Nhất Thống Thiên Hạ

Chương 100: Chuyện Xưa Tích Cũ

/100


Ngự Thiện phòng. Trời vừa sập tối.

“Mời hai đại nhân vào trong.” Hai cung nữ đứng trước cửa phòng Ngự Thiện khép kín, lễ phép thưa.

“Người anh em, vào đi. Hoàng thượng chỉ muốn ngự thiện cùng cậu. Hà hà, cậu thực có diễm phúc đấy, tôi theo Hoàng thượng bao nhiêu năm mà chưa lần nào được ngự thiện với ngài. Hoàng thượng mới gặp cậu một lần đã xem trọng cậu như vậy, khiến Thông mỗ phải ganh tỵ vô cùng.” Lý Thông vỗ vai người đàn ông mặc áo vải đứng bên cạnh bảo.

“Đại nhân nói quá lời, tiểu nhân sao có thể so với đại nhân.” Người đàn ông mặc áo vải chắp tay khiêm nhường nói.

“Lại nữa, lại nữa. Cao Ngạo à, tôi đã nói với cậu rồi, đừng có câu nệ tiểu tiết với tôi. Tôi lớn hơn cậu hai tuổi, cứ gọi tôi ba tiếng anh Lý Thông, nếu không đừng coi tôi là anh em nữa.” Lý Thông đấm vào vai Cao Ngạo, nghiêm mặt lên tiếng.

“Dạ, anh Lý Thông.” Cao Ngạo gật đầu.

“Tốt, vào đi. Tôi ở ngoài.” Lý Thông hài lòng đáp.

Cao Ngạo mở cửa bước vào phòng, ở ngoài Lý Thông khép cửa lại. Mùi hương trầm bay vào mũi, Cao Ngạo hít mạnh một hơi khoan khoái, quan sát căn phòng to rộng trước mặt, hắn thấy một cái bàn dài đặt đầy của ngon vật lạ, ngồi ở cuối bàn là người trẻ tuổi lần trước hắn đã gặp, ngoại trừ người này, trong phòng không còn ai khác.

“Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế.” Cao Ngạo phủ phục, dập đầu, lớn tiếng nói.

“Cao khanh, miễn lễ. Đứng lên đi.” Lý Hạo truyền lời.

Cao Ngạo đứng lên, hơi cúi đầu, không nhìn thẳng vào Lý Hạo: “Bẩm Hoàng thượng. Lần trước, thảo dân không biết rõ là ngài, có điều vô lễ, mong Hoàng thượng thứ tội.”

Lý Hạo cười lớn: “Kẻ không biết không có tội. Khanh ngồi xuống đi, ăn với trẫm. Khanh thấy đó, ngày nào đám Nội trù cung đình cũng làm ra nhiều món thế này, trẫm sao có thể ăn hết, khanh mau giúp trẫm dọn dẹp hết chỗ này, tiết kiệm là quốc sách hàng đầu, ha ha.”

Cao Ngạo nghe vậy, định ngồi xuống, lại đắn đo không biết ngồi đâu cho phải phép. Lý Hạo thấy Cao Ngạo cứ lúng túng mãi không chịu ngồi, hiểu ý bảo: “Khanh cứ ngồi đối diện với trẫm, trẫm cho phép, không cần phải e sợ.”

Ngồi xuống cái ghế màu xám chạm trổ những họa tiết hình đám mây, chim chóc được đặt đối diện với Lý Hạo, Cao Ngạo cảm thấy thoải mái hơn ngồi ghế tre ở nhà rất nhiều. Lý Hạo giục Cao Ngạo gắp món ăn, giới thiệu tên những loại thức ăn, rượu ngon và tác dụng của chúng. Một lúc sau, Lý Hạo hỏi: “Khi trước, trẫm từng hỏi khanh về họ Cao của khanh, khanh còn nhớ chứ?”

Cao Ngạo đứng bật dậy, nghiêm giọng đáp: “Bẩm Hoàng thượng, thảo dân có tội. Mong Hoàng thượng trừng phạt thảo dân.”

“Ồ, có tội? Khanh có tội gì?” Lý Hạo nhấp ngụm rượu cay nồng.

“Thảo dân đã lừa dối Hoàng thượng. Mong Hoàng thượng trừng phạt. Thảo dân đích thực là con cháu trực hệ của thủy tổ Cao Lỗ.” Cao Ngạo tự trách.

Lý Hạo ngoắc tay xuống, mỉm cười: “Khanh ngồi xuống đi, trẫm hiểu khanh có nỗi khổ riêng. Cứ từ từ trình bày cho trẫm nghe lý do tại sao khanh phải giấu diếm.”

Cao Ngạo thấy vua không có biểu hiện nào của sự giận dữ, rụt rè ngồi xuống: “Chuyện này kể lại thì rất dài dòng, chẳng hay Hoàng thượng có nhã hứng nghe thảo dân kể?”

Lý Hạo cầm đùi gà lên, cắn một miếng, quanh miệng nhễ nhại mỡ: “Ăn đùi gà là phải cầm lên mà cắn như thế này mới sướng, lâu rồi trẫm mới được sảng khoái thế này. Trước giờ ăn uống cứ phải lễ nghi với chả lễ giáo, chán chết. Ăn, ăn đi, vừa ăn vừa kể. Khanh cứ ăn bốc như trẫm cũng được. Không có vi trùng, vi rút gì đâu, đám Nội trù trong cung của trẫm sạch sẽ lắm. À, là chuyện xưa tích cũ phải không, trẫm luôn thích nghe chuyện xưa tích cũ, khanh kể đi.”

Cao Ngạo há mồm nhìn vua nhai nhồm nhoàm, cực kỳ thích thú, cũng vặt một cái đùi gà, vừa nhai vừa nói: “Ha ha, không ngờ Hoàng thượng lại hào sảng như vậy, rất giống tính cách của anh Lý Thông. Nếu đã thế thì thảo dân xin thất lễ. Các đời gia tộc họ Cao đều truyền miệng và dặn dò con cháu về những chiến công hiển hách của tổ tiên Cao Lỗ, cũng như những lời răn đe nhằm duy trì nòi giống dòng họ Cao...”

Cao Ngạo chậm rãi kể về Cao Lỗ, vị đại anh hùng của dân tộc Việt. Thuở xưa, Cao Lỗ là một trong những người đầu tiên theo vua Thục Phán - An Dương Vương giúp ngài đánh bại vua Hùng, dựng nên nhà nước Âu Lạc.

Sau khi dựng nước, Cao Lỗ cho rằng vùng rừng núi không thể an cư lạc nghiệp, ông đưa ra lời khuyên sáng suốt thuyết phục vua dời kinh đô cũ từ vùng núi Phong Châu xuống đồng bằng đầy tiềm năng để sinh sống. Cao Lỗ còn là người vượt tầm thời đại khi đã quản lý, thiết kế và chỉ huy xây dựng được tòa thành Cổ Loa độc đáo và kỳ vĩ.

Cao Lỗ còn là ông tổ sáng chế ra nỏ liên châu, một loại nỏ liên hoàn, một thứ vũ khí lợi hại để giữ nước Âu Lạc mà nhân dân vẫn gọi là Nỏ Thần hay còn gọi là Linh Quang Thần Cơ. Nỏ liên châu mỗi lần giương bắn ra được mấy chục phát, mà các mũi tên đều bịt đồng sắc nhọn. Là người phát minh ra nỏ thần, lại có tài bắn nỏ nên dân gian thường gọi ông là Ông Nỏ. Chính vì thế, Cao Lỗ được giao nhiệm vụ huấn luyện cho hàng vạn binh sỹ ngày đêm tập bắn nỏ. Vua An Dương Vương thường xem tập bắn trên Ngự xa đài.

Khi Triệu Đà xua quân xâm lược Âu Lạc, chúng đã bị các tay nỏ liên châu bắn tên ra như mưa, thây chết đầy nội và phải lui binh, nỏ liên châu là nỗi kinh hoàng đối với quân tướng Triệu Đà. Đương thời, nỏ liên châu trở thành thứ vũ khí thần dũng vô địch của nước Âu Lạc.

Triệu Đà bèn lập mưu kế hèn hạ, vô liêm sỉ, sai con trai là Trọng Thủy sang nước Âu Lạc, cầu hôn với con gái An Dương Vương là Mỵ Châu.

Một lần An Dương Vương hỏi văn võ bá quan trong triều: “Những năm qua, Triệu Đà không còn dã tâm đánh chiếm chúng ta nữa, hàng năm đều cống hiến sản vật. Nay con trai của vua Triệu là hoàng tử Trọng Thủy muốn cầu hôn với công chúa Mỵ Châu, mọi người hãy cho ý kiến.”

Cao Lỗ không cần suy nghĩ, tâu ngay: "Thần cho rằng đây là mưu kế hiểm độc của Triệu Đà, nhằm đưa Trọng Thủy sang nước ta làm nội gián, hòng tìm ra sơ hở, điểm yếu của nước ta, rồi đem về nghĩ cách khắc chế.”

An Dương Vương phản đối: “Nước ta với nước Triệu đã chinh chiến bao năm qua, dân chúng khổ sở lầm than khôn tả xiết. Chẳng lẽ cứ phải đánh mãi như vậy hay sao? Ta không tin nước Triệu sẽ lại sang đánh nước ta, sau những lần thảm bại dưới uy phong của ta nữa. Hãy vì con dân mà chấp nhận cuộc hôn nhân này thì hơn.”

Cao Lỗ khuyên mãi mà An Dương Vương không nghe. Ông nhụt chí, từ quan, đưa cả gia tộc vào núi rừng ở ẩn.

Thông qua sự ngây thơ của Mỵ Châu, Trọng Thủy biết được bí mật phòng thủ ở các chốt chặn thành Cổ Loa, hắn ăn cắp bản thiết kế nỏ liên châu, ngầm phá hoại các xe nỏ gắn trên tường thành. Hắn giả vờ nhớ nhà, xin phép về nước, có bản thiết kế nỏ liên châu trong tay, Triệu Đà liền mang quân sang đánh Âu Lạc. An Dương Vương thua chạy. Quân Triệu đuổi theo. Cao Lỗ biết tin, ra đón đường chặn đánh quân Triệu tiếp cứu An Dương Vương.

Trước khi Cao Lỗ dẫn tinh anh trong gia tộc đi cứu vua, ông đã cho phụ nữ và trẻ nít trốn đi hết, với lời dặn giả như ông có tuẫn quốc, Âu Lạc mất nước, thì gia tộc họ Cao phải mai danh ẩn tích, sống khiêm nhường làm trọng, con cháu phải đời đời phải bảo vệ bí mật của nỏ thần, không được hé lộ ra bên ngoài, nếu không sẽ mang họa diệt tộc. Từ đó, tin tức về con cháu Cao Lỗ và bí mật nỏ liên châu hầu như biến mất dưới con mắt thế nhân.

Tại chiến trường cuối cùng, Cao Lỗ đưa toàn bộ tinh anh trong gia tộc mang theo nỏ thần ra bắn lui quân Triệu. Nhưng anh em nhà Cao Lỗ chỉ có mấy trăm người, mũi tên bắn mãi cũng hết, không thể đối chọi với quân lính Triệu Đà đông đến hàng vạn. Mãnh hổ nan địch quần hồ, vì vậy Cao Lỗ rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Anh em họ Cao vừa đánh vừa rút tới một cánh rừng sâu thì sức cùng lực kệt.

Cao Lỗ mới giục An Dương Vương chạy trước, để cho ông và người nhà ở lại tử chiến chặn giặc. Triệu Đà sẵn có lòng riêng, muốn thu phục Cao Lỗ để giảng giải kỹ thuật chế nỏ liên châu, mặc dù Triệu Đà có bản thiết kế nhưng không tài nào hiểu được những huyền ảo trong đó. Thế nhưng Cao Lỗ với chí khí quật cường, một mực từ chối, thà chết không chịu bán thân làm tôi mọi cho giặc. Ông cùng toàn bộ người trong gia tộc họ Cao cố thủ ở bìa rừng, đánh một trận khốc liệt với cả vạn quân Triệu.

Quân Triệu Đà xông lên bao nhiêu, lính chết như ngả rạ bấy nhiêu. Chỉ vài trăm người họ Cao với những chiếc nỏ liên châu trong tay, bắn tên ra như mưa như gió. Sự hào hùng ấy, khí thế ngút trời ấy, mấy ai có thể sánh được với những anh hùng này.

Với kỹ thuật bắn nỏ tuyệt thế, siêu phàm, Cao Lỗ thúc ngựa xông ra nhắm vào Triệu Đà và Trọng Thủy mà bắn. Giữa trận tiền vạn quân, mà hai gã cũng không ngờ Cao Lỗ lại liều lĩnh như vậy, không kịp né tránh, mấy viên tướng đứng xung quanh Triệu Đà, Trọng Thuỷ đều ngã lăn xuống ngựa giãy đành đạch chết tốt. Triệu Đà túm lấy tên hầu cận bên cạnh che tên nên may mắn thoát chết, Trọng Thủy trúng tên vào ngực phải, hộc máu ngã lăn kềnh ra đất.

Triệu Đà nổi cơn điên dại, thúc toàn bộ quân lính tràn sang như đám ong vò vẽ. Gia tộc họ Cao trút cơn mưa tên thêm vài lần nữa, bắn đến những mũi tên cuối cùng. Quân Triệu áp sát bìa rừng, tuy nhiên không ai đầu hàng, cầm kiếm nhảy vào quân Triệu tả xung hữu đột. Cái chết nào có nghĩa lý gì đối với những người anh hùng đất Việt, họ chiến đấu vì dân tộc, họ chiến đấu vì hai chữ đất nước thiêng liêng. Cao Lỗ và toàn bộ tinh anh tử chiến đến giọt máu cuối cùng, những vị đại anh hùng dân tộc ấy đã mãi mãi ra đi bằng cái chết vinh quang nhất.

/100

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status