Sáng hôm sau, bốn người như thể đã thỏa thuận, gặp nhau là tránh đi, coi như không biết. Trong cung mời đoàn kịch và đoàn ca vũ về, dựng một đài cao, Đường Mật cùng Bạch Chỉ Vi đến từng nơi, tìm xem Trương Úy và Hoàn Lan có ở đó không. Dù biết không có nhưng nó vẫn bất an, điệu múa đẹp thế nào cũng không để tâm, tiếng ca ngọt ngào cũng như dao cắt vào tai, không ngồi được lâu là lại kéo Bạch Chỉ Vi sang chỗ khác.
Bạch Chỉ Vi cũng không yên lòng, bị Đường Mật kéo đi lung tung một lúc, lòng càng nóng nảy, liền giật tay áo nó: "Chúng ta kiếm chỗ nào ngồi nghỉ."
Cả hai vào một gian điện vắng người, lò lửa trong điện còn chưa tắt, giường vẫn vương hơi ấm, tựa hồ mới có người rời đi. Cánh cửa điện dày dặn vừa khép lại, ồn ào bên ngoài bị cách tuyệt, hai cô nhìn nhau ngồi lên giường.
"Chỉ Vi, đang phiền não gì hả?" Đường Mật lên tiếng trước.
"Không rõ, nếu nói rõ được thì không phiền não nữa." Bạch Chỉ Vi đáp: "Ta thấy bộ dạng của đầu to là lại phiền lòng, hận không thể cho y một gậy vào đầu, dù ta biết lúc đó nên giúp y trút bỏ nỗi lòng mới đúng. Còn ngươi, sao rồi?"
Đường Mật nói: "Ta hi vọng tất cả đều ở cạnh mình bạn bè, nhưng tối qua mới phát hiện không thể."
"Vì sao?"
"Vì sẽ có người muốn được nhiều hơn."
"Phải làm sao?"
Đường Mật thở dài, vùi mặt vào tay áo: "Không biết, nhưng tối qua ta xử lý không tốt. Ừ, mất hết tiêu chuẩn."
Giờ y hồi tưởng lại vẫn không hiểu nên làm thế nào mới đúng. Lúc đó nó đáp nhẹ tênh: "Đa tạ bất quá ta không đẹp như Linh Lung phu nhân." Rồi đi thêm mấy bước, giả bộ hào hứng xem hoa đăng, đoạn cùng Hoàn Lan giải đố xem mỹ nữ, không để y có thêm cơ hội mở miệng.
"Có người đến." Bạch Chỉ Vi nhảy bật lên, kéo Đường Mật vào sau màn.
Cửa điện kèn kẹt mở ra, một nội thị thò đầu vào, thấy không có ai mới vào hẳn, đi đi lại lại trong điện, liên tục nhìn ra ngoài như đang đợi ai.
Chừng một tuần trà sau, một nữ tử ăn vận theo lối cung nữ đi vào, nội thị bước tới hỏi: "Có dặn dò gì không?"
Cung nữ đưa một cái vòng trắng nhỏ xíu, hạ giọng: "Nhớ rõ hình dáng chưa?"
"Cô nương yên tâm."
"Được rồi, không hiểu hôm nay y có đến không, phu nhân đã dặn công tử nhà ta đến."
"Mong cô nương báo lại với phu nhân, chỉ cần y đến, tiểu nhân nhất định không thất thủ."
Đợi khi trong điện chỉ còn lại Đường Mật và Bạch Chỉ Vi, Bạch Chỉ Vi hỏi: "Tựa hồ là âm mưu gì đó ở hậu cung, chúng ta có nhúng vào không?"
"Tất nhiên mặc kệ, ai biết trong đó có những ân oán gì?" Đường Mật đáp: "Vũng nước đục giữa một toán nữ nhân và một nam nhân, chúng ta không nên nhúng vào."
Cả hai rời khỏi gian điện, mặt trời đã lên quá đỉnh đầu, bụng cũng đói rồi, bèn đi đến chỗ yến tịch. Yến tịch dành cho tân khách được bày theo thân phận mỗi người, hai cô đến tất sẽ gặp Hoàn Lan và Trương Úy, tránh cũng không được. Đường Mật đang không hiểu phải xử lý thế nào, thì một bóng người màu lam ung dung lướt tới, cười bảo nó: "Tại hạ về rồi."
Đường Mật xưa nay chưa từng thấy ai mà vui thế, lòng thầm hoan hô: Đại cứu tinh đến rồi, chỉ hận không thể lên ôm y, ngoài mặt nó vẫn cố giữ nụ cười khắc chế: "Tốt quá, Mộ Dung Phỉ, ngươi đến đúng bữa."
Đường Mật cho rằng hôm đó Mộ Dung Phỉ tuyệt đối đóng vai trò Chúa cứu thế. Nó không biết y có nhận ra bầu không khí thay đổi không, nhưng y vẫn cười nói, kể lại tình hình trên đường, bình phẩm mọi thứ, khiến tình cảnh vốn có thể trở nên khó xử tiêu tan vô hình. Dần dần, khi tất cả bình thường lại như trước, y mới tìm thời cơ thích hợp, kể lại kết quả điều tra. Bạn đang đọc truyện tại TruyệnYY - www.truyenyy.com
Y cân nhắc dùng từ, nói với Đường Mật: "Ta điều tra một vòng ở nước Triệu, như lời Trương Úy về Sử Thụy thì thân thế của y không vấn đề gì, y và hành vi của người nhà cũng hợp lý. Chỉ có điều xa phu bỏ đi nửa chừng đó đã chết, ngay ngày các ngươi rời huyện An Hưng, chết trên đường về nhà, quan phủ cho rằng gặp cướp phỉ. Bất quá, việc này có vấn đề, con đường đó chưa từng có cướp phỉ, hà huống, phỉ đạo đời nào cướp một cái xe không, chỉ có xa phu. Ta đã hỏi người nhà xa phu đó, họ không biết hôm đó y quay về, cũng không viết thư gọi y về. Nên khẳng định rằng xa phu bảo gia đình có việc là gạt các vị. Việc này, để hợp lý, chỉ có một cách giải thích."
Y nói đến đây, nhìn chúng nhân, nói với vẻ khẳng định: "Xa phu nhất định bị diệt khẩu rồi."
Đường Mật nghe được nửa đã đoán ra, nên không kinh ngạc tí nào: "Còn tình hình ở thôn đầu cầu thì sao?"
"Điều tra rồi, căn phòng các ngươi ở hôm đó và cả thôn đều bị đốt rụi, ngươi ở thôn trấn cạnh đó đều không biết xảy ra việc gì, vì nơi ấy từ lâu không có người ở." Mộ Dung Phỉ nói đoạn, phát giác thần tình mọi người đều trầm xuống, biết rằng không cần giải thích gì, quay sang hỏi Đường Mật: "Thủ pháp này khiến người ta nghĩ tới Ma cung."
Đường Mật gật đầu: "Đúng, người Ma cung chắc là vẫn biết hành tung của ta, bằng không chẳng vài lần đến bắt. Hơn nữa, di phụ của Bạch Chỉ Vi xuất hiện ở thôn đó vì truy theo ký hiệu liên lạc của người Ma cung. Chỉ là nếu thật sự do người Ma cung gây ra thì bỏ qua mọi việc, tại sao kẻ chủ mưu hiểu được việc lúc nhỏ của Mục điện giám như thế? Nên biết, hình vẽ trên giấy, thậm chí lúc đồ thôn cố ý hạ thủ nặng tay với con chó đều để lại manh mối khiến ta hoài nghi Mục điện giám. Nhưng hiểu được những thứ đó thì tất phải là người biết rõ huynh đệ Mục điện giám, đúng không?"
"Chưa biết chừng là nội ngoại câu kết." Bạch Chỉ Vi nói.
Đường Mật đột nhiên nghĩ đến cách dùng từ của Mộ Dung Phỉ, nhắc đến Sử Thụy thì nói "y và hành vi của người nhà cũng hợp lý". Nó biết Mộ Dung Phỉ cẩn thận, không bao giờ ước đoán hoặc nói lung tung, hiển nhiên câu này có thâm ý khác, bèn hỏi: "Hành vi của Sử Thụy và người nhà sao lại hợp lý, ý ngươi là còn phương thức khác giải thích hành vi của họ?"
Mộ Dung Phỉ nhìn nó, cảm giác giữa hai người có thể hiểu nhau không cần nói ra, niềm vi diệu này chỉ mình nó nhận ra, y bèn nói: "Đúng, hàng xóm cho biết, người nhà Sử Thụy từng tiêu pha rộng, hàng xóm hỏi thì bảo tiền do Sử Thụy cho, nhưng chỉ được vài ngày là trở lại như cũ, hàng xóm hỏi tiếp thì được đáp rằng nhi tử để lại không nhiều tiền lắm, còn phải để lại cho y cưới vợ, không thể tiêu pha bừa bãi. Việc như thế Sử Thụy cũng từng làm, hàng xóm bảo y trêu tên ngốc sống sát vách rằng tiền sinh ra tiền, cho tên ngốc đó mười đồng, nhưng sau đó tên ngốc tìm y thì y bảo tiền không sinh ra được nữa. Tại hạ nghi hoặc nên nhân lúc nhà y không có ai, lén vào tìm, phát hiện quả không có thứ gì đáng giá, là gia đình bình thường mà thôi. Nên đúng như Sử Thụy nói, chỉ là tiền thắng bạc thôi mà. Nhưng…"
Mộ Dung Phỉ hơi ngừng lời: "Nhưng nếu có người cho Sử Thụy một món tiền lớn thì việc này có thể giải thích như sau. Ban đầu họ thấy tiền thì hưng phấn quá nên mới tiêu nhiều, sau đó được cảnh cáo không được để ai chú ý nên mới thu liễm, ngay cả gia đình cũng không mua thêm vật gì. Còn một cách giải thích hợp lý là có người cho Sử Thụy một món tiền lớn nhưng ứng trước một phần, còn lại đợi khi y hoàn thành công việc mới trả, còn người nhà y đã nhận được rồi."
Đường Mật gật đầu lia lịa, nó để Mộ Dung Phỉ đi điều tra việc Sử Thụy vì chỉ y là người không dễ để cảm tình xen vào phán đoán, đồng thời lại chu toàn mọi sự, xem ra hiện giờ bản thân y cũng cho rằng Sử Thụy khó lòng trong sạch.
Trương Úy nhíu mày, nhưng thấy cả Bạch Chỉ Vi và Hoàn Lan đều tỏ vẻ đồng ý, Đường Mật và Mộ Dung Phỉ đều giỏi ăn nói, gã muốn biện giải cho Sử Thụy vài câu cũng không lấy đâu ra chứng cớ, đành nhẫn nại đợi xem sao.
Đường Mật nói: "Giờ cần đến nước Triệu một chuyến trước khi về Thục Sơn, một là cần hồn thú của Hoàn Lan lấy tin ở chỗ Ngạn Thượng, nghe nói nàng ta thường xuất hiện ở nước Triệu. Thứ hai, Ngụy vương nói năm xưa ba nước đánh vào vương cung nước Triệu chỉ đoạt tài bảo mỹ nữ, nhiều thư tín của Hoa Tuyền vẫn còn tùy tiện vứt trong cung, nhờ cơ duyên mà Ngụy vương đã đọc qua một ít, xem ra còn lại vẫn chưa bị hủy, chúng ta mà tìm được, chưa biết chừng sẽ lần ra manh mối vì sao hồn thú không tiêu vong. Còn nữa, nước Triệu là sào huyệt của Ma cung, ta đang nghĩ ra một kế sách, đến lúc thì chúng ta cứ theo thế hành sự, may ra tóm được kẻ chủ mưu."
Buổi trưa là lúc chơi mã cầu, năm nào Hoàn Lan cũng là chủ tướng, năm nay thấy Mộ Dung Phỉ, Bạch Chỉ Vi và Trương Úy vừa hay tổ thành một đội liền kéo họ đi cùng.
Bốn người đổi sang trang phục cưỡi ngựa màu trắng, dắt ngựa đến sát sân đấu, hai bên tụ tập không ít khán giả, chỉ riêng đài dành cho Ngụy vương và vương hậu là còn trống. Đường Mật đứng bên ngoài, trang phục đỏ rực của kiếm đồng nổi bật trong rừng áo hoa hòe của các cung nữ, lớn tiếng hô: "Các đồng chí cố lên."
Bốn đồng bạn cùng bật cười, Mộ Dung Phỉ bảo: "Cũng may người khác không hiểu, bằng không mất mặt lắm."
"Đường Mật nói gì vậy?" Sau lưng họ chợt vang lên giọng nói.
Bốn người ngoái nhìn, Tư Đồ Thận và ba thiếu niên khác dắt ngựa, cầm gậy đánh đứng đó, mỗi người đều mặt áo đen, chính là trang phục đối thủ của bọn Mộ Dung Phỉ.
Thấy Tư Đồ Thận, thần sắc Trương Úy ảm đạm hẳn, Bạch Chỉ Vi liếc gã, ghé sát tai: "Đầu to, vốn ta định dùng gậy gõ vào đầu ngươi nhưng giờ đổi ý."
Mộ Dung Phỉ không hiểu việc xảy ra đêm qua: "Chỉ là những từ trợ uy mà Đường Mật tự nghĩ ra. Ngươi cũng ở đây hả, xảo hợp quá."
Tư Đồ Thận có vẻ kiêu ngạo: "Đúng, ta đến thăm huynh trưởng, à, Quân Nam Phù cũng đến xem." Đoạn chỉ ra ngoài, quả nhiên thấy Quân Nam Phù đứng cách Đường Mật không xa, y phục màu trắng nổi bật hẳn lên.
Tỷ thí bắt đầu khá hấp dẫn, các thiếu niên đều là cao thủ, đội của Tư Đồ Thận hiển nhiên có tập luyện trước, phối hợp cực kỳ nhuần nhuyễn. Nhưng bốn người đội Hoàn Lan đều xuất sắc, đặc biệt là kỹ nghệ cưỡi ngựa của Trương Úy như được sinh ra trên yên ngựa, khiến chúng nhân khen ngợi mãi.
Rồi đội Hoàn Lan dẫn trước, đội Tư Đồ Thận bắt đầu cuống lên, mùi "thuốc súng" lan khắp toàn trường. Bạch Chỉ Vi nắm lấy cơ hội ngăn chặn Tư Đồ Thận, vung gậy đánh đập vào quả cầu da mà Tư Đồ Thận đang điều khiển, thật ra cô uốn cổ tay đập cho y một đòn. Tư Đồ Thận nổi giận, vung gậy trả đòn, Trương Úy đang lướt tới trông thấy, liền giật cương giơ gậy ngăn lại.
Bạch Chỉ Vi đoạt lấy quả cầu, chuyền cho Mộ Dung Phỉ. Tư Đồ Thận tưởng rằng hai người đối phương đã tính trước phương pháp hạ lưu này, càng thêm giận, lại tấn công Bạch Chỉ Vi. Cô quay đầu ngựa, sau lưng hoàn toàn lộ ra, không còn năng lực phòng bị, Trương Úy lại đến cứu, không ngờ Tư Đồ Thận đã liệu trước dã hành động thế nên thu gậy ở lưng chừng không. Trọng tâm của gã đã rướn tới quá nhiều, không kịp thu lại, ngã luôn xuống ngựa.
Khán đài hô lên kinh ngạc, cho rằng gã ngã xuống, ai ngờ lớp bụi tan đi, một chân gã vẫn móc lấy bàn đạp, treo lơ lửng trên yên. Gã uốn bụng thẳng người lại, định quay về yên ngựa, không ngờ con ngựa chợt nhảy lên không hí vang rồi đáp xuống đất, bắt đầu phát cuồng đá loạn xạ.
Cũng may Trương Úy chưa bò lên lưng ngựa, cách mặt đất rất gần, cộng thêm quả cầu được Bạch Chỉ Vi chuyền đi, chung quanh không bị thớt ngựa nào quấy nhiễu, gã nhắm chuẩn cơ hội lăn xuống đất, tránh khỏi thớt ngựa phát cuồng.
Đường Mật đứng ngoài cũng đầm đìa mồ hôi, biết nếu lúc đó mà có kỵ thủ khác ở gần thì Trương Úy tất đã bị giẫm nát. Nó định chạy đến thì thấy Quân Nam Phù đã chạy trước, lập tức kéo đối phương lại: "Đừng đến đó, nguy hiểm."
Quân Nam Phù hất tay, không ngờ bị giữ chặt, liền bảo: "Ta đến xem thử, lẽ nào ngươi không lo."
"Lo chứ, bất quá ngươi đến thì ta càng lo." Đường Mật đáp, thấy cung nhân và Bạch Chỉ Vi đưa Trương Úy đi, nó mới thở phào.
Không lâu sau Bạch Chỉ Vi thần sắc ngưng trọng đến trước mặt. Đường Mật tưởng Trương Úy xảy ra việc gì, hỏi: "Đầu to sao rồi?"
"Không sao, chỉ bị thương ngoài da." Bạch Chỉ Vi kéo nó đến chỗ không người, xòe tay cho nó xem.
Tay cô phủ một lớp dầu mỏng, Đường Mật không hiểu: "Tay ngươi có dầu, sao thế?"
"Ta phát hiện thứ này dưới yên ngựa của đầu to." Bạch Chỉ Vi nói: "Hiện giờ là mùa đông, nếu dùng dầu mỡ đông lại bọc lấy độc châm rồi nhét xuống yên ngựa, khi ngựa chạy nóng lên, dầu mỡ tan ra, độc châm sẽ cắm vào lưng ngực. Đường Mật, ngươi còn nhớ trưa qua chúng ta thấy nội thị đó không, ta gặp hắn ở chuồng ngựa, hóa ra chuyên môn trông nom nơi đó."
Đường Mật hít sâu một hơi khí lạnh: "Xem ra chúng ta phải đến nước Triệu rồi."
Bạch giang chảy xiết từ tây sang đông xuyên qua vùng đất này, bờ nam con sông là nước Triệu.
Toán Đường Mật dừng chân ở bên đò bờ bắc, thấy một con thuyền chở khác từ từ trôi đến, đầu thuyền có một thiếu niên áo lam, thân hình cao ráo, chính là Lý Lý ăn vận nam trang.
Không đợi thuyền đỗ hẳn, Lý Lý đã điểm chân xuống lướt về phía bọn Đường Mật, cười hỏi: "Ta không đến muộn."
Đường Mật cũng vui vẻ: "Không đến muộn, kỳ thật ta không lo về ngươi, chỉ lo lắng về tốc độ đưa tin của Hành Trì."
Lý Lý móc Hành Trì vẫn ngủ say tít trong tay áo ra đưa cho Đường Mật: "Việc ngươi nhờ nghe ngóng, ta ghi cả trong này." Đoạn lại móc một mảnh lụa trắng đầy chữ đưa cho nó: "Nên nhớ ở nước Triệu không được tùy tiện nhắc đến Ma vương. Đấy là nhà của Ma vương, ở đấy chia thành hai phái, một cực kỳ sùng bái vì dưới thời nàng ta trị vì, nước Triệu có cương thổ rộng nhất, Hàm Đan là đô thành tối phồn hoa dưới gầm trời này, cũng là năm tháng vinh diệu nhất của người Triệu. Một phái cực kỳ ghét nàng ta, bởi ma tướng và ma binh thủ hạ của nàng ta giết người như ngóe, phong bế mọi tự miếu, sau cùng mới khiến ba nước liên quân, tạo thành cục diện hiện thời của nước Triệu."
Cục diện hiện này của nước Triệu thì chúng nhân đều biết sơ qua, tuy cương thổ nước Triệu đứng đầu bốn nước nhưng từ hơn trăm trước đã bị ba nước phân chia mất không ít thành bang. Đối với nước Triệu, mất lãnh thổ không gây tổn thương nguyên khí nhiều nhất mà sau khi Hoa Tuyền chết, quân vương được ba nước dựng lên cực kỳ yếu đuối, chính lệnh của vương quốc không được địa phương chấp hành, quân đội cũng không duy trì nổi trị an. Ban đầu, các đại địa chủ có thực lực để tự bảo vệ đầu thành lập bảo an đoàn riêng, những bảo an đoàn này mạnh dần, tiếp quản trị an từng nơi, còn các đại địa chủ biến thành quân phiệt một phương, trên danh nghĩa vẫn trung thành với Triệu vương nhưng thực ra có thể chế thu thuế và quản lý độc lập, gần như là một nước riêng trong vương quốc. Di phụ Lục Triệt của Bạch Chỉ Vi là một quân phiệt rất có thực lực.
Vì nguyên nhân này, đi lại trong nước Triệu khá phiền phức, từ thành trấn này sang thành trấn khác cần đổi thông điệp, cũng may Côn Bằng bang của ông ngoại Lý Lý là địa đầu xà ở Bạch giang, có cô đi cùng, chúng nhân đi lại dễ dàng trên sông, chuyển sang nhánh lớn nhất của Bạch giang là Hàm giang, mất ba ngày là đến được Hàm Đan.
Lý Lý chia tay bọn Đường Mật ở bến đò, lúc đi còn móc ra một khối thạch bài làm từ đá trứng ngỗng ở ven Bạch giang, điêu khắc một con cá một con chim, chính thị tiêu ký của Côn Bằng bang.
"Giữ cho kỹ, chỉ cần ở Bạch giang hoặc sông nhánh, đưa cho bất kỳ thuyền nhân nào đều được giúp đỡ. Các ngươi cẩn thận, gặp lại ở Thục Sơn." Lý Lý nói đoạn, vòng tay ôm quyền với các nam hài, nhảy lại thuyền, từ từ đi xa.
Hàm Đan thành tựa theo thế núi, phân thành ba phần, lão bách tính phổ thông đều cư trú trên đồng bằng dọc bờ Hàm giang, tường thành cũng không xây theo lối mở, dưới chân núi được tường thành xám xịt hợp lại, men theo sườn núi là vương thành, nơi ở của quý tộc và quan lại. Lưng chừng núi là tường đỏ rực vây lấy cung thành của quân vương. Cả nhóm đứng ở bến đò, loáng thoáng thấy được bức tường đỏ sậm, hòa cùng điện vũi rải rác phía trong, nóc điện thếp vàng, ánh lên màu vàng chanh rực rỡ dưới ánh nắng, phản chiếu vào màn sương chưa tan hết trong núi, tạo thành vầng ráng hoặc đậm hoặc nhạt, như nơi thiên thần cao cao tại thượng cư trú.
Đường Mật cảm thán: "Quả nhiên, phong thủy thành này không lợi cho quân vương."
/106
|