Ỷ Thiên Đồ Long Ký

Chương 251

/257


Y tuổi tác tuy hơi lớn hơn Từ Đạt nhưng bình thời vẫn phục Từ Đạt mưu trí, cũng không bàn thêm gì nữa.

Từ Thường hai người chinh chiến lâu năm nên lệnh lạc gì cũng đều chu đáo đâu ra đấy. Trương Vô Kỵ biết mình kém xa nên mời Từ Thường hai người chỉ huy, tìm kiếm giết sạch những quân Nguyên bỏ chạy.

Đêm hôm đó tiếng reo hò vang động chân núi Thiếu Thất, nghĩa quân Minh Giáo cùng anh hùng tứ xứ ăn mừng chiến thắng. Quần hùng mấy hôm liền ở trong chùa Thiếu Lâm ăn toàn đồ chay, mồm miệng thấy nhạt thếch, nay được rượu thịt no nê, ai nấy ăn đến căng cả bụng.

Trong tiệc Trương Vô Kỵ hỏi lại Thường Ngộ Xuân thân thể độ này thế nào, có theo những toa thuốc chàng cắt mà chữa trị không. Thường Ngộ Xuân cười ha hả nói:

- Giáo chủ chớ có lo lắng, lão Thường này khỏe như trâu, mỗi bữa ăn ba cân thịt, sáu chén cơm, đi đánh trận ba ngày ba đêm liền không ngủ cũng chẳng hề hấn gì.

Nói như thế ý bảo chẳng cần phải thuốc thang cho thêm phiền. Trương Vô Kỵ nghĩ đến lời Hồ Thanh Ngưu năm xưa nói, khẩn khoản khuyên ông ta nên uống thuốc, giữ gìn sức khỏe. Thường Ngộ Xuân chỉ ậm ừ vâng dạ nhưng trong bụng chẳng coi vào đâu.

Từ Đạt rót đầy một chén rượu bưng đến trước mặt Trương Vô Kỵ, nói:

- Chúc mừng giáo chủ, xin cạn chén rượu này.

Trương Vô Kỵ cầm lấy uống cạn, Từ Đạt nói tiếp:

- Thuộc hạ vẫn thường khâm phục giáo chủ can đảm hơn người, võ công tuyệt luân ngờ đâu dùng binh lại thần diệu đến thế, thực là phúc của bản giáo, là cái may của dân đen.

Trương Vô Kỵ cười ha hả nói:

- Từ đại ca, đại ca chẳng nên khen ngợi tôi làm gì. Chiến thắng hôm nay, trước là Từ Thường hai vị đại ca đến thật thần tốc, thứ đến nhờ lời dậy bảo để lại của Nhạc Vũ Mục, tiểu đệ hoàn toàn chẳng có chút công lao nào.

Từ Đạt ngạc nhiên hỏi:

- Di giáo của Nhạc Vũ Mục là sao? Xin giáo chủ giảng rõ cho.

Trương Vô Kỵ móc trong túi ra một cuộn sách màu vàng, trên bìa viết Vũ Mục Di Thư, lật đến tiết Binh Khốn Ngưu Đầu Sơn đưa cho Từ Đạt xem. Từ Đạt hai tay cầm lấy, đọc kỹ một lượt, không khỏi vừa kinh hoàng, vừa bội phục, thở dài nói:

- Vũ Mục dụng binh như thần, người đời sau thật không sao theo kịp. Nếu như Nhạc Vũ Mục còn sống đến hôm nay, tất lãnh hào kiệt trung nguyên, lo gì không đuổi được quân Thát tử trở về sa mạc phía bắc.

Nói xong cung kính giao lại di thư. Trương Vô Kỵ không cầm nói:

- Võ lâm chí tôn, Bảo đao Đồ Long, Hiệu lệnh thiên hạ, Mạc cảm bất tòng. Nghĩa thực sự của mười sáu chữ đó đến nay ta mới hiểu. Gọi là "võ lâm chí tôn" không phải là bản thân thanh đao mà là ở di thư dấu trong thanh đao này. Nếu dùng binh pháp này đối phó với địch đánh thể nào cũng đánh đâu được đó nên mới gọi là "hiệu lệnh thiên hạ, mạc cảm bất tòng". Còn như chỉ riêng một thanh đao mà thôi thì làm thế nào mà hiệu lệnh được thiên hạ? Từ đại ca, bộ binh thư này ta tặng cho đại ca đó, mong đại ca nối chí Nhạc Vũ Mục, đường mây thẳng tiến, thu phục giang sơn.

Từ Đạt giật mình kinh hãi, vội nói:

- Thuộc hạ có tài đức gì mà dám nhận món quà hậu hĩ như thế của giáo chủ?

Trương Vô Kỵ nói:

- Từ đại ca chớ có từ chối. Ta vì trăm họ mà giao binh thư này lại cho đại ca.

Từ Đạt tay run run cầm lấy binh thư. Trương Vô Kỵ nói tiếp:

- Trong võ lâm truyền ngôn còn hai câu nữa: "Ỷ Thiên bất xuất, thùy dữ tranh phong?". Nay kiếm Ỷ Thiên gãy làm hai rồi nhưng về sau thể nào cũng nối lại được. Bên trong kiếm có dấu một bộ võ công bí cập thật là ghê gớm, ta cũng hiểu được chân ý của hai câu này là binh thư để đuổi quân Thát tử thế nhưng nếu có người nào sau này chấp chưởng đại quyền nhưng rồi tác oai tác phúc, lấy bạo ngược thay bạo ngược, bách tính lại chịu lầm than thì thể nào cũng có một vị anh hùng tay cầm kiếm Ỷ Thiên đến lấy đầu bạo chúa. Kẻ thống lãnh bách vạn hùng binh quyền khuynh thiên hạ nhưng chưa chắc đã chống đỡ nổi một cái đánh của kiếm Ỷ Thiên, câu đó mong đại ca ghi nhớ.

Từ Đạt mồ hôi lạnh chảy ròng ròng trên lưng không dám từ chối nữa nói:

- Thuộc hạ cẩn tuân lệnh chỉ của giáo chủ.

Y nghĩ thầm: "Giáo chủ đem Vũ Mục Di Thư tặng cho ta, ta tự nhiên nghiêm túc tuân mệnh, sử dụng tốt di thư này", rồi cầm Vũ Mục Di Thư để trên bàn, cung kính lạy bốn lạy rồi bái tạ Trương Vô Kỵ đã ban tặng cho quyển sách. Quả nhiên từ đó Từ Đạt dụng binh như thần, liên tiếp đánh bại quân Nguyên, sau cùng thống lãnh quân đội đánh lên phương bắc, đuổi được người Mông Cổ ra ngoài biên ải, uy chấn vùng mạc bắc lập nên công nghiệp hiển hách một thời.

Từ đó anh hùng Trung Nguyên đều nức lòng quy phục Minh Giáo, hiệu lệnh của Trương Vô Kỵ đến đâu không ai không theo. Mấy trăm năm qua Minh Giáo bị người đời chê trách, coi như yêu ma dâm tà, kể từ đại biến long trời lở đất này trở nên thủ lãnh quần hùng, trung hưng được cơ nghiệp của con cháu Hán tộc. Tuy về sau Chu Nguyên Chương thay lòng đổi dạ, thi hành gian mưu lên ngôi hoàng đế, nhưng y mưu đồ giáo chủ Minh giáo cuối cùng không thành, có điều những người phò tá y đều là người trong Minh Giáo cho nên quốc hiệu không thể không xưng là nhà Minh. Minh triều từ Hồng Võ nguyên niên Mậu Thân cho tới Sùng Trinh năm thứ mười tám Giáp Thân, tổng cộng hai trăm bảy mươi bảy năm cũng do Minh Giáo phò trợ mà có.

Sau khi Chu Nguyên Chương đăng cơ, không muốn nhường lại nghiệp lớn đã thành của mình, Minh giáo có rất nhiều công tích, lại không muốn chính vụ triều đình bị giáo chủ Minh giáo ràng buộc can thiệp, bởi vậy cố gắng làm mờ đi dấu vết liên quan đến Minh giáo, không ít công thần đại tướng xuất thân từ Minh giáo, chỉ vì không ủng hộ y làm giáo chủ Minh giáo, liền không biết tại sao bị sát hại không minh bạch. Bọn Phùng Thắng, Phó Hữu Đức, Lam Ngọc đại tướng cả nhà bị giết, liên luỵ rất lớn, sử đều ghi rõ. Mà theo dã sử đồn đại, Thường Ngộ Xuân bị bệnh chết sớm, Từ Đạt lại bị Chu Nguyên Chương hạ độc ám hại mà chết. Trong các đại tướng khai quốc Minh triều, người có thể được bảo thọ mà chết già chỉ có một mình Thang Hòa mà thôi. Người này rất bình thường, từ trước đến nay chỉ nghe đúng mệnh lệnh của Chu Nguyên Chương nên không bị Chu Nguyên Chương kiêng dè.

Sau đó đám người Trương Vô Kỵ tiếp tục tạm gác lại trong Thiếu Lâm tự, chữa trị bảo vệ cho quần hào bị thương trong chiến trận, cũng chờ Lý Thiên Viên đón Ỷ Thiên kiếm cùng Đồ Long đao trở về. Quần hào quá nửa đều muốn chính mắt thấy hai loại thần binh lợi khí thịnh truyền hơn mười năm trên giang hồ này, mắt thấy tả hữu vô sự, cũng đã phần ở lại núi Thiếu Thất.

Lại qua hơn mười ngày, Lý Thiên Viên cùng Bành Oánh Ngọc từ tiểu đảo trở về, cưỡi ngựa quay về núi Thiếu Thất, đem theo hai chiếc hộp gỗ nộp cho Trương Vô Kỵ. Trương Vô Kỵ mở hộp gỗ, chỉ thấy Đồ Long đao cùng Ỷ Thiên kiếm đều đã bị chém làm hai đoạn ở chỗ gần chuôi. Ở chỗ đứt của Đồ Long đao có một chỗ hổng, Trương Vô Kỵ đem thiết phiến có vẽ bản đồ để vào thì thấy vừa vặn, chặt chẽ, khi vũ động bảo đao sẽ không phát ra tiếng vang. Chỗ đứt của Ỷ Thiên kiếm có thể đút vừa khối thiết phiến viết "Phổ Độ Sơn Đông Đào Hoa đảo".

Quần hùng biết được Đồ Long đao tái xuất, đều kéo đến quảng trường quan sát.

Trương Vô Kỵ ba ngón tay giữ sống dao, nhấc nửa thanh Đồ Long đao lên, cầm trong tay vẫn là có chút nặng, chỉ một thoáng trăm mối ngổn ngang, cha mẹ mình chính vì đao này mà chết, hơn hai mươi năm trên giang hồ hỗn loạn không ngớt cũng là vì đao này. Quần hùng tụ tập ở Thiếu Lâm mục đích chính cũng là vì bảo đao này. Nghĩ đến lúc bảo đao xuất hiện, không ngờ rốt cuộc lại gãy đôi vô dụng.

Chàng còn đang trầm ngâm, Chưởng Kỳ Sứ của Nhuệ Kim Kỳ là Ngô Kình Thảo tiến lên nói:

- Khải bẩm giáo chủ, thuộc hạ vốn xuất thân thợ rèn, đã từng học qua phép đánh đao đánh kiếm, để thuộc hạ làm thử, biết đâu không nối lại được bảo đao, bảo kiếm như cũ.

Dương Tiêu vui mừng đáp lời:

- Thuật rèn kiếm của Ngô kỳ sứ thiên hạ vô song, xin giáo chủ để y thử xem sao.

Trương Vô Kỵ gật đầu:

- Hai loại lợi khí này bị gãy quả thực đáng tiếc. Ngô kỳ sứ nếu nối lại được thì còn gì bằng.

Ngô Kình Thảo quay sang nói với Liệt Hỏa Kỳ Sứ Tân Nhiên:

- Rèn đao rèn kiếm, cốt nhất là ở sức lửa, nhờ Tân huynh giúp cho một tay. Xem tình cảnh này, quân Thát Đát nhất thời chưa đánh lên núi, hai anh em ta làm ngay được chăng?

Tân Nhiên cười đáp:

- Cái gì chứ nhóm củi, đốt lửa thì vốn là nghề của huynh đệ.

Lập tức hai người chỉ huy thuộc hạ, đắp ngay một cái lò lớn, miệng lò rộng không đầy một thước. Ngô Kình Thảo lấy mảnh mũi đao Đồ Long xếp vào, chỗ gẫy ngay tại miệng lò. Nhiên liệu của Liệt Hỏa Kỳ đã sẵn sàng, chẳng mấy chốc lửa đã bừng bừng bốc lên. Ngô Kình Thảo tay phải đã đứt, chỉ còn lại một cánh tay trái. Bên cạnh y để hơn một chục loại binh khí khác nhau, mắt chăm chăm, mỗi khi thấy lửa biến màu, lại đem một món binh khí ném vào để xem sức nóng. Đợi đến khi lửa từ xanh biến thành trắng, tay trái mới cầm kìm, kẹp mảnh thanh đao Đồ Long còn lại chắp vào đầu bên kia để nung. Nửa thân trên y để trần, đốm lửa bắn tung tóe lên người nhưng dường như không cảm giác, vẫn hết tâm để vào việc. Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: "Rèn đao kiếm tuy là việc nhỏ, nhưng cũng phải học tập nhiều, bản lãnh lắm mới làm được. Nếu như loại thợ rèn tầm thường, chỉ chịu nóng không cũng không nổi".

Bỗng nhiên lịch kịnh mấy tiếng, hai tên giáo chúng kéo bễ ngã lăn xuống đất, bất tỉnh nhân sự. Tân Nhiên và Liệt Hỏa Kỳ Chưởng Kỳ Phó Sứ lập tức xông lên, gạt hai tên đó sang một bên, tự tay kéo bễ thổi lửa. Hai người nội lực không phải là yếu nên vừa sử kình quạt lò, lửa đã bốc lên, ngọn cao cả trượng, cảnh tượng thật là đẹp mắt.

Độ tàn nửa nén hương, Ngô Kình Thảo bỗng kêu lên: "Ối chà", tung mình nhảy vọt về phía sau, mặt đầy vẻ thất vọng. Mọi người ai nấy kinh hãi, nhìn lại trong tay y, thấy cái kềm đã bị nóng chảy, méo mó không còn hình thù gì, còn thanh đao Đồ Long vẫn không suy suyển. Ngô Kình Thảo lắc đầu:

- Thuộc hạ vô năng, thanh đao Đồ Long này quả thực danh bất hư truyền!

Tân Nhiên và Chưởng Kỳ Phó Sứ tạm ngưng thổi bễ, đứng lui sang một bên. Hai người áo quần ướt đẫm mồ hôi, tưởng như vừa ở dưới nước trèo lên. Triệu Mẫn bỗng nói:

- Vô kỵ ca ca, có phải thánh hỏa lệnh đao Đồ Long chặt không đứt phải không?

Trương Vô Kỵ đáp:

- Ừ, đúng vậy!

Chàng lấy trong bọc ra sáu tấm thánh hỏa lệnh, giao cho Ngô Kình Thảo:

- Đao kiếm không hàn lại được, cũng chẳng quan hệ gì. Thánh hỏa lệnh là vật chí bảo của bản giáo, không thể để cho hư hỏng.

Ngô Kình Thảo cúi mình tiếp lấy, đáp:

- Xin vâng lệnh!

Y thấy sáu thanh thánh hỏa lệnh không phải sắt, cũng chẳng phải vàng, cứng rắn vô cùng, nặng trình trịch, nên cúi đầu suy nghĩ.

Trương Vô Kỵ nói:

- Nếu thấy không ổn thì cũng đừng mạo hiểm làm gì.

Ngô Kình Thảo không trả lời, một hồi sau mới tỉnh giấc trầm tư, đáp:

- Thuộc hạ quả là không phải, xin giáo chủ thứ tội. Thánh hỏa lệnh này vốn là bạch kim trộn với huyền thiết và cát kim cương đúc thành, lửa nóng không làm chảy nổi. Thuộc hạ quả thật hồ nghi, không biết khi xưa làm sao đúc được, cho nên suy nghĩ nhất thời như mất cả hồn vía.

Triệu Mẫn liếc Trương Vô Kỵ một cái, nhoẻn miệng cười:

- Sau này giáo chủ sẽ có dịp sang Ba Tư để gặp một nhân vật thật là quan trọng, lúc đó Ngô huynh có thể đi theo, hỏi các thợ đúc cao thủ của họ xem làm cách nào.

Trương vô Kỵ ngượng nghịu nói:

- Ta sang Ba Tư để làm gì?

Triệu Mẫn mỉm cười:

- Chuyện đó không nói ra được.

Lại quay sang Ngô Kình Thảo:

- Ngươi xem, trên thánh hỏa lệnh còn có khắc hoa văn và chữ. Dù có sắc bén như đao Đồ Long hay kiếm Ỷ Thiên cũng không làm suy suyển được, thì những đường nét, văn tự ấy làm sao đục thành?

Ngô Kình Thảo đáp:

- Muốn khắc hoa văn, văn tự không có gì khó. Chỉ cần dùng sáp trắng phủ lên trên thánh hỏa lệnh, trên sáp khắc hình vẽ chữ, sau đó đem ngâm trong cường toan, chỉ vài tháng sau sẽ ăn mòn. Sau đó đem ra cạo hết sáp đi, các hình và chữ sẽ hiện ra. Điều tiểu nhân không hiểu là làm sao nung cho chảy được.

Tân Nhiên kêu lên:

- Thế thì có định làm không đây?

Ngô Kình Thảo hướng về phía Trương Vô Kỵ:

- Giáo chủ đừng ngại. Liệt hỏa của Tân huynh đệ tuy ghê gớm thật, nhưng không tổn hại được thánh hỏa lệnh đâu.

Tân Nhiên trong lòng hơi sợ, vội nói:

- Tôi chỉ hết sức thổi lửa, nếu như làm hỏng Thánh vật của bản giáo, thì không chịu tội đâu nhé.

Ngô Kình Thảo mỉm cười:

- Chỉ sợ ngươi không đủ nhẫn nại, có gì ta chịu hết.

Nói rồi lấy hai miếng thánh hỏa lệnh kẹp một nửa thanh đao, sau đó dùng một chiếc kìm mới kẹp lấy thánh hỏa lệnh đưa bảo đao vào trong lò nung lần nữa. Lửa mỗi lúc một bốc lên cao, nung đến hơn nửa giờ, chỉ thấy Ngô Kình Thảo, Tân Nhiên, Liệt Hỏa Kỳ phó sứ ba người thấp thoáng trong ánh lửa, mỗi lúc một thêm uể oải, xem chừng không còn chịu nổi.

Thiết Quan đạo nhân Trương Trung liếc mắt ra hiệu cho Chu Điên, phất tay một cái, hai người cùng xông lên nhảy vào thay cho Tân Nhiên và Liệt Hỏa Kỳ phó sứ, ra sức kéo bễ. Trương Chu hai người nội lực so với những người kia cao hơn nhiều, lửa trong lò bốc vút lên thẳng một làn trắng xóa.

Ngô Kình Thảo bỗng dưng quát lớn:

- Cố huynh đệ, ra tay đi.

Chưởng kỳ phó sứ Nhuệ Kim Kỳ tay cầm dao nhọn, chạy tới bên lò, chỉ thấy lấp lánh, đã giơ dao đâm thẳng vào ngực Ngô Kình Thảo. Quần hùng đứng chung quanh không khỏi thất sắc, đều lớn tiếng kêu la. Máu từ trên bộ ngực trần của Ngô Kình Thảo phun ra tung tóe trên thanh đao Đồ Long, gặp nóng lập tức bốc lên một làn khói xanh khét lẹt. Ngô Kình Thảo la lớn:

- Thành rồi.

Y lui lại mấy bước, ngồi phịch xuống đất, tay cầm một thanh đao đen sì. Quả thực hai mảnh của đao Đồ Long đã liền lại thành một. Mọi người bấy giờ mới biết, mỗi khi những người thợ đúc đao rèn kiếm không thành, phải nhỏ máu vào. Thời xưa, vợ chồng Can Tương, Mạc Tà thậm chí phải nhảy vào lò, mới đúc thành vô thượng lợi kiếm. Việc Ngô Kình Thảo làm chính là theo phong cách của những người xưa truyền lại.

Trương Vô Kỵ vội đỡ Ngô Kình Thảo lên, xem xét vết thương, thấy dao đâm không sâu, chẳng có gì đáng lo ngại. Chàng lấy kim sang rắc vào, dùng vải buộc lại, nói:

- Ngô huynh việc gì phải làm như thế. Đao này nối lại được hay không, không phải là quan trọng, đâu đáng để Ngô huynh phải chịu khổ đến vậy. Bạn đang xem tại TruyệnYY - www.truyenyy_com

Ngô Kình Thảo đáp:

- Vết thương nhỏ ngoài da thịt, có đáng gì để giáo chủ phải lo lắng.

Y đứng dậy, cầm thanh đao Đồ Long lên xem, thấy liền lạc không dấu vết, chỉ lờ mờ một lằn máu nhỏ, không khỏi mười phần đắc ý. Trương Vô Kỵ xem lại hai thanh thánh hỏa lệnh mới nung trong lò thấy không suy tổn mảy may, yên chí tiếp lấy thanh đao Đồ Long, chém xuống hai lưỡi mâu chàng vừa cướp được của lính Mông Cổ, chỉ nghe một tiếng soẹt nhỏ, hai món võ khí đứt ra làm đôi, đúng là chặt sắt như bùn.

Mọi người ai nấy reo lên:

- Đao tốt quá! Đao tốt quá!

Ngô Kình Thảo cầm hai mảnh kiếm Ỷ Thiên lên, nghĩ đến chưởng kỳ sứ Nhuệ Kim Kỳ Trang Tranh cùng mấy chục anh em chết vì kiếm này, nhịn không nổi nước mắt chảy ròng ròng nói:

- Thưa giáo chủ, thanh kiếm này đã giết chết Trang đại ca, giết thêm bao nhiêu là anh em bằng hữu của bản giáo, Ngô Kình Thảo này hận nó tận xương tủy, không muốn nối lại làm gì, xin giáo chủ trách phạt cho!

Nói xong rồi khóc òa lên. Trương Vô Kỵ nói:

- Đó chẳng qua là nghĩa khí của Ngô đại ca, đâu có tội vạ gì?

Chàng cầm lấy hai mảnh thanh kiếm gãy, đến trước mặt Tĩnh Huyền của phái Nga Mi nói:

- Kiếm này nguyên là của quý phái, xin sư thái giữ giùm, chuyển lại cho Chu… cho Tống phu nhân.

Tĩnh Huyền không nói một lời, cầm lấy hai mảnh kiếm gãy. Trương Vô Kỵ cầm thanh đao Đồ Long, suy nghĩ rồi quay sang nói với Không Văn:

- Phương trượng, thanh đao này do nghĩa phụ tôi mà có, hiện nay ông ta đã quy y tam bảo, thuộc về phái Thiếu Lâm, thanh đao này vậy do phái Thiếu Lâm chấp chưởng.

Không Văn xua tay rối rít nói:

- Thanh đao này đổi chủ mấy lần, sau cùng chính Trương giáo chủ cướp được trong đám thiên quân vạn mã, ai ai cũng chính mắt trông thấy, lại do Ngô đại ca của quý giáo nối lại. Huống chi hôm nay anh hùng thiên hạ đều suy cử Trương giáo chủ lên làm võ lâm chí tôn, luận tài luận đức, luận cả nguồn gốc, danh vị, đao này phải do Trương giáo chủ chưởng quản mới phải, có thế mới đúng là danh chính ngôn thuận.

Quần hùng cùng lên tiếng phụ họa, nói:

- Mọi người đều mong mỏi như vậy, Trương giáo chủ xin đừng thoái thác nữa.

Trương Vô Kỵ đành cầm lấy, nghĩ thầm: "Nếu như nhờ có thanh bảo đao này mà hiệu lệnh được anh hùng hào kiệt thiên hạ, cùng chung sức đuổi quân Hồ Lỗ thì đúng là việc mình phải làm". Lại nghe mọi người lao xao nói:

- Võ lâm chí tôn, bảo đao Đồ Long, hiệu lệnh thiên hạ, mạc cảm bất tòng.

Hai câu tiếp "Ỷ Thiên bất xuất, thùy dữ tranh phong?" không ai đề cập đến vì thấy thanh kiếm nay đã gãy liệu rằng không nối lại được nữa. Người trong Nhuệ Kim Kỳ của Minh Giáo hận thanh kiếm Ỷ Thiên này biết bao nhiêu, nay thấy thanh đao Đồ Long trở lại nguyên vẹn như cũ, còn Ỷ Thiên kiêm chỉ là hai mảnh kiếm gãy, ai nấy đều hả dạ.


/257

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status