Vô Kỵ tuy rất thông minh nhưng tuổi vẫn còn nhỏ nên nhất thời y không nghĩ ra được cách gì đối phó lại phái Thiếu Lâm đành phải nghe lời thái sư phụ mà theo bọn tăng nhân đó lên chùa.
Không Văn đem Vô Kỵ tới một căn phòng nhỏ rồi nói:
- Tiểu thí chủ đi đường mệt nhọc, hãy ở lại đây nghố ngơi trong chốc lát, lão tăng sẽ phái người đến đây truyền dậy võ công cho thí chủ ngay.
Nói xong, Không Văn dùng tay áo phất vào trước ngực và sau lưng thằng nhỏ mấy cái, điểm huyệt cho nó ngủ thiếp đi.
Không Văn đại sư là một trong ba đại thần tăng của phái Thiếu Lâm có tài điểm huyệt có thể nói là thiên hạ vô song. Dù những tay cao thủ có tên tuổi khác, chỉ bị Không Văn dùng tay áo hất phải yếu huyệt một cái , công lực mất ngay, hoặc chết hoặc mê man bất tỉnh.
Ngờ đâu Vô Kỵ theo Tạ Tốn học võ, nội công của y quái dở khôn lường, các huyệt đạo của y vẫn thường thường đổi chổ. Bữa nọ y bị tên lính Nguyên giả hiệu bắt cóc đem lên núi Võ Ðang và điểm huyệt cho y cấm khẩu, nhưng Vô Kỵ đã tự biết di chuyển vị trí của các yếu huyệt nên vẫn lên tiếng kêu cứu được.
Lúc này Vô Kỵ tình cờ bị Không Văn hất phải yếu huyệt liền mê man ngủ ngay.
Ðúng ra phải bốn tiếng đồng hồ sau y mới có thể tỉnh lại nhưng chỉ hơn tiếng sau, máu trong người Vô Kỵ đã lưu thông, huyệt đạo liền đổi chổ nên y tỉnh lại ngay.
Y vừa thức tỉnh đã nghe Không Trí nói:
- Ðạo sĩ dơ bẩn là tôn sư nhất đời, y đã nhận lời trao đổi võ công với chúng ta thì những gì y viết ra chắc không có chút nào giả dối đâu. Cho dù y viết ra không được rõ ràng cho lắm chúng ta cũng có thể đoán ra.
Vô Kỵ liền nghĩ thầm:
- Tại sao họ lại điểm huyệt cho ta ngủ như vậy. Hay là chúng định bàn tán âm mưu gì với nhau chăng?
Vô Kỵ nhắm mắt làm như ngủ mê man thực nhưng vẫn lắng tai nghe các vị thần tăng của phái Thiếu Lâm trò chuyện với nhau.
Sự thật giữa Thiếu Lâm và Võ Ðang tuy có chút hiềm thù với nhau nhưng Không Văn, Không Trí, Không Tín cũng là cao tăng nhất thời, khi nào họ lại dùng quỉ kế hại Trương Tam Phong? Họ còn phải lo giữ danh tiếng đã gây nên hơn nghìn năm nay của các vị đại sư tổ chứ?
Không Văn liền nói:
- Sư đệ nói rất đúng, những võ công và bí quyết của Trương Chân Nhân tất nhiên là thật rồi nhưng anh em chúng ta đã luyện qua Cửu Dương Thần Công của Thiếu Lâm đâu? Nếu người ngoài biết được chuyện này thì chúng ta không còn mặt mũi nào đứng trước mặt các anh hùng giang hồ võ lâm nữa? Bây giờ đành phải nhờ vả Viên Chân vậy. Dù có bị y la lối cũng đành phải chịu chứ biết làm sao bây giờ ?
Vô Kỵ nghe nói như vậy lại nghĩ tiếp:
- Té ra mấy lão hòa thượng này không biết Cửu Dương Thần Công của phái Thiếu Lâm , chẳng lẽ chúng lại dạy ta những võ công giả để để đánh lừa Thái sư phụ , lấy võ công thật của phái Võ Ðang cũng nên.
Y lại nghe Không Trí nói tiếp:
- Sư huynh là một vị Phương Trượng trưởng môn, cứ truyền pháp chỉ xuống thì Viên Chân phải tuân lệnh ngay. Vả lại chuyện này chúng ta định làm rạng rỡ võ học của bổn môn chứ có phải vì việc riêng của chúng ta đâu.
Không Văn thở dài một tiếng rồi đáp:
- Nếu Không Kiến sư huynh chưa khuất núi thì ta việc gì phải nhờ vả tới gã Viên Chân ấy ...
Ngẫm nghĩ giây lát người trưởng môn của Thiếu Lâm lại tiếp:
- Tam sư đệ, hãy cầm cây thiết thần trượng này của ngu huynh đi ra lệnh cho Viên Chân. Bảo y truyền dạy Cửu Dương Thần Công cho thiếu niên họ Trương này!
Không Trí đáp:
- Xin tuân lệnh!
Thì ra năm xưa, Giác Viễn đại sư truyền Cửu Dương Chân Kinh ở ngoài núi hoang, phần kinh mà Trương Tam Phong học được trở thành Cửu Dương Công của phái Võ Ðang , phần Quách Tường nữ hiệp học được thành Cửu Dương Công của phái Nga Mi, phần Vô Sắc đại sư học được thành Cửu Dương Công của phái Thiếu Lâm.
Môn Cửu Dương Thần Công này rất bác đại và cao thâm, mỗi phái chỉ truyền lại cho vài ba người thôi. Phái Thiếu Lâm vì có tới bảy mươi hai tuyệt kỹ nên người chuyên luyện Cửu Dương Thần Công lại càng ít hơn hai phái kia. Từ Vô Sắc đại sư truyền xuống đến Không Kiến, mỗi đời chỉ có một người học thôi.
Các đệ tử tăng tục của phái Thiếu Lâm đều coi Giác Viễn là đệ tử bị đuổi ra khỏi phái nên không mấy ai chịu học môn thần công của lão truyền lại. Tuy thật tinh diệu đấy nhưng không phải ai cũng muốn học cả vì tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm còn nhiều lắm dù học hết đời cũng không sao học được .
Tuy vậy đời nào cũng có một đệ tử học môn Cửu Dương Thần Công này để khỏi bị thất truyền.
Lúc ấy trong chùa Thiếu Lâm chỉ có đệ tử của Không Kiến là Viên Chân theo học môn Cửu Dương Thần Công này thôi. Nhưng tính nết của hòa thượng này rất kỳ dị, suốt năm bế quan không chịu đi ra ngoài.
Ðối với ba vị thần tăng thì còn có chút đỉnh lễ phép, ngoài ra tất cả những tăng nhân khác trong chùa đều ít có ai được nói chuyện với Viên Chân.
Hằng năm, cứ đến ngày kỷ niệm Ðạt Ma Tổ Sư quá giang là trong chùa có cử hành thi thố võ nghệ và do ba vị thần tăng làm giám khảo.
Tất cả tăng nhân trong chùa đều tới dự.
Riêng có Viên Chân lần nào cũng cáo ốm, không chịu ra dự thi. Không ai biết y đau thật hay giả nên không ai rõ được võ công của y đã luyện tới mức nào. Vì vậy anh em Không Văn mới nghĩ đến nhờ Viên Chân truyền dậy võ công cho Vô Kỵ mặc dù cả ba đều biết Viên Chân rất khó sai bảo.
Lát sau Không Trí quay trở lại nói:
- Tính nết của Viên Chân quái dở thật. Y bảo đi tu rồi không muốn gặp mặt người ngoài nữa. Nay vì pháp chỉ của Phương Trượng ban xuống nên y đành phải tuân theo. Nhưng y chỉ nhận lời cách vách truyền dậy thôi.
Không Văn suy tính giây lát liền nói:
- Y muốn thế đành phải chiều theo vậy thôi. Lát nữa sư đệ cho Trương Tam Phong viết xong kinh văn đem vào đây xem qua nếu không sai thì sư đệ đưa thiếu niên này đi cho Viên Chân truyền dậy Cửu Dương Chân Kinh. Sau đó sư đệ lại bảo bọn nhà bếp làm một mâm cỗ chay, đem lên Lập Tuyết Ðình để khoản đãi Trương Tam Phong. Dù sao lão đạo sĩ ấy cũng là một tôn trưởng của một đại môn phái, chúng ta không nên thất lễ.
Tiếp theo đó ba người bàn tán chuyện khác, được một lúc thì rời khỏi gian phòng liền. Vô Kỵ nằm trên giường đợi chờ.
Một lát sau mới thấy có người đi vào trong phòng.
Y mở mắt ra nhìn, thấy đó là một chú tiểu, đem cơm vào cho y ăn.
Ăn no rồi, Vô Kỵ nghe chú tiểu bảo:
- Tiểu thí chủ hãy theo tiểu tăng đi tới đằng kia!
Vô Kỵ hỏi:
- Ði đâu thế?
- Phương Trượng chúng tôi bảo đưa tiểu thí chủ đi gặp một người.
- Người đó là ai?
- Tiểu tăng không được rõ, Phương Trượng đã ra lệnh không cho tiểu tăng nói nhiều.
Vô Kỵ thấy chú tiểu làm ra vẻ bí mật liền nghĩ thầm:
- Các người cố ý làm ra vẻ bí mật nhưng ta đã biết rõ hết rồi. Bây giờ ngươi định đưa ta gặp một quái hòa thượng tên là Viên Chân gì đó chứ còn ai nữa!
Nghĩ đoạn, Vô Kỵ liền theo sau chú tiểu đi qua một căn phòng và mấy cái sân.
Vừa đi y vừa nghĩ:
- Chùa Thiếu Lâm lớn hơn Ngọc Hư Cung của phái Võ Ðang chúng ta nhiều .
Y đi theo chú tiểu tới trước một tiểu viện, xung quanh cây cối um tùm.
Ngoài cửa viện có treo tấm mành trúc.
Ði tới trước tấm mành trúc đó chú tiểu liền lớn tiếng bẩm:
- Bẩm đại sư, Trương tiểu thí chủ đã tới.
Trong nhà có một giọng nói rất trầm đáp:
- Vào ngay đi!
Vô Kỵ liền đẩy cửa vào bên trong, chú tiểu ở bên ngoài thuận tay khép của lại và đi liền.
Vô Kỵ nhìn chung quanh thấy căn nhà đó trống không, chỉ dưới đất có một tấm bồ đoàn còn bốn vách thì tiêu điều liền nghĩ thầm:
- Sao trong nhà lại không có một ai thế này? Và phía sau cũng không có cửa ngõ gì hết? Người vừa lên tiếng ở đâu?
Y đang thắc mắc bỗng nghe giọng nói trầm khi trước nói:
- Thí chủ hãy ngồi xuống, nghe bần tăng thuật lại bí quyết Cửu Dương Thần Công của phái Thiếu Lâm . Bần tăng chỉ nói một lần thôi, thí chủ phải cố nhớ lấy. Nhớ được nhiều hay ít là do sự thông minh và trí nhớ của thí chủ. Phương Trượng sau bần tăng truyền dậy võ công, bần tăng chỉ biết tuân lệnh. Thí chủ có lĩnh hội được hay không, không can hệ gì đến bần tăng.
Vô Kỵ quay mặt lại nhìn về phía có tiếng nói đó mới hay hòa thượng ở căn phòng bên, đằng say tấm vách đó nói sang. Tiếng nói đó xuyên qua vách thì không có gì là lạ cả, ai cũng có thể làm được nhưng lời nói của Viên Chân rất rõ ràng, tựa như ngồi đối diện vậy, như thế mới thật vậy, trong lòng thán phục vô cùng nên yên lặng không nói gì đến nữa. Y thừa lệnh Không Văn đại sư truyền Cửu Dương Thần Công cho Vô Kỵ mà trong lòng y không muốn chút nào. Lệnh của Phương Trượng chỉ bảo truyền dậy chứ không nói là phải chỉ cho Vô Kỵ biết mới được vì thế y nói luôn một thôi dài và chắc rằng Vô Kỵ là một đứa nhỏ, tuổi trạc mười hai mười ba , giỏi lắm nhớ được một vài câu là cùng. Y có ngờ đâu Vô Kỵ lại thông minh đến thế. Y cũng phải công nhận Vô Kỵ là một kỳ tài hiếm có trên thiên hạ.
Vô Kỵ thấy chú tiểu nằm dưới đất chân tay co quắp liền động lòng thương nên lên tiếng hỏi:
- Thưa thiền sư, chẳng hay tiểu sư phụ này làm sao mà bị co quắp người như thế?
Viên Chân lạnh lùng đáp:
- Y ở ngoài cửa nghe lỏm bần tăng truyền võ công cho tiểu thí chủ nên bần tăng mới dùng Kim Cương Thiềm Xướng (Bài ca Phật Kim Cương) để cho y chịu chút đau khổ nhưng chỉ một lát thôi y sẽ tự khỏi ngay.
Nói tới đó, Viên Chân ngẫm nghĩ giây lát rồi tiếp:
- Bần tăng không hiểu tại sao Phương Trượng lại ra lệnh cho bần tăng truyền Cửu Dương Thần Công cho thí chủ làm gì? Tên họ của thí chủ tất nhiên bần tăng không biết , còn pháp danh của bần tăng thí chủ cũng khỏi cần biết tới. Bần tăng không biết trước kia thí chủ đã học qua những võ công gì? Nhưng bần tăng thấy thí chủ thông minh như vậy chắc tương lai sẽ rạng rỡ lắm. Tiện đây bần tăng vui lòng giúp thí chủ một phen để đả thông kinh kỳ bát mạch khác người của thí chủ, như vậy sau này thí chủ luyện tập Cửu Dương Thần Công sẽ tiến bộ nhanh gấp bội.
Vô Kỵ chưa kịp trả lời đã thấy hòa thượng dùng tay đấm mạnh mấy cái vào tường cho nứt ra rồi lần cạy văng mấy viên gạch làm thủng một lỗ trên tường. Vô Kỵ chưa hết kinh ngạc thì Viên Chân đã truyền thần công cho Vô Kỵ, giúp đả thông kinh kỳ bát mạch. Vô Kỵ liền quỳ xuống và nói:
- Tiểu tử đa tạ thiền sư đã truyền võ công cho và đả thông bát mạch cho Vô Kỵ, ơn đức này không bao giờ dám quên!
Viên Chân không muốn nhận lễ bái của Vô Kỵ liền quay đi và bảo Vô Kỵ:
- Ngươi đi thưa lại với Phương Trượng, bảo việc truyền võ công của bần tăng đã xong. Trí nhớ của thí chủ quả thật kinh người! Thí chủ đã nhớ được hết khẩu quyết của môn Cửu Dương Thần Công rồi.
Vô Kỵ nghe Viên Chân nói vậy đang ngơ ngác không hiểu liền nghe chú tiểu đứng phía sau lên tiếng:
- Vâng!
Thì ra Viên Chân dặn bảo chú tiểu đó đi thưa lại với Phương Trượng.
Vô Kỵ thấy mặt chú tiểu nhợt nhạt như người chết đuối và có vẻ sợ hãi khôn tả.
Vô Kỵ theo chú tiểu ra khỏi chùa, suốt dọc đường gặp khá nhiều tăng nhân, người nào người nấy đi ở bên lề đường, cúi đầu nhìn xuống.
Tuy ở trong chùa có hơn nghìn tăng chúng mà không nghe một tiếng cười đùa nào cả. Ngay cả những đệ tử tục gia tới chùa học võ cũng vậy, không ai dám ưởn ngực đi lại một cách nghênh ngang như những đệ tử của các môn phái khác.
Lúc Vô Kỵ đi qua các tăng nhân hay đệ tử tục gia không thấy họ đưa mắt nhìn mình chút nào cũng phải khen thầm:
- Phái Thiếu Lâm đứng đầu thiên hạ có khác, luật qui trong chùa quả thật nghiêm ngặt vô cùng!
Nghĩ tới đó, Vô Kỵ mới nhận thấy phái Võ Ðang tự do hơn phái Thiếu Lâm nhiều. Trên núi Võ Ðang muốn nói muốn cười, muốn chạy muốn đùa cũng không ai lý tới. Ngay cả cách ăn mặc cũng thế, đệ tử của phái Võ Ðang không phải ăn mặc chỉnh tề như phái Thiếu Lâm.
Chú tiểu và Vô Kỵ đi tới Lập Tuyết Ðình thấy Trương Tam Phong viết được hơn ba mươi trang giấy thế mà vẫn chưa hết những khẩu quyết của hai môn võ công.
Vô Kỵ cảm động vô cùng, nước mắt ứa ra lớn tiếng nói:
- Thái sư phụ, thiền sư đã truyền dậy cho con đủ mười hai thức Cửu Dương Thần Công của phái Thiếu Lâm rồi.
Trương Tam Phong nghe nói cả mừng:
- Tốt lắm! Tốt lắm!
Trương Chân Nhân lại viết tiếp, không bao lâu lão anh hùng đã viết xong.
Tăng nhân đứng hầu cạnh liền vào trong chùa bẩm báo cho Phương Trượng hay.
Một lát sau, ba vị thần tăng trở ra đem theo một thanh niên tuổi trạc hai mươi lăm, hai mươi sáu, đệ tử tục gia của chùa Thiếu Lâm.
Trương Tam Phong ngạc nhiên vô cùng vì Chân Nhân biết luật lệ của chùa Thiếu Lâm vẫn qui định, hễ chưa học thành tài thì các đệ tử tục gia không được phép ra khỏi cửa chùa lấy một bước. Những đệ tử tục gia đó, được vào chùa Thiếu Lâm không phải là chuyện dễ mà ra khỏi cửa chùa lại càng khó khăn hơn. Vậy sao lúc này trưởng môn Phương Trượng lại đem một đệ tử tục gia ra khỏi chùa như thế làm gì?
Trương Tam Phong liếc mắt ngắm nhìn thiếu niên đó một hồi, thấy thiếu niên đó người gầy gò, hai má rất cao, tay dài, chân ngắn, đôi ngươi rất sắc, hiển nhiên là một người tài hoa.
Không Văn đi vào trong Lập Tuyết Ðình, chắp tay vái chào và nói:
- Trương Chân Nhân vất vả quá!
Trương Tam Phong mỉm cười đáp:
- Ða tạ Phương Trượng từ bi, đã cho phép thằng nhỏ được học hỏi thần công của quí phái, không khác gì là cứu được tính mạng của nó!
Nói xong, Trương Chân Nhân đưa hơn ba mươi tờ giấu vừa viết xong cho Không Văn và nói tiếp:
- Tiểu đạo đã viết rõ những tinh yếu của Thái Cực Quyền thập tam thức và Võ Ðang Cửu Dương Thần Công vào đây mong ba vị sư huynh xem qua và chỉ giáo cho!
Không Văn đỡ lấy những tờ giấy đó rồi đưa ngay cho thiếu niên dứng ở phía sau chứ không đọc.
Thiếu niên nọ giở từng trang một ra xem.
Trương Tam Phong liền nói:
- Trời đã tối, tiểu đạo xin cáo lui!
Không Văn vội nói:
- Trương Chân Nhân giá lâm Thiếu Lâm Tự anh em bần tăng chưa kịp tiếp đãi Trương đã đi ngay. Vậy xin Chân Nhân hãy nán lại một chút, để anh em bần tăng được kính ba chén rượu lạt.
Không Văn vừa dứt lời một tăng nhân bưng khay rượu lên.
Thế rồi Trương Tam Phong cùng Không Văn đối ẩm ba chén.
Tiếp theo Trương Chân Nhân lại uống với Không Trí và Không Tín, mỗi người ba chén nữa.
Sau rốt Trương Tam Phong bảo Vô Kỵ vái chào ba vị cao tăng.
Hai ông cháu đang định quay đi bỗng nghe thanh niên đứng phía sau Không Văn lên tiếng nói:
- Thưa sư bá, những khẩu quyết Trương Chân Nhân viết ra trong này đều là võ công mà sư phụ con đã dậy con rồi.
Trương Tam Phong nghe nói kinh ngạc biến sắc mặt nghĩ thầm:
- Làm gì có chuyện như thế?!
Không Văn vội quát mắng:
- Bậy nào! Thái Cực Quyền thập tam thức là môn võ công chấn sơn của phái Võ Ðang mà Trương Chân Nhân đã mất bao nhiêu tâm huyết mới sáng tạo ra được, sao con lại bảo đã được học qua?
Thiếu niên nọ đưa xấp giấy đó cho Không Văn nói tiếp:
- Xin sư bá cứ đọc qua sẽ rõ ngay!
Không Văn liền cầm giấy đó lên đọc qua loa rồi đưa cho Không Trí, Không Tín.
Hai người thần tăng đó cũng giở ra đọc đại khái, mỗi trang họ chỉ đọc một vài chữ đầu thôi. Không Trí liền khẽ nói:
- Thưa sư huynh, võ công viết trong này quả thực là võ công của phái Thiếu Lâm chúng ta.
Trương Tam Phong vừa kinh hãi vừa tức giận nghĩ thầm:
- Ta tốn hơn ba mươi năm mới nghiên cứu ra môn Thái Cực Quyền thập tam thức này, khác hẳn những môn võ học của Thiếu Lâm Tự , tại sao chúng lại bảo là võ công của phái Thiếu Lâm được? Ngay như môn Cửu Dương Thần Công của ta tuy xuất xứ từ Cửu Dương Chân Kinh của Ðạt Ma nhưng tám mươi năm nay ta đã thêm thắt, sửa chữa rất nhiều. Phái Thiếu Lâm các người làm sao mà biết được?
Không Trí đưa tập giấy đó trả lại cho Trương Tam Phong với giọng lạnh lùng nói:
- Võ học của phái Võ Ðang nguồn gốc xuất xứ từ phái Thiếu Lâm , anh em bần tăng tưởng võ công của quí phái thay đổi nhiều, không ngờ không có gì là lạ cả!
Trương Tam Phong nghĩ ngợi giây lát liền hiểu ngay ý định của đối phương nghĩ thầm: - Phái Thiếu Lâm các người sợ mang tiếng với giang hồ là học lại tâm pháp của phái Võ Ðang chúng ta cho nên mới phải nói bừa là đã biết những võ công này rồi .
Ðoạn Trương Chân Nhân ngửng đầu lên vừa cười vừa nói:
- Từ xưa tới nay Trương mỗ đã nói ra không bao giờ thay đổi, những võ công này vốn thô thiển, những người cao siêu , đọc thế nào cũng chê cười. Nếu ba vị cho là những môn võ công này không ra gì thì vứt nó đi cũng không sao.
Tuy lão anh hùng nói như vậy nhưng vẫn không đưa tay ra đón lấy tập giấy của Không Trí đưa ra. Không Trí lại nói:
- Trương Chân Nhân nói vậy hình như không tin lời nói của anh em chúng tôi?
Y quay lại nói với thanh niên kia:
- Hữu Lượng, con thử đọc lại những lời quyết Cửu Dương Thần Công và Thái Cực Quyền thập tam thức mà sư phụ đã truyền dậy để Trương Chân Nhân nghe, xem có giống những võ công của Chân Nhân viết ra không?
Thiếu niên nọ vâng lời, lớn tiếng đọc hết hai pho Cửu Dương Thần Công và Thái Cực Quyền , không sai một câu, không sót một chữ.
Chờ thiếu niên đó đọc xong Vô Kỵ liền nói với Trương Tam Phong:
- Thưa Thái sư phụ , vừa rồi người này đọc xong kinh văn của Thái sư phụ viết ra đã ghi sâu vào trong lòng rồi lại đi bảo những võ công đó là của phái Thiếu Lâm có trước, thật không biết xấu hổ chút nào!
Lúc này Trương Tam Phong đã biết rõ ý định của ba vị thần tăng kia rồi. Thì ra đồ đệ của Không Trí có trí nhớ rất kinh người. Bất cứ bài văn khó đến đâu, y chỉ cần đọc qua một lần là thuộc ngay. Sau khi y đọc hết ba mươi mấy trang giấy của Trương Tam Phong, nhớ kỹ xong liền trả lại để tỏ rằng cuộc trao đổi này không ích gì cho phái Thiếu Lâm hết. Trương Chân Nhân ha hả cười và nói:
- Trong lúc ba vị thần tăng mời mỗ uống rượu thì các hạ đã học thuộc lòng hai pho võ công của mỗ viết. Người thông minh tài trí như các hạ đây Trương Tam Phong đây cũng phải hổ thẹn, thật., không sao bằng được. Chẳng hay quí tính đại danh của các hạ là chi?
Thiếu niên nọ đáp:
- Không dám, hậu sinh họ Trần tên Hữu Lượng.
Trương Tam Phong nghiêm nét mặt tiếp:
- Chú em họ Trần tài trí như vậy, say này sẽ trở nên một đại anh hùng, nhưng chú em đừng đi lầm đường, vậy lão đạo này xin tặng chú mười chữ: "Ðối với người phải thành, đối với mình phải khiêm!"
Hữu Lượng đưa mắt nhìn Trương Tam Phong thấy Trương Chân Nhân cũng nhìn mình y liền rùng mình kinh hãi nghĩ thầm:
- Ngươi đã mắc lừa nên mới nổi giận mà dậy bảo ta như thế .
Ðoạn y lạnh lùng đáp:
- Ða tạ Trương Chân Nhân đã chỉ bảo nhưng hậu bối là đệ tử của phái Thiếu Lâm thì đã có sư bá và sư thúc chỉ bảo cho rồi.
Trương Tam Phong vừa cười vừa nói tiếp:
- Phải, phải, lão đão lắm mồm lắm miệng. Lão đạo làm gì có quyền dậy bảo chú như thế.
Trương Chân Nhân vừa nói xong thì Không Trí đưa xấp giấy ra.
Ông liền đỡ lấy và lập tức truyền nội công sang khiến Không Trí ngã ngửa người về phía sau.
Hữu Lượng đứng cạnh bèn giơ tay đỡ sư phụ.
Tuy y là người thông minh nhưng võ công còn kém, lại không ngờ Không Trí bị nội công của Trương Chân Nhân đánh.
Sức mạnh của Thái Cực Công đánh Không Trí và luôn cả y ra khỏi Lập Tuyết Ðình ngã lăn ra đất.
Dù sao Không Trí cũng là người đã tu luyện lâu năm, nên lúc bị ngã lăn ra đất đã mượn luôn được sức, nhấn mạnh một cái đứng thẳng lại được ngay.
Trương Tam Phong mỉm cười nói:
- Thế võ vừa rồi của tiểu đạo là một thế võ trong Thái Cực Quyền thập tam thức đấy. Thế ra hiền sư đồ tuy đã thuộc lòng môn võ công này nhưng không có thì giờ luyện tập nên mới thất thố như vậy. Thôi xin chào quí vị.
Nói xong, Trương Chân Nhân dùng tay bóp tập giấy trong tay nát vụn.
Thì ra Trương Tam Phong đã vận dùng ngầm thần công bóp nát ba mươi mấy tờ giấy đó thành những mảnh nhỏ bay tứ tung.
Trương Tam Phong dắt tay Vô Kỵ, thủng thẳng ra đi. Không Văn, Không Trí và Không Tín ngơ ngác nhìn nhau.
Cả ba anh em thấy thần công của Trương Tam Phong quá lợi hại , đều kinh hãi và thán phục.
Họ hối hận nghĩ thầm:
- Võ công của lão đạo sĩ dơ bẩn lợi hại đến thế, không biết Hữu Lượng có nhớ hết được không? Nếu y sai lầm hay quên một vài chổ thì rõ là công dã tràng.
Trương Tam Phong và Vô Kỵ xuống tới chân núi Tung Sơn, liền đến trọ tại một khách điếm.
Ngay tối hôm đó Trương Chân Nhân bảo Vô Kỵ luyện tập lại theo các khẩu quyết của Viên Chân truyền dậy.
Nhưng lão anh hùng không muốn thấy lối tập của Vô Kỵ và không muốn nghe nó đọc lại các khẩu quyết chỉ bảo Vô Kỵ ngồi thở và vận khí để cho mình xem qua là đủ đoán được bí quyết của Cửu Dương Thần Công của phái Thiếu Lâm như thế nào là vì ông muốn giữ đúng lời hứa với Không Văn.
Vì vậy lão anh hùng phải thuê hai căn buồng, hai ông cháu mỗi người một căn, để mặc Vô Kỵ luyện lại võ công đó một mình.
Trương Tam Phong tin chắc rằng tuy ba thần tăng ấy hơi hẹp lượng nhưng dù sao họ cũng là cao nhân nhất thời của võ lâm , khi họ đã nhận lời truyền võ cho Vô Kỵ, tất nhiên họ không bao giờ dám lừa dối mình.
Ngày hôm sau hai ông cháu liền trở về Võ Ðang.
Suốt dọc đường Trương Chân Nhân thấy sắc mặt của Vô Kỵ hồng dần, trong lòng vui vẻ vô cùng liền nghĩ thầm:
- Nay Vô Kỵ học được cả Cửu Dương Thần Công của cả hai phái, oai lực của y sẽ ngày một tăng tiến, đồng thời thằng nhỏ nhờ được thần công đó mà xua đuổi hết âm độc của Huyền Minh Thần Chưởng đánh phải cũng nên.
Ngày hôm đó, tới bờ sông Hán Thủy hai ông cháu gọi thuyền quá giang.
Trương Tam Phong nhớ lại lúc mình còn nhỏ, theo thầy chạy khỏi chùa Thiếu Lâm, cũng tới sông Hán Thủy này thật vất vả.
Bấy giờ tuổi của Chân Nhân chỉ lớn hơn Vô Kỵ mà ngờ đâu ngày nay lại trở thành vị tôn sư khai sáng phái Võ Ðang , phái võ đang ganh đua ngôi thứ với phái Thiếu Lâm.
Ngày hôm nay Vô Kỵ lại học được võ công của hai phái, sau này sự thành đạt của y chắc hơn cả mình nữa. Lão anh hùng vừa nghĩ vừa vuốt râu mỉm cười.
Ðang lúc ấy bỗng Vô Kỵ hét lớn:
- Thái sư phụ, cháu ...cháu ...
Giọng nói của Vô Kỵ run lẩy bẩy, thần sắc mất hẳn.
Trương Tam Phong thấy vậy giật mình kinh hãi.
Ông thấy mặt thằng nhỏ nêng như thiêu, đỏ như lửa, thỉnh thoảng lại có thanh khí hiện ra, vội hỏi:
- Cháu làm sao thế?
- Cháu ... cháu thấy khó chịu lắm, chịu không nổi...chịu không nổi!
Y vừa nói tới đó, vùng chạy ra ngoài khoang thuyền, Trương Tam Phong vội giơ tay trái ra nắm lấy cổ tay thằng nhỏ, còn tay phải đè lên yếu huyệt nơi lưng của nó, dồn nội lực sang chống đỡ hàn độc hộ thằng bé.
Không ngờ, nội lực của lão anh hùng vừa truyền sang đã thông ngay kinh kỳ bát mạch của Vô Kỵ.
Thằng nhỏ lớn tiếng kêu lên rồi ngã lăn ra chết giấc tức thì.
Trương Tam Phong kinh hãi khôn tả, lẹ tay điểm luôn mười hai huyệt lớn trên người Vô Kỵ nghĩ thầm:
- Sao kỳ kinh bát mạch của nó lại đã thông hết như thế này? Người nó bị hàn độc làm nguy thì sao lại đả thông được như thế này? Bát mạch của y đã thông, hơi hàn độc thế nào cũng chạy vào ngũ tạng lục phủ, như vậy thì làm sao mà hóa giải cho được?
Trương Tam Phong là người giầu kinh nghiệm mà lúc này cũng vô kế khả thi, tâm thần bấn loạn, mồ hôi trán toát ra như tắm nghĩ tiếp:
- Chẳng lẽ Cửu Dương Công của Thiếu Lâm lợi hại đến thế sao? Vô Kỵ mới tập luyện được mấy ngày mà đã đả thông được kinh kỳ bát mạch sao? Nhưng trên thế gian này, không thể có chuyện lạ như thế được. Lợi Hanh và Thanh Cốc theo ta mười mấy năm trời mà vẫn chưa đả thông được kinh kỳ bát mạch. Nay Vô Kỵ luyện Cửu Dương Công của phái Thiếu Lâm mấy ngày mà đã đả thông được, chẳng lẽ Cửu Dương Công của phái Thiếu Lâm lại còn lợi hại hơn Cửu Dương Công của phái Võ Ðang mà ta đã dầy công tu luyện mấy chục năm ư?
Quí vị độc giả nên rõ, nếu Trương Tam Phong dùng công lực của bản thân để trợ giúp đả thông kinh kỳ bát mạch của Lợi Hanh và Thanh Cốc thì không phải là một chuyện khó, nhưng nhờ sức người ngoài để đả thông kinh kỳ bát mạch như vậy không vượng chắc bằng mình tự tập luyện lấy, vận nội công của bản thân ra mà đả thông lấy. Tính của Trương Tam Phong không mong dậy các đồ đệ chóng thành mà chỉ muốn cho đồ đệ tuần tự tiến rồi sẽ trở thành cao thủ, như vậy các đồ đệ sau này mới không kiêu ngạo.
Lúc ấy thuyền đã tới giữa sông, nước chảy rất mạnh, sóng gió không kém gì ngoài biển. Chiếc thuyền nhỏ bị nhồi lên hụp xuống như sắp chìm.
Trương Tam Phong cũng thấy choáng váng khó chịu, mỗi khi gió thổi tới cũng thấy ớn lạnh.
Một lát sau, Vô Kỵ từ từ tỉnh lại, mười hai trông huyệt đã bị phong bế nên hơi hàn độc tạm thời không thể xâm nhập vào trong tạng phủ được nhưng chân tay của y không sao cử động được. Trương Tam Phong vội hỏi:
- Vô Kỵ, cháu học Cửu Dương Chân Kinh của phái Thiếu Lâm như thế nào? Sao kinh kỳ bát mạch của cháu lại đả thông được như thế?
Vô Kỵ thuật lại từ lúc mình giả bộ ngủ say, nghe anh em Không Văn, Không Trí thương lượng thế nào đến lúc Viên Chân thiền sư thò tay qua vách truyền thần công cho mình. Một lát sau, Trương Tam Phong mới hỏi tiếp:
- Ðả thông kinh kỳ bát mạch cho cháu có phải thái sư phụ không biết đâu? Không hiểu Viên Chân giúp cháu như vậy là có lòng tốt hay có ác ý?
Vô Kỵ nói tiếp:
- Thiền sư còn nói với cháu rằng :
- Ta khỏi cần biết tên họ và môn phái của thí chủ, và thí chủ cũng khỏi cần biết pháp danh của ta .
Trương Tam Phong lẩm bẩm:
- Viên Chân? Viên Chân? Xưa nay ta không hề nghe trong phái Thiếu Lâm có một cao thủ nào tên Viên Chân cả. Y không cho cháu thấy mặt và cũng không cho cháu biết pháp danh, cũng không cần biết môn phái và tên tuổi của cháu, tất nhiên y không biết nguồn gốc của cháu với Thái sư phụ có liên can ra sao mà y hao tổn mấy năm công lực giúp cháu đả thông kinh kỳ bát mạch thì y có lòng tốt chứ không phải định hại cháu đâu.
Trương Tam Phong ngừng giây lát rồi hỏi đến các khẩu quyết Cửu Dương Công của phái Thiếu Lâm.
Vô Kỵ đọc vanh vách , nhưng mới đọc đến khẩu quyết thứ ba thì Trương Chân Nhân vội xua tay ngăn lại và nói:
- Cháu khỏi cần đọc nữa, Thái sư phụ muốn kiểm tra xem người truyền thần công đó cho cháu có thật lòng không đấy thôi. Từ này trở đi cháu đừng truyền lại cho ai mười hai thức thần công này vì cháu đã thề nặng với ba thần tăng của phái Thiếu Lâm rồi.
Vô Kỵ gật đầu tỏ vẻ vâng lời nhưng nghe giọng nói của thái sư phụ run run và nước mắt chảy quanh, vốn là người rất thông minh, y biết tính mạng của y sắp kết liễu đến nơi dù y không thề nặng lời cũng không thể truyền lại cho ai.
Y bỗng nghĩ ra một việc liền hỏi:
- Thưa Thái sư phụ , chẳng hay con còn sống sót mà về tới núi Võ Ðang được không?
Trương Tam Phong cố ngăn nước mắt ứa ra liền đáp:
- Cháu không nên nói như vậy! Bất cứ trường hợp nào thái sư phụ cũng phải chữa cho cháu.
Vô Kỵ lại tiếp:
- Cháu chỉ mong gặp lại Dư Tam sư bá một lần nữa thôi.
- Cháu muốn gặp Tam bá để làm gì?
- Dù sao cháu cũng không thể sống được nữa, cháu định nói lại mười ba thức Cửu Dương Thần Công cho Tam bá nghe để Tam bá tự chữa chân cho khỏi tàn tật. Nói xong cho Tam sư bá nghe cháu liền theo lời thề tự tử chết như cha cháu vậy. Và có như thế cháu mới chuộc được lỗi lầm của mẹ cháu.
Trương Tam Phong giật mình kinh hãi , không ngờ Vô Kỵ tuổi còn nhỏ mà đa mưu lắm kế nên buột miệng hỏi:
- Sao cháu lại nói như vậy?
Vô Kỵ đáp:
- Ngày hôm đó, cháu đã nghe rõ mẹ cháu nhận đã dùng độc trâm làm Tam bá bị thương mới khiến cho Tam bá bị đánh tàn phế, vì vậy cha cháu ăn năn vô cùng nên mới tự sát ...
Trương Tam Phong bị xúc động mạnh nên không cầm nổi nước mắt, nghẹn ngào nói:
- Cháu, cháu ..chớ có nghĩ vẩn vơ như vậy!
Trương Tam Phong định thần lại nghiêm nét mặt nói tiếp:
- Ðại trượng phu hành sự phải quang minh, cháu đã nhận lời với ba vị thần tăng của phái Thiếu Lâm là quyết không truyền lại Cửu Dương Thần Công cho kẻ khác thì cháu phải giữ lấy chữ tín cho tới cùng, dù chết đi nữa cũng không được thay đổi.
Mấy lời nói đó rất chính khí nên Vô Kỵ không sao cãi lại được chỉ gật đầu thôi.
Trương Tam Phong lại nghĩ:
- Thằng nhỏ này biết sắp chết đến nơi mà nó không sợ hãi chút nào, còn nghĩ đến việc chữa bệnh cho Ðại Nham, đủ thấy tính nó thật trông nghĩa, ít người sánh bằng.
Trương Chân Nhân đang định khen thằng nhỏ vài câu, bỗng có tiếng người rất lớn ở đằng xa vọng tới:
- Mau ngừng thuyền lại, ngoan ngoãn trao trả đứa bé thì Phật gia tha mạng cho khỏi chết, bằng không đừng có trách Phật gia vô tình!
Nghe giọng nói Trương Tam Phong biết ngay người nói có nội công rất cao thâm.
Lão anh hùng cười nhạo một tiếng và nghĩ thầm:
- Ai dám táo gan bắt ta để đứa bé lại vậy!
Trương Chân Nhân ngẩng đẩu lên nhìn thấy một chiếc thuyền nhỏ đang chạy như bay tới. Trên thuyền có một chàng râu xồm dùng thân mình bảo vệ hai đứa bé, một trai một gái còn hai tay chèo thật nhanh. Phía sau chiếc thuyền nhỏ đó, một chiếc thuyền khá lớn đuổi theo, trên thuyền ấy có bốn phiên tăng và bảy tám tên lính Mông Cổ. Những tên võ quan đó tay cầm ván thuyền làm chèo ra sức đuổi theo. Nhưng chàng râu xồm mạnh kỳ lạ, hai tay chèo một cái chiếc thuyền đã đi được hơn trượng. Tuy vậy chiếc thuyền đuổi theo phía sau có nhiều người và người chèo thuyền đều có võ công cao siêu nên càng lúc càng tới gần.
Một lát sau những tên võ quan Mông Cổ và mấy tên phiên tăng kia giương cung lên bắn vào chàng râu xồm.
Tiếng tên bay nghe vèo vèo đủ thấy sức mạnh của những tên bắn cung kinh khủng biết bao.
Trương Tam Phong nghĩ thầm:
- Thì ra chúng bảo chàng râu xồm kia để lại hai đứa trẻ cho chúng.
Trương Chân Nhân bình sinh rất ghét người Mông Cổ tàn sát người Hán, định ra tay cứu giúp chàng râu xồm kia nhưng lão anh hùng nghĩ lại. Vô Kỵ sắp chết đến nơi mình còn không kịp cứu thằng nhỏ, hơn nữa thuyền mình cách thuyền chàng nọ rất xa, dù có ra tay cũng không thể giúp kịp.
Trương Tam Phong vừa suy nghĩ vừa nhìn chàng râu xồm nọ giơ chiếc chèo bên tay phải gạt tên, lanh lẹ vô cùng, còn tay trái vẫn tiếp tục chèo.
Lão anh hùng cũng phải khen thầm và nghĩ tiếp:
- Người này có võ công khá đấy. Chẳng lẽ ta thấy anh hùng bị nạn mà không ra tay giúp hay sao?
Nghĩ đoạn Trương Chân Nhân liền bảo người lái đò:
- Bác lái đò, hãy chèo thuyền sang bờ bên kia để cứu người nọ!
Người lái đò thấy tên bay loạn xạ như vậy đã sợ hãi lắm rồi, chân tay rủn cả ra, lo tránh tai vạ chưa xong, gan đâu mà dám chèo thuyền sang bên đó nên y vừa lắc đầu vừa nói:
- Cháu, cháu ... không dám ...
Trương Tam Phong thấy tình thế nguy cấp vội cướp lấy tay chèo, chèo vài cái thuyền của Chân Nhân đã tới đầu thuyền của chàng kia rồi.
Ngờ đâu đã có tiếng kêu thảm khốc vang lên, đứa bé trai đã bị một mũi tên bắn trúng giữa lưng.
Chàng râu xồm thất kinh cúi xuống xem vì vậy vai chàng cũng bị bắn trúng một mũi tên ngay lập tức.
Cây chèo ở tay chàng rơi ngay xuống nước, thuyền ngừng lại tức thì.
Chiếc thuyền ở phía sau đã đuổi tới, bảy tám tên võ quan Mông Cổ và bốn tên phiên tăng vội vã nhảy sang thuyền chàng râu xồm nọ nhưng chàng ta vẫn không chịu đầu hàng, tay vẫn đấm, chân vẫn đá lia lịa để Chống đỡ.
Trương Tam Phong lớn tiếng nói:
- Anh hùng chớ kinh hoảng, có lão đến trợ giúp đây!
Trương Chân Nhân vừa nói vừa ném hai chiếc ván thuyền xuống mặt nước để làm bàn đạp rồi phi thân nhảy sang bên thuyền của chàng râu xồm.
Trong lúc lão anh hùng đang phi thân trên mặt nước có hai tên võ quan Mông cổ giương cung bắn.
Chờ hai mũi tên bay tới gần Trương Chân Nhân giơ tay lên phất một cái , hai mũi tên đó liền rơi ngay xuống sông.
Chân Nhân vừa nhảy sang tới mép thuyền của chàng kia đã dùng tả chưởng đánh mạnh một cái , hai tên phiên tăng đã bị đánh văng ra ngoài thuyền xa hai trượng mới rơi tõm xuống nước.
Các võ quan Mông Cổ thấy Trương Tam Phong như phi tướng quân trên trời giáng xuống, vừa ra tay một cái đã đánh tung hai tên phiên tăng võ nghệ rất cao cường ra đằng xa nên tên nào tên nấy hoảng sợ vô cùng. Tên võ quan cầm đầu thét lớn:
- Lão đạo kia có ý gì mà can thiệp?
Trương Tam Phong liền mắng lại:
- Quân chó má! Chúng bay tới đây hành hung, tác ác, giết hại lương dân. Có mau rời khỏi nơi này không!?
Tên võ quan lại hỏi tiếp:
- Lão đạo sĩ có biết ba người này là ai không? Chúng là dư đảng của Ma Giáo phản tặc và cũng là khâm phạm, hoàng thượng đã hạ chỉ tróc nã.
Trương Tam Phong nghe bốn chữ "Ma Giáo phản tặc" giật mình nghĩ thầm:
- Chàng râu xồm này là bộ hạ của Chu Tí Vương ở Trần Châu chăng? Nghĩ đoạn, Chân Nhân quay lại hỏi chàng râu xồm:
- Tên Mông Cổ kia nói có đúng không?
Chàng nọ mình mẩy máu me đầm đìa, tay ẵm thằng nhỏ vừa ứa nước mắt vừa trả lời:
- Tiểu chúa công đã bị chúng bắn chết rồi!
Trương Tam Phong kinh hãi hỏi tiếp:
- Cậu bé này là lệnh lang của Chu Tí Vương đấy à?
Chàng râu xồm đáp:
- Vâng! Tại hạ không làm tròn bổn phận nên cũng không muốn sống làm chi?
Chàng để nhẹ cái xác của thằng nhỏ xuống, xông lại tấn công mấy tên võ quan Mông Cổ. Nhưng vì vết thương quá nặng, hai mũi tên cắm ở vai chàng vẫn chưa được rút ra nên chàng vừa tung mình nhảy lên đã kêu lên một tiếng "ối chà" rồi ngã lăn luôn xuống khoang thuyền.
Con bé mà chàng ẵm trong tay cũng bị bắn trúng một mũi tên vào tay vừa khóc vừa gọi:
- Anh ơi! Anh ơi!
Trương Tam Phong thấy cảnh tượng bi đát quá nghĩ thầm:
- Nếu ta sớm biết hai đứa bé này là con của Chu Tí Vương thì ta chẳng can thiệp vào làm gì. Nhưng bây giờ ta đã trót nhúng tay vào rồi thì dù sao cũng phải cứu thoát cho họ mới được .
Ðoạn Trương Chân Nhân quay lại nói với mấy tên võ quan Mông Cổ kia:
- Thăng bé đã chết rồi, còn hai người này cũng đã bị trúng tên độc, sắp chết đến nơi. Như vậy các người đã lập được đại công, thì cũng nên đi đi cho rồi!
Võ quan nọ đáp:
- Không được! Bổn quan đã được lệnh phải lấy ba thủ cấp của chúng đem về phúc mạng mới ổn.
Trương Tam Phong lại nói:
- Sao các người cứ hay dồn người ta vào con đường cùng như thế?
- Lão đạo sĩ là ai? Chuyện gì đến ông mà can thiệp vào việc của chúng ta?
- Việc thiên hạ thì ai ai cũng có quyền can thiệp, nếu tha thứ được người thì nên tha cho tốt hơn.
Võ quan nọ đưa mắt ra hiệu cho mấy tên bộ hạ rồi hỏi tiếp:
- Chẳng hay đạo hiệu của đạo trưởng là gì? Xuất gia ở đạo quan nào?
Y vừa nói dứt lời đã thấy hai tên quân Mông Cổ rút trường đao ra nhắm đầu và vai Trương Tam Phong chém xuống.
Thế công của chúng vừa mạnh lại vừa nhanh, mà hai bên đối phương lại gần nhau nên chúng yên trí là là Trương Tam Phong không sao tránh khỏi.
Ngờ đâu Trương Chân Nhân chỉ nghiêng người sang bên một chút, trông rất tầm thường nhưng đã tránh được hai lưỡi đao kia của địch nhân.
Trương Chân Nhân thuận tay, túm luôn lưng áo của hai tên võ quan ấy rồi quát lớn:
- Ði!
Chỉ thấy lão anh hùng khẽ đẩy một cái, hai tên kia đã bị bắn tung lên rơi xuống mặt thuyền.
Ðã mấy chục năm Trương Tam Phong chưa hề ra tay đấu với người nào, lần này vì bất đắc dộ mới phải đối địch với bọn võ quan Mông Cổ.
Mấy tên phiên tăng và bọn võ quan này đều là cao thủ của vua Nguyên nhưng thấy võ công của Trương Tam Phong quá cao siêu nên chúng biết địch không nổi.
Tên võ quan cầm đầu quá hoảng sợ ấp úng mãi mới lên tiếng hỏi được:
- Ngươi ...ngươi có phải là ...
Trương Tam Phong phẩy mạnh tay áo, lớn tiếng đáp:
- Lão đạo bình sinh chỉ giết quân Mông Cổ thôi!
Nói xong, Trương Chân Nhân đánh tới tấp vào bọn võ quan Mông Cổ.
Bọn chúng tranh nhay nhảy về thuyền chúng, cứu mấy tên ngã xuống nước rồi chèo thuyền bỏ đi ngay.
Trương Tam Phong thấy đại hán với con nhỏ trúng phải tên độc, liền lấy thuốc giải độc ra cứu.
Ðoạn Trương Tam Phong chèo chiếc thuyền đó tới cạnh thuyền của mình.
Lão anh hùng vừa định đỡ chàng nọ, ngờ đâu chàng râu xồm đó, bị thương nặng như vậy mà không chịu để cho Trương Tam Phong đỡ, hai tay vẫn ôm hai đứa bé nghiến răng mờm môi nhún chân một cái là nhảy luôn sang bên đó.
Thấy vậy Trương Tam Phong cũng phải gật đầu khen thầm:
- Người này bị thương nặng như vậy mà vẫn trung thành với ấu chúa, quả thật là một anh hùng hảo hán hiếm có. Tuy y là người của Ma Giáo nhưng ta ra tay cứu cũng không phải là uổng công!
Trương Chân Nhân cũng nhảy trở về bên thuyền mình, rút hai mũi tên độc cắm trên vai chàng râu xồm và trên cánh tay con bé rồi lấy thuốc cao dán lên vết thương.
Chiếc đò tớ bờ bên kia sông Hán Thủy, Trương Tam Phong lại nghĩ tiếp:
- Hiện giờ Vô Kỵ đã bị điểm hết các yếu huyệt, không sao đi lại được. Từ đây tới Lão Hà Khẩu mới có khách điếm để trọ, một mình ta phải trông nom cho ba người mà chàng râu xồm với con bé kia lại là khâm phạm, chắc khó bề chu toàn được.
Trương Chân Nhân bèn móc túi lấy ba lạng bạc đưa cho người lái đò nói:
- Này bác lái đò, phiền bác chở chúng tôi đi ven sông cho tới Thái Bình điếm!
Người lái đò thấy Trương Tam Phong đánh bọn quan quân Mông Cổ tơi bời, trong lòng vừa kính nể vừa sợ hãi, lại được tặng nhiều tiền nên y nhanh nhẩu nhận lời.
Ði được một quãng, chàng râu xồm đã tỉnh táo đôi chút vội quỳ xuống vái lạy Trương Tam Phong và nói:
- Ơn đức trưởng lão cứu ấu chúa chúng tôi thoát nạn, Thường Ngộ Xuân này không biết lấy gì báo đền.
Trương Tam Phong vội đỡ chàng ta đậy và đáp:
- Thường anh hùng không phải hành đại lễ như vậy!
Trương Chân Nhân nắm tay chàng thì thấy bàn tay lạnh buốt, kinh hãi vô cùng vội hỏi:
- Thường anh hùng còn bị nội thương nữa phải không?
Ngộ Xuân đáp:
- Tiểu nhân hộ tống hai tiểu chúa từ Tần Dương xuống miền Nam, suốt dọc đường đã tiếp chiến với bọn chó săn do quân Mông Cổ phái đuổi theo. Ngực và sau lưng của tiểu nhân bị một tên phiên tăng đánh trúng hai chưởng.
Trương Tam Phong nắm lấy tay Ngộ Xuân thăm mạch, thấy mạch của chàng rất yếu, vội cởi áo chàng ra để xem vết thương lại càng kinh hãi thêm.
Vết thương của Ngộ Xuân sưng vù rất nặng, nếu là người khác thì đã không sao chịu đựng được lâu như vậy .
Lão anh hùng liền bảo chàng nằm yên không được nói năng gì cả để cho vết thương chóng lành.
Canh hai đêm đó, đò tới Thái Bình điếm.
Trương Tam Phong và Ngộ Xuân sửa soạn lên bờ tìm khách sạn.
Trương Tam Phong bảo Ngộ Xuân hãy trông nom hộ Vô Kỵ một lát rồi vào thở trấn hốt mấy thang thuốc đem xuống đò sắc cho Ngộ Xuân, con bé và Vô Kỵ uống.
Con bé tuổi trạc chừng mười tuổi, nhưng mặt mũi rất xinh đang ngồi yên lặng cạnh xác anh nó.
Trương Tam Phong thương hại liền lên tiếng hỏi:
- Cháu bé tên gì?
Con bé vội đứng lên đáp:
- Cháu họ Chu tên Chỉ Nhược. Chẳng hay pháp hiệu của lão đạo trưởng là chi?
Trương Tam Phong thấy cô bé còn nhỏ lại gặp lúc loạn ly và có tang anh mà vẫn tỏ ra khí độ ung dung và rất lễ phép nên đâm ra mến, liền mỉm cười đáp:
- Lão đạo là Trương Tam Phong.
Ngộ Xuân ngồi ngay dậy lớn tiếng nói:
- Thế ra lão đạo trưởng đây là Trương Chân Nhân của phái Võ Ðang, thảo nào võ công cái thế. Hôm nay Ngộ Xuân thật may mắn được yết kiến tiên đạo trưởng nơi đây.
Trương Tam Phong mỉm cười đỡ lời:
- Nhờ đạo trời cho lão được sống lâu như vậy , chứ có phải tiên gì đâu. Thường anh hùng mau nằm xuống, chớ có làm nứt vết thương thì nguy lắm đấy!
Trương Chân Nhân thấy Ngộ Xuân là người khảng khái, hào phóng, anh phong lẫm lẫm và Chu Chỉ Nhược thông minh, đẹp đẽ, nhu mì, văn nhã nên rất mến, nhưng nghĩ tới chuyện cả hai đều là người của Ma Giáo, nếu kết thân với họ sau này e sẽ bị vạ lây cũng nên. Vì vậy lão anh hùng chỉ lạnh lùng nói:
- Hai vị bị thương khá nặng, nên ít nói thì hơn.
Trương Tam Phong là người rất khoáng đạt, không hay phân biệt chính tà, nên năm xưa đã nói với Trương Thúy Sơn rằng:
- Hai chữ chính tà khó phân biệt, nếu đệ tử của chính phái mà tâm địa bất chính thì người đó là tà đồ. Nếu trong tà phái có một người lương thiện thì người đó là chính nhân quân tử. Cũng như Hân Thiên Chính, Giáo Chủ của Bạch Mi Giáo, tuy hành sự hơi quái đản một chút nhưng tính nết hơi thiện và dù sao y cũng là người quang minh lỗi lạc. Những người như thế ta có thể kết làm bạn lắm.
Nhưng từ khi Trương Thúy Sơn tự tử, Trương Tam Phong vì thương đồ đệ yêu quý bị chết một cách thảm khốc như vậy, sinh ra ghét hận Bạch Mi Giáo vô cùng.
Dư Ðại Nham bị tàn phế, Trương Thúy Sơn chết và mang tiếng cũng đều do Bạch Mi Giáo cả.
Tuy lão anh hùng đã cố nén lòng không đi vấn tội và phục thù với Hân Thiên Chính, nhưng dù khoáng đạt đến đâu vì việc các đồ đệ bị hại mà đã thay đổi tâm tính, ghét hận Ma Giáo vô cùng.
Chu Tí Vương là đệ tử của Di Lạc Tôn trong Ma Giáo, mấy năm trước đây, y ở Châu Viên, tỉnh Giang Tây, khởi nghĩa Chỉng lại quân Nguyên, tự xưng là vua lập quốc hiệu là Châu. Nhưng không bao lâu quân của y bị quân Nguyên đánh tan, y bị bắt và xử tử.
Di Lạc Tôn với Bạch Mi Giáo tuy không cùng một giáo phái nhưng có liên quan rất thân. Lúc Tí Vương khởi sự, Hân Thiên Chính ở phía Tây Triết Giang đã có tuyên bố trợ giúp.
Hôm nay sở dộ Trương Tam Phong cứu Ngộ Xuân và Chỉ Nhược thoát nạn là do lòng hào hiệp mà thôi. Hơn nữa, lúc ra tay Trương Tam Phong chưa biết rõ lai lịch của hai người.
Khi biết rõ nguồn gốc của hai người rồi, lão anh hùng hối hận vô cùng, lại nghĩ đến hai người đệ tử yêu mà mình coi như con đẻ, nay một chết, một tàn phế còn Vô Kỵ bị hơi hàn độc nan y, nên thở dài và không sao cầm lệ nổi.
Lúc ấy, người lái đò đã làm cơm nước xong xuôi liền dọn ra cho mọi người ăn.
Trương Tam Phong bảo Ngộ Xuân và Chu Chỉ Nhược ăn trước vì mình còn phải bón cơm cho Vô Kỵ.
Ngộ Xuân hỏi tại sao Vô Kỵ lại như thế, Trương Tam Phong liền trả lời là y bị hơi hàn độc xâm nhập tạng phủ nên phải điểm các yếu huyệt để tạm bảo tồn tính mạng cho y. Vô Kỵ nghe thái sư phụ nói như vậy đau đớn vô cùng, không sao nuốt nổi cơm nên cứ lắc đầu không chịu ăn.
Chu Chỉ Nhược thấy vậy vội đỡ bát cơm của Trương Tam Phong và nói:
- Mời đạo trưởng ăn trước, để cháu bón cơm cho đại ca này cho!
Vô Kỵ vội đáp:
- Tôi ăn no rồi, không ăn đâu!
Chu Chỉ Nhược lại nói:
- Nếu Trương đại ca không chịu ăn, để đạo trưởng trong lòng không yên, tất không ăn được, như vậy có phải vì đại ca mà lão đạo trưởng đói không?
Chu Chỉ Nhược nói rất phải, nên khi Chu Chỉ Nhược đưa cơm tới miệng Vô Kỵ liền há mồm ăn ngay.
Chu Chỉ Nhược cẩn thận vô cùng, gỡ hết xương cá, xương gà rồi mới bón cho Vô Kỵ ăn. Bát nào nàng cũng chan thêm ít nước canh cho ngon miệng.
Vô Kỵ ăn thấy ngon nên ăn hết một bát lớn.
Trương Tam Phong thấy vậy trong lòng hơi an ủi, nhưng lại sực nghĩ:
- Số kiếp Vô Kỵ hẩm hiu thật. Mồ côi cha mẹ từ thủa nhỏ, nay lại ốm nặng như thế này. Ðáng lẽ nó phải được một người đàn bà rất cẩn thận chăm sóc mới phải!
Ngộ Xuân tuy bị thương rất nặng mà còn ăn được bốn bát cơm lớn, y không ăn thịt, cá chỉ ăn hết sạch rau dưa.
Trương Tam Phong tuy là đạo sĩ nhưng không kiêng cá thịt, thấy Ngộ Xuân ăn khỏe như vậy , liền khuyên chàng ta ăn thêm chút cá, thịt.
Ngộ Xuân liền đáp:
- Thưa Trương Chân Nhân, chúng cháu lễ phật, nên không ăn mặn.
Trương Tam Phong lại nói:
- à phải! Lão đạo quên ...
Thì ra quy luật trong Ma Giáo rất nghiêm.
Mỗi ngày giáo chúng chỉ được ăn một bữa cơm chiều thôi và phải kiêng thịt, cá. Từ đời nhà Ðường tới giờ, người trong Ma Giáo đều tuân theo luật lệ đó. Ðến cuối đời Tống, đại thủ lĩnh của Ma Giáo là Phương Lạp khởi nghĩa ở Triết Ðông, lúc bấy giờ quan dân đều gọi những người có đạo là "ăn rau thờ ma", nghĩa là những người trong đạo giáo coi việc ăn rau với phụng sự thờ thần lửa là hai việc quan trọng.
Những quan phủ của các triều đình thời bấy giờ xử tội những người gia nhập Ma Giáo rất nghiêm, cả người trong võ lâm cũng khinh thở họ, vì vậy những giáo đồ của Ma Giáo hành sự rất bí ẩn, hễ có ai hỏi họ tại sao lại ăn chay thì chỉ nói là thoái thác đi là tụng kinh , thờ phật nên phải ăn chay, chứ không dám cho người ngoài biết mình là giáo đồ. Ngộ Xuân lại nói:
- Trương Chân Nhân đã ra ơn cứu tiểu nhân thoát nạn, nay đã biết rõ lai lịch của tiểu nhân rồi thì tiểu nhân cũng chẳng cần giấu giếm chi nữa. Tiểu nhân là người trong Minh Giáo, thờ đức Minh Tôn tất nhiên quan phủ của triều đình coi chúng tôi là những kẻ thập ác, ngay cả các danh môn chính phái của hiệp nghĩa đạo cũng khinh thường chúng tôi. Thậm chí bọn người trong hắc đạo, chuyên môn giết người cướp của mà cũng bảo chúng tôi là yêu ma qụ quái. Nay Chân Nhân đã biết rõ thân phận của chúng tôi mà còn ra tay cứu giúp, ơn đức này chúng tôi báo đền thế nào cho xứng!
Thì ra giáo đồ của Minh Giáo vẫn thờ Ma Ni, người trong giáo phái gọi là đức Minh Tôn và tự cho giáo phái của mình là Minh Giáo. Người ngoài gọi giáp phái của họ là Ma Giáo.
Trương Tam Phong vội đáp:
- Thường anh hùng ...
Ngộ Xuân liền đỡ lời:
- Xin đạo trưởng đừng gọi tiểu nhân là anh hùng hay hào kiệt nữa, cứ gọi thẳng tên tiểu nhân.
- Anh Ngộ Xuân, nay anh bao nhiêu tuổi?
- Năm nay tiểu nhân vừa đúng hai mươi tuổi.
Sở dĩ Trương Tam Phong hỏi tuổi của Ngộ Xuân là vì thấy chàng ta mặt mũi đầy râu, nhưng ăn nói và cử chỉ rất non.
Chân Nhân gật đầu nói tiếp:
- Anh mới trưởng thành, chắc vào Minh Giáo cũng không lâu. Bây giờ anh có hối cải cũng chưa muộn ...Lão đạo nói vậy là muốn anh bỏ tà giáo đi, nếu anh không hiềm phái Võ Ðang chúng tôi bản lãnh thấp kém thì lão đạo sẽ bảo đại đồ đệ Tống Viễn Kiều nhận anh làm đệ tử . Sau này anh được vang danh trên giang hồ, không ai còn dám khinh thị anh nữa.
Tống Viễn Kiều là người đứng đầu Võ Ðang thất hiệp, tiếng tăm lừng lẫy thiên hạ, những người tầm thường trong võ lâm, muốn được gặp mặt chàng đâu phải dễ. Võ Ðang thất hiệp gần đây bắt đầu thu nạp đồ đệ, nhưng kén chọn rất nghiêm, nếu người nào không có cân, cốt, tư chất, phẩm hạnh, tính tình tốt thì không nhận. Ngộ Xuân xuất thân từ Ma Giáo, người thường thấy chàng đã cau mày ngay, nay chàng bỗng dưng được Trương Tam Phong thương mến, nhận cho làm môn hạ của đại đệ tử Võ Ðang như vậy thật hiếm có.
Ngờ đâu Ngộ Xuân lại lớn tiếng đáp:
- Ngộ Xuân được Trương Chân Nhân coi trông như vậy , thật cảm động vô cùng, nhưng tiểu nhân đã gia nhập Minh Giáo thì suốt đời không dám phản.
Trương Tam Phong còn khuyên thêm vài câu nữa nhưng Ngộ Xuân cứ cương quyết không nhận.
Thấy y chấp nê như vậy , Trương Chân Nhân lắc đầu thở dài rồi ẵm Vô Kỵ lên và nói:
- Nếu vậy, chúng ta từ biệt nơi đây.
Ðoạn Trương Tam Phong ẵm Vô Kỵ lên bờ.
Ngộ Xuân quì xuống vái lạy cảm tạ lần nữa, Chu Chỉ Nhược còn dặn dò Vô Kỵ:
- Trương đại ca bữa nào cũng nên ăn no, đừng để lão đạo trưởng buồn, nghe!
Vô Kỵ ứa nước mắt và nức nở đáp:
- Cám ơn lòng tốt của cô nương, nhưng ... nhưng tôi chỉ ăn được vài bữa cơm nữa thôi!
Trương Tam Phong nghe nói cũng rầu rĩ vô cùng, vội giơ tay áo lên chùi nước mắt cho Vô Kỵ.
Chu Chỉ Nhược kinh ngạc hỏi:
- Sao? ...anh lại ...
Trương Tam Phong đáp:
- Cô nương là người có lương tâm như vậy, thật hiếm có lắm. Mong sau này cô đi trên con đường chính, đừng sa chân vào hang hố tà ma nữa!
Chu Chỉ Nhược vừa vái lạy vừa nói tiếp:
- Cám ơn lão đạo trưởng đã dậy bảo.
Ngộ Xuân bỗng lên tiếng nói:
- Võ công của Chân Nhân thâm hậu, thần thông quảng đại như vậy, tại sao Chân Nhân không hóa giải được chất độc khí trong người tiểu gia chủ?
Trương Tam Phong đáp:
- Lão đạo đã tận lực rồi.
Trương Chân Nhân vừa nói vừa xua tay ra hiệu cho Ngộ Xuân biết là bệnh của Vô Kỵ không thể nào cứu chữa được nữa.
Ngộ Xuân kinh hãi nói:
- Nội thương của tiểu nhân cũng nặng, đanh định đi nhờ một vị thần y cứu chữa cho. Chi bằng lão đạo trưởng để cho tiểu gia chủ cùng đi với tiểu nhân nhờ thần y ấy chữa luôn cho một thể?
Trương Tam Phong lắc đầu đáp:
- Kinh kỳ bát mạch của y đã đả thông, hàn độc đã chạy tán loạn trong tạng phủ, thuốc thang tầm thường không thể nào chữa khỏi được đâu, có lẽ khắp thiên hạ không còn người nào có thể chữa khỏi cho y được.
- Nhưng vị thần y mà tiểu nhân định cầu chữa đây rất giỏi về mạch lý, đã cứu chữa khỏi lắm bệnh thập tử nhất sinh.
Trương Tam Phong nghe nói ngạc nhiên, chợt nghĩ ra liền hỏi:
- Người mà Thường anh hùng nói có phải là y tiên ở Ðiệp Cốc không?
- Chính ông ta đấy. Thế ra lão đạo trưởng cũng biết sư bá của tiểu nhân ư?
Trương Tam Phong đang trù trừ nghĩ thầm:
- Ta thường nghe nói Ðiệp Cốc Y Tiên Hồ Thanh Ngưu là người trong Ma Giáo, vẫn bị người võ lâm khinh miệt, huống hồ tính nết của y lại quái dở vô cùng. Nếu bệnh nhân là người Ma Giáo thì y hết sức cứu chữa, không lấy một đồng tiền nhỏ, trái lại người ngoài giáo đến cầu chữa, dù có đem cả đống vàng thỏi đến, y cũng không thèm ngó tới. Ðành để cho Vô Kỵ độc phái mà chết chứ ta quyết không để cho y gia nhập Ma Giáo đâu!
Ngộ Xuân thấy Trương Tam Phong trù trừ, hiểu ngay là Trương Chân Nhân đang nghĩ gì rồi vội đỡ lời:
- Thưa Trương Chân Nhân, tuy Hồ sư bá của tiểu nhân xưa nay không chữa bệnh cho người ngoài giáo phái, nhưng Trương Chân Nhân đã ra ơn lớn, cứu giúp Chu cô nương thì phen này Hồ sư bá thế nào cũng phải phá lệ, chữa cho tiểu gia. Nếu Hồ sư bá không chịu cứu chữa thì Ngộ Xuân này nhất định không để yên.
Trương Tam Phong lại nói:
- Y thuật của Hồ tiên sinh quả thật thần diệu, lão đạo đây đã nghe nhiều người khen ngợi, nhưng hơi hàn độc trong người Vô Kỵ không phải là chất độc tầm thường ...
Ngộ Xuân lớn tiếng nói tiếp:
- Ðằng nào tiểu gia cũng đã không hy vọng chữa khỏi rồi, bây giờ có chữa hay không tiểu gia cũng phải chết, vậy cứ đi nhờ y tiên chữa cho, họa chăng khỏi được? Chẳng hay lão đạo trưởng còn trù trừ gì nữa?
Chàng là người thẳng thắn, nóng nẩy, bụng nghĩ gì, miệng nói ra ngay, không nghi kỵ gì cả.
Trương Tam Phong nghe Ngộ Xuân nói rằng dù sao Vô Kỵ cũng chết, trong lòng kinh hãi vô cùng nghĩ thầm:
- Lời nói của chàng lỗ mãng này cũng có lý. Xem bệnh của Vô Kỵ thì nó chỉ có thể sống thêm được một tháng nữa thôi. Biết đâu số nó chưa chết, may ra được Hồ Thanh Ngưu chữa khỏi cho .
Ðoạn lão anh hùng liền đáp:
- Nếu vậy, nhờ Thường anh hùng đưa y đi chữa hộ, nhưng lão đạo phải nói rõ trước là Hồ tiên sinh không được bắt buộc Vô Kỵ nhập giáo nghe! Nếu y tiên chữa khỏi được cho Vô Kỵ, phái Võ Ðang chúng tôi cũng không hàm ơn của quí giáo đấy nhé!
Trương Tam Phong biết người của Ma Giáo hành sự rất xảo quyệt, nếu người nào liên can đến người của Ma Giáo thì tên giáo đồ ấy tựa như bóng ma, luẩn quẩn xung quanh người nọ luôn luôn và người đó sẽ bị hậu họa thê thảm vô cùng. Cũng như Trương Thúy Sơn, chỉ vì dây dưa với người của Ma Giáo mà kết quả là thân bại danh liệt mà còn làm nhục tới cả sư môn nữa.
Ngộ Xuân nhanh nhẩu đáp:
- Trương Chân Nhân coi thường người Minh Giáo chúng tôi quá!
Nói tới đó, chàng quay lại nói với Chu Chỉ Nhược:
- Chu cô nương, hãy tạm đi theo Trương Chân Nhân lên núi Võ Ðang trước nhé!
Chu Chỉ Nhược chưa kịp trả lời, Trương Tam Phong đã ngạc nhiên hỏi:
- Sao vậy?
- Trương Chân Nhân không muốn đi gặp Hồ sư bá của tiểu nhân chúng tôi là vì lẽ gì, tiểu nhân đã rõ. Từ xưa tới nay, tà và chính không bao giờ đi đôi. Trương Chân Nhân là đại tôn sư của một môn phái lớn thì khi nào chịu đi cầu cứu một người trong Minh Giáo, đồng thời tính nết của Hồ sư bá chúng tôi cũng kỳ lạ lắm. Nếu ông ta thấy mặt Chân Nhân thì chưa biết chừng sẽ thất lễ với Chân Nhân cũng nên. Hai bên bất hòa thì việc cứu chữa cho tiểu gia này hỏng bét. Vậy bây giờ tiểu nhân có một ý này. Tiểu nhân xin đem chú em họ Trương đi, muốn cho Chân Nhân được yên lòng, tiểu nhân định mời Chu cô nương lên núi Võ Ðang ở tạm một thời gian. Chờ khi nào bệnh của chú em họ Trương lạnh hẳn, tiểu nhân sẽ đưa về núi Võ Ðang rồi tiếp Chu cô nương đi. Nói trắng ra, tiểu nhân định để Chu cô nương lại núi Võ Ðang làm con tin.
Xưa nay Trương Tam Phong giao dịch với ai cũng vậy, chỉ có tin người, không bao giờ ngờ vực nhưng Vô Kỵ là cốt nhục duy nhất của đệ tử cưng của mình. Nay giao thằng nhỏ cho một đệ tử Ma Giáo, tất nhiên lão anh hùng không sao yên tâm được.
Trương Tam Phong chưa kịp trả lời thì Ngộ Xuân lại tiếp:
-Chu Tí Vương, Chu đại ca của chúng tôi là người nhân nghĩa, khởi nghĩa ở Tần Dương đã thất bại, cả nhà hai tám người đều bị quân Mông Cổ giết hại. Bà cụ thân mẫu của Chu đại ca tới tuổi ngót tám mươi cũng không thoát khỏi. Tiểu nhân phải thí mạng mới cứu thoát được hai người con, ngờ đâu tiểu công tử lại bị quân Mông bắn chết. Bây giờ chỉ còn lại Chu cô nương là hòn máu duy nhất của Chu đại ca tôi. Vì là người của Minh Giáo, Chu đại ca tôi bị nhiều người oán ghét. Cho nên không chỉ quân Mông Cổ muốn truy nã con cái của anh ấy mà các kẻ thù khác hay tin, thế nào cũng tìm đến làm phiền Trương Chân Nhân. Tuy phái Võ Ðang oai trấn thiên hạ thật nhưng Chân Nhân cũng nên cẩn thận tốt hơn.
Trương Tam Phong không sao nhởn cười được nghĩ thầm:
- Ta chưa nhận lời mà chàng trực tính này đã dặn bảo đủ điều. Vẫn biết nhiều người muốn bắt cho được Chu Chỉ Nhược mới hả dạ, nhưng Ngộ Xuân có ngờ đâu Vô Kỵ lại còn bị nhiều người theo dõi hơn nữa. Hiện giờ Vô Kỵ đau nặng, không thể thoát chết, chi bằng ta cứ cho chàng này đem đi cầu y tiên chữa thử xem ...
Nghĩ tới đó, Chân Nhân liền đáp:
- Thôi được, chúng ta nhất ngôn vi định. Lão đạo trông nom Chu cô nương hộ Thường anh hùng, còn Thường anh hùng phải cẩn thận săn sóc cho Vô Kỵ. Khi nào bệnh của y lành mạnh thì Thường anh hùng đưa ngay y lên núi Võ Ðang hộ!
- Lão đạo trưởng cứ yên tâm , tiểu nhân thế nào cũng làm tròn bổn phận để lão đạo trưởng được yên lòng.
Nói xong, chàng nhảy lên trên bờ, dùng dao đào một hố sâu, chôn Chu công tử.
Chàng và Chu Chỉ Nhược quỳ trước mộ chờ, xá mấy cái.
Không Văn đem Vô Kỵ tới một căn phòng nhỏ rồi nói:
- Tiểu thí chủ đi đường mệt nhọc, hãy ở lại đây nghố ngơi trong chốc lát, lão tăng sẽ phái người đến đây truyền dậy võ công cho thí chủ ngay.
Nói xong, Không Văn dùng tay áo phất vào trước ngực và sau lưng thằng nhỏ mấy cái, điểm huyệt cho nó ngủ thiếp đi.
Không Văn đại sư là một trong ba đại thần tăng của phái Thiếu Lâm có tài điểm huyệt có thể nói là thiên hạ vô song. Dù những tay cao thủ có tên tuổi khác, chỉ bị Không Văn dùng tay áo hất phải yếu huyệt một cái , công lực mất ngay, hoặc chết hoặc mê man bất tỉnh.
Ngờ đâu Vô Kỵ theo Tạ Tốn học võ, nội công của y quái dở khôn lường, các huyệt đạo của y vẫn thường thường đổi chổ. Bữa nọ y bị tên lính Nguyên giả hiệu bắt cóc đem lên núi Võ Ðang và điểm huyệt cho y cấm khẩu, nhưng Vô Kỵ đã tự biết di chuyển vị trí của các yếu huyệt nên vẫn lên tiếng kêu cứu được.
Lúc này Vô Kỵ tình cờ bị Không Văn hất phải yếu huyệt liền mê man ngủ ngay.
Ðúng ra phải bốn tiếng đồng hồ sau y mới có thể tỉnh lại nhưng chỉ hơn tiếng sau, máu trong người Vô Kỵ đã lưu thông, huyệt đạo liền đổi chổ nên y tỉnh lại ngay.
Y vừa thức tỉnh đã nghe Không Trí nói:
- Ðạo sĩ dơ bẩn là tôn sư nhất đời, y đã nhận lời trao đổi võ công với chúng ta thì những gì y viết ra chắc không có chút nào giả dối đâu. Cho dù y viết ra không được rõ ràng cho lắm chúng ta cũng có thể đoán ra.
Vô Kỵ liền nghĩ thầm:
- Tại sao họ lại điểm huyệt cho ta ngủ như vậy. Hay là chúng định bàn tán âm mưu gì với nhau chăng?
Vô Kỵ nhắm mắt làm như ngủ mê man thực nhưng vẫn lắng tai nghe các vị thần tăng của phái Thiếu Lâm trò chuyện với nhau.
Sự thật giữa Thiếu Lâm và Võ Ðang tuy có chút hiềm thù với nhau nhưng Không Văn, Không Trí, Không Tín cũng là cao tăng nhất thời, khi nào họ lại dùng quỉ kế hại Trương Tam Phong? Họ còn phải lo giữ danh tiếng đã gây nên hơn nghìn năm nay của các vị đại sư tổ chứ?
Không Văn liền nói:
- Sư đệ nói rất đúng, những võ công và bí quyết của Trương Chân Nhân tất nhiên là thật rồi nhưng anh em chúng ta đã luyện qua Cửu Dương Thần Công của Thiếu Lâm đâu? Nếu người ngoài biết được chuyện này thì chúng ta không còn mặt mũi nào đứng trước mặt các anh hùng giang hồ võ lâm nữa? Bây giờ đành phải nhờ vả Viên Chân vậy. Dù có bị y la lối cũng đành phải chịu chứ biết làm sao bây giờ ?
Vô Kỵ nghe nói như vậy lại nghĩ tiếp:
- Té ra mấy lão hòa thượng này không biết Cửu Dương Thần Công của phái Thiếu Lâm , chẳng lẽ chúng lại dạy ta những võ công giả để để đánh lừa Thái sư phụ , lấy võ công thật của phái Võ Ðang cũng nên.
Y lại nghe Không Trí nói tiếp:
- Sư huynh là một vị Phương Trượng trưởng môn, cứ truyền pháp chỉ xuống thì Viên Chân phải tuân lệnh ngay. Vả lại chuyện này chúng ta định làm rạng rỡ võ học của bổn môn chứ có phải vì việc riêng của chúng ta đâu.
Không Văn thở dài một tiếng rồi đáp:
- Nếu Không Kiến sư huynh chưa khuất núi thì ta việc gì phải nhờ vả tới gã Viên Chân ấy ...
Ngẫm nghĩ giây lát người trưởng môn của Thiếu Lâm lại tiếp:
- Tam sư đệ, hãy cầm cây thiết thần trượng này của ngu huynh đi ra lệnh cho Viên Chân. Bảo y truyền dạy Cửu Dương Thần Công cho thiếu niên họ Trương này!
Không Trí đáp:
- Xin tuân lệnh!
Thì ra năm xưa, Giác Viễn đại sư truyền Cửu Dương Chân Kinh ở ngoài núi hoang, phần kinh mà Trương Tam Phong học được trở thành Cửu Dương Công của phái Võ Ðang , phần Quách Tường nữ hiệp học được thành Cửu Dương Công của phái Nga Mi, phần Vô Sắc đại sư học được thành Cửu Dương Công của phái Thiếu Lâm.
Môn Cửu Dương Thần Công này rất bác đại và cao thâm, mỗi phái chỉ truyền lại cho vài ba người thôi. Phái Thiếu Lâm vì có tới bảy mươi hai tuyệt kỹ nên người chuyên luyện Cửu Dương Thần Công lại càng ít hơn hai phái kia. Từ Vô Sắc đại sư truyền xuống đến Không Kiến, mỗi đời chỉ có một người học thôi.
Các đệ tử tăng tục của phái Thiếu Lâm đều coi Giác Viễn là đệ tử bị đuổi ra khỏi phái nên không mấy ai chịu học môn thần công của lão truyền lại. Tuy thật tinh diệu đấy nhưng không phải ai cũng muốn học cả vì tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm còn nhiều lắm dù học hết đời cũng không sao học được .
Tuy vậy đời nào cũng có một đệ tử học môn Cửu Dương Thần Công này để khỏi bị thất truyền.
Lúc ấy trong chùa Thiếu Lâm chỉ có đệ tử của Không Kiến là Viên Chân theo học môn Cửu Dương Thần Công này thôi. Nhưng tính nết của hòa thượng này rất kỳ dị, suốt năm bế quan không chịu đi ra ngoài.
Ðối với ba vị thần tăng thì còn có chút đỉnh lễ phép, ngoài ra tất cả những tăng nhân khác trong chùa đều ít có ai được nói chuyện với Viên Chân.
Hằng năm, cứ đến ngày kỷ niệm Ðạt Ma Tổ Sư quá giang là trong chùa có cử hành thi thố võ nghệ và do ba vị thần tăng làm giám khảo.
Tất cả tăng nhân trong chùa đều tới dự.
Riêng có Viên Chân lần nào cũng cáo ốm, không chịu ra dự thi. Không ai biết y đau thật hay giả nên không ai rõ được võ công của y đã luyện tới mức nào. Vì vậy anh em Không Văn mới nghĩ đến nhờ Viên Chân truyền dậy võ công cho Vô Kỵ mặc dù cả ba đều biết Viên Chân rất khó sai bảo.
Lát sau Không Trí quay trở lại nói:
- Tính nết của Viên Chân quái dở thật. Y bảo đi tu rồi không muốn gặp mặt người ngoài nữa. Nay vì pháp chỉ của Phương Trượng ban xuống nên y đành phải tuân theo. Nhưng y chỉ nhận lời cách vách truyền dậy thôi.
Không Văn suy tính giây lát liền nói:
- Y muốn thế đành phải chiều theo vậy thôi. Lát nữa sư đệ cho Trương Tam Phong viết xong kinh văn đem vào đây xem qua nếu không sai thì sư đệ đưa thiếu niên này đi cho Viên Chân truyền dậy Cửu Dương Chân Kinh. Sau đó sư đệ lại bảo bọn nhà bếp làm một mâm cỗ chay, đem lên Lập Tuyết Ðình để khoản đãi Trương Tam Phong. Dù sao lão đạo sĩ ấy cũng là một tôn trưởng của một đại môn phái, chúng ta không nên thất lễ.
Tiếp theo đó ba người bàn tán chuyện khác, được một lúc thì rời khỏi gian phòng liền. Vô Kỵ nằm trên giường đợi chờ.
Một lát sau mới thấy có người đi vào trong phòng.
Y mở mắt ra nhìn, thấy đó là một chú tiểu, đem cơm vào cho y ăn.
Ăn no rồi, Vô Kỵ nghe chú tiểu bảo:
- Tiểu thí chủ hãy theo tiểu tăng đi tới đằng kia!
Vô Kỵ hỏi:
- Ði đâu thế?
- Phương Trượng chúng tôi bảo đưa tiểu thí chủ đi gặp một người.
- Người đó là ai?
- Tiểu tăng không được rõ, Phương Trượng đã ra lệnh không cho tiểu tăng nói nhiều.
Vô Kỵ thấy chú tiểu làm ra vẻ bí mật liền nghĩ thầm:
- Các người cố ý làm ra vẻ bí mật nhưng ta đã biết rõ hết rồi. Bây giờ ngươi định đưa ta gặp một quái hòa thượng tên là Viên Chân gì đó chứ còn ai nữa!
Nghĩ đoạn, Vô Kỵ liền theo sau chú tiểu đi qua một căn phòng và mấy cái sân.
Vừa đi y vừa nghĩ:
- Chùa Thiếu Lâm lớn hơn Ngọc Hư Cung của phái Võ Ðang chúng ta nhiều .
Y đi theo chú tiểu tới trước một tiểu viện, xung quanh cây cối um tùm.
Ngoài cửa viện có treo tấm mành trúc.
Ði tới trước tấm mành trúc đó chú tiểu liền lớn tiếng bẩm:
- Bẩm đại sư, Trương tiểu thí chủ đã tới.
Trong nhà có một giọng nói rất trầm đáp:
- Vào ngay đi!
Vô Kỵ liền đẩy cửa vào bên trong, chú tiểu ở bên ngoài thuận tay khép của lại và đi liền.
Vô Kỵ nhìn chung quanh thấy căn nhà đó trống không, chỉ dưới đất có một tấm bồ đoàn còn bốn vách thì tiêu điều liền nghĩ thầm:
- Sao trong nhà lại không có một ai thế này? Và phía sau cũng không có cửa ngõ gì hết? Người vừa lên tiếng ở đâu?
Y đang thắc mắc bỗng nghe giọng nói trầm khi trước nói:
- Thí chủ hãy ngồi xuống, nghe bần tăng thuật lại bí quyết Cửu Dương Thần Công của phái Thiếu Lâm . Bần tăng chỉ nói một lần thôi, thí chủ phải cố nhớ lấy. Nhớ được nhiều hay ít là do sự thông minh và trí nhớ của thí chủ. Phương Trượng sau bần tăng truyền dậy võ công, bần tăng chỉ biết tuân lệnh. Thí chủ có lĩnh hội được hay không, không can hệ gì đến bần tăng.
Vô Kỵ quay mặt lại nhìn về phía có tiếng nói đó mới hay hòa thượng ở căn phòng bên, đằng say tấm vách đó nói sang. Tiếng nói đó xuyên qua vách thì không có gì là lạ cả, ai cũng có thể làm được nhưng lời nói của Viên Chân rất rõ ràng, tựa như ngồi đối diện vậy, như thế mới thật vậy, trong lòng thán phục vô cùng nên yên lặng không nói gì đến nữa. Y thừa lệnh Không Văn đại sư truyền Cửu Dương Thần Công cho Vô Kỵ mà trong lòng y không muốn chút nào. Lệnh của Phương Trượng chỉ bảo truyền dậy chứ không nói là phải chỉ cho Vô Kỵ biết mới được vì thế y nói luôn một thôi dài và chắc rằng Vô Kỵ là một đứa nhỏ, tuổi trạc mười hai mười ba , giỏi lắm nhớ được một vài câu là cùng. Y có ngờ đâu Vô Kỵ lại thông minh đến thế. Y cũng phải công nhận Vô Kỵ là một kỳ tài hiếm có trên thiên hạ.
Vô Kỵ thấy chú tiểu nằm dưới đất chân tay co quắp liền động lòng thương nên lên tiếng hỏi:
- Thưa thiền sư, chẳng hay tiểu sư phụ này làm sao mà bị co quắp người như thế?
Viên Chân lạnh lùng đáp:
- Y ở ngoài cửa nghe lỏm bần tăng truyền võ công cho tiểu thí chủ nên bần tăng mới dùng Kim Cương Thiềm Xướng (Bài ca Phật Kim Cương) để cho y chịu chút đau khổ nhưng chỉ một lát thôi y sẽ tự khỏi ngay.
Nói tới đó, Viên Chân ngẫm nghĩ giây lát rồi tiếp:
- Bần tăng không hiểu tại sao Phương Trượng lại ra lệnh cho bần tăng truyền Cửu Dương Thần Công cho thí chủ làm gì? Tên họ của thí chủ tất nhiên bần tăng không biết , còn pháp danh của bần tăng thí chủ cũng khỏi cần biết tới. Bần tăng không biết trước kia thí chủ đã học qua những võ công gì? Nhưng bần tăng thấy thí chủ thông minh như vậy chắc tương lai sẽ rạng rỡ lắm. Tiện đây bần tăng vui lòng giúp thí chủ một phen để đả thông kinh kỳ bát mạch khác người của thí chủ, như vậy sau này thí chủ luyện tập Cửu Dương Thần Công sẽ tiến bộ nhanh gấp bội.
Vô Kỵ chưa kịp trả lời đã thấy hòa thượng dùng tay đấm mạnh mấy cái vào tường cho nứt ra rồi lần cạy văng mấy viên gạch làm thủng một lỗ trên tường. Vô Kỵ chưa hết kinh ngạc thì Viên Chân đã truyền thần công cho Vô Kỵ, giúp đả thông kinh kỳ bát mạch. Vô Kỵ liền quỳ xuống và nói:
- Tiểu tử đa tạ thiền sư đã truyền võ công cho và đả thông bát mạch cho Vô Kỵ, ơn đức này không bao giờ dám quên!
Viên Chân không muốn nhận lễ bái của Vô Kỵ liền quay đi và bảo Vô Kỵ:
- Ngươi đi thưa lại với Phương Trượng, bảo việc truyền võ công của bần tăng đã xong. Trí nhớ của thí chủ quả thật kinh người! Thí chủ đã nhớ được hết khẩu quyết của môn Cửu Dương Thần Công rồi.
Vô Kỵ nghe Viên Chân nói vậy đang ngơ ngác không hiểu liền nghe chú tiểu đứng phía sau lên tiếng:
- Vâng!
Thì ra Viên Chân dặn bảo chú tiểu đó đi thưa lại với Phương Trượng.
Vô Kỵ thấy mặt chú tiểu nhợt nhạt như người chết đuối và có vẻ sợ hãi khôn tả.
Vô Kỵ theo chú tiểu ra khỏi chùa, suốt dọc đường gặp khá nhiều tăng nhân, người nào người nấy đi ở bên lề đường, cúi đầu nhìn xuống.
Tuy ở trong chùa có hơn nghìn tăng chúng mà không nghe một tiếng cười đùa nào cả. Ngay cả những đệ tử tục gia tới chùa học võ cũng vậy, không ai dám ưởn ngực đi lại một cách nghênh ngang như những đệ tử của các môn phái khác.
Lúc Vô Kỵ đi qua các tăng nhân hay đệ tử tục gia không thấy họ đưa mắt nhìn mình chút nào cũng phải khen thầm:
- Phái Thiếu Lâm đứng đầu thiên hạ có khác, luật qui trong chùa quả thật nghiêm ngặt vô cùng!
Nghĩ tới đó, Vô Kỵ mới nhận thấy phái Võ Ðang tự do hơn phái Thiếu Lâm nhiều. Trên núi Võ Ðang muốn nói muốn cười, muốn chạy muốn đùa cũng không ai lý tới. Ngay cả cách ăn mặc cũng thế, đệ tử của phái Võ Ðang không phải ăn mặc chỉnh tề như phái Thiếu Lâm.
Chú tiểu và Vô Kỵ đi tới Lập Tuyết Ðình thấy Trương Tam Phong viết được hơn ba mươi trang giấy thế mà vẫn chưa hết những khẩu quyết của hai môn võ công.
Vô Kỵ cảm động vô cùng, nước mắt ứa ra lớn tiếng nói:
- Thái sư phụ, thiền sư đã truyền dậy cho con đủ mười hai thức Cửu Dương Thần Công của phái Thiếu Lâm rồi.
Trương Tam Phong nghe nói cả mừng:
- Tốt lắm! Tốt lắm!
Trương Chân Nhân lại viết tiếp, không bao lâu lão anh hùng đã viết xong.
Tăng nhân đứng hầu cạnh liền vào trong chùa bẩm báo cho Phương Trượng hay.
Một lát sau, ba vị thần tăng trở ra đem theo một thanh niên tuổi trạc hai mươi lăm, hai mươi sáu, đệ tử tục gia của chùa Thiếu Lâm.
Trương Tam Phong ngạc nhiên vô cùng vì Chân Nhân biết luật lệ của chùa Thiếu Lâm vẫn qui định, hễ chưa học thành tài thì các đệ tử tục gia không được phép ra khỏi cửa chùa lấy một bước. Những đệ tử tục gia đó, được vào chùa Thiếu Lâm không phải là chuyện dễ mà ra khỏi cửa chùa lại càng khó khăn hơn. Vậy sao lúc này trưởng môn Phương Trượng lại đem một đệ tử tục gia ra khỏi chùa như thế làm gì?
Trương Tam Phong liếc mắt ngắm nhìn thiếu niên đó một hồi, thấy thiếu niên đó người gầy gò, hai má rất cao, tay dài, chân ngắn, đôi ngươi rất sắc, hiển nhiên là một người tài hoa.
Không Văn đi vào trong Lập Tuyết Ðình, chắp tay vái chào và nói:
- Trương Chân Nhân vất vả quá!
Trương Tam Phong mỉm cười đáp:
- Ða tạ Phương Trượng từ bi, đã cho phép thằng nhỏ được học hỏi thần công của quí phái, không khác gì là cứu được tính mạng của nó!
Nói xong, Trương Chân Nhân đưa hơn ba mươi tờ giấu vừa viết xong cho Không Văn và nói tiếp:
- Tiểu đạo đã viết rõ những tinh yếu của Thái Cực Quyền thập tam thức và Võ Ðang Cửu Dương Thần Công vào đây mong ba vị sư huynh xem qua và chỉ giáo cho!
Không Văn đỡ lấy những tờ giấy đó rồi đưa ngay cho thiếu niên dứng ở phía sau chứ không đọc.
Thiếu niên nọ giở từng trang một ra xem.
Trương Tam Phong liền nói:
- Trời đã tối, tiểu đạo xin cáo lui!
Không Văn vội nói:
- Trương Chân Nhân giá lâm Thiếu Lâm Tự anh em bần tăng chưa kịp tiếp đãi Trương đã đi ngay. Vậy xin Chân Nhân hãy nán lại một chút, để anh em bần tăng được kính ba chén rượu lạt.
Không Văn vừa dứt lời một tăng nhân bưng khay rượu lên.
Thế rồi Trương Tam Phong cùng Không Văn đối ẩm ba chén.
Tiếp theo Trương Chân Nhân lại uống với Không Trí và Không Tín, mỗi người ba chén nữa.
Sau rốt Trương Tam Phong bảo Vô Kỵ vái chào ba vị cao tăng.
Hai ông cháu đang định quay đi bỗng nghe thanh niên đứng phía sau Không Văn lên tiếng nói:
- Thưa sư bá, những khẩu quyết Trương Chân Nhân viết ra trong này đều là võ công mà sư phụ con đã dậy con rồi.
Trương Tam Phong nghe nói kinh ngạc biến sắc mặt nghĩ thầm:
- Làm gì có chuyện như thế?!
Không Văn vội quát mắng:
- Bậy nào! Thái Cực Quyền thập tam thức là môn võ công chấn sơn của phái Võ Ðang mà Trương Chân Nhân đã mất bao nhiêu tâm huyết mới sáng tạo ra được, sao con lại bảo đã được học qua?
Thiếu niên nọ đưa xấp giấy đó cho Không Văn nói tiếp:
- Xin sư bá cứ đọc qua sẽ rõ ngay!
Không Văn liền cầm giấy đó lên đọc qua loa rồi đưa cho Không Trí, Không Tín.
Hai người thần tăng đó cũng giở ra đọc đại khái, mỗi trang họ chỉ đọc một vài chữ đầu thôi. Không Trí liền khẽ nói:
- Thưa sư huynh, võ công viết trong này quả thực là võ công của phái Thiếu Lâm chúng ta.
Trương Tam Phong vừa kinh hãi vừa tức giận nghĩ thầm:
- Ta tốn hơn ba mươi năm mới nghiên cứu ra môn Thái Cực Quyền thập tam thức này, khác hẳn những môn võ học của Thiếu Lâm Tự , tại sao chúng lại bảo là võ công của phái Thiếu Lâm được? Ngay như môn Cửu Dương Thần Công của ta tuy xuất xứ từ Cửu Dương Chân Kinh của Ðạt Ma nhưng tám mươi năm nay ta đã thêm thắt, sửa chữa rất nhiều. Phái Thiếu Lâm các người làm sao mà biết được?
Không Trí đưa tập giấy đó trả lại cho Trương Tam Phong với giọng lạnh lùng nói:
- Võ học của phái Võ Ðang nguồn gốc xuất xứ từ phái Thiếu Lâm , anh em bần tăng tưởng võ công của quí phái thay đổi nhiều, không ngờ không có gì là lạ cả!
Trương Tam Phong nghĩ ngợi giây lát liền hiểu ngay ý định của đối phương nghĩ thầm: - Phái Thiếu Lâm các người sợ mang tiếng với giang hồ là học lại tâm pháp của phái Võ Ðang chúng ta cho nên mới phải nói bừa là đã biết những võ công này rồi .
Ðoạn Trương Chân Nhân ngửng đầu lên vừa cười vừa nói:
- Từ xưa tới nay Trương mỗ đã nói ra không bao giờ thay đổi, những võ công này vốn thô thiển, những người cao siêu , đọc thế nào cũng chê cười. Nếu ba vị cho là những môn võ công này không ra gì thì vứt nó đi cũng không sao.
Tuy lão anh hùng nói như vậy nhưng vẫn không đưa tay ra đón lấy tập giấy của Không Trí đưa ra. Không Trí lại nói:
- Trương Chân Nhân nói vậy hình như không tin lời nói của anh em chúng tôi?
Y quay lại nói với thanh niên kia:
- Hữu Lượng, con thử đọc lại những lời quyết Cửu Dương Thần Công và Thái Cực Quyền thập tam thức mà sư phụ đã truyền dậy để Trương Chân Nhân nghe, xem có giống những võ công của Chân Nhân viết ra không?
Thiếu niên nọ vâng lời, lớn tiếng đọc hết hai pho Cửu Dương Thần Công và Thái Cực Quyền , không sai một câu, không sót một chữ.
Chờ thiếu niên đó đọc xong Vô Kỵ liền nói với Trương Tam Phong:
- Thưa Thái sư phụ , vừa rồi người này đọc xong kinh văn của Thái sư phụ viết ra đã ghi sâu vào trong lòng rồi lại đi bảo những võ công đó là của phái Thiếu Lâm có trước, thật không biết xấu hổ chút nào!
Lúc này Trương Tam Phong đã biết rõ ý định của ba vị thần tăng kia rồi. Thì ra đồ đệ của Không Trí có trí nhớ rất kinh người. Bất cứ bài văn khó đến đâu, y chỉ cần đọc qua một lần là thuộc ngay. Sau khi y đọc hết ba mươi mấy trang giấy của Trương Tam Phong, nhớ kỹ xong liền trả lại để tỏ rằng cuộc trao đổi này không ích gì cho phái Thiếu Lâm hết. Trương Chân Nhân ha hả cười và nói:
- Trong lúc ba vị thần tăng mời mỗ uống rượu thì các hạ đã học thuộc lòng hai pho võ công của mỗ viết. Người thông minh tài trí như các hạ đây Trương Tam Phong đây cũng phải hổ thẹn, thật., không sao bằng được. Chẳng hay quí tính đại danh của các hạ là chi?
Thiếu niên nọ đáp:
- Không dám, hậu sinh họ Trần tên Hữu Lượng.
Trương Tam Phong nghiêm nét mặt tiếp:
- Chú em họ Trần tài trí như vậy, say này sẽ trở nên một đại anh hùng, nhưng chú em đừng đi lầm đường, vậy lão đạo này xin tặng chú mười chữ: "Ðối với người phải thành, đối với mình phải khiêm!"
Hữu Lượng đưa mắt nhìn Trương Tam Phong thấy Trương Chân Nhân cũng nhìn mình y liền rùng mình kinh hãi nghĩ thầm:
- Ngươi đã mắc lừa nên mới nổi giận mà dậy bảo ta như thế .
Ðoạn y lạnh lùng đáp:
- Ða tạ Trương Chân Nhân đã chỉ bảo nhưng hậu bối là đệ tử của phái Thiếu Lâm thì đã có sư bá và sư thúc chỉ bảo cho rồi.
Trương Tam Phong vừa cười vừa nói tiếp:
- Phải, phải, lão đão lắm mồm lắm miệng. Lão đạo làm gì có quyền dậy bảo chú như thế.
Trương Chân Nhân vừa nói xong thì Không Trí đưa xấp giấy ra.
Ông liền đỡ lấy và lập tức truyền nội công sang khiến Không Trí ngã ngửa người về phía sau.
Hữu Lượng đứng cạnh bèn giơ tay đỡ sư phụ.
Tuy y là người thông minh nhưng võ công còn kém, lại không ngờ Không Trí bị nội công của Trương Chân Nhân đánh.
Sức mạnh của Thái Cực Công đánh Không Trí và luôn cả y ra khỏi Lập Tuyết Ðình ngã lăn ra đất.
Dù sao Không Trí cũng là người đã tu luyện lâu năm, nên lúc bị ngã lăn ra đất đã mượn luôn được sức, nhấn mạnh một cái đứng thẳng lại được ngay.
Trương Tam Phong mỉm cười nói:
- Thế võ vừa rồi của tiểu đạo là một thế võ trong Thái Cực Quyền thập tam thức đấy. Thế ra hiền sư đồ tuy đã thuộc lòng môn võ công này nhưng không có thì giờ luyện tập nên mới thất thố như vậy. Thôi xin chào quí vị.
Nói xong, Trương Chân Nhân dùng tay bóp tập giấy trong tay nát vụn.
Thì ra Trương Tam Phong đã vận dùng ngầm thần công bóp nát ba mươi mấy tờ giấy đó thành những mảnh nhỏ bay tứ tung.
Trương Tam Phong dắt tay Vô Kỵ, thủng thẳng ra đi. Không Văn, Không Trí và Không Tín ngơ ngác nhìn nhau.
Cả ba anh em thấy thần công của Trương Tam Phong quá lợi hại , đều kinh hãi và thán phục.
Họ hối hận nghĩ thầm:
- Võ công của lão đạo sĩ dơ bẩn lợi hại đến thế, không biết Hữu Lượng có nhớ hết được không? Nếu y sai lầm hay quên một vài chổ thì rõ là công dã tràng.
Trương Tam Phong và Vô Kỵ xuống tới chân núi Tung Sơn, liền đến trọ tại một khách điếm.
Ngay tối hôm đó Trương Chân Nhân bảo Vô Kỵ luyện tập lại theo các khẩu quyết của Viên Chân truyền dậy.
Nhưng lão anh hùng không muốn thấy lối tập của Vô Kỵ và không muốn nghe nó đọc lại các khẩu quyết chỉ bảo Vô Kỵ ngồi thở và vận khí để cho mình xem qua là đủ đoán được bí quyết của Cửu Dương Thần Công của phái Thiếu Lâm như thế nào là vì ông muốn giữ đúng lời hứa với Không Văn.
Vì vậy lão anh hùng phải thuê hai căn buồng, hai ông cháu mỗi người một căn, để mặc Vô Kỵ luyện lại võ công đó một mình.
Trương Tam Phong tin chắc rằng tuy ba thần tăng ấy hơi hẹp lượng nhưng dù sao họ cũng là cao nhân nhất thời của võ lâm , khi họ đã nhận lời truyền võ cho Vô Kỵ, tất nhiên họ không bao giờ dám lừa dối mình.
Ngày hôm sau hai ông cháu liền trở về Võ Ðang.
Suốt dọc đường Trương Chân Nhân thấy sắc mặt của Vô Kỵ hồng dần, trong lòng vui vẻ vô cùng liền nghĩ thầm:
- Nay Vô Kỵ học được cả Cửu Dương Thần Công của cả hai phái, oai lực của y sẽ ngày một tăng tiến, đồng thời thằng nhỏ nhờ được thần công đó mà xua đuổi hết âm độc của Huyền Minh Thần Chưởng đánh phải cũng nên.
Ngày hôm đó, tới bờ sông Hán Thủy hai ông cháu gọi thuyền quá giang.
Trương Tam Phong nhớ lại lúc mình còn nhỏ, theo thầy chạy khỏi chùa Thiếu Lâm, cũng tới sông Hán Thủy này thật vất vả.
Bấy giờ tuổi của Chân Nhân chỉ lớn hơn Vô Kỵ mà ngờ đâu ngày nay lại trở thành vị tôn sư khai sáng phái Võ Ðang , phái võ đang ganh đua ngôi thứ với phái Thiếu Lâm.
Ngày hôm nay Vô Kỵ lại học được võ công của hai phái, sau này sự thành đạt của y chắc hơn cả mình nữa. Lão anh hùng vừa nghĩ vừa vuốt râu mỉm cười.
Ðang lúc ấy bỗng Vô Kỵ hét lớn:
- Thái sư phụ, cháu ...cháu ...
Giọng nói của Vô Kỵ run lẩy bẩy, thần sắc mất hẳn.
Trương Tam Phong thấy vậy giật mình kinh hãi.
Ông thấy mặt thằng nhỏ nêng như thiêu, đỏ như lửa, thỉnh thoảng lại có thanh khí hiện ra, vội hỏi:
- Cháu làm sao thế?
- Cháu ... cháu thấy khó chịu lắm, chịu không nổi...chịu không nổi!
Y vừa nói tới đó, vùng chạy ra ngoài khoang thuyền, Trương Tam Phong vội giơ tay trái ra nắm lấy cổ tay thằng nhỏ, còn tay phải đè lên yếu huyệt nơi lưng của nó, dồn nội lực sang chống đỡ hàn độc hộ thằng bé.
Không ngờ, nội lực của lão anh hùng vừa truyền sang đã thông ngay kinh kỳ bát mạch của Vô Kỵ.
Thằng nhỏ lớn tiếng kêu lên rồi ngã lăn ra chết giấc tức thì.
Trương Tam Phong kinh hãi khôn tả, lẹ tay điểm luôn mười hai huyệt lớn trên người Vô Kỵ nghĩ thầm:
- Sao kỳ kinh bát mạch của nó lại đã thông hết như thế này? Người nó bị hàn độc làm nguy thì sao lại đả thông được như thế này? Bát mạch của y đã thông, hơi hàn độc thế nào cũng chạy vào ngũ tạng lục phủ, như vậy thì làm sao mà hóa giải cho được?
Trương Tam Phong là người giầu kinh nghiệm mà lúc này cũng vô kế khả thi, tâm thần bấn loạn, mồ hôi trán toát ra như tắm nghĩ tiếp:
- Chẳng lẽ Cửu Dương Công của Thiếu Lâm lợi hại đến thế sao? Vô Kỵ mới tập luyện được mấy ngày mà đã đả thông được kinh kỳ bát mạch sao? Nhưng trên thế gian này, không thể có chuyện lạ như thế được. Lợi Hanh và Thanh Cốc theo ta mười mấy năm trời mà vẫn chưa đả thông được kinh kỳ bát mạch. Nay Vô Kỵ luyện Cửu Dương Công của phái Thiếu Lâm mấy ngày mà đã đả thông được, chẳng lẽ Cửu Dương Công của phái Thiếu Lâm lại còn lợi hại hơn Cửu Dương Công của phái Võ Ðang mà ta đã dầy công tu luyện mấy chục năm ư?
Quí vị độc giả nên rõ, nếu Trương Tam Phong dùng công lực của bản thân để trợ giúp đả thông kinh kỳ bát mạch của Lợi Hanh và Thanh Cốc thì không phải là một chuyện khó, nhưng nhờ sức người ngoài để đả thông kinh kỳ bát mạch như vậy không vượng chắc bằng mình tự tập luyện lấy, vận nội công của bản thân ra mà đả thông lấy. Tính của Trương Tam Phong không mong dậy các đồ đệ chóng thành mà chỉ muốn cho đồ đệ tuần tự tiến rồi sẽ trở thành cao thủ, như vậy các đồ đệ sau này mới không kiêu ngạo.
Lúc ấy thuyền đã tới giữa sông, nước chảy rất mạnh, sóng gió không kém gì ngoài biển. Chiếc thuyền nhỏ bị nhồi lên hụp xuống như sắp chìm.
Trương Tam Phong cũng thấy choáng váng khó chịu, mỗi khi gió thổi tới cũng thấy ớn lạnh.
Một lát sau, Vô Kỵ từ từ tỉnh lại, mười hai trông huyệt đã bị phong bế nên hơi hàn độc tạm thời không thể xâm nhập vào trong tạng phủ được nhưng chân tay của y không sao cử động được. Trương Tam Phong vội hỏi:
- Vô Kỵ, cháu học Cửu Dương Chân Kinh của phái Thiếu Lâm như thế nào? Sao kinh kỳ bát mạch của cháu lại đả thông được như thế?
Vô Kỵ thuật lại từ lúc mình giả bộ ngủ say, nghe anh em Không Văn, Không Trí thương lượng thế nào đến lúc Viên Chân thiền sư thò tay qua vách truyền thần công cho mình. Một lát sau, Trương Tam Phong mới hỏi tiếp:
- Ðả thông kinh kỳ bát mạch cho cháu có phải thái sư phụ không biết đâu? Không hiểu Viên Chân giúp cháu như vậy là có lòng tốt hay có ác ý?
Vô Kỵ nói tiếp:
- Thiền sư còn nói với cháu rằng :
- Ta khỏi cần biết tên họ và môn phái của thí chủ, và thí chủ cũng khỏi cần biết pháp danh của ta .
Trương Tam Phong lẩm bẩm:
- Viên Chân? Viên Chân? Xưa nay ta không hề nghe trong phái Thiếu Lâm có một cao thủ nào tên Viên Chân cả. Y không cho cháu thấy mặt và cũng không cho cháu biết pháp danh, cũng không cần biết môn phái và tên tuổi của cháu, tất nhiên y không biết nguồn gốc của cháu với Thái sư phụ có liên can ra sao mà y hao tổn mấy năm công lực giúp cháu đả thông kinh kỳ bát mạch thì y có lòng tốt chứ không phải định hại cháu đâu.
Trương Tam Phong ngừng giây lát rồi hỏi đến các khẩu quyết Cửu Dương Công của phái Thiếu Lâm.
Vô Kỵ đọc vanh vách , nhưng mới đọc đến khẩu quyết thứ ba thì Trương Chân Nhân vội xua tay ngăn lại và nói:
- Cháu khỏi cần đọc nữa, Thái sư phụ muốn kiểm tra xem người truyền thần công đó cho cháu có thật lòng không đấy thôi. Từ này trở đi cháu đừng truyền lại cho ai mười hai thức thần công này vì cháu đã thề nặng với ba thần tăng của phái Thiếu Lâm rồi.
Vô Kỵ gật đầu tỏ vẻ vâng lời nhưng nghe giọng nói của thái sư phụ run run và nước mắt chảy quanh, vốn là người rất thông minh, y biết tính mạng của y sắp kết liễu đến nơi dù y không thề nặng lời cũng không thể truyền lại cho ai.
Y bỗng nghĩ ra một việc liền hỏi:
- Thưa Thái sư phụ , chẳng hay con còn sống sót mà về tới núi Võ Ðang được không?
Trương Tam Phong cố ngăn nước mắt ứa ra liền đáp:
- Cháu không nên nói như vậy! Bất cứ trường hợp nào thái sư phụ cũng phải chữa cho cháu.
Vô Kỵ lại tiếp:
- Cháu chỉ mong gặp lại Dư Tam sư bá một lần nữa thôi.
- Cháu muốn gặp Tam bá để làm gì?
- Dù sao cháu cũng không thể sống được nữa, cháu định nói lại mười ba thức Cửu Dương Thần Công cho Tam bá nghe để Tam bá tự chữa chân cho khỏi tàn tật. Nói xong cho Tam sư bá nghe cháu liền theo lời thề tự tử chết như cha cháu vậy. Và có như thế cháu mới chuộc được lỗi lầm của mẹ cháu.
Trương Tam Phong giật mình kinh hãi , không ngờ Vô Kỵ tuổi còn nhỏ mà đa mưu lắm kế nên buột miệng hỏi:
- Sao cháu lại nói như vậy?
Vô Kỵ đáp:
- Ngày hôm đó, cháu đã nghe rõ mẹ cháu nhận đã dùng độc trâm làm Tam bá bị thương mới khiến cho Tam bá bị đánh tàn phế, vì vậy cha cháu ăn năn vô cùng nên mới tự sát ...
Trương Tam Phong bị xúc động mạnh nên không cầm nổi nước mắt, nghẹn ngào nói:
- Cháu, cháu ..chớ có nghĩ vẩn vơ như vậy!
Trương Tam Phong định thần lại nghiêm nét mặt nói tiếp:
- Ðại trượng phu hành sự phải quang minh, cháu đã nhận lời với ba vị thần tăng của phái Thiếu Lâm là quyết không truyền lại Cửu Dương Thần Công cho kẻ khác thì cháu phải giữ lấy chữ tín cho tới cùng, dù chết đi nữa cũng không được thay đổi.
Mấy lời nói đó rất chính khí nên Vô Kỵ không sao cãi lại được chỉ gật đầu thôi.
Trương Tam Phong lại nghĩ:
- Thằng nhỏ này biết sắp chết đến nơi mà nó không sợ hãi chút nào, còn nghĩ đến việc chữa bệnh cho Ðại Nham, đủ thấy tính nó thật trông nghĩa, ít người sánh bằng.
Trương Chân Nhân đang định khen thằng nhỏ vài câu, bỗng có tiếng người rất lớn ở đằng xa vọng tới:
- Mau ngừng thuyền lại, ngoan ngoãn trao trả đứa bé thì Phật gia tha mạng cho khỏi chết, bằng không đừng có trách Phật gia vô tình!
Nghe giọng nói Trương Tam Phong biết ngay người nói có nội công rất cao thâm.
Lão anh hùng cười nhạo một tiếng và nghĩ thầm:
- Ai dám táo gan bắt ta để đứa bé lại vậy!
Trương Chân Nhân ngẩng đẩu lên nhìn thấy một chiếc thuyền nhỏ đang chạy như bay tới. Trên thuyền có một chàng râu xồm dùng thân mình bảo vệ hai đứa bé, một trai một gái còn hai tay chèo thật nhanh. Phía sau chiếc thuyền nhỏ đó, một chiếc thuyền khá lớn đuổi theo, trên thuyền ấy có bốn phiên tăng và bảy tám tên lính Mông Cổ. Những tên võ quan đó tay cầm ván thuyền làm chèo ra sức đuổi theo. Nhưng chàng râu xồm mạnh kỳ lạ, hai tay chèo một cái chiếc thuyền đã đi được hơn trượng. Tuy vậy chiếc thuyền đuổi theo phía sau có nhiều người và người chèo thuyền đều có võ công cao siêu nên càng lúc càng tới gần.
Một lát sau những tên võ quan Mông Cổ và mấy tên phiên tăng kia giương cung lên bắn vào chàng râu xồm.
Tiếng tên bay nghe vèo vèo đủ thấy sức mạnh của những tên bắn cung kinh khủng biết bao.
Trương Tam Phong nghĩ thầm:
- Thì ra chúng bảo chàng râu xồm kia để lại hai đứa trẻ cho chúng.
Trương Chân Nhân bình sinh rất ghét người Mông Cổ tàn sát người Hán, định ra tay cứu giúp chàng râu xồm kia nhưng lão anh hùng nghĩ lại. Vô Kỵ sắp chết đến nơi mình còn không kịp cứu thằng nhỏ, hơn nữa thuyền mình cách thuyền chàng nọ rất xa, dù có ra tay cũng không thể giúp kịp.
Trương Tam Phong vừa suy nghĩ vừa nhìn chàng râu xồm nọ giơ chiếc chèo bên tay phải gạt tên, lanh lẹ vô cùng, còn tay trái vẫn tiếp tục chèo.
Lão anh hùng cũng phải khen thầm và nghĩ tiếp:
- Người này có võ công khá đấy. Chẳng lẽ ta thấy anh hùng bị nạn mà không ra tay giúp hay sao?
Nghĩ đoạn Trương Chân Nhân liền bảo người lái đò:
- Bác lái đò, hãy chèo thuyền sang bờ bên kia để cứu người nọ!
Người lái đò thấy tên bay loạn xạ như vậy đã sợ hãi lắm rồi, chân tay rủn cả ra, lo tránh tai vạ chưa xong, gan đâu mà dám chèo thuyền sang bên đó nên y vừa lắc đầu vừa nói:
- Cháu, cháu ... không dám ...
Trương Tam Phong thấy tình thế nguy cấp vội cướp lấy tay chèo, chèo vài cái thuyền của Chân Nhân đã tới đầu thuyền của chàng kia rồi.
Ngờ đâu đã có tiếng kêu thảm khốc vang lên, đứa bé trai đã bị một mũi tên bắn trúng giữa lưng.
Chàng râu xồm thất kinh cúi xuống xem vì vậy vai chàng cũng bị bắn trúng một mũi tên ngay lập tức.
Cây chèo ở tay chàng rơi ngay xuống nước, thuyền ngừng lại tức thì.
Chiếc thuyền ở phía sau đã đuổi tới, bảy tám tên võ quan Mông Cổ và bốn tên phiên tăng vội vã nhảy sang thuyền chàng râu xồm nọ nhưng chàng ta vẫn không chịu đầu hàng, tay vẫn đấm, chân vẫn đá lia lịa để Chống đỡ.
Trương Tam Phong lớn tiếng nói:
- Anh hùng chớ kinh hoảng, có lão đến trợ giúp đây!
Trương Chân Nhân vừa nói vừa ném hai chiếc ván thuyền xuống mặt nước để làm bàn đạp rồi phi thân nhảy sang bên thuyền của chàng râu xồm.
Trong lúc lão anh hùng đang phi thân trên mặt nước có hai tên võ quan Mông cổ giương cung bắn.
Chờ hai mũi tên bay tới gần Trương Chân Nhân giơ tay lên phất một cái , hai mũi tên đó liền rơi ngay xuống sông.
Chân Nhân vừa nhảy sang tới mép thuyền của chàng kia đã dùng tả chưởng đánh mạnh một cái , hai tên phiên tăng đã bị đánh văng ra ngoài thuyền xa hai trượng mới rơi tõm xuống nước.
Các võ quan Mông Cổ thấy Trương Tam Phong như phi tướng quân trên trời giáng xuống, vừa ra tay một cái đã đánh tung hai tên phiên tăng võ nghệ rất cao cường ra đằng xa nên tên nào tên nấy hoảng sợ vô cùng. Tên võ quan cầm đầu thét lớn:
- Lão đạo kia có ý gì mà can thiệp?
Trương Tam Phong liền mắng lại:
- Quân chó má! Chúng bay tới đây hành hung, tác ác, giết hại lương dân. Có mau rời khỏi nơi này không!?
Tên võ quan lại hỏi tiếp:
- Lão đạo sĩ có biết ba người này là ai không? Chúng là dư đảng của Ma Giáo phản tặc và cũng là khâm phạm, hoàng thượng đã hạ chỉ tróc nã.
Trương Tam Phong nghe bốn chữ "Ma Giáo phản tặc" giật mình nghĩ thầm:
- Chàng râu xồm này là bộ hạ của Chu Tí Vương ở Trần Châu chăng? Nghĩ đoạn, Chân Nhân quay lại hỏi chàng râu xồm:
- Tên Mông Cổ kia nói có đúng không?
Chàng nọ mình mẩy máu me đầm đìa, tay ẵm thằng nhỏ vừa ứa nước mắt vừa trả lời:
- Tiểu chúa công đã bị chúng bắn chết rồi!
Trương Tam Phong kinh hãi hỏi tiếp:
- Cậu bé này là lệnh lang của Chu Tí Vương đấy à?
Chàng râu xồm đáp:
- Vâng! Tại hạ không làm tròn bổn phận nên cũng không muốn sống làm chi?
Chàng để nhẹ cái xác của thằng nhỏ xuống, xông lại tấn công mấy tên võ quan Mông Cổ. Nhưng vì vết thương quá nặng, hai mũi tên cắm ở vai chàng vẫn chưa được rút ra nên chàng vừa tung mình nhảy lên đã kêu lên một tiếng "ối chà" rồi ngã lăn luôn xuống khoang thuyền.
Con bé mà chàng ẵm trong tay cũng bị bắn trúng một mũi tên vào tay vừa khóc vừa gọi:
- Anh ơi! Anh ơi!
Trương Tam Phong thấy cảnh tượng bi đát quá nghĩ thầm:
- Nếu ta sớm biết hai đứa bé này là con của Chu Tí Vương thì ta chẳng can thiệp vào làm gì. Nhưng bây giờ ta đã trót nhúng tay vào rồi thì dù sao cũng phải cứu thoát cho họ mới được .
Ðoạn Trương Chân Nhân quay lại nói với mấy tên võ quan Mông Cổ kia:
- Thăng bé đã chết rồi, còn hai người này cũng đã bị trúng tên độc, sắp chết đến nơi. Như vậy các người đã lập được đại công, thì cũng nên đi đi cho rồi!
Võ quan nọ đáp:
- Không được! Bổn quan đã được lệnh phải lấy ba thủ cấp của chúng đem về phúc mạng mới ổn.
Trương Tam Phong lại nói:
- Sao các người cứ hay dồn người ta vào con đường cùng như thế?
- Lão đạo sĩ là ai? Chuyện gì đến ông mà can thiệp vào việc của chúng ta?
- Việc thiên hạ thì ai ai cũng có quyền can thiệp, nếu tha thứ được người thì nên tha cho tốt hơn.
Võ quan nọ đưa mắt ra hiệu cho mấy tên bộ hạ rồi hỏi tiếp:
- Chẳng hay đạo hiệu của đạo trưởng là gì? Xuất gia ở đạo quan nào?
Y vừa nói dứt lời đã thấy hai tên quân Mông Cổ rút trường đao ra nhắm đầu và vai Trương Tam Phong chém xuống.
Thế công của chúng vừa mạnh lại vừa nhanh, mà hai bên đối phương lại gần nhau nên chúng yên trí là là Trương Tam Phong không sao tránh khỏi.
Ngờ đâu Trương Chân Nhân chỉ nghiêng người sang bên một chút, trông rất tầm thường nhưng đã tránh được hai lưỡi đao kia của địch nhân.
Trương Chân Nhân thuận tay, túm luôn lưng áo của hai tên võ quan ấy rồi quát lớn:
- Ði!
Chỉ thấy lão anh hùng khẽ đẩy một cái, hai tên kia đã bị bắn tung lên rơi xuống mặt thuyền.
Ðã mấy chục năm Trương Tam Phong chưa hề ra tay đấu với người nào, lần này vì bất đắc dộ mới phải đối địch với bọn võ quan Mông Cổ.
Mấy tên phiên tăng và bọn võ quan này đều là cao thủ của vua Nguyên nhưng thấy võ công của Trương Tam Phong quá cao siêu nên chúng biết địch không nổi.
Tên võ quan cầm đầu quá hoảng sợ ấp úng mãi mới lên tiếng hỏi được:
- Ngươi ...ngươi có phải là ...
Trương Tam Phong phẩy mạnh tay áo, lớn tiếng đáp:
- Lão đạo bình sinh chỉ giết quân Mông Cổ thôi!
Nói xong, Trương Chân Nhân đánh tới tấp vào bọn võ quan Mông Cổ.
Bọn chúng tranh nhay nhảy về thuyền chúng, cứu mấy tên ngã xuống nước rồi chèo thuyền bỏ đi ngay.
Trương Tam Phong thấy đại hán với con nhỏ trúng phải tên độc, liền lấy thuốc giải độc ra cứu.
Ðoạn Trương Tam Phong chèo chiếc thuyền đó tới cạnh thuyền của mình.
Lão anh hùng vừa định đỡ chàng nọ, ngờ đâu chàng râu xồm đó, bị thương nặng như vậy mà không chịu để cho Trương Tam Phong đỡ, hai tay vẫn ôm hai đứa bé nghiến răng mờm môi nhún chân một cái là nhảy luôn sang bên đó.
Thấy vậy Trương Tam Phong cũng phải gật đầu khen thầm:
- Người này bị thương nặng như vậy mà vẫn trung thành với ấu chúa, quả thật là một anh hùng hảo hán hiếm có. Tuy y là người của Ma Giáo nhưng ta ra tay cứu cũng không phải là uổng công!
Trương Chân Nhân cũng nhảy trở về bên thuyền mình, rút hai mũi tên độc cắm trên vai chàng râu xồm và trên cánh tay con bé rồi lấy thuốc cao dán lên vết thương.
Chiếc đò tớ bờ bên kia sông Hán Thủy, Trương Tam Phong lại nghĩ tiếp:
- Hiện giờ Vô Kỵ đã bị điểm hết các yếu huyệt, không sao đi lại được. Từ đây tới Lão Hà Khẩu mới có khách điếm để trọ, một mình ta phải trông nom cho ba người mà chàng râu xồm với con bé kia lại là khâm phạm, chắc khó bề chu toàn được.
Trương Chân Nhân bèn móc túi lấy ba lạng bạc đưa cho người lái đò nói:
- Này bác lái đò, phiền bác chở chúng tôi đi ven sông cho tới Thái Bình điếm!
Người lái đò thấy Trương Tam Phong đánh bọn quan quân Mông Cổ tơi bời, trong lòng vừa kính nể vừa sợ hãi, lại được tặng nhiều tiền nên y nhanh nhẩu nhận lời.
Ði được một quãng, chàng râu xồm đã tỉnh táo đôi chút vội quỳ xuống vái lạy Trương Tam Phong và nói:
- Ơn đức trưởng lão cứu ấu chúa chúng tôi thoát nạn, Thường Ngộ Xuân này không biết lấy gì báo đền.
Trương Tam Phong vội đỡ chàng ta đậy và đáp:
- Thường anh hùng không phải hành đại lễ như vậy!
Trương Chân Nhân nắm tay chàng thì thấy bàn tay lạnh buốt, kinh hãi vô cùng vội hỏi:
- Thường anh hùng còn bị nội thương nữa phải không?
Ngộ Xuân đáp:
- Tiểu nhân hộ tống hai tiểu chúa từ Tần Dương xuống miền Nam, suốt dọc đường đã tiếp chiến với bọn chó săn do quân Mông Cổ phái đuổi theo. Ngực và sau lưng của tiểu nhân bị một tên phiên tăng đánh trúng hai chưởng.
Trương Tam Phong nắm lấy tay Ngộ Xuân thăm mạch, thấy mạch của chàng rất yếu, vội cởi áo chàng ra để xem vết thương lại càng kinh hãi thêm.
Vết thương của Ngộ Xuân sưng vù rất nặng, nếu là người khác thì đã không sao chịu đựng được lâu như vậy .
Lão anh hùng liền bảo chàng nằm yên không được nói năng gì cả để cho vết thương chóng lành.
Canh hai đêm đó, đò tới Thái Bình điếm.
Trương Tam Phong và Ngộ Xuân sửa soạn lên bờ tìm khách sạn.
Trương Tam Phong bảo Ngộ Xuân hãy trông nom hộ Vô Kỵ một lát rồi vào thở trấn hốt mấy thang thuốc đem xuống đò sắc cho Ngộ Xuân, con bé và Vô Kỵ uống.
Con bé tuổi trạc chừng mười tuổi, nhưng mặt mũi rất xinh đang ngồi yên lặng cạnh xác anh nó.
Trương Tam Phong thương hại liền lên tiếng hỏi:
- Cháu bé tên gì?
Con bé vội đứng lên đáp:
- Cháu họ Chu tên Chỉ Nhược. Chẳng hay pháp hiệu của lão đạo trưởng là chi?
Trương Tam Phong thấy cô bé còn nhỏ lại gặp lúc loạn ly và có tang anh mà vẫn tỏ ra khí độ ung dung và rất lễ phép nên đâm ra mến, liền mỉm cười đáp:
- Lão đạo là Trương Tam Phong.
Ngộ Xuân ngồi ngay dậy lớn tiếng nói:
- Thế ra lão đạo trưởng đây là Trương Chân Nhân của phái Võ Ðang, thảo nào võ công cái thế. Hôm nay Ngộ Xuân thật may mắn được yết kiến tiên đạo trưởng nơi đây.
Trương Tam Phong mỉm cười đỡ lời:
- Nhờ đạo trời cho lão được sống lâu như vậy , chứ có phải tiên gì đâu. Thường anh hùng mau nằm xuống, chớ có làm nứt vết thương thì nguy lắm đấy!
Trương Chân Nhân thấy Ngộ Xuân là người khảng khái, hào phóng, anh phong lẫm lẫm và Chu Chỉ Nhược thông minh, đẹp đẽ, nhu mì, văn nhã nên rất mến, nhưng nghĩ tới chuyện cả hai đều là người của Ma Giáo, nếu kết thân với họ sau này e sẽ bị vạ lây cũng nên. Vì vậy lão anh hùng chỉ lạnh lùng nói:
- Hai vị bị thương khá nặng, nên ít nói thì hơn.
Trương Tam Phong là người rất khoáng đạt, không hay phân biệt chính tà, nên năm xưa đã nói với Trương Thúy Sơn rằng:
- Hai chữ chính tà khó phân biệt, nếu đệ tử của chính phái mà tâm địa bất chính thì người đó là tà đồ. Nếu trong tà phái có một người lương thiện thì người đó là chính nhân quân tử. Cũng như Hân Thiên Chính, Giáo Chủ của Bạch Mi Giáo, tuy hành sự hơi quái đản một chút nhưng tính nết hơi thiện và dù sao y cũng là người quang minh lỗi lạc. Những người như thế ta có thể kết làm bạn lắm.
Nhưng từ khi Trương Thúy Sơn tự tử, Trương Tam Phong vì thương đồ đệ yêu quý bị chết một cách thảm khốc như vậy, sinh ra ghét hận Bạch Mi Giáo vô cùng.
Dư Ðại Nham bị tàn phế, Trương Thúy Sơn chết và mang tiếng cũng đều do Bạch Mi Giáo cả.
Tuy lão anh hùng đã cố nén lòng không đi vấn tội và phục thù với Hân Thiên Chính, nhưng dù khoáng đạt đến đâu vì việc các đồ đệ bị hại mà đã thay đổi tâm tính, ghét hận Ma Giáo vô cùng.
Chu Tí Vương là đệ tử của Di Lạc Tôn trong Ma Giáo, mấy năm trước đây, y ở Châu Viên, tỉnh Giang Tây, khởi nghĩa Chỉng lại quân Nguyên, tự xưng là vua lập quốc hiệu là Châu. Nhưng không bao lâu quân của y bị quân Nguyên đánh tan, y bị bắt và xử tử.
Di Lạc Tôn với Bạch Mi Giáo tuy không cùng một giáo phái nhưng có liên quan rất thân. Lúc Tí Vương khởi sự, Hân Thiên Chính ở phía Tây Triết Giang đã có tuyên bố trợ giúp.
Hôm nay sở dộ Trương Tam Phong cứu Ngộ Xuân và Chỉ Nhược thoát nạn là do lòng hào hiệp mà thôi. Hơn nữa, lúc ra tay Trương Tam Phong chưa biết rõ lai lịch của hai người.
Khi biết rõ nguồn gốc của hai người rồi, lão anh hùng hối hận vô cùng, lại nghĩ đến hai người đệ tử yêu mà mình coi như con đẻ, nay một chết, một tàn phế còn Vô Kỵ bị hơi hàn độc nan y, nên thở dài và không sao cầm lệ nổi.
Lúc ấy, người lái đò đã làm cơm nước xong xuôi liền dọn ra cho mọi người ăn.
Trương Tam Phong bảo Ngộ Xuân và Chu Chỉ Nhược ăn trước vì mình còn phải bón cơm cho Vô Kỵ.
Ngộ Xuân hỏi tại sao Vô Kỵ lại như thế, Trương Tam Phong liền trả lời là y bị hơi hàn độc xâm nhập tạng phủ nên phải điểm các yếu huyệt để tạm bảo tồn tính mạng cho y. Vô Kỵ nghe thái sư phụ nói như vậy đau đớn vô cùng, không sao nuốt nổi cơm nên cứ lắc đầu không chịu ăn.
Chu Chỉ Nhược thấy vậy vội đỡ bát cơm của Trương Tam Phong và nói:
- Mời đạo trưởng ăn trước, để cháu bón cơm cho đại ca này cho!
Vô Kỵ vội đáp:
- Tôi ăn no rồi, không ăn đâu!
Chu Chỉ Nhược lại nói:
- Nếu Trương đại ca không chịu ăn, để đạo trưởng trong lòng không yên, tất không ăn được, như vậy có phải vì đại ca mà lão đạo trưởng đói không?
Chu Chỉ Nhược nói rất phải, nên khi Chu Chỉ Nhược đưa cơm tới miệng Vô Kỵ liền há mồm ăn ngay.
Chu Chỉ Nhược cẩn thận vô cùng, gỡ hết xương cá, xương gà rồi mới bón cho Vô Kỵ ăn. Bát nào nàng cũng chan thêm ít nước canh cho ngon miệng.
Vô Kỵ ăn thấy ngon nên ăn hết một bát lớn.
Trương Tam Phong thấy vậy trong lòng hơi an ủi, nhưng lại sực nghĩ:
- Số kiếp Vô Kỵ hẩm hiu thật. Mồ côi cha mẹ từ thủa nhỏ, nay lại ốm nặng như thế này. Ðáng lẽ nó phải được một người đàn bà rất cẩn thận chăm sóc mới phải!
Ngộ Xuân tuy bị thương rất nặng mà còn ăn được bốn bát cơm lớn, y không ăn thịt, cá chỉ ăn hết sạch rau dưa.
Trương Tam Phong tuy là đạo sĩ nhưng không kiêng cá thịt, thấy Ngộ Xuân ăn khỏe như vậy , liền khuyên chàng ta ăn thêm chút cá, thịt.
Ngộ Xuân liền đáp:
- Thưa Trương Chân Nhân, chúng cháu lễ phật, nên không ăn mặn.
Trương Tam Phong lại nói:
- à phải! Lão đạo quên ...
Thì ra quy luật trong Ma Giáo rất nghiêm.
Mỗi ngày giáo chúng chỉ được ăn một bữa cơm chiều thôi và phải kiêng thịt, cá. Từ đời nhà Ðường tới giờ, người trong Ma Giáo đều tuân theo luật lệ đó. Ðến cuối đời Tống, đại thủ lĩnh của Ma Giáo là Phương Lạp khởi nghĩa ở Triết Ðông, lúc bấy giờ quan dân đều gọi những người có đạo là "ăn rau thờ ma", nghĩa là những người trong đạo giáo coi việc ăn rau với phụng sự thờ thần lửa là hai việc quan trọng.
Những quan phủ của các triều đình thời bấy giờ xử tội những người gia nhập Ma Giáo rất nghiêm, cả người trong võ lâm cũng khinh thở họ, vì vậy những giáo đồ của Ma Giáo hành sự rất bí ẩn, hễ có ai hỏi họ tại sao lại ăn chay thì chỉ nói là thoái thác đi là tụng kinh , thờ phật nên phải ăn chay, chứ không dám cho người ngoài biết mình là giáo đồ. Ngộ Xuân lại nói:
- Trương Chân Nhân đã ra ơn cứu tiểu nhân thoát nạn, nay đã biết rõ lai lịch của tiểu nhân rồi thì tiểu nhân cũng chẳng cần giấu giếm chi nữa. Tiểu nhân là người trong Minh Giáo, thờ đức Minh Tôn tất nhiên quan phủ của triều đình coi chúng tôi là những kẻ thập ác, ngay cả các danh môn chính phái của hiệp nghĩa đạo cũng khinh thường chúng tôi. Thậm chí bọn người trong hắc đạo, chuyên môn giết người cướp của mà cũng bảo chúng tôi là yêu ma qụ quái. Nay Chân Nhân đã biết rõ thân phận của chúng tôi mà còn ra tay cứu giúp, ơn đức này chúng tôi báo đền thế nào cho xứng!
Thì ra giáo đồ của Minh Giáo vẫn thờ Ma Ni, người trong giáo phái gọi là đức Minh Tôn và tự cho giáo phái của mình là Minh Giáo. Người ngoài gọi giáp phái của họ là Ma Giáo.
Trương Tam Phong vội đáp:
- Thường anh hùng ...
Ngộ Xuân liền đỡ lời:
- Xin đạo trưởng đừng gọi tiểu nhân là anh hùng hay hào kiệt nữa, cứ gọi thẳng tên tiểu nhân.
- Anh Ngộ Xuân, nay anh bao nhiêu tuổi?
- Năm nay tiểu nhân vừa đúng hai mươi tuổi.
Sở dĩ Trương Tam Phong hỏi tuổi của Ngộ Xuân là vì thấy chàng ta mặt mũi đầy râu, nhưng ăn nói và cử chỉ rất non.
Chân Nhân gật đầu nói tiếp:
- Anh mới trưởng thành, chắc vào Minh Giáo cũng không lâu. Bây giờ anh có hối cải cũng chưa muộn ...Lão đạo nói vậy là muốn anh bỏ tà giáo đi, nếu anh không hiềm phái Võ Ðang chúng tôi bản lãnh thấp kém thì lão đạo sẽ bảo đại đồ đệ Tống Viễn Kiều nhận anh làm đệ tử . Sau này anh được vang danh trên giang hồ, không ai còn dám khinh thị anh nữa.
Tống Viễn Kiều là người đứng đầu Võ Ðang thất hiệp, tiếng tăm lừng lẫy thiên hạ, những người tầm thường trong võ lâm, muốn được gặp mặt chàng đâu phải dễ. Võ Ðang thất hiệp gần đây bắt đầu thu nạp đồ đệ, nhưng kén chọn rất nghiêm, nếu người nào không có cân, cốt, tư chất, phẩm hạnh, tính tình tốt thì không nhận. Ngộ Xuân xuất thân từ Ma Giáo, người thường thấy chàng đã cau mày ngay, nay chàng bỗng dưng được Trương Tam Phong thương mến, nhận cho làm môn hạ của đại đệ tử Võ Ðang như vậy thật hiếm có.
Ngờ đâu Ngộ Xuân lại lớn tiếng đáp:
- Ngộ Xuân được Trương Chân Nhân coi trông như vậy , thật cảm động vô cùng, nhưng tiểu nhân đã gia nhập Minh Giáo thì suốt đời không dám phản.
Trương Tam Phong còn khuyên thêm vài câu nữa nhưng Ngộ Xuân cứ cương quyết không nhận.
Thấy y chấp nê như vậy , Trương Chân Nhân lắc đầu thở dài rồi ẵm Vô Kỵ lên và nói:
- Nếu vậy, chúng ta từ biệt nơi đây.
Ðoạn Trương Tam Phong ẵm Vô Kỵ lên bờ.
Ngộ Xuân quì xuống vái lạy cảm tạ lần nữa, Chu Chỉ Nhược còn dặn dò Vô Kỵ:
- Trương đại ca bữa nào cũng nên ăn no, đừng để lão đạo trưởng buồn, nghe!
Vô Kỵ ứa nước mắt và nức nở đáp:
- Cám ơn lòng tốt của cô nương, nhưng ... nhưng tôi chỉ ăn được vài bữa cơm nữa thôi!
Trương Tam Phong nghe nói cũng rầu rĩ vô cùng, vội giơ tay áo lên chùi nước mắt cho Vô Kỵ.
Chu Chỉ Nhược kinh ngạc hỏi:
- Sao? ...anh lại ...
Trương Tam Phong đáp:
- Cô nương là người có lương tâm như vậy, thật hiếm có lắm. Mong sau này cô đi trên con đường chính, đừng sa chân vào hang hố tà ma nữa!
Chu Chỉ Nhược vừa vái lạy vừa nói tiếp:
- Cám ơn lão đạo trưởng đã dậy bảo.
Ngộ Xuân bỗng lên tiếng nói:
- Võ công của Chân Nhân thâm hậu, thần thông quảng đại như vậy, tại sao Chân Nhân không hóa giải được chất độc khí trong người tiểu gia chủ?
Trương Tam Phong đáp:
- Lão đạo đã tận lực rồi.
Trương Chân Nhân vừa nói vừa xua tay ra hiệu cho Ngộ Xuân biết là bệnh của Vô Kỵ không thể nào cứu chữa được nữa.
Ngộ Xuân kinh hãi nói:
- Nội thương của tiểu nhân cũng nặng, đanh định đi nhờ một vị thần y cứu chữa cho. Chi bằng lão đạo trưởng để cho tiểu gia chủ cùng đi với tiểu nhân nhờ thần y ấy chữa luôn cho một thể?
Trương Tam Phong lắc đầu đáp:
- Kinh kỳ bát mạch của y đã đả thông, hàn độc đã chạy tán loạn trong tạng phủ, thuốc thang tầm thường không thể nào chữa khỏi được đâu, có lẽ khắp thiên hạ không còn người nào có thể chữa khỏi cho y được.
- Nhưng vị thần y mà tiểu nhân định cầu chữa đây rất giỏi về mạch lý, đã cứu chữa khỏi lắm bệnh thập tử nhất sinh.
Trương Tam Phong nghe nói ngạc nhiên, chợt nghĩ ra liền hỏi:
- Người mà Thường anh hùng nói có phải là y tiên ở Ðiệp Cốc không?
- Chính ông ta đấy. Thế ra lão đạo trưởng cũng biết sư bá của tiểu nhân ư?
Trương Tam Phong đang trù trừ nghĩ thầm:
- Ta thường nghe nói Ðiệp Cốc Y Tiên Hồ Thanh Ngưu là người trong Ma Giáo, vẫn bị người võ lâm khinh miệt, huống hồ tính nết của y lại quái dở vô cùng. Nếu bệnh nhân là người Ma Giáo thì y hết sức cứu chữa, không lấy một đồng tiền nhỏ, trái lại người ngoài giáo đến cầu chữa, dù có đem cả đống vàng thỏi đến, y cũng không thèm ngó tới. Ðành để cho Vô Kỵ độc phái mà chết chứ ta quyết không để cho y gia nhập Ma Giáo đâu!
Ngộ Xuân thấy Trương Tam Phong trù trừ, hiểu ngay là Trương Chân Nhân đang nghĩ gì rồi vội đỡ lời:
- Thưa Trương Chân Nhân, tuy Hồ sư bá của tiểu nhân xưa nay không chữa bệnh cho người ngoài giáo phái, nhưng Trương Chân Nhân đã ra ơn lớn, cứu giúp Chu cô nương thì phen này Hồ sư bá thế nào cũng phải phá lệ, chữa cho tiểu gia. Nếu Hồ sư bá không chịu cứu chữa thì Ngộ Xuân này nhất định không để yên.
Trương Tam Phong lại nói:
- Y thuật của Hồ tiên sinh quả thật thần diệu, lão đạo đây đã nghe nhiều người khen ngợi, nhưng hơi hàn độc trong người Vô Kỵ không phải là chất độc tầm thường ...
Ngộ Xuân lớn tiếng nói tiếp:
- Ðằng nào tiểu gia cũng đã không hy vọng chữa khỏi rồi, bây giờ có chữa hay không tiểu gia cũng phải chết, vậy cứ đi nhờ y tiên chữa cho, họa chăng khỏi được? Chẳng hay lão đạo trưởng còn trù trừ gì nữa?
Chàng là người thẳng thắn, nóng nẩy, bụng nghĩ gì, miệng nói ra ngay, không nghi kỵ gì cả.
Trương Tam Phong nghe Ngộ Xuân nói rằng dù sao Vô Kỵ cũng chết, trong lòng kinh hãi vô cùng nghĩ thầm:
- Lời nói của chàng lỗ mãng này cũng có lý. Xem bệnh của Vô Kỵ thì nó chỉ có thể sống thêm được một tháng nữa thôi. Biết đâu số nó chưa chết, may ra được Hồ Thanh Ngưu chữa khỏi cho .
Ðoạn lão anh hùng liền đáp:
- Nếu vậy, nhờ Thường anh hùng đưa y đi chữa hộ, nhưng lão đạo phải nói rõ trước là Hồ tiên sinh không được bắt buộc Vô Kỵ nhập giáo nghe! Nếu y tiên chữa khỏi được cho Vô Kỵ, phái Võ Ðang chúng tôi cũng không hàm ơn của quí giáo đấy nhé!
Trương Tam Phong biết người của Ma Giáo hành sự rất xảo quyệt, nếu người nào liên can đến người của Ma Giáo thì tên giáo đồ ấy tựa như bóng ma, luẩn quẩn xung quanh người nọ luôn luôn và người đó sẽ bị hậu họa thê thảm vô cùng. Cũng như Trương Thúy Sơn, chỉ vì dây dưa với người của Ma Giáo mà kết quả là thân bại danh liệt mà còn làm nhục tới cả sư môn nữa.
Ngộ Xuân nhanh nhẩu đáp:
- Trương Chân Nhân coi thường người Minh Giáo chúng tôi quá!
Nói tới đó, chàng quay lại nói với Chu Chỉ Nhược:
- Chu cô nương, hãy tạm đi theo Trương Chân Nhân lên núi Võ Ðang trước nhé!
Chu Chỉ Nhược chưa kịp trả lời, Trương Tam Phong đã ngạc nhiên hỏi:
- Sao vậy?
- Trương Chân Nhân không muốn đi gặp Hồ sư bá của tiểu nhân chúng tôi là vì lẽ gì, tiểu nhân đã rõ. Từ xưa tới nay, tà và chính không bao giờ đi đôi. Trương Chân Nhân là đại tôn sư của một môn phái lớn thì khi nào chịu đi cầu cứu một người trong Minh Giáo, đồng thời tính nết của Hồ sư bá chúng tôi cũng kỳ lạ lắm. Nếu ông ta thấy mặt Chân Nhân thì chưa biết chừng sẽ thất lễ với Chân Nhân cũng nên. Hai bên bất hòa thì việc cứu chữa cho tiểu gia này hỏng bét. Vậy bây giờ tiểu nhân có một ý này. Tiểu nhân xin đem chú em họ Trương đi, muốn cho Chân Nhân được yên lòng, tiểu nhân định mời Chu cô nương lên núi Võ Ðang ở tạm một thời gian. Chờ khi nào bệnh của chú em họ Trương lạnh hẳn, tiểu nhân sẽ đưa về núi Võ Ðang rồi tiếp Chu cô nương đi. Nói trắng ra, tiểu nhân định để Chu cô nương lại núi Võ Ðang làm con tin.
Xưa nay Trương Tam Phong giao dịch với ai cũng vậy, chỉ có tin người, không bao giờ ngờ vực nhưng Vô Kỵ là cốt nhục duy nhất của đệ tử cưng của mình. Nay giao thằng nhỏ cho một đệ tử Ma Giáo, tất nhiên lão anh hùng không sao yên tâm được.
Trương Tam Phong chưa kịp trả lời thì Ngộ Xuân lại tiếp:
-Chu Tí Vương, Chu đại ca của chúng tôi là người nhân nghĩa, khởi nghĩa ở Tần Dương đã thất bại, cả nhà hai tám người đều bị quân Mông Cổ giết hại. Bà cụ thân mẫu của Chu đại ca tới tuổi ngót tám mươi cũng không thoát khỏi. Tiểu nhân phải thí mạng mới cứu thoát được hai người con, ngờ đâu tiểu công tử lại bị quân Mông bắn chết. Bây giờ chỉ còn lại Chu cô nương là hòn máu duy nhất của Chu đại ca tôi. Vì là người của Minh Giáo, Chu đại ca tôi bị nhiều người oán ghét. Cho nên không chỉ quân Mông Cổ muốn truy nã con cái của anh ấy mà các kẻ thù khác hay tin, thế nào cũng tìm đến làm phiền Trương Chân Nhân. Tuy phái Võ Ðang oai trấn thiên hạ thật nhưng Chân Nhân cũng nên cẩn thận tốt hơn.
Trương Tam Phong không sao nhởn cười được nghĩ thầm:
- Ta chưa nhận lời mà chàng trực tính này đã dặn bảo đủ điều. Vẫn biết nhiều người muốn bắt cho được Chu Chỉ Nhược mới hả dạ, nhưng Ngộ Xuân có ngờ đâu Vô Kỵ lại còn bị nhiều người theo dõi hơn nữa. Hiện giờ Vô Kỵ đau nặng, không thể thoát chết, chi bằng ta cứ cho chàng này đem đi cầu y tiên chữa thử xem ...
Nghĩ tới đó, Chân Nhân liền đáp:
- Thôi được, chúng ta nhất ngôn vi định. Lão đạo trông nom Chu cô nương hộ Thường anh hùng, còn Thường anh hùng phải cẩn thận săn sóc cho Vô Kỵ. Khi nào bệnh của y lành mạnh thì Thường anh hùng đưa ngay y lên núi Võ Ðang hộ!
- Lão đạo trưởng cứ yên tâm , tiểu nhân thế nào cũng làm tròn bổn phận để lão đạo trưởng được yên lòng.
Nói xong, chàng nhảy lên trên bờ, dùng dao đào một hố sâu, chôn Chu công tử.
Chàng và Chu Chỉ Nhược quỳ trước mộ chờ, xá mấy cái.
/102
|