Người Tìm Xác

Chương 237: Thôn thái bình không thái bình

/1940


Đây là lần đầu tiên tôi biết được cảm nhận một đồ vật có tuổi là như thế nào. Khi ngón tay chạm vào cuộn thánh chỉ, tôi có cảm giác như mình đang xuyên không…

Tiếc rằng những người xuất hiện không hề đẹp mắt như những nhân vật trên phim truyền hình, quần áo cũng không hoa lệ như vậy, thế nhưng nó lại càng chân thực hơn.

Những hình ảnh này như những thước phim chiếu trong đầu tôi, đưa tôi quay về đời nhà Thanh, Trung Quốc hơn một trăm năm trước… Đúng như Thiệu Kiến Hoa nói, lão tổ tông của anh ta tên là Thiệu Chi Lam, là quan nội các Đại học sĩ, trong nhà có một vợ một thiếp, bên dưới có hai con trai, một con gái.

Cả đời Thiệu Chi Lam sống rất thận trọng, ông ấy đã từng là thầy dạy cho Thái tử, cũng là Hoàng đế sau này, cho nên trước lúc cáo lão về hưu, Hoàng đế đương triều vẫn giữ đãi ngộ theo cấp bậc ban đầu của ông. Còn cấp đất đai nhà cửa ở quê quán Quảng Đông cho Thiệu Chi Lam, để ông ấy dưỡng già.

Đáng tiếc Thiệu Chi Lam hồi hương không được mấy năm đã qua đời vì bệnh tật, trước khi lâm chung, ông ấy dặn người nhà đem một mảnh đất mà lúc trước được Hoàng thượng ban cho làm mộ phần. Về sau, các con cháu của Thiệu Chi Lam đều được an táng ở đó.

Mảnh đất này năm đó đã được đại sư phong thủy xem qua, tuy bên trong không có hoàng khí nhưng âm trạch và địa thế nơi đây có thể tạo phúc cho con cháu về sau. Nó nằm ở phía Bắc quay về hướng Nam, phía sau có ngọn núi vững chắc, nhìn từ xa trông giống một tượng Phật nằm nghiêng.

Khi nhìn thấy ngọn núi lớn kia, tôi lập tức biết đây chính là đầu mối quan trọng mà mình cần tìm. Tôi lấy giấy bút ra vẽ lại hình dáng đơn giản của ngọn núi. Dù khả năng vẽ của tôi không tốt, nhưng cũng cố gắng vẽ giống nhất có thể.

Thiệu Kiến Hoa chưa từng sống ở Quảng Đông, Trung Quốc nên không thể nhận ra đây là núi gì. Chúng tôi cũng không phải người Quảng Đông, cho nên nếu muốn biết nó ở đâu, chúng tôi phải tìm người dân địa phương để hỏi thăm.

Tập đoàn Thiệu thị cũng có mấy nhà máy ở Quảng Đông, nên Thiệu Kiến Hoa bàn giao lại chuyện này cho Tôn Bằng Phi, người phụ trách mấy nhà máy ở đây. Sáng sớm hôm sau, Tôn Bằng Phi kia tự lái xe đến khách sạn đón ba chúng tôi, rồi đến công ty du lịch thuê một nữ hướng dẫn viên tên Lưu Lan. Cô ấy sẽ đi cùng chúng tôi tìm kiếm ngọn núi có hình dáng giống tượng Phật nằm ngủ kia.

Khi Lưu Lan nhìn thấy ngọn núi mà tôi vẽ ra, cô ấy cũng không dám khẳng định nó là ngọn núi nào xung quanh đây, nên cô chụp lại rồi gửi cho một vị đồng nghiệp khác. Hai người nói chuyện một lúc mới nhất trí cho rằng đây hẳn là ngọn núi phía Nam ở thôn Thái Bình.

Tôi nghe thấy thôn Thái Bình thì cảm thấy cái tên này rất hay, bèn cười nói với Lưu Lan: “Tên hay, nghe có cảm giác rất thái bình.”

Ai ngờ Lưu Lan lại lắc đầu và nói: “Vậy thì anh sai rồi, nơi này không hề thái bình chút nào, còn xảy ra tai họa liên tục nữa ấy… Ôi! Khi nào đến thì các anh sẽ biết.”

Chúng tôi lái xe đến thôn Thái Bình ở huyện Trấn Bình, dọc đường đi, chúng tôi dừng chân một lần để ăn cơm. Nghe Lưu Lan nói, vì nơi này gần Phúc Kiến nên người ở đây nói giọng hơi khác với tiếng Quảng Đông, người ở bên ngoài bình thường không nghe hiểu họ nói gì.

Tôi thầm nghĩ, đối với tôi thì có gì khác nhau đâu, dù gì cũng đều nghe không hiểu cả…

Khoảng 3 giờ chiều, chúng tôi đến được huyện Trấn Bình, nói là huyện Trấn Bình nhưng xung quanh bốn bề toàn là núi, xe của chúng tôi đi trên con đường vòng quanh núi, cảnh sắc chung quanh thật sự đẹp không sao tả xiết.

Trên đường đi chúng tôi nhìn thấy người dân của mấy thôn gần đấy đang làm việc nông, Lưu Lan xuống nghe hỏi bọn họ về vị trí cụ thể của thôn Thái Bình. Chẳng ngờ những người kia nghe xong thì liên tục xua tay, còn nói với cô ấy một tràng mà chúng tôi nghe không hiểu.

Sau đó Lưu Lan quay lại xe và nói cho chúng tôi biết, những người này nói cho cô ấy biết vị trí cụ thể của thôn Thái Bình, nhưng họ đều khuyên chúng tôi không nên đến đó, chỗ đó rất đáng sợ, người sống chớ nên đi vào.

Chú Lê tò mò hỏi: “Ồ? Không biết nơi đó đáng sợ như thế nào? Không ngại kể cho chúng tôi nghe chứ…”

Lưu Lan nói đến khô cả miệng, cô ấy lấy ra một chai nước khoáng, mở nắp uống một ngụm xong mới kể: “Thì ra cái thôn Thái Bình này ở những năm 90 thế kỷ trước đã nghe lệnh của chính phủ mà di dời đi hết rồi. Lúc đó chính phủ muốn những người dân dời đi, là vì nhân khẩu trong thôn lúc đấy không còn nhiều lắm, không đủ để lập thành thôn được, cho nên đành phải đưa mấy hộ gia đình còn lại dời nhà đến những thôn phụ cận.”

Chú Lê nghe xong càng nghi ngờ: “Nhân khẩu không nhiều? Vậy những thôn dân trước đó đâu? Đi đâu hết rồi?”

Lưu Lan mở hai tay ra, nói: “Chết hết cả.”

“Chết hết?” Tôi giật mình.

Lưu Lan gật đầu: “Ừ, chết hết! Đừng thấy cái thôn này gọi là thôn Thái Bình, thực tế nó không hề thái bình chút nào!”

Theo như Lưu Lan biết thì cái tên thôn Thái Bình mới được đổi sau giải phóng, trước đó nó được gọi là thôn Liên Hoa. Mấy bác nông dân vừa rồi nói cho cô ấy biết, ở thời đại nhà Thanh đó là một nơi đất lành chim đậu, trong thôn Liên Hoa có không ít cử nhân. Về sau nhà Thanh diệt vong, nơi đó lại gặp phải hạn hán, đến ba năm không thu được một hạt thóc nào, có rất nhiều nhà nghèo khó trong thôn không thể chịu nổi mà chết đói.

Sau này qua được nạn hạn hán, thì trong thôn lại bắt đầu có bệnh dịch truyền nhiễm, thầy lang trong thôn cũng không biết đây là bệnh gì nên không thể chữa trị được. Sau đó có hai vị thầy tu người Anh đến, họ nói đấy là bệnh sốt rét, phải uống thuốc Tây của họ mới trị được.

Nhưng khi đó thôn dân rất mê tín, tất cả đều không dám ăn thứ “thuốc quỷ” của bọn quỷ Tây Dương này. Mãi sau một nhà giàu ở thôn bên có con trai mới đi học trên thành phố về, cứng rắn bắt mẹ mình uống thuốc đó.

Kết quả bà bác này uống thuốc xong, mấy ngày sau thực sự có khá hơn thật, không nôn không sốt nữa, lúc này những người kia mới dám uống thuốc. Thế nhưng đến lúc đó thì số người chết trong thôn đã lên đến một phần ba rồi, thậm chí có nhiều gia đình còn chết cả nhà.

Sau giải phóng, chính phủ cho sửa lại cái tên mới thành thôn Thái Bình, cũng hi vọng cái tên này sẽ mang lại điềm lành, có thể giúp thôn từ nay về sau được yên ấm… Đáng tiếc nguyện vọng thì rất tốt đẹp, nhưng kết quả lại không được như ý muốn.

Ở những năm 60 của thế kỷ trước, nơi này gặp phải một trận lũ lụt hiếm có, lũ lụt đã dẫn đến núi lở, nửa cái thôn bị đất đá nuốt hết trong chớp mắt. Còn lại nửa thôn, mặc dù may mắn sống tiếp được, nhưng phải sống cuộc sống lo lắng đề phòng.

Những người trong thôn dần phát hiện ra, số người nằm ngoài nghĩa địa đã nhiều hơn số người còn sống trong thôn rất nhiều, thế là có nhiều người chuyển nhà đi không bao giờ quay lại nữa. Càng ngày càng nhiều người dọn đi, vườn không nhà trống ngày càng nhiều, cuối cùng nơi đó gần như đã thành thôn hoang chẳng còn mấy ai ở nữa.

/1940

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status