Chương 11: Tình anh em
Hứa Ngạn Khanh bị tiếng đàn nhị trầm trầm làm tỉnh giấc, thân thể anh vẫn còn chìm trong mộng mà lười cử động. Đang giữa trưa, mà trong phòng mờ mờ ảo ảo tựa như lúc mặt trời xuống núi. Anh xoay đầu nhìn xem ai đã che lấp cả ánh sáng. Ngoài cửa sổ là bóng cây ngô đồng già cỗi, phiến lá vàng to như bàn tay, ánh mặt trời xuyên qua kẽ lá, chiếu lên mặt trên chiếc tủ gỗ tử đàn, gieo rắc từng tia sáng lên sàn gỗ lim. Một cơn gió lùa, cả căn phòng ngập tràn những tia sáng vằn vện, lay chuyển trái phải.
Anh nghe má Triệu nói: "Đại gia kéo đàn nhỏ tiếng một chút ạ! Nhị gia đang ngủ!" Giọng nói có vẻ không vui truyền đến sau cánh cửa.
Tiếng đàn nhị bất chợt dừng lại.
Hứa Ngạn Khanh thở dài, ngồi dậy mang lại giày, rồi đi ra khỏi phòng, vào một căn phòng khác. Anh cả Ngạn Chiêu đang ngồi trên chiếc ghế mây, trên gối đắp một chiếc chăn mỏng màu vỏ đậu lấm tấm hoa. Chiếc đàn nhị được dựng tựa vào bức tường trắng. Nghe tiếng bước chân, anh ấy nghiêng đầu nhìn sang.
Tướng mạo Hứa Ngạn Khanh giống cha, cao lớn khôi ngô, chân mày rậm, mắt phượng, mũi cao, môi mỏng, mặt mũi nho nhã nhưng ngầm chứa khí thế. Ngạn Chiêu lại cực kỳ giống mẹ ruột, chân mày dài, đuôi mắt nhọn, chóp mũi tròn như củ tỏi, môi cong như vầng trăng, hết sức đẹp. Bởi vì chân anh ấy không thể đi lại nên rất ít khi ra khỏi phòng, hiếm khi nhìn thấy ánh nắng mặt trời. Thế nên sắc mặt anh ấy có vài phần xanh xao, càng làm nổi bật thêm màu mắt màu xám tro nhàn nhạt.
"Đánh thức em à?" Ngạn Chiêu khép sách trong tay lại, cất giọng ôn hòa hỏi.
"Thức giấc cũng nửa giờ rồi, lười cử động thôi." Hứa Ngạn Khanh đứng chống tay trước cửa sổ, ánh mắt lướt qua tấm màn cửa màu xanh trắng. Trong Kinh thành, những người giàu có thường ở trong những căn nhà nhỏ theo kiểu dáng phương Tây, cửa sổ được viền bằng khung gỗ màu vàng hạt chè, bên trong là những ô vuông thủy tinh màu xanh lục; người hầu mặc áo trắng quần đen dùng những tờ báo cũ lau bụi bặm, sau đó dùng khăn lau qua một lần, bề mặt kính lại trở nên sáng bóng sạch sẽ.
Anh đã từng nghĩ đến chuyện lắp kính cho căn nhà, nhưng sau đó lại thôi, bình cũ rượu mới lại càng có cảm giác nhếch nhác.
Có người nhẹ nhàng gõ cửa, là chị dâu Phùng thị đến đưa trà. Chị ta là một người phụ nữ an tĩnh cực kỳ ít nói và bảo thủ. Chồng vô cớ bị liệt, cũng không khơi dậy ở chị ta quá nhiều xúc động, vẫn cứ như cũ mà dốc lòng hầu hạ. Chỉ là hôm nay hốc mắt lại hơi ửng đỏ, chị ta châm trà xong rồi im lặng rời bước ra ngoài.
Ngạn Chiêu không chờ em trai hỏi, tự mở miệng trước: "Mẹ muốn thay anh lấy thêm vợ lẽ để khai thông đường con cháu, nghe bảo là con gái nhà họ Tạ đã lụn bại, tên là Tạ Phương, mười tám tuổi, còn là trinh nữ, anh... không chấp nhận."
Hứa Ngạn Khanh nhớ lại hôm ấy nhìn thấy Tạ Phương, cũng không ấn tượng gì mấy. Lấy vợ lẽ là do anh cả tự quyết định, còn anh chỉ quan tâm đến chân của anh ấy.
Ba năm trước, Ngạn Chiêu bỗng dưng ngã xuống đất không dậy được, rồi sau đó cũng không thể đứng lên. Hai chân cứng lại như khúc gỗ, vài bước cũng không thể đi nổi. Mời bác sĩ đến chẩn bệnh nhưng mãi đến nay vẫn không thể tìm ra nguyên nhân.
Lúc đầu mọi người hãy còn hy vọng, đến bây giờ cũng đã chấp nhận sự thật. Không còn ai để tâm đến chuyện này khác lạ như thế nào. Chỉ có Hứa Ngạn Khanh, mấy năm nay anh ở bên ngoài, bên cạnh việc buôn bán cũng âm thầm dò xét.
Loại trừ những kẻ thù trên phương diện làm ăn bị xúi giục bên ngoài, anh chuyển ánh mắt nặng nề về trong nhà. Nhà cổ thì bốc mùi ẩm mốc, lòng người cũng mục ruỗng.
"Bác sĩ Bạch nói chân của anh là bị tổn thương dây thần kinh, nếu đi nước ngoài thì có khả năng chữa khỏi." Hứa Ngạn Khanh phóng tầm mắt về phía cửa một cái, đè thấp giọng xuống: "Thượng Hải có thuyền đi Anh Quốc, đầu xuân năm sau rời bến, đến lúc đó em đưa anh đi."
"Chuyện đó là người Tây Dương nói sao?" Ngạn Chiêu không nói gì, chỉ cười một tiếng, lại đá sang chuyện khác: "Còn cả chuyện lấy vợ lẽ của em nữa. Mẹ sai người dựng sân khấu kịch ngoài phòng khách, mời đoàn hát Tứ Hỷ đang trên đường tiến cung tạt sang phủ biểu diễn. Thiệp mời vừa phát, nghe nói tối qua tất cả đều phản hồi sẽ đến. Mấy vị phu nhân đều tranh nhau dẫn các tiểu thư đến góp vui..." Trong giọng nói anh ấy bớt đi vài phần phiền muộn: "Phúc phần của em quả thực không nhỏ."
------oOo------
/168
|