôi đi nhé cô Hoành.

Và ông quay nguòi bỏ đi với những bước dài.

- Ơ... Khoan đã, ông Phong?

Ông Thạch Phong đứng lại và quay đầu nhìn chăm chú vào tôi.

- Tôi... tôi muốn nói, xin cám ơn ông. Tất cả đều quá tốt đẹp đối với tôi.

Ông Thạch Phong nhún vai, làm một cử chỉ có hơi đặc biệt rồi quay người bỏ đi không đáp lời tôi. Tôi thừ người ra mất mấy giây mới đi vào căn phòng... của tôi, tôi nhìn ngắm tất cả những đồ vật trong phòng với vẻ hiếu kỳ. Thu Cúc bước theo vào và mang chiếc valy quần áo của tôi để lên giường.

- Có cần em sắp xếp đồ đạc giúp cô không, Dư tiểu thơ? Thu Cúc nói.

Ồ! Thôi khỏi, cứ để đấy tôi. Em đi làm công việc của em đi.

- Vâng thưa cô!

Cúc lui ra khỏi phòng. - À! Khoan chờ tí! Tôi gọi giật Thu Cúc lại, nói:

- Tôi muốn hỏi, trong ngôi nhà này còn có những ai nừa nhỉ?

- Hiện giờ thì chỉ có ông Phong, em và chú Lưu tài xế.

- Hiên giờ?

- Đôi khi cậu Hai cũng về đây!

- Cậu Hai?

Tôi hỏi một cách hồ nghi.

- Cậu Hai là con của ông Phong ư?

- Không, là em của ông, nhưng chúng em quen gọi như thế.

- Thế còn bà Phong?

Tôi hỏi thế song không tin rằng Thạch Phong đã có vợ.

- Năm ngoái bà ấy có về một lần, năm nay thì chưa về!

- Bà ấy ở đâu?

- Hình như là ở bên Mỹ thì phải, em cũng không rõ lắm!

- Thế à.

Tôi dừng lại một lát:

- Thôi được rồi, em có thể đi xuống dưới nhà.

Nhưng tôi lại chợt nhớ đến một thắc mắc khác:

- À còn một việc nữa, căn phòng này trước kia của ai nhỉ?

- Của...

Thu Cúc do dự một lát xong lắc đầu nói:

- Em cũng không biết, lúc em lại làm, thì căn phòng này đã bỏ trống, em chỉ quét dọn nó hằng ngày.

Có lẽ Thu Cúc biết rõ nhưng không muốn nói ra, tôi nghĩ đã hỏi hơi nhiều, mà thiệt tình tôi không ngăn được tính tò mò. Tôi cười nói với Thu Cúc:

- Thôi được, cám ơn em, Thu Cúc!

Cúc mỉm cười mặt đỏ lên và đi ra. Cô gái này tính nết khá dịu dàng, có thể dễ cư xử. Tôi đóng cửa lại, đi đến khung cửa sổ và kéo màn lên, vừa đúng lúc trong thấy chiếc ô tô mầu đỏ ban nãy từ con đường lát đáù trong vườn chạy ra, chủ nhân của tôi đã đi khỏi.

Tôi bắt tay vào việc sắp xếp đồ đạc, đem quần áo mắc vào tủ, soạn những văn cụ ra để trên bàn viết, tất cả việc sắp xếp chỉ mất có 30 phút, thực ra đồ đạc của tôi quá giản dị. Tôi đi loanh quanh trong phòng, hết sờ vật này đến ngắm vật kia. Trên bàn phấn không có phấn son chi cả, chỉ có một cây lược làm bằng ruột cây anh đào, trên cán có chạm trổ. Trong tủ sách phần nhiều là tiểu thuyết, sách phiên dịch, lại có cả một bản cổ Hồng Lâu Mộng và nguyên bản Tây Sương Ký, Đào Hoa Phiến, Mẫu Đơn Đình v... v... Ngoài những loại sách văn nghệ nói trên còn có một ít sách y học như Tâm tạng, Di truyền, Bệnh thái Tâm Lý Học và Nguyên do của hiện trạng quái thai vv.. Cứ theo các pho sách đó, thì người chủ trước của căn phòng nhất định phải học về y khoa hay văn khoa.

Tôi rút một quyển sách có cái nhan đề của Zola là "Câu chuyện viết cho Nina", tôi chưa từng xem qua quyển này. Lật trang bìa, có vài hàng chữ đẹp nét viết trên trang để trống:

"Loại sách lưu trữ thứ 124 của Tiểu- Phàm"

Tiểu-Phàm? Tên người chủ trước của căn phòng này ư? Thuận tay lật sang trang kế, tôi phát giác ra là người đọc sách có tật viết, vẽ bậy bạ trên sách. Một con thỏ với hai chiếc tai dài làm che lấp cả mặt chữ, bên lề trang sách cũng viết ngoằn ngoèo mấy hàng chữ:

"Nina, văn gia đề tặng cho nàng như vậy không kiêu hãnh sao? Ôi! Đường đường một Zola!- "Câu chuyện viết cho Nina" Có thể, một ngày nào đó cũng có một người viết cho tôi một quyển sách dầy dầy! "Câu chuyện viết cho Tiểu-Phàm". Chẳng đẹp và tuyệt lắm ư? Ai sẽ viết? Đông ư? Đông, Đông, Đông! Anh có yêu em không? Yêu em không? Yêu em không?- Mày không biết thiệt à, Tiểu phàm?"

Trên đầu một trang khác cũng viết:

"Đông thì chỉ có thể là Đông, Đông của mình chứ không phải Đông của người khác. Hãy chờ đợi, có lẽ mình sẽ viết một quyển "Câu chuyện viết cho Đông".

Rồi một trang khác:

"Ô! Mình không bao giờ tin việc này đâu! Cái hạnh phúc này không thể có một ám ảnh nào được, Đông cũng sẽ không tin đâu, nhỉ, Đông nhỉ?".

Lại một trang khác:

"Nina, ta không ghen ghét với nàng đâu, ta cũng không ganh ghét với bất cứ một người nào. Không ai sung sướng bằng ta cả, vì ta đã có Đông!".

Lại một trang khác:

"Mình hy vọng sẽ đẹp hơn tí nữa, từ ngày mình bắt đầu hiểu biết, thì mình chỉ vì Đông mà hy vọng mình đẹp hơn lên, Đông thường nói: "Tiểu Phàm, em đẹp lắm rồi." "Thật thế ư? Đông! Thật thế ư?".

Cứ với những loại từ ngữ này, trên sách viết đầy dẫy cả những chữ, nào là Đông, nào là Tiểu Phàm, tôi đặt quyển sách này xuống và rút một quyển khác: "Gia Đình Quý Tộc", trên trang đầu cũng viết những chữ tương tự:

"Loại sách lưu trữ thứ XXX của Tiểu Phàm"

Bên trong cũng có đủ cả nét vẽ và chữ. Cái cô tiểu Phàm rõ ràng cô ta rất quen đem nhân vật trong sách và bản thân mình hỗn hợp lẫn nhau.

"Lisa ơi! La Phu ơi! Như thế thì thật là tàn nhẫn, mình không thích những câu chuyện tàn nhẫn như thế. Mình đã để rơi không biết bao nhiêu là lệ. Cái tên Đồ Cách thật là đáng nguyền rủa. Nỡ nhẫn tâm chia rẽ tình họ. Mình và Đông sẽ ra sao? Đông! Anh đừng cười em! Em yêu anh đến điên khùng mất! Anh đừng lìa bỏ em nhé! Em sẽ... Làm sao mình đủ can đảm viết tiếp?"

Tôi để quyển sách xuống, ánh nắng buổi sáng từ ngoài rọi vào, trong phòng sáng sủa. Tôi không muốn tiếp tục xem những thứ sách kia nữa, vì trong mỗi quyển đều có viết đầy cả chữ, tôi bỗng dưng cảm thấy bị ám ảnh Tiểu Phàm, Đông! Những người này là ai? Họ không liên can gì đến tôi cả, thế nhưng họ cứ ám ảnh tôi! Tôi đến bên bàn viết, lơ đãng mở một chiếc ngăn kéo, trong đó có vài quyển nhật ký dầy cũ kỹ, nhưng đều được bọc bằng giấy đẹp, bên trên đề mấy chữ: "Nhật ký của Tiểu Phàm năm Dân Quốc 48, 49 đến 50" Kế đó là năm 51- 52, bên dưới không còn nữa, mỗi năm một quyển, tôi rất muốn lật thử một quyển xem, nhưng tôi do dự một hồi rồi lại đóng ập ô kéo lại, đây là bí mật của người khác, tốt hơn hết là đừng nên tò mò. Hình ảnh của Tiểu Phàm đầy dẫy trong căn phòng này, khiến tôi cảm thấy lo ngại và thần trí nặng nề. Tôi mở một ô kéo khác, bên trong có một sợi dây chuyền bằng vàng với một mặt hình trái tim bên trên có khắc mấy chữ: "Tặng Tiểu Phàm, Đông của em" Tôi vội vã đóng ập ô kéo lại, toàn thân ớn lạnh, Tiểu Phàm này nhất định đã chết rồi, nếu không nàng chẳng bao giờ để chiếc dây chuyền của Đông mà không mang theo. Tôi đi đên bên giường, cảm giác ớn lạnh gia tăng. Chiếc giường này, Tiểu Phàm đã nằm qua và căn phòng này Tiểu-Phàm đã ở... mà Tiểu Phàm có lẽ đã chết rồi... Tôi lắc đầu không muốn nghĩ đến Tiểu Phàm nữa, tôi đi đến bên cửa sổ ngắm nhìn, những bông hồng cùng với các đóa hoa khác đang nở đầy vườn để khoe tươi, đua thắm dưới ánh dương.

Buổi sáng hôm đó cứ thế trôi qua, đến trưa Thu Cúc mời tôi xuống ăn cơm. Ở bàn ăn, chỉ có một mình tôi, chủ nhân vẫn chưa về.

Cả một buổi chiều dài dằng dặc, tôi rảnh rang chẳng có việc gì làm. Thạch Phong vẫn chưa về. Tôi đi ra vườn hoa, đứng bên hồ phun nước, đàn cá lia thia bơi lội qua lại, vườn hoa rất trống trải, không nơi nào có thể dừng chân lâu được. Tôi không dám đi ra ngoài, sợ Thạch Phong về thình lình tìm không được tôi, dù sao đi nữa hôm nay là ngày làm việc đầu tiên của tôi kia mà!

Tôi trở về phòng và bắt đầu cảm thấy thì giờ đi quá chậm, cái lối "đi làm" này làm tôi khó chịu.

Từ bên khung cửa nhìn ra xa, tôi có thể trông thấy những cánh đồng, những nhà của, đường xe lửa và ruộng lúa mầu xanh. Tôi thẫn thờ đi qua, đi lại, từ trưa đến chiều, bóng hoàng hôn đã lùa vào trong phòng, tôi tựa người bên cửa sổ, suy tư đến tính chất của việc làm mới này của tôi. Bỗng một hồi chuông mõ từ xa vọng lại, từng tiếng, từng tiếng, ngân nha, trầm bổng. Ở một nơi nào trên núi có chùa ư? Tiếng chuông mõ mang đến cho tôi một cảm giác đặc biệt lạ lùng. Tôi lắng tai nghe mà thần trí như rơi vào cảnh hư vô. Hồi sau đó tiếng còi xe vang lên, cuối cùng chủ nhân tôi đã về. Ông vẫn không cho người lên gọi tôi.

Đến bữa cơm chiều, tôi mới gặp lại ông Thạch Phong. Ông nhìn tôi với ánh mắt sắc bén và hỏi:

- Thế nào? Cô đã làm quen được với cái nếp sống ở đây chưa?

Tôi nhìn thẳng vào ông ta, và cứ thật tình nói:

- Tôi có cảm tưởng... Ông không cần phải có một thư ký.

- Cần thiết hay không thuộc quyền quyết định của tôi chứ? Ông nhìn tôi và nói tiếp:

- Tôi không thích lãng phí tiền bạc đâu, song tôi cũng không muốn, đem quá nhiều công việc ra, làm cho vị thư ký còn bỡ ngỡ của tôi kinh hoảng trong ngày đầu tiên.

- Việc làm quá ít cũng vẫn có thể làm cho nguòi ta kinh hoảng!

- Rồi cô sẽ rất bận, nhưng cô hãy làm quen với hoàn cảnh ở đây trước đã... có thích căn phòng của cô không?

- Dạ có, nhưng hình như có một vài đồ vật thuộc về đời tư của một người khác, ông đã quên cho mang đi.

- Cô muốn nói đến đồ vật của Tiểu Phàm hẳn?

Rồi ông ta không ngần ngại nói tiếp:

- Tôi thiết tưởng các vật đó sẽ không làm phiền cho cô. Lúc nào cô thích thì cứ xem, cũng chả sao!

- Tôi không thích đi khai thác những bí mật của người tôi không quen biết.

- Thế ư?

Thạch Phong nhìn tôi với cặp mắt dò xét:

- Cô hơi khó tính đấy nha! Những đồ vật ấy đâu có gì làm bận lòng cô? Cô không thích xem thì thôi kia mà!

- Dĩ nhiên là những đồ vật ấy không làm tôi phải bận lòng song...

Tôi hơi do dự một tí:

- Nhưng thưa ông... Tiểu Phàm là ai?

Trong khóe mắt ông ta gợn lên một nét cười tinh nghịch, nhưng chỉ lóe lên một thoáng rồi tan biến đâu mất, ông ta trầm ngâm một hồi rồi nói:

- Hình như cô nên hỏi tôi là ai trước đã chứ?

- Vâng thế thưa ông! Ông là... ai?

- Một kiến trúc gia, hiện đang là Tổng Giám Đốc cho một công ty nọ!

- Ông cần tôi làm việc gì để giúp ông?

- Hình như tôi có nói qua với cô rồi.

- Nhưng quả tình, tôi vẫn chưa hiểu được đến nơi, đến chốn.

- Cô nóng tính quá: Chỉ ít hôm nữa cô sẽ hiểu rõ.

Ông tự kết thúc câu chuyện và bắt đầu ăn cơm, gần như coi việc này là một việc không đáng phải đàm thoại thêm gì nữa.

Hai hôm nữa lại đã trôi qua, Thạch Phong vẫn cứ sáng đi, chiều về, rất khó gặp mặt ông ta. Cũng không thấy ông dặn dò điều gì! Nỗi nghi ngờ của tôi càng ngày, càng tăng gia, tôi không hiểu ông ta mượn tôi về đây để làm gì? Trong những ngày dài tẻ nhạt và những đêm vắng buồn tênh, chẳng có việc gì làm, tôi đành giở tập nhật ký thứ nhất của tiẻu phàm ra đọc để cho nhân vật Tiểu-Phàm làm bạn với tôi.

Vào một buổi tối, tôi nằm trên chiếc giường mà Tiểu-Phàm đã từng nằm, lật quyển sổ tay có ghi rõ "Năm Dân Quốc 48" ra xem. Nó lôi cuốn tôi ngay. Bên ngoài cửa sổ, có ánh trăng trong vắt, bên trong cửa sổ một ngọn đèn mờ mờ đưa tôi đi vào cái thế giới mơ mộng của Tiểu-Phàm.

"Ngày... Tháng...

Không hiểu có một lực lượng vô hình nào khiến tôi nhất định viết nhật ký? Đối với tôi, Nghê Tiểu Phàm, lại yên tâm đi viết một cái gì, thì thực là việc lạ, nhưng tôi phải viết, có như thế, nếu một ngày kia tôi... Ồ! Thật là đáng sợ! Có bề nào ít ra tôi cũng có cái gì để lại cho Đông! Để Đông tưởng nhớ và hoài niệm đến tôi sau này. Đông ơi! Hình như em làm việc gì là cũng chỉ vì anh! Kể cả hơi thở và sự sinh tồn của em. Tất cả, tất cả những gì của em đều thuôc về anh. Đông ơi Đông!

Ngày... Tháng...

Hôm nay Đông đưa ra một đề nghị, anh bảo tôi đừng gọi mãi tên Đông nữa, anh nói: Tiểu-Phàm, em cứ gọi anh là Đông đến bao giờ mới thôi? Chả lẽ lúc chúng mình bảy tám mươi tuổi, thành cụ ông cụ bà cả rồi mà em vẫn cứ gọi anh là Đông sao? Tôi nói: Vâng, vì anh là Đông của em! Anh ôm tôi vào lòng và nói: Tiểu-Phàm, em nhắm mắt lại xem trong thấy những gì? Tôi nhắm mắt lại nói: Đông, vẫn là anh, em chỉ có thể trông thấy anh! Đông bảo tôi vẫn là cô bé thơ dại như lần đầu tiên mới gặp.

Lần đầu tiên ư? Hồi đó tôi bao nhiêu tuổi nhỉ? Năm tuổi thì phải, tóc bện bín ngồi chơi dưới gốc cây ở chân núi, Đông chợt xuất hiện đằng sau thân cây và chĩa đầu một cây súng về phiá tôi hô to: "Đùng đùng!". Tôi òa lên khóc, Đông ôm lấy tôi dỗ dành: "Đừng khóc, đừng khóc, đùa với mày đấy, tao đến chơi với mày mà!". Tôi ngạc nhiên nhìn Đông, đến chơi với tôi ư? Xưa nay có ai bằng lòng chơi với tôi đâu? Tất cả đều nhìn tôi như nhìn một con rắn độc, tôi mỉm cười qua hai hàng nước mắt. Đông trêu tôi nói: "Vừa khóc vừa cười, lêu lêu... " thế là chúng tôi cùng cười dòn tan.

Từ dạo ấy, con tim tôi chỉ có Đông, anh con trai đã nói với tôi hai tiếng "đùng đùng" và từ đó tôi gọi anh là "Đông"

Hồi đó anh mấy tuổi nhỉ? Hình như là chín! Có lẽ đúng. Tại sao tất cả những gì có liên quan về Đông, mình đều nhớ một cách rõ ràng thế nhỉ?

Ngày... Tháng... (trên trang này có vẽ một khuôn mặt đàn ông có vầng trán rộng với nhiều nếp nhăn và miệng cười toe toét trong thật khôi hài)

Đông, anh trong thấy chưa? Đây là khuôn mặt của anh đó, thêm hai chiếc tai dài vào là anh sẽ giống hệt như con thỏ con mà ngày xưa anh và em cùng nuôi chung với nhau đấy! Giống chứ? Anh bảo giống không Đông?... Gần đây đầu óc tôi cứ nghĩ vẩn vơ về thời thơ ấu, có lẽ vì viết nhật ký nên mới nghĩ nhiều như thế, chỉ có những gì thuộc về Đông va tôi mới đáng để tôi viết Đông, em thực có phúc mới được cha đem về quê, khiến em có thể gặp anh.

Năm tuổi đầu đã quen biết anh và trọn đời em, em chỉ biết có anh.

Ngày... Tháng...

Sáng nay nhặt được một đóa hoa hồng cài trên kẹt chắc là của anh tặng em.

Dĩ nhiên là của Đông! Tôi đưa nó lên môi hôn nhẹ từng cánh một rồi cài lên tóc. Lúc ở trên lầu xuống để dùng điểm tâm, Đông nhìn tôi luôn mồm khen đẹp, cái nhìn của anh mới thiết tha làm sao, tôi thật tình ước ao dược chết đuối trong cái nhìn tha thiết ấy! Tôi xoay người một vòng trước mặt Đông hỏi:

"Em đẹp không? Đẹp không Đông?" Đông gọi "Tiểu Phàm! Tiểu-Phàm!" Giá không có anh cả ở đó, có lẽ Đông đã chạy đến ôm hôn tôi. Anh cả nhìn tôi với ánh mắt kỳ quặc làm sao, buồn thảm làm sao! Mỗi lúc nghĩ đến ánh mắt của anh cả là tôi cảm thấy như là sẽ có một ngày nào đó... Ồ! Đáng sợ quá đi. Đông ạ!

Ngày... Tháng...

Hôm nay tôi thấy chiếc bóng hiện lên một cách rõ rệt nó phủ xuống đầu tôi, rõ rệt quá! Kỳ quái! Sao Đông chẳng thấy chi cả Đông đi hoc suốt ngày, tôi vùi đầu trong sách vở. Tôi tìm xem tất cả những loại sách thuộc thuyết di truyền, tôi hoang mang đến cùng cực tôi không tìm hiểu rõ rệt được một việc gì cả. Tôi soi gương và ngắm bóng mình, mười bảy tuổi rồi, tôi đã đến cái tuổi 17. Lạy Thượng Đế! Tôi hy vọng được sống cũng chỉ vì Đông.

Ngày... Tháng...

Đông nói: "Anh phải hôn em, hôn cho em tan thành mây khói, hôn cho em chết từng thớ thịt lóng xương" Cả ngày chúng tôi chỉ quấn quít bên nhau, trưa đến anh Cả nổi trận lôi đình mắng cho Đông một mách: "Mầy không thể cả ngày cứ rúc trong phòng của Tiểu-Phàm như thế được đừng quên mày còn có tương lai. " Ô! Anh Cả, xin anh nhân từ một tí cho chúng em nhờ.

Ngày... Tháng...

Tôi và Đông đi chùa xin được một quẻ xâm như sau:

"Nhớ thuở xa xưa họp một nhà.

"Mà nay âm tình vẳng, đâu xa.

"Lòng thành những ước nên duyên nợ.

"Nào hay phong vũ mấy lần qua."

Chẳng lẽ đây là viễn ảnh của tôi và Đông ư? Tôi lo sợ quá! Đông ôm tôi vào vòng tay, anh nói: "Mê tín! Tin dị đoan làm quái gì em." Đông xé nát mảnh giấy xăm mầu vàng và kéo tôi chạy vòng quanh từ đằng trước đến đằng sau chùa.

Lúc hoàng hôn xuống, tôi đứng trong ánh nắng chiếu phủ đầy trên núi, bỗng Đông hô lên: "Đứng yên, Tiểu-Phàm! Em là mầu hoàng kim, cô bé mầu hoàng kim!" Mầu hoàng kim? Một linh cảm bất thường nào đó chợt đến trong tôi. Hôm nay tôi là mầu hoàng kim! Thế ngày mai! Ngày mốt? Sẽ có một ngày tôi phải phai mầu. Tôi ngả vào lòng Đông nói "Xin hôm nay dừng lại mãi mãi dừng lại!" "Thì hôm nay dừng lại đây!" Đông nói, giọng anh thật kỳ lạ. "Hôm nay vĩnh viễn nằm trong tay của chúng ta!" "Thật ư? Thật ư? Đông!"

Ngày... Tháng...

Tôi còn nhớ ngôi nhà của giòng họ Thạch ở dưới quê và căn gác tối om dùng để đựng cái quan tài mầu đen bóng, cái quan tài đó để dành cho ông nội của Đông. Người còn sống đó sao lại chuẩn bị sẵn quan tài nhỉ?

Mỗi năm thợ sơn đến để sơn lại một lần, lớp dầu sơn sợ còn dầy hơn lớp gỗ là khác.

Có một lần chúng tôi chơi cút bắt. Đông bắt tôi trốn trong quan tài, sau đó không biết chuyện gì đã xảy ra, hình như ông nội của Đông nổi trận lôi đình la hét dưới lầu hay sao đó, tất cả đều sợ chạy tán loạn chẳng còn sót một đứa! Chỉ có tôi kẹt nằm trong lòng cái quan tài vì không leo ra được, tôi nằm trong cái quan tài hoảng sợ đến khóc thét lên. Không bao lâu Đông lại lẻn trở về, đỡ tôi ra khỏi quan tài. Đông kinh sợ đến sắc mặt anh tái nhợt: "Em có sao không? Tiểu-Phàm, em còn sống chứ?" Tay Đông run run sờ lên mặt tôi. Tôi òa lên khóc nói: "Em sợ quá! Sợ chết đi được!" Đông ôm chặt tôi vào lòng, tim anh đập liên hồi trong lồng ngực. Anh nói không ngừng: "Đừng khóc, đừng khóc, Tiểu-Phàm ngoan, Tiểu-Phàm!" Rồi bỗng dưng Đông hôn tôi. Đông đặt môi anh lên trán tôi.

Tôi im thin thít như bị ma nhập và nín khóc luôn, tôi ngẩng đầu lên nói với Đông một cách trịnh trọng. "Lớn lên Tiểu-Phàm sẽ lấy anh Đông ". Hồi đó tôi lên bảy còn Đông 11, thế mà tôi biết trước là tôi sẽ thuộc về Đông, mãi mãi thuộc về Đông.

Những kỷ niệm của thời thơ ấu mới đẹp làm sao. Đông, anh còn nhớ rõ như em không?

Ngày... tháng...

Đông lại đi học bên ngoài kia trời đang mưa, tôi ngồi tựa người bên song cửa sổ nhìn núi, nhìn mây và trong mưa rơi, đầu óc tôi nặng trĩu, vắng Đông thì giờ dài và vô nghĩa. Tôi không biết phải làm gì để giết thì giờ. (bên dưới vẽ hình hai quả tim nằm kề bên nhau).

Mưa, lúc nào cũng làm cho tôi rét mướt, ngày cất đám cha trời cũng như thế này. Người ta bắt tôi và anh tôi mặc tang phục và kéo anh tôi đến trước mộ cha, anh chỉ biết cười, không ngớt mân mê những sợi dây trên tang phục với điệu bộ ngờ nghệch. Cha chết mà anh ấy cười, còn tôi thì ôm lấy quan tài không ngớt gọi "Cha ơi! Cha ơi!" Ông nội của Đông kéo tôi đứng lên và xoa đầu tôi bảo "Từ nay cháu về nhà ông ở, ông coi cháu như con cháu của ông vậy" Đông một bên cũng khóc thút thít va dụi mắt nói "Phải đấy, Tiểu-Phàm! Em hãy về ở chung với anh. Đừng khóc nữa. Em không có cha mẹ, anh cũng không có cha mẹ vậy, nhá" Và ông nội của Đông cũng khóc theo, chúng tôi khóc như mưa gió, chỉ có anh tôi cười.

Hôm ấy tôi ở trong căn nhà của Đông và sau thì sống hẳn ở đó! Đêm đến Đông lẻn vào phòng tôi, tôi khóc, Đông cũng khóc theo.

Ba năm sau ở Đài Loan, ông nội của Đông mất, tội nghiệp ông không được nằm trong cái quan tài đã được sơn lại mười mấy lần của ông... Đêm đêm tôi cũng lẻn vào phòng Đông, Đông khóc tôi cũng khóc theo.

Ồ! Tại sao tôi lại nhớ tới toàn chuyện những việc đau lòng? Chỉ tại cái đêm mưa đáng ghét này!

Ngày... tháng...

Họ Thạch và Họ nghê, không thể nào giải thoát nổi một nghiệp chướng đời đời, kiếp kiếp. Ngày trước những người ở cố hương nói như thế, họ còn nói thêm vào một câu:

"vĩnh viễn không có thiện quả"

Thật thế ư? Đông bảo đó là những lời nói ma quái. Nhưng tại sao trong dòng họ Thạch và Nghê, mỗi đời đều có hai kẻ yêu nhau? Và cũng đều bị ly tán và bất đắc thiện chung? Không lẽ tôi và Đông cũng... a! Tôi sợ quá! Tôi sợ tất cả những điều này.

Đông! Đông ơi! Em yêu anh đến thế, nếu một ngày nào đó, cái ngày đáng sợ ấy sẽ đến, em van anh, em van anh đừng bỏ em, đừng bao giờ bỏ em, nhá Đông?

Đây là một bộ phận nhật ký mà tôi đã đọc đêm hôm đó. Đông! Tiểu Phàm! Tôi đi vào thế giới tình yêu của họ. Quyển nhật ký đầu tiên đo tôi xem đến nửa đêm. Đầu tôi nặng trĩu, mắt tôi hoa lên. Cả đêm hôm đó, hình ảnh của Đông, và Tiểu-Phàm cứ lởn vởn trước mắt tôi, không thể nào xua đuổi đi được.

Bắt đầu từ quyển nhật ký đầu tiên này, tôi đã qui nap. được một mẫu chuyện tình giản dị, nhưng thật cảm động Tiểu-Phàm và Đông, là một đôi tình nhân gần gũi nhau từ lúc còn thơ ấu. Giữa hai họ Thạch và Nghê có một mối thâm giao, nên khi cha mẹ của Tiểu-Phàm mất đi, nàng được họ Thạch nuôi dưỡng và trưởng thành trong gia đình họ Thạch, ngày ngày họ sống bên nhau nên tình yêu cũng càng ngày càng nẩy nở trong tim họ. Nhưng có một ám ảnh huyền bí nào đó cứ luôn luôn bao trùm lấy họ một thứ ám ảnh mà cả hai đều không thể dùng năng lực của họ để loại trừ. Nó vây chặt lấy họ, làm họ hoang mang, đau khổ, hơn nữa, cuộc tình này còn bị một trở ngại khác là người "anh cả" thường xuyên xuất hiện trong quyển nhật ký! Đây là một mẫu chuyện mà tôi góp lại còn cái "ám ảnh" kia là gì, tôi không làm sao hiểu được Đông và Tiểu-Phàm là ai, tôi cũng không biết nốt. Nhưng mỗi lúc, tôi mỗi quen thuộc với họ hơn, trong hai ba ngày rảng rang vô sự kế tiếp.

Cuối cùng tôi đã đọc xong toàn bộ nhật ký của Tiểu-Phàm. Thực ra, trong quyển nhật ký cuối cùng gần như không phải ghi lại những sự thật nữa,mà là những lời lẽ lảm nhảm, những câu văn không đầu không đuôi, không ý nghĩa giăng đầy cả mỗi trang giấy. Lại còn những hình vẽ rùng rợn, như sọ người, một khuôn mặt dữ dằn được nhễu đầy mực đỏ như những giọt máu, những nét gạch ngoằn ngoèo và những khoảng giấy rách thủng bởi ngòi viết máy! Thế này là thế nào? tôi chả biết. Lật đến trang cuối cùng có một đoạn Tiểu-Phàm viết hơi rõ rệt và suông sẻ như sau:

"Những ý nghĩ thật quái gở những đôi mắt to, thật to đang nhảy múa trong phòng tôi. Tôi thù ghét chúng nó, suốt đêm tôi bị những con quỉ nhỏ vồ lấy, chúng nó rút gân, lột da tôi, lấy muôn ngàn mũi kim đâm vào người tôi. Ôi, đau đớn quá! Đông! Đông là ai? Tôi dùng đủ cách để nghĩ nhưng nghĩ không ra. Họ đòi bắt tôi, tôi biết, có rất nhiều, rất nhiều người hỏi tôi rất nhiều chuyện hỏi không ngừng. Hỏi không thôi.

Trời ơi! Tôi phải... Tôi phải làm thế nào bây giờ!”

Đằng sau không còn nữa, từ trang này trở đi không có trang nào đọc được tôi ném quyển nhật ký sang một bên, đầu óc hoang mang kinh sợ tại sao lại có việc quái gở như thế này? Tôi đến đây để làm thư ký cho một người, nhưng người này không có việc cho tôi làm, mà lại đặt tôi vào một căn phòng chứa đầy huyền bí và chiếc bóng ám ảnh của Tiểu-Phàm. Thế này là nghĩa làm sao? Tôi không thể nào giải đáp được nỗi thắc mắc giăng trước mặt tôi. Chủ nhân tôi vẫn sáng đi chiều về và không đá động gì tới việc làm của tôi. Tôi càng nghĩ càng cảm thấy tình trạng này có mòi không ổn. Cuối cùng tôi quyết định phải hỏi thẳng chủ nhân. Thì cũng ngày lúc ấy, chủ nhân lại cho mời tôi "tiếp kiến" với ông.

/7

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status